Sunday, February 27, 2011

MUÔN KIẾP BÊN NHAU

MUÔN KIẾP BÊN NHAU
(Tựa nguyên tác CHRISTINA ROSENTHAL)

Truyện ngắn của JEFFREY ARCHER
HÀ KỲ LAM dịch


Lời người dịch.
Jeffrey Archer, nhà văn Anh hiện đại, con của một chủ nhà in, sinh ngày 15 tháng 4 năm 1940 tại Luân Ðôn, nhưng lớn lên tại Somerset. Ông theo học tại đại học Oxford, và tại đây ông đã được tuyển chọn vào đoàn lực sĩ điền kinh của trường, và năm 1966 ông đại diện nước Anh trong một cuộc tranh tài thế giới với môn chạy nước rút 100 yards để đem về huy chương vàng với kỷ lục 9.6 giây. Ông trở thành nghị viên trẻ tuổi nhất của Viện Thứ Dân (House of Commons), lúc 29 tuổi. Năm 1985 ông được đề cử vào chức vụ Phó Chủ Tịch đảng Bảo Thủ. Năm 1992 ông bước lên Viện Quý Tộc (House of Lords). Tác giả hiện sống ở Luân Ðôn cùng vợ, Mary, và hai con, Wil và James.

Jeffrey Archer là một mẫu người hoạt động. Bên cạnh văn chương ông còn say mê nhiều địa hạt khác. Thời kỳ sinh viên của ông gắn liền với thể thao, thể dục; ông từng là chủ tịch Câu Lạc Bộ Thể Dục Ðại Học. Ông bước vào chính trị sớm, và những hoạt động sau này của ông hướng về con người và xã hội; năm 1991 trong cương vị điều hợp viên Chiến Dịch Cứu Trợ Các Bộ Lạc Dân Kurd ông đã giúp gây quỹ được 57 triệu Bảng Anh. Quay sang các bộ môn giải trí, ông từng là Chủ Tịch Hiệp Hội Bi-Da Chuyên Nghiệp Thế Giới, Mạnh Thường Quân của Quỹ Thể Thao Thanh Niên, và Phòng Thương Mại Tiểu Thương, Chủ Tịch Hội Hổ Trợ Môn Crikê của vùng Somerset.

Ngoài các truyện dài và kịch bản, Jeffrey Archer còn được biết đến như là một trong những cây bút viết truyện ngắn hay nhất thế giới hiện nay.
Truyện của ông là một chuỗi những pha hồi hộp nghẹt thở, cùng những nút mở bất ngờ - mang hơi hướm những truyện trinh thám Anh - hoặc giả những kết thúc bi đát để lại một dư hưởng kéo dài trong lòng người đọc như một điều gì để suy ngẫm.
Jeffrey Archer viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, Not A Penny More, Not A Penny Less lúc 34 tuổi, sau khi rút lui khỏi Viện Thứ Dân và đang bấp bênh bên bờ hố khánh tận. Tác giả viết kịch bản đầu tay năm 1987, Beyond Reasonable Doubt , một vở kịch đã được diễn đến 600 buổi tại hí viện của Hoàng Gia ở Tây Luân Ðôn. Xin liệt kê sau đây tác phẩm của Jeffrey Archer.

Truyện Dài
Not A Penny More Not A Penny Less; Shall We Tell The President; Kane and Abel; The Prodigal Daughter; First Among Equals; A Matter of Honour; As The Crow Flies; Honour Among Thieves; The Fourth Estate; The Eleventh Commandment; Sons of Fortune; A Prison Diary; A Prison Diary Volume 2; A Prison Diary Volume 3; In the Lap of the Gods; False Impression; The Gospel According to Judas (viết chung với Francis J. Muloney); A Prisoner of Birth.

Truyện Ngắn
A Quiver Full of Arrows; A Twist in The Tale; Twelve Red Herrings; To Cut a Long Story Short; Cat ONine Tales.

Kịch Bản
Beyond Reasonable Doubt; Exclusive; The Accused.

Tâm hồn phong phú , nhạy cảm và sức sáng tác không mệt mõi của Jeffrey Archer quả là điều hiếm thấy. Mỗi lần đường đời mình đi vào một khúc quanh nghiệt ngã thì tác giả cũng lại cho "thăng hoa" một cái gì. Năm 1974, đứng bên bờ hố khánh tận, thì năm sau ông cho ra đời truyện dài đầu tay "Not a Penny More, Not a Penny Less" (Không Một Xu Dính Túi). Năm 1999 bắt đầu một ngã rẻ mới bi đát trong đời mình, tức vụ kiện tờ báo Daily Star mười hai năm trước đang bị điều tra, thì năm 2000 Jeffrey Archer lại cho ra đời một kịch bản mới, "The Accused" (Kẻ Bị Cáo Buộc), một vở kịch mà bối cảnh là phòng xử của tòa án. Rồi tác giả dính vào vòng lao lý. Ra tù năm 2003, Jeffrey Archer lại cũng đã cống hiến cho đời những đứa con tinh thần thai nghén, khai sinh trong nghịch cảnh đó, "A Prison Diary" (Nhật Ký Trong Tù), "A Prison Diary Volume 2", "A Prison Diary Volume 3".

Với sách của mình được xuất bản ở 63 quốc gia, dịch ra 21 ngôn ngữ, con số bán lên trên 120 triệu cuốn, đến nay Jeffrey Archer đã chiếm một vị trí vững vàng trên văn đàn thế giới.

Truyện ngắn sau đây được trích trong tập truyện "A Twist in The Tale". Cách nay 10 năm, được sự cho phép của tác giả qua thư riêng ngày 3 tháng 12 năm 1997, chúng tôi đã dịch sang Việt ngữ câu chuyện tuyệt vời này và nay xin hân hạnh được đăng lại để bạn đọc thưởng lãm. HKL.

***

VỊ GIÁO SĨ Do Thái Giáo biết rõ mình không hy vọng gì có thể bắt đầu soạn bài giảng khi chưa đọc xong bức thư. Ông đã ngồi tại bàn làm việc của mình, trước trang giấy trắng, hơn một tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa viết được câu đầu tiên. Thời gian gần đây ông không thể nào tập trung tâm trí vào cái công việc mà ông vẫn thi hành ngót ba mươi năm nay vào ngày Thứ Sáu hằng tuần. Có lẽ đến bây giờ người ta đã thấy ông không còn tinh thần chu toàn thiên chức này nữa. Ông kéo bức thư ra khỏi bao thư, từ từ mở các trang. Ðoạn ông nâng đôi mục kỉnh hình bán nguyệt lên khỏi sống mũi và bắt đầu đọc.

