Sunday, February 27, 2011

NGÔN NGỮ BẤT ĐỒNG

NGÔN NGỮ BẤT ĐỒNG
Dương Văn Chung

Qua định cư ở Úc được một tháng, tôi đến một tiệm hớt tóc bình dân có hai ghế hớt, kế bên một nhà thờ. Giá hớt tóc bình thường là mười đô la Úc, tiệm nầy chỉ tính năm đô, giá “từ thiện”.
Thời gian ngồi chờ và thời gian hớt tính chung hơn nữa tiếng đồng hồ, lắng nghe hai cha con người thợ hớt tóc nói chuyện với nhau, tôi chẳng hiểu chút nào hết. Họ thuộc diện Úc nhà quê, nói giọng nghe đặc sệt:
- Ờ reo thờ heo (around the house)
- Noi ti noi (ninety nine)
Tới phiên tôi nói “ hớt như cũ” thì người thợ già cũng không nghe được, rồi ông ta cứ hỏi tới hỏi lui tôi gì đó, tôi chẳng hiểu, cứ hỉ hỉ hả hả. Sợ những người ngồi chờ hớt tóc nói mình dở tiếng Anh, tôi trả lời đại “yes”. Lần đó tóc tôi bị hớt gọn ghẽ như tóc tân binh quân dịch. Đó là kết quả của ngôn ngữ bất đồng.
Sau đó tôi được đi học Anh văn miễn phí. Đôi khi ngồi nghe cô giáo dạy tiếng Anh kể chuyện vui, có vẻ rất dí dỏm, cả lớp cười rộ lên từng chập, các bạn cười, mình không cười, thật là vô duyên, nên cũng cười theo, cười lấy lệ, cười ngượng ngập. Cười mà không hiểu mình cười cái gì mới thật là khổ sở !
Ở nước ngoài lâu ngày, nói và nghe tiếng Anh có tiến bộ hơn đôi chút, cộng thêm chia động từ “ tu quơ”, quơ tay ra dấu người ta mới hiểu. Nói tiếng Anh sao mà mỏi tay quá vậy ?

Chẳng nói đâu xa , ngay giữa người Việt Nam mình với nhau, ngôn ngữ cũng đã bất đồng, bất đồng do từ ngữ hoặc do phát âm, dễ gây hiểu lầm nghiêm trọng.
Người miền Nam nói “địt”, người miền Bắc gọi là “đánh rắm”, “địt” theo người Bắc, có nghĩa là giao hợp. Người miền Bắc gọi cái mùng là cái màn, đối với người miền Nam, cái màn là tấm vải để che. Người miền Bắc gọi cái muỗng lớn để múc cơm canh là cái môi, đồng âm với cái môi ở cửa miệng.
Người Huế nói “mần răng” có nghĩa là “cái gì”, làm cho người miền Nam hiểu lầm là đi làm răng giả hay chữa răng. Khi nghe một người miền Trung nói “đi đồng” thì đừng có đi theo, vì y đi “đại tiện” ngoài đồng.
Một số cư dân miền cực Bắc phát âm chữ “ L “thành chữ “ N ” như “no nắng” (lo lắng), “nạnh nùng” (lạnh lùng)…
Tôi còn nhớ trong giờ học môn Thuế Công quản tại Trường Quốc Gia Thương Mại Sài Gòn, một giáo sư tên Trọng, quê quán Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đó, ngay giờ đầu, lặp đi lặp lại mãi một câu làm cả lớp tôi nín cười đỏ mặt:
- Một gói thuốc lé gié tém đồng phể chịu thuế công quẻn be đồng be két bể xu hê. ( Một gói thuốc lá giá tám đồng phải chịu thuế công quản ba đồng ba cắc bảy xu hai ).
Sau khi tốt nghiệp, bốn sinh viên trường Quốc Gia Thương Mại trong đó có tôi, được nhận vào tập sự tại Nha Thuế Công Quản, nơi thầy Trọng làm việc. Nha Thuế có tổ chức một chuyến du ngoạn đi thăm Vị Thanh Hỏa Lựu tỉnh Chương Thiện, chúng tôi cũng ghi tên đi. Thầy Trọng dẫn theo một ái nữ, tuổi độ hai mươi, thật đẹp đẽ, duyên dáng, giọng nói cũng y như thầy.

Trong suốt cuộc du ngoạn chúng tôi “ thả dê ”, tìm cách gần gũi để trò chuyện với con gái của thầy. Giọng nói của cô ấy nghe càng lâu càng thấy dịu dàng, dễ thương.

Thế rồi những giây phút bồng bột của tuổi trẻ qua đi, sau chuyến du ngoạn, thầy Trọng và ái nữ cùng chúng tôi từ giả nhau trong một thân tình lành mạnh, không vướng mắc, nhưng giọng nói của địa phương thầy Trọng là một thành tố quan trọng của “Tiếng nước tôi ” kính yêu, gieo vào đầu tôi nhiều ấn tượng thật sâu sắc. Thời gian đã xóa nhòa những bài vỡ tôi học được ở trường Quốc Gia Thương Mại Sài Gòn, chỉ riêng bài học đầu tiên về thuế Công Quản của thầy Trọng, tôi vẫn còn thuộc nằm lòng:
-Một gói thuốc lé gié tém đồng phể chịu thuế công quẻn be đồng be két bể xu hê.
Và bây giờ lại thuộc làu một bài mới:
-Ờ reo thờ heo.
-Noi ti noi.

Sydney, mùa Đông 2006

No comments:

Post a Comment