Sunday, February 27, 2011

CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG

CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG
(Một nén tâm hương cho Lưu Nhơn Nghĩa)

Dương Văn Chung

Năm 1955 học hết lớp Đệ Tam tại Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa, tôi lên Sài Gòn, xin vào học lớp Đệ Nhị, Ban Toán ( Ban B) Trường Petrus Ký. Trường trả lời hết chỗ, chỉ còn Ban Văn chương ( Ban C). Tôi đi tìm trường khác. Thầy Ngô Văn Dư lúc bấy giờ là Hiệu Trưởng Trường Thủ Khoa Nghĩa nói tôi cũng khá về văn, tại sao không theo học Ban C.
Tôi chọn Ban B vì những lý do hết sức đơn giản. Trước nhứt là tôi say mê con số, có lúc miệt mài giải những bài toán khó, quên ăn cơm. Thứ hai là nếu giỏi toán mình có thể đạt điểm tối đa dễ dàng trong các kỳ thi, một cộng với một phải bằng hai, không ai có thể nói khác được, còn văn chương thì giám khảo khi chấm bài luôn luôn giữ lại cho mình một phần “điểm của thầy ”, học trò làm sao bằng thầy. Hơn nữa, trăm người trăm ý. Viết một bài văn, có người đọc khen hay, có người chê, không khác gì đầu bếp nấu ăn, làm dâu trăm họ, kẻ nói mặn, người chê lạt. Gặp bà già chồng dễ tánh, đỡ khổ cho nàng dâu, bà già chồng “lựu đạn” thì nhức mình lắm!
Ông Nguyễn Văn Vĩnh có bài thơ rằng:
Gì cũng cười
Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.
Thí sinh nào gặp thầy giám khảo chấm bài theo kiểu “thủ vĩ ngâm”- thủ là đầu, vĩ là đuôi- thì càng dễ rớt. Nghe nói chấm nhiều bài văn quá, giám khảo mỏi mắt, chỉ đọc phần nhập đề (đầu), nếu thấy hay thì đọc tiếp phần kết luận (đuôi). Nếu kết luận hay nữa thì cho điểm lớn, không cần xem thân bài viết gì. Còn nếu hai phần này lệu ệu thì “xổ toẹt” cả bài.
Ví văn học như là một khu vườn thật rộng, mỗi người viết đứng ở một góc vườn, có cái nhìn cảnh vật khác nhau, viết khác nhau. Người đọc cũng có sở thích riêng, có người thích đọc văn chương bác học, triết lý cao siêu, khó hiểu, có người thích văn chương bình dân, viết những chuyện xãy ra hàng ngày. Trình độ và năng khiếu của mỗi người cũng khác nhau. Nhớ lại lúc còn đi học tại Sài Gòn, tôi cùng với mấy người bạn ở trọ nơi một căn gác, trong đó có một anh là sinh viên Trường Mỹ Thuật Gia Định, đem khoe với chúng tôi một bức họa lập thể của Picasso, một họa sĩ nổi danh thế giới. Anh khen bức họa đáo để, anh nói mỗi chiều của bức tranh đều hiện lên một hình ảnh tuyệt vời. Chúng tôi xoay mãi mà chỉ thấy bức tranh có nhiều màu, nhiều miểng như tấm gạch bông, không thấy hình gì đẹp hết. Số người có con mắt mỹ thuật để xem và thưởng thức được tranh của Picasso như anh bạn sinh viên trường Mỹ Thuật thật là hiếm hoi.

Tôi sợ những bài thi về văn chương của tôi không hợp với ý của giám khảo nên không dám chọn Ban C.

Đến đây, tôi muốn nói một đôi điều tôi biết về anh Lưu Nhơn Nghĩa để chúng ta trong một nhà cũng như bạn bè của anh đừng hiểu lầm về anh.
Trước hết, anh Lưu Nhơn Nghĩa đã chọn lối viết văn chương bình dân, văn chương miệt vườn, tả thật, sinh động, dễ hiểu. Không phải anh muốn chạy theo thị hiếu của đọc giả bình dân mà văn của anh tự nhiên bình dị giống như nếp sống, cách cư xử, y phục của anh. Có lẽ không ai phản bác tôi về nhận xét này ?

