Sunday, February 27, 2011

NGHIÊM ĐƯỜNG

NGHIÊM ĐƯỜNG
Dương Văn Chung

Nghiêm là có uy thế làm cho kẻ khác sợ, đường là nhà, là cung thất. Xưa kia từ “nghiêm đường” dùng để chỉ người cha. Cha còn được gọi là nghiêm phụ. Nói đến cha, người ta thường liên tưởng đến uy quyền của một bậc gia trưởng đối với con cái, trong khi mẹ đầy lòng từ ái, đùm bọc chở che các con.

Trong mùa Vu Lan nhiều người nhắc đến mẹ, còn cha thường bị bỏ quên. Lễ cài hoa hồng căn cứ vào người mẹ còn hay mất, mẹ còn thì gắn hoa hồng đỏ, mẹ mất thì gắn hoa hồng trắng. Có màu hoa hồng nào hay có loại hoa đặc biệt nào dành cho cha? Phải chi trên thế gian nầy có loại “hoa nghiêm đường” tôi đề nghị dùng làm biểu tượng cho người cha, hoa chỉ có một màu dù cha còn hay mất.

Mùa Vu Lan sắp tới, tôi chạnh nhớ đến cha tôi. Người thật là thương con, nhưng lại rất nghiêm. Cha mẹ tôi một cột một kèo, nhà nghèo, con đông. Xin lỗi, tôi lại “khoe” cái nghèo. Nhưng nghĩ lại nghèo thì nói nghèo có gì đáng xấu hổ, phải không quý bạn? Cha tôi thường dạy Nghèo cho sạch, rách cho thơm, có gì đâu phải giấu giếm?

Người ta thường nói:
Nhà nghèo mới hay con thảo,…
Con nhà nghèo ăn một món ngon, nó nhớ đến cha mẹ không có tiền mua món đó để ăn, nó sẽ nhín lại để phần ăn ngon cho cha mẹ. Trái lại, cha mẹ nghèo bao giờ cũng hy sinh tất cả cho con mình. Còn những kẻ dư ăn dư để có chắc gì nghĩ đến nhau, người nầy nghĩ rằng người kia đã có quá dư thừa vật chất, thiếu thốn gì mà phải lo. Một câu chuyện nhỏ mà người cha nghèo đã lo cho anh chị em chúng tôi. Dưới sông trước nhà tôi dạo đó có trải đáy bắt cá. Cha tôi dặn mấy người bạn ghe đáy khi nào bắt được một con cá chạch lấu lớn thì để cho cha mua. Lúc giữa khuya, cha mua được con cá chạch, đem nướng trui, làm nước mắm me chín, đánh thức các con dậy ăn, cá còn nóng ăn mới ngon. Cha biết các con thèm cá chạch lắm, nướng cá tươi cho con ăn cho đã thèm.

Tuy lo miếng ăn cho con cái, nhưng cha tôi dạy con cái về cách ăn uống rất kỹ, dĩ nhiên là dạy theo cách riêng của ông. Mỗi bữa ăn, các chị tôi dọn thức ăn chung quanh một cái mâm tròn bằng nhôm hay bằng thau, chính giữa mâm là một chén nước mắm đồng. Cha dạy ăn coi nồi, ngồi coi hướng. Muốn bới cơm thêm, nên liếc nhìn cái nồi coi còn cơm hay không. Nếu cơm còn ít thì đừng bới nữa hoặc bới ít thôi để nhường phần cơm cho người khác. Khi vẽ cá thì không được vẽ cái lườn cá, vì lườn cá là chỗ béo, ăn trước người lớn là ăn hỗn, phải đợi người lớn vẽ cho. Gắp thức ăn chỗ gần mình nhứt, khi nào chỗ gần hết mới được gắp chỗ xa. Không được vẽ cá bằng “đũa nằm”, nghĩa là không để nghiên đôi đũa sát xuống con cá mà vẽ, vẽ như vậy hết phân nữa con cá rồi.

Khi có khách dùng cơm với gia đình, trẻ con phải ăn theo cách của người lớn, và một miếng cơm, gắp một miếng thịt hoặc cá rồi để đũa xuống, vừa nhai không hả miệng vừa nghe khách và người lớn nói chuyện. Đến khi khách bắt đầu và cơm và gắp thức ăn nữa thì mình mới làm theo. Không được nói chen vào câu chuyện của khách và người lớn, vì nói như vậy là nói “ăn cơm hớt”. “Ăn theo nghi lễ” thật là phiền phức và mất thời giờ, nên mỗi khi có khách dùng cơm, tôi thường trốn trong bếp để ăn cho thoải mái.

Cha cũng căn dặn trong mâm cơm, chỉ nói chuyện gì vui, tránh tranh cải làm mất hòa khí, ăn mất ngon.

Cha tôi ít đánh đòn con cái. Khi cần đánh đòn, ông lựa cái roi mỏng, có bề bản lớn để đánh vào đít trẻ con nghe rát thôi chớ không gây thương tật. Ông nói trời sanh ra cái đít con nít để dành đánh đòn, không nên đánh vào chỗ khác có thể gây nguy hiểm.

Khi con cái phạm lỗi lầm, ông bắt cúi xuống để nghe ông hài tội. Đặc biệt là ông cho con giải bày và tự biện hộ. Khi nào con cái đuối lý, ông mới kết tội lần cuối rồi cảnh cáo hay đánh một roi thôi để nhớ đời.

