Sunday, February 27, 2011

TÔI TỪ ĐÂU TỚI?

TÔI TỪ ĐÂU TỚI?
(Lời tâm tình của một thiếu nữ)

Khiêm Cung

Tôi tự nghĩ mình là một người may mắn nhất đời, sống dưới mái gia đình êm ấm, có ba có má, có dì là chị của má bên cạnh và được nuôi dưỡng chu đáo, cho đi học đến nơi đến chốn, tốt nghiệp đại học. Tôi là đứa con duy nhứt trong gia đình. Cả ba người lớn trong nhà đều chăm lo cho tôi, bao nhiêu tình thương của họ đổ dồn vào tôi.

Từ lúc lớn khôn, tôi thấy ba tôi không có đi làm , mà luôn ở nhà chăm sóc cho tôi. Nghe nói trước kia, lúc mới đến định cư ở nước Úc, ba có đi làm vất vả một thời gian, sau đó bị bệnh suyển phải nghỉ dưỡng và hưởng trợ cấp xã hội. Ba là một cựu quân nhân của miền nam Việt nam, tánh tình bộc trực. Trong nhà, ba là người gia trưởng uy quyền, má và dì luôn chiều theo ý kiến của ba. Má đi dạy mẫu giáo bán thời, dì đi làm thợ nấu ăn ở một nhà hàng.

Có lẽ do ảnh hưởng của nghề nghiệp, đối với tôi, má luôn luôn đưa tôi vào một khuôn khổ, từ cách nói năng, đi đứng cho đến cách chào kính mọi người. Hớ một chút là má rầy, sơ một chút má sửa. Nhiều lúc tôi cảm thấy bực mình, sống ở một xứ phương tây, sao mà má gò bó quá vậy!

Dì đi làm suốt ngày, sáng sớm lúc tôi còn ngủ dì đã ra đi, đến chạng vạng mới về đến nhà. Lúc đó tôi còn thức, dì luôn luôn ẳm tôi vào lòng, nựng nịu, vuốt ve tôi , thật là thiết tha, trìu mến. Tôi thích dì hơn má, vì dì dễ dãi hơn má. Hình như dì là người làm được nhiều tiền nhứt trong nhà, bất cứ các khoản chi tiêu mua sắm nào trong gia đình đều do dì trang trải, thậm chí những cái tã lót cho tôi, những bình sữa, cái núm vú cao su, sữa cho tôi bú đều do dì mua trên đường đi làm về. Dì còn đưa tiền cho má đi chợ.

Dì luôn nhớ ngày sanh của tôi và tổ chức kỷ niệm sinh nhựt của tôi thật linh đình với những món đồ chơi trẻ em xinh xắn làm quà hoặc cho tôi những món trang sức tuy không mắc tiền nhưng đẹp đẽ cho một thiếu nữ lúc tôi đã lớn khôn.

Dì lo cho tôi học hành, chi tiền mua sách vở, mua sắm đồng phục, đóng tiền học. Riêng học phí đại học, tôi nợ chánh phủ, đến khi nào ra trường đi làm, Sở Thuế trừ lương để thu nợ, còn dì cho tôi tiền để mua sách, mua vé xe lửa đi học và chi tiêu lặt vặt.. Cuối tuần hoặc những ngày nghỉ, dì dẫn tôi đi phố mua sắm quần áo, giày dép và những thứ vật dụng cần thiết khác cho tôi.. Tóm lại dì lo cho tôi từ đầu đến chưn, không thiếu thứ gì.

Nhớ lúc tôi còn nhỏ, dì thường kêu tôi qua phòng ngủ với dì. Giữa khuya dì thức giấc, sửa lại cái gối, đắp lại cái mền cho tôi, dì hôn lên trán tôi, dì tưởng tôi ngủ say, thật ra dì làm gì tôi cũng biết. Tôi cảm động lắm, sao dì đối với tôi còn hơn má ruột đối với con.

Nhờ sự kềm chế, uốn nắn của ba má, tôi học rất chăm, luôn luôn được điểm tốt, được giấy khen của trường. Ở bậc đại học, tôi cũng đạt được nhiều điểm ưu.

Nhưng một hôm, sóng gió đến với gia đình tôi, ba và dì có chuyện gì hục hặc với nhau, chuyện giữa người lớn với người lớn tôi không rõ. Tình hình căng thẳng đến độ ba bảo dì dọn đồ đi nơi khác ở. Dì nói đây là nhà của dì. Ba cãi nhà nầy ba đứng tên làm chủ.

Dì rủ tôi đi theo. Rất thương quý dì, nhưng làm sao tôi dám bỏ ba má tôi mà đi. Tôi nghe lén hình như giữa người lớn có sự tranh chấp quyền nuôi dưỡng tôi.

