Sunday, February 27, 2011

Ðường trong bóng khuất

Ðường trong bóng khuất
Hoài Ziang Duy

Dĩ nhiên là có chuyện cần Cư mới làm một chuyến công du, đối tác. Nghe qua cứ tưởng anh chàng Hải Cư có một tầm vóc quan trọng thật.
Không quan trọng sao được khi mà cả hai bên coi anh như bửu bối gối đầu nằm. Bên gia đình mẹ cha thì là lần đầu trở lại. Xa quê hương nhớ mẹ hiền, cũng đủ tỏ rỏ tấm lòng hiếu thảo ở anh. Có điều ông bà cứ cằn nhằn cái cảnh một công đôi việc lúc nầy. Mẹ anh mừng hơn ai hết, sớm muộn có cháu ẵm cháu bồng mai kia. Ba anh có vẻ nghi ngờ. Mầy đứa em thì ý kiến. Sao kỳ vậy. Anh Hai về, có chuyện gì gấp rút cưới vợ mang qua bên đó vậy. Hồi nào tới giờ chỉ nghe anh nói ở điện thoại gọi về. Tưởng nói chơi lần nầy anh Cư làm thật.
Như đã bao lần Cư làm gì cũng lơ lơ lững lững. Chuyện bảo lảnh anh em qua sống chung xứ người, dể vậy mà anh cứ bảo chờ. Ðâu ai biết vấn đề tài chánh làm anh ngượng ngùng đủ thứ. Theo anh, nhà còn sống được thì cứ thở hơi mà sống. Sang xứ nầy không có cảnh ngồi ăn cơm chung cả nhà, rồi xỉa răng chờ giấc ngủ trưa. Gia đình nói gì cũng không chịu hiểu. Cứ tưởng anh ích kỷ, muốn độc quyền vấn đề định cư. Chẳng qua tính ít nói, cơ hồ như không thèm nói tới chuyện người khác, làm anh ít có bạn bè. Cái thú cô độc trong cõi đời nầy đôi khi lại là nhân sinh quan sống, lập thân một mình một ngựa, tự trọng lấy mình. Với anh công danh tạm ổn, đường tình duyên vẫn cứ một mình lẽ bóng. Hồi ở trung học không cặp kè được, học lên ra trường, ai nấy, có sạn trong đầu, làm cái gì cũng tính toán. Tình yêu chạy đi đâu mất. Làm sao có lãng mạn một thời hương nồng bóng sắc. Chỉ có thực tế chan hòa, tiền bạc việc làm ăn ở. Năm qua, tháng lại tưởng chơi, tình yêu sớm chậm cũng tới. Vậy mà khôn lường khó kiếm. Cô nào gặp qua, không nhỏng nhẻo xí xọn, thì thật thà chất phác, đâm ra khó cho buổi chợ chiều .Ðó là nói chuyện kiểm tra ban đầu về lý lịch việc làm nhà cửa ăn ở.
Cho đến cái ngày định mệnh. Anh đọc được lời rao trên mạng. Cô gaí đứng tuổi, cần tìm ý trung nhân, nếu được tiến tới hôn nhân, đi xa một chuyến, tiền bạc hậu tạ đầy đủ. Liên lạc email để cảm thông.
Anh bắt đầu bắn tin làm quen. Câu rao lãng mạn lại có hậu ta làm anh vừa ý và tò mò hơn .Theo nghi thức xã giao ban đầu, thông báo tên tuổi. Nàng tên Trân Trân. Còn phần anh theo tên Mỹ đọc là Hai Cu.
Tưởng anh mất dạy, vô học xàm sở. Nàng đi một màn lên lớp theo quan điểm xã hội chủ nghĩa. Anh phải một màn thanh minh đính chánh. Cái khổ tâm nầy phải hiểu dùm anh. Cái chuyện không bỏ dấu thì là vậy. Thật ra tên anh là Hãi Cư Hồ, nghĩa là lấy biển làm nhà. Phải chăng từ cái tên định mệnh nầy, mà cuộc đời anh lênh đênh ba chìm bảy nổi theo sóng gió cuộc đời. Cái hôm anh có ý định làm quen, trùng hợp lần đầu tiên anh thấy giống chim làm tình ở trước ban công sở làm. Một mình con chim đực, cứ nhảy lên nhảy xuống lên mình năm sáu con cái.
Nghĩ cũng mắc cười hồi nào tới giờ ở quê nhà có bao giờ anh mục kích. Vậy mà ở xứ trời đất bao la văn minh rộng rải, đúng lúc nầy lại khơi khơi trước mắt anh, như thể ý trời định thể. . Bao năm tháng qua đi. Cuộc sống đi về một mình cô độc. Không ai kề cận bầu bạn đêm đêm.
Lúc bất chợt cao hứng kể Trân nghe. Nàng ngậm ngùi như thể anh còn trinh tiết giữ gìn. Kể ra trong hoàn cảnh bây giờ, ngồi bên máy gỏ nói chuyện dài hơi với người ở quê nhà, là niềm ấm êm an ủi kín đáo cho những ngày mưa tuyết lạnh lẽo nầy. Cho mãi về sau Trân mới đánh tiếng thôi thúc anh về để rõ ràng có trước có sau. Ðó là nội dung chuyến lên xe bông của Hãi Cư nơi quê nhà.
