Sunday, February 27, 2011

CHỊ TÔI

CHỊ TÔI
Khiêm Cung

Người ta nói sanh con gái đầu lòng mau nhờ. Tôi nghi ngờ đó là câu an ủi thường nghe trong một xã hội trọng nam, khinh nữ, trót sanh con gái trong khi gia đình mong mỏi sanh con trai. Không phải con gái đầu lòng nào cũng mau nhờ, nhưng đúng là cha mẹ tôi rất sớm nhờ được người con gái đầu lòng là chị hai (chị cả) tôi.

Cha mẹ tôi là nông dân, nhà nghèo, đông con. Đều đều cứ hai năm mẹ tôi nằm chỗ một lần cho nên chị em chúng tôi đứa sau nhỏ hơn đứa kế trước hai tuổi. Mẹ tôi không chăm sóc hết từng đứa con nếu không có sự đỡ đần của chị hai tôi. Chị tắm rửa, giặt giũ quần áo cho các em, ẵm bồng các em đến chai hông. Các em đều kính mến và nể nang chị.

Mẹ tôi làm bánh, bánh bò, bánh da lợn, bánh ít, bánh tét, bánh lọt, xôi…để chị hai tôi đem bán dạo trong xóm. Chị rất thích buôn bán. Chị rất vui vẻ, lễ phép, dễ thương. Có một dạo, chị dẫn tôi đi bộ từ làng này sang làng khác để mua gom trứng gà, trứng vịt. Tôi còn nhỏ chỉ đi theo cho có chị có em và để “giữ dê”, chớ có giúp được gì cho chị tôi. Chị để trứng gà, trứng vịt trong một cái giỏ mây có quai, rồi đội cái giỏ trứng trên đầu, dưới giỏ có một lớp khăn xếp dầy cho đỡ đau đầu. Cứ cách một ngày có một chiếc tàu đò hai tầng, có ống khói lớn, chạy bằng hơi nước, chở khách và hàng hóa từ Châu Đốc lên Nam Vang, khi đến Vàm Bắc Nam, tàu tạm dừng để đón khách. Chị em tôi đem trứng đã mua gom bán lại cho quán cơm ở từng trên của chiếc tàu. Một hôm có tin đồn chị tôi mua trứng gà trứng vịt để bán cho tây. Sợ con bị đi “mò tôm”, cha mẹ tôi bảo chị tôi nghỉ mua bán trứng gà trứng vịt.

Rồi một thời gian chị vựa gạo trên một chiếc ghe nhỏ, neo giữa sông chợ Châu Đốc-Cồn Tiên để bán hàng xáo. Lúc bấy giờ khúc sông nầy nhộn nhịp lắm, những chiếc ca-nô đò dọc có treo cờ đuôi nheo xanh xanh, đỏ đỏ bay phất phới, chiếc rời bến, chiếc cặp bến; những chiếc đò ngang lướt nhẹ trên sông bằng đôi mái chèo của cô lái đò mặc đồ bà ba, đội nón lá; những chiếc ghe, chiếc xuồng của bà-con ở trong quê đem nông phẩm ra chợ bán, rồi mua hàng chợ về dùng; những chiếc ghe chài của người Hoa thu mua lúa của nông dân, gạo đong bằng cái thùng thiếc tròn hai mươi lít, gọi là cái táo. Mỗi khi đong lúa đầy một cái táo thì có tiếng hô “thẻ”, người mua hô “có” rồi đưa một cái thẻ dẹp bằng tre bề ngang chừng một phân, bề dài độ một tấc cho người bán lúa. Khi đong hết lúa, người ta đếm lại xem được bao nhiêu táo. Cứ hai táo bằng một dạ. Đặc biệt, trước mũi ghe chài nào cũng có vẽ hai con mắt ghe, có tròng đen, tròng trắng trên cái nền màu đỏ, trông chiếc ghe như là một người khổng lồ đa ng trườn trên mặt nước. Tiếng mái chèo khuấy nước, tiếng máy tàu xình xịch, tiếng người ơi ới, thật là ồn náo, sinh động.

