Sunday, February 27, 2011

Tuổi học trò

Tuổi học trò
Huỳnh Ái Tông
*
Tôi sinh ra ở một cù lao sông Hậu, nhà của cha mẹ tôi nhìn ra sông, con sông nhỏ thuộc sông Hậu Giang, chạy dọc theo con lộ đá đường Long Xuyên Châu Đốc, ai đã từng đi xe đò trên đường nầy, sẽ nghe tới địa danh Bắc Năng Gù. Tên ấy theo tôi mấy anh xe đò ngày xưa đã quen miệng, đặt sai tên. Vì chiếc Bắc ấy chạy từ chợ Bình Mỹ đi sang vùng thánh địa Hòa Hảo, nơi đó là sông Hậu Giang, bị cù lao chia thành nhiều nhánh, có một nhánh chảy qua làng tôi, đó là cù lao Năng Gù, một nhánh nữa chảy qua nối với Tiền giang. Chiếc bắc ấy không phát xuất từ Năng Gù, không chạy tới Năng Gù, nó chỉ chạy ngang qua trên đường chạy của nó, nhưng chạy gần đuôi của một cù lao kia hơn là đầu cù lao Năng Gù, cho nên Năng Gù và chiếc bắc ấy không có gì dính dáng nhau, và cù lao Năng Gù có ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí, nay là làng Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Tôi đã đi hơi xa một chút, xin trở lại bên kia sông là con lộ đá đường Liên Tỉnh 10, nối liền Long Xuyên Châu Đốc, bạn có biết tại sao gọi là Liên Tỉnh 10 không ? Ngày xưa sau khi Lục Tỉnh mất luôn vào tay Pháp, họ chia đất Nam Kỳ ra làm 20 Tỉnh, mỗi Tỉnh xếp theo Thứ Tự sau đây : 1. Gia Định, 2. Châu Đốc, 3. Hà Tiên, 4. Rạch Giá, 5. Trà Vinh, 6. Sa Đéc, 7. Bến Tre, 8 Long Xuyên ... để dễ nhớ, người ta ghép thành một bài Tứ Tuyệt :

Gia Châu Hà Rạch Trà
Sa Bến Long Tân Sóc
Thủ Tây Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc.

Tỉnh Châu Đốc thứ tự 2, tỉnh Long Xuyên thứ tự 8, do đó hai tỉnh cọng lại là 10. Ghe ngày xưa cũng có số, ví dụ ghe nào số HF 1 là ghe của chủ ở Gia Định, HF 6 là ghe của chủ ở Sa Đéc. Tôi lại đi xa nữa rồi.

Bên kia sông có một ngôi trường, xây tường gạch, lợp ngói móc, có ba lớp và một căn phòng nhỏ, bên tay phải chừng bằng phần ba lớp học, các lớp nằm trên nền xây đá cao hơn sân trên một thước tây, chú tôi dạy và làm Trưởng giáo của Trường nầy, thời Pháp tên của nó là ECOLE DE BÌNH M³, hồi mới dạy, chú tôi ở ngay phòng bên cạnh lớp, sau chú tôi cất nhà bên cạnh trường, sau nữa chú tôi mua đất trong làng, dời nhà về bên cù lao, hàng ngày đi dạy, chú tôi bơi xuồng qua sông chở theo con và cháu đi học.

Cách nhà tôi chừng 200 thước, cũng có ngôi trường làng, cũng xây giống như ngôi trường Bình Mỹ, nhưng xây thấp hơn, nền chỉ cao hơn sân chừng 4 tấc tây, và có xây lan can ngăn chia giữa hành lang với sân trường. Trước sân trường có trồng mấy cây Ô Môi, gần Tết ô Môi trổ hoa màu tím trông rất đẹp, trái ô môi bằng cườm tay dài từ 3. 4 tấc đến một thước, bên trong có những miếng ngăn, cách nhau chừng đầu đủa ăn, mỗi miếng nầy có cái hột dẹp và có những cơm màu nâu sậm đen, ăn nó ngọt, ăn nhiều bị táo bón, nhiều người rất thích ăn ô môi.

