Sunday, February 27, 2011

Hướng Dẫn Du Lịch

Hướng Dẫn Du Lịch
Công ty đảm trách việc du lịch và nơi ăn chốn ở của chúng tôi bên Trung Hoa là China Focus Tours. Không rõ đây có phải là một công ty du lịch của nhà nước Trung Hoa hay không, nhưng chúng tôi thấy người của công ty này được dành nhiều ưu tiên và dễ dàng trong công tác hướng dẫn du lịch của họ, từ việc mua vé máy bay, vé xe lửa, đặt phòng khách sạn, đặt bàn tiệm ăn cho đoàn du lịch đến việc phối hợp với các hướng dẫn viên du lịch địa phương v.v. Nhờ vậy mà việc du lịch của chúng tôi được thoãi mái, thích thú. Người phụ trách tổng quát, gọi là hướng dẫn viên toàn quốc (national tours guide) đi theo đoàn du lịch trên khắp các chặng đường thăm viếng trên lãnh thổ Trung Hoa. Người này không thuyết trình về du lịch, chỉ chịu trách nhiệm tổng quát về hành chánh, an ninh, v.v. của đoàn. Tại mỗi nơi chúng tôi thăm viếng, hướng dẫn viên địa phương (local tours guide) thuyết trình về nơi đó, như lịch sử, thắng cảnh, v.v. Dường như vị hướng dẫn viên toàn quốc có một số quyền hành đối với các hướng dẫn viên địa phương, vì thỉnh thoảng tôi thấy người này kín đáo nhắc nhở những điểm mà người hướng dẫn địa phương bỏ sót.


Một cảnh ở Quế Lâm (Quảng Tây) bên dòng Lý Giang

Phần lớn các hướng dẫn viên du lịch của China Focus Tours có trình độ nghiệp vụ và trình độ học vấn khá. Họ nắm vững đề tài của mình, và nói nhiều ngoại ngữ. Vì đoàn chúng tôi từ Mỹ đến, họ đã cử những hướng dẫn viên thông thạo Anh ngữ phụ trách chúng tôi. Các người này đã tỏ ra lưu loát và nghe tiếng Anh khá chính xác. Một điều tôi nhận thấy là tất cả được đào tạo đồng nhất. Họ trình bày những đề tài khác nhau, và làm việc ở những địa phương khác nhau, nhưng lối thuyết trình có cùng một mẫu mực, chẳng hạn như họ thường có những câu chuyện vui, hay thời sự ngoài lề để cố gây hứng thú cho người nghe. Đến đây, tôi lại nhớ một “tai nạn nghề nghiệp” đẫ xãy ra: có một lần, tại Tây An, một câu chuyện có tính cách thời sự, “nghiêm túc”, nhưng khi kể xong nó bỗng trở thành một câu chuyện cười! Số là hướng dẫn viên hôm đó, một giáo sư dạy sử ở đại học Tây An, như anh ta tự giới thiệu từ đầu, kể cho mọi người nghe rằng có một cán bộ nọ, sau khi về hưu không hài lòng với bổng lộc nhà nước cho, vì nghĩ không xứng với công lao mình cống hiến cho Cách Mạng, bèn than phiền với cấp trên của đương sự, một vị thị trưởng. Ông này đáp rằng đừng hỏi đất nước đã làm được gì cho anh, mà hãy tự hỏi anh đã làm được gì cho đất nước. Nghe gần dứt câu đó thì nhiều du khách Mỹ trên xe cười lớn và nói, “Kennedy!” Người hướng dẫn du lịch chưng hửng, “Kennedy à?” Sau một thoáng bối rối, anh ta cười chữa thẹn và nói tiếp, “các lãnh tụ thường nói giống nhau.”
Một điều nữa, là hình như có một sự phối hợp nhịp nhàng trong lịch trình du lịch. Một ví dụ: mỗi khi đoàn du lịch lên xe chờ khởi hành đến một địa điểm mới, người hướng dẫn có nhiệm vụ điểm số và hỏi, đại khái “đã đủ chưa?”, rồi xe mới lăn bánh. Cách thức này đã được lặp lại ở Bắc Kinh, Tây An, Quế Lâm, rồi Nam Kinh. Đến Tô Châu, sau khi lên xe, cô hướng dẫn tại địa phương thay đổi không khí, bảo với chúng tôi rằng “đủ người” câu nói tiếng Hoa có âm vận na ná như “two dollars”, còn “thiếu người” thì nghe như “one dollar”, và cô ta tuyên bố tiếp, “vậy từ giờ trở đi để cho nhanh và gọn tôi chỉ cần hỏi quí vị là one dollar hay two dollars thôi nhé.” Và cả đoàn chúng tôi rất lấy làm thích thú với sáng kiến vui đó. Trạm dừng chân sau Tô Châu là Thượng Hải. Mọi người ngạc nhiên khi câu đầu tiên mà anh chàng tours guide ở Thượng Hải thốt lên, sau khi giới thiệu danh tánh của mình: “One dollar or two dollars?” Và mọi người trả lời “two dollars.” Có lẽ người ta đã ấn định Tô Châu là điểm “thay đổi không khí” và tiếp theo Thượng Hải làm đúng như thế.

