Sunday, February 27, 2011

HIẾU VÀ THUẬN

HIẾU VÀ THUẬN
Khiêm Cung

Các con cưng của Ba Mẹ,

Lúc còn bé, các con chung sống một nhà, dưới sự chăm lo đùm bọc của Ba Mẹ. Bây giờ các con đã lớn khôn, lập gia đình, có nhà riêng. Nhưng các con vẫn ở chung trong đại gia đình của Ba Mẹ. Tình thương của Ba Mẹ đối với các con không hề suy suyển.

Trái lại, về đạo hiếu, các con là những đứa con thảo, bao giờ cũng tưởng nghĩ và chăm sóc cho Ba Mẹ. Nếu so với những nhân vật trong Nhị Thập Tứ Hiếu thì các con còn thua xa, nhưng các con đối với Ba Mẹ đến mức nầy đã quá đầy đủ rồi.

Ba Mẹ đâu đòi hỏi các con phải báo hiếu theo cách của Vương Tường đời Tấn, đặt ván lên trên tuyết để nằm chờ cá lý ngư từ dưới tuyết nhảy lên để bắt đem về làm cho kế mẫu ăn. Hoặc như Ngô Mạnh Tông, cha mất sớm, ở với mẹ. Mùa đông đâu có măng, mẹ thèm canh măng, Mạnh Tông buồn vì không tìm được măng để nấu canh cho mẹ ăn nên ôm gốc tre khóc, động lòng trời đất cho măng mọc ra, đem về nấu canh cho mẹ dùng.

Đạo làm con đối với cha mẹ là sớm thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh, cung phụng của ngon vật lạ…v.v. Ngày nay vật chất quá đầy đủ, tiện nghi hiện đại. Dù ở xa vạn dặm, các con cũng có thể vấn an Ba Mẹ bằng điện thoại, điện thư, mua sắm cho Ba Mẹ quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, máy sưởi, mền điện, quần áo mùa đông, y phục mùa hè, tủ lạnh để dự trữ thức ăn. Đứa mua thứ nầy, đứa sắm thứ kia cho Ba Mẹ. Rồi thỉnh thoảng các con về thăm. Còn đòi hỏi gì nữa ?

Ba Mẹ là những người tri túc, an phận và thông cảm với hoàn cảnh sinh hoạt tất bật của con cái.

Theo Đạo Nho, chữ hiếu đã vẹn tròn, nhưng các con đối với nhau có hòa thuận hay không ? Các con không hòa thuận thì Ba Mẹ không vui trọn vẹn. Các con biết chăng có những đêm Ba Mẹ trằn trọc, không ngủ được, vì thấy các con có chuyện hục hặc với nhau, đứa này than phiền với Ba Mẹ về đứa kia. Hồi còn nhỏ, các con cũng thường hay méc thót như vậy, Ba Mẹ coi đó là chuyện trẻ con, nay các con đã lớn rồi, mỗi người thực sự là một thành viên của xã hội, dù là anh chị em cùng một huyết thống, nhưng có cuộc sống riêng tư, mỗi người là một bản ngã, một cái ta riêng lẻ, tự ái dễ bị đụng chạm, Ba Mẹ cưng các con như các chén sứ, chén kiểu, sợ những sự va chạm như vậy sẽ sứt mẻ đi, không hàn gắn lại được, Ba Mẹ sẽ đau lòng xót dạ biết chừng nào.

Cháu nội, cháu ngoại của Ba Mẹ còn nhỏ dại, các con chưa có kinh nghiệm xót xa của Ba Mẹ ngày hôm nay. Trong tương lai không xa có thể các con sẽ có dịp nếm vị cay đắng này.

Là Phật tử, chắc hẵn các con đã nghe nói hai chữ lục hòa mà Đức Phật đã dạy chư tăng ni và đại chúng phải theo để cho cuộc sống chung không bị va chạm. Lục hòa là sáu điều hòa:
1. Thân hòa đồng trú (Thân hòa cùng ở)
Là sống chung với nhau hòa hợp, chung sức và đùm bọc nhau, không dùng võ lực để đàn áp nhau.

2. Khẩu hòa vô tranh (Lời nói hòa hiệp, không tranh cãi nhau)
Nói năng dịu dàng, hòa nhã, nếu cần bàn bạc với nhau về vấn đề gì thì phải giữ tinh thần ôn hòa, lễ độ.

3. Ý hòa đồng duyệt (Ý hòa cùng vui)
Có ý nghĩ tốt đẹp đối với nhau, trau dồi đức hỷ xả, không thù hiềm, ganh tỵ nhau.

4. Giới hòa đồng tu (Giới hòa cùng tu)
Giữ đúng giới luật như nhau, lấy kỷ luật làm đầu.

5. Kiến hòa đồng giải (Thấy biết giải bày cho nhau)
Giải bày những ý kiến, những sự hiểu biết của mình cho người chung quanh để cùng tiến bộ như nhau.

6. Lợi hòa đồng quân (Lợi hòa cùng chia đều cho nhau)
Chia đồng đều cho những người chung quanh tài lợi thu thập được để ai cũng vui vẻ.

