Sunday, February 27, 2011

LẠC LOÀI NƠI CHỐN CŨ

LẠC LOÀI NƠI CHỐN CŨ
Dương Văn Chung


Thân gởi: Anh Chị Lương Thư Trung
Và hai em Đoàn Đông, Lộc Tưởng,

Người ta nói sanh nghề tử nghiệp. Kế toán là nghề của tôi. Tôi không chết, nhưng có phần lận đận vì con số, phải chuẩn bị bàn giao công việc mà mình làm công quả ở chùa gần hai mươi năm qua. Phần đã già, đầu óc không còn minh mẫn như xưa, khi quên khi nhớ, sợ mình nhầm lẫn, thất thoát của tam bảo, phần thì giữa con người với con người, dù tăng hay tục, quan điểm lắm lúc dị đồng, mặc dầu nhà Phật có thuyết bất nhị (không hai). Thôi thì xin từ nhiệm cho xong. Làm việc không ăn lương thì nghỉ việc có gì mất mát!

Công việc bàn giao kéo dài, Cô Út Lộc Tưởng nói tôi lặn quá lâu. Thấy anh Hai và các bạn viết dồn dập, hết sức ngứa tay, nhưng cầm viết lên để viết xuống, “nhấm bút hồ đen một khúc lòng”, đầu óc toàn con số, lấy ý đâu mà viết.

Đọc Chốn Cũ của anh Hai bì bà bì bõm, đến khi ngồi máy bay từ Úc về Việt Nam tám tiếng đồng hồ mới đọc xong hết. Nơi chốn cũ anh gom góp lại rất nhiều những mảnh vụn cuộc đời, tình cảm chứa chan của một người sống xa quê hương. Tuy không hẳn là khúc ruột ngàn dặm, nhưng chúng ta là những người nhớ cội, nhớ nguồn.

Ngày xưa Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi hái thuốc, lạc đến động Thiên Thai, vui với cảnh thần tiên, sống ở đó hai năm mà bằng thời gian 400 năm ở trần thế. Khi trở về mọi vật đã đổi thay, không còn người thân, cảnh cũ. Lưu, Nguyễn ra đi không có mang theo những tình cảm như anh em mình. Chúng ta đã chào giả biệt quê hương tưởng là lần cuối, dồn vào tim óc bao nhiêu khối tình nhỏ, khối tình to, đem theo hình ảnh thân thương của xóm làng, cây cầu, chòm cây, ngọn cỏ, thửa ruộng nương khoai, cái mương, con rạch, con sông, cái ao, cái đìa, cái lờ, cái lợp…v.v.

Anh em mình nhớ quê hương, nhưng không bao giờ yếu đuối rên rỉ khóc than là kiếp lưu đày. Tại sao lại than, chúng ta là những người tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Anh về thấy lại những quả mận da người, những con đường gập ghềnh anh đã đi qua, gặp lại những người thân quen với tình hương thôn còn đó.., chắc chắn lòng anh vừa rộn rã niềm vui, vừa chen lẫn một chút ngậm ngùi nhớ nhung quá khứ.

Tôi về Việt Nam ba lần. Năm 1992 về thăm cha tôi, không ngờ là lần cuối, vì khi trở ra nước ngoài sáu tháng sau, người mất vì nhồi máu cơ tim. Lúc đó thủ tục an ninh còn rườm rà, từ An Phú tôi phải đi ngược về Long Xuyên để đăng ký tạm trú, vì ở tỉnh mới có Phòng Quản Lý người Nước Ngoài. Năm 2003 tôi về một lần nữa, thủ tục giản đơn hơn, chỉ đăng ký tại Sân bay Tân Sơn Nhứt, sau đó chỉ trình sơ với địa phương. Chuyến về năm 2008 này để bốc mộ cho cha mẹ và vợ chồng em trai tôi, thủ tục cũng đơn giản như vậy.

Năm 1992 không có gì thay đổi lớn. Nhưng chuyến về năm 2003 và 2008, tôi thấy mình như người nhà quê ra tỉnh. Tôi có hai chốn cũ, chốn cũ quê quán ở Châu Đốc và chốn cũ làm việc ở Sài Gòn.

Chốn cũ Châu Đốc khá nhiều thay đổi. Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa đã dời, khang trang, tráng lệ hơn xưa, kinh Ông Cò đã cạn nước, nhà cửa cất lan tràn trên đất cạn của lòng kinh, đường xá mở mang rộng rãi, cầu Cồn Tiên vừa xây, nối tiếp theo là con lộ tráng nhựa chạy từ Cồn Tiên đến Long Bình, biên giới Việt Miên. Tuy nhiên, Cầu Cồn Tiên làm giảm bớt cơ hội lao động kiếm cơm của một số cô lái đò đưa khách qua lại Cồn Tiên và bến chợ Châu Đốc, xe hon đa ôm, xe đò cũng đồng cảnh ngộ. Cũng giống như cây cầu Mỹ Thuận đã làm mất công ăn việc làm của bao nhiêu người, chủ quán hai bên bờ Mỹ Thuận, công nhân phà, người bán hàng rong…v.v. Trái lại, cầu Mỹ Thuận là con đường huyết mạch cho việc chuyển vận nông hải sản ở miền Tây lên Sài Gòn và cả nươc bằng đường bộ. Trở lại chốn cũ nơi quê quán, tôi thấy mừng cho bà con mình có những tiện nghi cho cuộc sống, nhưng không khỏi bùi ngùi trước những đổi thay, cuống theo những dấu vết kỷ niệm của tôi thuở xuân thời.

