Sunday, February 27, 2011

NHỚ TẾT Ở NHÀ QUÊ THỜI NIÊN THIẾU

NHỚ TẾT Ở NHÀ QUÊ THỜI NIÊN THIẾU
*Khiêm Cung

Sinh hoạt tết nguyên đán ở nhà quê thời niên thiếu là một trong những kỷ niệm đẹp của đời tôi. Dạo ấy tôi chưa đầy mười tuổi, gia đình tôi sống tại làng Bắc Nam, ngay biên giới tỉnh Châu Đốc cũ và nước Cam Bốt, ngày nay gọi là Cam-Pu-Chia. Lúc bấy giờ Việt Nam còn thuộc Pháp cũng như hai nước láng giềng Miên và Lào trong khối ba nước Đông Dương. Sau nầy khi học sử, tôi mới biết chiến tranh thứ hai đã đến hồi khốc liệt, nhưng làng tôi lúc đó tương đối thanh bình, và riêng tôi, tôi chỉ biết những thú vui trẻ con, có hay biết gì chiến tranh.

Anh trai tôi mất lúc lên ba, tôi trở thành đứa con trai trưởng của cha mẹ tôi, cũng là cháu đích tôn của ông bà nội, được cả đại gia đình thương mến. Cha tôi đi đâu thường dẫn tôi theo.

Năm nào cũng vậy, bước sang tháng chạp sinh hoạt trong làng bắt đầu nhộn nhịp. Tiết trời cuối đông se lạnh, gió heo may hiu hiu thổi, tiếng chim cu gáy khắp nơi, báo hiệu mùa xuân và tết sắp đến. Người lớn có vẻ bận rộn, trẻ con cảm thấy náo nức trong lòng, mong đến ngày tết mặc quần áo mới, nhận bao lì xì đỏ.

Khoảng 20 tháng chạp, tôi lẽo đẽo theo cha tôi đi tảo mộ ông bà cố, bà nội và cô Bảy, em ruột của cha tôi. Khu mộ ở phía sau hè, cách nhà không xa. Lúc bấy giờ ông nội tôi còn sống, ông ở nhà riêng bên cạnh nhà tôi, có cô Sáu, chú Út tôi ở chung. Cha cầm một cái chét giẫy cỏ, đắp đất lại các mộ, cắm bông vạn thọ, thắp nhang, đèn cầy (nến), đốt giấy tiền vàng bạc, thành tâm khấn vái các hương linh. Cha cũng cắm nhang cho những ngôi mộ chung quanh, coi đó là những láng giềng tốt của ông bà cố, bà nội và cô Bảy.

Trở về nhà, cha lau dọn bàn thờ ông bà, chùi bộ lư hương với khế chua chấm tro củi hốt trong cà ràng. Bộ lư chùi xong vàng bóng. Cà ràng là bếp lò bằng đất nung, gồm một cái hộc để chụm củi và chứa tro, hình dáng hao hao giống như con số 8, phình tròn ở hai đầu, hơi eo lại ở chính giữa, phình tròn ở trước nhỏ có ba cục gu để bắc nồi chảo. Người địa phương còn gọi cái cà ràng là ông Táo, một cục gu tượng trưng cho bà Táo, hai cục gu kia tượng trưng hai ông Táo theo truyền thuyết bà Táo sống chung với hai ông.

Cha ra ngoài đồng tìm chặt một nhánh mai lớn, lá ít nụ nhiều, đem về hơ phần gốc trên lửa để hoa nở nhiều vào đêm giao thừa. Cha cũng sắp một dĩa quả tử trái cây, gồm một trái dưa hấu có dán chữ Phước màu đen viết trên giấy đỏ và thêm những loại trái cây khác thành ra ngũ quả. Theo người lớn giải thích, chữ Phước và năm loại trái cây tượng trưng cho “ngũ phúc lâm môn”, năm thứ phước lớn vào nhà là phú (giàu có), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình yên). Bây giờ một số người miền nam hay chưng trái mãng cầu, trái dừa, trái đu đủ và trái xoài để cầu cho làm ăn có tiền vừa đủ xài. Đó là một ước mong hết sức khiêm tốn và tri túc. Nhưng nếu cho đó là cổ lệ của người miền nam thì không đúng, người ta mới bày ra cái lệ nầy thời gian gần đây.

