Sunday, February 27, 2011

ĐỌC SÁCH

ĐỌC SÁCH

Tôi có thói quen đọc sách rất chậm, đọc một quyển sách khoảng hai trăm trang cả tháng trời mới xong. Nhưng đọc sách chậm cũng có cái hay, đọc càng chậm càng thấy được ý nghĩa thâm sâu của tác phẩm, cũng giống như ăn gạo lứt muối mè theo phương pháp Osawa, phải nhai cho thật kỹ, càng kỹ càng tốt, nhai cho đến khi nào gạo lứt biến thành nước mới nuốt vào, càng nhai càng thấy béo, càng bổ dưỡng.

Xuất thân từ nông thôn, tôi rất thích đọc những chuyện thuộc loại hoa đồng cỏ nội, những sinh hoạt thường nhựt mà tôi từng làm hay từng chứng kiến người dân quê mình ngày xưa đã làm, như loạt bài “Chợt Nhớ về Những Mùa Màng Ngày Cũ” của Nhà văn Lương Thư Trung khởi đăng trên Trang nhà Thất Sơn Châu Đốc. Tôi đọc rất chậm.

Được biết loạt bài gồm trên 50 mùa màng. Đến nay Thất Sơn Châu Đốc đã đăng được bảy mùa: Mùa xoài, Mùa cày bừa và phát cỏ, Mùa làm lóng, tát mương và tát đìa, Mùa làm mắm, làm khô, Mùa dưa leo, dưa hấu, dưa gang, Mùa chuột, Mùa bắt lươn và bắt lịch. Đọc qua bảy mùa đó, tôi có những cảm nhận đầu tiên là thấy những chuyện nầy có vẻ tầm thường lắm, nhưng không phải dễ viết. Lý do là va chạm đến những vấn đề thực tế và phổ quát, nhiều người ở thôn quê đã từng làm các công việc mùa màng nầy rồi, mặc dầu họ không có khả năng viết để diễn tả lại cái gì họ đã làm, nhưng nếu ai viết không đúng thì bao nhiêu người đó nhận thấy ngay chỗ viết sai.

Nhà văn Lương Thư Trung là người được sanh ra và sống trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thực hành nhiều năm công việc đồng áng, ruộng vườn, nên đã mô tả các mùa màng rất tỉ mỉ và hấp dẫn. Hãy nghe tác giả nói về mùa xoài, đưa chúng ta đi xem bông xoài, ngửi mùi hương đặc biệt của bông xoài, quan sát xoài mới đậu trái trứng cá nhỏ như hột cườm rồi lớn dần bằng đầu đũa ăn, bằng ngón tay út, ngón tay cái, ngón chưn cái và bằng cườm tay. Tác giả cũng đã từng nếm thử vị chua chua chát chát của xoài “trứng cá”, vị chua của xoài xanh, vị ngọt của xoài chín. Tác giả đã cho chúng ta ngửi mùi thơm và nếm vi chua, vị ngọt của rất nhiều loại xoài, xoài giấm, xoài thanh ca, xoài voi, xoài tượng, xoài gòn, xoài khoai lang, xoài cát Hòa Lộc…, xoài nào cơm có sớ, xoài nào không có sớ. Tác giả cũng nói đến kỹ thuật trồng xoài, xoài ương bằng hột hoặc xoài tháp nhánh. Tác giả nhắc lại ngày xưa mua bán xoài tính theo chục 10 trái hoặc chục 12, 14, 16, 18 hoặc 20, bây giờ thì tính theo kí lô. Còn nhà vườn thường hay bán mão cho lái buôn tức là bán ước tính số lượng của nguyên cây hay nguyên vườn xoài.

