Sunday, February 27, 2011

NƯỚC ÚC XA XĂM

NƯỚC ÚC XA XĂM
Hà Kỳ Lam

Dĩ nhiên xứ sở nào ngoài đất nước mình cũng xa lạ, gây hiếu kỳ, háo hức khám phá trong ta, nhưng Úc châu trong tâm tưởng tôi xa lạ hơn bất cứ vùng trời xa lạ nào. Nghe nói đến Paris, dù ta chưa đặt chân tới đó, vẫn nghe văng vẳng đâu đây âm vang thân quen tự thuở nào, quartier Latin, xóm Montmartre, v.v., hoặc nghe nhắc đến New York thì một Times Square dù mơ hồ – hay vô hình – đến đâu đi nữa vẫn “thấy” quen quen như đã gặp. Ấy vậy mà Melbourne, Sydney, Canberra nghe trống vắng và xa lạ làm sao! Xa lạ đã đành, bây giờ lại xa xôi nữa, với tương quang địa dư tính từ vùng đông bắc nước Mỹ, nơi tôi ở – một bên là một chỏm trên tây bắc quả địa cầu, và một bên là cái dãi đất “down under” dưới đông nam địa cầu, gần cái chỏm nam cực. Dù sao, mùa thu vừa rồi tôi đã hài lòng vì thực hiện được chuyến viếng thăm phần đất nam bán cầu này, nơi tôi hằng mong đặt chân đến.


Nhà Hát Sydney (The Sydney Opera House) do kiến trúc sư Jorn Utzon của Đan Mạch
vẽ kiểu năm 1956. Sau thời gian dài xây cất, năm 1973 nữ hoàng Elizabeth II mới khánh thành.
Đây là nơi đóng bản doanh của Đoàn Nhạc Opera Úc (Australian Opera Company).


Đất nước này có lắm tên, như nước Úc, Úc Đại Lợi, Liên Bang Úc, hay thậm chí gọi Úc châu cũng được, vì đó là nước duy nhất trên thế giới chiếm hẳn một châu lục! Diện tích Úc châu xấp xỉ Hoa Kỳ, nhưng dân số chỉ trên hai mươi triệu. Nước Úc là thành viên của Khối Thịnh Vượng Anh (British Commonwealth); các thành viên khác là Gia Nã Đại và Tân Tây Lan. Nữ hoàng Elisabeth II của Anh hiện tại cũng là nữ hoàng của ba nước này. Úc là một liên bang giống như Hoa Kỳ, và gồm bảy tiểu bang: New South Wales, Queensland, Victoria, Tasmania, South Australia, Northern Territory, và Western Australia.
Nói về nước Úc, điều đầu tiên trong bao nhiêu đặc thù ở đây phải kể sự khác biệt về mùa so với các phần đất khác của địa cầu. Vì nằm ở nam bán cầu, thời điểm mùa của Úc trái ngược với mùa ở các xứ thuộc bắc bán cầu. Chẳng hạn, mùa đông Úc rơi vào các tháng mùa hè của các lục địa khác. Như Vậy:
ÚC CÁC XỨ KHÁC
Mùa xuân Mùa thu
Mùa hè Mùa đông
Mùa thu Mùa xuân
Mùa đông Mùa hè

