Sunday, February 27, 2011

Làng tôi

Làng tôi

Làng tôi là một cù lao nằm trên sông Hậu, trong Đại Nam Nhất Thống Chí ghi đó là Cù lao Năng Gù có nhiều tre gai. Cù lao này dài khoảng 10 cây số, ngang chỗ rộng nhất nằm giữa cù lao khoảng 3 cây số. Thời xưa có tên là làng Bình Lâm, thời Pháp thuộc có tên là làng Bình Thủy, thuộc Tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Làng Bình Thủy trên đất cù lao Năng gù có ba ấp là Bình Phú, Bình Thới, Bình Hòa còn có thêm ấp Bình An nằm bên phần đất liền, giáp ranh với phần đất phía Đông tỉnh Châu Đốc.
Cù Lao Năng Gù phía Bắc là sông Hậu Giang, bên kia sông là làng Mỹ Hội Đông, thuộc quận Chợ Mới, phía Nam là phụ lưu sông Hậu Giang, tách ra từ đầu cù lao và nhập lại vào cuối cù lao, bên kia sông là con đường liên tỉnh 10 Long Xuyên – Châu Đốc thuộc xã Bình Mỹ, phía Đông giáp với làng Bình Hòa, phía Tây ở Ấp Bình An giáp với làng Bình Mỹ. Trên cù lao có hai con rạch : Rạch Cát chạy từ đầu cù lao đến cuối cù lao, cách sông Hậu Giang chừng 500 thước; Rạch Chanh chạy từ đầu cù lao, chạy song song với nhánh sông, rồi đổ ra nhánh sông ở khoảng giữa cù lao, nơi đó có ngôi đình làng, nơi đây làng cho đào một con kinh cắt ngang cù lao, để nhánh sông thông qua sông Hậu Giang, thuận tiện cho việc lưu thông thủy bộ trong làng.
Về mặt tôn giáo, ấp Bình Phú và Bình Thới hầu hết theo đạo Phật sau năm 1939, đa số chuyển sang đạo Phật Giáo Hòa Hảo, ấp Bình Hòa có một số tín đồ Tứ Ân của Phật Thầy Tây An, thường gọi là đạo Hiếu Nghĩa, riêng ấp Bình An toàn thể theo Thiên Chúa Giáo, có một ngôi nhà thờ Năng Gù xây dựng từ thời Pháp thuộc. Khi còn nhỏ, tôi nghe có Linh mục Poulo cai quản giáo xứ Bình An này, nhưng khi lớn lên, vào quân đội đóng ở Sóc Trăng, người địa phương cho biết Giám mục Poulo cai quản địa phận từ Nam Vang chạy dài xuống theo dòng sông Hậu, qua các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ cho tới Sóc Trăng.



Sau năm 1975, thời ba tỉnh nhập một Long Châu Hà, có một nhân vật cách mạng quê ở Cái Dầu, lấy vợ ở cù lao Năng Gù, ông ta đã nâng thị trấn Cái Dầu thành Huyện lỵ Châu Phú, rồi đem cù lao Năng Gù xáp nhập vào huyện Châu Phú với sự thay đổi là tách ấp Bình An ra khỏi làng Bình Thủy, lập thêm một ấp Bình Quới, làm cho làng Bình Thủy nằm trọn trên cù lao Năng gù có bốn ấp: Bình Phú, Bình Quới, Bình Thới và Bình Hòa, làng Bình Thủy trở lại là làng Phật Giáo, có nhiều giáo phái, có một ngôi chùa làng, một ngôi chùa tư, một ngôi đình cổ, một ngôi trường học có từ lâu đời và một ngôi chợ ở đầu làng.
Còn ấp Bình An tách ra khỏi làng Bình Thủy, cộng thêm một phần đất xã Bình Hòa lập thành xã Bình An, vẫn thuộc huyện Châu thành tỉnh An Giang. Là một xã có đạo Thiên Chúa giáo.
Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng gù, về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng gù cả. Đây là sự sai lầm mà chúng tôi muốn giải thích nguyên do vì sao có tên là “Bắc Năng Gù”.
Địa danh “Năng Gù”, có lẽ cũng như “Chắc Cà Đao”, “Mặc Cần Dưng”, không phải nguồn gốc từ tiếng Việt, có thể địa danh của người Khmer còn để lại.
Theo lời truyền tụng lại, ngày xưa có một ông họ Dương đem gia đình, gia nhân đến cù lao Năng Gù khai hoang, lập làng được gọi là ông Tiền Hiền, ông có bài vị thờ trong đình làng.