Ba thương yêu,
"Thằng Do Thái! Thằng Do Thái! Thằng Do Thái!" chính là những tiếng đầu tiên con nghe từ miệng nàng thốt ra khi con chạy ngang chỗ nàng đứng, trong vòng đầu của cuộc tranh tài. Nàng đứng đằng sau hàng rào cản, chỗ bắt đầu rẽ vào lằn mức đến, đưa hai tay lên miệng làm loa để cho con nghe rõ lời hô. Chắc nàng học một trường khác, bởi vì con không nhận ra nàng, nhưng chỉ cần một cái liếc nhanh cũng có thể thấy Greg Reynolds đang đứng cạnh nàng.
Sau năm năm chịu đựng lời lẽ ti tiện và bắt nạt của hắn tại trường, điều con muốn trả đũa là hét lên, "Ðức Quốc Xã, Ðức Quốc Xã, Ðức Quốc Xã", nhưng Ba luôn luôn dạy con phải nâng mình cao hơn những khiêu khích như thế.
Con cố gắng không nghĩ đến hai kẻ đó lúc con chạy vòng thứ hai của cuộc đua. Từ lâu con hằng mơ ước đoạt giải vô địch chạy một dặm tại trường trung học West Mount, và con quyết tâm không để bọn chúng chận đứng mình.
Khi con đến lằn mức giáp vòng lần thứ nhì con nhìn nàng kỹ hơn. Nàng đứng với một nhóm bạn mang khăn quàng của trường Marianapolis Convent. Nàng chỉ độ mười sáu, và mãnh khãnh như một cây liễu. Con tự hỏi nếu lúc đó con đã hét lên "không có ngực, không có ngực, không có ngực" để khiêu khích thằng đứng cạnh nàng nhảy vào cuộc đánh nhau thì không biết Ba có khiển phạt con không. Nếu vậy, con đã có thể khai thật với Ba rằng chính hắn ra tay trước, nhưng lúc Ba đã biết hắn chính là Greg Reynolds thì chắc Ba đã vỡ lẽ con chẳng cần khiêu khích nhiều.
Khi tới lằn mức giáp vòng một lần nữa con lại chuẩn bị tinh thần để nghe những tiếng hô kia. Hô lớn nhịp nhàng ở những buổi tranh tài thể dục đã trở thành thời thượng khoảng cuối thập niên 1950 khi những tiếng reo “Zatopek, Zatopek, Zatopek" đã từng vang rền qua các sân chạy khắp thế giới để đón chào nhà vô địch Tiệp Khắc. Con đâu được nghe những tiếng hô đáng lẽ phải là "Ros-en-thal, Ros-en-thal, Ros-en-thal" khi con vừa đến trong tầm nghe.
"Thằng Do Thái! Thằng Do Thai! Thằng Do Thái!" nàng la như đĩa hát bị kẹt kim. Thằng Greg, bạn nàng, nói theo ngôn ngữ ngày nay, một thằng con-nhà-giàu-đẹp-trai-học-giỏi, bắt đầu phá lên cười. Con biết chính hắn xúi nàng làm thế, và con chỉ muốn làm sao dập tắt ngay cái nụ cười nham nhở kia của hắn. Con đạt tới mức nửa dặm trong hai phút mười bảy giây, thoải mái trong vận tốc cần thiết để phá kỷ kục của trường trung học West Mount, và con cảm thấy đó là cách tốt nhất bắt đứa con gái khinh người và thằng phát xít Greg Reynolds trở về vị trí của chúng. Sau này con vẫn không ngừng suy nghĩ sao sự đời lại bất công thế. Con là dân Gia Nã Ðại chính cống, sinh ra và lớn lên ở đất nước này, trong khi nàng chỉ là một kẻ di dân. Dù gì đi nữa, Ba chính là kẻ đã thoát khỏi Hamburg năm 1937, và lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Bố mẹ nàng chỉ mới đặt chân lên bến bờ này năm 1949, lúc mà Ba đã là một khuông mặt được kính trọng trong cộng đồng.
Con cắn răng và gắng tập trung tâm trí. Zatopek đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng một lực sĩ chạy đua không được để bị phân tâm trong lúc thi. Khi con chạy đến khúc cong gần cuối thì tiếng hô nghiệp dĩ lại cất lên, nhưng lần này nó chỉ làm con chạy nhanh hơn và quyết tâm hơn để phá kỷ lục. Khi con đặt chân vào vùng an toàn của con đường thẳng dẫn đến lằn mức đến, con nghe những người bạn la lớn, "tiến lên, Benjamin, mày đạt được đấy" và người tính giờ hô lên, "ba hai mươi ba, ba hai mươi bốn, ba hai mươi lăm" khi con qua khỏi cái chuông để bắt đầu vòng cuối cùng.
Con biết rằng kỷ lục - bốn ba mươi hai - bây giờ đang nằm trong tầm tay mình và những đêm ảm đạm mùa đông luyện tập bỗng dưng đáng đồng tiền bát gạo. Khi đến chỗ giáp vòng con dẫn đầu, và thậm chí con cảm thấy mình có thể vững vàng đối đầu với cô gái một lần nữa. Con gom hết sức mình cho nổ lực chót. Liếc nhanh về phía sau con thấy mình bỏ xa các đối thủ hàng mấy yards, cho nên bây giờ mình chỉ còn đua với thời gian thôi. Thế rồi con nghe những tiếng hô đó, nhưng lần này còn lớn hơn trước, "thằng Do Thai! thằng Do Thái! thằng Do Thái!". Tiếng hô to hơn vì hai đứa chúng hợp lại, và khi con chạy vòng theo khúc đường cong tên Reynolds đưa tay lên chào kiểu Ðức Quốc Xã đầy thách thức. Nếu chỉ chạy tiếp hai mươi yards nữa thì con đã tới chỗ an toàn của đường vào lằn mức đến, và đã được bạn bè reo hò, đã lãnh cúp, đã ghi một kỷ lục. Nhưng chúng làm con giận dữ đến hết tự chế nỗi.
Con băng ra khỏi vòng đua, chạy ngang qua thảm cỏ, đến sân thi nhảy xa và hướng thẳng về phía hai đứa chúng. Ít nhất quyết định điên rồ của con đã làm im bặt những tiếng hô của chúng, bởi vì tên Reynolds hạ tay xuống và đứng trố mắt nhìn con một cách thảm hại từ bên kia hàng rào chấn song nhỏ vây quanh ngoại vi vòng đua. Con phóng qua khỏi hàng rào và đáp xuống ngay trước mặt kẻ thù. Với tất cả sức lực dành cho vòng đua cuối con giáng quả đấm thần sầu vào hắn ta. Nắm tay của con trúng vào dưới mắt trái của hắn một phân Anh, và hắn sụm xuống nằm đo đất ngay cạnh nàng. Nàng vội quì xuống và ngước mắt trừng con, một cái nhìn căm ghét thật khó tả. Khi đã yên trí là thằng Greg không đứng dậy nỗi con chậm rãi bước trở lại vòng đua vừa khi những người chạy ở cuối bắt đầu vào đoạn đường cong chung cuộc.
"Lại về chót, thằng Do Thái", con nghe nàng thét lên khi con vừa đi xuống khúc đường thẳng dẫn vào lằn mức đến, đi sau mọi người xa đến nỗi người ta không buồn tính thời gian cho con.
Biết bao lần Ba đã trích dẫn cho con nghe câu: "Ta vẫn nhận chịu với cái nhún vai kiên nhẫn, vì đau khổ là phù hiệu của tất cả chúng ta".
Dĩ nhiên Ba đã đúng, nhưng lúc bấy giờ con chỉ mới mười bảy tuổi, và thậm chí khi con biết được ông ta là ai, con vẫn không hiểu làm thế nào một kẻ từ một nước Ðức bại trận đến, một nước Ðức bị cả thế giới lên án vì chính sách đối với người Do Thái, lại vẫn có thể cư xử như thế. Và trong những ngày đó con thật sự tin gia đình nàng là đảng viên Ðức Quốc Xã, nhưng con còn nhớ Ba đã kiên nhẫn giải thích với con rằng bố nàng trước kia là một đô đốc trong hải quân Ðức và đã được thưởng một huy chương vì chiến công đánh đắm nhiều chiến hạm Ðồng Minh. Ba có nhớ con đã hỏi Ba làm sao Ba có thể khoan dung với một người như thế, nói chi đến cho phép ông ta yên ổn định cư trên đất nước chúng ta?
Ba tiếp tục trấn an con rằng Ðô Ðốc von Braumer, kẻ xuất thân từ một gia đình công giáo kỳ cựu, và có lẽ từng khinh miệt bọn Ðức Quốc Xã không kém chúng ta, đã hành xử trong danh dự ở cương vị sĩ quan và một người quí phái suốt cuộc đời binh nghiệp trong hải quân Ðức. Nhưng con vẫn không thể chấp nhận thái độ của Ba, hoặc là con không muốn chấp nhận.
Thưa Ba, thật chẳng lợi ích gì việc Ba luôn luôn thấu hiểu quan điểm người ta, và mặc dù Mẹ mất sớm vì lũ người kia, Ba vẫn có thể tha thứ cho họ.
Nếu Ba sinh ra làm một tín đồ Thiên Chúa Giáo chắc Ba đã lên bậc thánh rồi.

Vị giáo sĩ đặt bức thư xuống và dụi đôi mắt mệt mõi trước khi lật sang trang khác chi chit tuồng chữ viết tay nhỏ nhắn và đẹp mà ông đã dạy cậu con trai độc nhất của mình cách đây lâu lắm rồi. Benjamin học môn gì cũng nhanh, từ chữ viết Do Thái đến các phương trình đại số phức tạp. Ông lão thậm chí đã kỳ vọng cậu bé sau này sẽ trở thành một giáo sĩ.

