Sunday, February 27, 2011

CỎ XỨ MÌNH CỎ XỨ NGƯỜI

CỎ XỨ MÌNH CỎ XỨ NGƯỜI
Dương Văn Chung


An Phú, ngày 12 tháng 07 năm 2009

Kính gởi Anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Trước hết vợ chồng tôi kính thăm anh chị và cảm ơn anh luôn luôn nhớ đến bạn bè.

Thư anh nhắc đến bao nhiêu loại cỏ làm tôi nhớ những kỷ niệm thiếu thời với cỏ. Cỏ xứ mình công dụng quá, phải không anh Hai ?



Cỏ tranh ở xứ người dùng làm kiểng


Xứ mình phơi rễ cỏ tranh
để sinh nhai

Hồi nhỏ tôi thấy nhiều nhà lợp bằng cỏ tranh, một loại cỏ lá dài, dẹp mà cứng. Nước rễ cỏ tranh nấu với mía lau vừa ngọt vừa mát. Lúc bà già tôi còn sống hay hái lá cỏ mực, giống như lá bông cúc, vò ra vắt lấy nước, màu xanh đen, để thoa đẹn hoặc rơ lưỡi cho mấy đứa trẻ mới sanh.

Cỏ mần trầu thân mảnh như cây tăm nhang, cao bốn năm tấc, ở chót thân cỏ có bông chia làm nhiều cánh nhỏ. Thử bứt một cọng cỏ mần trầu, ngắt bỏ bông, tét cọng cỏ ra làm đôi, lấy móng tay xước cho tơi đầu cọng cỏ để làm cây ráy tai, ráy rất êm. Cỏ mần trầu cũng là một vị thuốc.

Hồi nhỏ tôi cũng hay chơi đá gà với cỏ mồng gà, là loại cỏ mà ở cuối cọng tụ lại thành một cục. Mỗi đứa cầm một cọng cỏ, đánh mạnh cái đầu cọng cỏ của mình vào đầu cọng cỏ của đứa kia, đầu cọng cỏ của đứa nào bị đứt thì đứa đó thua.

Mấy đứa con gái hay hái bông cỏ sâu rọm để kết lại thành cây kiềng cổ. Mấy đứa nó cũng luôn mặc quần dài, đi càn qua đám cỏ, bị bông cỏ may ghim dính vào ống quần, gỡ rất lâu.

Lúc nầy là mùa nước đổ, nước đục ngầu, chảy rất xiết từ trên Miên đổ xuống, qua ngã Bình Di, Bắc Nam, bà-con An Phú chuẩn bị “nghinh đón” nước lên. Nhà nào cũng có cái lu, cái khạp chứa nước sông, bỏ vô một chút phèn chua quậy cho đều, một lát sau đất lắng xuống, phần nước ở trên rất trong. Hồi xưa người mình hay nói giỡn:

“Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục…lóng phèn”, thay vì trong nhờ đục chịu.

Ở miền tây mình quen gọi là nước lên hay nước ngập, vì nước dâng lên từ từ, khác với lũ lụt đột ngột dâng cao, phải không anh Hai? Khi đã ngập tràn đồng thì có lẽ vì phù sa đã lắng xuống, hòa nhập với đất cũ, nước trong vắt, gọi là nước cỏ. Nhìn xuyên qua khối nước trong, mình thấy cỏ vẫn sống, cá lớn, cá ròng ròng đang lội chung quanh hoặc luồn lách trong đám cỏ.

Chỉ trừ những khi cần dùng, người mình mới đi tìm và thấy quý cỏ, chớ ở Úc thì khác, cỏ là tiền đó, anh Hai. Vợ chồng tôi có lần được sắp nhỏ bảo lãnh qua thăm cho biết nước Úc, tôi thấy nội cái loại cỏ ở sân trước, sân sau nhà cũng làm cho mình thấy lạ rồi. Cỏ đó nhà vườn trồng bằng hột, cỏ lên rất đều, mịn màng, xanh mướt. Ai muốn trồng nhà vườn sẽ cắt từng miếng lớn, cuộn lại như tấm thảm. Sân trước, sân sau nhà được ủi cho bằng, trải thảm cỏ lên trên, tưới nước cho đều, rễ cỏ bám chặt vào đất, cỏ tăng trưởng, toàn một màu xanh trông rất đẹp mắt. Ở các công viên, các sân “gôn” cũng trồng cỏ theo cách nầy. Các bãi cỏ công cộng thường có cắm bảng “Cấm đi trên cỏ”. Cỏ quý như vậy đó, anh Hai à. Khoảng nữa tháng hay một tháng, mỗi nhà phải tự cắt cỏ hoặc mướn người ta cắt bằng máy. Thỉnh thoảng phải bón phân, tưới nước cho cỏ xanh tươi, khác với ở quê mình, coi cỏ là đồ rác rưởi. Tôi nghĩ thầm “cỏ sân nhà người ta đẹp hơn cỏ sân nhà mình”. Nhưng lúc sau này nước Úc bị hạn hán, các đập chứa nước thiếu nước dự trữ, lệnh hạn chế tưới cây cỏ được ban hành, cỏ dần dần bị tàn lụn, héo úa. Tôi nghĩ lại, ở miệt sông sâu nước chảy như An Phú hay Kinh Xáng Bốn Tổng, nếu mình tưới bón thường xuyên thì “cỏ xứ mình vẫn đẹp như cỏ xứ người”. Tôi bèn rủ nhà tôi:
-Thôi! Mình về chăm sóc cỏ sân nhà mình đi em!
Qua Úc chơi một thời gian ngắn mà mình thấy không thoải mái bằng sống ở quê mình, phần thì ngôn ngữ bất đồng, vừa ngọng vừa điếc tiếng Anh, ta về ta tắm sông nhà vẫn hơn, nhà tôi cũng đồng ý về thôi.

