Sunday, February 27, 2011

HOA PHƯỢNG VĨ

HOA PHƯỢNG VĨ
Dương Văn Chung



Tôi rất thích cây điệp tây, tức là cây phượng, hoa màu đỏ thắm, rực rỡ trên nền lá xanh tươi, tàng cây cao rộng, che phủ một phần sân trường Tiểu học Nam Châu đốc. Người Hoa gọi cây phượng là phượng vĩ tùng, phượng là con chim phượng, vĩ là cái đuôi, vì lá của nó nhỏ như lá me, mọc đối xứng nhau trên một cọng nhỏ, rồi những cọng này lại mọc đối xứng trên một nhánh lớn, tạo thành một mảng lá xoè ra, thu nhỏ dần ở cuối nhánh, giống như đuôi con chim phượng. Hoa phượng nở vào mùa hè, báo hiệu cho học trò hai cuộc vui: lễ phát phần thưởng và bãi trường.
Lễ phát phần thưởng hàng năm được tổ chức thật long trọng. Quà để thưởng gồm có đồng hồ, viết máy, ra-đi-ô, sách đủ loại, trong đó xôm nhứt là những quyển từ điển. Tỉnh trưởng hoặc Phó Tỉnh trưởng đến khai mạc buổi lễ. Quan khách, phụ huynh học sinh, quý thầy cô giáo và học sinh tham dự chật rạp hát Lạc Thanh. Học sinh được lần lượt xướng danh lên lãnh thưởng. Phần thưởng thấp nhứt phát trước, phần thưởng cao nhứt là phần thưởng danh dự toàn trường phát sau cùng. Để cho buổi lễ được long trọng và tăng thêm danh dự cho học sinh lãnh thưởng, thầy điều hợp viên buổi lễ tuyên bố phần thưởng nầy do Đức Quốc Trưởng Bảo Đại hoặc Đức Từ Dụ (thân mẫu của vua Bảo Đại) ân tứ, phần thưởng kia do Thủ Tướng Chánh Phủ khen tặng. Những màn văn nghệ rất hay và rất ý nghĩa như Trọng Thủy Mỵ Châu, Lê Lai Liều Mình Cứu Chúa…v.v. được quý thầy cô biên soạn cho học trò trình diễn, giúp cho buổi lễ Phát phần thưởng hết sức sinh động.
Lễ phát phần thưởng chấm dứt, học sinh nghĩ hè ba tháng.
Sau chín tháng “xôi kinh nấu sử”, học sinh ai cũng cảm thấy thấm mệt. Bãi trường là một dịp nghỉ ngơi để giải tỏa bớt những dồn nén, căng thẳng trong đầu, như Xuân Tâm đã mô tả niềm vui lúc Nghỉ hè trong Lời Tim Non (1941):
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !
Thật vậy, trong lòng của mỗi học sinh lúc đó đều thoải mái, tươi mát như cảnh vật mùa xuân.
Ai cũng vui vẻ, cởi mở:
Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã,
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu.
Niềm vui ấy tràn đầy, không dấu diếm được nữa:
Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tâm lý chung là không còn muốn ngó ngàng gì đến bài vở nữa, mà chỉ nghĩ đến lúc sum họp gia đình và cảnh đẹp đẽ của mùa hè:
Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ,
Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Nôn nóng ngày về quê, không ăn ngủ được:
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu,
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Bây giờ khi nào có dịp nhìn thấy hoa phượng đỏ, tôi nhớ lại thuở còn đi học, cuối năm rộn rịp với ngày lễ Phát phần thường, nhớ bài thơ Nghỉ hè của Xuân Tâm tôi đã học thuộc lòng hồi năm Lớp Nhì, đã diễn tả đúng tâm trạng chung của học trò, thật sung sướng và thư giãn nghỉ hè ba tháng.




THẦY TÔI
Dương Văn Chung

Quý thầy, cô giáo của tôi ngày xưa ai cũng tốt. Nhưng vì khuôn khổ của bài hồi ký có hạn, tôi xin chỉ ghi lại kỷ niệm với một số quý thầy cô để làm ví dụ điển hình.

Thầy giáo đầu tiên của tôi là ba tôi. Chữ viết của ông rất đẹp và chân phương, có nghĩa là không “hoa lá cành”, mà ngang bằng, sổ thẳng. Ba tôi không biết chữ Pháp, nhưng không rõ ông học với ai mà đọc cửu chương làu làu bằng tiếng Pháp, rất đúng giọng và làm bốn phép tính rất giỏi. Thời đó, trong làng tôi, Ba tôi được xem là người văn hay chữ đẹp. Mỗi lần tôi tập viết không chuẩn hoặc làm toán sai, Ba tôi hự một tiếng, tôi sợ quá, vụt chạy ra sau hè, ba tôi rượt theo, tôi lượn vòng mấy gốc xoài, đến sau nhà ông nội tôi ở kế cận. Ông nội tôi hỏi:
- Chuyện gì vậy ?
- Học hành chẳng nên thân. Ba tôi đáp.
Lần nào ông nội tôi cũng can gián:
- Thôi đi mầy, từ từ dạy nó.
Ba tôi không rầy la tôi nữa, nhưng vẻ mặt còn giận lắm.
Nhờ học với Ba tôi, lúc lên sáu tuổi, tôi đọc rành chữ Việt. Ông cố thường kêu tôi đọc truyện tàu như Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Tiết Nhơn Quí Chinh Tây, Phản Đường…v.v., đọc xong được Ông cố thưởng một trái chuối già thật lớn. Và khi vào trường Tiểu Học Châu Đốc thì vào thẳng lớp Dự Bị (Cours Preparatoire) sau nầy gọi là lớp Tư, toán không kém ai, nhưng Pháp văn thì khóc ròng với cách chia động từ Có (Verbe Avoir) và động từ Thì, Là (Verbe Être). Học khá lâu tôi mới theo kịp các bạn về Pháp văn.