Ba còn nhớ con hỏi Ba buổi tối hôm đó tại sao người ta không thể hiểu rằng thế giới đã đổi thay rồi? Cô bé có biết rằng nàng cũng không hơn gì chúng ta? Con không bao giờ quên câu trả lời của Ba. Ba bảo nếu phương cách duy nhất con có thể chứng tỏ mình hơn người là đấm vào mặt thằng bạn trai của nàng, thì nàng hơn chúng ta nhiều.
Con về phòng mình, lòng tức giận sự mềm yếu của Ba. Nhiều năm sau đó con mới hiểu nỗi sức mạnh của Ba.
Khi con không còn xuất hiện trên sân chạy đó nữa, con không dành thì giờ cho công việc nào khác ngoài việc gắng học để kiếm một học bổng của trường đại học McGill, vì thế thật ngạc nhiên chẳng bao lâu sau chúng con lại chạm trán nhau.
Ðâu vào khoảng một tuần lễ sau đó con gặp nàng tại một hồ bơi trong vùng. Lúc con đến thì nàng đang đứng phía mức nước sâu, dưới cầu ván nhào lộn. Những lọn tóc dài phất phơ chung quanh vai, đôi mắt sáng nhìn linh hoạt mọi vật chung quanh nàng. Greg đứng cạnh. Con cảm thấy thinh thích khi nhận ra một vệt tím dưới mắt trái của hắn. Con còn nhớ mình đã cười thầm bởi vì rõ ràng nàng có một bộ ngực lép xẹp con chưa từng thấy ở một đứa con gái mười sáu, mặc dù phải nhận nàng có cặp giò tuyệt trần. Có lẽ nàng là một mẫu người dị thường, con nghĩ thế. Con quay lưng đi về phía phòng thay quần áo - chỉ một tic tắc con rơi tõm xuống nước. Khi con ngoi lên để thở chẳng có dấu hiệu gì để biết ai đã xô mình xuống nước, mà chỉ thấy những khuông mặt cười toe toét vô tư. Chẳng cần phải tốt nghiệp đại học luật con cũng biết ai đã giở trò đó, nhưng như Ba vẫn thường xuyên nhắc nhở con, không có tang chứng thì không có bằng chứng... Ðúng ra có thể con chẳng bận tâm mấy đến việc bị đẩy xuống hồ bơi nếu như hôm đó con không mặc bộ đồ vết sang nhất của mình - thực ra, bộ y phục độc nhất của mình để diện vào những ngày đi dự lễ ở nhà thờ.
Con leo lên khỏi hồ liền nhìn quanh tìm hắn. Con biết thằng Greg lúc đó đã cao bay xa chạy. Con đi về nhà, men theo những đường nhỏ, tránh không đón xe buýt, e có người quen trông thấy và kể cho Ba về tình trạng thảm hại của con. Về đến nhà, con đi rón rén qua khỏi phòng làm việc của Ba, rồi lên gác vào phòng mình, thay quần áo ngay, trước khi Ba có cơ may khám phá ra mọi chuyện.
Ông già Isaac Cohen ném cho con một cái nhìn khó chịu khi con xuất hiện tại nhà thờ một giờ sau đó, trên người mặc một chiếc áo khoác thể thao và một quần jean.
Con đem bộ độ vết đi tiệm giặt sáng hôm sau. Con phải nhịn ba tuần lễ tiền tiêu dùng của mình, để Ba khỏi biết sự việc xãy ra tại hồ bơi hôm đó.

Vị giáo sĩ nâng tấm ảnh cậu con trai mười bảy tuổi của ông trong y phục dự lễ nhà thờ hôm đó. Ông nhớ rất rõ Benjamin đã đến dự buổi giảng của ông trong áo khoác thể thao và quần jean, và nhớ cả lời khiển trách thẳng thừng của Isaac Cohen. Ông đã thầm cám ơn ông Atkin, huấn luyện viên bơi lội, đã gọi điện thoại báo cho ông biết sự việc xãy ra buổi chiều hôm ấy để ít ra ông đã không phụ họa thêm vào những lời khắt khe của ông Cohen. Vị giáo sĩ tiếp tục ngắm nghía tấm hình một lúc lâu trước khi trở lại với bức thư.

Dịp kế tiếp con gặp nàng là tại buổi khiêu vũ cuối học kỳ tổ chức ở thể dục đường của trường. Con nghĩ mình cũng không tệ trong bộ vết ũi thẳng nếp nếu con không trông thấy thằng Greg đứng cạnh nàng mặc chiếc áo dạ phục bãnh bao. Con nhớ con đã tự hỏi có bao giờ mình mua nỗi chiếc áo ấy. Greg đã được học bổng của đại học McGill và đang huênh hoang với mọi người về chuyện đó, một điều càng làm con quyết tâm phải chiếm được một học bổng của McGill năm tới.
Con nhìn Christina. Nàng mặc một chiếc váy đỏ dài che phủ hoàn toàn đôi chân đẹp kia. Một dây thắt lưng màu hoàng kim làm nổi rõ vòng eo nhỏ nhắn, và món trang sức độc nhất là sợi dây chuyền vàng giản dị vòng quanh cổ nàng. Con biết nếu cứ chần chừ thêm một khoảnh khắc nữa con sẽ không đủ can đảm làm chuyện đó. Con thu hai nắm tay và bóp chặt lại, đi thẳng đến chỗ hai đứa đang đứng, và như Ba đã từng dạy, khẻ cúi đầu trước khi mở lời, "Xin được hân hạnh mời cô bản này".
Nàng nhìn sững vào mắt con. Con xin thề không nói ngoa đâu, giá nàng chỉ bảo con đi giết một nghìn thằng đàn ông trước khi cả gan lặp lại câu mời đó, chắc con cũng đã làm.
Nàng chẳng nói một tiếng, nhưng thằng Greg tựa qua vai nàng nói, "sao mày không đi tìm một đứa con gái Do Thái dễ thương?" Hình như nàng hơi cau mày trước câu nói của hắn. Nhưng con chỉ đỏ mặt như một kẻ bị bắt quả tang với đôi tay trong hủ kẹo. Con chẳng khiêu vũ với ai đêm đó. Con đi thẳng ra khỏi thể dục đường và chạy về nhà.
Con thấy thù ghét nàng từ đó.
Tuần lễ cuối của học kỳ đó con phá kỷ lục chạy một dặm của trường. Ba có chứng kiến cuộc đua, nhưng cám ơn Trời nàng đã không dự. Lần đó là dịp nghỉ hè mà chúng ta lái xe đi Ottawa nghỉ ngơi tại nhà dì Rebecca. Một người bạn cho con hay Christina đi nghỉ hè ở Vancouver với một gia đình người Ðức. Người bạn đó trấn an con rằng ít nhất thằng Greg đã không đi với nàng.
Ba tiếp tục nhắc nhở con về sự quan trọng của học vấn, nhưng Ba không cần phải bận tâm chuyện đó, bởi vì mỗi lần thấy thằng Greg thì con lại càng quyết tâm phải đạt cho được cái học bổng kia.
Con càng học hành miệt mài hơn nữa mùa hè năm 65 khi Ba giải thích rằng đối với một người Gia Nã Ðại, vào được McGill cũng giống như vào được Harvard hay Oxford và nó sẽ cho con một hoạn lộ thênh thang đến cuối đời.
Lần đầu tiên trong đời môn chạy đua trở thành thứ yếu đối với con.
Mặc dù mùa học đó con ít gặp Christina, hình ảnh nàng vẫn thường ngự trị trong tâm trí con. Một người bạn cho con hay nàng và Greg không còn đi với nhau nữa, nhưng con chẳng tìm thấy lý lẽ dễ hiểu nào trong sự biến thái tình cảm đột ngột kia. Vào thời gian này con có một cô gái có thể gọi là bồ, người con gái vẫn ngồi ở dãy bên kia trong nhà thờ - con nhỏ tên Naomi Goldblatz, Ba còn nhớ không - nhưng chính cô ta chủ động sự hẹn hò với con trước.
Khi những kỳ thi gần kề con thấy biết ơn Ba vì Ba luôn luôn dành thì giờ ôn lại những bài tập, những đề thi cho con. Có điều Ba không biết là trở về phòng mình con phải làm lại những bài vở đó một lần thứ ba nữa. Biết bao lần con gục ngủ trên bàn học. Khi thức giấc lại lần giở các trang sách đọc tiếp.
Ba, một người không hề kiêu căng tự phụ, vậy mà cũng không dấu nỗi trước cộng đồng của mình niềm hãnh diện vì con với tám điểm A và một học bổng thượng hạng của đại học McGill. Con không rõ Christina có biết không. Chắc nàng phải biết. Tên con được in lớn bằng chữ mạ vàng trên bảng danh dự tuần lễ sau đó, cho nên thế nào lại chẳng có kẻ mách với nàng.