Sau khi về thăm Châu Đốc, tôi trở lại sống một thời gian ở Sài Gòn, chốn cũ nơi làm việc.

Có hai vấn đề làm tôi ngỡ ngàng nhứt là về lưu thông và xây dựng.

Về lưu thông, năm 1992 chưa có nhiều xe như sau này. Nhưng chuyến về đó, tôi chứng kiến một chiếc xe jeep, chở ba bốn thanh niên, chạy trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ), gặp một chiếc xe gắn máy chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) băng ngang qua đường Phan Đình Phùng, bọc phía trước đầu xe Jeep. Mấy thanh niên trên xe Jeep kêu thất thanh:
- Trời, trời…!!!
Một thanh niên trên xe Jeep nhảy xuống phía sau xe Jeep kéo xe chậm lại, thắng xe Jeep không ăn. Tai nạn không xảy ra. Hú hồn!

Chuyến về năm 2003 tôi thấy tổ chức lưu thông có phần cải tiến hơn, nhứt là hệ thống xe buýt trong thành phố tương đối thụân tiện và an ninh. Tôi có dịp đi xe buýt chợ Bến Thành-Chợ Lớn để mua sách, mấy người bán vé xe buýt cũng là an ninh, không cho những thành phần bất hảo mà họ biết mặt lên xe. Hành khách nhờ đón ít bị giựt giọc, móc túi. Tuy nhiên xe gắn máy chạy nghẹt đường, loạn xà ngầu, lòn lách, bọc đầu, vượt đen đỏ, qua chỗ dành cho người đi bộ, có người đang băng qua, cũng không dừng. Tôi thấy chiếc taxi đang chở tôi cũng từ từ lướt tới, vượt đèn đỏ tỉnh bơ. Thật là rối loạn, thật là khiếp đảm! Nhà tôi nhát quá, không bao giờ dám băng qua lộ một mình. Còn tôi, băng qua lộ là một sự liều lĩnh, một hành động cảm tử, tôi vừa tiến tới vừa niễng người liếc bên phải, vừa đi vừa né xe cộ để coi mình sẽ chết vì chiếc xe nào, vừa niệm “Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn”. Cũng may xe tránh mình nên còn sống để viết ngày hôm nay.

Chuyến về năm 2008 thấy có cải tiến thêm một bước nữa. Tại thành phố Sãi Gòn, có đèn xanh đèn đỏ, xe cộ tuân hành, có đường dành cho người đi bộ băng qua đường, có đường dành cho cho xe hai bánh, nhưng vẫn còn quá nhiều xe gắn máy chạy lạn, len, lách, bọc đầu. Đặc biệt tất cả những người ngồi xe gắn máy đều phải đội nón bảo hiểm, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Những nơi không có đèn dành cho người đi bộ băng qua đường, việc băng qua đường vẫn còn khó khăn.

Về xây dựng, ngay chuyến về năm 2003 thành phố Sài Gòn xây cất mới quá nhiều, tôi cảm thấy hết sức lạc lỏng nơi chốn cũ mà tôi đã đi học và làm việc 34 năm, từ năm 1955 đến năm 1989. Căn phố nhỏ của tôi ở đầu đường hàng keo Nguyễn Lâm, gần góc đường Phan Đăng Lưu (Chi Lăng cũ), vẫn còn đó, nhưng tôi không nhận ra lối vào. Trường Lasan Taberd, góc đường Hai Bà Trưng-Nguyễn Du, thuở trước hai đứa con trai của tôi học, đã trở thành trường Trần Đại Nghĩa. Phía sau trường đó là sở làm cũ của tôi, bây giờ đã xây cất lại không còn dấu tích xưa. Đặc biệt năm đó có một số nhà lầu cất cao hơn giấy phép, phải đập phá những từng vượt trội.

Nhà xây mới trông tráng lệ nguy nga, nhưng hệ thống thoát nước thải và nước mưa chưa cải tiến. Hệ thống cống rãnh của thành phố Sài Gòn hầu hết đã có từ thời Pháp thuộc, thích ứng với khối lượng dân cư và thiết kế đô thị thuở đó. Năm 1961, tôi đưa nhà tôi từ Châu Đốc lên Sài Gòn ở, vợ chồng son mướn phía sau một căn nhà ở đường Trần Quang Khải Tân Định, vợ chồng anh chủ nhà cũng chưa có con, ở phía trước cho thuê sách truyện. Khi dọn về đó tôi mới thắc mắc tại sao tất cả giường tủ, tủ chén, bếp núc đều có chân cao hơn một mét, chỗ cửa hông bước ra ngoài hẽm xây bằng xi măng cao độ 6 tấc. Một hôm trời mưa tôi mới thấy nước mưa ngập lên gần tới nệm giường, giày dép trôi lềnh bềnh trong nhà. Mưa tạnh cả tiếng đồng hồ sau nước mới rút hết. Vợ chồng tôi phải tìm gấp nơi khác để dời.

Hạ tầng cơ sở từ trước đã tệ như vậy. Bây giờ xây cất chồng chất lên quá nhiều cho nên nước thải, nước mưa không thông thoát. Mưa không lớn lắm mà xe taxi chạy trên đường Hàng Xanh đã ngập đến nửa bánh xe.

Tôi đang đi lạc giữa Hòn Ngọc Viễn Đông nên nói chuyện cà kê cũng hơi dài, xin tạm ngưng nơi đây để kể tiếp chuyện khác.

Thân chúc anh chị Hai và hai em Đoàn Đông, Lộc Tưởng vui khỏe.

Thân,
CHUNG AN PHÚ

No comments:

Post a Comment