Đô Thị Trung Hoa
Các thành phố Trung Hoa khá lớn. Thị trấn miền núi như Quế Lâm (tỉnh lỵ của Quảng Tây) mà mức dân đã trên một triệu người. Hàng Châu, thành phố nghỉ mát với phong cảnh u tịch, ít nhộn nhịp nhất, cũng không dưới 1.6 triệu dân. Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, xưa kia là cố đô Tràng An, cách Bắc Kinh khoảng chín trăm cây số về hướng tây nam, bây giờ là một thành phố lớn quan trọng của miền trung Trung Hoa, với trên ba triệu dân. Dường như Trung Hoa có một nỗ lực xây thành phố cho lớn. Điều này cũng dễ hiểu, vì dân số của họ đông quá (trên dưới một tỉ ba trăm triệu người). Những thành phố tôi đã đi qua, từ Bắc Kinh, Thượng Hải, đến Nam Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, Tây An, Quế Lâm, tất cả đều có những con đường rộng thênh thang, hơn cả đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi của Sài Gòn. Thượng Hải còn lớn kinh khủng, có lẽ hơn cả New York. Với mười ba triệu dân, nó là thành phố đông dân thứ nhì của Trung Hoa, sau Trùng Khánh. Nghe nói Trùng Khánh có ba mươi triệu dân, tôi thật không quan niệm nỗi! Thượng Hải còn lại một khu phố cổ, và ở đây du khách mới thấy lại màu sắc và đường nét kiến trúc Trung Hoa. Anh chàng hướng dẫn du lịch nói một câu thật ý nhị, “đây là phố Tàu của Thượng Hải.”



Tây An (cố đô Tràng An) bây giờ là một thành
phố lớn quan trọng ở miền trung Trung Hoa

Một điều đáng nói về đô thị Trung Hoa là không có người ăn xin và không có xe gắn máy. Theo tôi hiểu, một tỷ lệ không nhỏ của dân số Trung Hoa có mức sống không lấy gì làm sung túc, và con số người thiếu ăn, thiếu mặc chắc cũng không nhỏ. Nạn ăn xin, không nhiều thì ít, là một hiện tượng mà quốc gia nào cũng không thể loại hết được. Tôi khâm phục họ đã bài trừ được nạn đó. Lưu thông trong các thành phố Trung Hoa được trật tự và an toàn hơn Sài Gòn của Việt Nam nhiều, nhờ sự vắng bóng những chiếc xe gắn máy! Đường phố chỉ có xe đạp và xe hơi các loại nên khách bộ hành cảm thấy thoải mái hơn ở Sài Gòn. Nhớ lại, ở Sài Gòn, nếu phải băng qua đường, dù ở những ngã tư có đèn lưu thông, người đi bộ thấy tính mạng như nghìn cân treo đầu sợi chỉ, vì những chiếc xe gắn máy chạy như tên bắn, và hay vượt đèn đỏ. Nghe nói xe gắn máy bị cấm chạy trong thành phố sau khi Trung Hoa thấy nạn tử vong do loại xe này gây ra khá cao. Tôi cho đó là một quyết định sáng suốt.
Đèn điều hòa lưu thông đường phố ở Trung Hoa cũng giống như các nơi khác trên thế giới, nhưng riêng ở Nam Kinh tôi thấy có một số ngã tư được trang bị loại đèn lưu thông nhảy số , giống như ta thấy ở vài thành phố Mỹ. Ví dụ người đi đường đang đứng chờ ở một ngã tư thấy đèn hiện con số 48 màu vàng thì hiểu rằng được lưu thông trong 48 giây, và con số sẽ đếm xuống (count down) cho đến số 1 rồi lại hiện con số 6, cũng màu vàng, và lại đếm xuống cho đến 1 (từ số 6 này đếm xuống 1 có tác dụng của khoảng thời gian đèn chuyển sang màu vàng trước khi đổi sang màu đỏ ở hệ thống đèn lưu thông qui ước). Đến lúc đó đèn lại hiện con số 38 màu đỏ, rồi cũng đếm xuống 1 để báo cho người đi đường biết mà dừng lại trong 38 giây trong khi giòng lưu thông của con đường trước mặt được tiếp tục.

No comments:

Post a Comment