Sunday, February 27, 2011

RỜ RÂU

RỜ RÂU
Dương Văn Chung

Các bạn có nhớ không ? Ngày xưa, khổ công lắm mới cưới được vợ. Có người phải ở rễ, nghĩa là qua ở và làm công việc cho nhà vợ, suốt ba năm. Nhiều trường hợp sau ba năm ở rễ, cha mẹ vợ kiếm chuyện từ hôn. Đó là “làm rễ cố công mà không đặng vợ”.
Chàng thanh niên đi ở rễ phải chịu nhiều nỗi đắng cay, cực nhọc về thể xác chẳng ăn thua gì, sự dằn vặt về tinh thần mới là điều đáng kể. Còn cái khổ nào bằng
“Cám treo để heo nhịn đói”
gặp người trong mộng mỗi ngày mà chỉ có đá lông nheo, chớ không được tâm tình. Lạng quạng, bị coi như “ sai phạm nội quy ở rễ ”, phải tay không về nhà với mẹ. Mọi hành động đi đứng nằm ngồi, cách nói năng, ăn uống cũng đều phải cẩn trọng. Ban đêm chàng thanh niên ở rễ phải ngủ nhà ngoài.
Chú rễ và cô dâu tương lai thường không có tình cảm với nhau trước. Nhưng trong thời gian dài sống trong một căn nhà thường hay sanh ra có tình ý với nhau, họ tìm cách gần gũi nhau, mà sợ mẹ rầy, mới hát dặn dò:
Chuột kêu chút chit trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.
Chàng thanh niên mới trả lời nho nhỏ:
Mẹ hay mẹ hỏi anh đi đâu?
-Con đi hốt muối cho mèo ăn cơm.
Có lẽ câu trả lời nầy mô tả sự cuống quit , sợ hải của chú rễ tương lai bị phát giác “phá rào”.
Trường hợp của tôi thì khác, lúc chưa đám cưới, tôi khỏi phải làm rễ cố công, mà thuộc loại “chuột sa hũ gạo”. Vợ tôi là con một, bà nhạc tôi thương tôi như con trai của bà. Cứ vài ngày bà làm thức ăn ngon kêu tôi qua ăn. Ông nhạc tôi cũng thương tôi lắm, nhưng ông rất nghiêm, ít nói và rất trọng lễ giáo, tôi “ớn” ông lắm. Có lần qua nhà thăm, tôi ngồi gần ông cả buổi, không ai nói lời nào, thật là khó chịu, tôi chợt nhớ một chuyện vui mà mấy người từng trải đặt ra, rồi tôi thấm thía cười thầm. Chuyện như vầy:
Có một anh chàng rễ tương lai, qua thăm nhà vợ. Ngồi cả buổi không tìm ra việc gì để gợi chuyện với ông nhạc. Chợt nhìn ra ngoài sân, anh mừng quá, thấy bầy vịt đang ngủ, con nào cũng rút một chưn lên, anh tính báo cho ông nhạc một chuyện lạ “con vịt có một chưn”:
- Thưa cha !
Vì tiếng “Thưa cha” lớn quá, bầy vịt đang ngủ giựt mình tỉnh dậy, để chưn kia xuống, anh chàng lỡ trớn, nói luôn:
- Thưa cha! Con vịt hai chưn.
Đã làm lễ hỏi rồi thì coi như con rễ trong nhà. Ngày mồng một Tết, ông nhạc tôi dạy phải mặc áo dài khăn đống giống như ông, cha con đi ngang qua cái chợ để đến mừng tuổi bà nội vợ. Mặc dầu y phục cổ truyền thật đáng quý, nhưng thời đại mới, ít người mặc, bao nhiêu cặp mắt trong chợ đổ dồn về mình, tôi nổi da gà quá.
Chưa hết, đến ngày đám cưới, mấy chú bác trong xóm nói với tôi:
- Để rồi coi, trong ngày cưới thế nào mầy cũng rờ râu.
Tôi không tin. Nhưng trong khi đến nhà đàng gái, người lớn đang chuẩn bị sắp xếp nghi lễ, tôi theo tục lệ, phải đứng khoanh tay trước bàn thờ gia tiên. Hồi lâu hai bàn tay dư thừa quá không biết làm gì, vô tình đưa bàn tay lên mép xoa xoa, tôi chợt hiểu:
- Thì ra rờ râu là như vậy đó !
Sydney, mùa Xuân 2006

No comments:

Post a Comment