Mùa đông Úc không khắc nghiệt lắm. Vùng Nam Úc lạnh hơn Bắc Úc; nhiệt độ trung bình vào mùa đông ở đây là 10 độ C, và những ngày lạnh nhất hàn thử biểu có thể xuống 6 độ C. Tuyết chỉ có trên các đỉnh núi cao. Mùa xuân và mùa hạ là mùa khô, và năm nay Úc lại đang trãi qua thời kỳ hạn hán có thể là tệ hại nhất thế kỷ. Trong mười ngày tôi viếng thăm vùng nam Úc (tôi muốn nói vùng Victoria và New South Wales, xin đừng lẫn lộn với tiểu bang South Australia) từ 4-10-2006 đền 14-10-2006 – đang mùa xuân của Úc - mọi người ở đây đều kêu ca tình trạng khô hạn. Cơn hạn hán hiện thời đang là đề tài trên trang đầu nhiều tờ báo ở đây. Nhật báo The Weekend Australian số ra ngày 14-10-2006 đã dành nhiều trang đăng tãi những bài phóng sự, xã luận, tin tức, dự đoán về tình trạng “khô hạn lớn của quốc gia”. Nhìn chung người đọc thấy chính phủ của thủ tướng John Howard đang bị chỉ trích vì đã không chú trọng đúng mức vào việc phòng chống hạn từ trước bằng các chương trình dự trữ nước, hạn chế nước. Thực ra, nạn hạn hán ở lục địa này là một cái gì “thường tình”; hầu như hằng năm đều có một khu vực nào đó ở Úc hứng chịu sự khô hạn trong mùa khô, và người Úc vẫn có kế hoạch giữ nước và chống hạn hiệu quả. Tuy nhiên, nạn hạn hán năm nay lại xãy ra trên một vùng rộng lớn, bao quát cả miền Tây Nam và Trung Tây Úc, trong khi Úc vẫn còn “thấm đòn” vì cơn hạn hán năm 2002, nên tình thế xem ra tệ hại bội phần. Hạn hán thì mang theo nạn cháy rừng. Trên xa lộ dẫn đến Sydney (tiểu bang New South Wales), và trên vài chặng đường trong tiểu bang Victoria, tôi đã mục kích những đám cháy ven đường, hoặc trong rừng, và người ta đang ra sức dập tắt. Qua đài phát thanh và truyền hình, người ta ghi nhận chính quyền Úc đang quan tâm nhiều đến vụ cháy rừng năm nay, vì sợ tác hại đến nền nông nghiệp xứ này như vụ hạn hán năm 2002. Khi đề cập đến sự khô hạn của cái lục địa hẻo lánh ở nam bán cầu này thì người viết đã về lại “dưới mái nhà” giữa mùa thu vàng óng mênh mông của vùng Đông Bắc Mỹ, dưới một bầu trời sũng nước hơn mọi năm. Ước gì những cơn mưa rả rích dai dẳng này được chuyển đổi qua bên vùng địa cầu kia, nơi vạn vật đang ngày đêm trông mưa! Bỗng thấy nực cười với chính ý nghĩ của mình: con người cứ ước mơ, và bộ máy vận hành của thiên nhiên thì chẳng hề biết khoan nhượng bao giờ; những “giọt mưa thu” Bắc Mỹ không thể rơi trong bầu trời xuân Úc châu! Những chuyên gia Úc báo động: cơn khô hạn này chưa có ánh sáng ở cuối đường hầm ít nhất cho đến mùa thu. Mùa thu Úc Đại Lợi, chứ không phải mùa thu bắc Mỹ, nghĩa là đến mùa xuân năm 2007 của chúng ta. Ôi, nước Úc xa xăm!
Nói đến hạn hán làm tôi nhớ lại những đồng cỏ và đồng hoa màu của hai tiểu bang Victoria và New South Wales mình đã có dịp trông thấy. Sự liên tưởng chỉ thuần do một định luật tâm lý – sự khô hạn xui ta nghĩ đến những môi trường đầu tiên chịu sự tác hại của sự thiếu nước – và điều tôi muốn đề cập không phải nạn hạn hán, mà là sự mênh mông vô tận của những cánh đồng kia, cùng những đàn bò và cừu đông như kiến. Tôi chợt hiểu vì sao thịt bò, thịt cừu, và nhất là len của Úc đầy dẫy trên thị trường thế giới. Một đất nước với một phần ba diện tích là sa mạc, và phần còn lại chỉ nhận được một lượng mưa ít ỏi – trung bình 51cm một năm – việc trồng hoa màu phải phụ thuộc vào hệ thống tưới tiêu, ngành chăn nuôi thích hợp nhất là nuôi cừu, vì loại gia súc này dễ thích nghi với môi trường đó hơn các loài khác. Tôi thấy tội nghiệp cho những đàn bò cừu ở New South Wales: chúng vẫn ngoan ngoãn “gặm rơm” trên những đồng cỏ khô mênh mông đến chân trời. Những đồng cỏ ở tiểu bang Victoria thì xanh tươi hơn. Bây giờ là mùa xuân. Đồng quê Úc đẹp thật, với những đồng cỏ trãi dài vô tận, hay lượn khúc theo những ngọn đồi thoai thoãi điểm xuyết bằng những khóm cây, hoặc với những đồng cãi bẹ xanh hoa vàng như một tấm thảm khổng lồ được trãi xa tít tắp đến cùng trời. Được biết những cánh đồng cãi xanh này sẽ cho hạt dùng trong kỹ nghệ chế biến mù-tạt (mustard); người ta trồng cãi không phải để tiêu thụ lá cãi.