Nhớ lại cảnh lần đầu trở về, tưởng đâu tâm hồn anh sẻ bồi hồi xuyến xao sau bao năm xa xứ . Nhưng không, nó lặng lẽ như lúc anh tìm cách vượt biên ra đi. Hồi đó tuổi nhỏ, đi theo người còn sống được là phước lớn. Ðâu tưởng nổi cảnh hãi hùng của trùng dương sóng nước đói khát lênh đênh. Thêm thời gian ở đảo làm con bà phước, phỏng vấn thiếu giấy tờ bị rớt lên rớt xuống. Ðịnh cư yên ổn xong thì chổ ăn ở xe cộ mọi thứ phải có để có việc làm, trả tiền nhà nuôi thân. Vừa học vừa làm, đúng lúc bên nhà cứ kêu gọi tiếp viện hoài làm anh khổ tâm không ít. Cánh thư mỗi lần viết xong giải bày thực trạng thực tế, muốn gởi, rồi không. Anh ngậm ngùi xé đi. Nghỉ đến cảnh khổ nơi quê nhà, tự ái làm anh không nở nói thật. Anh không muốn làm buồn lòng mẹ cha. Cứ để họ đặt niềm tin nơi anh, ra xứ người làm cha làm ông thiên hạ. Ai nấy cho rằng ra nước ngoài là nhà cao cửa rộng xe cộ rình rang, tay xách cặp ra đường lượm vàng, sống sung sướng. Không hiểu quan niệm nầy ở đâu, tự dưng phát triển chủ nghĩa đùm bọc nầy như một bổn phận. Có phải khổ quá, nghèo quá, đầu óc con người lúc nào cũng nghỉ đến chuyện cần người khác giúp mình. Tất cã thấy vậy?
Không mấy người quên cái ngày đầu tiên rồi một hai năm sau, của cải thực phẩm miền Nam tiếp tục xung công nuôi quân chiến thắng, nuôi cã miền cả nước. Còn đó ăn đó. Trước gạo, hết gạo tới bột mì viện trợ rồi bo bo, củ mì. Thực tế lần hồi tụt hậu như từng nấc thang leo xuống. Bỏ chân chấm đất, không biết có phải là đất không. Con người đối mặt không có gì để tin và không dám tin ai.
Khi đến ngày hân hạnh được trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, cầm súng đi giải phóng nước bạn. Gia đình mới lo toan cho anh xuống sông tìm đường cứu thân trước, cứu nước sau. Và kế tiếp là cuộc sống lưu lạc nơi xứ người.
Lý lịch trích ngang của anh là vậý. Cứ sợ ngày trở về hiểm nguy rình rập. Nhưng không. Không thấy ai làm khó dể người trẻ tuổi không ân oán nầy. Anh đi rồi anh về. Như bài học vỡ lòng, cái nhà là nhà của ta con cháu ông ta lập ra..
Ðối với Trân, tình cãm anh chia sớt cho nàng ít nhiều có hơi hám yêu thương. Nó chợt đến chợt đi, ẩn chút tình lưu luyến. Con thuyền không bến ở anh, lúc nầy cần bến đậu để ca bài ai có về trên bến sông Tương nhắn người em gái tôi thương, xin đừng lỡ mối tơ vương. Anh nôn nóng ngày hẹn như một phen thử thời vận.
Bây giờ đây. Ngồi ở quán đối diện địa chỉ muốn tìm. Tự dưng anh cảm thấy e dè. Có phải cuộc đời mình sẻ chôn chặt ở đây không. Anh không đến nổi một thời son trẻ, nhưng lần đầu biết yêu, lần đầu đi tìm định mệnh tình ái cho đời mình, anh cảm thấy khó mà định nghĩa. Nó rối rắm như một thứ văn chương ấp a ấp úng đang diển tả về họ Hồ tên Hải Cư nầy
Dòng suy tư của anh bị cắt ngang khi có tiếng thỏ thẻ bên tai.
Tụi em ngồi với anh được không?
Hai cô gái trẻ đon đa, đến ngồi đối diện.
Cư cười cười. Thiếu bàn hả.
Ðâu phải. Tụi em tiếp thị ở đây, ngồi với anh để trao đổi tìm hiểu.
