Sunday, February 27, 2011

NAM VANG KÝ SỰ

NAM VANG KÝ SỰ
Hà Kỳ Lam


Tôi vừa theo chân gia đình bên vợ trong chuyến viếng thăm thủ đô Nam Vang trong hai ngày. Với tôi, đó là lần đầu tiên đặt chân lên đất nước xứ Chùa Tháp. Với vợ tôi và những người thân thuộc, chuyến đi là cuộc hành hương về đất tổ đầy xúc động của những người Việt sinh ra và lớn lên trên đất nước lân bang đó. Và như vậy cuộc viễn du của chúng tôi tổng hợp cả cảm nhận của một du khách mới, và những kiểm chứng của người trở về...

Từ Sài Gòn, chúng tôi mua vé xe buýt du lịch khứ hồi đi Nam Vang. Hành trình theo quốc lộ 22 qua Củ Chi, Trảng Bàng, rẽ vào Gò Dầu, đến biên giới mất khoảng hơn một giờ. Từ biên giới, sau các thủ tục xuất cảnh Việt Nam, nhập cảnh Campuchia, chúng tôi phải sang xe khác (với tài xế và bảng số Campuchia) để tiếp tục hành trình đến thủ đô Nam Vang. Đại khái là như vậy, nhưng thủ tục tại biên giới khá phiền phức – về phía quan chức Việt Nam cũng như quan chức Campuchia, lượt đi cũng như lượt về – và người viết thấy không thích hợp để dài dòng ở đây về điều này. Tưởng cũng nên nói thêm là mới đây (sau chuyến đi của chúng tôi ít hôm) Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam và Thủ Tướng Hun Sen của Campuchia đã gặp nhau tại cửa ngõ biên giới Gò Dầu (Mộc Bài) trong một nghi thức được coi như để khẳng định sự thông thương dễ dàng giữa hai nước, và hy vọng từ nay dân hai bên sẽ được giảm bớt nhiều phiền toái trong việc đi lại. Tuy nhiên để tiện cho những du khách Việt mang thẻ thông hành ngoại quốc, chỉ xin “mách” một điều: chiếu khán nhập cảnh do các tòa đại sứ Việt Nam cấp có giá trị cho một lần nhập cảnh và xuất cảnh; điều đó có nghĩa là một Việt kiều về thăm Việt Nam, rồi đi du lịch ngoài nước thì sẽ không nhập cảnh trở lại Việt Nam được, nếu không xin một chiếu khán nhập cảnh mới. Để giải quyết vấn nạn này, tại các văn phòng đại lý du lịch và hàng không bán vé đi ngoài nước có dịch vụ xin cấp chiếu khán nhập cảnh trở lại Việt Nam với giá tám mươi đô la cho mỗi người. Du khách cũng có thể mua dịch vụ này tại một văn phòng du lịch ở Nam Vang với giá năm mươi đô la (rẽ hơn bên Việt Nam).

Quốc lộ 22 của Việt Nam dừng ở cửa Mộc Bài, và con đường tiếp nối dẫn vào đất Miên là quốc lộ 1 của Campuchia, con đường đi về Tây, dẫn vào thủ đô Nam Vang, rồi vòng lên phía Bắc đến Battambang.


Cửa ngỏ vào đất Miên từ Gò Dầu Hạ, Tây Ninh (22-9-2006)

Bây giờ là mùa nước lên ở Cao Miên, và chuyến đi của chúng tôi rơi đúng vào dịp Lễ Nước P’chum của đất nước này (ba ngày từ 22-9-2006 đến 24-9-2006). Cả nước nghỉ ngơi, vui chơi. Mùa mưa vùng Tây Nam của Việt Nam trùng với mùa mưa Cao Miên. Vào tháng này những cánh đồng của hai đất nước thật giống nhau, nước lênh láng ngập bờ. Điều dị biệt giữa đồng ruộng miền Nam Việt Nam và Campuchia là nhà sàn và trâu bò; một bên có nhiều nhà sàn và nhiều bò, và một bên không có nhà sàn mà lại nhiều trâu. Nhưng chuyện trâu bò là chuyện ngày xưa: nông thôn Việt Nam bây giờ được cơ giới hóa hầu hết, và hình ảnh con trâu với cái cày đã hầu như biến mất trên đồng ruộng. Campuchia vẫn còn cảnh tượng con bò với cái cày khắp nơi, một điều cho thấy nông nghiệp xứ này chưa được cơ giới hóa gì ráo.

