Sunday, February 27, 2011

LÁ THƯ THƯỢNG HẢI

LÁ THƯ THƯỢNG HẢI
HÀ KỲ LAM

Thượng Hải ngày...
Chị Mộng Hoa thân mến,
Ngồi đây, sau mười bốn ngày chu du một vòng các nơi nổi danh về lịch sử cũng như về phong cảnh của Trung Hoa, với một mớ ấn tượng hổn độn trong đầu, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để kể cho chị về chuyến đi! Thôi, để cho tiện, tôi cố gắng sắp xếp mọi thứ theo từng mục như sau: ăn ở, chuyên chở, hướng dẫn du lịch, đô thị Trung Hoa, mua sắm, di tích lịch sử, phong cảnh.

Ăn Ở
Khách sạn ở Trung Hoa rất mới – có lẽ được xây cất mới đây để thu hút du khách từ các nơi trên thế giới, tương tự Việt Nam trong thời kỳ “mở cửa”. Phòng ốc bóng loáng, kiểu cách khá cầu kỳ, dùng vật liệu khá đắc tiền, nhưng – hy vọng tôi không quá khắc khe hay quá thành kiến – tôi thấy dường như người thiết kế nặng về trình diễn mà xem nhẹ tính thực dụng. Mỗi khách sạn có những khuyết điểm khác nhau, chỉ xin đan cử vài ví dụ: nhiều khách sạn để bộ phận tắt/mở đèn của phòng vệ sinh bên ngoài chứ không phải bên trong phòng; hệ thống nước máy không đủ cho nhu cầu của khách sạn; máy truyền hình trong nhiều phòng không hoạt động được (không operational).

Có một điều hơi lạ là tại một khách sạn ở Bắc Kinh người mướn phòng không sử dụng được quyền không muốn làm phòng, mặc dù nơi quả nắm của cửa vẫn treo tấm bảng có hàng chữ “do not disturb” để cho khách tiện dụng. Chúng tôi khiếu nại thì được trả lời: nếu không muốn bồi phòng vào làm việc thì phải gọi báo văn phòng quản lý. Vậy thì tấm bảng “do not disturb” có công dụng gì?


Tây Hồ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang

Về thức ăn, khó mà nói món ăn nước nào ngon hơn nước nào. Vấn đề khẩu vị của dân tộc, của một vùng địa dư, một sắc thái văn hóa. Cho nên trong mười bốn ngày ở Trung Hoa, tuy ăn không ngon miệng tôi vẫn không thể kết luận các món ăn Tàu ở chính quốc dở hơn thức ăn Tàu bên Mỹ. Với lại, vì khoản ẩm thực được bao gồm trong sở phí du lịch mà du khách đóng cho công ty du lịch, rất có thể thực đơn của chúng tôi đã được ấn định trước ở mức không được cao lương mỹ vị lắm. Những nhà hàng đoàn du lịch được đưa vào ăn uống đều có vẻ quốc doanh; tiệm lớn, bài trí sang trọng, với một đội ngủ người phục dịch đông đảo. Sau buổi ăn tối thường có màn trình diễn văn nghệ ngay tại chỗ, vì nhà hàng có cả một sân khấu khá lớn và khá tối tân. Những nhà hàng chúng tôi đặt chân đến dường như chỉ dành riêng cho du khách, vì không thấy khách bản xứ đâu cả. Nước uống không được “thoải mái” như các tiệm quán bên Mỹ. Khi mới ngồi vào bàn thực khách được cho một ly nước nhỏ uống cho “thấm giọng”. Vị nào thấy chưa đủ gọi xin thêm sẽ được yêu cầu trả tiền nước chứ không miễn phí nữa! Nhưng cũng “may” là trong những ngày ở Trung Hoa ai nấy đều tự hạn chế nước uống, để khỏi đi tiểu nhiều, vì nhà vệ sinh công cọng ở bên đó không nhiều như ở Mỹ, và lại hôi hám.