Cư đâm hoảng. Cánh thư qua lại anh cầm nơi tay. Từ những ngày liên lạc thường xuyên qua điện thoại. Mổi tháng anh phải cố ngồi viết gởi về ít nhất là hai hay ba cánh thư giao hẹn, dự trù cho tình cãm ướt át, xuất trình khi phỏng vấn. Mọi sự anh làm theo ý Trân hướng dẩn. Cái khó cho Cư chính là về phía bên anh. Anh không muốn cho gia đình anh biết, đây là chuyện mối lái, hai bên cùng có lợi, nói theo ngôn từ bây giờ. Nếu là vậy chính anh và Trân phải làm mọi chuyện như thật. Một cuộc hôn nhân đầy đủ theo pháp lý, đủ nghi thức dù giản đơn chăng nữa, cũng phải tình tứ lãng mạn một chút. Một khi mọi chuyện êm thắm trót lọt. Ðưa người sang xứ ấy, coi như vuông tròn tình tự phần anh. Ðã xong một đầu cầu, thì chừng đó mới có vốn liếng, như những mảnh ván rời nối kết lại con thuyền bảo lảnh mấy đứa em. Yêu đương, như mối tình hờ, như tuồng đời tạm bợ. Anh trở lại với con người mình, không có tình yêu thì dẫu thế nào tình cũng không gắn chặt. Lần đầu đóng giử vai trò nầy. Anh thấy bâng khuâng, lẫn thú vị. Anh nôn nao nhìn mặt Trận, tưởng như đời mình sắp đi vào khúc quanh tình ái.
Bây giờ đây nghe mấy cô muốn tìm hiểu, muốn làm việc với nhau. Anh chợt nín. Một em quần bó ngắn, hở ngực đủ cho đôi mắt u uẩn chiều tiển đưa ai đó muốn nhìn lén thân em, với cái đầu vú nhô lên vừa đủ chín.
Em nắm tay anh . Mình đi chơi xa hay gần anh.
Một em quay vào trong. Chị Hai ơi khách Việt kiều nè.
Sao biết vậy. Thấy cái bộ vó ngớ ra ngồi cứng đơ là tụi em biết ngay. Chị chủ quán đon đã cười với anh. Anh vui vẻ nghe. Tụi nầy có đủ món ăn chơi. Phi tuần tập kích hay đi chuyến tàu thống nhất đều có đủ cả.
Một trong hai cô có vẻ khó chịu. Chị Hai làm xôm quá. Từ từ uống nước trước đi anh, phần nầy của em mà. Gặp anh là tụi em vui rồi. Mấy khi có khách vô nội thành. Ða số du lịch phương xa hay đi chơi biển cả.
Cư nói từ từ ai có phần nấy. Chị chủ quán ơi. Tôi hỏi thăm một chút. Cái cô Trân có phải ở địa chỉ gần đây không. Anh đưa cái địa chỉ viết sẵn. Trân nào. Trân Trân đó. Chị ta cười ngất. Anh làm như Trân Trân của mùa thu lá bay không bằng. Hồi đó. Cô ta qua đây đóng phim, đải ăn ở Ðồng Khánh tôi có đi coi mà. Kỷ niệm à nghe, thành thử tôi mới có ấn tượng vậy. Ở đây chỉ có bà Trân vợ ông Thành Ký cơ sở may gia công kìa. Chắc vậy. Cư nói chắc vậy. Tôi có thói quen kêu như tên tài tử chị vừa nhắc đến. Bà con bên ngoại lâu ngày muốn gặp lại, hỏi cho chắc. Vậy hả. Ùa anh bà con hả. Một em chen vào. Mà nầy anh liệu có giúp dùm em xin việc bên đó không. Làm gì bên đó. Làm người mẫu hay may thí công em đều nhận. Em biết may hả. May tay hay may máy gì em cũng làm được mà. Chị Hai xen vào. Kiểu nầy thì mất vui rồi, mà thôi trước lạ sao quen mình coi như bà con một thể. Cư làm ra vẻ quan trọng. Ừ mà chị nầy tôi cũng có phần hùn trong đó. Cư xạo sự để quên mình đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tự dưng Cư thấy cuộc đời mình sắp sủa tươi mát. Viễn ảnh một mai chấp nhận thêm cuộc sống cô độc, chịu oan khiên ba năm theo luật củ, hay năm năm theo luật mới. Tiền bạc trong bank chứng minh lợi tức anh đang có, sẳn tiền vé máy bay và mọi thủ tục đưa gia đình sang theo lời hứa, làm anh hừng chí.
Cư thêm, muốn rõ tình hình bên nhà. Không gì hơn hỏi người xung quanh là ăn chắc. Tôi nghỉ chị và mấy em ở đây biết nhiều. Trong tối ngoài sáng mà. Việc nầy hả. Anh cứ tin tưởng ở tụi em. Họ chủ anh cũng chủ. Tụi em ủng hộ anh. Ủng hộ cái gì. Ối hơi đâu anh nghe mấy đưa nầy. Mấy em vừa đi học vừa đi làm, như tập thể dục giửa giờ có đi tới đâu.
Câu chuyện đẩy đưa, thông qua đường lối đi sâu đi sát đáy quần chúng, của xã hội chủ nghĩa giúp Cư tìm hiểu phần nào về nhân vật, sự kiện anh muốn biết.

Lời tự thuật của Trân

Tôi tốt nghiệp đại học kinh tế, ra trường một năm không kiếm được việc ở thành phố. Ngày tháng đó lòng vòng như con chó ốm..
Mẹ cha mất lúc theo đoàn quân di tản trên quốc lộ 1. Ðã là thời thế củ, nhắc lại chỉ thêm buồn.