Vì không học và thực hành theo sáu điều hòa đó mà các con có chuyện lục đục với nhau. Trâu trắng trâu đen còn có thể sống chung một chuồng, chó mèo còn sống chung một nhà, vịt con lạc mẹ còn sống được với bầy gà con, huống hồ các con là anh chị em ruột thịt mà không sống thuận thảo với nhau để cho cha mẹ vui lòng hay sao ?

Đức Phật cũng đã dạy có sáu nẽo luân hồi, tức là khi chết đi có thể đầu thai trở lại, theo luật nhân quả, ở một trong 6 cõi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La, loài người, cõi trời.
1. Địa ngục:
Do tạo nhân sân hận, độc ác vừa hại mình, hại người, phải luân hồi vào địa ngục, chịu nhiều điều khổ sở.

2. Ngạ quỷ:
Do nhân tham lam, bỏn sẻn, không biết bố thí, giúp đỡ người. Trái lại, còn mưu sâu, kế độc, để cướp đoạt của người, khi chết luân hồi làm ngạ quỷ.

3. Súc sanh:
Do nhân si mê, sa đọa theo lục dục thất tình, tửu sắc, tài khí, không xét hay dỡ, tốt xấu, chết rồi, luân hồi làm súc sanh.

4. A Tu La:
Những người gặp việc nhân nghĩa cũng làm, việc sái quấy cũng làm. Tánh tình vừa cương trực , vừa độc ác. Có làm việc thiện nhưng còn hung hăng nóng nảy, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Khi chết những người này luân hồi thành A Tu La, gặp vui sướng cũng có, mà buồn khổ cũng nhiều.

5. Loài người:
Người giữ gìn ngũ giới: không sát hại, không trộm cướp, không tà dâm, không dối trá, không rượu chè say sưa thì khi chết luân hồi trở lại làm người.

6. Cõi trời:
Tu nhân thập thiện, bỏ mười điều ác thì sau khi chết được sanh lên cõi trời. Nhưng cõi trời cũng còn ở trong vòng phàm tục, còn chịu sự luân hồi.

Muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi và đến bốn cõi thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát và Phật thì phải tu nhân giải thoát.

Sở dĩ Ba nói dài dòng về sáu cõi luân hồi là để các con thấy do cái nhân tốt kiếp trước đã gieo, kiếp này mình mới được làm người, một cõi khá cao, sau cõi trời. Và cũng do một nhân duyên nào đó, hoặc do cộng nghiệp, hoặc do oan trái, chúng ta sanh ra và sống trong cùng một nhà hay cùng một gia đình, vui buồn, sướng khổ đều chung hưởng hoặc cùng gánh chịu với nhau. Rồi một khi vô thường đến, chúng ta lại mỗi người đi về mỗi cõi, do cái nhân, cái nghiệp đời nầy, có trở lại làm người hay không, có gặp lại nhau hay không, chưa ai biết được.

Nếu mỗi người chúng ta khi chết, đủ duyên được về cõi trời hoặc được thắng duyên vãng sanh, không luân hồi trở lại thì tốt lắm. Bằng không được như vậy thì mong do gieo duyên lành kiếp này, kiếp sau được trở lại làm người, sống trong một gia đình hòa ái là hạnh phúc lắm thay.

Thói thường người ta hay đổ thừa cho cái nhân, cái nghiệp quá khứ. Không ai biết đâu là đầu, đâu là cuối, đâu là thỉ, đâu là chung. Một sự việc mình làm kiếp này hay xãy ra cho mình kiếp này, người ta nói là do phải trả nghiệp kiếp trước, biết đâu sự việc đó là cái nhân ta mới gieo kiếp này để phải gánh cái quả ở kiếp sau.

“Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Tốt hơn hết chúng ta nên bắt chước chư Bồ Tát, coi mỗi sự việc chúng ta làm ngày hôm nay đều là cái nhân, phải luôn luôn làm điều lành, gieo duyên lành để kiếp sau gặt được quả tốt.

Ba cũng muốn nói thêm để các con hiểu được tấm lòng của Ba Mẹ. Theo đạo Phật, qua thời kỳ trung ấm 49 ngày hay là bảy thất tính từ ngày chết, vong linh thường đã đi vào một cõi khác. Nhưng nếu theo tín ngưỡng Thờ Cúng Ông Bà thì vong hồn vẫn còn tồn tại vĩnh viễn với gia đình, với con cháu. Nếu các con vẫn theo tín ngưỡng nầy, coi như Ba Mẹ sau khi chết, hồn vẫn còn phảng phất đâu đây, về chung vui với con cháu trong ngày kỵ giỗ thì nghe Ba căn dặn điều này: ngày đó không cần bày cúng thức ăn trên bàn thờ, mà chỉ cần thắp nhang mời Ba Mẹ về chứng kiến các con, các cháu cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ với nhau một cách thật lòng. Ba Mẹ không cần ăn vì thấy con cháu vui vẻ, thương yêu nhau là đã mãn nguyện, đã no rồi. Đó là lời căn dặn khẩn thiết và chí tình của Ba Mẹ, các con nên ghi nhớ.
Ba Mẹ mong các con đã hiếu thảo, lại thuận hòa với nhau để cho Ba Mẹ có được một niềm vui trọn vẹn ngay lúc Ba Mẹ còn sống, cũng như sau khi Ba Mẹ đã khuất.

Hôn các con và các cháu.

No comments:

Post a Comment