Chuyên Chở
Trong phần này tôi đề cập mọi phương tiện di chuyển gắn liền với chuyến Hoa du, từ đường bộ, đường thủy, đến đường hàng không, kể cả chuyến bay từ San Francisco đến Trung Hoa và ngược lại; tất cả đều được bao gồm trong sở phí du lịch mà khách đã trả trước, lúc ghi tên mua dịch vụ du lịch Trung Hoa tại một đại lý du lịch tại Mỹ.
Chuyển Vận Con Thoi
Tôi tạm gọi công việc đưa rước tại phi trường, trạm xe lửa, và chuyên chở du khách trên các lộ trình thăm viếng tại địa phương là chuyển vận con thoi. Dịch vụ này, như tôi đã nói trên đây, được bao gồm trong sở phí du lịch của chúng tôi, nhưng thể lệ của công ty du lịch còn ấn định một khoản tiền thưởng (tip) cho tài xế là hai Mỹ kim mỗi ngày cho mỗi đầu người. Với ba mươi chín du khách, cộng thêm một nhân viên hướng dẫn tổng quát (mà họ gọi national tours guide), và một nhân viên hướng dẫn địa phương (local tours guide), đoàn chúng tôi ngồi vừa vặn trên một xe buýt hạng trung với ghế “mềm” (chữ dùng rất thịnh hành ở Trung Hoa, chỉ ghế đệm, để phân biệt với ghế kim khí, hay ghế gỗ mà họ gọi “ghế cứng”), và máy lạnh khá dễ chịu. Chỉ đến khi kết thúc chuyến Hoa du tiêu chuẩn (standard) ở trạm cuối là Thượng Hải vào ngày thứ mười, mười người Việt chúng tôi, vì còn tiếp tục thêm bốn ngày nữa cho chuyến đi Hàng Châu đã mua thêm (optional) từ đầu, mới xử dụng một xe mini bus khá gọn gàng và cũng khá tiện nghi.
Tài xế rất cẩn thận, lành nghề, và quen thuộc lộ trình. Đường sá khá tốt. Không có nạn nghẽn lưu thông, có lẽ một phần vì lưu lượng xe cộ ở đây không nhiều như các nước khác, và một phần vì không có xe gắn máy trên đường phố. Ngồi trên xe nhìn phố phường và phong cảnh hai bên đường cũng đã là một điều thích thú.


Vạn Lý Trường Thành dài trên 6000 cây số, cao 10 thước, rộng 8 thước

Đường Sắt
Giữa các địa điểm du lịch tương đối gần nhau thì người ta cho chúng tôi đi xe lửa. Đó là các đoạn đường Nam Kinh – Tô Châu (bốn giờ xe lửa), Thượng Hải – Hàng Châu (hai giờ), Thượng hải – Tô Châu (một giờ). Dĩ nhiên không thể so sánh với xe lửa TGV (train à grande vitesse) của Pháp, nhưng xe lửa Trung Hoa chạy khá êm, tương tự Amtrak của Mỹ. Tôi chưa có dịp đi xe lửa ở Việt Nam, nhưng mới tháng rồi nghe một người bạn về thăm Việt Nam kể lại đã có dịp đi xe lửa từ Sài Gòn đến Hà Nội. Tôi nhớ anh ta nói về độ lắc của xe, và tôi nghĩ nếu quả đúng như vậy thì xe lửa ở Trung Hoa khá hơn xe lửa Việt Nam rồi.
Đi theo đoàn du lịch mình được dành nhiều thuận lợi, chảng hạn được đi một toa riêng, không chung đụng với dân chúng, với tiêu chuẩn hạng nhất tức là ghế có số, và lại “ghế mềm.” Trên xe lửa có bán thức uống, thức ăn, nhưng do các người phục vụ bưng đến tận nơi mình ngồi và chào hàng.
Hy vọng di chuyển bằng xe lửa mình có thể nhìn thấy nhiều vùng dân cư khác nhau nên tôi cố gắng quan sát phong cảnh hai bên đường mong có được một cái nhìn thoáng qua nông thôn Trung Hoa. Tôi đã thất vọng, vì đi xuyên đất nước đó ít ra cả nghìn cây số đường bộ mà tôi không thấy được một làng mạc nào cả. Những gì tôi thấy là những đồng ruộng vắng người – mùa gieo trồng đã qua, mùa thu hoạch chưa tới – và lâu lâu một nhóm dăm bảy nóc nhà ngói mà lối xây cất hoặc có vẻ những chung cư, hoặc giống những công xưởng. Cũng chẳng thấy bóng người ra vào những căn nhà đó. Không biết tôi có hồ đồ chăng khi kết luận rằng dọc đường sắt Trung Hoa là những vùng sản xuất, dân cư có lẽ phải ở xa các trục giao thông.
Đường Hàng Không
Chuyến bay từ Mỹ (San Francisco) đến Bắc Kinh của hảng Air China – khoảng mười bốn giờ bay liên tục – chẳng có gì đáng nói, vì cũng như bao chuyến bay quốc tế khác. Tại quốc nội Trung Hoa, để đến những điểm du lịch xa, du khách được vận chuyển bằng máy bay. Đó là các chặn đường Bắc Kinh – Tây An tức cố đô Tràng An (một giờ năm mươi phút bay), Tây An – Quế Lâm, thủ phủ tỉnh Quảng Tây (hai giờ bay), Quế Lâm – Nam Kinh (hai giờ bay).
Trước chuyến đi, nghe bạn bè và bà con nói về tình trạng tồi tệ của đường bay quốc nội bên Trung Hoa tôi cũng thấy bất ổn trong lòng. Thế rồi hôm rời Bắc Kinh đi Tây An trên chuyến bay nội địa đầu tiên, nỗi lo sợ của tôi tiêu tan. Các máy bay của họ đâu có tệ, cũng những chiếc airbus của Âu châu, hay những chiếc chở khách của Boeing, Mỹ. Phi trình, cất cánh, hạ cánh đều khá êm ái. Phục vụ trên máy bay cũng tạm được. Có lẽ cái thời kỳ của những chiếc máy bay TU “khủng khiếp” do đàn anh Liên Xô quá cố chế tạo đã qua rồi.
Nói đến hàng không thì cũng nên đề cập đến phi trường. Phi trường Trung Hoa không nhộn nhịp máy bay lên xuống như bên Mỹ, nhưng hành khách thì đông, và phi cảng thì khá rộng lớn. Phi trường Thượng Hải hiện nay là phi trường lớn nhất Á châu. Đi du lịch Trung Hoa do một công ty tổ chức, việc mua vé máy bay đi lại đây đó đều có người lo liệu, nên tôi không thấy khó khăn của công việc này, nhưng tôi nhớ một người Hoa mà tôi quen biết ở Mỹ có lần đã nói với tôi về nỗi khó khăn khi phải tự mình đi mua một vé máy bay trên đất nước đó. Chờ đợi là một chuyện, có vé để mua hay không là một chuyện nữa, v.v. Chuyện này dẫn tới chuyện kia, tôi lại nhớ mới đây nhà văn Phạm Xuân Đài đi Nga về có thuật lại với tôi việc anh phải sắp hàng chở ba tiếng đồng hồ ở nhà ga Mạc Tư Khoa mới mua được một vé xe lửa để đi St. Petersbourg, tức Léningrade. Xã hội trong hai nước “anh em” này có những điểm tương đồng của di truyền!
Quang cảnh buổi sáng ngoại ô Nam Vang (24-9-2006)