Người hỏi. Có đau xót và ám ảnh không? Là con gái xin miễn bàn. Ðó là nỗi niềm riêng.
Tôi sống với gia đình người chú đùm bọc. Bao nhiêu người hiện có? Hộ khẩu ghi rỏ ràng có đóng dấu chính quyền. Không cần xác minh khu vực.
Tôi giới thiệu nhẹ nhàng về mình như vậy đó.
Ðến dây bạn đủ hiểu tôi là người rất lịch sự.
Tôi thương chú tôi, tôi quí sự hy sinh họ đã dành cho tôi. Tôi cần có sự nghiệp, có tiền bạc dư dã để bù đấp phần nào đền ơn đáp nghĩa. Chính vì điểm nầy, tôi không thiết tha tình trai gái yêu đương lúc thiếu thời. Cái lãng mạn nếu có, chỉ còn hình bóng sống cho chính mình. Hơn ba mươi tuổi đầu, một mối tình lặng câm, yêu người nhưng không dám nói. Tôi sống với sách vở, không biết khiêu vủ, không dám có bạn trai dẫn về nhà giới thiệu với chú. Bạn bè nói tôi thầm lặng ít nói. Cứ mãi đọc sách, nghiên cứu văn chương triết học, có ngày làm chuyện lãng mạn, mác dây. Ai nghỉ ai bàn sao cũng được. Tôi sống cho chính mình trước đã. Trong thâm tâm thật tình mà nói. Tôi có những nghĩ suy khó lòng bày tỏ. Tôi không nghĩ mình lập dị như người khác phê phán . Tôi muốn đi lên bằng mọi cách. Tôi có niềm tin giải thoát đời sống mình.
Làm việc ở công ty lớn, gần người có thế lực. Ðời sống thương trường dạy tôi khôn ra nhiều cách. Bằng mưu lược thủ đoạn. Bằng phương cách ngoại giao để khuynh đảo sự việc..Tôi trở thành một nhân vật có thế, bên người đàn ông chủ nhân. Nhìn vào, họ nghỉ tôi như cô nhân tình nhỏ. Thật sự đó không phải là người đàn ông trong tình yêu tôi. Ở đó nó chỉ như bóng che cho một thực tế nằm dài.
Dạo trước, tôi dạy kèm Anh ngữ cho vợ và con gái ông ta xuất ngoại, trước khi trở thành nhân viên kế toán rồi thư ký riêng. Tôi theo ông trong những giao du hợp đồng buôn bán, tham quan kinh tế ở Hàn quốc. Trước mắt nhân viên của công ty xuất khẩu. Tôi là một người đàn bà rắp tâm thay thế vai trò quản lý xí nghiêp. Tuồng đời thế sự là vậy. Không mấy người biết ý đồ. Ông để vợ đi trươc, ấm quốc tịch nước ngoài. Ðó là cái phao đi đi về về lưu hành tiền bạc cho mai hậu. Ðường tiến thoái cho ông về sau.
Tôi không giấu ông ấy khi tôi làm quen với Cư, hay chuyện tôi muốn làm giấy tờ xuất ngoại qua hình thức kết hôn. Chúng tôi có những cam kết ngoài mặt. Ông ta tán thành và nói nếu cần sẽ giúp. Ông không ngại tốn một số tiền cho tôi? Khi tôi hỏi thật tình. Ông vui vẻ trả lời. Có sao đâu. Mai nầy chúng ta còn có cơ hội làm ăn chung. Nó như cây cầu nối liền, dưới danh nghĩa thương trường hợp tác để chung về một mối, trong ngoài một luồng. Coi như một lần chung vốn. Câu trả lời làm tôi thấy khó hiểu. Nếu phải tốn như trên lời rao. Chắc tôi bằng mọi cách phải lo toan. Còn bây giờ. Nó như canh bài chưa lật tẩy. Thật sự tôi chưa có đủ khã năng tài chánh như đã nói. Tuy vậy tôi vẫn muốn anh ấy về. Con người anh ở ngoài có êm đềm như giọng điệu anh bày tỏ trên trang viết hay không.
Ông nói em đừng lo. Chưa chắc gì phải tốn.. Người trẻ mà. Họ cần tiền để làm việc nầy, có nghĩa tình cãm bị bế tắc. Khi vướng vào đường tình ái rồi thì như con cá bị mắc câu khó vẫy vùng. Em cứ làm theo ý mình. Cứ thử gặp, tiếp xúc tìm hiểu trước đã. Coi có lãng mạn đến mức độ nào. Cứ thử hảy yêu như chưa yêu lần nào. Cả hai có chung nhìn về một hướng không. Chừng đó một trong hai chọn lưa, cách nào cũng dể bề xoay trở theo ý mình. Tôi thấy nhiều vụ rồi. Mọi việc rồi đâu cũng vào đó.
Vấn đề gì không biết riêng chuyện nầy tôi thấy ông có vẽ lịch lãm từng trãi như thương trường ông đi qua. Không tin lắm. Tôi nhủ lòng mình cứ thử trước đã.
