Sunday, February 27, 2011

HOA TRẠNG NGUYÊN

HOA TRẠNG NGUYÊN
Khiêm Cung




Ngắm hoa trạng nguyên đỏ thắm nở rộ trong sân nhà, tôi nhớ đến cảnh “Vinh qui bái tổ” của những vị trạng nguyên ngồi đường bệ trên một cái kiệu hoặc cỡi ngựa đi phía trước, tiền hô hậu ủng, tức có kẻ mở đường, có người đi theo phục dịch và bảo vệ, có võng của phu nhân theo sau. Tôi không biết xuất xứ của cái tên hoa trạng nguyên. Có lẽ người ta đã liên kết màu đỏ rực rỡ của hoa biểu tượng niềm vui với sự vinh quang tột đỉnh của người đậu học vị cao nhứt thời xưa là trạng nguyên để đặt tên cho loài hoa này.

Vinh dự mà vua ân tứ hay ban cho vị trạng nguyên lớn lao như vậy mới bù được công khó nhọc của người học trò đã trải qua bao nhiêu gian khổ học hành, thi cử. Vinh qui bái tổ là nghi thức thật long trọng của người thi đậu trạng nguyên trở về làm lễ và dâng lên tổ tiên cái vinh dự mà mình đã khổ công lắm mới đạt được, cũng là một hình thức khích lệ những người học trò khác ra sức học hành.

Thời nay học sinh đọc sách vở bằng chữ theo mẫu tự la tinh, dễ hiểu dễ nhớ, còn ngày xưa học trò phải đọc và viết bằng chữ nho, nhiều nét, không chữ nào giống chữ nào, rất khó nhớ. Vả lại một chữ nho có thể có nhiều nghĩa, “nhứt tự lục nghì”, một chữ có thể có tới sáu nghĩa. Một nho sinh phải học thuộc và hiểu đầy đủ ý nghĩa kinh thư, văn sách, thơ phú…, có những người mở miệng nói thành thơ, gọi là xuất khẩu thành thi. Người đàn ông con trai mình ngày xưa để tóc bới. Nghe nói có người buộc tóc lên vách nhà để khi nào ngủ gật thì tóc bị giựt mạnh sẽ tỉnh ngủ. Học cho đến nỗi ốm o gầy mòn, cho nên để mô tả hình dáng một chàng trai trắng trẻo, ốm yếu, người ta nói dáng vóc thư sinh cũng đúng lắm.

Về thi cử và khoa bảng, thời phong kiến ở nước ta có ba kỳ thi chánh: thi hương, thi hội và thi đình. Thi hương và thi hội được tổ chức 3 năm một lần; thi hương năm trước, năm kế tiếp là thi hội.

Thi hương tổ chức ở các địa phương để chọn nhân tài. Người nào đậu được 3 phần:-Kinh nghĩa, thư nghĩa-chiếu, chế, biểu-thơ phú thì được cấp học vị Tú tài hay Sinh đồ, gọi là ông Đồ, ông Tú. Người nào đậu thêm phần văn sách được cấp học vị Cử nhân hay Hương cống, gọi là ông Cống, ông Cử. Người đậu đầu trong kỳ thi hương gọi là đậu Giải nguyên. Muốn dự thi hương phải có lý lịch trong sạch và phải qua một kỳ thi sơ khảo xem có đủ trình độ để dự thi hay không.

Thi hội mở ra tại kinh đô cho những người đã đậu cử nhân tụ hội về một nơi để thi, cho nên gọi là thi hội. Thí sinh cũng phải làm những bài thi gồm 4 phần như trong kỳ thi hương, người đậu kỳ thi hội được cấp học vị Thái học sinh. Đến đời nhà Nguyễn có thêm học vị Phó bảng cho một số người không đủ điểm đậu Thái học sinh. Người đậu đầu trong kỳ thi hội gọi là Hội nguyên.

Thi đình mở trong sân điện nhà vua để tuyển chọn nhân tài đã trúng cách hay đậu thi hội. Vua ra đề và duyệt điểm thi. Người thi đậu kỳ thi đình được cấp những học vị khác nhau và có thể được bổ nhiệm làm quan chức trong triều đình. Học vị chia làm 3 bậc từ thấp đến cao: Bậc 3 là đồng tiến sĩ xuất thân (ông Tiến sĩ), bậc 2 là Tiến sĩ xuất thân hay Hoàng giáp (ông Hoàng), bậc 1 gồm có 3 người: người đậu hạng 3 là Thám hoa (ông Thám), người đậu hạng nhì là Bảng nhãn (ông Bảng) và người đậu đầu là Đình nguyên hay Điện nguyên. Đình nguyên hay Điện nguyên đạt điểm xuất sắc mới được phong là Trạng nguyên (ông Trạng).

Tóm lại, những học vị ngày xưa tính từ thấp đến cao: Tú tài, Cử nhân, Phó Bảng, Thái học sinh, Tiến sĩ, Hoàng giáp, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Con đường đi đến trạng nguyên dài thăm thẳm.

Cách kiểm soát thi rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Một cử tử làm bài thi giỏi cũng có thể bị đánh rớt nếu phạm trường quy hay phạm úy, tức là sử dụng từ ngữ trùng với tên của những người trong hoàng tộc.

Còn con đường đi đến trường thi hội và thi đình mở ra ở kinh đô, lại xa xôi diệu vợi. Phương tiện giao thông ngày xưa rất hạn chế, trên bộ phương tiện thuận lợi và nhanh nhứt là cỡi ngựa, ngoài ra là đi bộ. Có mấy ai có ngựa mà đi. Những bậc vương tôn công tử đi thi thường dẫn theo tiểu đồng hay người phục dịch, còn hàn nho thì đi một mình. Vào trường thi, thí sinh mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ thập vật:

“…Hàng vạn con người trang sức như nhau: sườn này, cái chõng tre và bộ gọng lều; sườn kia, thì bộ áo tơi và cuộn áo lều, hoặc một đôi chiếu cói; trên ngực quả bầu be và chiếc ống quyển; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn. Bấy nhiêu đồ vật, nặng có, nhẹ có, lớn có, bé có, dài có, ngắn có, hết thảy xúm lại và đu cả lên cái cổ yếu ớt của các ông thư sinh…” (Ngô Tất Tố-Lều chõng)

Có nhiều người thi rớt lên rớt xuống cả chục lần, đặc biệt là già cả lụm cụm vẫn còn dự thi để được một chút danh phận ở đời:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
( Nguyễn Công Trứ-Đi thi tự vịnh)

Thời đó, dân được xếp theo thứ tự: sĩ, nông. công, thương. Sĩ đứng đầu. Mà trạng nguyên là học vị cao nhứt của của hàng sĩ phu.
Cái danh trạng nguyên được nhiều người ngưỡng mộ, ngay cả một số trường hợp, vua cũng muốn gả công chúa cho tân trạng nguyên. Theo Nho giáo đem vinh dự về cho gia đình là một cách báo hiếu đối với dòng họ, tổ tiên. Người vợ của tân trạng nguyên cũng được danh thơm, kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau. Thật xứng đáng để vinh danh người hiền nội đã vất vả lao động, quán xuyến công việc gia đình để cho chồng có thời gian “xôi kinh nấu sử”, đỗ đạt đến học vị cao tột đỉnh đó. Đẹp đẽ làm sao hình ảnh của một người vợ hiền:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.

Xin mượn câu ca dao để thay cho lời kết luận:

Chồng khôn vợ đặng đi giày,
Vợ khôn chồng đặng có ngày làm quan.


Mùa đông 2009
Khiêm Cung

No comments:

Post a Comment