Thấy chị tôi giỏi giắn, năng nổ mua bán làm ăn, nhiều gia đình muốn hỏi cưới chị về làm dâu. Đã đến lúc chị tôi có chồng. Chồng chị cũng gốc nông dân, nhưng thích mua bán, nhà ở Ba Tiệm, khoảng giữa Mỹ Đức và Cái Dầu. Đám cưới của chị tôi cũng khá linh đình so với những đám cưới khác ở nông thôn thời đó. Đêm trước ngày đám cưới có nhóm họ đàng gái, chị tôi lạy xuất giá, lạy ông bà cha mẹ và những bậc trưởng thượng, cha mẹ tôi căn dặn chị tôi đủ điều về bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ và cách đối xử với gia đình bên chồng sao cho phải đạo: “không phải chỉ biết có thằng chồng…”, “ chưa có chồng thì đi dọc đi ngang, có chồng rồi cứ thẳng một đàng mà đi”, “đi phải thưa về phải trình”…v.v., chị tôi khóc rắm rức có lẽ vì buồn phải xa cha, xa mẹ và các em để về nhà chồng, chung quanh mình toàn là người dưng kẻ lạ. Đêm đó buổi họp mặt gia đình rất đông, ngoại trừ chị tôi ra chiều tư lự, những người khác thì nói nói, cười cười, tiếng máy hát quay tay mà chú Út tôi mượn được của một người lối xóm đang để trên bộ ván ở nhà trước như trêu chọc chị tôi:
Quạ kêu nam đáo nữ phòng,
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương

Sau đám cưới hai ngày chị và anh rễ tôi dẫn nhau đem rượu trà, bánh mứt về làm lễ phản bái.

Vợ chồng chị đầm ấm, con cháu đầy đàn.

Bây giờ chị đã quá tám mươi, góa bụa, sắp đến ngày chung kết của một đời người phụ nữ theo truyền thống Việt Nam, trọn đạo làm con, làm chị em, làm vợ, làm mẹ, làm bà. Hôm qua có điện về thăm chị, nghe nói một con mắt chị bị hư võng mạc, không còn nhìn thấy nữa, một cửa sổ tâm hồn chị đã đóng lại, lòng tôi chua xót vô cùng. Con mắt đó ngày nào chị trông nom em út, trông nhà trông cửa giúp đỡ mẹ cha, trông coi mua bán tảo tần, trông đàn con dại, bây giờ đã hư hoại tối tăm. Vô thường đã đến với chị cũng như sẽ đến với mọi người.

Nghĩ đến chị, tôi bồi hồi cảm xúc, nhớ bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân do Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc. Nhà thơ đã khéo léo đưa mọi người trở về với những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, với cây khế ngọt trái kết thành chùm mà ta trèo hái mỗi ngày, với con đườ ng làng quen thuộc ta đi học, có những con bướm vàng rợp bay, với những con diều đầy màu sắc mà hồi còn thơ ta đã thả trên đồng, những chiếc đò ngang đò dọc, sông nước hiền hòa, cảnh hoa cau trắng rụng ngoài thềm một đêm trăng tỏ, với hoa bí màu vàng, giậu mồng tơi màu tím, hoa dâm bụt màu đỏ, hoa sen màu trắng. Rồi nhà thơ lại nhắc đến hình ảnh người mẹ hiền. Mẹ có việc đi vắng nhà, ta đang mong ngóng người về. Vui sướng biết bao khi nhìn thấy mẹ, một người thân thương nhất đời, mặc chiếc áo bà ba, một tay vịn vào tay vịn của cây cầu tre nhỏ, một tay vịn chiếc nón lá che nghiêng, đang cẩn thận bước từng bước một qua cầu để về nhà với đứa con nhỏ.

Hình ảnh quê hương hiện về với bao niềm hoài niệm sâu đậm của một người xa xứ. Có khi nào nghe tiếng chim cu gáy sau hè, ta chợt nhớ đến cái tết ở quê mình? Có khi nào gặp lúc tiết trời se lạnh, gió hiu hiu thổi, ta chợt nhớ đến mùa gió bấc cùng với trẻ con hàng xóm xách thùng múc nước đổ bắt dế cơm?

Phải chăng tiếng chim cu kêu, cơn gió thoảng, tất cả cũng đều là quê hương?

Đối với em, hơn bảy mươi năm một cuộc đời chan chứa bao nhiêu kỷ niệm tình chị em tha thiết từ thuở còn thơ, chị là hình ảnh của quê hương yêu dấu đó chị ơi, em nhớ thương chị vô cùng!

No comments:

Post a Comment