Tôi nói cà kê dài dòng, chắc anh đọc mệt lắm, phải không anh Hai? Tôi muốn bắt chước anh, viết cái gì cũng cặn kẽ, xúc tích, nhưng tôi chưa làm được, viết như người bị nấc cụt mới khổ đó anh Hai. Còn khu vườn nhà anh nữa, vừa gọn vừa đẹp đẽ, chiều chiều ra sân ngắm cảnh, xem hoa, gió hiu hiu thổi mát, đầu óc thư dãn, văn chương ồ ạt.

Muốn xin anh truyền bí kíp mà không có gì để cúng tổ, tôi chỉ có cái bông hồng vàng trồng trước ngõ dâng tặng anh để tỏ chút lòng.



Chuyện cà kê đã dài, tôi xin tạm dừng bút và kính chúc anh chị cùng sắp nhỏ được vạn sự hanh thông.
Khi nào rảnh anh chị qua An Phú chơi để vợ chồng tôi có dịp hàn huyên với anh chị.

Thân,
Chung An Phú

ANH E HÀN MẶC TỬ
Dương Văn Chung

Tôi học lớp Đệ Lục tại trường Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc niên khóa 1951-1952. Phần đông học sinh trong lớp là những người đi học trễ, tuổi sắp xỉ 17-18, mộng mơ và nhạy cảm. Thời đó có phong trào nhạc trữ tình như Sơn Nữ Ca, Dư Âm, thơ lãng mạn của Hàn Mặc Tử.
Thầy Phan Cao Nhựt dạy Việt văn thường hay giảng về nhà thơ nầy.
Ai cũng biết Hàn Mặc Tử là một nhà thơ trữ tình, bị bệnh phong đơn, được nhiều cô thương như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện, trong số đó có người ông đã giáp mặt, có người chỉ biết nhau qua thư từ. Hàn Mặc Tử quê ở Quảng Bình, mất tại Qui Nhơn lúc mới 28 tuổi.
Trùng hợp trong lớp có anh E, bị di truyền bệnh phong đơn từ cha anh. Anh cao ráo, mặt rất trắng, ửng lên một vài vết hồng, hai bàn tay anh không có trái tràm. Anh thường trầm tư, ít nói., ít bạn nào trong lớp chơi với anh vì sợ bị lây bệnh, họ lén đặt tên cho anh là E Hàn Mặc Tử. Khác với Hàn Mặc Tử, E sống cô đơn, ai cũng xa lánh, không một bạn đồng học nào, nam cũng như nữ, dám chuyện vãn với anh. Hôm nọ có lẽ muốn thử lòng bạn bè, anh mua một gói kẹo mời các bạn trong lớp, không ai dám ăn. Chẳng những không nhận kẹo mà các bạn thấy anh vừa đến, đám họ đang tụm năm tụm ba nói chuyện trước sân trường trong giờ nghỉ, tự động tản ra, mỗi đứa một nơi, không nói chuyện với anh. Anh rất buồn tủi.
Một hôm thầy Phan Cao Nhựt cho làm văn, đề tài tự do, ai viết gì thì viết, anh E có dịp tâm tình, tả một con người bạc phước bị lây nhiễm bệnh nan y, bạn bè xa lánh. Anh than thở: có ai chọn được chỗ không có bệnh di truyền để sanh ra? Bài anh viết rất cảm động. Bài văn đó cũng là lời từ giả thầy bạn lần cuối cùng, vì bệnh của anh bộc phát, anh ở nhà điều trị một thời gian rồi mất trong âm thầm, lúc đó tuổi anh chưa đầy 20.

Sydney, mùa thu 2009

No comments:

Post a Comment