Tôi sanh năm Tân Tỵ (1941), lúc tôi biết, hàng ngày chú tôi bơi xuồng sang sông, chở theo anh tôi, con chú tôi, do đó cha tôi cũng cho tôi theo anh sang bên kia sông học, anh tôi lớn hơn tôi ba tuổi nên học với chú tôi dạy chung trong một lớp, hai trình độ Cour Moyen và Cour Supérieur, ai ở Châu đốc biết thầy giáo Huỳnh Bá Nhệ ấy là chú tôi.

Tôi học Cour Élémentaire với thầy giáo Lê Văn Thọ, thầy vở lòng của tôi, ai là học sinh Cao Thắng có bằng Tú Tài Kỹ Thuật, lật phía sau lưng, có thể thấy chữ ký và tên của người viết bằng Lê Văn Thọ, đó là thầy tôi, sau nầy về làm việc tại Phòng Khảo Thí Nha Kỹ Thuật Học Vụ.



Thầy giáo đầu đời của tôi, Thầy Lê Văn Thọ, tôi và bạn học thuở ấu thơ Lê Văn Khải (ảnh 2007)

Trường đầu đời nầy tôi có nhiều kỷ niệm, tôi nhớ sau khi đi học đã mấy ngày, một hôm tập viết, thầy tôi bảo lấy thước gạch hàng, tôi không có thước vừa khóc vừa chạy sang lớp anh tôi để mượn cây thước của anh ấy. Chú tôi đang ngồi dạy ở bàn thầy giáo, thấy tôi vừa khóc vừa lấy thước đi về lớp, chú bảo tôi :

- Nín đi! Đi học mà khóc cái gì !

Tôi nhớ mỗi lớp có hai dãi bàn, có 2 tấm bản đen, mỗi bản đặt nằm trên một cái giá, bàn thầy giáo dựa tường nằm giữa hai tấm bản, tôi ngồi bàn đầu, phía tay phải của tôi là anh học trò tên Độ, nhà anh ở phía tay trái của trường, cách miếng đất trống, bên tay trái của tôi là Trai và kế bên Trai là Lê Văn Khải con của thầy. Hồi nhỏ chúng tôi thường gọi là trò Độ, trò Trai, trò Khải.

Một hôm thầy kêu Trai đọc bài, Trai đứng lên để nhìn bản đọc, Khải và tôi mỗi người một bên nắm quần xà lỏn của Trai, Trai chẳng để ý, đứng lên, quần bị tuột xuống, Trai phải ngồi xuống. Thầy tưởng Trai không vâng lệnh, Thầy gọi lên đánh Trai hết mấy khẻ tay, tội nghiệp Trai bị khẻ tay mà chẳng than phiền chúng tôi, lần khác Thầy gọi, Trai chẳng dám đứng lên, Thầy định khẻ tay nữa, có vài anh học trò lớn bất mãn liền mét với Thầy nguyên do vì chúng tôi nắm chiếc quần xà lỏn Trai không dám đứng lên.

Biết rõ lý do, thầy gọi Khải và tôi lên bàn, thầy lấy cây thước bản ( cây thước dài chừng 2 thước, thầy giáo dùng để chỉ lên bảng giảng bài), bắt chúng tôi chúm năm ngón tay lại, thầy đánh hai chúng tôi mỗi đứa 3 cái, đau ôi là đau thấu xương từ đó chúng tôi không dám nắm quần đùi trò Trai nữa.

