Sunday, February 27, 2011

Ngày cuối, nhắc chuyện buổi đầu

Ngày cuối, nhắc chuyện buổi đầu

Tối thứ bảy, mở trang Web Thất Sơn Châu đốc, mới hay tin anh Lưu Nhơn Nghĩa đã ra đi từ hôm thứ năm (27/9/07).
Lại thêm một người ra đi. Mỗi vết thương lòng một nỗi đau.
Tôi đọc những dòng phân ưu, thương tiếc của anh em bạn hữu, thấy chính mình cùng chung một nỗi ngậm ngùi, xót xa.
Nhưng với anh. Anh Lưu nhơn Nghĩa. Tôi có nhiều điều để nhớ.
Bởi tôi kiếm anh ở buổi ban đầu thật lòng vòng, cả tháng, bằng điện thoại, email, đường thư bưu điện. Nhắc đến anh, cho phép tôi kể lại, làm sao có Lưu nhơn Nghĩa đến với Châu đốc, trọn vẹn với niềm ưu ái, anh em dành cho anh buổi đầu, cho đến phút cuối.
Chuyện ở tháng 5 năm 2004, khi tôi làm tập san Thân Hữu, sau kỳ ra mắt Thân Hữu năm1998. Thời đó cuối tuần tôi thường hay nói chuyện điện thoại với anh Phạm Thăng ở Canada. Nói chuyện qua lại, anh Phạm Thăng hỏi tôi có biết về một người thầy giáo, quê ở Tri Tôn. Anh nhờ anh Phạm Thăng viết lời giới thiệu sách. Hỏi tên. Anh nói Lưu nhơn Nghĩa. Thú thật tôi không mường tượng được chút nào về một người quen trong lãnh vực nầy, ở vùng đất Xà Tón. Hỏi anh Phạm Thăng, thì anh không biết địa chỉ. Số phone, cũng không. Làm thế nào để kiếm ra anh. Làm báo kỳ trước hỏi Lâm hão Dũng, kiếm ra Nguyễn văn Ba. Lần nầy thì người Châuđốc ở bên Úc. Xứ nầy thì bạn văn nghệ không đông, khó tìm. Nghe anh Phạm Thăng nhắc, anh Nghĩa có bài đăng ở nguyệt san Viên Giác, tờ báo Phật Giáo bên Đức. Cũng may có qua lại với anh Phù Vân. Tôi email cho anh Phù Vân, chủ bút báoViên Giác, tìm người Châuđốc, viết cho báo Viên Giác. Anh sốt sắng email cho tôi điạ chỉ bên Úc của anh LNNghĩa. Anh thấy không, kiếm người bên Úc, phải hỏi thăm bên Đức.
Tiếc là anh Nghĩa không có email, nên tôi phải viết thư qua Úc, kể chuyện Châu đốc, để xin bài. Để tăng phần giá trị , tôi muốn có người mới cầm bút thuộc Châu đốc ở khắp nơi. Thư đi, thư lại, chờ đợi cũng hơn hai tuần. Anh Nghĩa mừng lắm khi nghe có hội Châu đốc bên Mỹ. Anh gởi cho tôi phong thư lớn dầy cộm, chứa hai bài Tàu Tây Kia Liệt Mái, và Như Cánh Chuồn Chuồn. Tiếc là không có disk, vì anh nhờ người khác đánh bài in sách trước đây. Vì muốn có bài của người Châu đốc, buộc lòng tôi phải coi đánh lại, và chọn bài ngắn để không mất nhiều thì giờ. Đó là lý do Tàu Tây kia liệt máy (tôi sửa lại chữ máy Y dài, để bạn đọc khỏi hiểu lầm tựa trật lỗi chính tả) có mặt trên Thân Hữu. Sau đó ngày15 tháng 7, 2004 anh mới gởi từ Úc qua quyển sách Như Cành Chuồn Chuồn (Viên Giác in năm 2001).
Mấy tháng sau anh báo là đã có email riêng. Ban đầu tôi và anh chỉ trao đổi nói chuyện văn nghệ. Hỏi thăm qua lại, mới biết anh rành Châu đốc quá, kể cả người anh tôi học chung với anh Nghĩa. Anh kể chuyện anh Chung, chị Phấn bên Úc (trước đây ở cách nhà tôi ba căn). Dịp nầy, sẵn có Thất Sơn Châu đốc trên Web vừa ra đời không lâu, tôi báo cho anh hay, để tìm người thân quen, bạn hữu ở quê nhà. ( www. thatsonchaudoc.com)
Thật vậy sau khi góp mặt trên TSCĐ, anh Nghĩa đã thường xuyên đóng góp bài vở, bài viết không dài, nghĩ gì viết nấy, giản dị chất phác.
Có lần anh nói với tôi, anh không có khả năng viết chuyện hư cấu, không viết nhiều, vì thật ra anh chỉ sống ở địa phương, chất liệu sáng tác chỉ có vậy. Đọc sách anh, bài anh, ở đó chúng ta tìm thấy chuyện của anh Nghĩa, chuyện của người quen ở cùng quê, cùng quận, cùng tỉnh thật gần gũi. Chuyện thật, chuyện năm xưa, chuyện bây giờ. Anh không viết nhiều, không hoạt động giao tiếp với anh em văn nghệ. Không viết gì khác ngoài viết chuyện mình, quê mình, người quen của mình. Anh biết chính mình. Nhờ vậy, anh đã thành công, trong lối viết, tình tiết câu chuyện cho người địa phương, hay nói một cách khác. Anh Lưu nhơn Nghĩa là người kể Chuyện Hàng Xóm. Cùng một sắc thái riêng biệt như vậy, ở âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Sơn, người Sóc Trăng, cũng chỉ quanh quẩn ở kỷ niệm trường lớp, mùa hè, học trò, hoa phượng, lưu bút trong các sáng tác đã phổ biến.
Đến với TSCĐ, hầu như gặp đất địa quê nhà, anh bám ở đó, anh viết, anh tâm tình kể lể, buồn vui, trao đổi chân thật, nói trước nói sau, cả một tấm lòng trải ra, đam mê, như có chỗ để viết, có người quen đọc, có gởi gắm, là niềm vui, là cái thú bên bờ tuyệt vọng. Hỡi ôi. Đâu mấy người hiểu, niềm vui trên mấy lời viết, là cái thú sau cùng bên bờ tuyệt vọng, ở ngưỡng cửa tử sinh. Một người không biết lúc nào mình ra đi, chi bằng chọn lấy sân chơi Thất sơn Châu đốc. Ở đó là quê nhà, thôn xóm, có ruộng đồng, có bông điên điển, có tàu dừa, có cá mắm, có cốm giẹp, có thốt lốt, có bạn bè, chuyện xưa tích cũ, nói hoài ai cũng hiểu, cũng biết, chịu khó nghe, chịu khó đọc, có mích lòng, không ai bắt lỗi. Viết như là nói, cả một tấm lòng như lời trối trăn.
Hôm nay anh thật sự đi xa. Không còn bài mới nào của Lưu nhơn Nghĩa. Sân chơi TSCĐ thiêú đi cái thú viết hàn huyên qua lại. Nhưng chắc hẳn một điều không ai có thể quên anh, nhà văn của nhiều chuyện hàng xóm quê nhà.
Cho tôi đứng chung hàng ngũ TSCĐ, tập san Thân Hữu, những người anh em, có trước có sau, thắp nén hương lòng để tiễn anh.

HOÀI ZIANG DUY

No comments:

Post a Comment