Sunday, February 27, 2011

VÒNG TỤC LỤY

VÒNG TỤC LỤY
Khiêm Cung


Vợ chồng Thiện Nhân thường hay có sự bất đồng. Anh nói gì vợ anh cũng cãi. Anh mua món gì vợ anh cũng chê, không tốt, không ngon, quá mắc. Chị thường nói tại anh là đàn ông, “mấy con mẹ bán hàng” thấy mặt khù khờ bán đồ vừa xấu vừa mắc. Anh làm việc gì, vợ anh cũng chê chậm, chị thường chê anh “cà mà cập mập”, lò mò, rờ rờ. Chị nói “Sao đi lâu quá vậy ?”, “làm gì lâu quá vậy ?”. Nhiều khi anh bực mình, đổ quạu, nhưng kềm lại được, vì sợ người ta nói vũ phu hay bạo hành trong gia đình.
Anh tuổi thìn, vợ anh tuổi thân, thân, tý, thìn tam hạp, mà cứ khắc khẩu với nhau. Hục hặc như vậy chớ vợ chồng ăn ở với nhau hơn ba mươi năm, có mấy mặt con. Sắp nhỏ đứa có gia đình, đứa có người yêu.

Có lúc giận nhau bầm gan tím ruột, nhưng vì thương mấy đứa con, không nỡ đưa nhau ra tòa ly di. Trái lại vợ anh hay nói, hay nhằn, gần như nếu không nhằn thì ăn không ngon ngủ không yên. Nhằn đối với vợ anh là một việc cần thiết mà chị không thể không làm, nhằn mỏi miệng rồi thôi, anh có xích lại gần, vợ anh cũng không xua đuổi.

Kinh nghiệm cuộc sống cá nhân từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành tác động không nhỏ đến tánh tình và nhân cách. Vợ chồng Thiện Nhân cũng không ngoại lệ.

Thiện Nhân ở thôn quê, vùng xôi đậu, thuộc ‘phía quốc gia, có pha kháng chiến”, mồ côi cha lúc lên hai tuổi. Lúc đó mẹ Nhân đang mang thai, vài tháng sau sanh một đứa con gái. Vì Thiện Nhân là cháu đích tôn được bên nội cưng, đem về nuôi. Quân Pháp thường mở cuộc bố ráp, càng quét nơi làng quê của Nhân và cho máy bay oanh tạc, mẹ Nhân bồng đứa con gái tảng cư, mất liên lạc với gia đình bên nội Nhân. Về sau mẹ Nhân vì cuộc sống khó khăn, đã tái giá.

Ông nội Nhân mất, còn hai chú tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp, gởi Nhân vào chùa. Sư trụ trì rất thương Nhân, cạo đầu cho Nhân, chừa ba vá. Ở nhà quê muỗi mòng như sáo thổi. Nhân còn đái dầm, sư phụ sợ Nhân ngủ chung với người khác sẽ gây phiền phức cho người ta, nên để Nhân ngủ với sư phụ. Mùng của sư phụ may bằng vải the cũ, rách quá nhiều chỗ, sư phụ vá bằng giấy nhựt trình dán hồ. Mấy chú tiểu lớn ngủ nóp, làm bằng đệm bàng, may bít hai đầu, chừa cửa giữa để chui vào nằm. Hằng ngày thầy trò tương rau hẩm hút, thỉnh thoảng được ăn cơm với trái cây cúng dường, xoài chín hoặc dưa hấu. Cuộc sống thanh bần, thư thả, không cần bon chen bay nhảy.

Còn vợ Nhân là Thơ, sanh ra trong một gia đình buôn bán, khá giả. Chị là con trưởng, khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang, coi trong coi ngoài hãng sản xuất đồ gia dụng bằng nhựa hiệu Kim Tinh ở Sài Gòn, chỉ huy mấy chục công nhân và là tay hòm chìa khóa của ba chị. Chị rất quán xuyến công việc, công nhân răm rắp làm theo mệnh lệnh của chị.

Lúc Nhân được mười bảy tuổi, sư phụ gởi Nhân lên Sài gòn để vừa tiếp tục học chữ, vừa học đạo ở một ngôi chùa lớn. Nhân có dịp làm thị giả hầu quý vị cao tăng. Nếp sống ở thủ đô ồn náo hơn ở quê, Nhân bận rộn suốt ngày. Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ chùa lắm mà mỗi năm mới có dịp về thăm một lần, có năm không về thăm được lần nào.

Đầu thập niên 60 phong trào tranh đấu Phật giáo cuốn hút Nhân, anh trở thành một liên lạc viên của phong trào.

Nhân tốt nghiệp lớp 12. Sau ngày 30/04/1975, Nhân xả giới để ra đời và đi làm công nhân ở hảng sản xuất đồ nhựa Kim Tinh.