Lưu Nhơn Nghĩa viết nhiều về Xà Tón. Có người khuyên anh nên viết truyện gì khác. Trong Những Mãnh vụn Cuộc Đời (Thất sơn Châu đốc-Bút ký) anh nói như muốn khóc:
“ Nhiều người than phiền tôi viết quanh quẩn chuyện Xà Tón, đọc hoài thấy nhàm chán, khuyên tôi đổi đề tài. Tôi bị đuỏi khỏi vùng yên vui tuổi thơ, cuộc sống và kinh nghiệm hiện tại ai cũng biết, Úc, Mỹ, Âu Châu đâu đâu cũng giống nhau nhờ kỹ thuật truyền thông. Khó quá. Tôi không phải nhà văn, chỉ có khả năng của người già chuyện, thấy gì vui buồn thì kể lại, chuyện xứ sở. Kinh nghiệm tôi giới hạn, không phải tôi khiêm nhường, mà là sự thật. Nếu bà con cho phép, tôi hứng gì thì kể nấy, nhớ đâu kể đó những nảnh vụn cuộc đời, xin thề kể đúng, không thêm không bớt những việc chứng kiến.”
Như vậy anh viết về Xà Tón không phải vì anh chỉ biết có một địa phương, một hàng xóm đó, anh đã từng đi học ở Sài Gòn, ở Tân Tây Lan, sống ở Đức, ở Úc…, anh cũng đã từng đi du lịch ở Pháp, Mỹ, Gia Nã Đại…v.v., nhưng bao nhiêu kỷ niệm thời niên thiếu dâng trào trong trí óc của anh, anh phải viết về Xà Tón, không viết anh cảm thấy khó chịu. Điều đáng nói là anh viết như thế nào ? Tiên sinh Lương Thư Trung trong bài bút ký đăng trên Thất sơn Châu đốc “Xà Tón và Nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa” có nhận xét: “…người đọc không ngờ có một nhà văn viết về cái vùng khỉ ho cò gáy như Xà Tón quá hấp dẫn như vậy. Một địa danh mà khi nhắc đến tên người ta cứ nghĩ là nó sễ chẳng cho mình một hứng thú nào thì ai mà viết cho nổi những trang văn. Nhưng Lưu Nhơn Nghĩa đã làm được điều mà kẻ có mắt như mù, có tai như điếc, có óc nhưng lười suy nghĩ như tôi chợt tỉnh và thán phục.”

Một điểm nữa là tất cả chúng ta trong đó có Lưu Nhơn Nghĩa, không ai coi Thất sơn Châu đốc như là đất dụng võ, dụng văn, mà coi đó là một cái nhà chung, một nhịp cầu thông cảm để đồng hương Châu đốc và đồng môn Thủ Khoa Nghĩa, Nguyễn Hữu Cảnh có dịp hàn huyên.

Đang nói dài dòng về Lưu Nhơn Nghĩa thì tôi bổng nhột nhạt nhớ tới phận mình, xuất thân từ ban toán mà cũng đèo bòng viết lách. Tôi không phải là nhà văn, viết để bạn bè đọc cho vui, nếu thấy không vui thì đọc qua rồi bỏ. Cũng giống như một đầu bếp nấu cơm dọn sẵn, không bán mà chỉ mời tự tiện dùng, dùng hay không dùng thì cũng tùy nghi.

Thỉnh thoảng tôi cũng có làm thơ con cóc. Tôi không phải là thi sĩ mà chỉ là « thợ thơ” để người đọc giải buồn. Nếu thấy thơ tôi không chỉnh hay lạc vận, xin hoan hỷ coi như là “thơ mới” cho tôi khỏi mang nỗi buồn nặng trĩu trong lòng.

Cau sáu chúng ta chỉ nên chẻ làm ba.

Sydney, tháng 10/2007

No comments:

Post a Comment