Sunday, February 27, 2011

MỰC TÍM

MỰC TÍM
Dương Văn Chung

Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa về thăm quê hương, có ý đi tìm cảnh cũ, người xưa để gợi lại những kỷ niệm tuổi học trò, nhưng anh rất thất vọng, người xưa đã tản mạn, kẻ mất, người dời, nhà cửa phá đi xây mới. Đến ngôi trường cũ, anh muốn thu hình, nhưng bị cấm đoán với lý do người nước ngoài thấy trường quá cũ sẽ cười cho. Nghe nói bây giờ trường mới xây lại, rộng lớn, có lầu đẹp lắm. Tôi mừng cho em cháu ở quê nhà có trường lớp khang trang để học, nhưng lòng hoài cổ gợn buồn:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
(Bà Huyện Thanh Quan-Thăng Long Thành Hoài Cổ)
Đối với người đi tìm kỷ niệm thì “càng cũ càng quý”, phải không?
Làm sao tôi quên được mảnh đất tôi đã lui tới chín năm liền, ngày hai buổi cắp sách đến trường, trường Nam Tiểu Học Châu Đốc và trường Trung Học Châu Đốc-sau đổi thành Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa.
Cảnh cũ đã đổi thay, bạn đồng môn kẻ còn, người mất, dẫu còn sống cũng rất khó nhận ra, quý thầy, cô hầu hết đã từ giả cõi đời. Nhưng mỗi khi nhắc đến cái khuôn viên trong đó có hai ngôi trường cũ, lòng tôi cảm thấy nao nao, nhớ cảnh, nhớ người.
Tại khuôn viên nầy, vào cuối thập niên bốn mươi, đầu thập niên năm mươi, lính Tây hay nói đúng hơn là cai ngục khám lớn, thường dẫn một số tù nhân người Việt Nam, không rõ phạm tội gì, đến làm “cọt vê”, tức là làm lao động, quét dọn sân trường, chân họ bị xiềng bằng dây xích. Bọn cai ngục dùng roi da đánh họ để đôn đốc họ làm việc. Phải chăng đấy là một trong những cảnh khơi dậy lòng yêu nước của quý thầy cô giáo, ngấm ngầm có hành động ủng hộ kháng chiến chống Pháp, rồi mấy mươi vị bị bắt giam để điều tra ?
Cũng nơi sân trường nầy giờ ra chơi, các trò nhỏ tiểu học đã ồn náo, tốp chơi u, tốp đẽo bao thuốc, tốp chơi bỏ khăn, tốp nhảy dây, tốp thẩy đáo lạc, tốp thẩy lon…v.v. Các anh chị trung học thì tụm năm, tụm ba trao đổi việc học, việc nhà. Lúc bấy giờ, tôi nhìn mấy anh chị lớp trên tôi với tấm lòng ngưỡng mộ, khát khao được học tới đó.
Một hồi trống vang lên, các trò vui cũng như những cuộc hàn huyên chấm dứt, tất cả trở về lớp học, im phăng phắc nghe lời thầy cô giảng bài. Thời bấy giờ học trò tiểu học không được xài viết bơm mực, mà phải xài mực tím đựng trong bình, dùng ngòi viết lá tre để viết chữ thường và ngòi viết “ rong”, đọc trại âm của chữ Pháp “rond” là tròn, dùng để viết chữ lớn. Ngòi viết lá tre mũi nhọn, nét kéo lên rất mảnh, nét kéo xuống, do ngòi viết bị ấn mạnh, to ra. Cho nên chữ viết bằng ngòi viết lá tre đẹp, rất có nét. Vì mũi nhọn nên ngòi viết lá tre cũng được dùng để trồng trái, mấy cô y tá lấy ngòi viết lá tre chấm vào thuốc chủng ngừa bịnh đậu mùa hay bịnh trái giống, rồi dùng mũi nhọn ngòi viết cào lên da cánh tay của trẻ con để cho thuốc chủng ngấm vào. Cũng một ngòi viết lá tre duy nhứt đó cào da đứa nầy xong, lại cào da đứa khác, có ai biết gì những bịnh viêm gan hay liệt kháng đâu mà sợ lây nhiễm. Trồng trái xong phải cử ăn nếp vì sợ cương. Còn ngòi viết “rong” thì đầu bằng, nét chữ lớn, thường dùng viết chữ “ gô-tíc”, có nét, có cạnh, kiểu cọ, “hoa lá cành”. Chương trình tiểu học có môn Tập viết, học trò cũng khá vất vả với môn tập viết nầy, viết không chuẩn bị thước bản gõ vào đầu mấy ngón tay chúm lại. Học sinh mang cặp da hoặc cặp đệm, đan bằng lá bàng, tay xách bình mực tím. Mực tím đựng bình dễ đổ, dính tay, quần áo hoặc dính đầy bàn học.
Học sinh tiểu học nam không có đồng phục, đứa mặc bà-ba, đứa mặc sơ-mi, đủ màu sắc, đứa mặc quần sọt, đứa mặc quần dài, đứa đi guốc, đứa đi dép, đứa đi chân không. Học sinh trung học dần dần có đồng phục, nam quần dài xanh dương, áo sơ-mi trắng, nữ áo dài trắng.
Tới bây giờ, đôi lúc bất chợt nhớ lại ngôi trường cũ, tai tôi như còn nghe văng vẳng tiếng ê a của các trò học lớp đồng ấu, đọc bài nhịp nhàng theo tiếng nhịp thước của thầy Thế, một thầy giáo già với cặp kính viễn để nhìn xa. Khi nhìn gần hoặc đọc chữ, thầy kéo nhích cặp mắt kính xuống.
Trong một đời dạy học, mỗi thầy cô đã đào tạo bao nhiêu môn sinh từ các nơi quy tụ về học và rồi những môn sinh này đi muôn phương để làm việc lợi ích cho xã hội:
Góp nhặt tự bốn phương,
Tung ra khắp bốn phương.
Đó là việc làm cao quý của quý thầy cô.
Quý thầy cô đã lớp lớp ra đi, học trò cũng lần lượt ra đi. Cái gì cũng đổi thay theo luật vô thường, chỉ còn lại trong tâm tưởng của mình, những người còn lại, bao nhiêu kỷ niệm, những hình bóng đẹp đẽ, những âm hưởng tuyệt vời của thời xa xưa ấy, ân sâu nghĩa nặng của quý thầy cô và tình đồng môn thắm thiết khó phai mờ.

No comments:

Post a Comment