Kể từ khi quen Cư qua những tối trò chuyện ở máy điện toán. Tôi cảm thấy tâm hồn mình bớt trống vắng hơn. Lâu lắm rồi tôi bỏ quên chính mình, bỏ quên một thời con gái yêu đương lãng mạn. Tôi không nghỉ mình lợi dụng anh ấy, như lúc đầu trong dự tính khi bắn lời rao. Một sự mặc cả để tôi có cơ hội thoát khỏi đời sống nầy. Ở đó tôi có một chân trời khao khát mới. Tôi đang chơi trò ghẹo tim tình ái, để coi liệu tuổi đời nầy tôi có phải yêu người hay người yêu tôi. Cái lằn ranh của sự lừa dối cho chính cuộc tình cả hai phía, để thấy cuộc chơi nầy không là thật, giúp chúng tôi tránh những cám dỗ, xa ngã thường tình. Tôi cần có lựa chon con đường trước mặt . Cái chết của mẹ cha như một vết thương khó lành. Tôi muốn quên. Nhưng đời sống gia đình chú tôi. Thực tế thường ngày là những ám ảnh, như một sự tách rời cái xã hội tôi đang bước tới. Gia đình một người thương binh, chỉ trông vào một đứa con gái bán hàng, và tôi một đứa cháu chỉ giúp bù đấp hạn hẹp trong đời sống mình. Tôi chưa lợi dụng ông ấy, bởi tôi không muốn cái giá phải trả. Chưa phải lúc cần thiết. Nhưng vào lúc nầy có thể tôi phải mở lời với ông ta hay anh ta, cái danh từ ông ấy muốn xưng hô với tôi cho thân mật. Ông vui vẻ giúp tôi ra đi. Ông có kế hoạch lâu dài. Chúng ta còn gặp lại, còn có công ty hay có phần hùn hoạt động ở ngoài đất nước nầy. Ông có tham vọng như vậy. Ðừng hỏi ông ta là ai. Ðừng quan trọng hóa cái tên xí nghiệp, công ty. Nó chỉ là một danh xưng để làm ăn buôn bán với nước ngoài. Một mai biết đâu con đường việc làm của Cư, bạn hữu, cũng nằm trong quỉ đạo của ông ấy.. Tôi nói cách dè chừng. Như chuyện tình cờ, theo thời gian, sự chọn lựa nào cũng rơi vào một chổ. Ông nói đừng biết nhiều quá không tốt. Lo chuyện mình trước đã.
Thưa vâng. Tôi biết dừng lại.
Ðến đây bạn phải hiểu tôi là con người rất kín tiếng.

Cuối năm. Tháng mười hai. Bất chợt trời trở lạnh hơn mọi năm. Cuộc hẹn với Cư. Lần đầu anh trở lại. Lần đầu tôi sẽ vực dậy một tình yêu lừa dối. Có yêu anh không. Hay có yêu em không. Thử tưởng tượng những lời như vậy. Mặt tôi nóng. Tim tôi đập mạnh.
Phải nói thế nào đây chốn nầy.
Người trước mặt tôi là Cư
Người đối diện tôi là Trân Trân.
Những đêm ngày ngồi viết trên máy điện toán. Ðêm ngày thổn thức vui buồn , chuyện đất trời mưa nắng. Vậy rồi ta cũng gặp nhau.
Trân đẹp hơn tôi tưởng, dịu dàng ngọt ngào pha chút cứng rắn. Màu nước da bánh mật đủ làm Cư nhớ, thuở ấu thời mẹ làm nước đường chấm bánh đúc thơm lừng mùi lá dứa. Hương của hoa, hương của đất trời tình yêu em.
Vậy là Cư nhỏ tuổi hơn Trân . Anh xí trai hơn tôi tưởng về anh. Trông anh hiền lành như người chưa có tình yêu thật. Nghe anh ví dầu bánh đúc chấm nước đường. Trong lòng tôi niềm bi thương ở người con mất mẹ, kỷ niệm xưa làm tôi muốn khóc. Lâu lắm rồi tôi thèm được khóc, khóc tự nhiên như thuở nào còn mẹ, xà vào lòng người. Tôi muốn có bà mẹ để được nghe tiếng la rầy. Tôi muốn làm trẻ thơ giận dổi. Tôi không muốn làm người lớn một mình chịu đựng. Không có ai bên mình, để nghe tôi phản kháng, để tha thứ như tấm lòng của mẹ.
Trân khóc làm Cư cảm động quá. Giọt nước mắt mừng cơn hạnh ngộ đủ làm tỏ rỏ tình cãm Trân dành cho mình. Cám ơn Trân, cám ơn cuộc đời nầy. Tôi còn mẹ cha đủ đầy.
Nhớ ngày Cư trở về. Bà run run mừng con, mở rương lấy chiếc áo đã sờn. Áo nầy của ai? Con có nhiều lắm rồi. Mẹ đáp. Của con ngày cũ. Mẹ giử nó bên mình từ ngày con ra đi. Mùi mồ hôi, mùi da thịt mẹ muốn nó gần lại bên mình.
Bây giờ đây không có hoa hồng cho ngày gặp gở. Cánh tay Cư buông thỏng, bàn tay vướng víu mấy hộp chocolate, mặt đờ ra. Giọng Trân.
