Sunday, February 27, 2011

VÍA ĐÈ

VÍA ĐÈ
Dương Văn Chung

Lời mở đầu: Nhân chuyến đi thăm Thiền Viện Trúc Lâm - Đà Lạt về dọc đường, anh Ba Núi Sam ghé thăm một nhà kia có một cái bàn tròn có trục xoay, bốn năm người đặt tay lên bàn, bảo xoay theo chiều nào, bàn xoay theo chiều đó. Khi anh Ba đặt tay vào thì bàn ngưng xoay. Chủ nhà nói vía của anh Ba nặng làm bàn không xoay. Anh Ba đặt câu hỏi rất khó: Vía là cái gì ?

Vía là cái gì ?
Với sự hiểu biết hạn hẹp của người phàm mắt thịt, làm sao mình có thể trả lời nổi một vấn đề hết sức trừu tượng và siêu hình.
Tôi liền tham khảo Từ điển Tiếng Việt, thấy vía hay phách giống nhau, là yếu tố vô hình tạo ra sức mạnh tinh thần của con người, dựa vào thể xác mà tồn tại, khi người chết thì vía cũng mất đi, khác với hồn, độc lập đối với thể xác. Hồn khi nhập vào thể xác thì tạo nên sự sống và tâm lý của con người, khi người chết thì hồn vẫn còn tồn tại.
Qua lời giải thích trên, tôi chỉ mới có một ý niệm mơ hồ về vía hay phách và hồn.
Người ta nói “linh bất linh tại ngã”, linh không linh tại mình thôi, móc một cục đất sét nắn thành tượng ông Địa, rồi mỗi ngày thắp nhang khấn vái, lâu dần ông Địa sẽ linh thiêng (?). Những người không tin chuyện huyền bí được xem là “nặng bóng vía”. Ai nặng bóng vía thì quỹ thần cũng nể nang. Ai nhát gan, dễ tin hay dễ khiếp sợ, được xem là “yếu bóng vía”.
Trước một nỗi sợ sệt khủng khiếp, người ta chết điếng, đó là sợ mất hồn, mất vía,, và khi đã vượt qua cơn khiếp đảm rồi mà vẫn được an toàn, người ta nói:
- Hú hồn, hú vía
Có những bà mẹ giận thằng con đi rong chơi lối xóm, kêu réo hoài, không biết nó ở đâu, rủa sả nó như nó đã chết rồi:
- Ba hồn bảy vía thằng (tên thằng con) ơi! Về ăn cơm ăn cá!
Nếu đứa con là gái thì gọi:
- Ba hồn chín vía…
Theo tục lệ người mình thì “nam thất, nữ cửu”, trai bảy gái chín. Muốn dùng lá cây làm thuốc trị bệnh cho đàn ông, con trai thì hái bảy lá, trị bệnh cho đàn bà, con gái thì hái chín lá.
Tôi thấy lời giải thích của vị cao niên mà anh Ba Núi Sam nói có lý, vía là năng lực của tâm ( niềm tin, ý nghĩ giống nhau của nhiều người tạo thành một hợp lực, được điều khiển bằng vô thức, mình không nhận ra, nhưng hợp lực đó làm chuyển động mặt bàn. Bổng có một năng lực khác ( hoài nghi hoặc chỉ cần một ý nghĩ khác xen vào, hợp lực bị phá vở, mất hiệu năng), mặt bàn dừng lại.
Tôi xin kể một vài vụ cầu cơ mà tôi đã chứng kiến hoặc tham gia.
Vụ cầu cơ thứ nhứt xãy ra ở trại cải tạo Trảng Lớn Tây Ninh. Tôi và một vài người bạn đứng ngoài chứng kiến ba người bạn khác đặt ngón tay lên đồng tiền trên bàn cơ. Bàn cơ có ghi sẵn chữ và số. Trong chốc lát, đồng tiền cơ chuyển động, chạy thật nhanh. Một anh bạn trong cuộc hỏi:
- Thần thánh hay ma quỷ ?
Đồng tiền cơ chạy xẹt đến chữ “ Ma quỷ ”.
- Xin cho biết tên.
- Ngô Nghĩa.
Anh Ngô Nghĩa thuộc Tiểu đoàn 2 Cải tạo bị xử tử để làm gương về tội vượt trại.
- Anh đang ở đâu ?
- Ở dưới.
- Đang làm gì ?
- Đang học tập cải tạo.
- Ở dưới cũng có học tập nữa sao ?
- Có chớ.
- Anh biết chừng nào tụi nầy về hay không ?
- Ngày 19 tháng sau .
Đúng ngày đó có một cuộc gọi là “ biên chế ’, rầm rộ điều động hầu hết người “cải tạo” rời khỏi trại, mấy người bạn và tôi nói với nhau:
- Hôm nay đúng là ngày anh Ngô Nghĩa nói tụi mình về mà sao người ta được đi, còn tụi mình chẳng động tịnh gì ?
Về sau mới biết các bạn kia bị đưa đi Phú Quốc, Đồng Ban, Long Giao, Long Khánh để tiếp tục lao động, còn chúng tôi vẫn ở yên chỗ cũ.

