Monday, May 31, 2010

Nghèo

Nghèo
Nhất Linh

- Mình đã đỡ chưa?

Thấy vợ ngồi dựa vào tường, mắt có ngấn lệ, Trọng không biết là nàng khóc hay vì tại trong nhà đầy khói. Chàng thở rất khó, ngồi ghé vào đầu phản, hai khuỷu tay chống nặng nề xuống đùi và bàn tay bỏ thõng, có vẻ mệt nhọc. Tuy trời nóng như hâm, mồ hôi ra ướt đầm áo trong mà Trọng cũng không buồn cởi áo bành tô xanh đầy vết dầu xe ôtô.

Nhìn qua cái mành rách sang góc nhà bên kia, Trọng thấy bác Phác, người đàn bà bán hàng rong ở chung với chàng cũng đương ngồi, hai khuỷu tay chống vào đùi có vẻ ngẫm nghĩ. Trọng thấy buồn cười nên vội vàng ngồi khác kiểu đi: ở trong một cái nhà lúc nhúc hơn mười gia đình, lúc ăn lúc ngủ, ai cũng nhìn thấy ai, nên Trọng luôn luôn khó chịu, cử động không được tự do.

Người đàn bà đột nhiên chửi lên mấy tiếng, rồi tiếp theo một tràng dài:

- Đôi guốc bà vừa để đây, ngoảnh đi một cái, hừ đã mất biến! Vật thứ không là bao, nhưng mà tức chứ! Hừ, ở lẫn với những quân ăn cắp!... Xin đừng ai chạnh lòng. Tôi mất của thì tôi nói, chẳng ông bà nào cấm được tôi.

Trọng biết là người ấy nói đã lâu rồi, mà nói câu ấy có lẽ đã hơn vài chục lượt. Họ vừa ngồi nghỉ cho đỡ mệt, nay lại bắt đầu. Vì chiều nào, những người ở trong nhà cũng tìm dịp to tiếng với nhau, nên chàng không để ý. Nhưng đến lúc thấy người đó mon men lại gần chiếc mành, cúi nhìn xuống gầm cái giường của chàng, vừa nhìn vừa nói: "Vụt một cái biến mất, nhậy thực!" như có ý đổ cho vợ con chàng lấy đôi guốc, thì chàng không giữ được giận, muốn chạy ra nắm tóc người ấy dúi xuống thềm gạch cho bõ tức. Chàng lẩm bẩm:

- Hừ, quá lắm. Dám nghi cho mình ăn cắp.

Nhưng chàng vẫn ngồi yên: hai tay nổi gân bám chặt lấy thành giường. Chàng trấn tĩnh lại ngay, tự bảo:

- Mình hãy còn giữ những thói của cuộc đời sang trọng cũ. Nếu cứ tức giận họ thì tức giận cả ngày.

Quay lại, thấy vợ vẫn ngồi yên trong góc giường. Trọng đoán là nàng không biết chuyện. Bảo thấy chồng nhìn mình chăm chú, nên nhếch mép hình như nàng phải cố hết sức, phải khó nhọc lắm mới nhếch nổi một nụ cười đón chồng.

Trọng đau đớn nghĩ đến rằng vợ chàng con một nhà gia thế, lấy chàng không phải vì tình yêu, cũng không phải vì chàng có tài cán, mà chỉ vì cha mẹ nàng ham cái gia tài của chàng. Hơn sáu năm ở với nhau, lúc nào chàng cũng nhận thấy lòng khinh rẻ của vợ đối với mình, mặc dầu lòng khinh rẻ ấy rất kín đáo. Ngờ đâu nay nàng ngồi kia, mình mặc chiếc áo cánh vá vai, chiếc quần lĩnh bạc màu, gày gò, ốm yếu, ở lẫn với những người nghèo cùng mạt trong xã hội, mà lại còn nghèo hơn họ.

Xảy ra như vậy chỉ vì mấy cái tai nạn dồn dập đến một cách bất ngờ. Chàng không biết lo xa, quá tin ở của cải mình. Sau khi gia tài khánh kiệt, chàng sống vất vơ vất vưởng, ngửa tay xin anh em quen thuộc mỗi người một ít để nuôi vợ, nuôi hai đứa con đẻ và hai đứa cháu bồ côi cha mẹ mà chàng đã nhận làm con nuôi. Như thế được mấy tháng, sau không ai giúp nữa, chàng đưa vợ đến đây, thuê một cái giường năm hào một tháng và đã kiếm được việc làm ở một nhà chữa ôtô.

Một người gánh nước đi ngang qua, nước bắn vào bàn chân làm chàng giật mình. Chàng nhìn cái nền gạch long lở ướt sũng nước, nhìn những làn khói tỏa ở các bếp hỏa lò ra, lẩm bẩm:

- ở thế này chỉ vài tháng là ho lao.

Trước kia, khi còn có nhà cho thuê, chàng chỉ cốt thu về nhiều tiền, không bao giờ cho thế là vô nhân đạo. Nay chàng mới nhận thấy một cách rõ rệt, tuy rằng cách cho thuê ấy đã giúp chàng có nơi trú ngụ bằng một giá rất rẻ.

Chàng cần đến, nhưng chính vì sự cần ấy mà việc cho thuê như vậy là độc ác. Chàng ngẫm nghĩ:

- Nếu phen này ta có nhà cho thuê thì ta nhất định bỏ.

Chàng mỉm cười nói:

- Phen này!

Tự nhiên chàng thấy vui vẻ và nghĩ thầm:

- Bây giờ mình đâm ra có lòng tốt, lạ chưa.

Chàng nhận thấy chàng trước kia tàn ác, mà tàn ác chỉ vì vô tâm và ích kỷ. Bây giờ chàng mới biết không ai muốn giúp mình lúc nghèo, chỉ vì lúc giầu mình không nghĩ đến ai. Chàng sung sướng, mà cái sung sướng ấy mới lạ lắm, chàng thấy vụt có cái quan niệm cao quý về nhân phẩm của mình. Trọng ngửng lên nhìn vợ, mà lần đầu chàng nhìn vợ không có ý thẹn lại có vẻ hơi kiêu. Mấy đứa con chàng ở ngoài chạy vào, cười nói, đứa nào cũng thở hồng hộc. Trọng âu yếm hỏi:

- Các con đi chơi đâu về?

- Chúng con đá bóng ở bờ sông vui quá.

Trọng nhìn những gò má hồng hào, lẩm bẩm:

- Chỉ ít lâu nữa là hết cả hồng.

Thấy một đứa kêu đói, chàng mới sực nhớ đến giờ nấu cơm. Chàng cho tay vào túi áo, vân vê ba đồng hào một cách âu yếm, vì ba hào chỉ ấy là tiền của chàng kiếm ra lần đầu tiên. Nó lại quý nữa là vì không có nó tất chàng và vợ con phải nhịn đói.

Tuy trước kia giàu có hàng nghìn, hàng vạn, mà bây giờ chàng mới thấy mình "có tiền". Chàng kều mấy hào chỉ ở đáy túi vào lòng bàn tay và nắm lấy thật chặt.

+
+ +

Trọng thấy tiếng guốc của mình nện trên gạch hè đường kêu to một cách khó chịu vì chàng đi guốc chưa quen. Chàng tưởng như tiếng guốc xui bảo mọi người để ý đến mình. Trước khi rẽ vào một cái hàng cơm, chàng tự nhiên quay đầu nhìn lại phía nhà ở, có vẻ một người vụng trộm. Chàng rẽ vào đấy ăn quà sáng để lấy sức làm việc, trong khi vợ con chàng phải nhịn. Chàng không muốn ăn ở nhà một mình trước mặt vợ con.

Vào hàng, Trọng mua một xu xôi đậu đen, vì chàng đoán thứ quà đó no lâu. Chàng lấy đũa xắn từng miếng chấm muối vừng rồi nhai thong thả, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ, nghe ngóng. Chàng gật gù lẩm bẩm:

- Càng nhai lâu càng thấy bùi miệng.

Bà hàng tưởng chàng khen xôi của mình thổi khéo, liền mời:

- Bác ăn xu nữa!

Trọng không ngờ xôi đậu đen lại ngon đến thế; chàng đặt đũa xoa hai tay với nhau, có vẻ khoan khoái, bảo bà hàng: - Bà cho tôi thêm một xu. Bà lấy ở đáy rá cho nóng.

Trọng lấy làm tiếc rằng một thức ngon thế này mà ăn vụng trộm, vợ con không được hưởng. Chàng cảm động nghĩ đến những cái vụng trộm khác, trốn vợ đi hát mở từng chai sâm banh, và lấy làm lạ rằng những lúc đó sao không áy náy bằng khi ăn có hai xu đậu đen chấm muối vừng rang mặn.

Công việc của chàng cả ngày hôm ấy là nằm dưới gậm ôtô thay "láp" xe. Trên má chàng, những giọt mồ hôi hòa với dầu máy từ từ chạy xuống tai, xuống cổ. Mới đầu, chàng tưởng không sao chịu nổi, nhưng sau chàng nghiệm ra rằng sự nóng bức càng tăng lên, sự khó chịu càng bớt dần. Nếu chàng là một người giàu có đứng ở ngoài, tưởng tượng phải làm việc như vậy, tất ghê sợ lắm, cho cuộc đời là khốn nạn, không đáng sống, không có nghĩa lý gì. Trước kia, chàng cũng tưởng thế, vì chính chàng giàu có; trước kia không thiếu thứ gì, không bao giờ phải mệt nhọc đến thân mà không lúc nào chàng được yên tĩnh, luôn luôn tự hỏi sống để làm gì, và cố tìm một cái nghĩa cho sự sống của mình, của mọi người mà không tìm ra.

Bây giờ cái băn khoăn ấy đã mất hẳn. Chàng thấy công việc chàng có nghĩa lắm, vì nhờ nó mà chàng và vợ con chàng được no bụng. Cái nghĩa ấy không cao thượng gì cho lắm, nhưng nó có. Còn hơn là trước kia chàng không biết làm gì để sống, tuy bụng lúc nào cũng no. Bây giờ chàng mới hiểu rằng xã hội khốn nạn không phải là xã hội những người làm việc, tuy làm việc một cách khốn khổ.

Đương khi những ý nghĩ ấy lộn xộn trong óc, Trọng vẫn không quên cắn răng lấy hết sức xoay "bù loong". Mồ hôi chẩy ròng ròng trên cánh tay chàng. Mồ hôi chảy cả vào mắt làm chàng hoa mắt nhìn không rõ. Chàng thấy hiện ra một cốc nước chanh với một miếng nước đá trong veo, chàng đã uống bên bờ biển Đồ Sơn một buổi chiều mùa hạ năm nào...

+
+ +

Trọng chúi đầu vào một góc màn nằm duỗi thẳng chân tay, thiu thiu ngủ.

Hé mắt nhìn qua vải màn, chàng thấy lấm tấm ở các góc nhà tối om những ngọn lửa đèn Hoa Kỳ xanh lè nhỏ bằng hạt thóc. Một vài tiếng ho, tiếng khạc nhổ, rồi lại đến những tiếng ngáy đều đều, tiếng vo ve của những con muỗi chui qua lỗ màn rách bay vào. Hơi nóng làm mờ những ngôi sao ló trong khung cửa sổ. Không có một làn gió nhẹ; vải màn rủ nặng nề xuống chiếu. Trọng tưởng như nằm trong một cái địa ngục tối, và tưởng thấy thấm vào người hơi nóng của một cái vạc dầu để gần đó. Chàng gục đầu vào cánh tay, nhắm chặt mắt lại và muốn đắm mình trong giấc ngủ như một người đắm mình trong cõi chết.

Nửa đêm Bảo thức giấc ngồi dậy. Nàng vừa phe phẩy quạt, vừa đưa mắt nhìn chồng, rồi chép miệng nói:

- Ngủ gì mà quên cả thay quần áo.

Trọng nằm ngủ cứ để nguyên cả quần áo làm việc: một cái quần tây nát nhầu và một cái áo "sơ mi" rách vá vai, dầu dây be bét.

Bảo dịu dàng ngắm nghía chồng nằm ngủ mê mệt; thấy đứa con cựa quậy, nàng chỉ lo sợ chồng tỉnh giấc, mất một giấc ngủ rất cần để lấy lại sức mai làm việc.

Nàng ngồi lại gần chồng, gượng nhẹ nhắc đầu chồng, đặt lên đùi mình. Lần đầu nàng thấy yêu người chồng đã vì nàng làm lụng vất vả suốt ngày, không có một lời than vãn.

Nàng giơ tay phải quạt rất nhẹ, còn tay trái âu yếm vuốt ve những làn tóc ướt đầm mồ hôi của chồng. Nàng thấy thổn thức trong dạ, rồi tự nhiên nước mắt ứa ra chẩy ướt đầm hai bên má. Nàng không giữ được nữa, cúi xuống hôn một cái lên trán chồng, và như người mê man, nàng ôm lấy chồng, gục đầu vào vai, không nghĩ gì đến mồ hôi và mùi dầu máy khét ở quần áo chồng xông ra nồng nặc. Trọng thức dậy hơi lấy làm lạ về cử chỉ khác mọi ngày của vợ; chàng hiểu và sung sướng ngẫm nghĩ:

- Có lẽ lần đầu tiên mình và vợ mình biết thế nào là tình yêu.

Tuy hiểu vậy nhưng chàng không nói ra, chỉ hỏi:

- Hôm nay em làm sao thế, em Bảo?

Rút từ tập truyện ngắn Tối tăm,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1936.

Lòng tự ái

Lòng tự ái
Vũ Trọng Phụng

Trông thấy chồng về, chị vội vàng hỏi:

- Thế nào cậu? Dì nó đã đỡ chưa? Liệu có qua khỏi được không?

Phạm Quang đứng thở lử khử như người vừa mới phải đi bộ mười cây số, tuy chàng chỉ đi có từ một nhà ở cuối phố về. Chàng từ tốn gác mũ lên cái sừng hươu, cởi bộ áo ngoài, rồi nằm dài ngay ra sàn. Mãi mới đáp:

- Nguy lắm. Không biết nó có sống được không?

Vợ chàng ngừng hẳn đường kim mũi chỉ, cau lông mày lại hỏi:

- Thế dì ấy hiện giờ thế nào?

Quang uể oải đáp như người đương lúc nửa thức nửa ngủ:

- Cả một đêm, hôm qua li bì nói mê nói sảng mà lúc nào tỉnh thì lại tỉ tê khóc lóc. Bác Dần mách rằng lúc mê sảng nó cứ gọi tên tôi. Không khéo thì hỏng mất. Thôi thế mà ra tôi đã mắc một tội ác: giết một người đàn bà!

Chưa hiểu rõ đầu đuôi, tôi bèn hỏi chị Quang:

- Các bác nói đến ai thế?

- Dạ chúng tôi nói đến một người em họ của tôi đấy.

Một câu cắt nghĩa quá gọn ấy chỉ khiến tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa, lại càng không hiểu gì nữa. Cái gì nhỉ? Chồng chị Quang lại có can đảm nói những câu như thuộc về một thiên bi tình khi nhắc đến một người em họ của vợ, lại trước mặt vợ như thế nữa ư?

- Thưa bác, tôi vẫn chưa hiểu gì cả?

Đến đây chị Quang nhìn tôi một cách láu lỉnh, nhìn chồng một cách ranh mãnh, đằng hắng một cái rồi mới mỉm cười đáp tôi:

- Thưa bác, bệnh nhân ấy tức là em họ tôi, cô Oanh. Trước kia khi chưa lấy tôi thì nhà tôi đã phải lòng cô Oanh chết mê chết mệt. Đến lúc hỏi thì cô Oanh lại không thuận, ấy thế mới buồn chứ! Rồi nhà tôi hỏi tôi. Rồi cô Oanh đi lấy chồng. Nhưng mà chẳng may cho cô Oanh lại lấy phải người chồng xấu, không ra gì, chơi bời đủ ngón, lại hành hạ vợ một cách vũ phu nữa. Hiện giờ thì chẳng rõ anh chàng bỏ cả vợ con ở nhà đi theo con đĩ nào. Cô Oanh buồn quá đâm ốm. Có lẽ vì nhớ tiếc người cũ, vì hối hận nên cô mới nhắc đến tên người đã phải lòng cô, người mà cô đã không lấy, tức là nhà tôi, như nhà tôi đã thuật mà bác cũng được nghe.

Có lẽ Phạm Quang hổ thẹn cho rằng vợ nói chuyện không phải lúc nên chàng giơ tay lên bưng lấy trán, thành thử muốn phản đối vợ như thế thì kín đáo quá và làm ra bộ thản nhiên thì lại thành ra hớ hênh quá.

Nhưng chị Quang là người rất thông minh tức khắc hiểu ngay ý chồng, chị vội nghiêm giọng đứng đắn hỏi:

- Thế cậu sang thăm vừa rồi thì có gì là đáng để tâm không?

