Sunday, February 27, 2011

CHỊ THẰNG BIỆN

CHỊ THẰNG BIỆN
Khiêm Cung


Tình cờ đứa cháu ngoại gái của tôi, tuổi vừa đôi tám, cắc cớ hỏi:

-Trước khi cưới bà, ông ngoại có bồ hay không?

Tôi khẳng định là không. Nhưng câu hỏi đó đã làm cho tôi mơ màng nhớ lại một hình bóng cũ.

Lúc còn đi học tại Châu Đốc, tôi ở nhà của người dì ruột, chị Hai (chị cả) của mẹ tôi. Gia đình Dì Hai sống trên một cái nhà bè, đậu kế bên vàm Kinh Ông Cò, trước dinh Ông Trường Tiền. Thuở đó, mặc dầu chế độ Pháp thuộc gần tàn, các chức tước được xưng hô vẫn chưa thay đổi mấy. Kỹ sư thường được gọi là bác vật, người trắc lượng viên đo đạc đất đai gọi là ông kinh lý, còn ông kỹ sư trưởng Ty Công chánh gọi là ông Trường tiền. Oai ơi là oai!

Nhà bè của Dì Hai, bên trong là nhà ở, chung quanh nhà có chừa hành lang để đi tới đi lui. Trước nhà bè, phía ngó ra giữa sông có một cái bè lộ thiên, có nghĩa là không có mái che, dùng để chằm lá buôn, lá lợp nhà để bán. Bà con ở thôn quê ra chợ mua hàng hoặc đem nông phẩm ra chợ bán, thường buộc nhờ ghe xuồng vào nhà bè hoặc bè lộ thiên của Dì tôi. Một cây cầu ván có tay vịn bắc từ nhà bè lên bờ.

Cặp bên cầu ván có chiếc ghe nhỏ có mui, gọi là “ghe cui” của gia đình anh Thâu, bạn tôi, sợ tây bố, tản cư từ Bắc Đai Vung Thăng ra đây ở. Chiếc ghe chỉ dài khoảng hơn ba mét, ngang chưa đầy hai mét, phía trên và dọc theo cái mui còn che thêm một mái che như mái nhà, gọi là nhà đùm. Ông bà Tư, ba má anh Thâu ngủ trong ghe, còn anh Thâu ngủ trong nhà đùm. Thằng Biện, quen với anh Thâu, nhà ở Bãi Gáo, ra tỉnh học, ở trọ ghe anh Thâu, cũng ngủ trong cái nhà đùm đó.

Tôi ở nhà quê, ra tỉnh học trễ. Biện đang học lớp nhứt, còn tôi học lớp đệ ngũ, lúc đó tôi đã lên 19, lứa tuổi bắt đầu mộng mơ. Biện thường nhờ tôi chỉ cho làm văn hoặc toán. Biện học hành ngày một khá hơn. Tôi không ngờ em về khoe với gia đình rằng sự tiến bộ của em là nhờ có tôi kèm dạy thêm. Tôi không quen biết trước với Biện, cũng không biết gia cảnh của Biện, chỉ nghe Thâu nói gia đình Biện ở Bãi Gáo, muốn đến đó, phải đi đò từ chợ Châu Đốc qua bến Cồn Tiên-Đa Phước, quẹo trái, chạy xe đạp lên một đổi khá xa.

Rồi một buổi sáng nọ, tôi bất chợt gặp một cô gái quê, mặc đồ bà ba đen, đội nón lá, đang buộc chiếc xuồng ba lá bên hong nhà bè của Dì Hai tôi. Tôi sững sờ nhìn thiếu nữ đó, dáng người thong dong, cân đối, nước da trắng, mặt trái soan, má hơi ửng hồng có lẽ do rám nắng đồng nội, chân mày vòng nguyệt, môi phơn phớt đỏ, tóc kẹp đen mịn, dài quá nửa lưng. Nàng bước lên cầu ván, đi đến chỗ ghe anh Thâu đậu thì dừng lại, chào hỏi ông bà Tư, anh Thâu và gọi Biện ra để thăm. Rồi nàng đi chợ. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo.

Thâu cho biết thiếu nữ đó là chị ruột của Biện và rủ tôi một ngày đẹp trời nào đó đến thăm nhà Biện.

Không biết Thâu báo trước cho gia đình Biện thế nào mà lúc anh và tôi đến thăm, ba má Biện tiếp đón hết sức niềm nỡ. Chị của Biện có vẻ e thẹn đem nước ra mời chúng tôi. Ba má Biện hỏi thăm gốc gác tôi, tôi nói quê ngoại tôi ở Vĩnh Lộc, hai bác nói có quen với một người ở Vĩnh Trường, người đó là Dì Hai Kỷ, bà con với mẹ tôi.

Chúng tôi ăn bữa cơm khách ở nhà Biện. Cơm dọn trên một chiếc đệm đương bằng cỏ bàng trải trên sàn nhà, mọi người ngồi xếp bằng trên đệm để dùng cơm. Bữa cơm rất ngon miệng với canh chua, cá kho và cá lóc nướng trui chấm nước mắm xoài sống xắt nhỏ. Sau bữa ăn, ở nán thêm một lát nữa, chúng tôi kiếu từ ra về.

Không biết anh Thâu nhà ta nói gì mà khoảng một tháng sau đó, ba má của Biện nhắn với Dì Hai Kỷ nếu cha mẹ tôi tiến tới thì gia đính bên đó gả chị của Biện cho tôi.

Tôi rất bàng hoàng khi nghe tin đó. Hai gia đình làm sui rất xứng, rất môn đăng hộ đối, cả hai bên đều nghèo, đều sống ở nông thôn. Cha mẹ tôi theo quan niệm xưa, muốn tôi lập gia đình sớm, ông bà khuyên tôi đừng để cảnh “cha già con mọn”, ông bà thích có cháu nội để nựng nịu, ẵm bồng. Nhưng tôi nghĩ lập gia đình ở tuổi đó, làm gì để nuôi sống vợ con, tôi lặng lẽ rút lui mà lòng nặng trĩu chân tình của gia đình Biện đối với tôi.

Tuyệt nhiên chị của Biện và tôi chưa hề trao đổi một lời nào, thậm chí tôi cũng chưa được biết tên của cô ấy, mỗi lần nhắc đến cô tôi chỉ gọi cô là “Chị Thằng Biện”. Nhưng hình bóng người thiếu nữ đó đã có một lần lọt vào đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn tôi.

x
x x

Tôi đã kể chuyện Chị Thằng Biện cho cháu ngoại tôi nghe và nói với nó:

-Có lẽ gia đình do duyên nghiệp mà tạo thành. Nếu ngày xưa ông ngoại cưới bà “Chị thằng Biện” làm vợ thì con của ông không phải là các cậu và mẹ con, mà là những khuôn mặt khác, các cháu của ông cũng hoàn toàn khác, không giống với các cháu hôm nay.

Khiêm Cung

No comments:

Post a Comment