Sunday, February 27, 2011

DU NGOẠN HÀ TIÊN

DU NGOẠN HÀ TIÊN
Dương Văn Chung

Non nước Việt Nam có nhiều cảnh đẹp để đi du ngoạn, chuyến này tôi chọn Hà Tiên, đi bằng đường bộ từ Sài Gòn về miền Tây, ngang qua ngả Tri Tôn. Tuyến đường này gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm tuổi học trò và trong thời gian tại ngũ. Tôi cũng muốn nhân chuyến đi, nhìn lại những nơi mình từng sống thay đổi ra sao. Vì đi đoàn, nhà tôi và tôi không chủ động đi thăm tất cả các nơi mình muốn, về giờ giấc cũng không hoàn toàn theo ý của mình.

Đoàn ghé thăm nhiều nơi. Tôi xin chỉ lược ghi một số nơi tiêu biểu.

Ở Châu Đốc đoàn được dịp đến thăm làng Chăm ở Hà Bao, phía Cồn Tiên-Đa Phước.
Mọi người thích thú xem mấy cô người Chăm sử dụng khung cửi tay bằng gỗ, dệt hàng để may những chiếc xà-rong, khăn choàng tắm sọc, khăn đội đầu và quàng cổ…nhiều màu sắc rực rỡ, đẹp mắt. Nơi đây cũng bày bán nhiều món quà lưu niệm.



Người Chăm rất chất phác, hiền hòa, vui vẻ, hiếu khách. Đoàn du ngoạn rời làng Chăm mà lòng còn nhớ mãi sự tiếp đón niềm nở của bà-con trong làng.

Tiếp theo, đoàn đi Núi Sam viếng Miểu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An và Lăng Thoại Ngọc Hầu. Vùng này đã phát triển thành khu du lịch qui mô, náo nhiệt, có nhà trọ, khách sạn với đầy đủ tiện nghi, những quày hàng bán đồ cúng, nhang đèn và hoa để chung một gói. Có những bảng quảng cáo “Nhận quay heo”, xe lôi trực sẵn bên đường để đưa khách. Tiếng rao hàng và tiếng trò chuyện không dứt. Người thập phương, tứ xứ quy tụ đến vay tiền của Bà và đến ngày vía Bà đến cúng để trả lễ.

Sự hiển linh của Bà Chúa Xứ, huyền cơ và đức độ của Đức Phật Thầy Tây An, cũng như công trạng của Ngài Thoại Ngọc Hầu có nhiều tác giả đã nói rất đầy đủ, cho nên trong khuôn khổ hạn hẹp của bài tường thuật này, nếu nhắc lại, chắc chắn sẽ thiếu sót so với những tài liệu đã có sẵn.

Có điều lạ đáng ghi nhận là phía trước miếu Bà bây giờ có hai pho tượng sư tử, hồi trước không có. Nhiều người đến đó khấn vái, lấy tay rờ đầu, rờ cổ sư tử, rồi vuốt vào đầu cổ, mình mẩy của mình để cho hết bệnh. Phải chăng đây là một “hệ luận” giống như trong toán học, Bà linh thì tượng sư tử giữ miếu cũng linh. Biết đâu sự tin tưởng, dù mê tín hay chánh tín, có thể làm cho người ta an tâm, bớt bệnh?

Ngày thứ nhì đoàn khởi hành đi Hà Tiên qua ngả Tri Tôn. Tôi háo hức trong lòng vì sẽ được nhìn lại Nhà Bàng, Núi Két, Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng và Tri Tôn, quê nhà của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa.

Thay đổi nhiều quá. Tôi cố tìm cái quán hủ tiếu rất đông khách nơi góc chợ Nhà Bàng, ngay mặt tiền đường, mà chiếc xe đò chở tôi đến nhận công tác tại Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng đã ngừng lại đó để khách ăn sáng, quán cột cây, vách ván, mái tôn. Nay nơi đó là một dãy phố lầu, nhà cửa đều cất lại.

Xe chạy tiếp qua ngang Núi Két, trước kia con đường này nhiều lúc bị đấp mô, phải đợi công binh đến phá mô xe mới chạy qua được. Phải có cuộc hành quân mở đường mới vận chuyển lương thực, tiền bạc đến được Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng. Nay không còn chiến tranh, đi lại dễ dàng hơn. Vùng Núi Két cũng được chỉnh trang thành khu du lịch.





Qua khỏi Văn Giáo thì tới khu Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng cũ. Bên ngoài trung tâm lúc bấy giờ là Chợ Voi thuộc xã Tú Tề huyện Tri Tôn. Nhà cửa chợ này cũng cất lại. Cây cối và cái cổng doanh trại bộ đội che khuất khu Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng.