_ Là anh?
_ Ừ là Cư đây.
Cư không dám gọi em lúc nầy. Hình dáng Trân với dáng dấp thon thả khỏe mạnh, bặt thiệp trong giao tiếp, như thân quen lâu ngày, làm anh thấy bối rối. Trân có vẻ chửng chac ở địa vị, được vị nể dưới mắt người làm chung, làm anh thấy mình nhỏ lại. Anh không nghỉ cái thế mà Trân đang có được. Cái khoảng cách ở nửa vòng trái đất, giờ đây xích lại gần. Là Trân là hình bóng trong mơ của sự đổi chác mặc cả, làm anh thấy ngượng ngập, xấu hổ với chính mình.
Chung quanh anh, những người công nhân với mức lương so vớí đời sống người ở ngoài, không thấm vào đâu. Nhưng họ vẫn sống, chấp nhận, không có con đường nào khác, ngoài ước mơ vượt thoát, thay đổi cuộc đời. Người bán vé số dạo. Người đàn bà nai lưng với gánh hàng rong. Sống cho bản thân mình và nuôi cả gia đình với mớ lợi tức nhỏ nhoi cho qua ngày đoạn tháng. Phần anh ở xứ người cũng vậy. Tất cả đâu vào đó. Như một bài toán buông xuống với cộng trừ nhân chia cho mọi thứ. Không ai chấp nhận cái hiện tại mình đang có. Trân đang cần anh, hay cần vai trò của một người đàn ông môi giới để tráo đi định mệnh. Làm người yêu dấu với Trân, người bạn lâu ngày qua thư từ, hay làm vợ chồng tiền bạc với nhân nghĩa giả vờ. Nhìn Trân. Nhìn lại mình anh thấy có điều mâu thuẩn. .
Những câu nói xã giao thăm hỏi thường lệ. Mấy cô bạn đồng nghiệp soi mói nghe lén, làm Cư thêm lúng túng. Hồi sau thái độ tự nhiên của Trân, mấy hộp kẹo bánh phân chia mời mọc, không khí có vẻ thoải mái hơn.
_ Mình đi đâu hay ngồi đây. Sao Trân lại cho điểm hẹn ở cơ quan?
_ Anh ngại? Hay muốn ngồi quán bên kia đường. Hồi trước có một cô làm bên xí nghiệp nầy.
_ Thôi đừng. Cư nói vội. Anh sợ mấy cô bên kia đường, sợ bà chủ quán một thòi ngồi bên tài tử Trân Trân, đổi đời nay mở quán nhạc bên đường. Anh sợ mấy em gởi gắm cái tình bà con nội ngoại.
Em xin nghỉ và mình ra ngoài nghe. Cư nói sao nghỉ dể dàng vậy, không cần khai bệnh? Ngoài đó khác, ở đây khác. Sinh hoạt bên nầy sống với tình cãm, tình người nhiều hơn. Cư thấy nhột nhạt. Lời chân thật của Trân, nhưng anh sợ ám chỉ mình.
Lang thang qua mấy phố. Mọi sự đổi thay nhiều quá. Anh không dám dề cập hay đặt vấn đề lúc nầy.Trân nói anh có vẻ hiền và nhát quá, có lẻ chưa quen. Biết đâu một vài tuần, anh lại quậy như bọn đàn ông khác. Cư chống chế không đâu. Ở bên đó chỉ biết đi làm rồi về, có cuối tuần thoải mái riêng tư một chút. Không có cảnh ăn chơi như bên nầy đâu. Trân nói hèn chi anh chưa vợ, chưa có tình nhân. Mấy gánh hàng rong bên đường Trân nhắc thèm thì tự nhiên ăn nghe. Trân làm như anh thiếu thốn mọi thứ trên đời nầy. Anh đừng ngại nghe, Trân nói thật. Chúng ta đối xử với tấm lòng chân thật tốt hơn. Mọi sự Trân rào đón cã. Anh có nhiều chuyện muốn nói, nhưng lúc nầy đây chút tự ái còn xót lại làm anh thấy mình rộng lượng và làm người lớn hơn
Về nhà Trân đi. Câu nói như buổi chiều nắng tắt ở lần gặp gở.
Qua đi một ngày. Qua đi những con phố xưa.
Qua mấy cuộc vui ở tựu điểm. Qua cái nắm tay dắt dìu anh lẫn trong đám đông dưới hàng hiên thiên hạ đông đảo ra đường
Cư thấy vui. Cái tình quê hương xứ sơ. Là đất nước mình, ngôn ngữ mình, làm anh thấy xao xuyến bồi hồi. Cái cảm giác đã hàng bao lâu anh không có được. Cái tình thân của người đồng loại. Giọng nói tiếng cười, xô đẩy chen lấn . Ðôi khi dể bực mình, đôi khi chợt nhớ một thời đã qua và cho đến bây giờ vẫn không đổi thay.
Qua con hẻm ở gần đường ngoài, rẻ trái rồi một lần rẻ phải là đến nhà chú Trân. Cư hỏi. Trân ở chung à. Ừ thì bên đây là đại gia dình. Không ở chung thì ở đâu.