Anh Quang vùng ngồi lên đăm đăm nhìn tôi để khỏi phải ngượng ngùng khi đáp vợ:

- Tôi kéo ghế ngồi ở đầu giường thì dì ấy mở chăn ra nhìn tôi. Chao ôi! Cặp mắt ấy có ngụ bao nhiêu nỗi khuất khúc của một linh hồn đương đau khổ! Trong những tia sáng quắc một cách kỳ lạ ở đôi mắt của người đang ốm nặng, tôi thấy như có sự hối hận, sự hy vọng, cái lo lắng phân vân. Rồi nó (anh ta vừa gọi bệnh nhân là dì ấy, lại vừa gọi là nó) ấp úng hỏi tôi: "Anh! Anh vẫn yêu em như xưa đấy à? Anh lại không giận em chút nào à?" - Tôi không biết gật đầu hay lắc đầu, cũng không biết nên đáp ra sao. Lúc ấy bác Dần đang ẵm thằng Chắt, đứa con chúng nó ở ngoài sân. Tôi bèn cầm hai tay nó kéo lên ngực tôi một cách âu yếm lắm. Một lúc nó ngơ ngác nhìn tôi nghi hoặc đoạn rút tay ra quay mặt vào tường. Sau cùng nó lại khóc, khóc tỉ tê, khóc hậm hực, khóc mãi. Tôi không có can đảm ngồi nữa, loạng choạng đứng lên về đây. Giời ơi, biết làm thế nào bây giờ?

Chị Quang ngây mặt ra một lúc, có vẻ buồn rầu một cách rất thành thực, đoạn thở dài và ngậm ngùi nói:

- Rõ tội nghiệp! Dì Oanh nó thật là một người đáng thương.

Thái độ của chị khiến tôi lại càng phải kinh ngạc. Chúng ta thử đặt mình vào địa vị người đàn bà có người chồng như thế xem cái ghen, cái giận, cái uất nó sẽ ghê gớm như thế nào! Nếu ta có một người vợ mà lại đau đớn vì một mối tình cũ như thế liệu cái mặt của chúng ta sẽ tươi bưới ra làm sao! Vậy mà chị Quang đã chẳng những không ghen chồng, lại còn ngậm ngùi thương xót cô em họ nữa!

Tôi thấy cái cần ghê gớm phải khen:

- Chị Quang! Chị thật là một người vợ hoàn toàn!

Bạn tôi thật có cái diễm phúc lớn mới được làm chồng một người như chị. Tuy chỉ là một văn sĩ nghèo, anh ấy cũng có thể tự phụ được là người sung sướng nhất trần gian. ở đời có được một người bạn tri kỷ của anh Quang lại đồng thời là người bạn trăm năm của anh nữa thì thật quả bạn tôi đã cướp được hết hạnh phúc của loài người.

Tôi tưởng khuây khỏa được bạn bằng cách vỗ vai bạn mà rằng:

- Anh này! Anh đã là một người sướng mà có lẽ anh không biết.

Chị Quang hớn hở hỏi tôi:

- Nào có gì lạ mà bác khen nhiều quá thế.

- Tôi cho là lạ lắm! Ghen tuông là cốt tính của người đàn bà! Muốn sung sướng người ta tưởng phải yêu một cách hằn học đến bậc hóa ra ghen tuông. Thế mà chị không ghen! Thế mà chị vẫn sung sướng.

Chị Quang mỉm cười khoan thai cắt nghĩa:

- Vì tôi là người đại lượng, có thế thôi. Nếu tôi đại lượng thì vì lẽ gì tôi lại cấm nhà tôi làm một người đại lượng. Hai nữa dì Oanh nó chỉ là một người lầm và đáng thương. Vì hỏi dì Oanh nó không được nên nhà tôi mới hỏi tôi... Bác để ý cho: Tôi thì giầu mà Oanh thì là con nhà nghèo; dẫu rằng không là bắt buộc tôi, tôi cũng thiết nghĩ: trong cái hạnh phúc của chúng tôi bây giờ, dì Oanh nó cũng có một phần công lao! Chứ không ư? Nếu Oanh đã nhận lời thì chúng tôi còn lấy nhau làm sao được. Cho nên tôi vẫn có cảm tình với Oanh. Người đàn bà khác chắc phải ghen về trước, phải đề phòng về sau, phải ghét Oanh, phải thấy Oanh khổ sở thì mới sung sướng. Nhưng tôi thì không thuộc hạng người ấy. Hiện giờ thì đích thị là Oanh hối hận. Cái đó dễ hiểu lắm. Mà nguy nhất cho người ta là khi đã mất lòng tự kiêu, tự ái. Đau đớn vì oán giận kẻ khác thì chẳng nói chứ chính mình lại phải oán giận mình thì còn ai biết cứu chữa ra làm sao! Oanh đã lâm cảnh ngộ đáng thương ấy thì tôi còn nỡ lòng nào ghen tuông với nhà tôi làm gì. Ghen ghét Oanh mà làm gì! ấy cái nhẽ tôi là thế chứ không phải chúng tôi là chị em họ.

- Phải lắm! Đã ghen thì chị em ruột cũng có thể đâm chém nhau được nữa là chị em họ.

Chen vào giữa chúng tôi, anh Quang nói một cách căm tức:

- Mà tôi chẳng hiểu hiện Oanh đang ốm như thế nào? Mấy ông lang băm nói huyên thuyên loạn xạ cả lên để cho không ai hiểu cả. Ông thì bảo đau phổi, ông thì đau óc, ông thì lại kêu đau tim! Có là Giời cũng không hiểu!

Chị Quang nhìn chồng cười gằn:

- Mình rõ thật là gàn! Tất nhiên bệnh ấy là tâm bệnh thì dẫu đã đau các cơ quan khác trong người, quả tim cũng chẳng phải là không đau! Theo ý tôi Oanh mắc cả hai thứ bệnh: đau trong người và đau trong ý nghĩ. Có muốn chữa chạy thì mình cứ việc chữa chạy cho cả quả tim, chứ cậy mấy cụ lang hủ lậu, thì ăn thua gì!

- Mợ nói đâu ra đấy. Thế thì mợ thử giải quyết cho tôi một phương cứu chữa xem sao? Nói không thì ai mà chả giỏi được.

Chị Quang chỉ tôi phân vua:

- Ơ kìa! Nói lạ nhỉ! Việc của mình chứ việc của em đấy à?

Tôi bênh vực bạn:

- Thì bác cứ làm phúc thử nghĩ hộ bác giai xem có phương kế gì không?

Từ đấy trở đi chị lại cúi đầu trên đường kim mũi chỉ, mắt có vẻ tư lự lắm. Tôi không hiểu đó là chị nghĩ phương kế cứu người đàn bà khốn khổ mà chị đáng lẽ phải coi như kẻ tình địch hay là chị đã tiếc cái đại lượng phi thường của mình chỉ vì lời khen ngợi sốt sắng của tôi. Cái điều ấy có thể lắm vì trong đời vẫn có một số đông những người bướng bỉnh, những người mà ta muốn thấy làm một việc gì thì ta phải ngăn ngừa hay là ta muốn họ không làm việc gì thì ta lại phải hết lời xúi giục.

Chỉ biết rằng, đêm ấy bạn tôi giục tôi vào phòng ngủ để thuật lại tỉ mỉ cho tôi nghe chuyện cái cô Oanh ấy, thì người vợ cứ chong đèn ngồi khâu rất khuya.

*
* *

Sớm hôm sau, lúc bạn tôi gọi tôi ra bàn dùng thức điểm tâm, thì người vợ ít có ấy vui vẻ hỏi chồng:

- Thế nào? Cậu đã nghĩ ra cách gì chưa?

Quang nhăn mặt gắt một cách khôi hài:

- Lại còn nghĩ ra được cái gì nữa!

Chị Quang đưa mắt nhìn tôi mỉm cười rồi nói với chồng bằng một giọng chế giễu:

- Rõ tội nghiệp! Kìa, nghĩ cả một đêm như Ngũ Tử Tư, đầu tóc sắp trắng xóa ra rồi kia kìa.

Bạn tôi lại lấy tay bóp trán và cử chỉ ấy không hiểu tại sao, tôi thấy là hệ trọng lắm. Tôi thấy như là người vợ chế giễu chồng được một câu như thế thì sung sướng lắm, có lẽ người vợ bắt đầu không còn là người đàn bà phi thường nữa, vì đã biết ghen. Nhưng chị Quang đã lại hỏi chồng:

- Có thế thôi mà mình cũng không nghĩ ra à?

Bất giác tôi thấy xấu hổ lắm. Câu nói ấy không những cho bạn, mà còn như cho cả tôi cũng phải nghe. Sự thực thì, cả một đêm tôi cũng bâng khuâng nghĩ hộ bạn mà không nghĩ ra phương kế gì cả. Cái lòng tự ái của giống đàn ông xưa nay vẫn khinh thường đàn bà mà lại bị một người đàn bà chê bai một cách gián tiếp là ngu dốt lúc ấy bị thương nặng và biến ra thành một sự bất bình sôi nổi trong lòng tôi.

Nhưng chị Quang vốn là người rất thông minh. Thấy bạn chồng lại đỏ mặt hơn chồng, chị bèn nói chữa:

- Phải lắm, như mình, thì chỉ bận tâm lo buồn thôi, chứ nghĩ sao được giữa lúc tâm hồn bối rối. Tôi tuy chẳng giỏi giang gì, song tôi gần như là kẻ ở ngoài cuộc, cho nên trí não tôi cũng có phần sáng suốt hơn.

Quang ngơ ngác nhìn lên, ngoan ngoãn hỏi vợ:

- Theo ý em thì nên như thế nào?

Trước khi đáp, người vợ còn cúi đầu ngẫm nghĩ, ý chừng để giãi bày cho khôn khéo. Có lẽ muốn giấu cái hổ thẹn của mình nên chưa nghe vợ đáp, Quang đã thở dài mà rằng:

- Buồn nhất là cơ sự này, tôi đã đoán được rằng không sớm thì chầy, thể nào rồi cũng có lúc xảy ra... Hiện giờ, thằng chồng theo đĩ mà bỏ lửng vợ, mà vợ thì đương nghĩ đến việc đệ đơn xin ly dị tại tòa. Cho mãi đến bây giờ, tôi cũng chưa hiểu vì lẽ gì xưa kia Oanh lại từ chối lời cầu hôn của tôi! Từ chối giữa lúc cả làng cho việc tôi hỏi Oanh làm vợ là may mắn cho Oanh lắm. Thế mới lạ chứ, vì rằng chính nhà tôi đây, hồi ấy cũng phải ngạc nhiên về sự từ chối ấy. Hay là tại hồi ấy, Oanh đã yêu ai rồi? Có phải cặp vợ chồng ấy đã vì ái tình mà lấy nhau không? Oanh đã kiêu ngạo hay đã chung tình? Dù sao mặc lòng, xưa kia tôi đã chung tình thì nay Oanh phải hối hận!

Chị Quang, một cách rất có ý tứ đáp lời cho câu hỏi lúc trước của chồng:

- Mình tìm cách nào cho cô ấy không phải hối hận nữa, tôi dám chắc bệnh sẽ khỏi ngay.

Bạn tôi vội nói:

- A! Tôi hiểu rồi đấy.

- ừ! Đã thế, mình còn chờ đợi gì nữa?

- Nhưng mà... nếu thế... nếu thế thì Oanh lại oán ghét tôi mất!

- Điều ấy cố nhiên...

Quang nghĩ hồi lâu để rồi lắc đầu:

- Không! Không thể được! Hiện giờ, Oanh đương hối hận, nghĩa là đương yêu tôi... Oanh yêu tôi! Yêu nồng nàn, yêu thiết tha! Có nên làm mất cái tình cảm tốt đẹp hiếm có ấy trong lòng một người đàn bà mà tôi đã yêu xưa kia không? Phải đến như thế nào... Oanh bây giờ mới có tình cảm ấy với tôi chứ? Đã thế thì tôi không thể nói dối được! Xưa kia, tôi bị người lãnh đạm, nhưng lòng tôi đã được tự do yêu. Nếu nay tôi phải làm một việc để, do thế, tôi ghét người ta thì chẳng những bỗng đâu tôi vứt cái tự do yêu người ta của tôi đi, mà rồi người ta lại còn ghét thêm tôi nữa!

Vợ chàng giơ tay khuyên nhủ:

- Phải hy sinh! Phải có can đảm! "Yêu người yêu mình chỉ là tự yêu"! Vẫn biết mình nói dối Oanh thì Oanh tất nhiên sẽ phải ghét mình, nhưng mà tôi xin mình, cứ thử một mình mình biết, một mình mình hay, mà yêu kẻ ghét mình tôi xem nào!

Nghĩ một lát nữa, rồi Quang nhăn nhó lại lắc đầu:

- Không! Tôi không thể làm cho Oanh đến nỗi phải ghét tôi được. Tôi xin lỗi mình, mình là người đại lượng mình hiểu biết. .. Sự thực, tôi vẫn còn thương Oanh lắm.

Chị Quang nổi nóng, gay gắt phân trần:

- Thế nhưng mà khi ông không chịu nói dối thì nghĩa là ông vẫn dang tay vò nát quả tim đã bị thương của người ta! Ông không muốn bị căm hờn! Phải, ông chỉ ích kỷ! Để cho người ta chết thì rồi ông thương xót một thể!

Phạm Quang ngã ngồi xuống ghế như một cái cây đổ. Chàng gần như khóc:

- Thà để Oanh chết là hơn! Nếu chẳng may thế, tôi sẽ ấp mồ Oanh mà khóc! Chết như thế, Oanh cũng được hả về phần hồn! Còn sống như em đoán trước, xác thể không những tiêu mòn, mà cả đến linh hồn của Oanh cũng chẳng mát mẻ nữa, vì rằng sự căm hờn đã đến chiếm chỗ trong tim.

Chị Quang lại cười gằn mà rằng:

- Thế thì mình nhầm! Sự căm hờn chỉ nuôi chứ không giết. Sự căm hờn đẻ ra lòng tự kiêu, tự ái, mà lòng tự ái chính là một sức mạnh để tự vệ. Chỉ có sự hối hận, sự tự mình phải giận mình, là giết mà thôi!

Quang vẫn thổn thức:

- Khốn nhưng tôi không muốn giết cái mối yêu ấy trong lòng Oanh. Căm hờn là một cái xấu không nên có trong hồn một người đàn bà đã lầm trong một phút, và do thế, mới đáng thương! Thà Oanh hối hận, thà Oanh tuyệt vọng! Thà để Oanh chết vì ái tình! Để cho ái tình ấy đi theo linh hồn là cái bất vong bất diệt, ái tình sẽ hóa ra cũng bất vong bất diệt!

Chị Quang run rẩy khẽ nói:

- Bảo Oanh chết, ờ thì được! Nhưng còn thằng Chắt? Nó mới có 6 tuổi! Mà nó là cháu tôi, cháu mình? Giết mẹ nó là giết nó! Mình không được phép giết thêm một đứa trẻ vô tội!

Anh Quang ngạc nhiên nhìn vợ hồi lâu rồi mạnh bạo ra đi. Anh đi đến nhà Oanh. Nửa giờ sau, về, mặt nhăn nhó, anh kể:

- Thế là xong, tôi đã đóng một vai trò tàn nhẫn hét sức!

- Thế nào?

- Tôi đã bảo Oanh như thế này: "Tôi chỉ còn thương hại cô mà thôi! Cô hỏi tôi có giận cô không? Có yêu đâu mà giận! Sao xưa kia, cô đã khinh tôi như thế? Bây giờ khổ sở, cô mới hối hận, mới quay lại yêu tôi... Cái yêu như thế, hỏi có giá trị gì? Có ai lại vớt lại một bát nước mà ta đã hắt xuống đất?" Oanh xúc cảm quá mạnh nên không nói được gì cả. Oanh nấc lên một cái thì tôi bỏ mặc ra về.

Chị Quang so vai, hài lòng:

- Có thế, Oanh mới sống được.

Rồi chị ấy bảo tôi:

- Bác hãy chịu khó ở chơi đây ít lâu nữa mà xem. Việc này rồi phải có kết quả tốt.

*
* *

Một tuần lễ qua...

Bữa ấy, chợt vợ chồng Quang gọi tôi ra cửa sổ. Thì Oanh đã ẵm con dong chơi ngoài đường! Bấy giờ tôi mới biết mặt người đàn bà ấy. Nàng có một vẻ mặt bình tĩnh một cách lạ, đủ biết trong lòng cái hối hận, cái nhớ tiếc duyên xưa không còn nữa. Nước da tuy còn xanh, nhưng dáng đi đã có vẻ cứng cáp lắm rồi. Tôi có cái cảm giác là người đàn bà ấy không thể chết được nữa. Oanh ẵm con một cách âu yếm như đã quên, quên hết mọi sự để mà chỉ nuôi con.

Quang cầm hai tay vợ:

- Anh cảm tạ mình! Em đã dạy anh biết hy sinh và đã cứu nổi hai mạng.

Tôi châm một điếu thuốc lá để tự thưởng, vì tôi đã hiểu rõ cái lòng tự ái, kiêu ngạo, nó vừa làm đau khổ và vừa nâng cao phẩm giá người đàn bà.

Muốn nhìn lại lần nữa, thì bóng Oanh đã thoáng khuất sau một hàng rào găng.

Đông Dương tạp chí,
số 14; ngày 14.8.1937

Cái ghen đàn ông

Cái ghen đàn ông
Vũ Trọng Phụng

Chờ cho người ấy trổ tài hùng biện đã chán chê đi rồi, Giao Đài mới bỏ tờ tạp chí xuống bàn và nói:

- Không, người ta chẳng nên thật thà, nhất là khi người ta yêu nhau.

