Sunday, February 27, 2011

QUÊN

QUÊN
Khiêm Cung

Dạo đó tôi mới lên năm sáu tuổi. Làng tôi sống trong thanh bình, dân tình hòa thuận, lễ nghĩa, kính nhường. Nhưng bổng có một tin đồn đãi làm mọi người hết sức bàng hoàng: Bà Ba Mẹo bảo mấy đứa con lấy kềm bẻ răng bà mẹ chồng vì bà cụ mới ăn xong lại nói là chưa ăn, đòi ăn nữa; bà cụ đã rụng gần hết răng mà cứ đòi ăn cơm cháy. Cũng may là mấy đứa nhỏ không dám làm theo lời mẹ bẻ răng bà nội chúng nó. Tin đồn đó được xác nhận là có thật.

Bà Ba Mẹo trước nay được tiếng là người dâu hiền, rất cung kỉnh phụng dưỡng mẹ chồng. Nhưng ngày một cao tuổi, bà cụ dễ quên, rồi dần dần đi đến chỗ lẫn lộ, chuyện xưa thì cụ nhớ vanh vách, nhưng chuyện trước mắt thì cụ không nhớ. Bà Ba Mẹo cứ nghĩ bà cụ bị ma nhập, quỷ ám, bà bảo các con bẻ răng bà cụ là để đe dọa ma quỷ chớ không phải muốn xúc phạm đến bà cụ. Nhiều người trong làng tôi cũng nghĩ như Bà Ba Mẹo là bà cụ đã bị quỷ nhập rồi.

Không trách sao họ có ý nghĩ như vậy. Dân trong làng ai cũng tin tưởng thần quyền và người khuất mặt khuất mày.

Trong làng có đình thờ thần, có miếu thờ quan Thánh Đế Quân, ông Châu Xương, Quan Bình, có chùa Ông Bổn, có ban Hương chức hội tề lo công việc trị an và tế tự. Mỗi năm có mấy kỳ, các vị thần thánh về đồng, nhập hồn vào người sống gọi là “lên xác” để trị bệnh hay để dự lễ cúng. Khi lên đồng, chư vị đó không còn biết sợ hiểm nguy, lấy đao kiếm chặt chém vào lưng hay cắt lưỡi lấy máu vẽ bùa, rồi đốt lá bùa đó hòa vào nước lã để cho bệnh nhân uống. Nơi vết thương rỉ máu người ta dùng giấy tiền vàng bạc đắp lên một lát sau hết chảy máu và rất mau lành.

Rằm tháng giêng có lệ làm một cái bè chuối, trên bè có cắm cờ đuôi nheo đủ màu, có trái cây, bánh trái, xôi thịt để cúng tống ôn, đưa ôn dịch ra khỏi làng. Và đến rằm tháng bảy cúng thí rế hay thí thực cô hồn rất long trọng, bày “giỏ là” bằng tre đan đựng bánh, mía khúc, các cỗ lớn bằng tre hình nón bên ngoài có phết giấy màu, trên đó có đơm bánh qui hay tiền cắc, tiền giấy…để cúng. Cúng xong cho dân chúng giựt đồ cúng, gọi là “giựt giàng”(*).

Trong làng còn có một cái am, mái và vách lá của ông Tư Đồ, thầy pháp. Chung quanh am có những bụi tre vừa cao vừa rậm, làm cho am thêm phần âm u, cô tịch. Am có nền đất. Một cái bàn bằng gỗ đơn sơ, trên đó có để nhang đèn, lư hương, bông trái. Dưới chân bàn là những hũ cải tăng xại, bịt miệng bằng vải đỏ, niêm phong rất kỹ. Theo người lớn nói, ông Tư Đồ làm phép bắt nhốt ma trong các hũ đó. Nghe mà phát lạnh người! Có nhiều lần tôi chứng kiến ông Tư Đồ cầu ông Đốc về trị bệnh. Bệnh nhân ngồi bệt trên nền đất, mặt mày xanh xao, nửa tỉnh nửa mê, đối diện là người ngồi đồng, trùm một tấm vải đỏ che khuất đầu và mặt. Ông Tư Đồ đọc những câu:
-Thiên linh linh, địa linh linh…
Người ngồi đồng ngúc nga ngúc ngắc cái đầu một chập. Ông Tư Đồ bảo xưng tên. Hồn xưng là ông Đốc.
Ông Tư Đồ bưng một cốc rượu trắng mời ông Đốc, ông Đốc tiếp nhận cốc rượu giơ lên trước mặt ông Tư Đồ và mọi người, rồi mời:
-Hồ sư, hồ sư, hồ.
Tiếp theo là đưa cốc rượu lên miệng, xuyên qua tấm vải đỏ, ực một cái cạn sạch cốc rượu.
Sau đó ông Đốc bưng “cà-om” nước lạnh tạt từ trên đầu xuống tới chân của bệnh nhân. Bệnh nhân tỉnh táo ngay. Ông Đốc kiếu từ rồi thăng, tức là xuất hồn ra khỏi xác người ngồi đồng.