Vượt hằng trăm cây số của đất nước Campuchia trên một chiếc xe chở khách trọng tãi lớn, du khách có một cái nhìn bao quát phong cảnh nông thôn trãi dài hai bên đường. Với cái nhìn “cưỡi ngựa xem hoa” đó tôi thấy nông thôn Campuchia có vẻ nghèo hơn nông thôn Việt Nam. Điều cảm nhận của tôi dựa trên sự kiện là ít thấy những ngôi nhà gạch khang trang ở đây, điều tương phản với cảnh trí dọc đường Việt Nam.

Đi bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Nam Vang du khách cũng có dịp thấy các trục lộ giao thông của xứ Chùa Tháp chưa được mở mang bao nhiêu. Ngoại trừ một đoạn gần vùng Neak Loeung mới tu bổ, còn lại suốt đường dài đến thủ đô Nam Vang đường sá tồi tệ và chật hẹp, giống hệt quốc lộ 1 của Việt Nam thời chưa tu sữa (đều là những đứa con đẻ của Pháp mà lị!). Lối chuyên chở của các xe đò ở Campuchia thì rất “tùy tiện” – cả người lẫn hành lý được chất lên tận mui xe. Lưu lượng xe trên đường rất thưa thớt. Có điều lạ là từ hướng Việt Nam mới có xe cộ nhiều, còn hướng từ Nam Vang đổ về biên giới Việt-Miên dường như ít xe cộ hơn. Không biết có phải vì đúng vào dịp lễ P’chum nên dân Miên đi chơi xa đổ về tấp nập, hay vì nhu cầu xê dịch chỉ mạnh từ phía Việt Nam. Dù sao thì mức độ lưu thông cũng nói lên phần nào nhịp độ phát triễn của đất nước này còn khá chậm. Gần đến Nam Vang lưu lượng xe có tăng lên đôi chút.


Đồng ruộng tỉnh Svayrieng mùa nước nổi (22-9-2006)