Qua khỏi khu Chợ Voi, đoàn dừng lại nơi một quán bán nước thốt nốt bên đường. Mỗi người uống một ly vừa nước vừa cái thốt nốt. Cái thốt nốt trắng đục, nước thốt nốt rất trong, nhưng không có mùi khói. Nhớ ngày xưa, người Miên thường gánh những ống tre màu đen, ống dài cỡ 5 tấc, ống ngắn cỡ 1 tấc rưỡi, đựng nước thốt nốt nguyên chất, rất ngọt và thơm mùi khói. Nhân khi nấu nước thốt nốt, ngưới ta để hơ các ống tre chung quanh lò nấu cho ống khô. Do đó ống đựng nước thốt nốt có mùi khói. Không có mùi khói thì nước thốt nốt chỉ có vị ngọt giống như nước đường, “hữu vị vô hương”. Nước thốt nốt dùng để làm đường tảng, đọc trại ra thành đường táng, đúc thành từng bánh tròn, dẹp, thơm hơn đường mía. Cây thốt nốt mọc ở biên giới Việt-Miên hoặc ở trên đất Miên, sâu trong nội địa Việt Nam không có cây thốt nốt.




Rời quán thốt nốt, xe chạy khoảng 5 km nữa tới thị trấn Tri-Tôn. Xe chạy thoáng qua. Nhưng nếu xe có ngừng lại, tôi cũng không thế nhận ra đây là “Xà-Tón” tôi đã từng đi qua trong những chuyến công tác ở Long Xuyên. Hèn gì sau khi về thăm quê lần đầu, anh Lưu Nhơn Nghĩa cho biết đã thất vọng, không tìm thấy một dấu vết kỷ niệm nào. Rồi xe quẹo phải, chạy dọc theo kinh Tám Ngàn trực chỉ Hà Tiên.

Đến Hà Tiên đoàn đến thăm Chùa Hang, xem Hòn Phụ Tử. Nay thì Hòn Phụ đã gãy ngang, chỉ còn Hòn Tử đứng trơ một mình. Người ta nói đùa là đã quá già nên phụ chết, còn để lại đứa con mồ côi.



Đoàn được đi thăm lăng của Mạc Cửu và gia đình họ Mạc, những công thần của nhà Nguyễn, đã mở mang bờ cõi nước ta về phương Nam. Từ khu mộ người ta có thể nhìn thấy phía sau là non Bình san, phía trước là Đông hồ và hai ngọn núi Tô châu, Tô châu nhỏ và Tô châu lớn. Nhắc đến những địa danh nầy, tôi chợt nhớ đến bài thơ song thất lục bát Nhớ Rằm Tháng Hai của Đông Hồ Lâm Tấn Phác, vừa nhẹ nhàng, vừa tình tứ, lãng mạn:
Non Bình san lững lờ bóng nguyệt,
Nước Đông hồ man mác hơi may.
Cũng rằm năm ngoái tháng này,
Cũng trăng, cũng nước non này năm xưa…

Có hai nơi đoàn đến mang một ý nghĩa đặc biệt đối với riêng vợ chồng tôi: Mũi Nai và Thạch Động. Sau ngày cưới, chúng tôi đã đi Hà Tiên và có đến thăm hai nơi này.

Ở Mũi Nai ngày đó chỉ có hai đứa tôi trên bãi biển. Tôi hỏi một bà người Miên, cư dân nơi đó, sao hôm nay bãi biển vắng người, bà nói:
-Hôm nay là ngày hai mươi ba, tam nương, không ai dám đi chơi bãi biển.



Nơi đến kế đó là Thạch Động. Nhớ lần đó chúng tôi từ xa ngước nhìn lên cửa Thạch động, có một cụ già mặc áo màu vàng của một nhà tu đạo Phật, nhưng để râu, để tóc bạc phơ. Gió hiu hiu thổi, lay động nhẹ tà áo và râu tóc của cụ, trông như một vị tiên. Chúng tôi vừa lên đến cửa thạch động, cụ hỏi chúng tôi từ đâu đến. Chúng tôi nói từ Châu đốc. Cụ cho biết cũng có một người bạn thân ở đó. Hỏi tới hỏi lui được biết người bạn của cụ là em ruột của ông nội tôi.

Trong Thạch động có một cái hang. Người ta nói hang ăn thông ra biển. Nếu bỏ một trái dừa xuống hang, trái dừa sẽ trôi ra biển. Chuyện này chưa ai kiểm chứng. Thạch động còn dính liền với truyền thuyết có một nàng công chúa bị chằn tinh bắt đưa xuống hang thạch động, được Thạch Sanh cứu về.

Bốn mươi chín năm nhìn lại, tính từ chuyến đi Hà Tiên sau ngày cưới đến chuyến đi lần này, thấy con người có thay đổi nhiều theo thời gian, nhưng tinh thần vẫn như ngày nào, vẫn hai người thuở trước đứng trên bãi biển Mũi Nai và leo lên Thạch Động, chỉ tiếc không còn gặp được ông cụ mặc áo màu vàng.

Sydney, tháng 05/2008

No comments:

Post a Comment