Trong sân trường về phía nhà trò Độ có cái đu, chúng tôi tha hồ đánh đu, học trò gái chơi chuyền chuyền hay nhảy đây, hoặc họ chơi cò cò, sân trường phía nhà trò Trai có một cây, mùa Hè hoa nở đỏ, mọi người đều gọi là Điệp Tây, có lẽ hồi xưa trong Nam không có thứ cây nầy, Pháp đến rồi họ trồng gọi là Điệp Tây, cũng như giữa sân đình làng tôi có trồng cây Chuối Tây. Sau nầy tôi mới nghe Điệp Tây là Phượng Vỹ. Ở cạnh đó có cây dừa cao bị sét đánh cháy phân nữa những tàu lá. Trai kể cho chúng tôi nghe, ban đêm ở đó có con quỷ mẹ vào những đêm mưa lâm râm hay trời không trăng, tối thui, con quỷ mẹ ru con ngủ, tiếng ru lảnh lót, tiếng võng đưa cọt kẹt, nên một hôm trời mưa, Thiên lôi đến cắm cờ trên đọt cây dừa, rồi ông Trời đánh một cái rầm, cây dừa bị cháy lá, cây Điệp Tây bị gảy nhánh, Trai còn dặn chúng tôi, khi nào trời mưa coi chừng bị Trời đánh, đi dưới mưa thỉnh thoảng nên rờ lên đầu coi có bị Thiên Lôi cắm cờ không, nếu bị thì rút cờ ném xuống đất mà chạy, còn ở trong nhà thì dọn cơm ra mà ăn, ai ăn cơm ông Trời không bao giờ đánh, vì ‘’ Trời đánh còn tránh bửa ăn ‘’. Chúng tôi ai cũng say sưa nghe Trai kể chuyện Trời đánh, vừa sợ ma vừa sợ trời đánh và cũng phục Trai biết nhiều.

Có một lần trò Hàn, ngồi ở cuối lớp thầy gọi tập đọc, đánh vần chữ TÔI, trò Hàn cứ đánh vần T, Ô, TÔ, I, TUI, thầy dạy: ‘‘ Mầy phải đánh vần T, Ô, I, TÔI ‘’, trò Hàn : ‘’ Dạ ‘’, rồi cũng cứ T, Ô, TÔ, I, TUI, thầy đánh mấy lần, trò ấy cũng cứ TUI chớ không làm sao đọc TÔI, thầy bỏ qua, gọi trò khác.

Thầy dạy học, hết giờ thầy kéo kẹo, đến ra chơi thím bán kẹo kéo cho chúng tôi ăn, một lần giờ ra chơi, tôi ở ngoài sân chú tôi đến bên móc ví, lấy cho tôi một cắc, tôi nhớ tờ giấy Hào hay mười xu ấy là một tờ giấy nho nhỏ, in màu vàng, còn tờ giấy hai Hào lớn hơn một chút, in màu nâu, được tiền chú cho, tôi chạy mua kẹo kéo ăn, kẹo xốp dòn, bên ngoài còn dính lớp bột trắng, nhờ đó những cây kẹo để chung không dính với nhau. Kẹo ấy làm là dùng đường nấu (gọi là thắng) cho đặc lại, rồi dùng đủa kéo nó ra, nhập nó lại rồi kéo nó ra, cứ kéo ra, kéo vô cho đến khi thành kẹo, nên gọi là kẹo kéo.

Hồi đó trai gái học chung, con gái cha mẹ cho đi học rất ít, lớp trên tôi có chị Phấn, lớp tôi có cô Phe và những trò gái khác tất cả đều để tóc dài, kẹp lại phía sau lưng.

Sau đó Việt Minh cướp chánh quyền, Thanh Niên tiền phong tập họp thành hàng ngủ, họ vác tầm vông vạt nhọn, tập đi tới, đi lui với hàng ngang, hàng dọc, rồi họ tập vỏ, rồi chú tôi và Thầy Thọ bỏ Trường về tỉnh, trường gần nhà tôi thầy giáo cũng bỏ đi, cả hai trường đều đóng cửa, học trò nhỏ tuổi được ở nhà chơi, lớn tuổi hơn lo công việc đồng áng, ban đêm thanh niên ở làng tôi chèo ghe qua bên kia sông đào đường, chặt cây cản lộ, ban ngày dân bên kia sông bị bắt đi lấp đường, phá cản cho xe nhà binh, xe đò chạy. Thỉnh thoảng Tây Trắng, Tây đen đi bố ráp, tuy nhỏ tôi cũng phải chạy theo mẹ theo anh. Có một hôm tôi thấy một chiếc tàu lớn lắm, lấy lá dừa che phủ ở trên, ghé vào trường tôi ở mấy hôm, những người ở trên tàu thấp lùn, cha tôi bảo đó là lính Nhật.