Trân giới thiệu ông chú, bà thiếm. Cả hai mất sức lao động, cậy trông ở hai cô con gái bán buôn đấp đổi qua ngày. Trân nói. Anh ngồi nói chuyện với chú. Em phụ nhà làm cơm anh ăn luôn thể. Không đợi Cư ý kiến, Trân bỏ đi.
Ngôi nhà vừa đủ rộng. Phòng khách với bộ xalông củ, cái tivi đối diện, mấy cái ghế ngồi, cái tủ thờ đặt phía chánh diện. Cây quạt máy đứng ở góc nhà quay vù vù tỏa hơi mát. Cứ tưởng ở ngoại quốc về là phải lớn con, đầy đủ phong độ dáng dấp bên ngoài. Trái với điều đó, con người Cư bình dị dưới mắt gia đình, lần gặp. Cư chậm rải ít nói. Thật sự Cư không biết nói gì hơn là chờ họ hỏi để có câu trả lời.
Ông chú Trân, một thời qua khói lửa chiến tranh. Người thương binh về chiều với quãng đời còn lại. Ông thích nói về cuộc chiến ngày cũ. Ông so sánh phê bình ở hai chế độ. Ông nói bây giờ hai thế hệ sống hòa đồng. Người củ mệt mõi sống để mà sống cho hết kiếp. Tầng lớp trẻ lớn lên không biết gì hết. Ai nói sao thì tin vậy, làm theo. Phần ông thì sáng chiều cứ theo cái radio mà nghe tin tức từ đài VOA hay BBC. Mấy chục năm rồi. Ðã quen nên dể tin.
Bây giờ ông chú làm gì. Cư hỏi. Ông đáp vợ chồng già rồi, ăn ở không trông cậy vào con. Ông giảng dạy mấy điều nhân nghĩa ở đời. Cư nói vậy là chú có phước đó. Ở xứ ngoài cở tuổi chú chưa được ngồi yên đâu. Ông có vẻ bất cần đời, nhưng không phản ứng. Nhắc lại thời chiến, ông kể kỷ niệm với ba Trân. Cái tình anh em ruột thịt làm sao không xót đau, nhất là nuôi Trân từ lúc thơ dại. Cư nghe mà thấy bùi ngùi. Cuộc sống gia đình anh, xuất thân cũng từ chốn nghèo khổ vươn lên. Anh hiểu và cãm thông, lắng nghe họ nói. Chỉ có nơi chốn quê nhà mới có tình thân san xẻ nỗi niềm.
Ngồi vào bàn ăn đông đủ mọi người. Nhìn Trân ngồi đối diện. Nghe tiếng nói giọng cười chung quanh. Tự dưng Cư thèm một mái ấm gia đình.. Không phải cho lần hạnh ngộ, mà mỗi ngày mổi buổi đi về. Ðôi mắt Trân nhìn anh như dò xét, lúc đắm đuối lúc xa vời mông lung. Có phải vậy không. Anh ngồi đây nhưng tất cả, Cư chỉ muốn nói một mình Trân nghe, Trân hiểu. Còn Trân . Trân nghỉ gì đây lúc nầy.
Làm sao Cư biết được. Cả ngày nay tiếp xúc với Cư, tâm tình Trân như chùng xuống. Cư không có bản lảnh như Trân nghỉ. Cư không có tham vọng. Cư chỉ là người đàn ông tầm thường như bao người đàn ông khác. Anh ấy không có cá biệt nào để mình gởi gắm, hay đây chỉ là cuộc mặc cả, rỏ ràng như lời rao trên mạng lưới. Cư nghỉ gì về mình. Ở anh mọi việc đều từ từ chậm chạp. Làm sao nung nấu được lãng mạn, thử yêu như chưa yêu lần nào.
Cho đến khi chú Trân nhắc chuyện mồ mả người quá cố. Cư có vẻ phấn khởi. Hình như anh ấy rành về phần xây dựng, vật liệu cách làm. Cư có ý muốn đóng góp tiền bạc. Tự ái làm Trân không nhận, nhưng trong thâm tâm Trân cảm kích trước sự sốt sắng ở Cư.
Bà thiếm. Theo kiểu đàn bà, than thở đời sống gia đình khó khăn. Cô gái út thì cương quyết. Có khó khăn gì cũng ở lại. Không muốn phải chạy vãi tiền đi xuất khẩu lao động. Cô gọi đó là cái kiểu đi ở đợ cho ngoại quốc. Anh có đồng ý không? Cư đồng tình.. Anh nói làm trò nầy sỉ nhục quốc gia và bôi bác dân tộc. Anh lên án mấy vụ gả bán. dưới hình thức đám cưới với khách nước ngoài.
Ông chú nói hoàn cảnh xã hội cả. Họ nghèo thì cần tiền. Người ta có tiền thì bỏ ra mua lấy xác thân phục vụ. Người trong nước thì cần số tiền cho người thân ở lại. Cô ta có được gì ngoài sự hy sinh cho chính bản thân mình. Cư hùng hồn giử lý lẽ lập trường của người yêu nước, tự ái dân tộc còn đó. Anh nói nhiều. Bầu nhiệt huyết ở tuổi trẻ làm anh có chí khí hơn.