Càng tin tưởng thần linh, người ta càng tưng trọng những người ngồi đồng, coi ngồi đồng là một ân phước, một vinh hạnh, có đức hạnh mới được thần thánh dựa vào. Trẻ con cũng rủ nhau chơi trò ngồi đồng, bắt chước ợ ngáp, thở xì xịt, xưng tên, làm phép…v.v.

Ngoài việc ông lên bà xuống, trong làng còn có những hiện tượng thần bí được loan truyền.

Người ta nói một ông gọi là Thầy Ký, ăn mặc giống như một nhà sư, áo vạc mẻ màu xám, đội mũ chỉ đan màu vàng, đã lén đào mồ các cô trinh nữ, lấy đầu lâu đem về luyện thiên linh cái. Hồn trinh nữ hiện về để sống chung với ông ta và để ông ta sai khiến làm những điều tà vạy.

Dân chúng lại nói mấy ông thợ mộc có bùa lỗ ban, khi cất nhà của người ta thế nào cũng ếm đối để trù ẻo cho gia chủ tàn mạt.

Ngày xưa đàn ông đàn bà đều có tóc dài để bới. Chủ một trại hòm trong làng thường hay bỏ tóc xõa vào nằm trong cái hòm rên nho nhỏ để trù cho có người chết bán được nhiều hòm.

Một người bị sốt rét nằm trùm mền, run lặp cặp và rên rỉ, gia đình nói người bệnh bị ma rét nhập, nên lấy roi nhịp xuống ván và la hét để đuổi ma rét đi. Có người bị sốt xuất huyết chết, mình mẫy nổi quần tím bầm thì nói là bị ông bà bắt.

Âm khí bao trùm khắp cả làng thì trách gì Bà Ba Mẹo và nhiều người khác mê tín dị đoan. Cụ bà quên, ăn rồi mà nói chưa ăn. Ai cũng có thể quên, càng già càng dễ quên, rồi tiến dần đến chỗ lẫn lộ. Nói theo từ ngữ mà phim tập thường dùng, trí não của người già càng ngày càng thiếu minh mẫn, đó là “bệnh suy khờ của người già”, trẻ khôn qua, già lú lẫn.

