Sunday, February 27, 2011

Đọc thư cuối năm của một người xa xứ

Đọc thư cuối năm của một người xa xứ
Huỳnh Ái Tông
Viết xong bài Phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam, tôi vẫn còn một câu hỏi tự đặt ra: - Tại sao người Bắc cúng ông bà vào dịp Tết với Bánh chung, bánh dầy, trong khi người Nam cúng với bánh Tét, bánh ít?
Tôi lang thang trên Mạng để tìm hiểu, có người cho biết khi chúa Nguyễn và Tây Sơn đánh nhau dưới thời Nguyễn Ánh, quân lính bận việc binh nên dùng bánh Tét như lương khô. Có thể đúng một phần là dùng bánh Tét như lương khô, nhưng muốn gói bánh Tét phải ngâm nếp ít ra một đêm, gói rồi nấu, nấu mất chừng sáu bảy giờ, mất nhiều thời giờ; cho rằng vì bận đánh nhau nên biến bánh chưng thành bánh tét, tôi thấy chưa đủ thuyết phục về nguồn góc bánh Tét.
Thấy có thư “Tìm bạn” của anh Kim Ny trên Web Thất Sơn Châu Đốc, biết anh cũng dân Châu Đốc lại ở Nam Vang nhiều năm, nên tôi viết email cho anh, hỏi anh xem người Khmer có dùng bánh Tét, bánh phồng không, tôi đã được anh nhanh chóng trả lời:
Jan. 30th. 2011
Anh Tông,
Tui rất mừng được mail của anh, tui biết web TSCD có chừng 3 tuần, khi tui đọc bút ký của anh Nghĩa Con đường cũ, tui thấy tên Ba tui với tên tui, như một cái chiêm bao, 52 năm trở lại, từ 1958 tui không có về Châu đốc nữa, tui biết anh Nghĩa ở nhà thầy Khá, cách nhà tui 3 căn, khi gây lộn, anh chửi tui, thằng thổ chết mới đen thui, bây giờ anh chết rồi, tui không còn gặp anh nữa.
Ba tui về hưu năm 1962, rồi bán nhà cho người khác, Ba tui đi ở Xà Tón, Ba tui mất năm 1970, má tui mất năm 1960. Ở Nam Vang, tui ở trọ nhà bà con, tui làm việc ở Nam Vang từ năm 1968.
Năm 1970, quân đội Mỹ, QLVN tiến vô Kampuchea đánh VC. Quân lực Miên thiếu sĩ quan, công chức nhà nước được đi huấn luyện ở trường huấn luyện Long Hải, Chi Lăng.
Tui được đi huấn luyện ở Chi Lăng 3 tháng, rồi ở Indonesia 2 tháng. Tui ở Nam Vang tới 1975, tui ở dưới Pol Pốt hơn 1 năm, rồi trại tỵ nạn Thái 4 tháng, rồi định cư ở Pháp. Tui có một truyện nhờ anh viết dùm một bút ký có thật tựa “Định mệnh”.
Ở Pháp tui gặp giáo sư cũ người Pháp, giúp Tui học thêm được bằng cấp doctorat, tui dạy ở trường Institut national des technique de la mer (Conservatoire national des arts et métiers).
Bây giờ tui về hưu, về vụ bánh Tét (nom ansom brai) nhưng đậu xanh và mở, (ansom chhet) bánh tét chuối, tui biết là của Miên họ làm bánh để cúng ông bà nhân việc lễ pchum ben (tháng 9) như lễ Thanh minh của người Tàu. Chỉ có Miên và Lào dùng nếp nhiều trong món ăn. Miên ít dùng bánh phồng.
Còn bánh phồng không phải của Miên, chỉ có Việtnam ăn xôi với bánh phồng. Xin anh tha thứ nếu tui làm lỗi khi tui viết. Tui còn nhớ ở lớp nhất, khi tui viết bài văn, thầy Phương đọc cho cả lớp nghe, ở nhà tui nói tiếng Miên, ở trường học tiếng Việt, tiếng Pháp khi nói chuyện tui dùng ba thứ tiếng lộn xộn đầu óc. Từ 1958 ít có nói và viết tiếng Việt, hiện tui ở Pháp thành phố CAEN vùng Base Normandie.