Nói rồi Cư thấy có điều không ổn. Người ta bỏ tiền cho gia đình ở lại. Còn anh cần có số tiền mang đi. Có khác gì dưới hai hình thức mua bán. Hay có khác chăng anh không phải là người Ðài loan, Ðại Hàn. Anh chỉ là người Việt có cùng chung quê hương nguồn cội. Xã hội cho phép mình làm vậy chăng. Ông chú nói người ta nghèo nên phải hy sinh bản thân, cứ nghỉ phải làm vậy trả ơn, dù mẹ cha có bao giờ đành đoạn cho cuốn rún chia lìa. Anh chợt hiểu điều vừa rồi như một lần cảnh báo. Tự dưng anh cãm thấy đau, chút sỉ diện ở con người mình.
Trân vẫn ngồi yên đó. Anh nhìn thấy nụ cười của Trân . Chúng ta sống cần một tấm lòng biết yêu thương và hy sinh cho nhau. Trân cười ra tiếng đó. Cái tiếng cười ban sáng khúc khích bên lưng anh. Nó chạy nhảy hàng đêm trên phím gỏ, những đêm về sáng sái giờ trở giấc đơi trông. Ðôi mắt đó có nhìn thấu ở anh một tấm lòng nhân ái. Cư không phải tệ, không sống hình thức. Anh Cư không biết tán tỉnh, bởi đời sống bên nước ngoài là những thực tiển. Không múa may bùa phép, chạy cò gạt gẩm. Anh Cư có lòng từ tâm hơn ai hết. Trân sẽ nói như vậy. Cư sẽ quên lời hứa hẹn tiền bạc bảo lảnh mấy đứa em. Cứ chờ, chậm, ruột thịt mà, không đến nổi hận nhau..
Còn phần Trân. Chuyện ra đi của Trân như anh biết, cã nhà cũng biết. Không có gì dấu diếm, miễn sao chúng ta làm thủ tục, nhưng không thật. Nhớ là không thật. Cái giá trị của nó chính từ dối trá trong đời sống thật. Làm người có những điều khó nói. Không ai biết ngày mai thế nào. Sống thực tế hôm nay trước đã.
Em có yêu anh không? Không phải hỏi vậy. Chúng ta đồng ý kết hôn nhau. Rồi đám cưới giản dị, mọi thủ tục giấy tờ chứng minh. Chúng ta phải làm gì trong đêm tân hôn. Phải làm gì trong những ngày kề cận kế tiếp đó. Hay hồn ai nấy giử trong sự chung đụng. Liệu chúng ta có gìn giử được cho nhau ở xác thịt phàm trần. Chính anh, anh có hay mất. Phải chọn lựa một trong hai, trước cuộc tình giả, không khéo trở thành thật.
Anh có yêu em không? Trân muốn hỏi lòng mình trước đã. Thật sự có người đàn ông nào đi qua đời em chưa? Làm sao anh biết được. Theo anh trên chuyến bay về nơi chốn mới. Con chim nầy có đậu lại bến bờ ở anh? Hay ngày mai trên vùng đất hứa, có bao điều hứa hẹn ở mắt môi người. Ðánh đổi cái gì, anh được giá trị đích thực gì ở em, khi mà tất cã đi ngoài dự tính ban đầu của anh. Chúng ta có còn mặc cả? Hay chính anh đang sống trong tình yêu đầu đời. Ở đó, anh gặp một tình chân thật. Ở đó, anh gặp con người thật ở em. Làm người đôi khi có phút yếu lòng. Ðôi khi nó là phút chân thật nhất ở tình cảm, sống cho chính mình, không đo lường được dự báo ở tương lai.
Trong đêm. Chúng ta đã nói rất nhiều điều thầm lặng. Chỉ có chúng ta hiểu nhau. Hiểu nhau qua tháng năm trên máy gỏ, hiểu nhau là không thấy nhau. Còn bây giờ ngồi đây, đối diện trên chiếc bàn nầy. Chúng ta thấy gì ở ánh sáng nầy?.
.
Câu chuyện có vẻ tử tế để bạn theo dõi. Lần chót ông thủ trưởng còn nhắc nhở Trân. Tôi có theo dõi xuyên suốt quá trình. Rỏ ràng là cố tình có hai giọng văn khác nhau. Mở đầu là viết theo lối cà tửng. Phần sau mới là thật. Phải cẩn thận con người nầy. Chúng tôi biết hết dù ở xa, huống hồ biết bao người lên mạng lưới cùng đọc.

Tất cả mọi người còn ngồi đó. Gian phòng đó, kể cã Cư và Trân.
Tiếc thay, đùng lúc ấy, đèn chợt tắt. Không dự báo trước thời tiết.
Không ai biết lại là lúc nầy cúp điện.
Chỉ còn bóng tối, nói rất nhiều điều chưa nói hết.

Hoài Ziang Duy

No comments:

Post a Comment