Tuy rằng chẳng ai lại hoàn toàn thật thà với ai bao giờ, điều ấy thì ai cũng thừa biết, vậy mà người nào cũng cứ ao ước sẽ có kẻ thật thà với mình thì có lạ không. Khôi hài nhất là khi ta thấy ai có vẻ hơi thật thà với ta, chỉ hơi hơi thôi, ta cũng lấy làm sung sướng lắm! Những kẻ đương lăn lóc trong tình trường cũng vẫn có cái ảo tưởng là đôi bên hoàn toàn thật thà với nhau... tựa hồ sự thực làm cho ta sung sướng như ta trúng số độc đắc! Này, các anh, thôi đừng ai nên để cái lòng thật thà của người ta yêu đi kèm với hạnh phúc! Nó tai hại lắm. Nó chỉ phá hoại chớ chẳng kiến thiết bao giờ.

Nghe đến đây, Lê Văn Thư, một người lúc nào cũng lạc quan, bèn nổi giận mà rằng:

- Chà! Một người đàn bà như Giao Đài mà lại để ở miệng thốt ra những lời lẽ đáng buồn đến như thế nữa ư? Này, chị Giao Đài, coi chừng kẻo mà chị sẽ trở nên một thứ quái vật!

Giao Đài chỉ cười nhạt, lại khoan thai nói thêm:

- Nghĩa là cũng như mọi người, phải không, các anh? Người ta ai không là một thứ quái vật?

Không để ý, Lê Văn Thư lại sốt sắng tiếp:

- Chết nỗi! Nếu lại không có sự thật thà cứu vớt thì nhân loại còn có gì nữa! Thì làm gì có những ái tình, làm gì có cái tình bằng hữu, làm gì có những tính tình tốt đẹp và những dây liên lạc mà người ta bảo là thiêng liêng! Mà làm gì còn có hạnh phúc nữa!

Giao Đài lại cười rộ, coi anh Thư như một đứa trẻ ngây thơ. Rồi nói:

- Coi chừng đó, anh ạ. Yêu nhau là một việc mà thật thà với nhau lại là một việc khác.

Một người bèn hỏi:

- Vậy thì khi đã yêu nhau, người ta có nên thật thà với nhau không?

Giao Đài chẳng cần nghĩ đáp ngay:

- Không! Không! Chẳng bao giờ, và chẳng nên một tí nào!

Sau cùng, Giao Đài khoan thai kể lại câu chuyện dưới đây để dẫn chứng cho cái thuyết ấy.

+
+ +

Các anh, các chị đây hẳn còn nhớ vợ chồng anh giáo Hiển đấy chứ? Chị ấy vì hậu sản mà thiệt phận năm ngoái ấy mà! ấy đó, một người đàn bà đáng quý và đáng thương. Kẻ ngoại cuộc là các anh, các chị, ngồi đây hẳn phải tưởng cặp vợ chồng ấy sung sướng cực điểm. Thưa không ạ! Anh Hiển, chi Hiển là hai kẻ đau khổ nhất đời. Lúc buông tay nhắm mắt, chị ấy còn phải đem theo xuống suối vàng một thứ mà ta quen gọi là "hận nghìn thu". Lúc khâm liệm cho vợ, anh giáo Hiển cũng vẫn còn là kẻ không chút đỉnh lương tâm nào nữa!

Chỉ tại sự thật thà!

Tôi sở dĩ được rõ mọi điều vì chị Hiển coi tôi là bạn thân hơn hết. Những chuyện gia đình, những điều tâm sự, những cái éo le, khuất khúc mà không ai dám nói với một người thứ hai nào nữa, thì chị Hiển đã có kể lể cả với tôi. Việc đôi lứa ấy vì ái tình mà lấy nhau, rồi ăn ở với nhau vẻ bề ngoài ra làm sao, chẳng cần nói, các anh, các chị cũng thừa rõ...

Sau ngày cưới được năm hôm, chị Hiển đã đến chơi với tôi.

Cứ như những lời chị nói, cứ trông những cử chỉ của chị, cũng đủ hiểu chị bằng lòng cuộc trăm năm đến có thể hoá điên vì sung sướng. Chồng chị là người quân tử, có nhiều đức tính, lại yêu quý vợ nồng nàn hơn ai. Nếu cứ theo nhịp ấy mà đi, thì giữa cái loài người khốn khổ này, anh Hiển, chị Hiển, là một cặp vợ chồng tiên.

Mấy hôm sau nữa, khi lại thăm bạn vào lúc anh Hiển vắng nhà, tôi thấy chị ấy có cái vẻ mặt của người hối hận vì đã trót làm điều gì tai hại mà không còn phương gì cứu chữa nổi nữa. Mà quả vậy! Luôn mấy năm sau trong cặp mắt ngây thơ vốn đầy những ánh sáng của chị, tôi thấy hình như có một thứ bóng tối nó ám ảnh, nó làm thần thái của chị Hiển lu mờ như mặt trời bị lấp bóng mây. Chị đã kể lể:

- Chị Đài ơi! Có lẽ từ nay mà đi, tôi đành cam phận là người đàn bà khổ sở nhất đời rồi! Tôi đã nhỡ tay để hạnh phúc của tôi vỡ ra làm trăm nghìn mảnh. Từ nay mà đi, tôi không còn dám màng tưởng đến những ngày mà tôi đã thấy cuộc đời là có nghĩa lý là đáng sống như những ngày mới bước chân về nhà chồng nữa. Thôi, thế là xong!

Nói thế rồi, chị Hiển buông xuôi hai bàn tay như người thất vọng trước những mảnh vụn của một cái lọ quý giá mà mình đã vô ý đánh vỡ vậy. Chỉ một cử chỉ ấy cũng đủ khiến tôi xúc động lắm, và đủ đoán nổi cái hệ trọng của việc đã xảy ra. Tôi vội đứng lên, ra khép chặt cửa phòng rồi quay vào nghe chuyện.

- Chị ạ, mấy ngày tân hôn, nhà tôi không nói những lời nào khác những lời của một kẻ si tình, say mê, yêu quý tôi. Nhà tôi đã có những lời lẽ ngây ngô vô cùng, những lời mà tôi tưởng không ai biết nói như thế... Tôi đã sung sướng bao nhiêu, bây giờ lại hối hận bấy nhiêu. Là vì đêm vừa qua, khi lên giường chung gối chung chăn, không hiểu bởi những duyên cớ khốc hại gì, bởi thứ ma quỷ độc địa nào nó xui giục, mà nhà tôi lại chợt hỏi: - Anh hỏi thế này em đừng cho là lẩn thẩn nhé? Trước khi biết anh, em có hề yêu một người nào không?

Tôi ngạc nhiên thì ít, mà nổi giận thì nhiều. Bèn làm bộ bình tĩnh hỏi lại:

- Sao anh lại hỏi thế nhỉ?

Chồng tôi vội vàng cắt nghĩa:

- Không! Anh hỏi thế không có gì là can hệ! Nếu em ngạc nhiên là vì em chưa hiểu rõ nghĩa chữ yêu mà anh muốn nói. Yêu đây chẳng phải là thư từ, đi lại, rồi làm những điều mà đức hạnh phải kết tội đâu. Yêu đây có nghĩa trong sạch hơn, bi đát hơn, có thi vị hơn, vì yêu đây là ngưỡng mộ, là kính trọng, là yêu vụng, giấu thầm, là "để ý", là vắng mặt thì khao khát mà gặp mặt thì không dám ngỏ bầu tâm sự... Nói nôm na thì yêu đây nghĩa là có ý muốn người ta hỏi mình làm vợ.

Ngừng một lát, chồng em lại tươi cười mà tiếp:

- Không can hệ, thật thế! Cũng như anh chẳng hạn... Trước khi biết em và lấy được em, anh đã yêu không biết bao nhiêu người đàn bà, yêu theo cái nghĩa đã nói trên. ừ, thế đi nữa thì có sao đâu! Việc gì có thành sự thực hiển nhiên thì mới đáng kể, và nếu anh nói thế, chính là vì đối với em anh muốn xử sự đặc biệt, nghĩa là cho em được hưởng cái lòng thật thà, có một không hai của bọn đàn ông phần nhiều ích kỷ, gian ngoan.

Ngây ngô em hỏi lại:

- Sao bỗng dưng anh lại thật thà như thế?

- Là vì anh đoán anh biết. Anh hiểu rằng nhiều khi em thấy trong óc thoáng qua cái ý tò mò muốn biết ấy cũng như đại đa số phụ nữ đối với chồng. Nếu em chưa hỏi là vì chưa tiện dịp, và thế nào rồi cũng có phen em muốn thử hỏi thế một câu chơi. Đã thế thì liệu rồi anh có giấu được em không? Giấu sao được, em tin sao được. Chẳng khi nào một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi mà trước khi lấy vợ lại chẳng hề "để ý" đến một người đàn bà nào khác bao giờ! Nếu quả trên đời này có hạng đàn ông ấy thật, đó phải là một hạng kỳ dị!

Em ngây mặt ra nghĩ, càng nghĩ càng thấy chồng nói đúng sự thật lắm.

Chợt chồng em lại nói:

- Thí dụ như em chẳng hạn... năm nay em đã 24 tuổi rồi. Vậy mà ái tình đến với người thiếu nữ rất sớm. "Nữ thập tam nam thập lục" thật đúng như lời cổ nhân. Tạo hóa đã an bài ra thế, không một người con gái nào lại vượt qua được cái công lệ ấy. Vậy thì vào tuổi dậy thì, người ta phải mơ mộng, phải khao khát lòng yêu, phải để ý đến đàn ông. Anh nói chuyện đây là dựa vào khoa học chứ không nói hồ đồ, vu vơ gì. Đã thế thì không thể nào em lại không hề để ý đến một người đàn ông nào, trước khi là vợ anh, trong cái thời hạn từ mười tám đến hai mươi tư tuổi. Vì rằng không phải ở đời này chỉ có một anh là người đàn ông đáng yêu thôi, có phải thế không?

Trước những lý luận đanh thép của một người có khối óc tỉ mỉ sáng suốt như thế, tôi biết là chối cãi thì không được, biết chối cãi thế nào? Có ai lại đủ nghĩa lý để chối cãi một chân lý hay không?

Vả chăng, chồng tôi đã bảo là "không can hệ". Mà muốn yêu chồng một cách hoàn toàn, tôi tưởng không còn cách nào khác là đem lòng thật thà của mình mà dâng lên.

Chỉ nghĩ được có thế, tôi chẳng ngại đáp:

- Anh nói đúng đấy. Năm mười bảy tuổi, em cũng đã có yêu một người, yêu theo những cái nghĩa anh đã phân giải lúc nãy. Không biết người ấy có để ý đến em không! Người ấy không hề hỏi em làm vợ, và giá có chắc hẳn cũng không được nào. Bây giờ thì người ấy cũng đã lấy vợ, cũng đã có con...

- Thế rồi sao nữa?

- Thế rồi... chả có gì nữa.

- Sau người ấy thì không để ý đến ai khác nữa?

Em thật thà cả cười:

- Thì đến anh, và lấy được anh, thế thôi.

Nhà em ngẫm nghĩ một lát, phê bình:

- Thế nghĩa là em đã yêu người ấy lắm, yêu lắm. Đến nỗi phải chán đời cho đến lúc lấy chồng, nghĩa là trong bảy năm không còn sức để ý đến một ai nữa, nếu không có anh.

Tôi không đáp. Chồng tôi thở dài, khiến tôi phải hỏi:

- Anh vì thế mà buồn đấy à? Sao anh ác thế? Sao anh lại bắt em phải thật thà với anh để rồi làm em phải đau đớn?

Nhưng nhà tôi đứng lên, thản nhiên:

- Việc gì mà buồn! Có người đàn bà nào mãi cho đến lúc lấy chồng mà cũng còn nguyên cái trinh tiết tinh thần bao giờ! Tôi chỉ cần sau khi lấy tôi rồi thì vợ tôi không tư tưởng đến ai nữa. Thế thôi!

Rồi chúng tôi nói những chuyện khác, mãi cho đến lúc cả hai cùng ngủ. Nhưng mà, ba giờ đêm, chợt thức dậy, tôi thấy nhà tôi, chị ạ, nhà tôi ngồi ở bàn, hai tay bịt lấy thái dương. Tôi vùng dậy, hỏi một cách run sợ:

- Anh? Anh nghĩ ngợi đấy à?

Tôi muốn thà nhà tôi nói nặng còn hơn chỉ thản nhiên đáp một cách độc địa thế này:

- Có thế!

Lúc ấy tôi bực lắm. Bao nhiêu nỗi phẫn uất của giống đàn bà đã mấy nghìn năm bị áp chế, bị bó buộc vào vòng nô lệ của giống đàn ông ích kỷ hình như dồn cả vào óc tôi. Tôi bèn nói:

- Thế tại ai gây ra chuyện ấy? Anh đã thật thà với em thì em cũng phải thật thà với anh. Anh nghĩ xem, em chối có nổi không? Vả lại như ai đã nói, điều ấy cũng chẳng can hệ gì.

Chồng tôi rền rĩ:

- Không! Chẳng can hệ gì cả!

ấy cái ghen của đàn ông là như thế đấy. Họ tò mò, họ bắt mình cung khai sự thật, để họ phải đau khổ, và làm mình cũng đau khổ. Họ có hàng trăm cô nhân tình, họ ngủ với hàng nghìn con đĩ thì không sao. Vợ họ mà để ý một người nào trước khi biết họ, thế cũng đủ họ muốn tự tử. Chồng tôi lại đứng lên, đau đớn nói:

- Bây giờ thì tôi đã rõ sự thật, đã rõ rằng cái hạnh phúc của tôi không hoàn toàn, và chỉ có giới hạn mà thôi.

Tức thì tôi hiểu ngay rằng thế là xong, vợ chồng mà đã thế thì không thể nào có hạnh phúc được nữa. Tôi bưng mặt ngồi khóc như đứa trẻ không có tội mà bị cha mẹ đánh mắng, chị có biết trong bao lâu không? Ngót một tiếng đồng hồ! Tuy rằng không ai to tiếng với ai, song đêm ấy quả thật có một tấn kịch vô cùng thảm đạm. Sau cùng thì chồng tôi đứng lên, ra vuốt ve tôi.

- Thôi, nín đi, em ạ. Anh xin lỗi em. Anh sẽ quên đi, và anh cam đoan là sẽ quên được. Thật ra, trong việc này, em chẳng có một phần lỗi mọn nào.

Tôi đã phải tìm nhiều lời lẽ an ủi chị Hiển, và tôi đã cầm tay chị lôi lên miệng tôi mà hôn một cách đau thương như hôn một người yêu trong một cảnh ngộ xót xa.

Năm sau, vì có giấy bổ tôi đi Thái Nguyên, tôi không được cùng anh giáo Hiển dạy một trường, và do thế, phải cách biệt chị Hiển. Thỉnh thoảng lắm mới lại có một lá thư trao đổi tin tức cho nhau. Không bao giờ quên những tâm sự của mình, có khi chị Hiển gửi tôi những lá thư dài sáu trang, tám trang, và tôi đã phải nhiều phen tùy chuyện kể trong thư mà hoặc vui hoặc buồn cho bạn.

Một lần tôi rất vui vẻ vì chị Hiển báo tin rằng đã tìm thấy cái hạnh phúc tưởng đã mất tích. Lời lẽ trong thư đại khái rằng:

- "Chị Giao Đài ơi, em hồi hộp báo tin mừng rằng có lẽ chồng em đã không còn muốn làm một người vô nghĩa lý nữa. Nhà em đã biết nói đại khái như thế này: "Theo ý tôi, một cuộc tình duyên hoàn toàn tốt đẹp phải là: Hai người, trước khi yêu nhau đều chưa để ý đến người thứ ba hay là người thứ tư nào cả, và sau khi đã ăn đời ở kiếp với nhau rồi, tất nhiên cũng phải giữ chung tình như trước, nghĩa là vợ cũng như chồng không ai được có một phút điên rồ, mặc dầu là chỉ trong một phút, ngoại tình bằng tinh thần. Như thế cho đến lúc chết.

Vì lẽ người đời không ai lại vợ chồng cùng chết cả một lúc, tất nhiên phải còn lại một người góa vợ hoặc một người góa chồng. Vậy thì các người sống lại ấy cũng không bao giờ mơ tưởng đến một người thứ ba. Mãi cho đến lúc chết nốt! ấy đó. Nhưng mà trên thế gian này, làm gì có cuộc tình duyên nào lại duy nhất, lại tự nó chịu những sự kiềm chế như thế được. Vậy ta có thể kết luận rằng không có cuộc tình duyên nào lại hoàn toàn cũng như không ai được hưởng cái "không thể có được" thì chỉ là điên.

Nói thế rồi, chồng em kết luận rằng không quan tâm đến cái điều của em mà xưa kia chàng coi như một cái tội lỗi. Em sung sướng vô cùng".

Tôi để ý đến cách phân tích nghĩa lý cuộc "tình duyên hoàn toàn" của anh giáo Hiển thì nhiều, và mừng cho người bạn gái thì ít. Nhân một dịp nghỉ, tôi về, đến chơi người bạn đồng nghiệp hiếu sự và điên ấy, thấy hai vợ chồng đều vui tươi như hai cái hoa. Tôi đã toan đem cái ghen của anh Hiển ra làm đầu đề câu chuyện mà chỉ vì sợ nhắc lại chuyện cũ thì không tốt cho vợ chồng người ta lúc đương yên lành, nên lại thôi.