Gia đình tôi có liên hệ đến ông Tiền Hiền, nguyên xưa kia ông Sơ tôi nghèo, sau vụ mùa lúa, ông đi xuống miệt dưới (Sa đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long …), để làm thuê, trong khi đó bà Sơ tôi ở nhà sanh ra ông Cố tôi, khi ông Sơ tôi trở về, bị ông bà thân của bà Sơ tôi bắt lỗi là vợ sanh mà không ở nhà lo cho vợ con, cấm tuyệt không cho ông Sơ tôi vào nhà, ông Sơ tôi ngồi ở bên cạnh nhà, khóc suốt đêm rồi bỏ đi biệt tâm từ đó.
Về sau bà Sơ tôi lấy chồng khác, đem ông Cố tôi cho làm con nuôi quan Phủ Nguyễn Bá Thanh, nên được lấy họ Nguyễn, nhờ là con nuôi của quan Phủ nên ông Cố tôi cưới được con gái út của nhà họ Dương, thuộc dòng dõi ông Tiền Hiền kể trên. Ngày nay trên phần đất họ Dương chia cho bà Cố tôi có ngôi mộ của ông Tiền Hiền. Còn phần mộ ông bà Cố tôi lại nằm trong phần đất gần khu mộ của gia đình ông Phủ. Chính bên ngọai của Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cũng thuộc dòng dõi họ Dương của ông Tiền Hiền này.
Khoảng cuối thập niên 50, con cháu họ Dương cất một phủ thờ trên phần đất họ Dương bên cạnh đình làng, rước bài vị họ Dương từ đình sang phủ thờ tế tự từ đó. Ý kiến cất một phủ thờ riêng cho ông Tiền Hiền, cha tôi là cháu ngoại họ Dương, là Hương chức trong làng có nêu ý kiến là khi lập phủ thờ, ông Tiền Hiền chỉ được con cháu họ Dương cúng kiến mỗi năm một lần vào ngày giỗ, còn nếu vẫn để bài vị trong đình thì mỗi năm được Hương chức làng đứng ra cúng kiến mỗi năm ba lệ tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chạp không phải là cao quí hơn sao ? Nhưng những người gánh họ Dương quyết tâm xây cất phủ thờ họ Dương.