Nhớ lại năm ấy là năm Ất Dậu 1945, tôi sanh năm 1941, như vậy tôi đi học sớm lắm, mới có 4 tuổi, người ta chưa tới tuổi cập vở đến trường thì tôi đã bị thất học rồi.

Sau khi chú tôi về Tỉnh một thời gian, cha tôi được thư của chú, bảo anh tôi và con của người chú khác, bơi xuồng sang sông chở tủ sách của chú, đem về để ở nhà tôi, một hay hai năm sau chú tôi mới về mở tủ lấy sách mang đi, cha tôi mượn lại bộ sách đạo Niết Bàn Tạp Chí, cô tôi không chồng ở chung nhà, mượn giữ lại bộ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và chú tôi để lại mấy quyển sách Luân Lý, Cách Trí, Quốc Văn Giáo Khoa Thư các lớp Đồng Ấu, Dự Bị và Cao Đẳng, cho anh em tôi học.

Cha tôi làm Hương Sư, các thầy giáo bỏ trường Bình Thủy ra đi, giao chìa khóa trường lại cho cha tôi, có dạo anh Hai tôi đi Tân Châu học dệt vải, vải dệt từ bông vải gọi là vải ta, sợi chỉ to nên vải dầy, trông thô, còn dệt từ sợi tơ của tầm, sợi tơ rất nhỏ, vải mịn và chắc gọi là lụa, quận Tân Châu ở Châu Đốc nổi tiếng là Lụa Mỹ A cũng gọi là Lãnh Mỹ A, có lẽ vì lụa ấy mặc vào nó mát lạnh nên gọi là Lãnh, quần Lãnh Mỹ A mới may, mặc đi nghe sột sạt, chỉ có một màu đen, nhuộm với trái Mạt Nưa, chỉ dùng may quần cho phụ nữ và giá rất đắc tiền.

Rồi một thời gian sau vải nhập cảng, anh tôi không công ăn việc làm, lấy chìa khóa cùng với anh Hoài mở cửa trường, lấy lớp dạy tư, tôi không có đi học, dạy vài tháng anh tôi bỏ đi Sàigòn làm cho nhà thuốc Nhành Mai, ở bên hông chợ Sàigòn số 36 Saboraine sau đổi là Tạ Thu Thâu, chuyên bán thuốc dán Con Rắn và thuốc Dưỡng Thai. Còn thầy Hoài sau làm chủ nhà thuốc Bình Sanh, chạy ghe máy bán khắp nơi trong vùng Long Xuyên, như Sơn Đông Mãi Võ. Năm 1969, đi lính về phép gặp được anh trong quán nhậu tại thị xã Long Xuyên, cụng với anh một ly tràn đầy bọt bia.

Rồi lúc nào đó chú Nguyễn Hoa Hẩu lấy trường mở lớp dạy tư, chú là con của thầy giáo Nguyễn Văn Đe, tôi nghe nói ông Bảy Đe hồi đó dạy tại Long Xuyên, chú tôi theo học với ông, sau ông đổi đi dạy trường tỉnh Sa Đéc. Chú Hai Hẩu cũng như anh Hai tôi có đi học lớp nhứt trường tỉnh, nhưng cả hai không đậu được bằng Primaire. Cha tôi cho tôi đi học với chú Hai, lớp học nầy chỉ có một dãi bàn, mỗi bàn rất dài, đóng ván sao dầy gần 2 phân nên rất chắc và nặng khỏi chê. Lớp học chỉ có một cửa và một lối vào ra, một bên là tường một bên là dãi bàn học, hai cửa sổ, hai tấm bản và cái bàn thầy giáo, trên tường có treo tranh vẽ khá lớn cảnh bến tàu và chợ Sàigòn, những hôm trời mưa lớp tối tù mù vì không có đèn đóm chi cả.

Trường có một cái trống, chú Hai không treo lên, để nó ở gần bàn chú ngồi và chỉ mình chú đánh trống vào lớp, trống ra chơi, trống tan trường, chú đánh bằng cái dùi to chừng bắp tay, có nhiều hôm giận quá khi dạy học trò không hiểu, không thuộc bài, chú sẳn tay quơ cái dùi trống đánh luôn lọc trò vào lưng nghe thình thịch gần giống như chú đánh trống tan trường.