ấy thế mà một tháng về sau, tôi lại nhận được một bức thư của bạn trong đó bạn khóc lóc rầm rĩ, lại khổ sở đau đớn. Rõ sốt ruột làm sao! Thật là chuyện trẻ con! Anh Hiển nhất định buồn rầu, vì cho rằng chỉ có sự trinh tiết của tinh thần mới là đáng quý, và, chị Hiển đã yêu một người khác trước khi lấy anh ấy, thế là đủ không còn trinh tiết nữa rồi, và anh ấy tất phải khổ sở! Chị Hiển viết dưới cuối thư:

"Trong khi nói là quên, chồng em đã dùng hết thời giờ, hết cả tâm trí để nhớ, để buồn rầu!".

Cái ghen của anh Hiển có một thứ thế lực ở tâm giới anh đến nỗi khiến anh hóa ra tầm thường, hóa ra đê hèn, hóa ra "bất thành nhân dạng".

Năm ngoái, chị Hiển sinh được một mụn con gái rồi lại bỏ mất. Có lẽ vì phiền não quá nhiều. Chị đã lâm sản mà thiệt phận. Vì nhằm vào ba tháng hè nên tôi thường ở bên giường chị ta. Lúc thở hắt ra, chị cũng lại có tôi để chứng kiến cái khổ của chị, và tôi cũng không hiểu tại một lẽ huyền bí gì của tạo hoá mà lại cứ tình cờ phải nhìn thấy tất cả những cái đau đớn của người bạn khốn khổ ấy.

Khi thấy ông đốc tờ đã lắc đầu thất vọng ở một góc phòng rồi, biết rằng cái giờ cuối cùng của mình đã đến, chị Hiển bèn gọi chồng vào để "rối răng". Tôi đứng lên bước ra cửa thì chị bảo cứ ngồi lại. Trước mặt tôi, chị Hiển kéo hai bàn tay của chồng về lòng, run rẩy nói bằng một thứ giọng kỳ lạ:

- Em chết rồi, anh ơi! Quan đốc chẳng nói thì em cũng biết! Chẳng còn bao lâu nữa! Em kiểm soát lại cuộc đời thì thấy rằng cũng không đến nỗi thiếu thốn gì mấy, mà cũng đã hưởng nhiều thứ lắm, nhất là lại được làm vợ anh để tự do yêu quý anh!... Em có thiếu thì chỉ thiếu cái lòng yêu của anh, không phải cái yêu thương nhưng mà cái yêu hoàn toàn của anh, mà thôi... Xin anh cho em được mang cái lòng yêu hoàn toàn ấy, cái ái tình bất vong bất diệt ấy, xuống cửu tuyền! (Vì sắp chết nên chị nói văn chương kiểu cách lắm). Từ khi em ốm nặng đã nhiều lần anh an ủi em là quên hẳn chuyện xưa. Bây giờ xin anh cam đoan lần nữa trước mặt người bạn thân của em đây, cho linh hồn em được thỏa. Anh nói đi, cho em nhờ!

Vào trường hợp này, trí người ta thông minh sáng suốt lắm. Vì rằng khi thấy chồng ôm đầu nghĩ ngợi thì chị nói một cách xót xa:

- Giời ơi! Thì ra anh không yêu em, anh chưa quên hẳn chuyện xưa! Anh còn phải nghĩ lâu như thế cơ mà!

Tôi rùng mình run sợ vì thấy anh Hiển đáp:

- Phải, anh đã nghĩ. Bây giờ nói thế nào, chắc em cũng không tin đâu! Đấy em xem: anh không thể thật thà với em được!

Người vợ đáng thương ấy nấc lên mấy cái thì người chồng chữa một cách đã quá muộn:

- Tuy vậy anh cũng vẫn yêu em, vì anh còn có bổn phận của một người chồng.

Chị Hiển nấc lên một cái cuối cùng. Thế là tắt nghỉ. Và cách đấy một phút chị còn ai oán nhìn tôi. Cái nhìn ấy phân vua với tôi về những sự thống khổ của một linh hồn phải ôm một mối hận để lên cái thế giới của những linh hồn.

+
+ +

Giao Đài thuật chuyện xong thì im lặng để chờ mọi người bình phẩm.

Một người trong bọn chúng tôi đứng lên bực tức nói:

- Tội nghiệp! Một cuộc tình duyên như thế mà để đến nỗi một điều nhỏ mọn vô nghĩa lý như thế phá hoại được.

Một người khác nói tiếp:

- Vì ái tình là một vật mỏng manh, chóng hỏng và dễ vỡ.

Người thứ ba thở dài mà rằng:

- Cái anh chồng trẻ con đáng khôi hài như thế mà không ngờ là một tác giả của tấn thảm kịch như thế!

Người thứ tư nói:

- Tôi, tôi muốn nói rằng người vợ ấy không thật thà với chồng ngay từ lúc mới bước chân về nhà chồng.

Nhưng anh Lê Văn Thư đứng lên hậm hực:

- Nhưng mà tôi thì tôi muốn cái thằng chồng khốn nạn ấy không nên thật thà với vợ nó nữa vào lúc vợ nó đã thở hắt ra!

Giao Đài mỉm cười phân vua cả bọn:

- ấy đấy! Anh Thư bây giờ đã phản đối cái anh Thư lúc tôi chưa kể chuyện rồi đấy nhé! Sao anh không chủ trương cái lòng thật thà mãi đi!

Tưởng chừng không ai phê phán gì nữa, sắp nói sang chuyện khác, thì chị giáo Bích - một người từ nãy chưa nói gì - đứng lên cầm cái chặn giấy gõ xuống bàn như lúc ra lệnh im lặng cho học trò và hỏi cả bọn:

- Các anh các chị nghĩ về anh giáo Hiển ấy thế nào? Một người đàn ông mà tầm thường như thế ư? Mà khi người ta đã ghen đến như thế thì liệu người ta còn có biết được cái hạnh phúc nữa không? ừ, ghen đến thế thì cuộc đời có thấy sướng gì nữa không?

Vì chị giáo Bích cũng sắp lấy chồng nên người ta mỉm cười nhìn nhau một cách kín đáo và nói lảng sang chuyện khác.

Đông Dương tạp chí,
số 13; ngày 7.8.1937

Duyên số

Duyên số
Thạch Lam

Ăn cơm xong, chúng tôi bắc ghế ngồi trong vườn. Anh Vân, chủ nhà, đang loay hoay pha mấy chén cà phê, mùi thơm phảng phất bốc trong không khí yên lặng.

Đã hai năm nay anh Bình và tôi mới lại gặp Vân.

Ba chúng tôi là bạn bè rất thân mật. Nhân nói tới việc anh Vân mới cưới vợ, câu chuyện cứ quanh quẩn về việc vợ con và lập gia đình.

Bình nói:

- Tôi chỉ ước sao được một người vợ tuyệt đẹp thế là đủ.

Tôi tiếp:

- Tôi cũng ước như vậy.

Vân đáp:

- Người đẹp thì vẫn hay lắm. Nhưng tôi thì tôi cho việc vợ chồng chẳng qua là duyên số.

Chúng tôi phì cười:

- Anh này bây giờ thành ông thầy tướng chắc! Duyên số là cái quái gì mới được chứ?

- Là một sự bí mật không ai hiểu, mà chính tôi cũng không hiểu. Các anh hãy lặng yên để tôi kể câu chuyện của tôi cho mà nghe.

Nói xong, Vân điềm nhiên, thong thả châm điếu thuốc hút, rồi thong thả kể như một ông cụ:

- Chắc các anh cũng rõ, trước kia, tôi cũng lãng mạn như những người trẻ tuổi khác. Nghĩa là bình sinh chỉ ao ước được một người tuyệt thế giai nhân, như Tây Thi chẳng hạn để sánh vai, kề gối thì mới mãn nguyện. Mà việc ấy riêng đối với tôi thì lại có thể dễ dàng lắm, vì nhà tôi giàu, mẹ tôi lại chiều chuộng. Chỉ còn việc đi tìm người đẹp nữa là xong. Tôi bèn đi khắp thành phố Hà Nội, trong lòng tâm tâm niệm niệm sẽ tìm được con người trong lý tưởng.

Một hôm trong hội chợ tôi vào xem một gian hàng thêu. Lúc quay ra gặp ngay một bà cụ già tóc bạc phơ, với lại, đứng đằng sau... một cô gái.

Thoạt mới nhìn đôi mắt cô ta, tôi choáng váng như người nhấp cốc rượu mạnh. Thế rồi tôi yêu cô ta ngay, yêu tha thiết, yêu say đắm, không biết thế nào mà tả được. Tôi không biết rõ mặt mũi cô ta ra sao nữa, vì mỗi lần nhìn thì lại bị đôi mắt đen huyền ảo của cô ta làm choáng váng. Nhưng điều tôi chắc chắn, là cô ta rất đẹp. Ở hội chợ ra, tôi cứ theo riết cô ta và bà cụ về đến tận nhà, và sau khi đi đi lại lại trước nhà cô ta cho mãi đến 9 giờ tối, tôi mới chịu bỏ ra về.

Từ đấy, không ngày nào là tôi không đến đứng ở đầu phố hay qua nhà cô ta để mong được gặp mặt. Có khi đứng yên lặng hàng nửa giờ dưới mưa gió, tôi vẫn kiên gan không hề phàn nàn, chỉ mong nhìn mặt cô ta một lần cho đỡ nhớ. Bây giờ nghĩ lại độ ấy thật gian nan khó nhọc hơn một người đi lính.

Tuy vậy mà ba tháng đã trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được cách nào để tỏ cho cô ta biết rằng tôi yêu cô ta, mà tôi cũng chưa rõ cô ta có để ý đến tôi không.

Trong lúc tôi đang mê mải về cô thiếu nữ ấy, một hôm mẹ tôi gọi đến bảo:

- Anh đã muốn lấy vợ chưa?

- Con ấy à? Rất sẵn lòng.

- Thế thì hay lắm. Tôi đã tìm được cho anh một chỗ rất môn đăng hộ đối, mà nhà lại giàu. Bà cụ là bạn cũ của tôi, còn cô ta...

Tôi không để cho mẹ tôi nói hết:

- Mẹ cứ để con chọn lấy, không cần gì giàu nghèo hay sang trọng, miễn là người ý hợp tâm đầu với con là được rồi.

- Nhưng anh có biết mặt cô này đâu. Cô ta ngoan ngoãn, có vốn liếng, mà cũng xinh đẹp.

Tôi nghĩ đến cái nhan sắc lộng lẫy của người vẫn mơ tưởng, nên không thiết gì bàn luận nữa. Mẹ tôi cũng chiều tôi không ép, nhưng còn tiếc:

- Không đám nào hơn đám này đâu, anh ạ. Nếu anh bằng lòng thì được ngay.

Tôi đâm gắt:

- Thì con đã xin mẹ cứ để mặc con mà lại! Con sẽ chọn lựa lấy được người hợp ý.

Trong bụng tôi định, hễ làm quen được với thiếu nữ kia, là sẽ nhờ mẹ tôi đem trầu cau sang hỏi. Cái địa vị và sự giàu có của tôi chắc sẽ cho tôi được mãn nguyện.

Mẹ tôi không nói gì nữa. Nhưng một tuần sau, bà cụ lại giở đến câu chuyện cũ:

- Thế nào anh nghĩ kỹ chưa? Cứ nghe tôi bằng lòng đám này đi, không còn thì muộn mất. Vì người ta cũng đang có nhiều người hỏi lắm.

- Hỏi thì hỏi, càng hay. Mẹ cứ để mặc con.

Mẹ tôi phát dỗi:

- Ừ đấy thì để mặc anh. Tôi không nhọc xác!

Từ đấy, mẹ tôi không đả động đến câu chuyện ấy nữa. Tôi mừng rỡ đem hết trí nghĩ để tìm cách thu phục con người đẹp đẽ kia, nhưng vẫn chưa có dịp tốt nào. Chỉ biết thêm được tên cô ta là Bảo.

Một buổi chiều về nhà, mẹ tôi chỉ mấy cái bánh chưng, bánh dầy bọc lạt đỏ, mà nói:

- Đây là cái đám hôm nọ tôi nói chuyện người ta biếu. Đấy, bảo anh, anh cứ lần khân không lấy, bây giờ người ta đi lấy chồng rồi. Thật đáng tiếc.

- Mẹ cứ nói vậy chứ tiếc quái gì. Thiếu gì nơi còn hơn thế nữa.

- Đành vậy. Nhưng cô Bảo này thật là được cả người lẫn nết.

Tôi sửng sốt hỏi:

- Mẹ nói cái gì? Cô Bảo à? Có phải cô Bảo nhà ở ngõ Gia Hưng không?

- Có còn cô Bảo nào nữa. Anh cũng không biết ư?

Tôi choáng váng không nghe thấy gì nữa, trống ngực đổ dồn như người bị cảm. Để mẹ tôi ngạc nhiên đứng đấy, tôi vùng chạy một mạch đến ngõ Gia Hưng, quả nhiên thấy trước nhà người vẫn mơ ước, xác pháo giải đỏ cả thềm. Qua bức mành, tôi thấy trong nhà đèn nến thắp sáng và có tiếng người ăn uống.

Thì ra cô Bảo của tôi đã đi lấy chồng thật!

Từ đó, tôi thất vọng, buồn rầu, không thiết gì nữa. Mẹ tôi lo sợ, vội hỏi cưới ngay cho tôi một người ở thôn quê. Lần này, khi mẹ tôi ngỏ ý, tôi nhận lời ngay, cũng không buồn đi xem mặt người con gái nữa. Thế rồi mấy tháng sau thì cưới.

Anh Vân ngừng lại. Ở trong nhà một người đàn bà mặc áo dài trắng bước ra, tay cầm cái ấm chè. Khi đến gần, sẽ cuối đầu chào chúng tôi rồi pha nước vào chén. Tôi nhìn thật kỹ, thấy người đã đứng tuổi, vẻ mặt xấu xí như những đàn bà nhà quê thường thấy. Anh Vân khẽ giới thiệu:

- Đấy, nhà tôi đấy.

Khi người đàn bà đã bước vào nhà, anh ta thở dài nói:

- Thế mới biết vợ chồng là việc duyên số không biết thế nào mà định trước được. Tuy vậy mà tôi với nhà tôi hợp ý nhau lắm, trong gia đình rất thuận hòa. Biết đâu, nếu tôi lấy cô Bảo kia, rồi sau lại không được như thế?

Phải, biết đâu? Chúng tôi còn đồng thanh tỏ cho anh Vân biết rằng cũng đồng ý với anh về chỗ ấy, và hết sức an ủi cho anh hiểu rằng chỉ có sự hòa thuận trong gia đình là đáng quý giá hơn hết.

Một người hiếm có

Một người hiếm có
Thế Lữ

Anh ta là một người học trò rất lười, nhưng rất thông minh. Ngồi trong lớp, một phần tư trí nghĩ để vào lời giảng của thầy còn ba phần tư thì mơ tưởng. Giờ tập đọc, mọi người cắm cúi vào sách vở thì anh cắm cúi xem tiểu thuyết. Nhưng được cái ứng đối thì không ai bằng. Nghe một câu thầy giáo chợt hỏi, liếc mắt qua vào trang sách trên bàn, thế là đủ cho anh ta hiểu nên trả lời thế nào cho đúng. Bài nhà trường không đời nào chịu học. Nếu thầy gọi lên đầu tiên thì anh ta không nói được câu nào hết, nhưng nếu đã có ba bốn anh lên bảng trước thì anh ta vừa nghe vừa học vội một lượt là đọc bài cũng khá xuôi.

Học hết năm thứ hai ban Thành chung, anh bỗng nhiên bỏ trường.

Ra đời cũng khéo xoay xở như lúc còn đi học. Anh ta làm được đủ các việc: dạy tư, làm thợ chụp ảnh, vẽ kiểu nhà, thầu khoán... Cứ mấy hôm trước chưa hiểu biết công việc được mấy tý, mấy hôm sau đã ra người thành thạo trong nghề.

Nhưng anh chẳng theo đuổi được việc gì lâu. Lần đầu, gặp nhau ở Hà Nội (hồi ấy tôi cũng mới ở ban Trung học ra) tôi hỏi anh thì anh vui vẻ đáp:

- Tôi ấy à? Tôi giúp việc cho một trạng sư.

Cách ba bốn tháng nữa tôi thấy anh vội vã đi ở đầu phố Hàng Ngang lại. Anh đạo mạo nói với tôi:

- Bây giờ thì tôi buôn to. Tôi đang tính mở một đại lý độc quyền bán xà phòng cho khắp Đông Dương... Có lẽ buôn thêm các hàng tơ lụa gấm vóc.

Lần khác tôi thấy anh mua từng đệm giấy đánh máy và cắp dưới nách những sách về kế toán, về nhà băng, với một vài cuốn dạy thế giới ngữ.

- Thế nào anh Sáng? - Sáng là tên anh ta – Cửa hàng có chạy không?

- Cửa hàng nào?

- Đại lý độc quyền xà phòng ấy mà!

- À! Chạy lắm chứ. Nhưng tôi nhường lại cho mấy người bạn rồi. Tháng trước các anh ấy đến Hà Nội chẳng có việc gì làm hết.

Rồi mỗi lúc thay một nghề khác, người con trai ấy ngược xuôi ở Hà Nội trong cảnh ồn ào náo động, lúc nào cũng nhanh nhẹn, tháo vát, lúc nào cũng tươi cười. Anh ta coi việc sống ở đời như người đánh tam cúc mua vui, thua ván này, bày ván khác.

