Sunday, February 27, 2011

ĐỐI THOẠI VỚI THỜI GIAN

ĐỐI THOẠI VỚI THỜI GIAN
Khiêm Cung

Có một người tóc đã điểm sương ngồi quyết toán sổ sách cuối đời, cảm thấy chưa vừa lòng với quá khứ, bắt chước theo tiên sinh Vương Hồng Sển mà nói “gần trọn một đời hư”, muốn tận dụng thời gian còn lại để tiến tu, làm những việc có lợi lạc cho bản thân và cho người khác, nhưng thời gian đi nhanh quá, dù ai có sống được trăm năm, ba vạn sáu ngàn ngày thấm thoát, sợ không làm kịp nữa, ước mong sao thời gian đi chậm lại:
-Hởi thời gian, thời gian đi chậm lại một chút có được không, để cho tôi kịp làm những việc có ý nghĩa trước khi từ giã thế gian nầy?
Bổng nhiên nghe thấy một câu hỏi:
- Ông hỏi ai?
- Tôi muốn hỏi Ngài, chính Ngài có tên là Thời gian?
- Ai đặt cho ta tên đó? Ai từng biết ta hiện hữu, có thấy ta hình tướng như thế nào không mà đặt tên cho ta?
- Không ai thấy được hình tướng của Ngài, nhưng căn cứ theo cuộc sống trên thế gian, theo sự vận hành của quả địa cầu trong thái dương hệ, có ngày có đêm, người thếgian biết rằng Ngài hiện diện, giống như sự hiện hữu của không gian mà mắt người có thể quan sát được.
- Rồi sao nữa? Nếu ta hiện hữu, ta có chuyển dịch gì đâu mà ông khẩn cầu ta chậm lại?
- Ngài dạy rất chí lý, bản thân Ngài không chuyển dịch, nhưng người thế gian căn cứ theo vòng quay của trái đất tự chia thời gian ra thành năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây.
Trái đất quay trọn một vòng là một ngày, một ngày chia ra 24 giờ, một giờ gồm 60 phút, một phút gồm 60 giây. Người ta làm ra đồng hồ để tính giờ, phút, giây và làm ra lịch để chỉ ngày, tháng, năm. Lịch lại chia ra lịch tây hay dương lịch và lịch tàu, lịch ta hay âm lịch. Nói chung, dương lịch hay âm lịch, một năm đều có 12 tháng. Tháng dương
lịch có 28 hoặc 29 ngày đối với tháng hai và 30 hoặc 31 ngày đối với các tháng còn lại. Tháng thiếu âm lịch có 29 ngày, tháng đủ có 30 ngày. Mười năm gọi lạ thập niên,
trăm năm gọi là thế kỷ, ngàn năm là thiên niên kỷ.
- Phân chia làm chi cho rắc rối quá vậy?
- Thưa để đếm thời gian và đếm tuổi thọ của con người, mỗi năm thêm một tuổi.
Theo âm lịch mỗi năm biểu tượng bằng một con thú, gọi là con giáp: tý con chuột, sửu con trâu, dần con cọp, mão (mẹo) con mèo, thìn con rồng, tỵ con rắn, ngọ con ngựa,
mùi con dê, thân con khỉ, dậu con gà, tuất con chó, hợi con heo. Họ còn quan niệm người mang tuổi con gì thì tánh tình giống con đó, người tuổi dần tánh tình hung dữ như
con cọp, con gái tuổi dần khó lấy chồng, còn tuổi hợi hiền lành, sung sướng, nằm đợi mà ăn. Người thế gian căn cứ vào sự sinh khắc của ngũ hành, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ
mà luận đoán tuổi nầy hạp tuổi kia kỵ, như thân, tý, thìn hoặc hợi, mẹo, mùi …tam hạp (3 tuổi hạp) hoặc bốn tuổi khắc kỵ gọi là tứ hành xung như dần, thân, tỵ, hợi hoặc tý,
ngọ, mẹo, dậu...
- Tính tuổi hạp, tuổi kỵ để làm gì?
- Để coi người con trai với người con gái có thể thành vợ thành chồng, ăn đời ở kiếp với nhau hay không?
- Thương nhau mà không hạp tuổi thì không cưới nhau được có khổ không?