Một hôm chú dùng cây thước kẻ đánh luôn vào mặt trò Đơn, cây thước ấy là cây thước vuông bằng gỏ, bốn cạnh của nó được người thợ mộc khéo tay xẻ bốn đường, khảm vào đó 4 miếng thau, là cây thước cưng của học trò nhà giàu, cạnh thước đó chú đánh vào xương gò má trò Đơn tét một đường chảy máu, giờ ra chơi tôi phải đưa trò Đơn về nhà, lấy muối bọt chấm miếng nước xát vào chỗ vết thương, trò Đơn tội nghiệp lo sợ than thở với tôi : - Tao bị vầy, về nhà cha tao thấy, chắc ổng đánh tao nữa.

Đến năm 1950, chú Hai Hẩu, tôi thường gọi là Chú Hai chớ không gọi thầy, tổ chức cho học trò xuống Long Xuyên thi, một số đóng góp tiền thuê một chiếc ghe, xuống đậu ở bến sông gần trường Nam Tiểu Học Long Xuyên để dự thi, gia đình tôi có người quen làm Police ở dãi phố gần Rạp hát Thanh Liêm, tôi và người em con ông chú ở đó, ngày đi thi tôi ngồi ở phòng học cột tràm, lợp lá vách cũng không che được kín, dãi ấy sát với hàng rào dây kẻm gai, phía sau là ao, hồ, có nhà vệ sinh cất trên ao cá, học sinh muốn đi còn phải đi qua chiếc cầu khỉ bằng tre, sau nầy chỗ ấy lấp đi để xây Trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu.

Sau một ngày thi, tôi vẫn về ở nhà quen, đến hôm kêu Résulta, lúc ấy chừng 10 giờ sáng, tôi không rõ có bao nhiêu thí sinh thi, nhưng đi nghe lèo tèo chừng vài chục lố nhố đứng chờ ở giữa sân cờ, một ông thầy giáo ra đứng trên cái ghế giữa sân trường, bắt sĩ tử phải xếp hàng, xong ông ta mới lấy cái loa làm bằng kẻm, sơn trắng đọc danh sách những người đậu, gồm có số báo danh, họ tên và nơi sanh.

Tôi nghe đọc tên Huỳnh Hữu Tâm đậu, Tâm đứng gần đó cũng nghe như thế, còn tôi không có tên, biết mình đã thi rớt, tôi ra bến xe đi về nhà.

Xuống xe, tôi lo sợ về nhà sẽ bị cha tôi đánh đòn vì thi rớt, chị tôi bơi xuồng qua đón, chị hỏi :

- Đi mấy ngày nay thi đậu hay rớt ?

Tôi buồn bả đáp :

- Rớt rồi chị Ba.

Chị tôi mĩm cười nói thêm:

- Vậy là từ nay thay họ đổi tên thành Bùi Kiệm rồi!

Nghe chị nói tôi còn buồn hơn, xuồng chị tôi chưa cập bến, có một anh hàng xóm tên là Vương Triều Hón, năm ấy anh ta cũng gần năm mươi, thấy tôi anh ta hỏi :

- Sao chú mầy đậu rớt ?

Tôi buồn bả trả lời :

- Rớt rồi anh Năm!

Đúng ra về vai vế anh ta phải gọi tôi bằng anh, nhưng anh ta đã trộng tuổi, lại để râu thành ra mấy anh chị em tôi đều gọi anh ta bằng anh. Anh ta cười ruồi nói với tôi :

- Cậu Ba có một bầy dê, mầy sẽ làm ông Tô Võ, chăn dê đến khi nào dê đực đẻ thì mới thôi đó nghe mậy!