Là một thanh niên có học đạo và có trinh độ học vấn ngoài đời, lại làm việc cần cù, vui tính, Nhân được chủ rất thương, cô chủ nhỏ cũng cảm tình. Dần dần Nhân và Thơ có tình ý với nhau. Từ nhỏ Nhân sống trong thiền môn nhiều hơn sống ở ngoài đời, chưa hề biết tình yêu là gì. Nhưng bây giờ làm việc gần gũi với một phụ nữ, tự dưng Nhân cảm thấy lòng mình có cái gì xao xuyến. Nhân nhớ lời thầy tổ dạy “tu là cội phúc, tình là dây oan”, vậy mà bây giờ anh có phần lơ là với cái tu anh đã học và thực hành bao nhiêu năm, mà bận bịu với chữ tình. Tình là cái gì mà nó làm cho đầu óc anh điên đảo, đi đứng nằm ngồi anh đều thấy hình ảnh của Thơ hiện ra trong đầu. Nhớ ngày xưa ở chùa, quý thầy dạy anh phải tập thiền trong mọi hoàn cảnh, đi đứng nằm ngồi. Thơ đã thay cho thiền, tình đã thay cho tu.

Có lẽ không ai khắc khe phê phán Nhân đã say đắm. Đó có phải là luật tự nhiên? Nam cũng như nữ, ai cũng biết lập gia đình là ràng buộc, nhưng rốt cuộc ai cũng có vợ có chồng. Người ta nói mọi người bị nghiệp dẫn, ở đây là nghiệp truyền giống, nó làm cho người ta có tình yêu và thu hút nam gần với nữ. Không biết thuyết đó có đúng hay không? Nếu đúng thì quái nghiệp gì đã thu hút hai kẻ đồng tính luyến ái chung sống với nhau?

Lễ cưới của Nhân và Thơ tổ chức khá long trọng theo nghi thức cổ truyền chớ không phải là lễ tuyên bố đơn sơ. Qua năm sau họ có đứa con trai đầu lòng. Gia đình họ vượt biên thành công đến trại tị nạn Ga Lăng.

Sống những ngày kham khổ nơi trại tạm cư, Nhân nhớ sư phụ và ngôi chùa nghèo nơi quê cũ. Nhưng đến ngày lên máy bay đi định cư ở nước thứ ba Nhân được tin sư phụ của anh viên tịch. Nhân ngậm ngùi nhớ đến ân tình của sư phụ đã cưu mang, đùm bọc Nhân từ thuở ấu thơ cho đến khi khôn lớn. Ý nguyện của Nhân những ngày sống ở nước ngoài sẽ tùy phương tiện giúp đở sư phụ, ý nguyện đó đã tan vỡ.

Đời sống ở nước thứ ba thoải mái, dễ chịu, lao động “ná thở”, nhưng mức thu nhập cao. Thơ ở nhà vừa lãnh đồ may vừa coi con. Nhân ban ngày đi làm công nhân, chiều về phụ may với vợ. Họ bị đô la hành. Đô la chạy trước, vợ chồng Nhân hụt hơi chạy theo sau. Chủ hảng may hối thúc giao hàng, vợ chồng phải may ngày may đêm, quên ăn, quên ngủ. Vất vả quá, Thơ lại gắt gỏng, cằn nhằn. Bao nhiêu bực mình đổ trút lên người Nhân.

Nhiều khi Nhân nghĩ không biết có phải mình bị trả quả, ăn của đàn na tín thí mà tu không tròn, còn nhảy vào vòng tục lụy, nên bây giờ mình phải chịu nghiệp chướng hay kiếp trước mình có thiếu nợ hoặc gây phiền hà gì cho Thơ, kiếp này mình phải trả hay không. Để điều dưỡng tâm, anh ngồi thiền. trong đêm tối anh ngồi kiết già, không suy nghĩ viễn vong, nhưng những tạp niệm cứ nổi lên trong đầu, giống như những tăm hơi từ các vũng sình phụt lên không ngừng nghỉ, tâm anh luôn luôn xao động. Có những buổi chiều, anh chắp tay sau lưng, đi dạo quanh sân sau nhà, từ bụi bông này sang bụi bông khác, từ cây này sang cây khác, anh dừng lại cây bưởi bắt đầu trổ nụ, đơm bông, anh quan sát từng cành, từng nhánh bưởi xem có cành nhánh nào trổ nụ nữa hay không. Anh nôn nóng cho cây bưỡi trổ nụ thật nhiều, nụ sớm biến thành bông, bông sớm biến thành trái, trái sớm chín trên cây. Anh đã làm trái với thiền, trái với lẽ tự nhiên của trời đất. Sự nôn nóng của anh không làm cho bưỡi trổ nụ, nở hoa hay thành trái… sớm hơn, trái lại làm cho tâm anh thêm động. Bất giác Nhân nhận ra điều đó, anh từ từ buông xả tất cả, không còn chấp ta, chấp người, phiền não dần dần tan biến, anh vươn vai hít thở thật sâu, thưởng thức mùi thơm dịu của hoa bưởi, sảng khoái vô cùng, anh nhớ lại lời sư phụ dạy: “Vô ngã là niết bàn”, rồi anh tự hỏi:
-Liệu có cách nào biến vòng tục lụy thành gia đình hạnh phúc?
Rồi anh tự trả lời:
-Chắc chắn là có.

No comments:

Post a Comment