Những đồng cải hoa vàng trãi dài tít tắp ở Victoria

Đất nước này có những bờ biển tuyệt đẹp. Úc châu là một hòn đảo khổng lồ, biển vây quanh, nhưng đẹp nhất là bờ đông với biển Nam Thái Bình Dương. Rất tiếc vì thời gian có hạn, tôi đã không viếng những bờ biển tiểu bang Queensland đẹp nổi tiếng. Chỉ riêng tại New South Wales và Victoria tôi cũng đã có dịp ngắm nhìn những cảnh quan đáng đồng tiền bát gạo của bờ biển Úc. Thắng cảnh Mười Hai Thánh Tông Đồ (Twelve Apostles) dọc bờ biển của tiểu bang Victoria là một công trình điêu khắc của thiên nhiên mà hình ảnh hầu như hiện diện trên mọi sách báo, tài liệu du lịch của Úc. Mười hai trụ đá đó nhô lên cao khỏi mặt nước, đứng thành một hàng dọc bờ biển như được một bàn tay siêu nhiên sắp xếp trong Vịnh Đắm Tàu (Shipwreck Bay), cách Melbourne bốn giờ lái xe về hướng Tây Nam. Vịnh Đắm Tàu, cái tên tự nó cũng nói lên vùng nguy hiểm cho tàu bè. Trong lịch sử khai phá Úc Châu, tám mươi chiếc tàu đã bị đắm tại đây. Về Mười Hai Thánh Tông Đồ, với thời gian, do sóng gió xoi mòn, bốn trụ đá đã đỗ xuống biển, chỉ còn lại tám vị, nhưng cái tên nguyên thủy “Mười Hai Thánh Tông Đồ” vẫn đứng vững với thời gian. Nói chuyện xứ người lại nhớ chuyện quê nhà ở Việt Nam. Mới đây, vào ngày 9 tháng 8, 2006 Hòn Phụ (trong cặp đá Hòn Phụ và Hòn Tử) ở bờ biển huyện Hà Tiên, thuộc tỉnh Kiên Giang thình lình gãy đỗ xuống biển. Điều lạ là hiệän tượng gãy đỗ này không thể giải thích được, vì không do xoi mòn bởi gió và sóng nước. Nó không gãy ở chân, chỗ bao nhiêu triệu năm bị sóng nước đục khoét, xoi mòn, để hòn đá biến mất dưới nước như “4 Vị Thánh Tông Đồ” bên Úc, mà lại gãy ngang thân trên, cách mặt nước tám thước. “Cái không bình thường” trong sự gãy đỗ của Hòn Phụ Tử ở Kiên Giang đã nẩy sinh những lời xầm xì bàn tán nhuốm màu sắc siêu hình. Cảnh quang Mười Hai Thánh Tông Đồ ở bờ biển tiểu bang Victoria, Úc, quả là một công trình ngoạn mục của thiên nhiên, và du khách nào đã đến xem đều phải ghi lại hình ảnh để kể lại với người thân, bạn bè, hay để viết về nó. Dĩ nhiên chúng tôi đã không để lỡ dịp thu vào ống kính máy ảnh của mình những bức hình đáng nhớ. Duy có điều là chúng tôi đến nơi thì mặt trời bắt đầu chếch về tây nên yếu tố ánh sáng không lý tưởng chút nào – rọi từ phía sau các trụ đá “Thánh Tông Đồ” – và những bức ảnh của chúng tôi kém sắc sảo vì bị những vùng tối. Tôi hơi dài dòng về cái chi tiết chụp hình này, vì hy vọng điều bất lợi mình đã gặp biết đâu sẽ giúp bạn đọc có những bức ảnh sắc nét vừa ý, không “hối tiếc” về phong cảnh hoành tráng của bờ biển Úc nêu trên.