Đến mùa cày bừa và phát cỏ, tác giả tỏ rõ dày dạn kinh nghiệm với việc cày bừa, mô tả từng chi tiết các nông cụ cày, bừa, hai nông cụ này phải làm bằng vật liệu gì, kích thước ra sao cho thích hợp, giải thích cho người đọc thế nào là phá, là ví mà khi chúng ta đi ngang qua một thửa ruộng nghe nguời nông phu hò hét để điều khiển đôi trâu. Tác giả cũng giải thích sự quan trọng của việc mở vạt cày…Phải từng lăn lộn nơi ruộng đồng mới biết cặn kẻ như vậy và mới nhớ được như vậy sau mấy mươi năm không còn cày bừa nữa.

Trong Mùa bắt lươn và bắt lịch, tác giả phân biệt lươn vàng, lươn bông, phân biệt con lươn với con lịch, cách bắt và dụng cụ để bắt hai loại thủy sản này. Tác giả cũng nói rõ “dấu tích mà chúng để lại cho dân ruộng biết nơi nào mà chúng đang ở là những vệt bùn non từ dưới đất trào lên thành một vòng tròn đường kính vài ba tấc tùy theo lươn và lịch lớn hoặc nhỏ”. Tác giả cũng cẩn thận nhắc mọi người coi chừng rắn hổ đất thường ẩn trong các mô lươn để bắt lươn ăn.

Đối với những mùa màng còn lại, tác giả đều diễn tả một cách chi ly và sinh động như vậy.

Phải nói rằng tác giả có trí nhớ dai, có lẽ khi nhìn sự vật thì phân tích sự vật đó thật kỹ, sự phân tích kỹ lưỡng giúp cho trí nhớ rất nhiều. Thử nghĩ nếu quan sát hời hợt thì qua mấy mươi năm chúng ta còn nhớ được sự vật rõ ràng hay không hoặc chỉ nhớ mơ hồ?

Loạt bài viết về mùa màng nầy giúp cho người đọc, già cũng như trẻ, nhứt là người ở thành thị thấy cái gian khổ, cơ cực của người nông dân, họ phải lao động hết sức vất vả để tự nuôi bản thân và gia đình, đồng thời làm ra lương thực, thực phẩm cho xã hội. Bình thường thì “nhất sĩ nhì nông”, đến khi “hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ”. Nông thôn dù là ở nước nào cũng đều chịu thiệt thòi hơn thành thị, thiếu điện, thiếu phương tiện vệ sinh, thiếu tiện nghi giáo dục, y tế, thông tin…v.v., nhưng thường thường người nông dân có những thú vui mà người thành thị không có được, như đi săn chuột , bắt lươn, bắt lịch, làm lóng, tát mương, tát đìa bắt cá.

“Chợt nhớ về những mùa màng ngày cũ” đã gợi lại cho người đọc những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí. Bản thân tôi cũng vậy, sau khi đọc những bài nầy, nhớ ơi là nhớ bao nhiêu hình ảnh buổi thiếu thời ở thôn quê, nhứt là khoảng thời gian đầu đời, đất nước thanh bình, “ngó qua đám bắp trỗ cờ, đám dưa trỗ nụ, đám cà trỗ bông”, đẹp làm sao!

Đọc Mùa xoài, tôi nhớ làm sao cái vườn xoài phía sau hè của ông cố tôi. Loại xoài trồng bằng hột và đã cổ lắm rồi, gốc nào gốc nấy hai người lớn ôm không giáp. Đi lượm xoài rụng quả là một thú vui, nhứt là đi lượm xoài ban đêm, phải thắp đuốc bằng dầu chai hoặc đuốc tẩm dầu cá để đi tìm xoài rụng, đứa nầy thổi tắt đuốc của đứa kia để không thấy đường lượm. Xoài rụng nghe bịch ở chỗ nầy, bịch ở chỗ khác, đứa nào cũng quýnh lên, quờ quạng trong bóng tối để tìm xoài, tiếng kêu réo chí choé, đến nỗi người lớn phải lên tiếng can thiệp. Xoài rụng ban đêm thường là xoài chín cây, thơm phức, mấy con dơi quạ đánh mùi đáp xuống, dùng móng bấu vào rồi dùng răng gặm nhắm trái xoài. Thường thì khi con dơi quạ vừa chạm trái xoài thì xoài rụng. Ăn xoài chín mà thỉnh thoảng nhai luôn một miếng vỏ xoài, mới thấy vỏ xoài thơm đậm đà. Không tin thì các bạn thử xem.