Ðâu cũng chừng ba tháng sau, lúc con đang học mùa đầu tại đại học McGill, con mới lại thấy nàng. Ba có nhớ đã đưa con đi xem vở kịch St Joan tại hí viện Centaur? Nàng có mặt ở đó, ngồi đằng trước chúng ta mấy hàng ghế cùng bố mẹ nàng và một chàng sinh viên năm thứ hai tên Bob Richards. Vị cựu đô đốc và bà vợ trông chững chạc, rất nghiêm nghị, nhưng không đến nỗi khó ưa. Con ngắm nhìn nàng cười đùa với họ: rõ ràng nàng phơi phới, vui tươi. Con chẳng chú ý mấy vào vở tuồng, và mặc dù mắt con không rời Christina, nàng không hề nhìn thấy con. Con ước gì được ở trên sân khấu trong vai Dauphin để nàng phải nhìn mình.
Khi màn hạ nàng và Bob Richards đứng dậy đi trước cha mẹ nàng, tiến về phía cửa ra. Con theo sau ra đến bãi đậu xe và nhìn hai đứa chui vào chiếc xe hiệu Thunderbird. Một chiếc Thunderbird. Con nhớ mình đã mơ ước có ngày sắm được một chiếc áo khoác dạ tiệc, chứ không dám nghĩ đến chiếc Thunderbird.
Từ đó trở đi, bất cứ lúc nào con luyện tập, bất cứ nơi nào con học hành, thậm chí trong giấc ngủ, con cũng nghĩ đến nàng. Con dò hỏi về Bob Richards và được biết hắn là người mà ai gặp cũng đều mến.
Lần đầu tiên trong đời mình con bỗng ghét sinh ra làm một người Do Thái.
Khi gặp Christina một lần nữa con đã lo sợ sự việc sắp xãy ra. Ðó là lần tranh giải chạy một dặm với đại học Vancouver, và con là sinh viên năm thứ nhất may mắn được đại học McGill chọn dự tranh. Khi con bước ra sân để làm mấy động tác khởi động con bắt gặp nàng ngồi ở hàng ghế thứ ba của khán đài, bên cạnh Bob Richards. Họ nắm tay nhau.
Khi phát súng lệnh khởi hành nổ con là người chạy sau cùng, nhưng khi vào vòng thứ nhì con lên vị trí thứ năm. Chưa bao giờ con tranh tài trước con số khán giả đông như thế, và khi con chạy đến ngang mức đoạn thẳng dẫn vào mức đến con chờ đợi sẽ nghe những tiếng hô "Thằng Do Thái! Thằng Do Thái! Thằng Do Thái!" nhưng chẳng có gì xãy ra cả. Không biết có phải nàng không nhận ra con chăng. Nhưng nàng có nhận ra con đấy chứ, bởi vì khi con chạy đến khúc đường cong con đã nghe giọng nàng rõ ràng, "cố lên, Benjamin, anh phải thắng!" Nàng hét lên như thế.
Con rất muốn ngoái cổ nhìn lại để chắc chắn rằng những lời kia do chính miệng Christina thốt ra, kẻo phải mất thêm một phần tư dặm nữa con mới lại chạy ngang qua chỗ nàng ngồi. Khi con chạy ngang qua chỗ nàng lần kế tiếp, con đã vượt lên ở vị trí thứ ba, và con nghe giọng nàng rõ mồn một: "Tiến lên, Benjamin, anh có thể thắng rồi!"
Lập tức con vượt lên vị trí dẫn đầu, bởi vì con muốn trở lại với nàng một lần nữa. Con phóng tới trước không cần biết kẻ đằng sau mình là ai, và lúc con qua chỗ nàng lần thứ ba, con đã dẫn đầu cuộc đua đến mấy yards. "Anh sắp thắng rồi!" nàng hét lên thế khi con tiếp tục chạy để tới cái chuông trong ba phút tám giây, mười một giây nhanh hơn các lần chạy của con từ trước tới giờ. Con nhớ mình đã nghĩ, chắc người ta nên ghi thêm vào các sách cẩm nang huấn luyện đại khái rằng tình yêu có sức mạnh rút ngắn mỗi vòng đua từ hai tới ba giây.
Con nhìn nàng suốt thời gian chạy ngang trước khán đài, và khi con chạy đến đường vòng cung lần cuối khán giả đứng dậy. Con ngoái cổ tìm nàng. Nàng vừa nhảy lên vừa hét, "coi chừng! coi chừng! mà con mới hiểu sau khi bị tay đua hàng đầu của đại học Vancouver qua mặt phía bên vòng trong, đối thủ mà huấn luyện viên đã lưu ý con vì hắn nổi tiếng có nước rút thần sầu. Con chạy loạng choạng đằng sau hắn mấy yards, ở vị trí thứ hai nhưng tiếp tục chạy cho đến khi con an nhiên tự tại trong phòng thay quần áo. Con ngồi một mình bên cạnh hộc tủ để vật dụng của mình. Một kẻ nào đó bảo, bốn phút mười bảy: sáu giây nhanh hơn mọi lần trước của con. Cũng chẳng được gì. Con đứng dưới vòi nước tắm một lúc lâu, cố suy đoán vì sao nàng đã thay đổi thái độ.
Khi con trở lại sân chạy thì chỉ còn các nhân viên điền kinh ở đó. Con nhìn lần cuối đường kẻ lằn mức đến, trước khi tản bộ về hướng thư viện Forsyth. Con không muốn đến dự buổi họp thường lệ của đội tại nhà Joe, vì thế con cố tìm một góc yên tĩnh để viết bài nghị luận về quyền tư hữu của phụ nữ trong hôn nhân.
Thư viện hầu như vắng người trong buổi chiều Thứ Bảy đó, và con đang viết sang trang thứ ba đã lâu thì nghe một giọng nói cất lên, "hy vọng em không làm gián đoạn công việc của anh, nhưng anh không đến họp tại nhà Joe". Con nhìn lên và thấy Christina đứng bên kia bàn. Ba ạ, con chẳng biết nói gì. Con chỉ trố mắt nhìn giai nhân trong chiếc váy ngắn thời thượng màu xanh lơ và chiếc áo đan bằng sợi bó gọn bộ ngực tuyệt trần mà chẳng nói được một lời.
"Em là đứa đã hét thằng Do Thái khi anh còn ở trung học. Từ bấy đến nay em cứ thấy hổ thẹn về hành động đó. Em đã muốn xin lỗi anh trong đêm khiêu vũ cuối học kỳ nhưng không đủ can đảm trong khi Greg đứng đó". Con gật đầu thông cảm - con không tìm được một lời cho thích hợp. Nàng nói tiếp, "từ đó em không nói chuyện với hắn nữa. Nhưng em nghĩ anh không còn nhớ ra Greg".
"Uống cà phê nhé?", con hỏi, giọng cố làm ra vẻ thản nhiên nếu nàng có trả lời, "rất tiếc, Bob đang chờ".
"Em rất thích", nàng nói.
Con đưa nàng tới tiệm cà phê trong thư viện, một sự tiếp đãi vừa với túi tiền của con lúc đó. Nàng chẳng hề giải thích sự giao thiệp giữa nàng với Bob Richards đã ra sao, và con cũng chẳng hề hỏi.
Christina hình như biết về con nhiều đến nỗi con cảm thấy bối rối. Nàng xin con tha thứ về những tiếng hò hét của nàng tại vận động trường ngày ấy hai năm trước. Nàng không viện dẫn lý lẽ nào cả, không đổ tội cho ai cả, chỉ xin tha thứ cho nàng.
Christina cho biết nàng hy vọng sẽ được gặp con dưới mái trường McGill vào tháng chín, để học Ðức Ngữ. "Kể cũng hơi chai mặt", nàng thừa nhận, "vì là tiếng mẹ đẻ của mình".
Chúng con đi chơi với nhau suốt mùa hè năm đó. Chúng con đi xem vở tuồng St. Joan một lần nữa, và thậm chí đã sắp hàng lâu để xem cuốn phim Dr. No đang ăn khách lúc bấy giờ. Chúng con cùng học hành với nhau, cùng ăn chung, cùng vui đùa, chỉ không cùng ngủ chung.
Hồi đó con ít nói với Ba về Christina, nhưng con có thể đánh cuộc Ba đã biết con yêu nàng như thế nào; chẳng có điều gì có thể qua mắt Ba. Và cứ như những điều răn dạy của Ba về tha thứ, về cảm thông, trong thâm tâm Ba cũng thấy khó phản đối mối tình của con.