Tôi đã sợ bị đòn, anh ta nói đùa, tôi không mấy vui, từ chỗ xuồng cập bến về tới nhà chừng 200 thước, anh Năm Hón nói xong đi về nhà của ảnh, tôi đi về nhà tôi, hai hướng khác nhau, còn lại một mình, tôi tư tưởng, cha tôi trước kia ăn chay trường được 10 năm rồi bị lao phổi, đi bệnh viện Long Xuyên được Bác Sĩ Bàng trị hết, khuyên dứt cha tôi ăn mặn, và có người khuyên nuôi dê, lấy sữa dê uống cho bổ, vì vậy cha tôi nuôi một bầy dê Bắc Thảo, giống to con, màu tím lốm đốm trắng, sữa nhiều. Nếu thi đậu, tôi có thể xuống tỉnh học lớp Nhì, còn nay thi rớt, nhà cha mẹ tôi lại không dư ăn dư để, anh kế tôi đang học ở Long Xuyên, nên tôi phải ở nhà chăn bầy dê là cái chắc, dê thứ chi cũng ăn, phải chăn giữ để chúng đừng ăn của người ta, lại còn phải trông nom bảo vệ chúng để khỏi bị chó cắn.

Về tích Tô Vũ, tôi đã nghe người ta nói, ngày xưa ông ta làm quan, vua Hán phái đi sứ sang Hung Nô, vua Hung Nô không coi sứ ra chi, bắt đày ông Tô Vũ đi chăn dê, dạy rằng khi nào dê đực đẻ thì tha cho về Hán. Khi bị đày chăn dê, ông Tô Vũ vẫn coi mình là sứ giả, về sau vua Hán cho quân đánh Hung Nô, tìm ra Tô Vũ râu tóc bạc phơ, tay vẫn cầm cờ sứ rách nát te tua.

Bước vào nhà, cha tôi đang vẽ tranh, không nhìn tôi, ông hỏi :

- Thi đậu rớt mậy ?

Tôi trả lời ngay :

- Dạ rớt rồi cha!

- Vậy thì mầy cũng nếm được mùi thi cử!

Cha tôi không nói thêm nữa, tôi mừng vì khỏi bị đòn, anh em tôi sợ những trận đòn của cha, đánh mà không cho khóc, không cho ai can, má hay cô tôi can thì chúng tôi còn bị đòn nhiều hơn.

Khi tôi xuống tỉnh dự thi, tôi ở nhà anh Police quen, còn anh tôi ở trọ dưới Cái Sơn, lúc thi rớt ra về tôi cũng không nói cho anh tôi hay. Vài hôm sau đến Chủ Nhật, anh tôi về, gặp tôi ngoài sân, anh cười nói với tôi :

- Thi đậu rồi sướng quá hé!

Tôi năn nỉ anh tôi :

- Thôi mà! Thi rớt rồi anh còn mỉa mai nữa chi vậy ?

- Không mầy thi đậu rồi mà!

- Thôi đi anh ơi, tôi đứng gần ông thầy cầm cái loa, ổng đọc tên thằng Tâm con chú Chín, chớ đâu có tên tôi!

Anh tôi cải lại :

- Sao kỳ vậy ? Thằng Tâm rớt mầy đậu mà!

Cha tôi trong nhà nghe hai anh em cải lẩy thi đậu rớt, liền gọi anh tôi vào hỏi cho rõ, anh tôi nói là xem bảng thấy rõ tên tôi, còn Tâm con chú tôi bị gạch đỏ cũng như những đứa thi rớt khác. Cha tôi nói :

- Vậy mà mấy bửa nay nó nói nó rớt.

Tôi thấy khi rớt, cha tôi chẳng buồn và rầy rà, khi thi đậu cha tôi chẳng những không vui mà lại còn có nét suy tư và buồn bả, sau nầy tôi mới biết, đáng lẽ thi đậu gia đình phải cho tôi xuống Long xuyên học tiếp, nhưng cha mẹ tôi không có tiền, tôi phải thất học, cũng là con, hai anh tôi đều được xuống tỉnh học, còn tôi thì không được như vậy, cha mẹ nào lại không buồn, mẹ tôi vốn ít nói, nên cũng chẳng nói chi về việc thi cử của tôi. Có người đưa ý kiến, cho tôi lên Châu Đốc ở nhà chú tôi đi học. Cha tôi nói :

- Chú nó tốt, nhưng còn thím.

No comments:

Post a Comment