Dì dọn ra ở chỗ khác. Ngày nào dì cũng về thăm tôi hoặc điện thoại nói chuyện với tôi. Có khi qua điện thoại, tôi nghe hình như dì có vẻ sụt sùi. Lòng tôi se thắt. Tôi có linh cảm giữa dì và tôi có mối quan hệ ruột rà như một thứ tình cảm thiêng liêng mẹ con.

Dì đi, tôi biếng ăn, mất ngủ, ít nói, ít cười. Tôi thấy có cái gì bí ẩn trong gia đình tôi, tôi nhứt định phải khám phá cho ra bí ẩn nầy.

Một đêm mưa gió, ba má đã ngủ, tôi còn thức để làm bài, có tiếng mấy người quen đến kêu cửa, báo tin dì bị tai biến mạch máu não, đang nằm ở phòng cấp cứu tại bệnh viện vùng. Ba má đưa tôi đến thăm dì. Dì nằm thiêm thiếp. Tôi khóc quá, gọi dì, không biết dì có nghe không.

Tôi rất hối hận là trước đó chừng hai tiếng đồng hồ, đang ngồi làm bài, tôi nghe điện thoại reo, tôi đoán là điện thoại của dì, nhưng tôi không bắt máy vì sợ dì nói chuyện lâu, tôi không làm xong bài để nộp ngày mai. Có lẽ thấy trong người khó chịu, dì muốn báo cho tôi biết. Cũng có thể dì muốn nói với tôi những lời sau cùng, nhưng tôi đã không tiếp điện thoại. Tôi tự trách tại sao mình hết sức vô tình, hết sức nhẫn tâm!

Dì đi luôn trong sự thương tiếc của những người đồng tu, của bạn bè, của gia đình và trong sự ray rức của tôi.

Đám tang của dì cử hành trọng thể, có khá đông người đi đưa, trong số có dì Thanh là bạn chí thân của dì.

Trong lúc quá xúc động và có lẽ nghĩ đây là giây phút cuối cùng phải tiết lộ một điều bí ẩn, dì Thanh nói nhỏ với tôi rằng người mà tôi gọi là dì, đang nằm trong quan tài, là mẹ ruột của tôi. Tôi hết sức bàng hoàng, dì Thanh khuyên tôi cố gắng giữ bình tĩnh, sau đám tang dì Thanh sẽ kể cho tôi nghe về cuộc đời bất hạnh của mẹ.

x
x x
Dì Thanh kể:
Dì không phải là chị ruột của má. Lúc còn ở Việt Nam, dì và ba là vợ chồng. Sau 30/04/1975, lúc phong trào vượt biển rầm rộ, nhà ba và dì ở gần biển, dì chèo ghe nhỏ đưa người ra tàu đánh cá để vượt biển. Chủ tàu cho ba và dì quá giang. Khi ra đi ba lại dẫn theo một phụ nữ, người đó là má. Dì phải năn nỉ chủ tàu. Trước sự việc đã lỡ làng, chủ tàu đành chấp nhận cho má lên tàu.

Dì rất đau buồn nên khi đến Úc vào chùa xin xuất gia. Thầy trụ trì cho dì xuống tóc, nhưng chưa cho thọ giới sa di, dì có thể đi làm việc bên ngoài để kiếm sống.

Mỗi ngày sau khi tan sở, dì trở về làm công việc chùa. Ngoài việc làm công quả thông thường như rửa chén, lau nhà…, dì còn được giao nhiệm vụ phục vụ sức khỏe của sư trụ trì, lúc bấy giờ đã ngoài sáu mươi tuổi, như thoa dầu, cạo gió, nấu nước cho thầy ngâm chưn trị phong thấp hoặc đổ vào bình cao su để thầy ôm cho ấm lúc ngủ mùa đông.

Không rõ chuyện gì xãy ra, dì vắng mặt một thời gian độ bảy tháng. Khi trở về chùa dì ẳm theo một đứa bé gái bụ bẩm mà dì nói là xin của một người bạn. Đứa bé gái đó chính là tôi. Dì nuôi tôi trong chùa, giặt tã, cho tôi bú bình…v.v. Chùa là nơi có đông Phật tử tới lui, thấy có phần bất tiện, dì ẳm tôi về ở nhà ba má.

x
x x

Tôi tin dì Thanh, người mà tôi thường gọi là dì chính là mẹ ruột của tôi. Giây phút tiển biệt sau cùng, tôi đã để tay lên quan tài của người mà gọi khe khẻ tiếng “mẹ”, tôi phải gọi thật nhỏ để ba má không nghe.

Còn cha tôi là ai, tới bây giờ tôi vẫn còn mờ mịt. Xin mọi người đừng đặt nghi vấn cha của tôi là ai mà động tâm, mà thoái tâm bồ đề.

Mẹ ơi! mẹ ra đi bất ngờ, quan tài của mẹ đã đóng kín, chôn chặt phân nửa bí ẩn cuộc đời của con rồi!

Sydney, mùa thu 2009

No comments:

Post a Comment