Tôi không đến chơi nhà Sáng bao giờ, vì anh ta rất hay đổi chỗ ở. Gặp nhau chỉ trong những lúc tình cờ ở giữa phố, cùng đứng lại bắt tay, nói đôi ba câu chuyện, rồi mỗi người lại đi một ngả đời riêng.

Tôi còn gặp Sáng bốn năm bận nữa, khi thì ngồi trên xe tay cất mũ gọi với tôi hỏi thăm sức khỏe, khi thì đến cạnh vỗ vai tôi trong một rạp chiếu bóng, khi thì chắp tay sau lưng miệng huýt còi, đi lững thững trên bờ Hồ Gươm. Vẻ mặt sáng sủa, trẻ trung của anh lúc nào cũng hớn hở. Tôi nghĩ bụng: Anh chàng này thực là người sung sướng, thấy cuộc đời cái gì cũng đáng yêu.

Lần sau cùng gặp anh năm ấy, tôi thấy anh ăn mặc rất sang, bước trên chiếc xe hơi lộng lẫy xuống cùng một thiếu nữ diễm lệ, nhan sắc cao quý và thông minh. Anh chạy lại bên tôi, vồn vã như tìm thấy một người thân xa cách lâu ngày, rồi giới thiệu:

- Anh Lê Văn, làm báo, cô Kiều Trang, một người bạn gái của tôi.

Tôi nhìn Sáng tỏ ý ngợi khen anh, và đưa mắt hỏi xem "người bạn gái" kiều diễm ấy là người thế nào. Sáng mời cô kia vào hàng Gôđa trước rồi đi cạnh tôi theo sau. Anh se sẽ nói:

- Anh ạ, tôi vừa viết xong một cuốn văn.

- Ồ! Lại làm văn sĩ nữa.

Anh gật:

- Kịch sĩ. Tôi vừa soạn được một vở kịch để tặng riêng cô Kiều Trang. Cô là một nhà nghệ sĩ diễn kịch có đại tài... Tôi được quen biết cô cũng do một buổi diễn kịch mà cô đóng vai chính...

Anh bắt tay tôi, xin lỗi, rồi đến bên người thiếu nữ, nhã nhặn, săn sóc đưa đi xem các đồ trang sức trong căn hàng.

Hồi ấy anh ta đang làm phái viên đi rao hàng cho một hãng xe hơi.

o O o


Từ đó, bẵng đi đến hơn ba năm, tôi không trông thấy Sáng đâu cả.

Tôi thì vẫn đi theo cuộc đời cầm bút bình thường của tôi. Còn Sáng có lẽ vẫn sống một cách kỳ khôi trong cuộc đời bất định của anh, một cuộc đời uyển chuyển đầy rẫy những sự mới lạ.

Tôi cho anh ta là một người lãng mạn hiếm có, không chịu ở lâu trong một địa vị nào; mà tâm tính với tài năng thì thích hợp được với đủ các hoàn cảnh, các công việc của đời. Sáng cũng tự biết mình như thế. Anh thường nói: "Tâm với trí tôi như nước, đổ vào bình nào cũng rất dễ, mà lấy theo hình nào cũng được".

Bỗng một hôm, trong một hiệu cao lâu nhỏ phố Hàng Buồm, tôi chú ý nhìn một người thiếu niên quần áo lôi thôi, mũ chụp xuống gần mắt. Chàng ta đang cắm cúi đọc một tập báo để bên cạnh mấy bát đồ ăn nguội dần. Lúc người ấy cầm đũa ngẩng đầu lên, tôi nhận ra thì chính anh Sáng. Nhưng không là anh Sáng chững chạc, xinh trai tôi gặp hồi trước nữa. Nước da anh ngăm ngăm đen, vẻ mặt như rầu héo đi; trong đôi mắt vẫn lanh lẹ thông minh, tôi thấy phảng phất có một vẻ âu sầu.

Tôi lại gần vỗ vai thì anh tươi cười ngay, đứng lên gọi hầu sáng lấy thêm thức ăn và hỏi tôi:

- Anh mạnh chứ?

- Mạnh. Còn anh?

- Ồ! Tôi thì bao giờ cũng vậy, khỏe mạnh lạ thường mà "mần công chuyện" cũng nhiều lạ thường. Đời vui lắm anh nhỉ!

Giọng nói mạnh bạo, câu nói nhanh mà vui cùng với những tiếng cười giòn, thực thà, và đôi mắt linh động ấy lại khiến tôi hơi ngạc nhiên cho cái vẻ buồn rầu tôi thấy trên mặt anh mấy phút trước.

Tôi hỏi Sáng:

- Lâu nay anh ở đâu mà tôi không gặp?

- Ở nhiều nơi lắm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Phnômpênh, Tourane, rồi Huế, rồi Thanh, rồi bây giờ lại Hà Nội.

Anh cho tôi biết rằng trong khoảng ba năm trời nay anh có vất vả hơn trước, nhưng anh cũng giầu có hơn. Làm giầu để mà sung sướng, để mà yêu đời. Anh biết được rất nhiều người mà nhất là biết thêm được nhiều nghề mới:

- Anh ạ, tôi muốn sống gấp bốn năm người khác, nghĩa là muốn trong ngót ba mươi năm của tôi, tôi thấy, tôi nghe với tôi làm bằng người sống tám chín mươi năm... Tôi học ở nhà trường ít là vì tôi muốn ra đời sớm. Ở trường tôi còn học riêng cho biết rộng thêm nhiều... Bây giờ tôi theo đuổi mỗi việc một hồi ngăn ngắn, nhưng việc nào tôi làm cũng chu đáo, cũng hoàn toàn như người đã sống trong nghề lâu năm. Tôi làm xe hơi ở Phnômpênh, làm thư ký lục sự ở Sài Gòn, làm kế toán ngân hàng, rồi có lúc làm cả bầu hát nữa. Lúc nào cũng hết lòng, lúc nào cũng hăm hở. Nếu có một ngày kia tôi hết muốn hoạt động là tôi khổ lắm. Không hoạt động nữa là chết, thà quyên sinh đi còn hơn!

Anh nói những câu đó một cách tự nhiên và miệng vẫn tươi cười. Nhưng tôi đoán như trong đó có một vài điều lo âu u ẩn.

Tôi chợt hỏi:

- Thế nay anh định làm gì ở đây?

Sáng vừa cho thìa làm tan đường trong cốc cà phê, vừa yên lặng mỉm cười:

- Tôi bây giờ ấy à? Tôi định mở ở Hà Nội một phòng xem tướng số.

Rồi không để ý đến sự kinh ngạc của tôi, anh nói luôn, không ngừng:

- Tôi nói thật đó. Tôi xem tướng giỏi lắm. ít ra cũng đè bẹp được tụi thầy Tầu ở đây. Vì tôi có sách, có phương pháp hẳn hoi. Đây, tờ báo tôi mới đăng mấy câu rao hàng, tôi đọc anh nghe thử:

"Giáo sư Huỳnh Ba, số... Đường Thành, Hà Nội
Thầy tướng số đại tài mới xuất hiện
Biết việc trăm năm về trước
Và năm trăm năm về sau
Đoán định theo phương pháp khoa học tối tân.
Người hoài nghi đến đâu cũng phải tin phục.
Tiếp khách từ 10 giờ đến 12 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ".

- Giáo sư Huỳnh Ba, không phải là một tên vu vơ. Chỉ trong vòng một tháng là cả Hà Nội sẽ biết tiếng giáo sư Huỳnh Ba, mà công cuộc của tôi sẽ có kết quả rất vững.

Lúc từ giã Sáng ra về, tôi vẫn còn lấy làm lạ cho con người táo bạo ấy. Việc đời đối với tôi là một việc khó khăn, phải thận trọng từng ly từng tý, thì đối với anh ta lại như một trò chơi. Anh coi việc gì cũng thường, cũng dễ, mà dúng tay vào việc gì cũng tin là thành công.

Năm giờ chiều sau hôm gặp anh ở Hàng Buồm, tôi tìm đến Đường Thành, mắt đã trông ngay thấy tấm biển lớn trên có tên "Giáo sư Huỳnh Ba, thầy tướng số đại tài" kẻ bằng chữ đỏ. Tôi bước vào, một phòng khách rộng và lịch sự, đồ đạc như mới sắm, thì ở đấy đã có một người thiếu phụ ăn mặc xa hoa ngồi đợi. Bên kia bàn, một người đàn ông đang giở đọc mấy tờ tạp chí.

Bên trong, sau bức bình phong, những tiếng nói chuyện đưa ra, đều đều và nhỏ. Một lát, một người vận âu phục, dáng bệ vệ bước ra, đi trước một ông trạc hơn bốn mươi tuổi, đeo kính trắng, tay cầm bút, vẻ nghiêm trang như một nhà tu hành. Người này cúi chào mấy người khách đang chờ và đưa người bệ vệ ra tới cửa. Tôi đã toan đứng dậy hỏi thì người đeo kính trắng cười và lơ lớ nói bằng giọng Sài Gòn:

- Mời ông Lê Văn ngồi chơi đó, tôi coi cho bà khách đây rồi xin tiếp ông sau. Mời bà vô.

Tôi không biết người thầy tướng kia bao giờ, cũng không nói trước cho Sáng biết là tôi sẽ đến thăm, thế mà sao ông ta biết tên họ tôi và nhận ngay được mặt. Sau đó chừng hai mươi phút, tôi còn đang tìm hiểu việc vừa rồi, thì người đàn bà đi ra, vẻ mặt hớn hở. Ông thầy tướng lễ phép tiễn khách ra đến cửa, đóng lại cẩn thận rồi nhìn tôi trân trân:

- Anh bỏ hộ tôi nét mặt ngây ngô kia đi một tí, rồi vào đây nói chuyện một lúc chơi.

Câu nói bằng giọng Bắc, mà chính là giọng anh Sáng. Tôi chưa kịp đáp thì "ông thầy tướng" đã kéo tôi vào trong, bỏ bộ râu hoa râm và mục kỉnh ra rồi cười:

- Bốn tháng đóng kịch với hai tháng làm bầu hát cũng quá đủ cho tôi đổi được cả giọng nói cho lẫn dáng người. Lần này tôi cũng đóng kịch, Lê Văn ạ, nhưng đóng một tấn kịch quan trọng... Tôi cần phải quảng cáo cho phòng xem tướng này... bởi vì tôi muốn gặp rất nhiều người ở đây, nhất là một người tôi để tâm tìm kiếm mãi.

Tôi hỏi:

- Tìm một người? Ai thế?

Trong mắt Sáng thoáng qua một vẻ buồn, nhưng anh vội cười, nhìn tôi một cách tinh ranh và để một ngón tay lên miệng:

- Bí mật nhà nghề... Vả chuyện hơi dài một chút, tôi sẽ kể anh nghe sau.

o O o


Khách đến phòng giáo sư Huỳnh Ba ngày một đông. Không đầy nửa tháng, mà một phần Hà Nội trí thức đều biết tiếng nhà tướng số đại tài.

Sáng coi sự thành công đó là một lẽ rất thường. Anh bảo tôi:

- Tôi nổi tiếng cũng là sự tất nhiên, có chi là lạ lắm. ở đời chỉ khéo khu xử một chút là việc gì cũng xong. Tôi biết xem tướng thật thà, chứ không thèm khoác lác lừa dối ai, nhưng tôi cần quảng cáo cho người ta phục tôi ngay lập tức.

Tôi hỏi anh học tướng số ở đâu, và vì đâu anh lại nảy ra cái ý kiến làm thầy tướng thì anh cười:

- Khoa tướng số thì sách Tây, sách Tầu thiếu gì? Tôi chỉ cần đọc dăm quyển, cần thực hành trong lúc chuyện trò với chú ý so sánh, đoán xem tâm lý từng người... thế là đủ. Từ hôm mở phòng đến nay, tôi thấy nghệ thuật mới của tôi tấn tới nhiều lắm, hình như đã kinh nghiệm lâu rồi. Tôi biết rõ thêm được nhiều tình trạng lòng người - tôi không những chỉ dẫn cho đường số mệnh cho người ta tôi lại biết yên ủi những nỗi buồn khổ của người ta nữa.

Còn như anh muốn biết vì đâu tôi làm thầy tướng... thì trước hết, tôi là người thích biết nhiều nghề. Nhưng xin thú thực đó không phải là lẽ chính. Tôi mở phòng này chỉ vì một chuyện riêng của tôi - một chuyện tình, anh ạ.

Sáng yên lặng một lát, đôi mắt lơ đãng nhìn đi một phía, tay gõ điếu thuốc lá xuống bao diêm... Anh lại trông tôi, vừa mỉm cười vừa thở dài:

- Phải. Cũng vì một chuyện tình, vì một người đàn bà mà tôi lại đến thành phố này, xếp đặt ra cảnh tượng anh thấy hôm mới đến chơi đây, làm nổi tiếng cho một cái tên lạ lùng. Tôi muốn gặp mặt người ấy mà người ấy không nhận ra tôi... tôi muốn làm thầy tướng Huỳnh Ba để hỏi xem người đàn bà ấy đối với Lương Văn Sáng còn có chút tình nghĩa gì không, nếu không còn thì Huỳnh Ba khuyên cô đừng nên tệ bạc như thế. Vì tôi biết cô hay tin khoa tướng số, và biết thế nào cô cũng sẽ tìm đến đây. Tôi sẽ kiếm cách nối lại cái tình tha thiết của Sáng với cô... ờ đó là một cái mưu. Có lẽ là cái mưu chẳng cao thượng gì, nhưng nó sẽ giúp tôi lấy lại được người tôi yêu, nó sẽ đem lại cho tôi cái hạnh phúc đã mất.

- Anh còn nhớ cô Kiều Trang không? Người thiếu nữ anh gặp đi với tôi vào hàng Gôđa ba năm về trước ấy mà! Người yêu của tôi đó. Trời ơi, tôi yêu cô ta không biết ngần nào. Cô ta là người lãng mạn, là một người cuộc đời cũng sôi nổi như đời tôi, một hạng gái giang hồ thông minh. Cô đã tệ bạc, ác nghiệt với tôi nhiều, nhưng tôi không thể ghét cô được. Để tôi kể thiên tình sử của tôi cho anh nghe".

Thiên tình sử ấy, Sáng thuật lại với tôi một cách rõ ràng, miệng vẫn tươi cười, mắt vẫn linh động, như người kể một chuyện vui, nhưng cái giọng nói ôn tồn, thân mật của anh nghe vẫn có những vẻ buồn thảm.

Sáng được biết Kiều Trang trong một buổi diễn kịch. Nhan sắc của cô làm cho Sáng vơ vẩn, lúc nào cũng thấy hình ảnh cô hiện đến trong tâm trí. Sáng tự bảo mình rằng: "Thôi ta yêu cô mất rồi!". Thế rồi một buổi tối kia, Sáng viết xong một vở kịch mà vai chính rất thích hợp với tài cô và vừa ý cô. Sáng giữ vở kịch tặng riêng Kiều Trang, viết hai bức thư cho Kiều Trang, nhận được ba bức thư cô trả lời: hai người quen nhau từ đó. Rồi từ đó thân nhau, rồi yêu nhau, rồi lấy. Cuộc tình duyên se kết một cách tự do, không theo khuôn phép.

Chiếm được hòn ngọc vô giá là trái tim kia được ngót hai năm, thì Kiều Trang không cho Sáng là người đáng yêu nữa. Còn Sáng thì vẫn không thấy người đàn bà nào đáng quý hơn, nhan sắc hơn Kiều Trang.

Hồi ấy ở Sài Gòn là nơi Sáng quyết chí làm giàu cho người yêu sung sướng, anh ta một lúc làm hai ba việc, tiền của thu về gấp bốn năm người cùng nghề. Kiều Trang muốn đưa vở kịch của anh đăng lên tờ báo Phụ nữ kia, nhưng anh xin cô đề tên soạn giả là Kiều Trang, vì chính anh có ý làm văn sỹ đâu. Vở kịch nếu không cốt để làm quen với cô thì không đời nào Sáng soạn.

Kiều Trang vì thế mà được nhiều người coi là một bậc nữ kịch sĩ, nhiều người khen ngợi và nhân đó thường gặp một ông điền chủ giàu lớn, sắp cho ra một tờ báo Phụ nữ hằng tuần. Cái danh vọng làm cho lòng Kiều Trang say sưa và thờ ơ với Sáng. Rồi trong lúc anh ta ngược xuôi, khi Cao Miên, khi Lục Tỉnh, thì Kiều Trang kết bạn với bọn người theo cô o bế tâng bốc để làm cô quên dần người đã hết lòng chân thực yêu cô.

Lúc Sáng biết ra, thì đã muộn. Anh ta hoảng hốt tìm cách cố giữ tình nhân lại, nhưng lòng Kiều Trang đối với anh không còn chút cảm tình nào. Sáng toan viết báo, làm văn thơ để trở nên một nhà văn có tiếng như những người có tài cô vẫn mến phục, thì Kiều Trang lại yêu một người kép hát trứ danh. Lập tức bỏ nghề văn sĩ, Sáng cũng theo một gánh hát cải lương để tập nghề. Anh ta hết sức nhảy nhót pha trò trên sân khấu, chiều ý hết thảy mọi người và khổ công rèn luyện mới mua được một chút hoan nghênh của công chúng. Làm kép phụ đóng những vai thường trong ít lâu rồi lên kép chính, rồi sau cùng vừa soạn vở vừa làm bầu một gánh hát lớn ở Sài Gòn. Chủ tâm của anh là làm thế nào cho Kiều Trang lại phải chú ý đến anh.