Bắt hôi là một thú vui khác. Chủ đìa đã cho người nhà tát nước đìa bằng gàu, rồi dùng lưới để bắt cá, xong thì người ngoài xuống đìa “bắt hôi”. Mỗi người lấy một cái nôm úp xuống bùn, rồi thò tay vào nôm để tìm coi có con cá nào còn sót. Có khi may mắn chộp được vài con cá trê hay cá rô mề hoặc tôm càng. Tôi đã đi bắt hôi cá đìa lần sau cùng chỉ mấy ngày trước khi cha tôi cho tôi ra tỉnh Châu Đốc học tại Trường Nam Tiểu Học.

Dân miền Tây Nam bộ thường làm cá bỏ đầu, bỏ ruột, cái mình cá dùng để làm khô, làm mắm. Sau này bà-con tận dụng đầu cá để làm mắm đầu cá, chắc ai ở Sài-gòn cũng có ăn hoặc nghe nói đến bún mắm đầu cá Chợ Bình Tây, còn ruột cá thì làm mắm ruột ăn béo ngậy. Nhớ có lần nọ, anh bạn đồng học Thủ Khoa Nghĩa-Châu Đốc, lên Sài Gòn ở trọ cùng chung một căn gác với tôi, hai đứa đóng tiền ăn cơm tháng tại một quán cơm. Cuối tháng hai đứa hết tiền để đóng trước tiền cơm, anh bạn đang chờ tiền ở nhà gởi lên tiếp tế, còn tôi thì chờ lãnh lương kèm trẻ tại tư gia, bèn rủ nhau ăn cơm bữa, ăn bữa nào trả bữa nấy. Chúng tôi kêu một tô canh chua đầu cá lóc, nghĩ rằng đầu cá rẻ hơn khúc giữa hay khúc đuôi. Khi tính tiền, chúng tôi giựt mình, chủ quán tính giá gấp đôi giá bình thường. Chúng tôi thắc mắc, chủ quán giải thích:
-Ở đây đầu cá quý lắm, một cái đầu cá nhậu được mấy xị lận!
Còn Mùa chuột làm tôi nhớ đến chuột. Nhưng loại chuột mà nhà văn Lương Thư Trung nói là loại chuột đồng, ăn lúa, ăn lá cây, mập tròn, mùa nước nổi hay leo lên mấy bụi tre lót ổ. Loại nầy lột da, ướp sả hoặc ướp hành tỏi đem chiên vàng, rất thơm ngon. Còn loại chuột mà tôi liên tưởng là loại chuột cống, sống chui rúc trong cống rãnh nơi thành thị, ăn dơ uống dáy. Vậy mà có một thời kỳ anh em ở trại “học tập” Trảng Lớn Tây Ninh, cả một hai chục người, kẻ cầm gậy gộc thủ sẵn ở một miệng hang, người đi lấy cỏ tranh đốt ngay trên các miệng hang khác, người thì quạt khói, không có con chuột nào chạy thoát. Bác sĩ “đi học tập” nói cái gì có chất prô-tê-in là bổ rồi, chỉ sợ không có mà ăn.

Tác giả còn đưa chúng ta đi thăm viếng bao nhiêu mùa màng khác nữa. Với lời văn bình dị thích hợp với sinh hoạt và nêp sống chất phác, hiền hòa ở nông thôn, hứa hẹn những bài sắp tới của tác giả sẽ dễ hiểu và lôi cuốn. Chúng ta sẽ từ từ thưởng lãm giống như “ăn mắm nó thắm về lâu”.
Sydney , tháng 10/2008

No comments:

Post a Comment