Sunday, February 27, 2011

NGỌN RAU TẤC ĐẤT

NGỌN RAU TẤC ĐẤT
Khiêm Cung

Chúng tôi vợ chồng già sống trong một căn nhà mướn của chánh phủ gần hai mươi năm nay, sau khi đến định cư ở thành phố Sydney được năm năm. Căn nhà này vách phai-bơ-rô, lợp thiếc, có lẽ đã được xây cất trên năm mươi năm rồi. Mặc dầu đôi ba năm chánh phủ cho sửa chữa, sơn phết một lần, nhưng lớp sơn bên ngoài vẫn không che dấu được những “nếp nhăn nheo” tuổi xế chiều của căn nhà.

Ngày xưa căn nhà của Nguyễn Công Trứ vách loang lổ, ánh nắng rọi vào các lổ đó hiện ra hình tròn tròn giống như “trứng gà bên vách thằng bé tri trô”. Căn nhà của chúng tôi kín đáo, lành lặn hơn nhưng đã cũ, sanh ra bụi bặm, bụi từ trong gỗ cũ cũng như bụi từ bên ngoài chui vào mấy khe hở lọt vào trong nhà. Nắng từ cửa sổ rọi thành một luồng ánh sáng tưởng chừng như dãy ngân hà có ngàn sao lấp lánh, mỗi hột bụi là một vì sao.

Theo lối xây cất ngày xưa đất rộng người thưa, để cho căn nhà được mát mẻ, không khí trong lành, đất chung quanh nhà và sân trước sân sau trồng cỏ, rất rộng. Người mướn nhà phải cắt cỏ bằng máy, độ ba tuần lễ một lần. Cỏ vừa cắt xong rất bằng phẳng, xanh tươi đẹp mắt như một tấm thảm xanh mịn màng.

Người mình thường an phận, sống thế nào cũng xong, có đói thì tự an ủi như là một người quân tử ăn chẳng cầu no, ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, nhà chẳng có món gì quý để phải lo sợ người ngoài ăn cắp thì nói cho vui đêm năm canh yên giấc ngáy pho pho, ngày sáu khắc cửa thường bỏ ngỏ. Nói theo cách trào lộng đó, cơ thể chúng ta đã dạn dày sương gió, từ trước đến nay hấp thụ biết bao nhiêu vi trùng tạo thành lực lượng phòng vệ hùng mạnh bên trong, có xá gì chút bụi nhỏ nhen! Biết đâu vi trùng mới nhập sẽ bị khuất phục trở thành lực lượng phòng vệ mới?

Chúng tôi xem căn nhà chánh phủ như là nhà của riêng mình, vì một khi đã được cấp thì xưa nay chưa hề thấy bị đòi lại. Lúc đầu chúng tôi trồng những món rau cải kể cả lá lốt, lá cẩm, hành ớt là những thứ dùng hằng ngày, khi cần thì ra vườn hái, khỏi phải đi chợ xa. Dần dần, chúng tôi trồng thêm mấy cây xoài, một cây ổi, một cây hồng giòn, ba cây nhãn, một cây chanh, một cây bưỡi và mấy cây chuối.


Chuối và hương


Bưởi ổi

Hồng giòn

Mỗi năm đến giữa mùa đông tôi cắt lá, tỉa cành, bón phân, vun gốc các cây ăn trái với niềm vui thơ thới trong lòng khi nghĩ tới đầu mùa xuân, mầm lá non nhú ra, rồi trổ lá, trổ bông, thành nụ, kết trái. Trái nhỏ lớn dần, ửng vàng, chín đỏ. Người vui, bướm vui, ong cũng vui. Mùi hoa bưỡi thơm thoang thoảng một góc sân, mùi xoài chín cây, mùi ổi chín sực nức…Nỗi niềm hoài niệm quê hương gói gọn trong mảnh vườn nơi sân sau căn nhà mướn.

Mùa đông năm nay cũng như mọi năm, tôi cũng cắt lá tỉa cành, bón phân, vun gốc, nhưng lòng gợn buồn khi nhớ tới một ngày gần đây có thể mình phải dời đi nơi khác. Nhu cầu nhà ngày càng lớn, chánh phủ cần thu hồi những ngôi nhà cũ để ủi đi, cất lại thành nhà mới, một căn cũ cất thành nhiều căn mới. Bốn căn nhà chánh phủ đối diện, bên kia đường đã dọn đi rồi. Có lẽ bốn căn nhà bên này, trong đó có căn nhà chúng tôi mướn, cũng sẽ được thông báo dọn đi. Như vậy tôi tiếp tục chăm sóc cây cối để làm gì? Câu trả lời thật đơn giản: không làm thì cảm thấy thiếu, chừng nào đi hẳn hay. Nói thì nói vậy chớ sợ làm uổng công. Thật là mâu thuẫn!


Cam Tàu

Mười mấy năm vun xới, tưới bón, cắt tỉa; mười mấy năm nâng niu chăm sóc những cây cối nầy, tình cảm của mình trên từng thứ ấy mỗi năm một chồng chất, ra đi chắc lòng không khỏi tiếc nuối, bịn rịn. Một chiếc lá, một cái bông héo úa, một trái non rụng đã khiến cho mình cảm thấy xót xa, huống hồ phải rời xa cả một khu vườn nho nhỏ.


Ổi xá lị

Mình thấy cảm thông với những người vì một lý do nào đó phải rời bỏ nơi chôn nhao cắt rún, bỏ căn nhà cũ, bỏ ngọn rau tấc đất thì có cái buồn nào hơn. Mình cảm thông với tác giả Lương Thư Trung đã chạnh lòng khi “ Chợt nhớ những mùa màng ngày cũ”, nhớ mùa xoài, mùa cày bừa và phát cỏ, mùa làm lóng tát mương, mùa làm mắm, làm khô và gần hai mươi mùa khác nữa. Tác giả đã nhớ và mô tả rất chi tiết sinh hoạt của từng mùa. Ngoài trí nhớ thật dai và nhạy bén, chắc chắn tác giả phải là người đã trải nghiệm một đời sống ở nông thôn, có thực hành nhiều công việc đồng áng và khi rời khỏi nước, đã ấp ủ trong lòng bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của vùng tây nam bộ chất phác, hiền hòa, những kỷ niệm mà Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa khi trở về quê cũ để tìm, đã thất vọng não nề vì sự đổi thay xóa đi rồi, không còn dấu vết.

Thôi, để cho tâm hồn thanh thản trước sự vật vốn vô thường, chúng ta cùng chiêm ngưỡng sắc đẹp dịu hiền của đóa hoa vô ưu, cái tên dịch nghĩa từ phạn ngữ ashoka, là không gây ra ưu phiền.



Theo truyền thuyết, năm 563 trước Tây lịch, Hoàng hậu Mahamaya trên đường về quê sinh nở, đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni, khi đưa tay vịn vào một cành hoa vô ưu, hạ sanh ra Thái tử Tất-Đạt-Đa, sau này tu thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Cây và hoa vô ưu cũng là vị thuốc hay trị nhiều chứng bệnh phụ nữ.

Khiêm Cung

No comments:

Post a Comment