Vị giáo sĩ ngừng đọc. Lòng ông quặn đau vì ông biết khá rõ những gì sẽ tiếp theo mặc dù ông đã không tiên đoán nỗi điều sẽ xãy ra ở chung cuộc. Có bao giờ ông nghĩ có ngày mình sẽ ân hận suốt đời về nền giáo dục Do Thái Giáo của mình, nhưng lúc bà Goldblatz thoạt nói với ông về Christina, ông đã không giấu nỗi sự phản đối. Ông nói với bà ấy, một thời gian thôi, cái chuyện kia rồi sẽ qua đi. Nhưng kinh nghiệm trường đời đâu phải vô biên.


Mỗi lần đến nhà Christina con đều được tiếp đãi lịch sự, nhưng gia đình nàng không che giấu nỗi sự đố kỵ. Họ thốt ra những lời đầu môi chót lưỡi cố làm ra vẻ không kỳ thị Do Thái, và mỗi lần con nêu vấn đề với Christina thì nàng lại nói con quá mẫn cảm. Cả hai chúng con đều biết sự thể không phải như thế.
Họ cho rằng con không xứng với con gái họ. Họ đúng, nhưng sự bất xúng đó chẳng liên quan gì đến việc con là Do Thái.
Con không bao giờ quên lần ân ái đầu tiên của hai đứa. Ðó là ngày Christina hay tin nàng đã được một học bổng của đại học McGill.
Hai đứa về phòng của con lúc ba giờ để thay y phục đi đánh quần vợt. Con nghĩ chỉ ôm nàng trong thoáng chốc, nhưng hóa ra đến sáng hôm sau chúng con mới chia tay. Mọi sự nằm ngoài dự tính. nhưng làm sao có thể dự trù mọi chuyện khi đối với cả hai đều là lần đầu tiên.
Con bảo con sẽ cưới nàng - có phải đàn ông con trai đều nói thế trong lần đầu tiên? - chỉ có con nói thực.
Rồi mấy tuần sau nàng mất kinh. Con khuyên nàng đừng hốt hoảng, rồi chúng con đợi thêm một tháng nữa, vì nàng rất sợ phải đi đến một bác sĩ nào ở Montreal.
Thưa Ba, nếu con đã nói hết mọi sự cho Ba hay thì có lẽ đời con đã rẽ một lối khác rồi. Nhưng con đã không nói gì hết, và giờ chỉ tự trách mình thôi.
Con bắt đầu sửa soạn cho cuộc hôn nhân mà phía gia đình Christina lẫn Ba chắc đều không thể chấp nhận, nhưng chúng con chẳng cần chi. Tình yêu không biết có cha mẹ, và dĩ nhiên chẳng biết có tôn giáo. Khi nàng tắt kinh lần thứ hai thì con đồng ý Christina nên nói thực với mẹ nàng. Con hỏi nàng có cần con đi theo không, nhưng nàng chỉ lắc đầu, và nói rằng nàng cảm thấy muốn đương đầu một mình với bố mẹ.
Con hứa, "anh sẽ đợi em trở lại đây".
Nàng mĩm cười, "em sẽ trở lại trước khi anh đủ thời gian thay đổi ý định cưới em".
Con ngồi trong phòng mình tại đại học xá McGill cả buổi chiều hôm đó, hết xem sách báo lại bách bộ tới lui - phần lớn thời gian cứ bách bộ tới lui - nhưng nàng không bao giờ trở lại, và mãi đến khi trời tối mịt con mới đi tìm nàng. Con chạy tới nhà nàng, suốt dọc đường cứ tự nhủ sở dĩ nàng không trở lại là vì một lý do đơn giản nào đó thôi.
Khi đến con phố nàng con thấy đèn còn sáng trong phòng nàng, nhưng các chỗ khác trong nhà thì tắt ngấm, nên con nghĩ chắc nàng còn thức một mình. Con bước qua cổng nhà, đi lên bực thềm trước, gỏ cửa và đợi.
Ông bố nàng ra mở cửa.
Ông nhìn con đăm đăm và hỏi, "cậu cần điều chi?"
Con nói, "cháu yêu con gái Bác và cháu muốn cưới cô ấy".
"Nó sẽ không bao giờ lấy một người Do Thái". Ông nói gọn lỏn và đóng cửa lại. Con còn nhớ ông ta không đóng sầm cửa lại, chỉ đóng nhẹ nhàng, một cử chỉ còn tàn nhẫn hơn.
Con đứng dưới đường nhìn lên phòng nàng hơn một tiếng đồng hồ, cho đến khi đèn tắt. Rồi con cuốc bộ về. Con nhớ đêm đó mưa phùn lất phất và phố xá ít người. Con cố gắng suy nghĩ mình phải làm gì bây giờ, mặc dù tình thế hình như vô vọng đối với con. Con lên giường ngủ, mong một phép lạ. Con quên rằng phép lạ chỉ đến với người công giáo, chứ không đến với người Do Thái.
Sáng hôm sau thức dậy thì con đã có một giải pháp. Con gọi điện thoại cho Christina lúc tám giờ và gần như muốn gác ống nghe khi nhận ra giọng nói đầu dây bên kia.
"Bà von Braumer nghe", bà ta nói.
Con hỏi khẽ như một giọng nói thầm, "thưa có Christina ở nhà không ạ?"
Câu trả lời bình tĩnh, lạnh lùng dội lại, "Không, nó không có ở đây".
"Bác có biết khi nào cô ấy trở về không ạ?"
"Cũng không lâu", bà ta nói rồi gác điện thoại.
"Cũng không lâu" hóa ra là hơn một năm sau. Con viết thư, con gọi điện thoại, con dò hỏi bạn bè, nhưng không làm sao biết họ đã đem nàng đi đâu.
Rồi một hôm, không kèn không trống, nàng trở về Montreal với chồng và đứa con của con. Con biết được tin cay đắng kia từ trung tâm tin tức, con nhỏ Naomi Goldblatz, kẻ đã giáp mặt bộ ba đó.
Khoảng một tuần sau con nhận được thư vắn tắt của Christina, xin con đừng tìm cách tiếp xúc với nàng.
Lúc đó con mới bắt đầu năm cuối tại đại học McGill, và giống như một chàng quí phái hồi thế kỷ mười tám, con tôn trọng ý muốn của nàng theo đúng từng chữ trong thư, và dồn mọi nổ lực vào những kỳ thi cuối khóa. Nàng vẫn tiếp tục ngự trị trong tâm trí con, và cuối năm đó con may mắn được đại học luật khoa Harvard cấp cho một học bổng.
Con rời Montreal đi Boston vào ngày 12 tháng 9 năm 1968.
Chắc Ba đã không hiểu sao con không về thăm nhà lấy một lần trong những năm đó. Con biết nỗi bất bình của Ba. Do bà Goldblatz tiết lộ, mọi người đều biết ai là cha đẻ của đứa con của Christina, và con cảm thấy một sự vắng mặt bất đắc dĩ có lẽ giúp Ba dễ cư xử hơn.