Thắng cảnh Mười Hai Thánh Tông Đồ ở tiểu bang Victoria

Về đô thị, có thể nói các thành phố Úc có chung một sắc thái với các thành phố Mỹ ở một điểm là cùng trẻ trung. Người ta thấy nét trẻ trung của đô thị Úc trên những kiến trúc tân kỳ ở các thành phố lớn Melbourne, Sydney, Canberra, v.v. Viếng Sydney, tôi yêu hai điều. Thứ nhất là Nhà Hát Sydney (The Sydney Opera House), tọa lạc tại khu bến cảng Sydney, và nhô ra tận bờ nước. Do nhà kiến trúc Đan Mạch Jorn Utzon vẽ kiểu, Nhà Hát Sydney có lối kiến trúc rất tân kỳø, giống những vỏ sò xếp lại với nhau. Thảo nào, các nhà báo tại Việt Nam cứ “tùy tiện” đặt tên là “Nhà Hát Con Sò”, trong khi tên chính thức của nó là The Sydney Opera House. Nhà hát này nghiễm nhiên trở thành một dấu chỉ địa hình (landmark) của đô thị Sydney, giống như tháp Eiffel đối với Paris, Washington Monument - người Việt quen gọi “Tháp Bút Chì” – đối với Washington D.C., v.v. Điều đáng yêu thứ hai của Sydney – cũng dọc bến cảng – là trên lối đi bên bờ vịnh, gần Nhà Hát Sydney, bộ Văn Hóa và Nghệ Thuật tiểu bang New South Wales đã có sáng kiến cho cẩn xuống mặt đường những bảng hình tròn bằng kim khí khắc tên tuổi cùng những câu nói để đời của những danh nhân thế giới đã từng đặt chân lên Sydney. Đang đi, tôi đã phải dừng lại ngay, khi thoáng đọc trước bước chân mình hàng chữ “JACK LONDON”. Một tác giả mình yêu thích! Tôi đã đọc hết những gì in trên phiến kim loại màu đồng, tròn như con triện lớn ấn xuống lòng đường. Giữa những điều vắn tắt về nhà văn của các truyện phiêu lưu mạo hiểm, một câu nói của ông được đúc trên bảng đồng này, mà người viết chỉ xin tóm lược đại ý: ông muốn thà làm hạt tro từ lửa hồng rực rỡ hơn làm hạt bụi từ mớ đồ mục nát khô khốc;


Jack London đã từng đặt chân đến Sydney, và ngày nay nước Úc trân quí
kỷ niệm đó bằng tấm bia trên đây – được cẩn xuống mặt đường ở hải cảng.

ông muốn sống mãnh liệt chứ không phải kéo lê sự sống . Thành phố Melbourne cũng có nhiều lý thú cho người mới đến, như giòng sông Yarra êm đềm, con đường bộ hành (boardwalk) ven bờ sông, cây cầu Bolte Bridge bề thế, nguy nga bắt qua sông, và Chợ Nữ Hoàng Victoria (the Queen Victoria Market) tọa lạc ở khu tây bắc thành phố. Melbourne có nhiều cầu bắt qua sông Yarra, nhưng Bolte Bridge là cây cầu mới nhất và đẹp nhất, vừa hoàn thành năm 1999 trong dự án của hệ thống đường tốc hành đô thị, được gọi là Citylink. Tôi đứng nhìn cái công trình giao thông với từng giòng xe cộ cuồn cuộn di chuyển qua lại ngang qua khoảng cách rộng lớn giữa hai bờ sông, chưa kịp thốt một lời khen ngợi kỹ thuật cầu đường của Úc, thì ông bạn đồng hương của tôi, với tư cách một cư dân của nước chủ nhà, cho biết công trình Citylink chưa xong, và được dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2008. Tôi lại càng phục cái đồ sộ của dự án. Về Chợ Nữ Hoàng Victoria, theo một cuốn sách hướng dẫn du lịch tại Úc, nó được kể là chợ lộ thiên lớn nhất ở Nam Bán Cầu (lộ thiên theo nghĩa mở thoáng, không có tường vách bao quanh, nhưng toàn khu chợ vẫn có mái che). Chợ này ra đời cách nay một trăm hai mươi năm. Chiếm một diện tích hơn bảy mẫu tây, những gian hàng trong chợ Nữ Hoàng Victoria bày bán hàng hóa đủ loại – có thể nói thượng vàng hạ cám – từ cây kim sợi chỉ may, quần áo, bàn ghế giường tủ, đến thịt cá tươi, trái cây tươi, v.v. Chính tại khu chợ này chúng tôi mới có dịp “chiêm ngưỡng” dung nhan một anh chàng thổ dân Úc tại gian hàng bán nhạc cụ của anh ta – nhạc cụ thổ dân Úc châu, những cây kèn dài cả thước với âm thanh trầm trầm. Ở Melbourne tôi cũng “khám phá” ra một sáng kiến của người Úc: trồng cây vừa để giữ môi trường xanh cho thành phố, vừa làm trụ để đậu xe. Chúng tôi đang đi trên vĩa hè đường Flinders, con đường song song với bờ sông Yarra, và thoạt nhìn tôi đã chú ý ngay những thân cây to lớn đứng thẳng hàng và cách khoảng đều nhau (mỗi khoảng đủ rộng cho một hay hai chiếc xe du lịch vào đậu) gần lề đường nhưng trong lòng đường. Hầu hết các khoảng trống giữa các cây đều có xe đỗ. Tôi không rõ có những nơi nào khác, ở Mỹ, và trên thế giới, người ta cũng làm như thế, chỉ biết đây là làn đầu tôi bắt gặp sáng kiến này mà tôi nghĩ không tệ chút nào. Duy có điều là trồng cây như vậy những ma men chân nam đá chân xiêu đi lạng quạng va vào gốc cây trầy mũi, sưng trán chắc có lý do để cằn nhằn, “bố khỉ, ai trồng cây giữa đường thế này!” Vùng Melbourne còn có một hiện tượng nổi tiếng là sự bất thường của thời tiết. Đến đây, quí vị đừng ngạc nhiên khi thấy giữa một ngày nóng bức và nắng chang chang nhiều người vẫn ôm theo chiếc áo ấm dày cộm và cây dù để che mưa. “Four seasons in one day” là câu nói quen thuộc mà người Úc hay dùng để chỉ sự bất thường của thời tiết ở Melbourne.