Xe chúng tôi qua cầu Monivong, và lăn bánh trên đại lộ mang cùng tên. Thủ đô của xứ Chùa Tháp đây rồi. Theo đại lộ Monivong một đoạn ngắn, rồi xe rẽ trái sang đại lộ Sihanouk, và cuối cùng rẽ vào một con đường đất và dừng tại một khách sạn rẽ tiền, nơi chúng tôi sẽ trọ hai đêm trong chuyến du hành này. Mỗi phòng hai giường giá mười đô la một ngày. Vì phòng trọ giá “bình dân” như vậy nên chúng tôi chẳng chờ đợi một tiện nghi tối thiểu nào. Chẳng hạn, máy điều hòa không khí xịch lụi khi chạy, khi không, chẳng có thùng đựng rác trong phòng, và chúng tôi phải tự tìm một túi ny lông để chứa rác; cửa nẽo thì “ồn ào” khi đóng lại.
Nam Vang nhỏ hơn Sài Gòn. Dưới mắt vợ tôi, một cư dân của Nam Vang cũ trở về sau bốn mươi năm đi xa, thành phố không thay đổi bao nhiêu. Đêm đầu tiên, sau bữa ăn tối, chúng tôi dạo phố. Những cửa tiệm, nhà ở của dân chúng thì đèn điện sáng sũa, nhưng đèn đường thì âm u, vàng vọt. Chỉ những đại lộ mới có đèn đường, những con phố còn lại chìm trong bóng tối, được soi sáng mờ mờ và từng đoạn bởi ánh đèn nhà hai bên phố hắc ra. Hôm sau chúng tôi đi thăm nhiều nơi trong thành phố, tìm lại được nơi từng tọa lạc căn nhà của bố mẹ vợ tôi – nay đã mọc lên một tòa nhà mới làm công sở của chính phủ – và thăm lại trường nữ trung học Norodom, nơi vợ tôi đã từng theo học. Cứ nghĩ tất cả sự vật những nơi chốn này, từ những tường vôi đến cát sõi vô tri trên vĩa hè, lòng đường, đã là những chứng nhân thầm lặng của những tháng năm hãi hùng dưới một chế độ mà thế giới từng mệnh danh diệt chủng, ai không khỏi bùi ngùi. Chúng tôi nhận ra vị trí nhà của những láng giềng xưa, nhưng cảnh cũ còn đó, và người xưa thì tản mát khắp nơi, ở Pháp, ở Úc, và Việt Nam. Điều thất vọng đối với gia đình vợ tôi trong chuyến đi này là không tìm đâu ra ngôi chùa giữ tro cốt của người cha, vì dưới thời Pon Pot cai trị tất cả chùa chiền đã bị phá hủy. Đường phố Nam Vang dơ bẩn hơn xưa. Theo vợ tôi và những ai đã từng biết thành phố này trước kia, một đặc điểm của Nam Vang ngày xưa, dưới thời ông hoàng Sihanouk, là đường phố sạch sẽ hơn Sài Gòn nhiều – Sài Gòn ngày xưa và Sài Gòn bây giờ. Nam Vang vẫn còn những đường phố bằng đất, tồn tại từ trước, chứng tỏ không có một chút phát triễn nào của đô thị này trong mấy mươi năm qua.
Xe cộ ở Nam Vang cũng rất thưa thớt; xe hơi thì lèo tèo, xe gắn máy tương đối nhiều hơn. Nhìn cảnh đường phố ít xe của đô thị này tôi lại liên tưởng đến cảnh xe cộ hỗn loạn của Sài Gòn: hai thái cực. Tôi không quên Nam Vang và cả đất nước xứ Chùa Tháp này đã từng hứng chịu sự hủy hoại, giết chóc dưới sự cai trị của Pon Pot - Iêng Sari trong bốn năm trời (1975-1979).


Gian hàng thịt heo tại chợ Orussey ở Nam Vang (23-9-2006)


40 năm sau, một cựu học sinh trường Nữ Trung
Học Norodom về thăm lại trường xưa (23-9-2006)


Đại lộ Norodom (23-9-2006)

