Sunday, February 27, 2011

QUÊ NGOẠI THUỞ THANH BÌNH

QUÊ NGOẠI THUỞ THANH BÌNH
Dương Văn Chung

Người ta thường chia thời gian ra thành nhiều thời kỳ, trong đó có thời kỳ đồ đá, đồ đồng…v.v. Tôi muốn phác một số nét về quê ngoại tôi ở vào thời kỳ mà tôi tự đặt là thời kỳ đất sét, vì lý do hết sức đơn giản là thời đó tôi còn nhỏ, thấy cái gì cũng làm bằng đất sét, cái lu cái khạp, cà ràng ông táo, nồi ơ, soong chảo đều làm bằng đất sét nắn rồi đem nung. Thậm chí đồ chơi trẻ em như những viên đạn tròn mà người miền Bắc gọi là hòn bi để bắn “cu-li”, con chim, con gà, con heo, con bò, con trâu, chiếc xe hơi …v.v. cũng làm bằng đất sét.

Thuở ấy tôi chưa từng thấy chiến tranh là gì, mà chỉ nghe đánh nhau trong truyện Tàu, Tam Quốc Chí, Xuân Thu Chiến Quốc, Phong Thần…v.v. với vũ khí thô sơ, gươm dáo, kiếm cung hoặc xem những trận chiến đó trên sân khấu hát bội ở rạp hát đình làng. Đào kép dùng cái cây có kết chỉ tua tủa, phất qua phất lại phía sau lưng làm như đuôi con tuấn mã đang tung hoành nơi trận mạc, chiếc đèn măng xông trên sân khấu vụt tắt, hình tượng một bên là cái hồ lô như trái bầu, một bên là cây kiếm, tất cả đều màu đỏ. Bên cây kiếm la hô giáng, bên hồ lô la hô thâu, cây kiếm bị thu tóm vào cái hồ lô.

Quê ngoại tôi, làng Vĩnh Lộc – Châu Đốc, sông sâu nước chảy, giao thông đường thủy, đường bộ đều thuận tiện, đời sống dễ dàng, an cư lạc nghiệp.

Đôi lúc gia đình tôi về thăm Ngoại bằng xuồng ba lá mũi nhọn hoặc xuồng tam bản mũi bằng. Nhánh sông Hậu chảy qua Vĩnh Lộc tính từ bờ bên nầy sang tới bờ bên kia, rất rộng, nước chảy siết, gặp lúc gió lớn có những đợt sóng to và có nhiều con cá nược đen ngòm ẩn hiện dưới nước hai bên be xuồng. Hai chị tôi, người bơi mũi, người bơi lái, thường hay đùa giởn với cá nược:
-Ông nược ơi, lên đua.
Hình như cá nược thông minh, hiểu được tiếng người, mỗi lần mấy chị tôi kêu như vậy, cá nược nổi lên cách mũi xuồng vài ba thước, xịt nước văng lên tung toé làm ướt quần áo những người ngồi trên xuồng. Vui thật là vui ! Cá nược có lẽ là loại cá ông nhỏ, sống trong sông, gặp tàu thuyền lâm nạn, chúng nó lặn ở dưới lườn để nâng cho tàu thuyền khỏi chìm và một số thì lội cặp hai bên hông như để hộ tống. Người ta gọi cá nược là “Ông Nược” để tỏ lòng kính trọng và biết ơn loài cá đã từng cứu giúp tàu thuyền khi lâm nạn. Bây giờ hình như không còn bóng dáng của ông nược trên con sông nầy.

Rải rác có những cụm lục bình trôi lững lờ theo dòng nước. Lá lục bình màu xanh, hình dáng từa tựa như lá trầu bà, bầu tròn về phía cuống, rồi nhỏ dần thành chót nhọn ở cuối lá. Bông lục bình phơn phớt màu hoa cà, vượt lên trên nền lá màu xanh thành những tràng hoa thiên nhiên tươi thắm.

Nhớ lúc gần Tết về thăm Ngọai, tiết trời lành lạnh, sương mù dày đặc, tôi lắng nghe tiếng sóng nhỏ vỗ tí tách vào be xuồng, hòa lẫn với âm thanh trên bờ, tiếng chim cu gáy thảnh thót, tiếng chày ình inh giã gạo, giã bánh phồng, một loại bánh phồng khi nướng nổi dầy hai ba phân, thật thơm và dòn.