Thuở nhỏ tôi có tánh hay lập công. Mỗi khi hai chị tôi gây gổ với nhau hay phạm lỗi lầm gì, tôi thèo lẻo, méc cha tôi. Thấy hai chị tôi bị rầy, tôi khoái chí lắm. Một làn nọ, cha tôi bảo hai chị tôi cúi xuống và kêu tôi đi kiếm roi.Tôi xông xáo đi tìm và trong phút chốc đem cây roi đến dâng cho cha tôi. Cha tôi không khen tôi tiếng nào mà còn lớn tiếng ra lệnh cho tôi:
-Còn mầy nữa, cúi xuống!
Tôi ngơ ngác nhìn cha tôi. Ông giục:
-Cúi xuống!
Tôi lẹ làng cúi xuống bên cạnh hai chị tôi.
Xử hai chị tôi xong, cha tôi hỏi tôi:
-Mày có biết tội gì chưa?
Tôi trả lời:
-Dạ chưa.
Ông nói:
-Cái tội xăng xái lập công mà không thương tưởng tình chị em, không biết đến nỗi đau đớn của hai chị.
Tôi nhận một roi sau khi nghe giảng bài học luân lý khá dài.

Các mẫu chuyện trên đây tuy nhỏ, nhưng đối với tôi là những bài học làm người có giá trị rất lớn lao, đó là hành trang mà cha tôi đã chuẩn bị cho con cái mang vào đời.

Con xin cúi đầu mặc niệm đấng nghiêm đường đã một đời làm lụng vất vả để nuôi con, một mực yêu thương và chăm lo giáo dục con cái.


Dương Văn Chung
An Phú, ngày 06 tháng 06 năm 2008

Thư gởi Cô Út Lượm,

Về việc: Bà không tha

Nghe em kể chuyện Ông tha Bà không tha, anh chi cũng toát mồ hôi hột. Trận bão miền Trung lớn nhứt mười mấy năm về trước hình như cũng có dính ngày mồng 3 tháng 10 trong đó. Sao mà Bà quá cố chấp, Ông tha Bà không tha, nên mới đánh nhau một trận mùng 3 tháng 10, làm dân tình sơ vơ sửng vửng. Anh mù tịt, không biết tại sao Bà tức tối dữ vậy, không biết Ông có lăng nhăng tình ái gì làm Bà ghen hay không. Anh nghĩ nếu Bà ghen thì Bà đâu có quơ đũa cả nắm như vậy, mà chỉ nhằm vào một tình địch mà thôi.
Ngày xưa không có a-xít, Hoạn Thư chỉ nhẹ nhàng làm điêu đứng Thúc Sinh và Thúy Kiều.

“Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người tham ván, bán thuyền biết tay.”

“Làm cho, cho mệt, cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!”
Hình như Hoạn Thư vừa nói vừa nghiến răng (?)

Nói về Thúc Sinh
Vốn người huyện Tích, châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Chuy.

Say mê Thúy Kiều đang ở lầu xanh. Có tiếng đồn thấu tai vợ đang ở quê nhà là Hoạn Thư, con quan Lại Bộ. Hoạn Thư tin lời người nào thông tin việc đó cho nàng, nhưng ra tuồng như không tin, cho gia nhân vả miệng người đó. Khi Thúc Sinh về thăm, Hoạn Thư vẫn ngọt ngào với chồng. Biết Thúc Sinh nhớ Thúy Kiều, Hoạn Thư bảo khéo là chàng nên trở về Lâm Chuy thăm cha.
Thúc Sinh về Lâm Chuy bằng đường bộ thì xa, trong lúc đó Hoạn Thư cho gia nhân đi tắt bằng đường thủy đến Lâm Chuy trước, bắt trói Thúy Kiều, xông thuốc mê, đưa xuống thuyền, lấy xác chết của một phụ nữ khác bỏ vào phòng của Thúy Kiều, rồi đốt nhà nàng. Thúc Ông, thân phụ của Thúc Sinh tưởng Thúy Kiều đã chết cháy. Thúy Kiều được đưa về nhà Hoạn Thư.
Thúc Sinh tưởng Thúy KIều chết rồi, buồn quá, trở về quê cũ. Hoạn Thư kêu Thúy Kiều ra tiếp. Hai người gặp nhau mà không dám nhận quen nhau, thật là đau khổ vô cùng.

Lại một vụ Bà ghen nữa, xãy ra ở Hà Tiên. Tương truyền rằng Ái Cơ Phù Cừ (Nguyễn Thị Xuân), tức là vợ thứ hai của Tổng Trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích (Mạc Thiên Tứ) bị bà vợ lớn nhốt trong một cái lu úp lại, giữa vô số lu để hứng chứa nước mưa. Ông Mạc Thiên Tích từ quan ải trở về không thấy Ái cơ, đi lục tìm, thấy bao nhiêu lu đều có nắp đậy và chứa đầy nước, chỉ có một cái úp xuống và có tiếng rên khóc trong đó, dở ra xem mới thấy Ái Cơ. Buồn đời, nàng xin Ông Mạc Thiên Tích cho đi tu. Ông đã xây cho nàng ngôi chùa gọi là Chùa Phù Dung, dưới chân núi Phù Dung, thuộc dãy Bình Sơn hồi thế kỷ thứ 18. Ngày xưa chùa này còn gọi là Am Bà Dì tự hay là Chùa Am.

Nghe nói mới đây ở Việt Nam có một bà vì quá ghen, tạt a-cít làm cho mặt mày ông chồng tàn tạ.

Cái ghen tuy âm thầm, nhưng cũng đáng sợ quá, nào kém chi những đợt sóng thần (tsunami) hén Út Lượm!

Ông tha mà Bà không tha!

CHUNG AN PHÚ

No comments:

Post a Comment