Tôi nghĩ Campuchia chưa hồi sinh hẳn, dù đã thoát khỏi quốc nạn đó hơn hai mươi năm rồi, nói chi đến phát triễn. Nhờ nói lưu loát tiếng Miên, vợ tôi đã có được thiện cảm của người chủ khách sạn mà chúng tôi đang trọ. Từ đây trong bài viết sẽ có nhiều trích dẫn nội dung lời kể của nhân vật này, mà người viết chỉ định bằng ông bạn mới hoặc ông ta cho tiện. Vậy thì, ông ta đã tâm sự về nhiều chuyện, trong đó có ký ức về những tháng năm đầu tiên thời hậu Pon Pot ở Nam Vang. Cả thủ đô là một thành phố chết, hoang vắng đến rợn người! Những cư dân cũ của Nam Vang, một phần bị giết hại, một phần đào thoát, số còn lại bị lùa khỏi thành phố về nông thôn trong những nông trường khổ sai dưới thời Pon Pot – Iêng Sari. Dù tập đoàn diệt chủng đó đã bỏ chạy, và một chính phủ lâm thời đã kiểm soát thủ đô, người dân Campuchia vẫn chưa hoàn hồn sau chuỗi ngày ác mộng đã qua; chưa ai dám về lại thành phố. Chính phủ mới, trong nổ lực khuyến khích sự di dân về Nam Vang, đã dành mọi dễ dàng trong việc hợp thức hóa nhà cửa cho mọi người chiếm ngụ những căn nhà vô chủ ở thủ đô. Trong tình trạng nhiễu nhương buổi giao thời đó, nhiều kẻ từ tay không bỗng trở thành chủ nhân của ba bốn ngôi nhà.
Nhưng chỉ một thời gian, sau khi ổn định được tình hình, chính phủ mới của Campuchia đã thu hồi những căn nhà “bất hợp pháp”, và mỗi người chỉ được chiếm một nhà thôi. Kế đến là tình trạng “không tiền tệ”. Chế độ của Pon Pot – Iêng Sari đã hủy bỏ tiền tệ, hủy bỏ chế độ lương bổng. Thời gian đầu, sau khi dành được chính quyền ở Nam Vang, chính phủ của Hen Somring chưa kịp in lại tiền tệ cho đất nước Campuchia. Cả nước lúc bấy giờ là một xã hội với “nền văn minh đổi chác”. Ông bạn mới của chúng tôi cho biết, gia đình ông muốn đi ăn hủ tiếu phải mang theo vàng, cắt một mảnh nhỏ để “trả tiền”. Có vài hình thức khác để trao đổi, chẳng hạn giá một tô hủ tiếu là ba lon gạo. Nhưng vàng vẫn là hàng hóa đổi chác đắc dụng nhất. Những món nữ trang bằng vàng với mọi kiểu cách đẹp đẽ trước kia đã trở thành “lỗi thời”, phải được biến đổi, dát mỏng để giản lược thành một hình thù đơn giản thích hợp cho việc mua bán đổi chác: những miếng vàng mỏng. Thế là, với vai trò mới – vật thay thế tiền tệ, chứ không phải vật hứng cho tiền tệ nữa – cả một loại quí kim vô tri vô giác cũng không thể đứng bên lề một giai đoạn lịch sử của đất nước nhỏ bé này, mà đã hứng chịu một cuộc đổi đời rộng lớn. Cùng với sự đổi thay kia là sự ra đời của một đội ngũ thợ kim hoàn “bất đắc dĩ”. Chẳng cần những bàn tay chuyên nghiệp khéo léo, xảo thuật cao, một tay mơ chỉ cần biết cách cho vàng chảy, với những dụng cụ thô sơ cũng biến những sản phẩm quí giá cũ thành những “đồng tiền vàng” đắc dụng trong giai đoạn hiện tại. Dĩ nhiên giới dân nghèo đã trãi qua một giai đoạn thật khó khăn trong buổi chuyển tiếp ấy. Chưa hết, không tiền tệ đã đành, lại cũng không có đo lường. Vẫn theo lời ông bạn mới, muốn mua một kí thịt, hoặc nửa kí đường, v.v., người ta chỉ dùng tay nâng món hàng lên ước đoán trọng lượng.
Chúng tôi đi xem những khu chợ - Nam Vang có hai mươi sáu ngôi chợ, nhưng nổi tiếng nhất là Chợ Lớn Mới, chợ Olympic, chợ Orrussey, chợ Tum Tum Pung, v.v. – ghé vào ăn ở các hàng quán tấp nập bên hè phố. Một điều dễ thấy là nhiều người buôn bán nói được cả hai ngôn ngữ Miên, Việt. Ông bạn mới cũng cho chúng tôi biết ở Nam Vang có rất nhiều thương nhân người Việt, có điều họ không nói tiếng Việt nên khó nhận ra họ. Theo các tài liệu cũ, người Việt hiện diện ở Campuchia khá lâu đời, từ thế kỷ thứ 17, và tập trung đông nhất ở thủ đô Nam Vang. Con số người Việt sinh sống trên đất nước Chùa Tháp từ xưa tương đối ổn định. Chỉ đến năm 1957, khi chính phủ Campuchia ban hành sắc lệnh cấm ngoại kiều làm hai mươi bốn nghề, một số người Việt hồi hương về Việt Nam, làm dân số Việt kiều trên