- Thưa Ngài, khổ lắm, khổ đến nỗi không còn muốn sống nữa! Người thế gian còn coi ngày tốt, ngày xấu để xuất hành hay làm ăn , buôn bán. Người phương tây kỵ ngày
thứ sáu, 13, gọi là ngày thứ sáu đen, người Việt kỵ những ngày tam nương, mồng 5, 14, 23…, chọn ngày tốt để khai trương, để xuất hành, ngày cưới hỏi, ngày đám tang…v.v.
Người thế gian cũng ấn định một ngày nào đó làm mốc thời gian để làm kỷ niệm ngày sanh, ngày cưới, ngày của mẹ, ngày của cha, ngày của tình nhân, ngày quốc khánh, ngày đám giỗ…Ôi! Vô số ngày kỷ niệm!
- Như vậy người thế gian đã đưa ta từ chỗ không thành chỗ có, rồi vì sự tiện dụng, vì lợi ích riêng tư, họ tự chia ta manh mún, đồng thời để làm khổ sở cho nhau như coi giờ,coi tuổi đám cưới hoặc để tự ràng buộc mình như kiêng cữ ngày giờ, ông thử nghĩ có phải vậy hay không? Nhưng họ chỉ phân chia ta theo khái niệm chớ không thể cắt đứt ta
được vì ta thì bất khả phân, giống như không khí, giống như nước, chặt không đứt, bứt không rời. Còn ông muốn ta đi chậm lại để ông làm gì, để có dịp nhìn lại cái quá khứ
oai hùng, cái thời kỳ vàng son?
- Thưa Ngài, nếu tin theo Phật giáo, con người không ngừng luân hồi, bản thân tôi có thể đã lăn lóc trải qua nhiều kiếp, mỗi kiếp đã đi theo một trong sáu con đường: trời,
người, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, mỗi kiếp là một đời tu học. Tôi đã phí phạm cái quá khứ làm người ngắn ngủi trong kiếp nầy của tôi, tôi ỷ lại vào chút tài năng,
sức khỏe và sự thành công của tuổi trẻ, tôi tranh đua với đời, tôi đạp lên kẻ khác để tiến thân…, bây giờ giật mình tỉnh ngộ thấy thời giờ còn quá ít để tu, chớ cái quá khứ của
tôi có gì gọi là vàng son. Vả lại, những kẻ luôn nhớ đến những thành công rực rỡ trong quá khứ thường trở nên kiêu mạn, không thích sống hòa nhập với kẻ khác. Tôi chỉ
muốn trở về quá khứ để tìm ra những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, dù vô tình hay cố ý phạm phải, để thành tâm sám hối và cố tận dụng quãng đời còn lại để tu học,
chuẩn bị cho mình một số hành trang trở về quê cũ với bản tâm thanh tịnh.
- Nghe bao nhiêu đó, ta thấy ông rất thành tâm, nhưng tiếc thay, ta không thể giúp gì cho ông được, vì như trên ta đã nói, bản thân ta không có chuyển dịch, không đi chậm
hay đi nhanh. Hình như người thế gian có nói “tu nhất kiếp, ngộ nhất thời”, lo gì ông tu không kịp. Ngày muộn quê xa vạn dặm đường, nhật vãn gia hương vạn lý trình.
Nhưng nếu hồi đầu thị ngạn, quay đầu lại là thấy bến bờ.
Nhân tiện, ông cho ta nhắn với người thế gian, bản thân ta cũng là giả hợp, cái tên của ta cũng như sự hiện diện của ta đều do con người nghĩ ra, thử tưởng tượng nếu
ngườithế gian bỏ đi những cuốn lịch hay những chiếc đồng hồ thì còn ai biết thời gian là gì nữa hay không? Cho nên, nếu sử dụng ta như là một tiện nghi, giúp cho đời sống
được vui vẻ, hạnh phúc thì rất tốt, đừng mượn danh ta để bày thêm những trò điên đảo, tự làm tâm mình vọng động. Hãy giữ cho tâm bình thường, tâm bình thường là đạo.
Ngàn sông ngàn nước ngàn trăng hiện. Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
Sydney, Mùa đông2009

No comments:

Post a Comment