Sunday, February 27, 2011

GIÁ VÉ LÊN THIÊN ĐƯỜNG

GIÁ VÉ LÊN THIÊN ĐƯỜNG
Khiêm Cung

Dạo nầy tôi thường nhận được điện thư của đứa cháu gái. Ba nó là em chú bác ruột với tôi. Lúc đầu nó nhờ tôi bảo lãnh cho em gái nó qua Úc du lịch, rồi cho em nó đi “làm chui” để kiếm chút ít tiền về nước làm vốn mua bán. Phương án nầy không ổn, vì đi du lịch mà đi làm việc ăn lương là bất hợp pháp, sẽ bị trục xuất và bị cấm trở lại nước Úc trong thời hạn mấy năm. Sau đó cháu tôi cho hay em nó tính đi Nhựt hợp tác lao động, cũng tốn kém cả chục ngàn đô la Mỹ trả cho môi giới. Gặp hồi suy thoái kinh tế toàn cầu, Nhựt cũng ngưng kế hoạch hợp tác lao động. Cháu tôi đang xoay qua hợp tác lao động với Úc, thời hạn hợp đồng 5 năm, số tiền phải trả cho tổ chức môi giới và các chi phí linh tinh khoảng mười tám ngàn đô la Mỹ, đóng ba ngàn đô trước khi đi, số còn lại trả phân kỳ trong vòng năm đầu. Nghe số tiền lớn quá, tôi muốn lên cơn sốt, giống như bị căn bịnh thời đại, “cúm heo”.

Nhớ lúc còn nhỏ tôi tưởng tượng trên vòm trời kia, sau lớp mây trắng là một thiên đường, nơi đó có ngọc hoàng thượng đế, có các vì tiên đứng hầu; đêm đêm có cô Hằng Nga dung mạo sáng đẹp tuyệt vời và chú Cuội si tình ôm gốc cây da; có dãy ngân hà với bạt ngàn vì sao lấp lánh. Tôi nghe nói nơi đó có nàng Chức nữ con trời, chuyên lo dệt vải cho thiên đình yêu chàng ngưu lang ở trần thế nghèo khó chăn trâu, hai người mãi mê yêu nhau nên nàng bỏ bê công việc, bị trời phạt đày mỗi người ở một đầu sông, hằng năm đến ngày mồng 7 tháng 7 trời mới cho các con quạ đen, gọi là ô thước, đội cầu để hai người gặp nhau tâm sự, rồi thương khóc thành mưa:

Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng đành.

Đó cũng là một huyền thoại giải thích tại sao đến tháng bảy âm lịch các con quạ bị sói đầu, sói đầu vì đội cầu cho ngưu lang, chức nữ gặp nhau.
Người ta nghĩ khác hẳn với hạ giới, ở cõi thiên đường đó đời sống thoải mái, thanh bình, nhàn hạ, ấm no, hạnh phúc.

Cháu gái tôi có lẽ cũng giống như nhiều cô gái ở quê mình, đang mơ đến thiên đường để tìm một cuộc sống như ý hơn, đó là thiên đường nơi hạ giới, là các nước phát triển, có nền kinh tế giàu mạnh.

Có nhiều cách lên thiên đường và cách nào thì người đi cũng phải trả một cái giá khá đắt. Dùng thuyền để vượt trùng dương phải trả bằng tiền của và sinh mạng của mình, bao nhiêu người mất tích dưới lòng biển lạnh hoặc gởi nắm xương tàn trên một hòn đảo quạnh hiu. Khi ra đi họ đã cam chịu đau khổ vì cảnh ái biệt ly, đứt từng đoạn ruột khi phải rời nơi chôn nhao cắt rún, xa ông bà cha mẹ và những người thân thương. Họ đã hồi hộp chơi trò cút bắt với lực lượng an ninh biên phòng và đối đầu với bọn hải tặc. Họ cảm thấy sinh mạng con người quá bé bỏng, mỏng manh trước những lượn sóng vô tình và hung hản, sẵn sàng nuốt trửng chiếc thuyền đánh cá cỏn con, họ ngầy ngật, ói mửa tới mật xanh, tiểu tiện tại chỗ, họ đói khát, chịu đựng nắng sương, họ mê sảng, có kẻ bị hoa mắt, bị ảo giác, tưởng đâu đã đến bờ nên nhảy xuống biển mà chết. Khi được tắp vào một nước tạm dung, có những thuyền bị quân cướp cạn lột hết những tư trang đem theo để phòng thân. Trại tạm cư không khác gì một trại tập trung, lều trại cũng ọp ẹp, lương thực thiếu thốn. Còn biết bao nhiêu chuyện thê lương khác nữa.

Thương cho mấy cô mong đến thiên đường Đài loan hay Hàn quốc để giúp cho gia đình có một cuộc sống thoải mái hơn, nhưng đã găp phải bọn bất lương hành hạ thân xác mình với một số tiền rẻ mạt, năm ba trăm đô la Mỹ. Chỉ có một số cô may mắn được về phục vụ cho một gia đình có chút tình thương, còn hầu hết là phải lao động như tôi đòi, lấy một thằng chồng tật nguyền hay dở khùng dở điên, hoặc phải làm nô lệ tình dục cho cả một lũ đàn ông trong nhà hay bị đưa vào lầu xanh. Những cô cưởng lại sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ.