Vụ thứ hai là cầu cơ anh Ba T., người đã cho hai đứa con trai của tôi quá giang vượt biển thành công đến Thái Lan. Anh là bạn học cũ của tôi 30 năm về trước ở lớp Dự Bị ( Lớp Tư ). Sau chuyến đi của các con tôi thành công, Anh Ba T. bị bệnh phổi, chết đột ngột. Thương tiếc anh quá, gia đình tôi cầu cơ. Nhà tôi và đứa con gái để tay lên đồng tiền cơ, tôi đứng ngoài, nhưng cũng tham gia đặt câu hỏi. Đồng tiền cơ bắt đầu di chuyển. Tôi hỏi:
- Thần thánh hay ma quỷ ?
- Ma quỷ.
- Xin cho biết tên.
- T.
- Nếu thật là anh Ba T., xin anh cho biết hồi lớp Tư tụi mình học trước sau với hai ông thầy, hai thầy đó tên gì ?
- Đống và Phùng.

Nhà tôi và con gái tôi đâu biết tôi học lớp Tư với thầy nào. Câu trả lời của cơ thật chính xác làm tôi nổi da gà.
Tôi hỏi tiếp:
- Chừng nào có chuyến đi nữa ?
- Tháng sau.
Nhưng tháng sau người em vợ của anh Ba T., đã giúp anh tổ chức bến bãi vượt biển, bị bắt. Mọi việc chấm dứt tại đó.

Qua hai vụ cầu cơ nói trên và qua lời giải thích của vị cao niên, tôi nghĩ:
- Có lẽ đúng là cơ chạy theo cái tâm lực của những người cầu cơ, cộng cả tâm lực của người đứng ngoài tham gia ( trường hợp thầy Đống và thầy Phùng ). Những người trong cuộc nghĩ gì thì cơ chạy theo cái đó ( cùng nghĩ đến anh Ngô Nghĩa và “học tập cải tạo”).
- Hỏi về chuyện tương lai, cơ thường trả lời không đúng, có lẽ vì chính những người cầu cơ không rõ tương lai của mình ra sao nên mới hỏi, cái tâm của mình mù mờ thì cơ cũng mù mờ theo.

Suy nghĩ của tôi như vậy có thể không đúng. Nếu ai không đồng ý, xin đừng chấp nhứt, coi như chuyện cầu cơ tôi vừa kể là chuyện góp vui, nghe qua rồi bỏ, đừng thắc mắc nhiều, tối ngủ bị vía đè. Còn muốn tìm hiểu thêm nữa về vía, xin hỏi anh Hai Trầu.

Sydney, tháng 02/2007

No comments:

Post a Comment