A happy new year of good Heath, Happiness and Prosperity May all of your wishes be granted.
Kim Ny
Trong thư anh nhắc đến Nghĩa, đến truyện Con đường cũ, Lưu Nhơn Nghĩa thì tôi cũng có quen biết trên 50 năm trước, nhưng Con đường cũ tôi chưa đọc nên không biết Nghĩa đã nói chi liên quan đến anh Kim Ny, còn anh nhắc đến chuyện hai người gây lộn, Nghĩa đã chửi anh Kim Ny và anh tỏ lòng tiếc thương là không còn gặp lại nữa. Do đó, gợi lòng tò mò, tôi tìm Con đường cũ đọc lướt qua mấy đề mục, rồi chọn đề mục áp chót, tôi đọc thấy Nghĩa nhắc đến dãi phố anh ở, có căn phố ông phán Nen là thân phụ của anh Kim Ny. Dãi phố toàn là công chức, nào là ông Đốc Châu Văn Đồng, thầy giáo Khá, ông phán Nen. Xưa công chức người ta thường nói tới là ông phán, thầy thông, thầy ký, thầy giáo.
Tưởng cũng nên biết, ông phán là chủ sự hay trưởng phòng, thầy thông là thông ngôn, nay ta gọi là thông dịch, thầy ký là thư ký, còn ký lục là người thơ ký làm ở tòa án sao lục án tòa, khai sanh, phiếu lý lịch số 3 …. một đàng gọi là thầy, một đàng gọi là ông, khi gọi ông chánh, tức Chánh tham biện hay là Tỉnh trưởng sau này.
Anh Kim Ny và tôi trùng hợp nhau ở chỗ, học tiểu học ở Trường Nam Châu đốc, nhưng lên Trung học lại không học Thủ Khoa Nghĩa hay Bán Công Nguyễn Hữu Cảnh như hầu hết người Châu đốc thời bấy giờ, anh học Lycée Descartes ở Nam Vang, tôi học Collège Technique De Saigon sau đổi thành Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, cũng đi lính tráng, rồi đi xa xứ, nay cả hai tuổi đều đã “Thất thập cổ lai hy”.
Trong bài Món ăn xứ Xà Tón (trước 1954), anh Lưu Nhơn Nghĩa cho rằng bánh tét bánh ít người Khmer học của người Việt Nam nhưng ngon không kém, theo thư trên của anh Kim Ny bánh tét là của người Khmer.
Trở lại với Con đường cũ, còn một mục chót tôi đọc luôn, đoạn kết thúc lạ lùng, cô đọng ở dòng chót, làm tôi không nén được cười, phải tắt máy vi tính để cười một trận cuối năm.
Tôi dắt chiếc xe đạp lẫn lộn nhóm học sinh, tìm cách làm quen. Học sinh đi từng nhóm, sử dụng ngôn ngữ “thông dụng” với nhau như tiếng đệm bình thường trong mỗi câu nói, lập đi lập lại nghe ngộp thở. Dù tôi có thời dùng nó trong lính, nhưng chắc không bao giờ dám dùng trên đường tới trường. Tôi bạo dạn hỏi: “Sao mấy cháu chưởi thề nhiều quá vậy?”. Mấy đứa bé nhìn tôi cười vui vẻ, pha trộn chút thái độ sành đời, ngước mặt vén hất, hãnh diện “Học sinh Thủ Khoa Nghiã mà chú”. Máu lính ngày trước trào lên cổ tôi bất ngờ, không kềm hãm kịp, “Ê, ĐM mầy, tao cũng Thủ Khoa Nghiã đây nghe”.

No comments:

Post a Comment