Sunday, February 27, 2011

Mua Sắm

Mua Sắm
Mua sắm là thú vui của các bà. Trong khi đàn ông chúng tôi hay bàn luận về những cảnh trí du lịch thì các bà lại sôi nổi những điều khác, như giá cả, phẩm chất hàng hóa v.v. Những cửa hàng bán sản phẩm cẩm thạch ở Quế Lâm, tơ lụa ở Hàng Châu, áo quần ở Thượng Hải là những điểm thu hút bà nhà tôi và các phu nhân trong đoàn không kém sự thu hút của Vạn Lý Trường Thành, của cảnh đẹp Tây Hồ ở Hàng Châu, hay cảnh hùng vĩ hai bên bờ Lý Giang ở Quảng Tây.
Đi mua sắm ở Trung Hoa, trả giá là việc phải làm, dù ở tiệm tư nhân, hay nơi quốc doanh. Không ước tính được tỷ lệ nói thách, nhưng một người đồng hành trong đoàn cho biết kinh nghiệm “đau thương” của bà xã anh ta cho thấy nên bắt đầu mặc cả ở mức một phần năm của giá ghi thì an toàn hơn. Cảnh tượng buôn bán bên lề đường ở các đô thị Trung Hoa gợi nhớ Việt Nam, vì cũng bày hàng cùng một cách, cũng mời mọc người mua như thế. Duy có điều, hình như giới con buôn Tàu hung dữ hơn. Ví dụ, nếu mình lỡ trả giá hớ, rồi rút lại ý định mua, có thể bị hành hung đấy! Cho nên cách tốt nhất là đừng mua bán nếu cảm thấy khu vực không được an ninh. Đó cũng là điều mà các hướng dẫn viên du lịch vẫn thường nhắc nhở du khách. Tại Tây An tôi đã thấy một nữ du khách – có lẽ người Hoa bản xứ – bị cô bán hàng túm đầu tóc và đánh; người bạn trai nhảy vào can thiệp liền bị mấy thằng đồng bọn đánh hội đồng. Đoàn du lịch chúng tôi (có hai mươi chín người Mỹ) chứng kiến mà ngao ngán cho “sự đời” ở những nơi con người phải “dành quyền sống” như thế. Tôi cũng nhớ lại hôm thăm quãng trường Thiên An Môn, một người Mỹ trong đoàn chúng tôi cũng trả giá để mua mấy tấm post cards. Anh chàng Mỹ đưa tiền xong, chợt thấy bị hớ, liền đưa trả xấp bưu ảnh, và đòi lại tiền – tờ bạc hai mươi Mỹ kim. Người bán hàng, một thanh niên tầm vóc trung bình theo tiêu chuẩn dân Á châu, sừng sộ. Anh du khách Mỹ bình tĩnh chìa bàn tay có vẻ ra lệnh trả tiền. Người bán hàng bèn móc túi lôi ra tờ đô la trả lại cho người mua. Thú thật, ngay khoảnh khắc người Mỹ kia vừa quay lưng tôi hốt hoảng mà không thốt được một tiếng, vì thấy anh chàng bán hàng thu bàn tay sắp giáng một quả đấm vào lưng hoặc cổ người du khách Mỹ; nhưng cũng trong tích tắc hắn ta bỏ ý định, buông tay xuống. Dĩ nhiên ông khách Mỹ không hay biết gì cả. Có lẽ thấy đối thủ to con, vững chãi quá nên hắn ta tự nhủ, “một sự nhịn, chín sự lành.”
Nói chung, lối mời mọc khách của người Hoa có tính cách “áp đảo” hơn người Việt – tôi muốn nói aggressive. Đặc tính đó thể hiện đều ở những người làm công việc buôn bán, từ các tiệm, các sạp trong chợ, các nơi trên hè phố của tư nhân, đến các cửa hàng quốc doanh. Có khác nhau chăng là các người bán hàng nhà nước – phần lớn phụ nữ – nhã nhặn hơn và không có vẻ chuẩn bị hành hung như dân ngoài đường phố! Nhưng mình vẫn thấy cái aggressiveness ở họ; họ bám sát con mồi, giới thiệu món này, mời mua món kia, sẵn sàng thương lượng lại giá cả, làm mình thấy áy náy trước nhiệt tình của người bán nếu không mua món gì.

No comments:

Post a Comment