Năm nào cũng vậy, cha tôi không bao giờ quên nhờ ông Hai Phát, một thầy đồ ở trong làng viết giùm một đôi liễn đỏ dán trên hai cây cột nhà trước bàn thờ ông bà và rất nhiều chữ phước để dán lên trên các chậu kiểng, các dụng cụ nông nghiệp như cày, bừa…v.v. Đâu đâu cũng thấy chữ Phước viết bằng chữ nho.

Thời bấy giờ chữ nho rất được trân quý vì đó là chữ của thánh hiền. Những tờ giấy có viết chữ nho phải được để nơi nào trang trọng, nếu không còn sử dụng thì đem đốt, để rơi vải trên đất, người ta đạp nhầm sẽ mang tội. Đó là lời khuyên của người tuổi tác. Cuối mỗi năm mấy cụ đồ viết lĩễn bằng chữ nho có dịp trổ tài:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tắm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
(Vũ Đình Liên-Ông Đồ)

Ngày nay chữ nho đã bị mai một, người ta dùng chữ Việt để viết liễn đối theo thư pháp, cây nhà lá vườn, đọc hiểu liền, nhưng đâu kém phượng múa rồng bay.

Cha còn ra sau vườn đốn ba cây tre, một cây dùng làm cây nêu dựng nơi giáp cạnh nhà ông nội và nhà tôi vào ngày 23 tháng chạp để trừ tà ma đến khuấy nhiễu trong những ngày táo quân vắng nhà, về thiên đình báo cáo những sự việc trong năm đã xảy ra ở trần thế. Cha cắt hai cây tre còn lại thành mấy khúc dài một mét rưỡi, cắm dọc bờ sông trước nhà ông nội và nhà tôi, trên mỗi cọc tre có một thếp đèn dầu cá với tim đèn bằng vải gác lên trên vành thếp đèn. Nhà nào cũng có mấy cọc tre để thếp đèn dầu cá. Đêm giao thừa, đèn dầu cá được thắp lên, ánh đèn phản chiếu lung linh xuống mặt nước sông, thấy như ở mỗi bờ sông có hai hàng đèn, một hàng trên bờ, một hàng dưới nước, rực rỡ đón chào năm mới ở làng quê xứ cá.

Mẹ và hai chị tôi cũng hết sức bận rộn, nào là may quần áo mới cho cả nhà, nào là gói bánh tét nhưn chuối và nhưn đậu xanh, thịt mở; bánh ít, bánh qui, mức bí, xôi đậu xanh nước cốt dừa cúng ở nhà, cúng bên nhà ông nội và cúng đình, …Mẹ không quên làm dưa giá và nấu một nồi thịt ba rọi kho chung với hột vịt. Vui làm sao khi chị em quay quần quanh cái bếp dã chiến nấu bánh tét phía sau hè, cha đào đất thành một hố sâu như cái hộc cà ràng, đặt 3 cục gạch trên miệng hố để bắc nồi bánh tét lên, lửa hồng than củi bùng lên, nổ tí tách rất vui tai hòa với tiếng cười đùa của chị em tôi.

Thỉnh thoảng mẹ trở lớp bánh tét phía trên xuống dưới nồi, phía dưới lên trên để bánh chín đều. Mẹ làm bánh rất khéo, nhứt là bánh qui làm bằng bột bắp rấm. Rấm bắp là ngâm bắp hột trong lu hay khạp nước, vài ba ngày thay nước một lần cho đến khi bắp hột tróc vỏ thành bột, lọc bỏ vỏ lấy bột phơi khô để dành làm bánh. Mẹ xôi nếp với đậu xanh nước cốt dừa để cúng đình, béo và rất thơm ngon. Cúng đình xong, Ban Hương chức Hội tề ăn khen đáo để.

Ngày 23 tháng chạp dựng cây nêu và đưa ông Táo về trời, cha mẹ tôi cúng thèo lèo, gồm có kẹo đậu phộng, kẹo mè đen, đậu phộng bọc đường đủ màu, trắng, đỏ, xanh…v.v. Đó là món hảo của tôi. Sau lễ cúng đưa ông Táo, gia đình tôi không đốt nhang nữa, lư hương được lau quét sạch tro, cho tới ngày cuối tháng chạp mới thắp nhang đón ông bà và cúng giao thừa.
Mẹ tôi thường căn dặn con cái nên tránh những điều cấm kỵ trong những “ngày tư ngày tết” như gây gổ, làm đổ bể đồ đạc, không xin lửa hoặc cho lửa người khác, mấy chị phải gánh nước sông đổ đầy lu đầy khạp, không quét nhà, nếu có quét thì quét vô không được quét ra…Ôi thôi! Bao nhiêu việc cần làm, bao nhiêu điều phải tránh.