Vị giáo sĩ ngừng đọc khi ông nhớ lại bà Goldblatz có cho ông hay những điều mà bà tự cho mình có "bổn phận" phải nói. "Bà là người cứ siêng lo chuyện cô bác", ông đã nói với bà ta như thế. Thứ Bảy tuần sau đó bà đã đi dự lễ ở một nhà thờ khác, và bô bô cho mọi người trong thị trấn biết lý do bà đổi chỗ.
Ông tự giận mình hơn là trách Benjamin và đáng lẽ ông nên đến Harvard để bảo cho cậu con trai biết tình thương của ông đối với con không hề thay đổi. Ðức độ khoan dung của ông đâu phải vô biên.
Ông lại cầm tờ thư lên.


Suốt những năm ở trường luật con có nhiều bạn cả hai phái, nhưng hình ảnh Christina hiếm khi thoát khỏi tâm trí con vài tiếng đồng hồ. Trong thời gian ở Boston con đã viết trên bảy mươi bức thư cho nàng nhưng không hề gửi đi bức nào. Con có gọi điện thoại cho nàng nữa, nhưng người nhấc máy lên không bao giờ là nàng cả. Giả thử nàng trả lời điện thoại, con không nghĩ mình đã nói điều gì. Con chỉ muốn được nghe giọng của nàng thôi.
Có bao giờ Ba thấy hiếu kỳ về những người đàn bà trong đời con không? Con đã từng dan díu với những cô gái thông minh của nữ học viện Radcliffe, làu thông luật học, sử học, khoa học, lăng nhăng với một cô thư ký bán hàng dốt mọi thứ. Ba có hình dung nỗi trong động tác làm tình lại luôn luôn nghĩ đến một người đàn bà khác không? Dường như sinh hoạt trong đời sống của con cứ theo một cần lái tự động đã được gài sẵn, và thậm chí cái đam mê chạy đua của con cũng giản lượt xuống chỉ còn một giờ tập đi bộ mỗi ngày.
Bước vào năm học cuối, các tổ hợp tư pháp lớn ở New York, Chicago và Toronto xuất hiện phỏng vấn để tuyển mộ người. Người ta vẫn thường đặt hết kỳ vọng vào chuông Harvard để đi đánh xứ người, nhưng con không khỏi ngạc nhiên với cuộc viếng thăm của một chi nhánh lớn của tổ hợp Graham Douglas & Wilkins ở Toronto. Nó không phải là một công ty nổi tiếng vì các tổ viên toàn người Do Thái, nhưng con thích cái sáng kiến của họ in trên tiêu đề mẫu thư giao dịch hàng chữ "Graham Douglas Wilkins & Rosenthal". Nếu ông bố nàng trông thấy chắc không khỏi thán phục.
Con nghĩ, ít ra nếu con cư trú và làm việc ở Toronto thì đó là khoảng cách đủ xa để con quên nàng, và biết đâu do đưa đẩy của cơ may con chẳng gặp được một người có thể thay thế nàng.
Công ty Graham Douglas & Wilkins mướn cho con một chung cư rộng rãi nhìn ra công viên và trả cho con mức lương khởi đầu khá cao. Ðáp lại, con làm việc trong mọi giờ giấc mà Thượng Ðế - Thượng Ðế của ai cũng được - ban cho. Nếu trước kia con cho rằng bài vở ở đại học McGill hay Harvard làm cho con tất bật, không kịp thở, thì bây giờ hóa ra nó chẳng nghĩa lý gì so với thế giới thật sự của nghề nghiệp. Con không than thở. Công việc đầy hào hứng, và sự đền bù vượt xa mức con dự tưởng. Chỉ đến bây giờ con mới có khả năng mua một chiếc Thunderbird thì con lại không thèm nữa.
Bồ bịch đến rồi ra đi khi vừa đề cập đến hôn nhân. Con gái Do Thái thường thường nêu vấn đề trong vòng một tuần lễ, các cô gái khác, theo con thấy, thì đợi lâu hơn một tí. Thậm chí con đã chung sống với một người, Rebecca Wertz, nhưng cuộc tình đó rồi cũng chấm dứt - vào một ngày Thứ Năm.
Buổi sáng hôm đó con đang lái xe đến sở làm - vào khoảng hơn tám giờ thì phải, nhưng đã trễ giờ đối với con - thì con trông thấy Christina bên kia xa lộ rộn rịp xe cộ, một hàng rào cản chắn ngang. Nàng đang đứng tại một trạm xe buýt, nắm tay một đứa bé khoảng năm tuổi - con trai của con.
Xe cộ đông đúc buổi sáng đã cho con có thì giờ nhìn trân trân mà không tin mắt mình. Con muốn dòm kỹ hai mẹ con nàng. Nàng mặc một chiếc áo khoát mỏng dài, cho thấy vẫn còn vóc dáng cũ. Gương mặt thanh thoát chỉ thêm nhắc nhở tại sao con khó quên nàng. Ðứa con nàng - đứa con của chúng con - khoát một chiếc áo dạ quá cỡ của nó và đầu đội chiếc nón khúc côn cầu cho con biết nó ủng hộ đội Dolphins của Toronto. Ðáng buồn là hình ảnh đó khiến con hết nhìn thấy nó trong dáng vẻ thật sự. Con nhớ mình đã nghĩ trong lòng, con ạ, con không thể ở Toronto, con sinh ra là để sống ở Montreal kia. Con quan sát hai mẹ con trong kính xe bên hông khi họ lên xe buýt. Cái ngày Thứ Năm đặt biệt đó hẳn con đã là một luật sư tồi dưới mắt mỗi thân chủ đến tham khảo.
Suốt tuần lễ tiếp theo, mỗi sáng con đều đi ngang qua trạm xe buýt đó vào giờ giấc chỉ xê xích ít phút với lúc con bắt gặp mẹ con nàng đứng đó, nhưng chẳng bao giờ trông thấy họ nữa. Con bắt đầu hồ nghi, hay là mình đã tưởng tượng chăng. Thế rồi con lại trông thấy Christina khi con đang trên đường về nhà xuyên qua thành phố, sau khi viếng nhà một thân chủ. Nàng đi một mình, và con đạp mạnh thắng xe khi thấy nàng đi vào một tiệm trên đường Bloor. Lần này con đậu xe song song với xe cộ đậu bên đường và bước nhanh qua đường, với cảm tưởng một thám tử tư suốt đời chuyên nhòm lổ khóa.
Con ngỡ ngàng với những gì mình thấy - không tìm thấy nàng mua sắm trong một tiệm thời trang đẹp nhưng khám phá ra đó là nơi nàng làm việc.
Ngay giây phút thấy nàng đang tiếp một khách hàng con vội quay trở lại xe. Vào đến văn phòng con hỏi cô thư ký xem có biết cái tiệm tên là "Willings" không.
Cô thư ký cười lớn. "Ông phải phát âm theo tiếng Ðức, chữ W trở thành V," cô nàng giải thích, "như vậy đọc là Villings". Người thư ký nói tiếp, "nếu ông có gia đình hẳn ông đã biết đó là tiệm y phục đắc tiền nhất thành phố".
Cô có biết gì khác về tiệm đó?" Con hỏi, và cố làm ra vẻ tình cờ.
"Không biết nhiều lắm," cô ta nói, "chỉ biết là cửa tiệm của một người Ðức giàu có tên là bà Klaus Willing mà các tạp chí phụ nữ thường có bài giới thiệu."
Con không cật vấn cô thư ký thêm nữa, và con sẽ không làm Ba nhàm chán về công việc thám tử của con. Nhưng, trang bị bằng những mẫu tin chắp nối kia, con chẳng mất công lâu để tìm ra nơi nàng ở, để biết rằng chồng nàng là giám đốc công ty BMW tại hải ngoại, và vợ chồng nàng chỉ có một đứa con thôi.


Vị giáo sĩ già thở hắt ra khi liếc nhìn chiếc đồng hồ trên bàn, do thói quen hơn là muốn biết giờ giấc. Ông chỉ ngừng một lát trước khi trở lại với bức thư. Ông đã từng hãnh diện với thằng con trai luật sư biết bao; tại sao ông không đi một bước trước tới việc giảng hòa.
Nếu cha con làm lành chắc ông đã mong mỏi được thấy đứa cháu nội của mình biết chừng nào.