đất Miên giảm xuống. Tiếp đến, đợt biến động chính trị năm 1970 đưa Lon Nol lên cầm quyền đã xãy ra vụ tàn sát người Việt ở xóm biển Chrui Changwar, dãi cù lao bên kia bờ Mê Kông, đối diện thành phố Nam Vang, một biến cố đã khiến người Việt ùn ùn hồi hương. Dân số Việt kiều tại Campuchia càng giảm xuống nhiều. Rồi sự xuất hiện của chế độ Pon Pot – Iêng Sari lại gây thêm một vố tổn thất cho Việt kiều, và thêm một loạt người Việt đào thoát hồi hương về Việt Nam trong giai đoạn này. Sau vụ gây hấn của các sư đoàn quân Pon Pot ở cửa ngỏ biên giới Bền Sõi, Tây Ninh tháng 12 năm 1978, Việt Nam đã trả đũa, và xua quân vượt biên giới, lật đổ tập đoàn Pon Pot – Iêng Sari, loại bớt một kẻ thù ở biên giới phía Nam, giúp khai sinh một chính phủ thân Việt Nam. Biến cố này là dịp may để Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tệ hại chưa từng thấy trong lịch sử đất nước này. Và từ năm 1979 những Việt kiều chạy về Việt Nam lánh nạn Pon Pot đã lần lượt trở lại Nam Vang và các tỉnh của Campuchia. Con số người Việt trên đất Miên đã tăng lên đáng kể, và điều đáng nói về sự gia tăng dân số này là ngoài số Việt kiều cũ trở lại còn có dân nhập cư mới gồm những quân nhân đào ngũ và giải ngũ thuộc lực lượng chiếm đóng của Việt Nam[1]. Nhân đề cập đến sự quấy phá của quân Pon Pot dọc biên giới Việt-Miên, người viết nhớ lại hai mẫu chuyện “bên lề” do chính một người đã từng theo chân một đơn vị viễn chinh Việt Nam trên đất nước Chùa Tháp kể lại. Anh ta là một Việt kiều Miên, làm thông dịch viên cho các cấp chỉ huy Việt Nam trong chiến dịch đánh Pon Pot năm 1978. Mẫu chuyện thứ nhất kể rằng lúc quân Pon Pot vượt biên giới sang tàn sát dân Việt ở vùng Ba Chúc, Ba Xoài, tỉnh Châu Đốc, lực lượng quân sự của Việt Nam đóng gần đấy vẫn áng binh bất động, mặc cho cảnh máu đổ thịt rơi của dân lành đang diễn ra! Lúc lực lượng Miên rút đi, các nhân viên Hồng Thập Tự Quốc Tế đã vào tận nơi để quan sát, giúp đỡ thì vẫn chưa thấy sự có mặt của quân đội Việt Nam. Cả người kể và người nghe đều căm tức, và thấy khó hiểu với sự tình kia. Nếu sự thật là như vậy, biết đâu đã có một mật lệnh cho các đơn vị ở biên giới phải “ngậm miệng ăn tiền”. Vụ Trân Châu Cảng ngày nay thỉnh thoảng được báo chí Mỹ hâm nóng với tiền đề là Mỹ biết trước nhưng muốn để nó xãy ra, để có danh chính ngôn thuận cho hành động của mình. Hai trường hợp tuy có khác nhau chút đỉnh nhưng đều giống nhau ở chỗ cùng “ngậm miệng ăn tiền”. Sang mẫu chuyện thứ hai, đương sự kể rằng trên đường tiến quân, các cấp chỉ huy thường tập trung dân chúng Miên lại nuôi ăn tập thể và nói chuyện để họ hiểu lý do tiến quân của Việt Nam là để “giải phóng” họ. Dân chúng rất vui mừng khi quân Việt Nam đến. Nhưng có điều mỉa mai là khi anh chàng thông dịch viên la cà chuyện trò làm quen với dân bản xứ thì mới nghe họ tâm tình rằng họ thích lính Sài Gòn hơn. “Lính Sài Gòn”, theo người kể chuyện, ám chỉ lính Việt Nam Cộng Hòa. Người viết nhớ lại năm 1970, trong đợt biến động chính trị của xứ Chùa Tháp, Việt Nam Cộng Hòa từng gửi một lực lượng quân sự sang Campuchia giúp hồi hương Việt kiều, và người dân Miên đã có dịp “làm quen” với người lính miền Nam từ dạo ấy. Đề cập đến người Việt tại Campuchia, người ta có thể ghi nhận một điều là so với các vùng khác trên thế giới có người Việt sinh sống hiện nay, thì đất nước này được xem là bất an nhất đối với người Việt. Chung qui cũng do người ta muốn khơi lại những đố kỵ dân tộc bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử xa xưa của hai nước cho các mục tiêu chính trị. Giáo sư Nguyễn Quốc Lộc, một tác giả trong nước, trong cuốn sách tựa đề “Người Việt Ở Thái Lan-Campuchia-Lào” đã cho biết trong các dịp tranh cử, nhiều đảng phái và tổ chức chính trị ở Campuchia đã dùng đề tài Việt kiều cho chiến dịch vận động tranh cử của họ.