Giờ phút quan trọng sắp đến, giờ giao thừa. Nhà nhà chuẩn bị tống cựu nghinh tân, tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới với niềm hy vọng đạt được những thành tựu mới. Cha mặc áo dài khăn đóng, mẹ áo dài, trẻ con chúng tôi đều mặc quần áo mới. Cha mẹ thắp nhang cúng lạy bàn thờ ông bà, rồi cúng lạy trước bàn thông thiên. Chúng tôi cúng lạy theo cha mẹ, rồi theo cha mẹ qua cúng bên nhà ông nội.

Pháo bắt đầu nổ ở đầu trên xóm dưới:

-Tạch, tạch, đùng… tạch, tạch, đùng…
-Xì…xì…xì…đùng!

Có đủ loại pháo: pháo tiểu thân tròn bằng đầu đủa, pháo đại lớn gấp ba bốn lần pháo tiểu, pháo thăng thiên hơi xịt ra phía dưới đẩy thân cây pháo bay lên nổ trên không.

Con nít như tôi thì đốt pháo kim, thân tròn cỡ cây nhang nhỏ nhứt, dài khoảng một phân rưỡi. Thích đốt pháo mà sợ tiếng pháo nổ, tôi đứng xa xa, tay rung rung cầm cây nhang vói đưa tới châm vào đầu dây pháo, dây pháo cháy, tôi buông cây nhang, bịt tai lại, chạy ra xa nhìn pháo nổ tí tách. Tiếng trống múa lân hòa cùng tiếng phèng la, chụp chõa vang dội ở khu phố người Hoa ngoài vàm, pháo nổ hàng loạt.

Chị em tôi mừng tuổi cha mẹ, ông nội, cô Sáu, chú Út, nhận được nhiều bao lì xì đỏ. Con nít thường chúc người lớn bằng những câu chữ Hán học thuộc lòng, không rõ ý nghĩa là gì, như: bách niên trường thọ, phước như đông hải, thọ tỉ nam sơn…, còn chúc người buôn bán thì nhứt bổn vạn lợi. Người lớn chúc trả lại trẻ nhỏ: học giỏi và ngoan. Sau đó cha dẫn tôi đem xôi bánh đi cúng đình chùa.

Lịnh của cò tây chỉ cho cờ bạc ba ngày tết, nhưng người lớn bắt đầu cờ bạc lén lút từ cả tháng trước tết, chơi bài cào, dì dách là chánh. Họ cho người canh chừng lính tây đến bắt bài, hốt hết tiền tang chứng, ngoài ra họ còn phải đút lót, hối lộ thầy đội, chú cai để khỏi bị bắt về bót.

Có những sòng lô tô vui nhộn. Mỗi người bỏ tiền ra mua một bộ gồm có mấy tấm giấy bìa cùng một màu, màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu vàng, màu cam, màu đỏ, màu tím…Trên mỗi tấm giấy bìa có in bốn hàng số, mỗi hàng gồm có 5 số. Số của một bộ giấy bìa cùng màu không trùng nhau. Một người làm cái thò tay vào trong một cái bọc vải bóc ra từng số trong tổng số 90 số lô tô, rồi đọc câu thiệu của mỗi số bóc được, như:

-Mẫu tử tình thâm, là con số 25.
-Dương Trung, Lý Nghĩa vâng lệnh Bao Công, bắt Lạc Mạo Phong, bắt nhầm Hải Thọ, là con số 2 đó…

Mỗi người chơi lô tô trải các tấm bìa lô tô trước mặt, ghi nhận các số lô tô nhà cái đã bóc ra. Người nào trúng được đầy đủ 5 số cùng một hàng thì gọi là “kinh”, tức là trúng lô tô, lấy được số tiền mà mọi người đã bỏ ra mua lô tô, sau khi trừ ra tiền xâu của chủ sòng.