Hồi tôi còn nhỏ, khoảng 4 tuổi, tôi nhớ được ngôi nhà cũ của cha tôi, đó là ngôi nhà của ông bà để lại, nhà ba căn, cất sát ngay cạnh nền nhà của ông Phủ ngày xưa, sau đó cha tôi đã dời nhà về miếng đất mới mua, cất ngôi nhà mới chưa hoàn tất thì đất nước xảy ra cuộc cách mạng mùa thu năm 1945.
Bên cạnh ngôi nhà cũ, cô tôi thường kể có nhà bà mụ Ba, chồng bà mụ Ba cũng là con nuôi của quan Phủ, Bà mụ Ba thật có thiên tài, sanh cho những người bị nhao choàng rất dễ dàng, có ai rước bà đi sanh, bà hỏi tuổi của người mẹ rồi đánh tay, biết người mẹ sanh con vào lúc nào, có khi sau khi đánh tay xong, bà bảo người đi rước mụ hãy để cho bà ăn trầu, uống nước thư thả rồi hẳn đi vì sản phụ chưa sanh, có lúc bà hối thúc người rước mụ đưa bà đi nhanh lên, kẻo không kịp đến nơi thì sản phụ đã sanh, có khi bà bảo cho người đi rước biết là sản phụ đã sanh rồi, trăm lần như một đều đúng không sai một mải mai.
Nhưng mà trong làng có bà mụ Ngũ còn danh tiếng hơn, chuyện sau đây được truyền tụng sang các làng khác, cho đến ngày nay vẫn còn được nhắc nhở như sau :
Một đêm khuya, có việc bà mụ Ngũ ra khỏi nhà, liền gặp ngay một con cọp đang nằm phục sẳn trước mặt bà. Bà mụ sợ hãi nhưng còn kịp suy nghĩ nên khấn nguyện với con cọp.
- Tôi là người hiền lương, nếu ngài cần chi tôi sẵn lòng giúp, xin ngài đừng hại tội nghiệp.
Cọp như nghe được tiếng người, liền tỏ vẻ cung kính và như mời bà mụ lên lưng. Mặc dù sợ cọp nhưng bà mụ cũng đánh liều leo lên lưng cọp.
Cọp liền cõng bà mụ đi, qua vài con rạch len lỏi trong những bụi tre rừng, vài đám sậy, chừng một khắc thì đến dưới một góc cây to. Bà mụ thấy ở đó có một con cọp cái đang hung hăng chừng như đau đớn lắm, bà ta định bụng chắc cọp cái đang có chửa sắp sanh liền nói:
- Nếu như ngài muốn cho tôi sanh con ngài êm ái, xin ngài nằm yên, đừng làm cho tôi sợ hãi, tôi sẽ hết lòng giúp ngài.
Cọp cái lúc ấy nằm yên, bà mụ giúp cọp cái sanh con. Xong xuôi cọp đực liền mọp xuống, bà mụ lúc này đã yên tâm leo lên lưng cho cọp mang về.
Lúc bà mụ bị cọp cõng đi trong nhà không ai hay biết, lúc hay được, báo tin cho hàng xóm, dân làng đốt đuốc, gõ mõ đưa nhau đi tìm, tìm mãi mà không thấy nhưng đến khoảng canh tư thì bà mụ được cọp cõng về trả ở sau vườn, bà đi vào nhà thuật lại chuyện được cọp mời đi sanh cọp con, mọi người bán tín bán nghi.
Đến ba hôm sau, trời vừa hửng sáng, bà mụ dậy sớm ra quét sân thấy có một con heo đúng tạ, vừa bị cọp vồ đặt giữa sân. Dân làng biết được đến xem heo và thấy dấu chân cọp họ mới tin, nhưng sợ là cọp đã vồ heo trong làng, nên cho người đi các nơi dọ hỏi dân trong làng và làng bên kia sông, kết quả không có ai mất heo. Gia đình bà mụ lúc đó mới yên tâm làm heo ăn mừng, và chừa lại cái đầu, tối đến bà mụ đem đầu heo ra sân kiến lại cho cọp, đêm đó cọp về tha đầu heo đi mất.
Từ đó người ta tin tưởng cọp ở trong làng, không làm hại ai cả mà lại còn có nghĩa, nên Hương chức trong làng họp lại làm một tờ cử. Cử cọp làm ông xã trưởng, mỗi năm cứ đến dịp đình cúng lệ Kỳ yên, dân làng đều có dành kiến cho ông Xã cọp một đầu heo và làm một tờ cử mới, năm nào cũng như năm nào sau đêm cúng, sáng ra người ta thấy có dấu chân cọp về tha đầu heo đi, để lại tờ cử cũ năm trước và lấy tờ cử mới. Ai cũng lấy làm lạ, về tờ cử cũ không biết ông Xã cọp cất giấu ở đâu, mà suốt năm tờ cử vẫn còn mới nguyên.
Mỗi năm dân cư mỗi đông, ruộng đất được khai khẩn thêm, biến những tre rừng, lau sậy um tùm thành ruộng đất xanh tươi, từ đó ông Xã cọp không còn nơi ở, không nhận tờ cử mới và đầu heo. Nhưng trong những ngôi miếu trước sân đình, có một ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây thị to vẫn còn chổ thờ phượng ông Xã cọp. Ngày nay người ta đã biến thành miếu Thổ thần, vẫn có người đem đem con khó nuôi đến miếu, ký bán con mình để được dễ nuôi ngon ăn chóng lớn.
Mặc dù đất Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, nhưng cũng như những ngôi đình khác, Thần hoàng phải có sắc phong của vua Nam triều, nên vào thập niên 30, Ban Hội Tề làng Bình Thủy đã làm Sớ gửi tới triều đình Huế, dưới thời vua Bảo Đại để xin thỉnh cầu sắc phong thần hoàng đã tôn thờ ở đình làng, Sớ viết chữ Hán:

No comments:

Post a Comment