Một sáng kiến ở Melbourne: trồng cây làm trụ đậu xe. Một thổ dân Úc bán nhạc cụ cổ truyền

Miên man chuyện đô thị dẫn đến chuyện thuê mướn nhà cửa và chuyện tiện nghi sưỡi ấm trong nhà ở Úc. Được biết tại Úc tiền mướn nhà phải thanh toán hàng tuần, chứ không phải hàng tháng như ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Đó là một sự việc “mới mẻ” đối với người viết. Tình trạng sưỡi ấm trong nhà ở Úc cũng gây một ngạc nhiên đối với tôi. Không biết có phải là một tình trạng chung của nhà cửa Úc châu, hay chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng nhà ở của vài gia đình người Việt mà chúng tôi có dịp viếng thăm không trang bị hệ thống sưỡi ấm. Kết quả là, trong những ngày ở Úc, chúng tôi bỗng thấy mình trở về lại những ngày mùa đông của miền Trung, hay miền Bắc Việt Nam, đi đứng co ro trong nhà, tối vào giường ngủ với áo xống hai ba lớp, đắp chăn trùm kín đầu!
Dạo phố một chiều thứ Sáu ở Melbourne với vợ chồng người bạn cũ, cư dân ở đây, chúng tôi lại được chỉ cho thấy một hiện tượng độc đáo khác: mức tiêu thụ la-ve của dân Úc. Nhìn những quán rượu đông khách chiều cuối tuần, tôi không thấy ai cầm một ly rượu, mà chỉ toàn những ly bia, và những ly bia. Tôi bỗng cười thầm, vì một điều ngộ nghĩnh chợt lóe lên trong trí. Số là khoảng mười năm trước tôi có đọc một tập truyện của Jeffrey Archer, và phải chờ đến hôm nay, có dịp tản bộ giữa phố phường nước Úc, tôi mới vỡ lẽ vì sao nhà văn này đã dám đặt trên cửa miệng một nhân vật của mình câu nói đầy hồ nghi và và trịch thượng sau đây, “Người Úc ấy à?”, Hamilton vừa đặt ly rượu xuống vừa hỏi lại với vẻ mặt khó tin. “Làm sao một nước uống bia như hủ chìm lại có thể bắt đầu hiểu công việc đầu tiên về sản xuất một thứ rượu chỉ tạm uống được?”
Nói đến nước Úc mà không đề cập đến một loài thú được xem là biểu tượng của xứ này, loài kanguru, là một thiếu sót. Đó là một loài động vật có vú, đầu giống như loài mễnh, hai chân trước ngắn hơn hai chân sau, đuôi dài và to; bụng có túi để mang con. Loài thú này chỉ có ở Úc và đảo New Guinea. Kanguru có nhiều loại, từ loại nhỏ bằng con mèo đến loài lớn có thể đứng cao cả hai thước, cân nặng đến chín mươi ký, như loài Kanguru sắc lông hung hung.