Ông thầy thứ hai trong đời là ông Hai Phát, thầy dạy chữ Nho tại nhà. Ông Hai không dữ, nhưng hay dùng roi cá đuối cọ trên mép bộ ván ngựa nghe rột rột để hăm he, đe dọa môn sinh. Đến lệ cúng Tiên Sư, ông bảo mỗi môn sinh về thưa với cha mẹ tùy hỉ cho mỗi đứa đội nếp, đậu xanh, đường thẻ…đến để ông nấu chè cúng. Cúng xong, ông dọn ra cho học trò ăn để được sáng dạ. Học được mấy tháng, tôi thấy không nhớ nổi mặt chữ nên xin nghỉ học. Thằng em kế tôi mới đáng thương, nó học chữ nho chung với tôi. Nó xin thầy cho phép đi cầu. Cầu bắc bằng một tấm ván ở bờ sông, ngay trước nhà thầy, tôi ngồi trong lớp có thể nhìn thấy và trông chừng em tôi. Nó đem tập vở theo làm như siêng học lắm. Đến cầu, nó kéo quần xuống làm ra vẻ đi cầu, chỉ trong giây lát thì kéo quần lên, cầm tập vở chạy u về nhà gần đó. Tôi thưa với thầy chuyện thằng em trốn học. Thầy bảo học trò, trong đó có tôi, đến nhà khiêng em tôi trở lại lớp. Đó là cách phạt vạ học trò trốn học ngày xưa. Ba tôi bảo tôi:
- Con thưa với thầy em nó sợ quá, xin cho em nghỉ học luôn đi. Ba sẽ thưa với Thầy sau.
Bọn học trò chúng tôi đành đi tay không trở về lớp.
Học với ông Hai tôi chẳng nhớ được gì ngoài câu nghiêm huấn:
“Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy. Ơn thầy tôi nhớ mãi.

Ở lớp Dự Bị, tôi học với thầy Phùng. Thầy ốm yếu, rất hiền, trên tay luôn cầm một chai dầu gió hiệu Nhị Thiên Đường, thỉnh thoảng đưa lên mũi hít.

Tôi học với thầy Lê Văn Vững hai năm, lớp Sơ Đẳng tức là lớp Ba ( Cours Élementaire) và lớp Trung Đẳng, lớp Nhì ( Cours Moyen), nhưng tới giữa năm lớp Nhì thì thầy cùng với hơn ba mươi thầy cô giáo khác bị công an Pháp bắt giam tại Ty Công An Tỉnh Châu Đốc vì bị tình nghi tham gia kháng chiến chống Pháp. Tôi nghỉ học để đem cơm cho thầy suốt mấy tháng thầy bị giam. Một phần vì nghỉ học lâu quá sanh ra lười biếng, một phần vì muốn có dịp trả ơn cho dì dượng tôi đã nuôi tôi đi học, sau khi thầy được phóng thích, tôi xin thầy cho nghỉ học để đi góp tiền đò cho dì dượng tôi. Dượng tôi trúng thầu bến đò Châu Giang và bến đò Cồn Tiên. Thầy viết thư cho ba tôi, nói nếu gia đình gặp khó khăn về tài chánh, xin để thầy lo cho tôi tiếp tục đi học, cho đến khi thành tài, thầy trả tôi lại cho ba má tôi. Thầy giác đác cây còn non mà đốn làm củi chụm không có lợi bằng dưỡng cho cây lớn đem xẻ thành ván bán. Nhưng vì dì dượng tôi cần, nên ba tôi vẫn cho tôi nghỉ học.
Tôi còn nhớ, tuy với đồng lương giáo viên khiêm tốn, thầy đã bỏ tiền túi để đóng lệ phí lên án thế vì khai sanh cho ba đứa học trò, trong đó có tôi.
Thầy dạy chúng tôi gọi vợ thầy là thím. Cuối năm học, thầy bảo thím làm bánh quai vạc để học trò đem vào lớp ăn tất niên. Bữa liên hoan có quý thầy cô lớp khác đến dự. Thầy dạy cho tôi đọc diễn văn chào mừng quý thầy cô, cảm ơn thầy đã cực khổ dạy dỗ.
Chưa hết. Trong thời gian bãi trường, thầy mở lớp dạy miễn phí tại nhà, chẳng những cho học trò của thầy mà còn học trò lớp khác hoặc con của bạn bè.
Thầy rất nghiêm. Học trò kính mến và rất sợ thầy. Đối với học trò trai, thầy hay véo tóc mai hay bắp vế non, vừa véo thầy vừa nói:
- Con ơi là con!
Có lần một anh bạn trong lớp là anh Thời bị thầy gọi lên trả bài. Phần không thuộc bài, phần sợ bị đòn, anh cuống lên, hỏi thầy trả bài gì, thầy nói:
- Bài luân lý chớ bài gì?
Anh Thời sợ quá, cứ lặp đi lặp lại:
- A luân lý a…luân lý a…
Thầy nhịp roi, anh Thời chạy, thầy rượt theo, anh Thời chạy vòng vòng các dãy bàn, hong anh đụng vào cạnh bàn sưng một cục.
Khi thầy, thím mất tôi đi làm xa, không hay biết. Sau đó tôi về viếng mộ, thấy mộ của thầy, thím rất đẹp đẽ, nghe nói do anh Triều, lúc bấy giờ là Thiếu Tá và các anh chị khác, học trò cũ của thầy, cùng đứng ra lo chôn cất và xây mộ.