Người lớn con nít đều thích chơi bầu tôm cá cọp. Trò cờ bạc nầy ai cũng biết gồm có một tờ giấy lớn có in 6 hình: trái bầu, con tôm, con cá, con cọp, con gà, con cua; 3 hột lúc lắc, mỗi hột có 6 mặt in hình 6 biểu tượng trên. Nhà cái để 3 hột lúc lắc trên một cái dĩa nhỏ, úp cái chén lên, lắc mạnh mấy cái rồi để dĩa xuống. Các tay con muốn đặt cửa nào thì đặt tiền vào cửa đó trên tấm giấy lớn. Nhà cái giở cái chén ra, mọi người rộ lên:

-Cá, gà, cua.

Người nào đặt các cửa trên thì đặt một xu trúng một xu.

Lần khác:
-2 trái bầu, một con tôm.

Người nào đặt bầu thì trúng gấp đôi.

Khi nào giở chén ra thấy có hột lúc lắc nằm nghiêng, gọi là bị kê hột thì phải lắc dĩa lại theo quy định đã ghi trên tờ giấy lớn “kê hột huề”.

Tôi mê bầu tôm cá cọp hơn bánh tét, thịt kho dưa giá.

Mẹ tôi rất sợ khách đến xông nhà. Để cho chắc ăn, năm nào cũng vậy, mẹ bảo các con đi ra ngoài rồi đi vào, đạp vào ngạch cửa nhà, mẹ quan niệm trẻ con trong trắng, hồn nhiên xông nhà nếu không tốt cũng vô thưởng vô phạt. Nhưng hình như xông nhà cũng linh nghiệm thật, có lẽ nhờ con cái xông nhà mà cha mẹ tôi có được hào con, sanh đẻ bảy tám đứa con, rất vui nhà, vui cửa, “bi nhiêu thì bi”, “trời sanh voi trời sanh cỏ” mà!

Theo tục lệ, tết nguyên đán kéo dài khoảng nửa tháng, bảy đến tám ngày của năm cũ và bảy ngày đầu của năm mới (ngày 23 tháng chạp dựng nêu, đưa ông Táo về trời, ngày mồng 7 hạ nêu), nhưng làng tôi, công việc ruộng rẫy là phụ, còn nghề cá mắm , gọi là nghề hạ bạc, mới là chánh. Cá tôm đầy sông rạch, ao hồ, rất dễ đánh bắt, tiền bạc kiếm dễ dàng. Dân làng có tiền, cờ bạc cho thỏa thích, vì vậy mà cái tết kéo dài triền miên, dân làng tôi thường biện bạch cho sự ham vui của mình:

Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

Có người thua cháy túi, cởi áo vắt vai, đi vòng vòng coi người khác đánh (bài), hoặc mượn tiền để đánh tiếp. Bài bạc thì có người ăn kẻ thua, người nào ăn thì phải chung một ít tiền xâu cho người chủ sòng, ăn qua ăn lại “thằng xâu” ăn hết, rốt cuộc ai cờ bạc cũng nghèo.

Đó là những sắc thanh ngày cũ. Cái gì cũng thay đổi theo thời gian. Niềm vui và nét đẹp của mỗi thời kỳ mỗi khác nhau. Xã hội ngày một văn minh tiến bộ, ngày nay pháo bông đã thay cho pháo đốt, những chậu mai, những chậu mãn đường to lớn thay cho cành mai vàng nho nhỏ cắt phía sau hè, cao lương mỹ vị thay cho thịt kho dưa giá, những canh bạc lớn trong casino thay cho các sòng bài cò con. Nếu ông bà ta sống lại để ăn tết với con cháu, chắc chắn các cụ sẽ hoa mắt và rất ngỡ ngàng với sinh hoạt tết ở xứ mình ngày nay, cái gì cũng “hoành tráng”, cái gì cũng “ấn tượng”.

Đối với tôi, hình ảnh bộ quần áo mới, phong pháo kim, những bao lì xì đỏ, bao nhiêu ngọn đèn dầu cá leo lét dọc bờ sông, các sòng bài, sòng bầu tôm cá cọp, sòng lô tô… đã kết thành kỷ niệm đẹp về những cái tết thanh bình ở thôn quê thời niên thiếu với bao nỗi luyến nhớ không nguôi.

Sydney, đầu xuân 2010

No comments:

Post a Comment