Quyết định tối hậu của con không đòi hỏi một bộ óc sắc bén của nhà luật học, chỉ một chút lương tri bình thường - mặc dù một luật sư tự cố vấn cho mình chắc chắn là phải đương đầu với một thân chủ dở người. Con xác định cách tiếp xúc phải trực tiếp, và một bức thư là phương cách duy nhất con nghĩ Christina có thể chấp nhận.
Con viết một bức thư giản dị sáng Thứ Hai đó, rồi viết đi viết lại nhiều lần trước khi gọi đện thoại cho công ty Fleet Deliveries và bảo họ đưa tận tay nàng tại tiệm. Khi gã nhân viên trẻ mang thư đi, con muốn theo sau quá, để yên chí gã trao thư đúng người. Con vẫn có thể lặp lại bức thư không sai sót một chữ.

"Christina yêu mến,
Chắc em biết anh đang sống và làm việc tại Toronto. Chúng ta có thể
gặp nhau không?
Anh sẽ đợi em tại phòng khách của khách sạn Royal York mỗi chiều
từ sáu giờ đến bảy giờ trong tuần này. Nếu em không đến, cứ yên tâm
anh sẽ không bao giờ quấy rầy em nữa.
Benjamin"

Buổi chiều đó con đến sớm hơn ba mươi phút. Con nhớ đã ngồi trong một phòng khách rộng rãi, lạnh lùng sát hành lang chính và gọi cà phê uống.
"Thưa ông, sẽ có thêm ai nữa không ạ?" người bồi bàn hỏi.
"Tôi không chắc lắm," con trả lời. Chẳng có ai đến cả, nhưng con vẫn nấn ná đến bảy giờ bốn mươi.
Ðến Thứ Năm thì người bồi hết hỏi con ai sẽ đến không khi con ngồi một mình và thêm một tách cà phê nữa nguội lạnh. Chốc chốc con lại xem đồng hồ. Mỗi lần một người đàn bà tóc vàng bước vào tim con đập rộn lên nhưng chẳng bao giờ đúng người con mong đợi.
Cuối cùng, gần bảy giờ chiều Thứ Sáu con mới thấy Christina đứng giữa cửa vào. Nàng mặc một bộ đồ màu xanh lơ cài nút lên tận cổ và một áo khoát ngoài màu trắng giống như đang trên đường đến dự một buổi họp thương mại. Mái tóc dài lùa về phía sau đôi tai để tạo một vẻ nghiêm nghị, nhưng dù có cố làm ra vẻ gì đi nữa thì nàng cũng không thể khác hơn là xinh đẹp. Con đứng dậy và đưa tay lên. Nàng thoăn thoắt bước tới và ngồi bên cạnh con. Chúng con không hôn nhau hay bắt tay nhau và mãi một lúc không ai nói một lời.
"Cám ơn em đã đến," con nói.
"Ðáng lẽ em không nên đi, thật điên rồ."
Một khoảng thời gian im lặng trôi qua chúng con mới mở lời.
"Anh rót cà phê cho em nhé?" con hỏi.
"Vâng, cám ơn anh."
"Cà phê không đường chứ?"
"Vâng."
"Em vẫn không thay đổi."
Nếu có ai nghe trộm chắc phải cho chuyện trò gì mà nhạt nhẽo thế.
Nàng nhấp từng ngụm nhỏ cà phê.
Ðáng lẽ con nên ôm nàng vào lòng ngay, nhưng làm sao con biết được nàng đã muốn như thế. Suốt bao nhiêu phút chúng con nói những chuyện không đâu vào đâu, luôn luôn tránh tia nhìn của nhau, cho đến lúc thình lình con nói, "Em có biết rằng anh vẫn yêu em không?"
Nước mắt chảy dài khi nàng trả lồi, "Dĩ nhiên em biết. Và tình cảm của em đối với anh bây giờ vẫn nguyên vẹn như ngày mình xa nhau. Và anh đừng quên em cứ phải nhìn thấy anh hằng ngày qua Nicholas."
Nàng trờ người tới và nói chuyện với một giọng gần như thì thầm. Nàng kể lại lần đối diện với cha mẹ nàng trên năm năm trước đó, giống như chúng con chẳng hề xa nhau trong thời gian kia. Bố nàng không tỏ ra tức giận khi biết chuyện nàng có thai, nhưng gia đình vẫn dọn đi Vancouver sáng hôm sau. Ở đó họ sống với nhà Willing, một gia đình di cư từ Munich, bạn cũ của nhà von Braumer. Con trai của gia đình này, Klaus, yêu say đắm Christina và chẳng đếm xĩa tới việc nàng đang mang bầu, hay thậm chí việc nàng không hề yêu hắn ta. Hắn tin rằng với thời gian mọi sự sẽ tốt đẹp.
Mọi sự đã không tốt đẹp, vì không thể như thế được. Christina đã biết từ đầu sự việc sẽ không bao giờ ổn được, dù Klaus có cố gắng cách mấy đi nữa. Thậm chí họ bỏ Montreal với nổ lực tạo bước khởi đầu cho mọi sự. Klaus tậu cho nàng một cửa tiệm tại Toronto và mua sắm cho nàng mọi thứ xa hoa mà đồng tiền có thể mua được, nhưng cũng chẳng đi tới đâu. Cuộc hôn nhân của họ hiển nhiên là một trò trình diễn bên ngoài. Tuy nhiên họ không thể làm cho gia đình hai bên phiền muộn thêm bằng một vụ ly dị cho nên cả hai đành sống cuộc đời riêng của mình từ lúc đầu.
Christina vừa kể xong, con đưa tay vuốt má nàng và nàng nắm bàn tay con hôn. Từ giây phút đó trở đi chúng con gặp nhau bất cứ lúc nào có thể đánh cắp được thời giờ, ngày hay đêm. Ðó là năm hạnh phúc nhất đời con, và con không thể che đậy được với mọi người lòng con vui sướng ra sao.
Chuyện yêu đương lăng nhăng của tụi con - vì đó là điều những cửa miệng thị phi mô tả - rồi cũng không tránh khỏi tai mắt mọi người. Chúng con có thận trọng cách mấy đi nữa thì Toronto, như con thấy ngay, vẫn là một chốn nhỏ hẹp, đầy dẫy những kẻ lấy làm thích thú đi mách bảo những người thân của chúng con rằng người ta thường thấy chúng con đi với nhau đều đặn, thậm chí ra khỏi nhà con sáng sớm.
Thế rồi thình lình chúng con không còn đường nào chọn lựa: Christina báo con biết nàng lại có thai. Chỉ có lần này chúng con không mảy may lo sợ.
Một khi nàng đã nói sự thể với Klaus, vụ giàn xếp tiến hành trong thời hạn nhanh nhất mà luật sư thượng thặng của văn phòng tư pháp Graham Douglas & Wilkins có thể thương thảo. Chỉ ít ngày sau khi các văn bản cuối cùng ký xong chúng con làm đám cưới. Cả hai chúng con lấy làm tiếc bố mẹ Christina cảm thấy không thể dự hôn lễ được, nhưng con không hiểu sao Ba đã không đến dự.


Vị giáo sĩ vẫn không hiểu nỗi sự hẹp lượng và thiển cận của mình. Cũng nên tạm gác qua một bên những trói buộc của một tín đồ Do Thái Giáo nếu phải đương đầu với việc mất còn của đứa con trai duy nhất. Ông đã lục tìm bộ luật truyền khẩu Do Thái xem có đoạn nào cho phép ông phá rào những lời nguyện suốt đời mình. Vô ích.