Những chiếc ghe đám cưới chở bà-con đi họ, mặc áo dài đủ màu sắc, giữa ghe có những quả bánh, mâm trầu đậy bằng một cái búp sen giả phết bằng giấy bồi, bề tròn bằng mâm trầu, bề cao độ một mét. Từ dàn hát máy hiệu Columbia quay tay với dĩa hát cỡ lớn hiệu ASIA phát ra những bài cổ nhạc, lời mẹ dạy con gái khi xuất giá vu qui phải biết đạo làm dâu, làm vợ, làm mẹ như thế nào và những câu hát giọng hò về tình vợ chồng
Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương
Và nỗi lòng lưu luyến nhớ thương của cô dâu:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Chiều chiều ra đứng ngỏ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Trên con đường làng, dọc bờ sông, có người đi bộ hoặc chiều chiều vài chiếc xe hoặc cộ do trâu bò kéo, chứa đầy rơm rạ, lúa thóc, mấy chú bé mục đồng ngất ngưởng cỡi trâu về chuồng.



Lâu lắm mới thấy có một chiếc xe đạp hiệu Alcyon, sườn sắt, có đòn dông ở giữa và cái vĩ chở hành lý phía sau. Phía trước xe có đèn bóng nhỏ chạy bằng điện bình “đi-na-mô” mà đầu của nó cọ vào bánh xe trước, làm quay một cái trục bên trong bình phát ra điện. Cái thắng gồm có hai cái càng nằm phía dưới tay cầm phía trước. Một cái chuông gắn phía trước bên tay mặt bóp kêu nghe leng keng, leng keng, báo động cho người đi bộ nép vào bờ, nhường đường cho xe đạp.

Dọc đường, đi một đổi thì có một cái chòi lá đơn sơ với một cái chõng tre. Phía trước chòi có một cái lu nhỏ đựng nước sông lóng phèn trong trẻo. Bên cạnh lu nước có máng một cái gáo dừa cán dài. Khách qua đường cứ tự nhiên vào ngồi trên cái chõng tre để nghỉ mệt và giải khát. Nước sông đựng trong lu, múc bằng cái gáo dừa vừa thơm mùi dừa, vừa ngọt lại vừa mát.

Người trong làng phần lớn sống bằng nghề nông, tiền bạc không dư dả, nhưng lúa thóc đủ dùng, dưới sông có cá, trên bờ có rau. Cũi thì đầy dẫy ngoài hè, cành cây, nhánh tre, rơm, trấu, thậm chí phân bò phơi khô cũng có thể chụm được. Có nhiều cách bắt cá như giăng câu, đặt lờ, đặt lọp, đặt trúm, nhắp cá, câu rê, tát đìa, kéo vó, kéo bò, trải đáy, kéo lưới, dỡ chà…v.v .thuộc kỹ thuật chuyên môn không tiện mô tả dài dòng.

Nhờ đời sống dễ dàng nên lòng người cũng quảng đại. Người đi lỡ đường xin ngủ qua đêm dễ dàng, tiếp đãi niềm nỡ, chu đáo, không mảy may nghi ngờ.

Ngày kỵ giỗ, bà-con, hàng xóm, mỗi người tự động đến tiếp tay nấu nướng và mang đến một chai rượu hoặc một gói trà, gói mứt, một dĩa trái cây, một dĩa xôi…đến cúng. Cúng xong, chủ nhà mời mọi người dùng bữa. Lúc nhỏ tôi thích nhứt là món kiểm, ăn như chè, nấu bằng bí rợ, khoai lang, bún bột khoai trong vắt, chuối chín, bao quản, tức là đậu phộng hột, áo một lớp bột năng bên ngoài và nước cốt dừa. Khi khách ra về, bao giờ chủ nhà cũng trả lễ bằng một ít quà bánh để đem về cho gia đình.

Bây giờ tôi rất thèm được uống nước sông trong lu bằng cái gáo dừa ở căn chòi lá bên đường làng quê ngoại, tôi thèm có được một cuộc sống bình dị, vừa đủ, một cung cách đối xử đầy tình cảm chân thành của bà-con quê ngoại. Biết đến bao giờ nếp sống quê ngoại trở lại như xưa ?


Sydney, mùa đông 2006

No comments:

Post a Comment