Quay sang chuyện chính trị của đất nước Chùa Tháp, người viết thấy trên đường phố Nam Vang những khẩu hiệu lớn, “Long Life the Kingdom of Cambodia”, rồi tên những chính đảng “The CAMBODIAN PEOPLE’S PARTY”, “FUNCINPEC PARTY”, và “SAM RAINSY PARTY”. Được biết Cambodian People’s Party (đảng Nhân Dân Campuchia) là đảng của đương kim thủ tướng Hun Sen, đảng FUNCINPEC (đảng Bảo Hoàng) là đảng do hoàng thân Norodom Ranariddh sáng lập và làm chủ tịch. Nhưng mới đây, vào ngày 18-10-2006, ông vừa bị truất phế, có lẽ do tranh chấp nội bộ, và người kế vị là hoàng thân Kev Put-Reaksmei. Còn Sam Rainsy Party (đảng Quốc Gia Khmer) mang tên người chủ tịch là Sam Rainsy. Đảng của thủ tướng Hun Sen được xem là thân Việt Nam, đảng FUNCINPEC (Bảo Hoàng) thì ôn hòa, trung dung, và đảng Sam Rainsy đối lập với chính quyền hiện tại. Campuchia theo thể chế quân chủ lập hiến, và vị quốc trưởng hiện nay là hoàng thân Norodom Sihamoni, con trai cựu hoàng Sihanouk.


28-10-2006

Hà Kỳ Lam


Đường Thủy
Trong mười bốn ngày du lịch Trung Hoa, chúng tôi dùng đường thủy ba lần, ở Quế Lâm, Tô Châu, và Hàng Châu, vì những nơi đó cần phải lênh đênh trên hồ hay trên sông để ngoạn cảnh. Những chiếc tàu nhỏ này khá tiện nghi, chứa khoảng bốn mươi người, có bàn ăn để du khách vừa ngồi ăn uống vừa ngắm nhìn phong cảnh hai bên bờ.

No comments:

Post a Comment