Sunday, February 27, 2011

SUM SÊ TUỔI GIÀ

SUM SÊ TUỔI GIÀ
Khiêm Cung

Sống nơi một xứ sở có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mới thấy rõ cây cỏ, lá hoa và vạn vật chuyển mình. Thật là mầu nhiệm, cuối mùa đông tự nhiên mầm, nụ nhú ra, rồi thành lá xanh, thành hoa muôn hồng nghìn tía vào mùa xuân, thành trái chua, trái ngọt trong nắng ấm mùa hè. Mùa thu đến, lá màu xanh đổi thành màu vàng, rụng bay lã tã, cây nhánh xác xơ, ngủ im như chết trong mùa đông, khép kín một chu kỳ mùa đông nầy sang mùa đông nọ. Đâu phải tới đó là chấm dứt, hết đông rồi lại tới xuân…

Con người cũng biến dịch như một dây chuyền, sanh ra, lớn lên, già, bệnh, rồi chết. Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, con người chết rồi có cơ hội tái sanh trở lại, tạo thành một dây chuyền sanh, lão, bệnh, tử khác.

Tuổi già, ông bà Phúc, tư niên mãn mùa, ngày nào cũng dậy sớm, khoảng bốn năm giờ sáng, ông bà đã lụi cụi lo nấu nước pha trà. Ông Phúc có bộ đồ trà bằng đất nung. Ông để trà vào ấm nhỏ, chế nước sôi vào, đậy nắp lại, rồi chế nước đầu đó vào mấy cái chung nhỏ xíu để tráng. Xong ông Phúc chế nước sôi mới vào ấm trà, đợi một lát cho ra trà, rót vào hai cái chung, mời bà:
-Uống đi bà.
Bà ít uống trà, nhưng cũng uống với ông một chung cho vui.

Hương vị trà sen làm cho ông Phúc hết sức sảng khoái, đầu óc tỉnh táo nhớ chuyện đông chuyện tây, chuyện Đường chuyện Tống, chuyện viễn vong của một đời người, từ lúc sanh ra cho tới lúc chết, già như ông bà, không còn làm công lên chuyện xuống gì cho ra tiền mà cũng bận rộn suốt ngày.

Ông bà có ba người con, hai trai một gái. Hồi còn trẻ, ông bà ở quê nhà đã có kế hoạch hóa gia đình, mong muốn có ba đứa con đủ nuôi rồi, có con đông quá không lo cho chúng nó chu đáo được. Ngày xưa cha mẹ ông cứ đôn đốc ông cưới vợ, luôn nhắc ông “cha già con muộn”, lập gia đình trễ quá, lúc đó mình đã già rồi, không còn đi làm được nữa, làm sao có phương tiện nuôi con và cho con ăn học đến nơi đến chốn. Ông bà mình ngày xưa có quan niệm, có con đông là “đặng hào con” là nhà có phước, “trời sanh voi thì trời sanh cỏ” mà, sợ gì đói. Ông bà cưới nhau khoảng tuổi hai mươi bốn, hai mươi lăm, hơi trễ so với người thời đó, nhưng khá sớm so với tuổi trẻ ngày nay. Tính sổ lại, ông bà chỉ là một đôi mà đã tạo ra ba người con, cộng thêm một rể hai dâu thành sáu, cộng thêm bảy cháu nội ngoại thành mười ba. Vợ chồng bạn ông Phúc có tới bảy người con, cộng thêm dâu rể, con cháu, chít chắt thành hơn bốn mươi người. Còn anh chàng người Trung Đông bên cạnh nhà ông Phúc, theo Hồi giáo, được phép có bốn người vợ, sanh con “cả lút cả láy”, không sao đếm xuể, mấy đứa con gái lớn đội khăn trùm đầu.

Không bận rộn sao được, hết lo cho con bây giờ lại phải lo cho cháu. Mấy đứa con ở gần ông bà là có phước, có ông bà giúp đỡ giữ cháu, đưa đón các cháu đi học, kèm dạy cho chúng nó học hành. Ông bà nghe có một gia đình người Việt còn trẻ, bận đi làm việc, gởi đứa con trai hai tuổi cho một bà Li-Băng nuôi tới chiều hai vợ chồng mới rước về, thằng bé biết nói tiếng Li-băng nhiều hơn tiếng Việt. Ông bà cũng không nỡ để cho người khác chăm sóc cho các cháu, bỏ cháu mình “cầu bơ cầu bất”. Hèn gì trái đất này gặp nạn nhân mãn, người ta đang đi tìm một thế giới khác, như mặt trăng, sao hỏa xem có thể di dân con người lên đó sống hay không.

Ông bà cũng vì mối quan hệ xã hội ngày càng sum sê, bận rộn xã giao hoăc “ăn cơm nhà vác ngà voi thiên hạ”, giúp nhiều người trong việc quan hôn tang tế. Ông bà lúc còn nhỏ, chưa đi học, chỉ lẩn quẩn trong gia đình, lớn lên đi học, có thêm mối quan hệ với thầy cô giáo và bạn học. Đến khi ra trường đi làm việc, có thêm mối quan hệ với đồng nghiệp, với khách hàng, với thân chủ. Rồi khi lập gia đình, có ông bà cha mẹ, bà con bên vợ, bên chồng. Đến khi ngồi sui thì “làm sui một nhà biết ra cả họ”.

Ông bà Phúc còn “đủ đôi đủ bạn” nên bạn bè “gẫy gánh giữa đường” bị mất quyền làm cha, làm mẹ đứng ra gả cưới cho con mình, mượn ông bà Phúc đứng ra làm đại diện. Làm đại diện đã tốn công, mà còn phải tốn tiền đi quà đám cưới, “ai tới đâu mình cũng phải tới đó”. Rồi khi cặp vợ chồng trẻ sanh con, họ nể nang ông bà, dạy cháu bé gọi tưng mình là ông bà nội hay ông bà ngoại, lại có dịp đi ăn đầy tháng với lời chúc lành “mẹ tròn con vuông” hoặc ăn thôi nôi để xem đứa bé bóc cái gì, bóc cây viết là dấu hiệu lớn lên nó sẽ học hành thành đạt, làm nên danh phận, nếu nó bóc nhầm cục đất thì trong tương lai nó trở thành người nông dân chân lắm tay bùn. Ông bà nội ngoại “hờ” có tiếc gì một ít quà cho đứa cháu nuôi của mình.

Càng già mối quan hệ càng sum sê. Bận ơi là bận, bận mà vui!

No comments:

Post a Comment