Loài kanguru xám rất thân thiện với người

Một loài kanguru với kích thước ở giữa hai loài kể trên là những con kanguru lông xám. Tôi thấy loài kanguru xám rất thân thiện với người, trong khi những loài kanguru khác thì rõ ràng cố “giữ một khoảng cách” với loài người. Những con Kanguru xám chúng tôi gặp trong công viên Gumbuya ở tiểu bang Victoria thật dễ thương; vừa thấy người đến, lập tức từng đàn của chúng từ trong rừng “nhảy cò cò” ra (chúng di chuyển bằng cách nhảy bằng hai chân sau), còn những con kanguru thuộc các loài khác thì chẳng buồn để ý đến khách, hoặc chỉ đứng xa nhìn với vẻ đố kỵ. Vợ chồng tôi đút từng mẫu bánh mì cho các con kanguru xám, y hệt như ta cho chó ăn. Điều thú vị là chúng rất “ý tứ”, cắn khẽ vào mẫu thức ăn để lỡ có nhằm vào ngón tay của người cho ăn thì cũng không sao, bằng cớ là chính tôi đã hai lần bị một chị kanguru võng con dưới bụng cắn nhầm “êm ái” vào ngón tay. Nhân nói đến động vật ở Úc châu, tôi không khỏi liên tưởng đến chim chóc ở xứ này. Thực tình, từ động vật dưới đất đến các loài bay trên trời, tôi chẳng có một mảy may kiến thức của mấy nhà khảo cứu; “thấy sao nói vậy, người ơi!” Trong những ngày ở Úc, tôi thường thấy một giống chim cỡ con quạ, lưng trắng, đôi cánh điểm vài chiếc lông trắng, còn toàn thân còn lại là lông đen. Vì thấy giống chim đó khắp nơi ở Úc, nên tôi chú ý, và nhớ lại ở Mỹ, cũng như ở quê nhà Việt Nam tôi chưa từng gặp chúng. Tôi nhớ lại có đọc ở đâu đó rằng trong tám trăm loài chim ở Úc châu thì có đến bốn trăm loài không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Vậy có thể giống chim tôi vừa nói trên đây chỉ có ở Úc mà thôi. Nhưng những ngày viếng nước Úc còn cho tôi nghĩ rằng lục địa Úc châu không chỉ đặc biệt hơn các vùng khác của địa cầu vì “độc quyền” có một số động vật, mà còn đặc biệt ở chỗ “có nhiều hơn” người ta! Viếng thăm Hawaii mấy năm trước đây, tôi đã vội cho tiểu bang này có nhiều chim cu – hay cu đất, như tên gọi ở các địa phương miền Trung Việt Nam – bây giờ tôi thấy Úc vuợt xa Hawaii về loại chim này. Chỉ riêng hai vùng tôi đã đặt chân đến, hai tiểu bang Victoria và New South Wales, cũng đủ để tôi kết luận như vậy, vì không biết cơ man nào là chim cu. Còn tiếng gáy của chúng, ôi thôi huyên náo cả một vùng; sáng sớm đã bị đănh thức bởi giàn nhạc giao hưởng “cúc cu cu”, trưa lại phải nghe các tấu khúc “cúc cu cu” nữa! Trưa, đúng thế! Tại sao ở Úc cũng xãy ra điều này?
Môt buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự...
Những ngày ở Úc châu đã gợi tôi nhớ mấy vần thơ của Huy Cận, mà chuyến đi Hawaii trước đó thì không, bởi lẽ trong những ngày ở Hawaii tôi ở giữa phố thị không một bóng cây, thiếu vắng tiếng cu gáy! Dĩ nhiên Úc có nhiều giống chim tôi chưa được thấy và chưa được nghe tiếng hót, nhưng cớ sao hôm nay tình cờ đề cập đến tiếng cú gáy của Huy Cận tôi lại cũng tương tư tiếng chim hót trong các buổi phát thanh Việt ngữ của đài Úc châu thời kỳ trước 1975. Dạo ấy thỉnh thoảng tôi vẫn theo dõi các chương trình Việt ngữ của đài Úc, và điều tôi nhớ nhất là cứ mỗi lần bắt đầu buổi phát thanh, sau khi xướng ngôn viên nói câu mở đầu, “đây là đài phát thanh Úc Đại Lợi, phát thanh trên các làn sóng...” thì một tràng tiếng chim hót vang lên, lúc đầu âm thanh trầm nghe “ục ục ục” rồi cao hơn, “oác oác oác ...” Tôi nghĩ đó là một đài hiệu. Có lần một người bạn đã giễu cợt về đài hiệu đó, “cậu nghe không, đài hiệu của đài Úc là tiếng chim kêu ‘úc! úc’ đấy”! Bây giờ “nghe” lại trong trí tiếng chim ấy tôi hình dung con chim lớn cỡ con diều hâu đầu trọc (bald eagle) biểu tượng của nước Mỹ, và giống chim ấy phải “đặc biệt Úc” – chỉ nước Úc có mà thôi.