Lúc sau nầy người ta có một cách mới để đến thiên đường, đi theo diện hôn nhân. Có đám cưới thật. Có “đám cưới giùm” kèm theo một số tiền đền ơn đáp nghĩa khá lớn. Một bên cần đến thiên đường, một bên cần tiền bỏ túi. Hai bên đều có lợi. Có những cặp vợ chồng vì ham tiền, đồng tình với nhau “xé hôn thú” để rảnh rang bảo lãnh người đến thiên đường lấy tiền xài chơi. Bảo lãnh xong, người chồng hay người vợ bị người được bảo lãnh, có hôn thú hẵn hòi, danh chánh ngôn thuận, cuỗm luôn người vợ hoặc người chồng. Kêu trời không thấu! Có những ông bỏ bà vợ già mấy mươi năm đầu ấp tay gối, xuống hạ giới cặp một cô bồ nhí. Có người vợ chết, bước thêm bước nữa, rước một cô hãy còn son lên sống ở thiên đường, đến khi cô nàng được nhập tịch và định cư vững chắc thì đá đít anh để đi kiếm thằng chồng trẻ hoặc bảo lãnh một nhân tình cũ sang theo. Một thi sĩ nghiệp dư nói lên tâm trạng của kẻ thất tình:

Đam mê lầm lỡ
Thoáng chút đam mê, về quê cưới vợ,
Ta đã lầm rồi! Rước nợ qua đây!
Tuổi ta già! Mà vợ tuổi “dầy dầy”
Cay đắng lỗi lầm! ta không gở được!
Một trái tim khô đụng phải tim chì!
Ỡm ờ âu yếm nàng được ra đi,
Qua đến đây đồng sàng mà dị mộng!
Thương chi mình! Vì si (she) chỉ bằng con!
Họ cười: “Trâu già khoái gặm cỏ non”
Có khổ không chứ? Còn chi để nói!
Tâm Trưởng

Nguồn: Đặc San Hoài Vọng 2007 của Hội Thân Hữu Cao Niên VN NSW Úc Châu

Thật là một thứ “ngãi nhân mỏng dánh tựa cánh chuồn chuồn”.

Anh em chú bác, cô cậu ruột cưới giùm nhau cũng là chuyện thường, miễn sao kéo được nhau lên thiên đường. Đặc biệt là bà-con cũng phải đền ơn đáp nghĩa như người ngoài.

Trở lại chuyện cháu gái tôi, không lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc, muốn lên thiên đường để đi lao động, tốt lắm! Đến thiên đường bằng cách đi hợp tác lao động thì tương đối an toàn và trong sáng, nhưng phí tổn quá cao, tiền vay bạc hỏi để đóng góp lần đầu ba ngàn Mỹ kim, rồi “kéo cày” trả số nợ còn lại mười lăm ngàn Mỹ kim trong vòng một năm đầu quả là cực nhọc đối với cháu tôi, nó vốn nhỏ thó mảnh mai.

Trước đây ở quê mình có nhiều tin đồn loan truyền rất nhanh, nào là Mỹ cất sẵn nhà để dành cho các cựu quân nhân V.N.C.H. đi theo diện O.D.P. (Chương trình Ra đi theo trật tự), nào là Úc đất rộng người thưa, cấp không đất đai cho người tị nạn canh tác, và tin đặc biệt nhứt là ở nước ngoài sống rất thoải mái, tiền để sẵn trong vách tường, có thiếu thì ra đó mà lấy, tin đồn nầy ám chỉ rút tiền bằng máy rút tiền tự động A.T.M. (automatic teller machine) của các ngân hàng. Trong thời buổi gọi là “khó khăn bước đầu”, những tin đồn như vậy là những liều thuốc an thần rất hữu hiệu, giúp cho con người có một chút hy vọng và hưng phấn. Khi đi ra nước ngoài, kiểm chứng lại, được biết không có vụ Mỹ cất sẵn nhà để tiếp đón cựu quân nhân hay Úc cấp không đất cho người tị nạn, còn việc rút tiền ở vách tường, không làm đổ mồ hôi sôi nước mắt để gởi vào ngân hàng thì tiền đâu có sẵn ở vách tường mà rút. Tối nói sự thật thì bạn bè không tin mà còn giận, nói tôi muốn “qua cầu rút ván”!

Trong khi người ta nhờ tin đồn mà sống hưng phấn, nếu tôi nêu lên những điều mắt thấy tai nghe để bàn ra tán vào về kế hoạch hợp tác lao động của cháu, chắc nó không vui. Hơn nữa, về tài chánh, tôi không giúp được gì cho cháu nên tôi không dám có ý kiến giá cả mắt rẻ, tôi chỉ lưu ý cháu mấy điều là ở cái góc thiên đường Úc châu cũng như những góc thiên đường khác, tay có làm thì hàm mới có gì để nhai và “tiền nào của nấy”, tiền lương cao nhưng phải lao động quần quật suốt ngày, không giống cung cách làm việc lè phè mà mình thường thấy ở quê nhà, sáng vô sở trình diện cho có mặt một lát rồi ra uống cà phê phin lề đường, chờ cà phê nhỏ từng giọt, từng giọt, hít thuốc lá phì phà, nhả khói phun mây nhìn ông đi qua bà đi lại hoặc trong giờ làm việc xách giỏ đi chợ hay đi làm việc riêng tư.

Cầu trời mộng ước của cháu tôi được viên thành để nó có một cuộc sống như ý và thấy tận mắt cõi thiên đường ra sao.

Mùa đông 2009

No comments:

Post a Comment