Sáng muốn cho cô biết rằng anh không những có thể làm nên giầu có, anh lại còn có tài, có chí, và gây cho mình cái danh vọng rực rỡ chẳng kém gì các người tình địch của mình. "Nhưng Kiều Trang cũng như con chim xanh kia quá ham mê những ánh sáng xa lạ đâu đâu, không bao giờ tưởng đến lúc trở về cảnh cũ".

Sáng nói tiếp:

- Bây giờ Trang hiện đang ở Hà Nội, đang mải miết trong cuộc vui thú mới, có lẽ cũng không có giây phút nào nhớ rằng ở đời này, còn có anh Lương Văn Sáng là người không bao giờ quên Trang... Tôi đã tìm cách nhắc cho cô nhớ đến tôi như anh đã biết, nhưng không ích gì - hay là chưa ích gì. Vậy tôi còn nhiều cách khác mà cách làm thầy tướng này là một, tôi đã dự bị sẵn sàng các câu nói để đánh vào lòng tin số mệnh của Kiều Trang, rồi tôi sẽ lựa lời để làm cô cảm động. Chắc cô đã chán cuộc đời phiêu lãng, có lẽ cô cũng muốn tìm nơi yên ấm để hưởng lại thú bình tĩnh êm ái của một gia đình... Tôi sẽ hiến cô cái gia đình nhỏ mà êm ái kia... Tôi sẽ đón cô vào, và cô sẽ chẳng có lỗi gì, tôi sẽ làm cho cô quên hết mấy năm qua, sẽ làm cho cô sung sướng gấp trăm lần thuở trước...

Ngày mai Kiều Trang sẽ tới đây do một người bạn gái mách. Giáo sư Huỳnh Ba được các bạn phụ nữ hoan nghênh lắm. ồ! Tôi sẽ không biểu lộ sự cảm động, tôi sẽ đóng vai kịch một cách hết sức tự nhiên... Mà Kiều Trang sẽ tin lời giáo sư, sẽ không nhận ra tôi, và sẽ lại thương Lương Văn Sáng như trước. Có phải không? Việc gì tôi cũng làm được cả, huống chi việc này? Mai, tôi sẽ thi hành một kế trong những kế cùng, nhưng tôi quyết là đắc thắng.

Lúc tiễn tôi ra cửa, Sáng nói đùa một câu:

- Tôi quả là một thầy tướng có kỳ tài. Người khác chỉ biết đoán việc thời thế về trước và về sau. Tôi thì tôi xếp đặt số mệnh của tôi và của người khác.

Anh bắt tay tôi rất mạnh. Trong cử chỉ ấy tôi thấy cả lòng tự tin và chí quả quyết của người con trai khác thường kia.

o O o


Cách đó bốn hôm, một buổi sáng chủ nhật, anh đến chơi nhà tôi thì tôi còn đang ngủ. Anh gọi tôi dậy rồi mắng khôi hài:

- Anh nên sống lâu lâu một chút, chứ cứ quyên sinh bằng cách ngủ muộn thế thì thực là tồi. Mặc quần áo mau lên rồi đi chơi với tôi đi. Buổi sáng đẹp khiếp thế này mà ngủ hay ở nhà thì là một tội ác.

Anh mở cửa sổ huýt còi nhại lũ chim hót trên cây trong lúc tôi rửa mặt chải đầu, rồi quay lại ngắm mình trong gương và sửa hộ tôi cái ca vát. Mặt anh hình như sút đi nhưng anh khoát tay bảo:

- Cần quái gì. Đêm qua không ngủ tý nào nhưng tôi dự định được nhiều việc hay lắm. Tôi xem báo thấy lão Voàng On vỡ nợ mà tôi cười đến chết. Lão làm việc xoàng không biết đến chừng nào mà kể. Tôi có của như lão thì hai năm là nổi cơ nghiệp to.

Anh lại cho tôi biết rằng hãng xe hơi ở Nam Vang anh nhường việc trông coi cho một người quen bây giờ tấn tới lắm.

- Tôi mà vào Nam chuyến này thì còn nhiều việc có lợi nữa.

Ra ngoài đường, tôi hỏi Sáng:

- Cô Kiều Trang đã gặp anh rồi chứ?

Sáng liếc nhìn tôi, nháy một mắt, vừa cười vừa lắc đầu:

- Cô Kiều Trang không gặp tôi bao giờ; chỉ gặp giáo sư Huỳnh Ba thôi.

- Ừ. Rồi thế nào?

- Thế nào? Cô Kiều Trang vẫn trẻ, vẫn đẹp như xưa, mà cô nói chuyện có duyên quá. Huỳnh Ba cũng vậy, nên cô phục Huỳnh Ba vô cùng.

Trên nét mặt, trong đôi mắt của Sáng, tôi như thấy vẻ khác lạ thoáng qua, nhưng lúc ấy thì không chú ý đến lắm.

Bỗng anh trỏ bọn trẻ con đang nô nghịch trên bờ hè:

- Bây giờ thì mình không nghịch như chúng nó nữa nhỉ. Mình khôn hơn chúng nó: Mình nghịch một cách buồn cười hơn.

Rồi anh cúi xuống đón bắt quả bóng lũ trẻ đá đến gần. Đặt bóng xuống, anh nhằm bóng rất lâu, lấy đà chân rất mạnh, nhưng cố ý đá hụt để cho lũ trẻ phá lên cười.

Nhân thể, anh nói chuyện với tôi về tính vui hồn nhiên của tuổi thơ ngây, nhắc đến những lúc còn bé dại, đến lúc đi học hay đánh nhau với anh em bạn; lúc bị thầy giáo phạt, rồi bình phẩm các thầy giáo và các bạn chung của chúng tôi:

- Ông Biên thầy cúng, chẳng biết bây giờ còn ngâm thơ bằng cái giọng khàn khàn nữa không?... Ông Lương pha trò sao mà nhạt thế... Ông Đàm hôm nọ tôi gặp ở phố Hàng Bún đang lau kính, đi lò dò như con cò hương. Anh còn nhớ hồi ông mới đến dạy chúng ta không? Tôi hay chế ông ta nhất.

Lúc nhắc đến bạn thì anh ta nổi giận với một vài anh cả đời chỉ gí mũi vào quyển sách, toán pháp và khoa học thì giỏi ghê giỏi gớm, mà trông mặt ngô nghê như chúa tầu nghe kèn. Anh đạo mạo nhắc lại câu nói của một giáo sư anh phục riêng: "Một người học trò tốt là một anh đần độn".

Đi tới bên bờ Hồ Gươm, anh giữ cánh tay tôi bảo nhìn một người vừa đi qua:

- Kìa, anh trông hộ tôi cái anh chàng cầm ba toong vung tít lên kìa. Anh ta có vẻ bằng lòng lắm nhỉ!

Gặp mấy cô con gái, anh đợi họ đi khỏi rồi ngả mũ chào, nói khe khẽ một câu tiếng Tây để họ không nghe thấy: "Vous êtes bien nobles, mes demoiselles".

Rồi một lát:

- Nhưng cô đi một mình đằng xa kia thì khá lắm. Xin kính chào quý nương.

Chúng tôi cứ thế đi lang thang từ Hàng Trống đến nhà bưu điện, rẽ ra bờ sông, đi lộn về Tràng Tiền rồi qua Hàng Khay, Sáng luôn luôn cất mũ chào và bình phẩm cử chỉ, dáng điệu từng người:

- Bà kia giá béo chút nữa thì cửa Gôđa phải xây rộng thêm. Cậu công tử kia cái mũi hơi đỏ. Trời! Cô kia đi sao mà dẻo thế.

Còn tôi thì cũng lây cái vui vẻ của anh. Lúc đó tôi chắc rằng Sáng trong lòng hẳn có điều khoan khoái, sung sướng. Ôi! Quả thực không có cái gì sâu kín bằng lòng người.

Đến mười một giờ, Sáng kéo tôi vào hàng bánh bắt ăn thực no. Anh vừa nhai vừa nói, luôn mồm nhắc đi nhắc lại câu:

- Đời vui đẹp quá!

Sắp chia tay, thì một người bạn chúng tôi vừa qua nhà, ra gọi tôi:

- Văn, Văn, vào đây chơi!

Chúng tôi vào thì bạn rủ đánh tổ tôm. Thấy Sáng ngần ngừ tôi hỏi:

- Anh biết chơi tổ tôm chứ?

- Sao không biết.

- Đánh chơi mấy hội.

Sáng nghĩ một lát, "chậc!" một tiếng, rồi tươi cười đáp:

- Ừ thì đánh, nhưng góp nhỏ thôi!

Trong cuộc, Sáng là người hay nói nhất, mà ù được ván nào to thì anh cười vỡ cả nhà. Một lần, anh ngồi thừ người ra, đôi mắt mơ mộng. Tôi nhìn anh hỏi:

- Anh nghĩ gì thế?

- Phiền quá, tôi đánh hớ một nước không thì chờ đã lâu.

o O o


Chiều hôm đó, ăn cơm ở nhà người bạn tôi, lúc ra về, Sáng dặn nhỏ tôi:

- Tôi để lại phòng xem tướng cho mấy người bạn rồi, họ muốn làm gì thì làm; hay cứ giữ cái nghề xem tướng cũng được.

- Ồ, thế còn anh?

- Tôi, tôi không cần đến nghề ấy nữa, dễ thường anh tưởng tôi làm giáo sư Huỳnh Ba suốt đời ư? Tôi hiện thuê nhà riêng, nhà tôi ở Hàng Đậu, số 25 bis, sáng mai anh đến chơi, tôi muốn cho anh biết một tin này hay lắm.

Tôi y hẹn, sáng hôm sau, trước khi đến nhà báo, tôi ghé qua thăm anh. Bước vào nhà thì người đầy tớ nói anh còn ngủ và đưa cho tôi một cái phong bì. Tôi không đời nào quên sự kinh ngạc của tôi khi đọc bức thư trong đó.

Hà nội, 4 giờ sáng ngày chủ nhật

18 Mars 1935

(Thì ra bức thư anh viết từ sáng hôm qua, trước khi đến lôi tôi dậy)

Anh Lê Văn.

Tôi không là Huỳnh Ba nữa đâu, cũng không là Lương Văn Sáng nữa, vì khi anh đọc bức thư này thì tôi ngủ yên rồi - ngủ một giấc ngàn năm, theo lối văn sáo người ta vẫn ưa viết. Chỉ khác một điều là ngủ thì vẫn thở, có người vừa thở vừa ngáy, nhưng tôi thì không.

Anh ngạc nhiên làm quái gì? Câu pha trò của tôi ít ra cũng có ý vị hơn những câu nhạt của thầy giáo Lương và một ít nhà khôi hài khác. Vậy thì, như tôi đã nói, tôi đi ngủ một giấc ngàn năm. Cái đó cũng chẳng khó gì (cũng chẳng khó hơn bao nhiêu công cuộc nghề nghiệp tôi làm trong đời tôi): chỉ cần nhá gấp mười liều thuốc ngủ lên là xong chuyện.

Tại sao tôi lại làm thế? Thì cứ nói phăng ngay tại sao tôi lại tự tử. Tại rằng là... tôi muốn thế chứ sao! Mà tôi muốn thế là vì tôi không còn tâm trí đâu thích làm việc nữa. Đó là một lẽ. Còn lẽ nữa cũng quan trọng lắm: là từ nay Kiều Trang nhất định không yêu tôi. Người thiếu nữ kiều lệ kia đổi tình nhân cũng như tôi đổi nghề. Tôi chỉ tiếc rằng tài trí tôi yêu thích được nhiều nghề nhưng lòng tôi chỉ yêu được một người, được một lần thôi! Quái thực!

Tôi yêu Kiều Trang thế nào tôi đã nói cho anh biết đấy. Trang tệ với tôi nhưng tôi không tệ được với Trang; tôi đã yêu Trang thì Trang phải là của tôi, nếu không thì tôi tưởng sự sống không còn có nghĩa gì nữa.

Tôi đã phấn đấu, đã hoạt động suốt một đời tôi rồi, tôi làm bao nhiêu việc, theo bao nhiêu nghề, là cốt để sung sướng hơn lên. Mỗi phen thay đổi tức là một phen tôi "làm lại cuộc đời" của tôi. Lần nào đổi mới cuộc đời của tôi cũng hay cũng đẹp thêm một đôi phần, vì tôi đã định làm việc gì, là việc ấy phải được. Thế mà có một "điều"... một "sự" - không phải - một "cái" không thể nào "làm lại" theo ý muốn: ấy là lòng em Trang yêu quý của tôi.

Tôi biết thế từ hôm tôi gặp Trang ở nhà giáo sư Huỳnh Ba kia, chính em Trang thú thực với Huỳnh Ba như thế. Tôi toan lấy lẽ nhiệm màu khoa lý số để lừa lọc lòng Trang, nhưng trông đôi mắt của Trang thì tôi thấy rõ vẻ lạnh lùng khi tôi đả động tới Lương Văn Sáng.

Ngay trước khi thực hành cái mưu tướng số, tôi đã bảo tôi rằng: "Hạnh phúc của ta ở Trang. Vậy nếu Trang không muốn trở lại với ta, thì thôi! Thế là hết hạnh phúc. Vậy ta không cần làm gì nữa cũng được. Ta quyên sinh đi cho khỏi buồn lâu".

Trang đến cho tôi coi tướng, luôn thể đến gián tiếp hạ cái lệnh bảo tôi đi ngủ đi là xong nếu tôi không yêu người khác được. Mà yêu người khác thì không thể được, vì tôi không thấy lòng tôi muốn thế. Thế có buồn cười không?

Đêm vừa rồi, tôi nằm ngâm hát rất lâu, rồi ôn lại những công việc của tôi, rồi ôn lại lúc gặp Trang, yêu Trang, giận Trang; cuộc đời ái ân của tôi sao mà đằm thắm đến thế... Tôi không muốn ngủ đêm nay vì đêm mai tôi sẽ ngủ luôn thể, sực nhớ đến anh là người tôi đã ngỏ chút tâm sự, tôi liền viết mấy hàng này.

Tôi trông ra cửa sổ, mặt trời đã dần ló đằng đông... Ngày hôm nay hẳn là tươi đẹp, tôi muốn vui cho trọn cho đến lúc chết, nên tôi định viết thư này xong sẽ đi chơi... Có lẽ tôi sẽ lại rủ anh đi cho có bạn.

Chào anh lần sau cùng,

Lương Văn Sáng

T.B.- Nếu tiện, anh sẽ thản nhiên làm như chưa đọc thư này, mở cửa phòng vào đánh thức tôi (vì tôi không khóa cửa), và gọi không thấy tôi dậy, sẽ bảo cho người ta biết. Anh liệu làm cho người ta tin rằng tôi chết vì uống thuốc ngủ quá độ, chứ không phải vì quyên sinh. Tôi không muốn cho K.T. biết rằng Lương Văn Sáng tự tử vì cô. Nhưng nếu anh không giỏi đóng kịch thì cứ bảo là tôi tự tử cũng được, duy có điều tôi không được hài lòng".

Rút từ tập truyện ngắn
Bên đường thiên lôi, 1936.

Cô đơn

Cô đơn
C. Mateescu

Mỗi lần tôi về N., nhà ga lại đón tôi. Đó là một tòa nhà mầu bồ hóng, trông kềnh càng và ảm đạm. Tôi thường để va li ở phòng gửi hành lý. Trước khi đẩy cánh cửa để bước ra ngoài đường, tôi châm thuốc hút. Thành phố nằm ở một bên nhà ga nơi đứng đây không thể trông thấy được. Nó khuất sau nhữmng ngôi nhà hai, ba tầng trước kia là các quán trọ. Phải nói rằng đối với khách đến đây, thành phố gây một ấn tượng hết sức buồn tẻ. Hầu hết các nhà đều có bức tường đồ sộ màu trắng bẩn vây quanh. Đằng trước ga là một quầy hàng treo đầy bánh rán và bánh quế làm bằng bột mạch đen. Buổi sáng hôm ấy ở đây không có ai cả. Tôi ngồi xuống bậc đá hút thuốc và tận hưởng cảnh yên lặng tĩnh mịch, ngắm nhìn những quả đồi cao bao bọc xung quanhthành phố.

Đối với tôi, mọi thứ ở đây đều quí giá. Tôi sinh ra ở nông thôn, nhưng tôi học phổ thông ở đây, thời ấu thơ của tôi trải qua ở đây. Đã mấy năm nay tôi không về N., nhưng tôi muốn nghĩ rằng cả khi vắng mặt tôi, thành phố cũng không thay đổi gì. Trước nó thế nào, thì bây giờ khi tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện của tôi, nó vẫn thế, và mãi mãi nó vẫn cứ thế thôi.

Vừa nghĩ tới những năm tháng đã qua, tôi vừa đứng chống khuỷu tay lên lan can bậc thang. Có một quân nhân đi về phía tôi. Tôi ngẩng đầu lên thì vừa lúc mặt đối mặt với anh tạ Một phút sau đó tôi đã biết rằng đó là chồng tôi. Điếu thuốc lá trên môi tôi rơi xuống vỉa hè. Tôi muốn lao tới ôm lấy anh, nhưng tôi không đủ sứcnhúc nhích khỏi chỗ mình đang đứng. Điều duy nhất tôi có thể làm được là đưa tay về phía anh. Có một cái gì như đứt hẫng trong tôi, sau đó tất cả như chơi vơi đi đâu và tôi không nhớ cái gì nữa.