Hình ảnh tháp đồng hồ Chợ Bến Thành trên nền trời Úc châu gợi trong lòng những
người Việt ly hương một chút gì thân thương, một nỗi niềm “tha hương ngộ cố tri”

Về người Việt trên đất Úc, tôi không đủ dữ kiện thống kê cũng như dữ kiện xã hội để có thể tường trình. Nhân một chuyến viễn du, ghi nhận, nghe ngóng, những gì tôi thấy về tập thể người Việt ở đây rất hạn chế và có tích cách địa phương. Tôi chỉ biết đại khái rằng trên dãi đất bao la thuộc nam bán cầu này có khoảng hai trăm nghìn người Việt sinh sống, và phần lớn tập trung ở hai vùng thuộc duyên hải đông nam Úc là Sydney và Melbourne. Chỉ riêng hai vùng này đã có khoảng một trăm bốn mươi nghìn người Việt định cư (hai phần ba dân số người Việt ở Úc); sáu mươi nghìn người Việt còn lại trang trãi cho các vùng khác của nước Úc. Người Việt ở Úc châu tập trung đông nhất ở Sydney, thứ đến là ở Melbourne. Nhưng cộng đồng người Việt ở Sydney, không được may mắn như các nơi khác, lại phải đương đầu với một thực tại đáng buồn là tệ nạn xã hội và ma túy của một số thanh thiếu niên Việt. Mô hình định cư của người Việt ở Úc có lẽ cũng đồng dạng với các cộng đồng người Việt ở Mỹ, nghĩa là quần tụ thành những khu phố Việt. Chẳng hạn, thành phố Melbourne và các vùng phụ cận có bốn khu thương mại của người Việt: phía tây Melbourne có khu Footscray và Saint Albans, phía đông có khu Richmond và Springvale. Vợ chồng tôi đã có dịp theo chân ông bà bạn “gia chủ” đi chợ Footscray một buổi. Trong một khu chợ có mái che (như Chợ Bến Thành của Sài Gòn, nhưng nhỏ hơn) tiếng rao hàng vang dội từng hồi đầy thôi thúc, mời gọi khách hàng; lối rao y hệt trong những phiên chợ tết ở Sài Gòn ngày xưa, “mạy dô, mạy dô, hôm nay ngày cuối”, “mạy dô, mạy dô, mua một tặng một...” Khu thương mại Richmond thì phô diễn một nét Việt Nam độc đáo: đứng ngạo nghễ trên nóc nhà khu tiệm của người Việt là tháp đồng hồ Chợ Bến Thành. Tôi cho đây là một sáng kiến thương mại rất ý nghĩa. Trên đường phố Victoria nhộn nhịp của Melbourne, hình tượng tháp đồng hồ Chợ Bến Thành vươn cao nổi bật giữa trùng trùng đường nét kiến trúc đơn điệu nhàm chán là một lời tự giới thiệu, một lời mời chào, là câu nói, “tha hương ngộ cố tri.” Đường Victoria này cũng được dân Úc ở Melbourne mệnh danh là một Vietnam Town vì họ đến đây để tìm thưởng thức nghệ thuật nấu nướng Việt; trãi dài hai bên phố một đoạn chỉ khoảng một cây số mà đã có khoảng 70-80 nhà hàng Viêt Nam. Ký sự Úc châu xin dừng tại đây.

Ngày 7 tháng 2 năm 2007
Hà Kỳ Lam

No comments:

Post a Comment