Cái phần ngã giá đáng buồn của vụ ly dị là Klaus được quyền bắt con của chúng con. Ðể đánh đổi cho vụ ly dị được nhanh chóng hắn ta cũng đòi điều kiện là con không được gặp Nicholas trước sinh nhật thứ hai mươi mốt của nó, và không được cho nó biết con là cha ruột. Lúc bấy giờ dường như đó là giá đắc phải trả, dù để mua một hạnh phúc như thế. Cả hai chúng con đều biết chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Con thường ngạc nhiên sao cứ mỗi ngày qua hạnh phúc lại càng tăng hơn ngày hôm trước. Nếu phải xa Christina ít tiếng đồng hồ thì con luôn luôn thấy nhớ nàng. Nếu công ty phái con đi công tác xa khỏi thành phố một đêm thì con thường gọi điện thoại cho nàng hai, ba lần, có thể bốn lần, và nếu phải lâu hơn một đêm thì nàng lại tìm đến với con. Con nhớ có lần Ba diễn tả tình yêu của Ba đối với mẹ con, và nhớ lúc đó con đã ngẫm nghĩ mình có bao giờ giám mong đạt được một hạnh phúc như thế.
Chúng con bắt đầu chuẩn bị cho đứa con tương lai. William, nếu là con trai - nàng chọn; Deborah, nếu là con gái - con chọn. Căn phòng dành sẵn con sơn màu hồng, cứ cho rằng con đã thắng.
Christina đã ngăn không cho con mua sắm nhiều áo quần con nít quá, nhưng con báo trước rằng mua sắm nhiều cũng không sao vì mình sẽ có một tá con nữa. Con nhắc nàng nhớ rằng người Do Thái tin ở sự kế tục truyền tử lưu tôn.
Nàng tham dự đều đặn những lớp tập thể dục, ăn uống kiên khem cẩn thận, tĩnh dưỡng điều độ. Con bảo nàng rằng nàng đã làm hơn những gì đòi hỏi ở một bà mẹ, ngay cả hơn những gì cần thiết cho bé gái của con. Con hỏi bác sĩ của nàng con có thể có mặt trong phòng sinh khi đứa bé chào đời không thì ông ta do dự lúc đầu rồi đồng ý. Bắt đầu tháng thứ chín có lẽ toàn bệnh viện đã quan sát sự lăng xăng, rối rít của con và nghĩ chúng con đang chuẩn bị cho sự hạ sinh một hoàng tử.
Con chở Christina đến bệnh viện của trường y khoa phụ nữ trên đường đi làm việc hôm Thứ Ba vừa rồi. Mặc dù con đi thẳng đến văn phòng, con thấy tâm trí không thể tập trung vào công việc. Bệnh viện gọi lúc xế trưa nói họ nghĩ đứa bé sẽ sinh vào chiều tối đó. Rõ ràng Deborah không muốn làm gián đoạn giờ làm việc của công ty Graham Douglas & Wilkins. Tuy nhiên con vẫn đến bệnh việc rất sớm. Con ngồi ở cuối giường của Christina cho đến khi cơn đau quặn từng phút của nàng bắt đầu, đoạn, trước sự ngạc nhiên của con, người ta bảo con rời khỏi phòng. Một y tá giải thích họ phải phá màn ối. Con nhờ cô ta nhắc cô nữ hộ sinh con muốn chứng kiến đứa bé ra đời.
Con bước ra ngoài hành lang và bắt đầu đi tới lui, lối của những gã sắp làm bố trong các phim loại B. Bác sĩ của Christina bước vào khoảng nửa giờ sau đó và ném cho con cái cười toe toét. Con thấy một điếu xì gà ở tuổi áo trên của ông ta, hiển nhiên để dành cho những đấng sắp làm cha. "Sắp tới rồi đấy" đó là những lời vỏn vẹn của ông ta.
Một bác sĩ thứ hai mà con chưa gặp lần nào đến ít phút sau đó và bước nhanh vào phòng nàng. Ông ta chỉ khẻ gật đầu chào con. Con cảm thấy như một kẻ đứng giữa phiên tòa chờ nghe bản luận tội của bồi thẩm đoàn.
Ðâu chừng mười lăm phút sau con thấy ba bác sĩ nội trú trẻ măng đẩy vội vả y cụ hộ sản theo hành lang. Họ chẳng buồn liếc nhìn con, vội biến vào phòng Christina.
Con nghe những tiếng rên la rồi tiếp ngay là tiếng trẻ sơ sinh khóc. Con tạ ơn Thượng Ðế của con và Thượng Ðế của nàng. Khi vị bác sĩ bước ra khỏi phòng nàng con nhận thấy điếu xì gà đã biến mất.
"Một bé gái," ông ta nói khẽ. Con mừng quá. Ý nghĩ không cần sơn lại căn phòng thoáng nhanh qua óc con.
Con hỏi, "tôi có thể vào thăm Christina được chưa?"
Ông ta nắm cánh tay con và dẫn xuyên qua dãy hành lang vào văn phòng của ông.
"Mời ông ngồi," ông nói. "Tôi e rằng tôi mang đến tin buồn."
"Nàng bình yên chứ?"
"Tôi xin lỗi, muôn vàn tạ lỗi để báo ông hay là bà nhà đã qua đời."
Thoạt nghe con không tin lời ông ta, con không chịu tin. Tại sao? Tại sao? Con muốn hét lên.
"Chúng tôi có báo trước cho bà ấy," ông nói tiếp.
"Báo trước? Báo trước về chuyện gì?"
"Rằng áp huyết của bà ấy có thể không chịu nỗi việc sinh nở một lần nữa."
Christina đã chẳng bao giờ cho con hay những gì bác sĩ đang tiếp tục giải thích - rằng lần sinh đứa con đầu của chúng con đã là ca đẻ khó, và các bác sĩ đã khuyên nàng không nên có con nữa.
"Tại sao bà ấy lại chẳng cho tôi hay?" con hỏi. Rồi con hiểu ngay tại sao. Nàng đã hy sinh mọi thứ vì con - một kẻ điên rồ, ích kỷ, vô tâm - và kết quả là con đã giết chết người con yêu.
Họ cho con bế Deborah một lát rồi đặt nó trở lại trong lồng kiếng, và cho con biết phải chờ hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa đứa bé mới ra khỏi danh sách cấp cứu.
Ba ơi, không làm sao Ba biết được con đã cảm động biết bao nhiêu vì Ba đã đến bệnh viện nhanh thế. Bố mẹ Christina đêm đó đến sau. Họ xử sự tuyệt vời. Ông bố xin lỗi con - xin lỗi con. Ông ấy cứ lặp lại, sự thể này đã có thể không xãy ra, nếu ông đừng quá thiển cận, đừng quá kỳ thị.
Bà mẹ cầm tay con và xin con cho bà thỉnh thoảng được thăm Deborah. Dĩ nhiên con đồng ý. Ông bà ra về lúc gần nửa đêm. Con ngồi, đi tới lui, và ngủ ngay tại hành lang trong suốt hai mươi bốn giờ sau đó, cho đến khi họ thông báo là bé gái của con đã ra khỏi danh sách cấp cứu. Ðứa bé còn phải nằm tại bệnh viện vài hôm nữa, họ giải thích thế, nhưng bây giờ nó đã biết bú sữa từ chai.
Ông bố Christina đúng ra giàn xếp mọi việc tang lễ.
Hẳn Ba đã lấy làm lạ tại sao con không xuất hiện và con nợ Ba một lời trần tình. Con nghĩ, trên đường đến đám tang con sẽ ghé qua bệnh viện để thăm Deborah một lát. Con đã chuyển hướng tình thương.
Vị bác sĩ đã không thốt nên lời. Phải can đảm lắm mới dám cho con hay tim đứa bé vừa ngừng đập mấy phút trước khi con đến. Cả vị y sĩ trưởng khoa cũng ứa nước mắt. Khi con rời bệnh viện các hành lang đã vắng tanh.
Thưa Ba, con muốn Ba biết rằng con yêu Ba với tất cả tấm lòng mình, nhưng con không còn lạc thú để sống nốt quãng đời mình mà không có Christina hay Deborah.
Con chỉ xin được an táng cạnh vợ và con của con, và xin được tưởng niệm là người chồng và cha của họ. Ðược vậy, người đời nông nổi may ra có thể rút tỉa một bài học từ mối tình của chúng con. Và khi Ba đọc xong bức thư này chỉ xin Ba nhớ rằng khi sống với nàng con đã có hạnh phúc trọn vẹn đến nỗi chết không hề làm con sợ.
Con của Ba,
Benjamin


Vị giáo sĩ già đặt bức thư xuống trước mặt. Ông đã đọc nó hằng ngày trong mười năm nay.

No comments:

Post a Comment