Chùa Tháp, ngôi chùa lớn nhất thủ đô Nam Vang, và cũng do ngôi
chùa này mà Kampuchia còn được gọi Xứ Chùa Tháp (23-9-2006)



Khu nhà bè của người Việt ở Chrui Changwar, nơi đã từng xãy ra vụ
tàn sát Việt kiều năm 1970 khi Lon Nol lên cầm quyền (23-9-2006)






















Trong lúc vui chuyện, ông bạn mới cũng bộc bạch với chúng tôi những buồn vui của xã hội Campuchia ngày nay. Người giàu thì có mọi thứ, được đãi ngộ, vì đồng tiền mua được tất cả, kể cả luật pháp. Người nghèo thì không có tiếng nói, chỉ câm nín mà chịu đựng! Ông ta cho biết, chính vì xã hội như vậy nên nhóm tàn quân của Pon Pot trong rừng hiện nay vẫn còn tuyên bố rằng họ mới là chính phủ của nhân dân Campuchia (của người nghèo). Theo ông, bầu không khí Campuchia vẫn còn lẩn quất nỗi lo sợ sự trở lại của cái chính thể khủng khiếp kia. Ông ta cũng đề cập đến y tế của Campuchia. Ngày nay nhiều người Miên thuộc tầng lớp khá giả có khuynh hướng sang chữa bệnh ở các bệnh viện Sài Gòn; chính ông cũng đã làm một chuyến đi như thế. Còn đời sống tinh thần của thủ đô Nam Vang, theo ông bạn mới, nghèo nàn hơn xưa. Dân Nam Vang bây giờ không có nhiều thú tiêu khiển.
Dưới thời ông hoàng Sihanouk, vào những dịp lễ hội và cuối tuần nhiều địa điểm vui chơi, giải trí tự do ngoài trời được tổ chức cho dân chúng. Ngày nay, mỗi cuối tuần giới giàu có ở Nam Vang thường đem bồ bịch, hoặc cả gia đình đến bãi cỏ trước hoàng cung thưởng thức những món ăn khoái khẩu được bày bán lộ thiên ở đây. Và đó là chỗ duy nhất ở thủ đô thu hút đông người. Dưới thời quốc trưởng Sihanouk làm gì có tình trạng buôn bán bừa bãi ngay trước hoàng thành như thế. Người hướng dẫn du lịch cho chúng tôi biết hoàng cung bây giờ hư hại nhiều, mà chính phủ chưa có đủ ngân khoản để tu bổ. Vua và hoàng hậu Miên hiện chỉ ở một ngôi nhà nhỏ trong thành. Nam Vang cũng không còn quyến rũ du khách như trước kia. Ngành du lịch chỉ phát triễn ở khu di tích Đế Thiên Đế Thích cách Nam Vang về phía bắc khoảng tám giờ xe.


Một xe đò ở Campuchia (24-9-2006)
Quán “võng” ở Nam Vang – không dùng ghế (23-9-2006)

No comments:

Post a Comment