Có khi nào bạn đến một chỗ trong nhà để tìm một đồ vật, cứ đứng tần ngần mãi mà không nhớ bạn muốn tìm gì? Có khi nào bạn mất nhiều thời gian đi tìm cái chìa khóa, cặp mắt kiếng hay một vật dụng đang cần?
Tôi có một chị bạn thân đang làm bếp, có điện thoại reo, chị nhắc ống nghe điện thoại không dây để nói chuyện, nói xong chị lo ra việc gì đó mà mở tủ lạnh để ống nghe điện thoại vào cất rồi đóng cửa tủ lạnh lại. Một lát sau điện thoại lại reo mà chị đi tìm mãi không biết ống nghe điện thoại ở đâu.
Một chuyện có thật khác đã xảy ra. Nhà ở bây giờ hay gắn máy báo động, máy nầy có bộ phận chánh nằm ở ngay cửa, có dây nối đến các đèn “mắt thần” rọi tứ phía trong nhà. Chủ nhà đi làm, khi ra cửa bấm nút mở sẵn máy báo động. Nếu có kẻ gian đột nhập vào nhà, các đèn “mắt thần” chiếu thấy có vật di động là còi báo động vang lên ầm ĩ. Sáng sớm, ông cụ chủ nhà đi ra chợ mua báo, trước khi đóng cửa, ông quen tay bấm nút mở máy báo động. Bà cụ vợ ông còn ngon giấc, lát sau bà trở mình, còi báo động rít lên điếc tai mà bà cụ không nhớ số mật mã để tắt báo động. Thật là một cái quên tai hại!
Quên là bệnh trời cho mọi người, nhứt là người già cả. Biết đâu tháng năm đi trước tháng mười theo sau, tới một lúc nào đó mình cũng lẫn lộ, đòi ăn cơm cháy, mới ăn rồi lại đòi ăn nữa giống như trường hợp bà cụ mẹ chồng của Bà Ba Mẹo, rồi con dâu mình cũng tưởng mình bị ma nhập quỷ ám bảo con nó bẻ răng mình. Nói đùa cho vui chớ thời đại tân tiến ngày nay có con dâu nào mê tín dị đoan, vả lại dâu của mình toàn là dâu ngọt, đâu có chuyện tệ bạc xảy ra. Cùng lắm chúng nó đưa mình vào nhà dưỡng lão, có người đỡ đần, chăm sóc cho mình. Xin đừng buồn! Thời bây giờ con cháu không thể làm tròn hiếu đạo theo khuôn mẫu Nhị Thập Tứ Hiếu của Khổng Mạnh ngày xưa.
Những người khi quên khi nhớ thì còn cảm nhận cay đắng của cuộc đời. Cựu Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan tuyên bố với đồng bào ông: “Tổng Thống của quý vị bắt đầu bị bệnh alzheimer”, rồi sau đó ông không nhớ gì nữa, chuyện đời gác bỏ ngoài tai, trần ai không còn vướng bận. Khỏe vô cùng!
Hay là hôm nào mình cũng bắt chước ông Reagan, tuyên bố với bạn bè, với gia đình rằng mình bắt đầu bị bệnh alzheimer. Chắc chắn là mình sẽ được đưa vào nghỉ ngơi ở nhà dưỡng lão! Cũng khỏe vô cùng!

KhiêmCung
Sydney, cuối đông 2010
(*) Giựt giàng: Tiếng địa phương thường dùng. Giựt giàng là giựt đồ cúng thần (Theo Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy, Nguyễn Đức Dương-Nhà Xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, giàng là thần)

NỒI CANH TẬP TÀNG
Khiêm Cung

Rau dền đọt ớt xanh xanh
Vu Lan nhớ mẹ nấu canh tập tàng
Hôm nọ tôi ra sau hè hái một mớ đọt ớt đem vào nấu món canh đọt ớt tôm khô. Món ăn thanh đạm nhà quê đó làm tôi nhớ câu:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Canh đọt ớt tôm khô ngon thật các bạn ơi, vừa thơm mùi lá ớt, vừa ngọt mặn vị tôm khô. Cái ngon thơm đó không chừng là nhờ cách làm đơn giản, bình dân, ít tốn kém lại hợp với khẩu vị của người dân từng sống nơi ruộng đồng. Ăn canh đọt ớt sẽ thấy ngon hơn nữa nếu những ngày trước đó mình ăn những thứ canh nấu với vật liệu mắc tiền.
Có một lần, sau những bữa ăn thịnh soạn trong ba ngày tết, ngán quá rồi, tôi được một người bạn mời về nhà dùng cơm. Gia đình anh bạn chỉ đãi khách cơm trắng với khô cá sặt bổi nướng, chấm nước giấm giằm ớt, ai cũng khen quá ngon.
Nói tới canh đọt ớt, tôi nhớ lại nồi canh bình dân ngày xưa mẹ tôi nấu. Mẹ hái một mớ rau, đủ thứ, rau dền, đọt ớt, mồng tơi…, nấu với bắp hột xát nhỏ và cá khô, thành một nồi canh đủ thứ-có gì nấu nấy-gọi là canh tập tàng, nêm thêm tiêu hành, ăn rất được cơm. Gia đình vui vẻ ngồi xếp bằng thành vòng tròn trên bộ ván ngựa, dùng cơm với canh tập tàng chấm chung một dĩa nước mắm đồng tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó, không ai nghĩ gì tới lây lan bệnh hoạn, tình thương chan hòa trong nước canh thơm ngọt đang từ từ thấm nhập vào cơ thể của mỗi người.
Tấm lòng của người dân quê xứ mình giống như món canh tập tàng, thấy đơn sơ, mộc mạc, nhưng bao giờ cũng đậm đà, thủy chung.

No comments:

Post a Comment