Sunday, February 27, 2011

TẾT NƯỚC LÁNG GIỀNG LỄ HỘI TÉ NƯỚC

TẾT NƯỚC LÁNG GIỀNG
LỄ HỘI TÉ NƯỚC
TRONG NGÀY TẾT Ở THÁI-LÀO-KAM PU CHIA
*Khiêm Cung sưu tầm

Lễ tục tết ở mỗi nước một khác. Ngay tại Việt Nam ta, một nước gồm nhiều sắc tộc, mỗi sắc tộc cũng có lễ tục tết riêng. Nhưng tất cả các nước, các sắc tộc đều có một mẫu số chung, một quan niệm chung về ngày tết, đó là tống cựu, tiễn đưa năm cũ và nghinh tân, đón mừng năm mới với hy vọng đạt được những thành tựu mới. Nhiều nước, nhiều sắc tộc dùng nước làm biểu tượng tẩy sạch những sự không may mắn của năm cũ, đem lại sự mát mẻ, phồn vinh, ấm no hạnh phúc, làm thanh khiết cuộc sống trong năm mới.

Ở Việt Nam có tết giọt nước của người Xơ Đăng ở Kon-tum diễn ra vào khoảng tháng 3 dương lịch. Họ cho sửa sang lại các máng nước và một thầy cúng làm lễ cúng máng tại trụ sở cộng dồng gọi là Nhà Rông, cầu xin Thần Nước phò hộ cho dân làng có đầy đủ nước và được mùa. Rồi dân làng mang ché và nồi đồng ra các máng lấy nước đem về nhà. Trong lễ cúng máng, mọi người chung vui, nhảy múa, ca hát; trai gái có dịp tự do trao đổi tâm tình.

Trong đêm giao thừa ngày tết của người Hờ Mông vùng Cao nguyên Tây Bắc, trai tráng các gia đình đi lấy nước sông, nước suối đem về cúng ông bà.

Người kinh ở nhiều nơi có tục lệ chứa nước đầy lu đầy khạp trong ba ngày tết, biểu trưng của sự đầy đủ, phồn thịnh.
Ở nhiều nước ở Á châu theo Phật giáo, trong đó có Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào có lễ hội té nước. Lễ hội đó ở Thái Lan gọi là Songkran, ở Cam-pu-chia là Chol Chnam Thmey, ở Lào là Bunpimay hay Pee Mai Lao, diễn ra từ ngày 13 đến 15/04 dương lịch.

Ở đây tưởng cần nói từ ngữ “té nước” có vẻ xa lạ đối với nhiều người. Theo Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Kim Thân-Hồ Hải Thủy-Nguyễn Đức Dương do Nhà Xuất bản Văn Hóa Sàigòn phát hành năm 2005, “té” là hắt nước từng ít một ra khỏi chỗ chứa hay là vãi ra một ít.

Lễ hội té nước ở 3 nước Thái Lan, Cam pu chia và Lào gần giống nhau, chúng ta lấy lễ hội Songkran ở Thái Lan làm tiêu biểu.
Người Thái Lan thông thường có 2 ngày để chuẩn bị cho lễ hội Songkran. Ngày Wan Sungkharn Long là ngày dọn dẹp nhà cửa và dẹp bỏ những cái cũ. Kế đó là ngày Wan Nao, chuẩn bị các thức ăn cho ngày lễ sắp tới, là ngày cuối năm giống như ngày 30 tháng chạp ta. Ở Chiang Mai, được mệnh danh là thủ đô của Songkran, nơi tổ chức lễ hội Songkran đầy màu sắc và theo đúng truyền thống nhứt, chuẩn bị cả tháng trước ngày lễ hội. Wan Payawan là ngày đầu năm mới, là ngày bắt đầu lễ hội té nước.

Từ Songkran phát xuất từ Phạn ngữ Sankranta có nghĩa là thay đổi. Sinh hoạt chánh yếu của lễ hội Songkran là té nước, nhưng không phải chỉ có té nước mà thôi. Theo truyền thống, đây là dịp lễ chùa, thăm viếng và tỏ lòng kính ngưỡng đối với tổ tiên đã quá vãng, các bậc cao niên trong gia đình, bạn bè và láng giềng.

Trong lễ hội Songkran, người ta đi chùa, cúng dường chư tăng, lau ảnh Phật, tắm tượng Phật ở nhà và ở chùa bằng nước thơm để cầu cho được may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Nước thơm thường là một hỗn hợp gồm có nước. nghệ , bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Ở một số thị trấn ở Thái Lan, người ta mang tượng Phật của một số chùa xếp hàng dài dọc theo đường phố để cho Phật tử té nước tắm Phật.



Phật tử còn mang cát đến chùa để bù trả lại cát của chùa mà ngày thường khi đến lễ chùa ra về đã dính chân họ. Cát nầy được đắp thành hình tháp và cắm cờ đầy màu sắc.




Nước thơm tắm Phật ở các chùa được xem là loại nước phép để vãi lên vai các nhà sư hoặc thỉnh về như để chúc phúc cho các bậc cao niên, bạn bè và gia đình bằng cách chế nước từ từ lên vai hay vào lòng bàn tay của những người được chúc.



Sau khi làm lễ ở các chùa, cúng bái và chúc tụng ở gia đình, láng giềng, bạn bè xong, dân chúng, nhứt là các bạn trẻ, bắt đầu mở cuộc té nước dọc các đường phố. Trên các vĩa hè, trước nhà cư dân, các khách sạn thường có để lu, khạp, thùng, thau chứa nước, vòi nước để sẵn sàng sử dụng té nước. Nhiều chiếc xe tải nhỏ không mui chở nước, trên mỗi xe có năm bảy người cầm vòi nước, súng bắn nước, gàu múc nước để té nước lên khách bộ hành, người lái xe hai bánh, xe hơi (ô-tô). Người đi đường khó tránh bị té nước. Nhiều du khách cũng hào hứng tham gia lễ hội té nước, họ cầm súng bắn nước té nước lại những người té nước họ. Ngoài việc té nước, người ta còn dùng một loại phấn chế bằng nước thơm hòa với kem hay bột để bôi lên mặt khách được té nước.





Tháng tư là tháng nóng nhứt ở Thái Lan, cũng như ở Cam-pu-chia, Lào, nên mọi người hoan hỉ đón nhận những giọt nước mát. Càng ướt thì càng mát, càng hên, xả bỏ được cái xui của năm cũ, nhưng người đi đường phải cẩn thận bao gói giấy tờ tùy thân và hành trang sao cho khỏi ướt. Lễ hội té nước nhờ đó rất ồn náo, vui nhộn.

Hoan hỉ và lịch sự là thái độ của người được té nước, coi như là cơ hội quý báu tiếp nhận một lời chúc lành.

*Khiêm Cung sưu tầm

No comments:

Post a Comment