- Anh thậm chí không thể tưởng tượng nổi khi con người cảm thấy cô đơn thì khủng khiếp đến mức nào đâu. Mỗi người chịu đựng cảnh cô đơn theo cách riêng của mình. Cuộc sống giống như những hạy cát, cứ lọt qua các kẽ ngón tay, và thế rồi rốt cuộc ta bắt đầu hiểu rằng ngày mai sẽ cũng y hệt ngày hôm nay thôi. Còn ngày ta vừa sống chẳng qua chỉ là cái cầu nối liền hai ngày khác cũng vô nghĩa như thế.

Miệng tôi nói, mà tôi cứ vuốt má; i tóc anh. Anh nép vào tôi như một đứa trẻ vừa nghe chuyện cổ tích vừa ngoan ngoãn ngủ thiếp đi. Đôi khi anh đưa mắt nhìn lướt qua tôi, rồi cái nhìn của anh như lạc vào đám cây xanh xung quanh bãi cổ chúng tôi đang ngồi. Có lẽ anh chẳng nghe thấy tôi nói đâu. Nhưng điều đó phỏng có ý nghĩa gì? Tôi vui mừng vì mọi thứ đều bình lặng, vì chúng tôi ở bên nhau, tôi đâu có cầu xin số phận nhiều hơn những gì số phận tự mình ban cho tôi.

Dù cố gắng thế nào đi nữa, anh cũng không tài nào hiểu được tại sao tôi lại xúc động đến như vậy khi thấy anh giống một người khác, con người mà anh không thể ngờ có trên cõi đời này.

- Khi ta ra mặt trân, - anh nói - sự cô đơn không có ý nghĩa gì hết. Bởi một lẽ đơn giản là ta cảm thấy chẳng có điều gì quan trọng cả.

- Đúng thế. Em đồng ý. Nhưng sau đó anh trở về và tự hỏi: Mình chiến đấu vì cái gì vậy nhỉ? Bất cứ câu hỏi nào ta cũng có thể tìm được lời giải đáp. Còn nếu không thể tìm được lời giải đáp, thì cuộc sống không trở nên tốt hơn, mà cũng không trở nên xấu hơn. Chẳng qua vấn đề là ở chỗ ta phải bắt đầu mọi chuyện từ đầu thôi. Hết lần này đến lần khác ta lại phải bắt đầu từ con số không, và cứ mỗi lần như thế lại cành khó hơn, khó hơn nữa. Tuy nhiên chẳng bao lâu nữa chính anh cũng sẽ thấy rõ là em đúng cho mà xem...

- Thế có nghĩa là anh sẽ trở về không? - Anh thì thầm hỏi.

Đáp lại anh, tôi nghĩ tới chồng tôi. Tôi lại sắp phải chịu cảnh chia lỵ Thế là cùng với niềm vui sướng trong lòng tôi còn mơ hồ một nỗi lo lắng bồn chồn. Rồi sẽ ra sao đây? Lần thứ hai tôi ở bên một người lạ. Còn phía trước thì hoàn toàn mờ mịt. Ô i dào, mà có gì quan trọng đâu nhỉ? Đã có một buổi sáng ah ấy bên tôi, và tất cả mọi nỗi sợ hãi lo âu trong tôi bỗng dưng tan biến hết. Đến một lúc nào đó chiến tranh cũng phải kết thúc chứ! Trời ơi! Mọi chuyện trên đời này đều có tận cùng cả...

- Người ta bảo không thể đánh lừa cái chết được hơn một lần đâu, - anh lính nói. - Bố anh chết trong chiến tranh, cuộc chiến tranh lần thứ nhất kia. Trong gia đình anh, tất cả đàn ông đều chết ở ngoài mặt trận em ạ.

Tôi đưa tay vuốt tóc anh. Tóc anh mềm và bóng. Anh nằm nhắm mắt, hai khóe miệng thoáng một nụ cười. Tất cả những chuyện đó là vào hôm sau ngày tôi gặp anh ở nhà gạ Từ lúc ấy đến giờ mới vỏn vẹn có một ngày. Vậy mà tôi tưởng như tôi biết anh đã lâu lắm rồi.

- Em muốn chúng ta chỉ nói tới những điều vui thôi. Anh hãy kể cho em nghe một chuyện gì đi. Anh kể về những cô gái mà anh đã yêu trước khi gặp em cũng được.

Người đàn ông nhìn tôi qua hàng mi cụp xuống.

- Em có điên không? - Anh hỏi và kéo sụp chiếc mũ ca lô xuống tận mắt. Từ những lùm cây ngay gần bên có những con chim rào rào bay lên. - Ở ngoài mặt trận chỗ bạn anh không có nhiều chuyện yêu đương lắm đâu. Anh có thể kể cho em nghe một trường hợp thế này: có lần, đến trú đêm ở một làng nọ. Tại đó, anh quen biết một phụ nữ trẻ vì anh ở nhà ấy ba ngày. Thế rồi một đêm kia, anh và cô ta chẳnh hiểu thế nào lại ở bên nhau. Cô ta ôm anh nồng nàn, thắm thiết và say mê, mà biết đâu chính anh là người lính đã giết chết hoặc bắn bị thương chồng cô tạ Rạng sáng hôm sau, khi anh thức giấc, cô ta hãy còn ngủ và mỉm cười trong mợ Chắc hẳn cô ta mơ thấy người yêu. Anh vội vã mặc quần áo vào rồi khẽ khàng lẻn ra ngoài sân như một thằng ăn trôm...

Quay người về phía tôi, anh tựa đầu lên một cánh tay.

- Mà này, thậm chí anh không biết tên cô ta là gì nữa em ạ, - anh nói tiếp, giơ tay lên mắt che ánh nắng chói chang. Tôi đưa diêm cho anh. Anh rít một hơi thuốc rõ lâu rồi lại nép vào người tôi. Tất nhiên khi kể cho tôi nghe câu chuyện vừa rồi, anh hoàn toàn không nghĩ rằng cả chúng tôi cũng chưa nói cho nhau biết tên. Bất ngờ anh cau mày lại, vầng trán trẻ trung và tinh khiết của anh hằn sâu một nếp nhăn.

- Em ạ, anh không muốn đi chút nào, nhưng biết làm sao được, vẫn cứ phải đi thôi, chính em cũng hiểu đấy! Nếu không có chiến tranh, có phải anh đã ở lại với em mãi mãi không, ngoài em ra, anh không cần một ai hết! Anh yêu em!

Bấy giờ là giữa trưa. Ánh nắng mỗi lúc một nắng hơn. Trong rừng yên lặng như tờ. Chỉ có tiếng rìu của người tiều phu đang đốn gỗ thoáng vọng lại từ một nơi nào đó tít xạ Tôi nhìn người đàn ông ở bên tôi mà chỉ hiểu có một điều: anh sắp đi, sắp đi rồi, và có thể sẽ không bao giờ trở về nữa. Tôi sẽ không gặp anh nữa. Chắc hẳn cái số phận tôi nó thế, chỉ được ở với người yêu một đêm thôi. Bao giờ cũng chỉ được một đêm thôi.

- Em muốn anh luôn nhớ tới em, - tôi nói. - Cuộc sống có ý nghĩa khi ta chờ, khi ta nhớ anh ạ.

Nép vào vai tôi, anh ngồi hút thuốc, gợi trong lòng tôi một nỗi nhớ da diết con người trước kia là chồng tôi cũng ra đi vào một buổi sánh như thế này rồi không trở về nữa. Và người lính trẻ này với cái nhìn sững sờ và u buồn, không bao giờ biết được rằng trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi anh đóng một vai trò mà trước anh, có một người nào đó khác đã từng đóng. Anh đóng vai trò ấy cũng vụng về như thế, cũng rủi ro như thế. Tôi vòng tay ra ôm lấy anh. Qua chiếc áo va - rơi bộ đội mở khuy ở ngực, tôi trông thấy cái cổ dài mảnh khảnh của anh có mạch máu xanh đang phập phồng đập.

- Anh phải đi đây, - anh nói. - Sao em lại kể chuyện về bản thân em cho anh nghe làm gìnhỉ?

- Tại sao thế anh? - Tôi không hiểu ra ngay.

Anh mỉm cười.

- Em yêu, tại vì bây giờ dù anh đi đâu, chúng ta cũng vẫn luôn luôn có nhau. Đó là một câu chuyện buồn. Bây giờ câu chuyện ấy lúc nào cũng sẽ in đậm trong lòng anh.

- Mỗi người dều mang một gánh nặng về sức mình. Còn em kể về em cho anh nghe là vì cần phải kể anh ạ.

- Bây giờ trong tâm hồn em lúc nào cũng sẽ canh cánh nỗi lo cho em.

- Anh lấy làm tiếc là hôm qua đã ở bên em ư?

Anh ngước mắt nhìn tôi.

- Số phận anh là gặp em, em ạ. Không còn con đường nào khác. Anh không tiếc gì hết. Anh thấy khủng khiếp quá. Ngày mai anh đi rồi. Thật kỳ lạ, trước kia không bao giờ anh nghĩ rằng anh có thể bị giết. Anh đã từng ở mặt trận, đã từng xông lên tấn công mà không thấy sợ. Anh không hề nghĩ gì về những chuyện có thể xảy ra với anh. Chắc hẳn chồng em cũng cảm thấy như vậy, có lẽ chỉ khác là anh ấy chưa biết mình sẽ có một đứa con gái. Anh ấy chưa biết rằng khi chết đi, anh ấy để lại hai con người cô đơn. Nếu biết thế anh ấy sẽ khổ tâm hơn.

Anh vút mẩu thuốc vào đống lá ẩm ướt. Sau đo 'anh đứng dậy và đưa hai tay lên áp chặt vào hai bên má tôi.

- Em có nhớ anh hứa gì với anh đêm qua không? - Anh hỏi.

- Có chứ anh! - Tôi gật đầu.

- Em phải tin anh. Anh sẽ giữ lời hứa và sẽ trở về. Anh làchồng em. Nhất định anh sẽ trở về. Và không gì có thể chia lìa chúng ta được. Chiến tranh sẽ kết thúc. Mọi chuyện sẽ bị lãng quên đi. Chúng ta sẽ cùng nhay nuôi con. Bởi vì đó cũng là con của anh nữa em ạ. Con của chúng tạ Chúng ta sẽ thử bắt đầu tất cả mọi chuyện lại từ đầu, chúng ta sẽ còn được hạnh phúc em ạ, rồi em sẽ thấy! Em sẽ không cô đơn nữa, anh hưa với em như thế. Em phải tin anh mới được. Em hãy tin anh với một sức mạnh cũng như hôm qua, khi em rông thấy anh ở nhà ga, đưa tay ra cho anh và mỉm cười. Chúng ta sẽ xây dựng một ngôi nhà, chúng ta sẽ làm việc, còn trong những ngày rảnh rỗi chúng ta sẽ tới đây, đến chỗ của chúng ta, chúng ta sẽ nằm trên cỏ mà nhìn những đám mây trôi. Và chúng ta lúc nào cũng sẽ trẻ trung như bây giờ...

Anh hôn tôi. Trong rừng thoang thoảng mùi rêu và mùi cỏ. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Anh nói điều gì đó với tôi, và tôi tin anh. Những khoảnh khắc ấy đọng lại trong tôi như những vệt sáp trên mặt gỗ tấm vách treo ảnh Thánh.

Tôi nhắm mắt lại và hình dung gương mặt anh, nụ cười của anh. Anh cài khuy áo va - rơi, một chiếc khuy bị tuột mất, anh tìm mãi trong cỏ mà không thấy. Ta có thể nhớ lại những gì ngoài mấy động tác đó và vài ba mẫu ý nghĩ nào đó không được nói lên lời? Lúc ấy là vào buổi trưa. Chúng tôi cầm tay nhau cùng đi đến nhà thờ lớn. Chúng tôi dừng lại. Thành phố trải rộng ở phía dưới. Ánh sáng vàng óng tran hòa khắp nơi. Anh sửa lại mũ calô, kéo lại áo cho chỉnh tề. Ở ngõ phố mé bên, một tốp lính đang đi thành hàng ngũ.

- Giá em đừng kể cho anh nghe về em thì phải, - anh lại nhắc lại.

- Tại sao hả anh?

- Bây giờ cả nỗi buồn của em cũng sẽ thấm đượm trong anh. - Anh đưa tay vuốt mặt tôi rồi bước đi. Tới góc phố, anh dừng bước và ngoảnh lại. Anh định vẫy chào từ biệt tôi, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Bóng anh còn thấp thoáng một lúc nữa giữa những bờ tường đá quét vôi, rồi khuất hẳn.

Cuộc đời tôi không hơn gì và cũng không kém gì cuộc đời như! ng người khác. Chỉ có điều là tôi có thói ngốc nghếch cứ hay ngẫm nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Tôi cũng hiểu rằng như thế chẳng ích lợi gì. Còn nói chung, tính tôi vui vẻ, tôi thích bông đùa, thích ca hát, thích giải trí... Chắc hẳn đàn ông họ cho rằng sự vui vẻ của tôi là gượng gạo, giả dối, rằng tôi cố ý vui như thế chẳng qua là do sự muốn thu hút sự chú ý của họ Vì khi đó thì mọi người dễ đến với tôi, mới dễ làm quen với tôi. Có những người cứ bám chặt lấy tôi dai như đỉa đói, lắm lúc đến là thô bạo. Nhưng điều đó không khiến tôi động lòng. Tôi đã quen tất cả các chuyện rồi. Có lẽ mọi người như thế nào, thì ta phải chấp nhận họ thế ấy. Không nghĩ về họ quá xấu, cũng không nghĩ về họ quá tốt. Tôi hiểu ra một điều: phải chấp nhận tất cả các sự việc đang xảy ra với một thái độ bình tĩnh, vì điêu kiện sinh sống của tôi cũng như những người khác thôi. Tiếc rằng tôi gặp nhiều người xấu hơn người tốt. Nhưng tôi không than phiền đâu. Khi ta ngồi bên bàn với ột người ta thích, trước mặt ta lại còn có cốc bia nữa, thì dù muốn hay không, ta cũng cố quên đi mọi nỗi buồn và chỉ nghĩ đến điều gì dễ chịu.

Thế là đã mười lăm phút rồi tôi không nói một lời nào. Anh lính nhìn tôi âu yếm, mặc dù hình như anh cũng hơi bối rối. Đúng là tôi đã làm đầu óc anh lộn xộn cả lên vì đủ thứ các chuyện tôi vừa kể. Liệu anh có nghĩ rằng tôi là một người trong đám đàn bà lang thang tìm kiếm bạn đồng hành để có thể cùng sống qua hết buổi tối trong một xó xỉnh nào đó không nhỉ? Cùng giết thời giờ với nhau cho đến buổi đêm chẳnh hạn. Thế nhưng anh đâu có lắng tai nghe chăm chú lắm những điều tôi nói. Thỉnh thoảng anh buông một tiếng trả lời cụt lủn " có” hoặc "không”, có khi anh chỉ gật đầu để đáp lại câu hỏi của tôi. Anh ngồi đối diện với tôi, tay rắc rắc thêm muối vào bia. Anh làm việc đó cẩn thận đến nỗi tôi bất giác mỉm cười. Trên mấy ngón tay vàng khè vì thuốc lá của anh còn vương lại vài hạt muối. Có lúc ánh mắt chúng tôi bắt gặp nhau và khi đó, anh vội vã nhìn ra chỗ khác. Tôi muốn biết anh nghĩ gì về tôi quá, nhưng tôi không hỏi.

- Anh biết không, - tôi bảo anh, - hồi trước chiến tranh không bao giờ em vào quán bia đâu. Em khó chịu cảnh ồn ào lắm. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện khác rồi. Một cốc bia, một ngụm rượu xuica khiến ta phấn chấn lên, sảng khoái ra. Chúng càng nảy sinh những niềm hy vọng đã bị lãng quên, xua tan những nỗi phiền muộn u uất. Thêm nữa ở đây ta có thể nói chuyện với một người nào đó, mà như vậy cũng có ý nghĩ không phải là ít đâu anh ạ. Thật tuyệt diệu khi ta có thể trao đổi với ai một đôi lời. Khi có một người dù là không quen biết có thể nghe ta nói, có thể hiểu được những nỗi buồn của tạ Còn những người khác thì chẳng hề bận tâm chút gì tới điều đó. Mỗi người đều nghĩ tới chuyện riêng của mình anh ạ!

Sao tôi lại nói với anh tất cả những cái đó nhỉ? Tôi không biết. Tôi nốc một hơi cạn sạch cốc bia. Người thanh niên mà tôi đang trò chuyện đây giống chồng tôi như lột. Cho dù hai người có là anh em sinh đôi chăng nữa cũng không thể giống nhau hơn được. Thậm chí ta khó lòng tin nổi lại có những người giống nhau đến thế. Trời ơi, tôi xúc động đến chừng nào lúc trông thấy anh trên bậc thềm nhà gạ Nhưng ở địa vị tôi, bất cứ người phụ nữ nào cũng cảm thấy một điều như nhau: chẳng lẽ đó lại chính là anh, người chồng của tôi? Vì tôi coi rằng chồng tôi đã chết lâu rồi kia mà.

Anh lính châm thuốc hút, đưa mắt tìm gạt tàn và vì rồi không thấy, anh đặt luôn que diêm đã bị cháy sém xuống mặt bàn ngay bên cánh cốc bia đã cạn. Không khí ngột ngạt, nên anh cởI khuy cổ áo va - rơi ra. Trông anh như một chú be 'non choẹt và mảnh khảnh vừa mới vượt qua tuổi thiếu niên.