Nhớ lại sau khi tôi nghỉ học một năm để đi góp đò, thầy Vững khuyên tôi vào học lại. Trường tựu giữa tháng Chín năm trước, lúc tôi vào học lại là tháng Một năm sau, đã trễ bốn tháng rồi, thầy lại gởi tôi vào học lớp Nhứt (Cours Supérieur ) của thầy Đặng Văn Thuận. Thầy Thuận muốn từ chối vì lẽ lớp thầy học trò dỡ chiếm số đông, bây giờ nhận thêm một đứa học dở dang lớp Nhì mà lại nhập học trễ nữa thì thầy kéo không nổi, thầy Vững bảo đảm nếu tôi không học nổi thì thầy nhận lại, cho tôi học lại lớp Nhì của thầy. Thầy Thuận nhận. Tháng đầu tôi được xếp hạng tư, tháng kế lên hạng nhứt. Thầy Thuận vừa lòng thấy tôi chuyên cần. Để khuyến khích cả lớp cố gắng lên, thầy Thuận nói:
- Tháng tới đứa nào dành được hạng nhứt của thằng Chung thầy cho hạng nhứt trọn năm.
Hết sức cố gắng, tôi vẫn giữ luôn hạng nhứt đến cuối năm.
Thầy Thuận rất hiền, cao ráo, đẹp trai, nhưng rất đàng hoàng về tình cảm, thích đánh quần vợt. Năm đó là năm cuối cùng chúng tôi thi lấy Bằng Tiểu Học Bổ Túc Đông Dương C.E.P.C.I. (Certificat d’Étude Primaire Complémentaire Indochinois), có môn thi Pháp văn. Thầy Thuận dạy lớp tôi trúng tủ bài chánh tả Pháp Chez nous.


Tôi cũng không quên Bà Đốc Mót dạy Pháp văn, đã thông cảm với đứa học trò nghèo, cho tôi năm mươi đồng bạc để làm lộ phí đi Cần Thơ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Sau 30-04-1975 Bà được định cư tại Pháp, xuất gia lên đến phẩm vị Sư Cô và viên tịch tại đó.

Suốt đời tôi vẫn nhớ cái tát tay nẩy lửa của thầy Hỷ giáng cho tôi và anh Thành, bạn dì ruột của tôi. Đang ngồi học trong lớp Nhứt của thầy Thuận, nghe có tiếng lựu đạn nổ ngoài chợ, do Việt Minh gài. Giờ ra chơi, anh Thành và tôi chạy về nhà, cách trường chỉ độ ba mươi mét, để thăm người chị dâu đi chợ về chưa, có an toàn hay không. Thấy chị đã về nhà bình yên, chúng tôi quay trở lại trường thì gặp thầy Hỷ đang đứng nói chuyện với một vài thầy khác, thầy Hỷ kêu chúng tôi hỏi:
- Mấy đứa bây đi đâu về ?
Chúng tôi giải trình xong thì thầy Hỷ cho ăn đòn như trên. Thầy nói:
- Mấy đứa bây đi như vậy, tụi mật thám thấy sẽ nói vừa đi thẩy lựu đạn xong rồi chạy về thì làm sao giải thích ?
Chúng tôi không giận thầy Hỷ. Cái tát tai của thầy làm chúng tôi sáng mắt ra, học được một bài học khôn.

Xin mọi người thông cảm, bài hồi ký nầy không nhằm mục đích khoe chuyện học hành ngày xưa, mà chỉ muốn ghi lại một vài kỷ niệm khó phai về những ân tình mà quý thầy cô giáo đã dành cho học trò, không khác nào cha mẹ đùm bọc, chở che cho con cái.

Con xin thắp nén tâm hương với lòng biết ơn chân thành kính dâng lên tất cả quý Thầy, Cô mà con đã học và nguyện cầu cho quý Thầy, Cô được siêu thoát.

No comments:

Post a Comment