- Em hút không? - Anh hỏi tôi. Rồi anh đẩy bao thuốc lá lại gần tôi. - Nhưng thuốc nặng lắm. Hút vào khé cả cổ họng và rất đắng đấy.

Tôi đưa tay để lấy một điếu thuốc, thế là anh thấy chiếc nhẫn cưới trên ngón tay tôi. Tôi chờ anh sẽ hỏi là tôi đã có chồng con chưa, nhưng anh không nói gì cả. Vẫn im lặng như trước, anh đút bo thuốc la 'vào túi rồi đưa điếu thuốc anh đang hút cho tôi châm lửa. Trong quán có chuyện gì xảy ra tôi cũng chẳng biết nữa. Hình bóng nhữNg người ngồi xung quanh tôi cứ mờ mờ ảo ảo. Ở Tít trong, bên cạnh quầy hàng có một người Di - gan đang chơi vĩ cầm.

- Hóa ra em hút thực sự đấy nhỉ, - anh nhận xét. - Anh muốn nói là anh thấy em rít những hơi thuốc hẳn hoi, chứ không phải chỉ làm ra vẻ như vậy. Xin lỗi em, thuốc lá của anh không phải cho phụ nữ mà là cho lính. - Rồi anh nhìn tôi âu yếm mỉm cười. Tôi kể cho anh nghe rằng tôi đã co 'thói quen hút thuốc đã lâu, rằng có một dạo tôi đi dạy học, làm việc ở trường phổ thông, nhưng sau đó phải thôi việc, và trong thời gian dài tôi không sao tìm ra được việc làm. Tôi sống rất chật vật và thiếu thốn. Rồi chính tôi cũng không hiểu thế nào, trước khi đi ngủ tôi lại có thói quen hút thuốc. Thế là từ đó tôi cứ hút suốt. Tối nào tôi cũng đứng bên cửa sổ, hút thuốc và nhìn những người khách bộ hành về nhà muộn.

- Nếu em kể anh nghe tại sao em lại phải thôi việc, - tôi nói tiếp - anh cũng chẳng tin đâu. Em làm việc ở một làng nhỏ nằm heo hút giữa các khu vườn và núi doồi. Làng ấy đẹp lắm, cho nên em mơ ước rồi dần dần em sẽ lấy chồng, em và chồng em sẽ xây dựng một ngôi nhà và em sẽ ở lại đó suốt đời. Bây giờ vừa đúng lúc thời kỳ năm học sẽ kết thúc. Học sinh lớp em ồn ào, nghịch ngợm, nhưng em đã quen với chúng, vả lại chúngcũng rất yêu mến em. Em thích nghề của em, thậm chí em còn tự hào về nó nữa. Em tưởng như cả thế giới này là thuộc về em. Em chẳng có điều gì phải lo lắng, mà nếu ó đi nữa, thì bây giờ em mới hiểu rằng chủ yếu là em tư> nghĩ ra cả thôi. Những nỗi lo lắng của em giống như các loại hoa đồng nội, hoa bồcông anh chẳng hạn. Chỉ cần có gió thổi một cái là tan biến sạch. Ở trường em còn có một co6 Giáo nữa, còn ông hiệu trưởng là chồng cô này. Ông ta là một người đã có tuổi, lúc nào cũng rầu rĩ, ít khi mỉm cười. Em thấy cuộc sống của họ tẻ nhạt lắm anh ạ! Họ bận bịu hết từ sáng đến tối. Nhiệt tình tuổi trẻ của em, những lời bông đùa của em đã tô điểm chút ít co những ngày tháng xám xịt giống như một trậm mưa kéo dài lê thê của họ. Em thích ca hát và hát khá haỵ Cả bây giờ em cũng vẫn thích, nói gì đến hồi trẻ trung... Bây giờ ngay giọng em cũng đã thay đổi rồi. giọng em trở nên thô hơn thì phải... chắc la tại thuốc lá.

Tất cả những chuyện đó tôi nói với anh trong lúc đầu tôi tì lên hai tay và mắt thì chăm chăm nhìn anh. Anh im lặng và chỉ buồn rầu mỉm cười. Anh cười về điều gì, tôi không hiểu: chẳng biết về câu chuyện của tôi, hay về những ý nghĩ của bản thân anh. Mà thật vậy, anh đang nghĩ gì nhỉ? Về tôi ư? Về bản thân anh ư? Chắc hẳn anh đang nghĩ về bản thân mình, về cuộc đời anh. Ai chẳng có nỗi băn khoăn và lo lắng riêng tư? Nhất là bây giờ, giữa thời buổi loạn lạc này. Nhưng thật kỳ lạ, ngay cả sự im lặng của anh cũng đem đến cho tôi một cảm giác gần gũi và vui sướng thế nào ấy không sao giải thích nổi. Tôi tưởng như đang ngồi bên cạnh chồng tôi, tưởng như tôi lại cảm thấy cuộc sống, một cuộc sống tô”t lành và độ lượng, tôi tưởng như mỗi giờ ở bên người thanh niên mặc quân phục này là do số phận ban thưởng cho tôi dể bù đắp lại những năm tháng nặng nề chờ đợi đằng đẵng.

- Ở trường em, mọi việc vẫn cứ diễn ra bình thường. Đến tận hôm nay em vẫn còn nhớ buổi lễ kết thúc năm học. Rất nhiều hoa, ban đồng ca trẻ em, những giọng hát thanh thanh đứt quãng vì xúc động, những tấm áo đẹp đẽ, nhiE6`u màu sắc của các em gái, tiếng ồn ào, quanh cảnh vui vẻ. Tối hôm ấy, chún em họp mặt ở nhà ông hiệu trưởng. Cả ông ta, cả vợ Ông ta đều nói với em vô số những lời tán tụng. Chúng em uống thư rượu nho tuyệt vời, em hát... sau đó, ông hiệu trưởng đề nghị tiễn em về nhà. NGoài đường tối như mực. Khi đang đi qua cầu, ông ta bỗng giữ em lại. Ông ta nói rằng em xinh đẹp, rằng ông ta yêu em, rằng thiếu em ông ta khôngthể sống được. O6ng ta ôm lấy em. Ông ta thề thốt gì đó và cứ nói mãi không thôi. Em sững người vì khiếp sợ. Em ghê tởm ông ta quá. Khó khăn lắm em mới vùng ra được khỏi tay ông tạ Hình như em còn tát cho ông ta một cái hay sao ấy. Về đến nhà em nằm vật xuống giường khóc nức nở. Sau đó, em sắp xếp mấy thư đồ dùng đơn giản của em lại rồi khăn gói lên đường. Thế là kết thúc thời kỳ ngắn ngủi em làm nghề dạy học. Em trở về đây và từ hồi ấy em bắt đầu một cuộc sống bấp bênh, nghèo khổ.

Tôi vừa hút thuốc vừa nhìn anh. Anh lính gọi thêm bia nữa. Trong quán rất ngột ngạt. Mấy cửa sổ để mở trông ra ngoài sân. Mảnh sân hẹp vắng tanh, ở một góc lại bừa bãi những chai vỡ và rác rưởi. Đây không phải là chỗ tốt lắm dể kể những điều thầm kín của mình, tôi nghĩ vậy. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn thấy thoải mái. Cốc bia vừa uống, nhưng hồi ức, câu chuyện thong thả với người thanh niên ngồi bên cạnh dường như đã giúp tâm hồn tôi dịu đi. Anh vẫn chăm chú nghe tôi kể như trước, và trên môi anh thoáng hiện một nụ cười không nói lê điều gì. Người hầu bàn dem bia tới. Chúng tôi chạm cốc.

- Nóng thật, - anh nói và hơi nhấc cốc lên, - chúc sức khỏe em!

- Anh về nghỉ phép à? - Tôi hỏi.

Anh gật đầu.

- Anh ạ, em vẫn cứ định hỏi anh, - cuối cùng tôi đánh bạo, - lúc ở ngoài ga, khi em hôn anh, anh nghĩ gì về em?

Anh lính bối rối im lặng. Tôi lại cất tiếng hỏi:

- Bao giờ anh đi?

- Tối mai, - anh đáp.

Thì ra thế đấy. Anh ấy phải đi. Tôi nuốt một ngụm bia. Bia đắng quá, chẳng ngon gì cả. Tôi bỗng thấy lệ trào ra trong mắt. Chàng trai này sẽ nghĩ gì về tôi nhỉ? Ở bên chiếc bàn con sát cạnh có mấy thanh niên đang vừa gào lên hát vừa khua tay loạn xạ. Tôi lấy khăn mùi xoa trong túi xách ra. Anh lính cẩn thận rắc rắc muối vào bọt bia.

- Chắc hẳn lúc chia tay với những người thân, anh khổ tâm lắm phải không? - Tôi hỏi, - Lúc chia tay với bố mẹ, với bạn bè... với người yêu ấy mà? Hay anh đã có vợ rồi?

Anh lính mỉm cười.

- Chúng ta hãy nói vềchuyện khác đi, - anh bảo. - Anh chỉ có một thân mình thôi. Anh không có ai hết, nếu như em muốn biết.

Bắt chuyện với anh khó lắm. Tôi bảo anh rằng chồng tôi tính tình cũng kín đáo và trầm lặng. Tôi bảo rằng lúc ở ngoài ra, trong một khoảnh khắc tôi đã nghĩ rằng anh chính là chồng tôi. Anh lính ngờ vực ngước mắt lên nhìn tôi. Thậm chí cái nhìn của anh còn có vẻ ngỡ ngàng. Anh tắt điếu thuốc đi rồi vứt ra ngoài cửa sổ.

- Em muốnnói rằng anh và anh ấy giống nhau cả trong nội tâm nữa. Khi hy sinh, anh ấy cũng trạc tuổi anh. Em chưa kịp biết rõ hết anh ấy đâu. Hồi đó, anh ấy làm việc ở xí nghiệp đóng giày. Bọn em thường gặp nhau sau giờ tan tầm. Anh ấy theo đuổi em trong vài tháng. Thoạt tiên, em cũng không thấy thích anh ấy một cách đặc biệt lắm. Cũng như anh, anh ấy đẹp trai, nhưng không vui tươi. Lúc nào anh ấy cũng trầm ngâm suy nghĩ một điều gì. Em mơ ước một người khác thế cợ Em muốn chàng trai em yêu thương phải là một người yêu đời, dễ mến, giao thiệp rộng. Để còn dẫn em đi nhảy, đi các dạ hội chứ... Nhưng sau đó em đâm quen anh ấy và bằng lòng lấy anh ấy. Em đã hai mươi tuổi, cho nên em nghĩ rằng đã đến lúc ít nhiều phải ổn định. Một mình một bóng thì khủng khiếp lắm. Mà chồng em rất tốt bụng và dịu dàng anh ạ.

- Trước khi cưới, - tôi lại cất tiếng nói, - chồng em không kể cho em nghe về bản thân anh ấy đâu. Có chăng cũng chỉ kể đôi điều lặt vặt. Em cùng anh ấy đi xem phim hoặc đi dạo hàng giờ trong công viên, lang thang trên các phố. Hồi chưa cưới anh ấy chỉ hôn em có mỗi một lần thôi, không hơn. Bọn em không cho phép làm một điều gì quá trớn hết. Bố mẹ em theo đạo nên giữ em rất nghiêm ngặt. Nếu trước khi cưới mà xảy ra chuyện này chuyện nọ, bố mẹ nhất định sẽ cấm cửa em anh ạ. Thế rồi giữa lúc đám cưới đang vui nhất, thì hiến binh đến tìm anh ấy. SAu đó nửA năm có tin anh ấy bị kết án hai mươi năm tù giam. Trong giấy báo còn nói rằng anh ấy bị tù về tội chống nhà nước. Cụ thể tôi gì, em không thấy giải thích rõ. Đành vậy thôi, bị tội là bị tội, biết làm sao được. Em bèn đến xí nghiệp anh ấy để dò hỏi. Một người bạn cùng làm việc ở một phân xưởng với anh ấy bảo rằng chồng em là đảng viên cộng sản. Là một cán bộ tuyên truyền cộng sản. Hồi đó em chưa hiểu lắm như vậy nghĩ là thế nào. Chồng em - thậm chí em có cảm giác kỳ lạ khi gọi anh ấy là chồng, vì cái từ này chẳng phù hợp chút nào với các quan hệ giữa bọn em với nhau, - hiền lành vô cùng, đến con ruồi anh ấy cũng không thể giết chết được nữa là. Em tin chắc anh ấy vô tội. Cuộc chia ly mà số phận bắt bọn em chịu đựng chỉ củng cố thêm niềm tin của vào anh ấy thôi. Em có cảm giác là em yêu anh ấy thực sụ chính là khi em vàanh ấy phải chia lìa nhau. Trong ý nghĩ, bao giờ em cũng ở bên anh ấy. Thời gian ngày càng ngăn cách bọn em, nhưng đối với em, anh ấy ngày càng trở nên gần gũi hơn, đáng quý hơn. Có lẽ điều này cũng khó tin, nhưng đúng là mỗi ngày em lại càng cam thấy sự vắng mặt của anh ấy một cách sâu sắc hơn anh ạ.

Người hầu bạn lại bước ra đặt trước mặt chúng tôi hai cốc bia đầy bọt.

- Anh mệt à? - Tôi hỏi anh lính.

Anh giật mình, đưa thuốc lá cho tôi.

- Đâu có thế, em, anh vẫn nghe em đấy chứ, em kể hay lắm. Thêm nữa, mai anh đi rồi còn gì. Mà khi người ta sắp đi, thì mệt mỏi không có ý nghĩa gì hết.

Anh đánh diêm. Tôi châm thuốc hút.

- Em chỉ còn kể cho anh nghe phần cuối nữa là hết thôi. Phần cuối này buồn lắm nhưng gắn bó với nó lại là những kỷ niệm tốt đẹp nhất của em.

Anh lính điềm tĩnh uống nốt bia, đặt cốc xuống bàn rồi ngước mắt lên nhìn tôi.

- Sự việc em muốn kể cho anh nghe đây, - tôi nói tiếp, - xẩy ra trước hôm cuộc chiến tranh bùng nổ vài ngày. Cả đất nước bao trùm một không khí lo âu. Ngay thành phố nhỏ của chúng em từ trước đến giờ lúc nào cũng yên ắng như đang thiêm thiếp ngủ, nay bỗng bừng thức dậy. Từ khắp mọi nơi đưa về những tin tức xấu. Ngày nào cũng có một sự kiện g` xẩy ra. Đàn ông ra đi ngày một nhiều, không hiểu là đi đâu. Một nỗi khiếp sợ lạnh lẽo làm tê liệt mọi người... Trên các đường phố, những đoàn binh lính nối tiếp nhau kéo đi thành một hàng dài vô tận. Mỗi buổi tối, cửa vào phòng em mở ra, và trên ngưỡng cửa bất ngờ xuất hiện anh ấy - chồng em! Người anh ấy cao, da anh nhợt, anh ấy gầy kinh khủng và râu ria mọc xồm xoàm. Anh ấy ôm lấy em để em khỏi ngã. Anh ấy bảo là sẽ chỉ ở với em đế sáng thôi, vì anh ấy vượt ngục, anh ấy đang bị theo dõi và bất cứ giây phút nào cũng có thể bị bắt. Anh ấy nói rằng anh ấy có một nhiệm vụ phải hoàn thành và đã hoàn thành tốt đẹp rồi. Em cũng không nhớ hết anh ấy nói những gì. Em cử động như trong giấc mơ, như ở một trạng thái đờ đẫn nào đó. Mà bọn em hầu như không nói chuyện gìvới nhau anh ạ. Những giọt nước mắt, những cử chỉ đã thay thế cho lời lẽ. Những sự âu yếm vuốt ve, những tiếng thì thầm vô nghĩa. Trong cuộc đời có những phút không thể kể lại được, không được phép kể lại anh ạ. Trong đêm ấy em hiểu được là em yêu anh ấy tha thiết đến mức nào. Em hiểu rằng toàn bộ cuộc đời em là thuộc về anh ấy. Toàn bộ, trọn vẹn thuộc về anh ấy. Em hiểu ra một điều: dù sau này có xảy ra chuyện gì với bọn em chăng nữa, dù có thử thách nào chờ đợi bọn em chăng nữa, bao giờ bọn em cũng ở bên nhau.

Trong đêm ấy, mọi chuyện diễnra như thể tiếp tục đêm tân hôn đang bị dang dở một năm về trước. Nhưng đến sáng, hiến binh đã chờ sẵn anh ở ngoài phố. Chồng em đã sẵn sàng đón nhận những điều đó, anh ấy bảo em đừng chờ đợi anh ấy nữa, chắc chắn anh ấy không trở về đâu. Anh ấy bảo em đừng mất lòng tin vào con người, vào cuộc sống. Anh ấy nhắc em phải kiêu hãnh và can đảm, không lùi bước trước khó khăn. Rồi anh ấy xin em tha thứ cho anh ấy. Diều này thì em không thể hiểu được một chút gì. Tha thứ ư? Về chuyện gì? Anh ấy hôn em. Trong khi ôm anh ấy em cứ chờ sẽ có một sự kỳ diệu, một sự kỳ diệu sắp xảy ra bằng cách nào đó sẽ cứu thoát anh ấy. Sẽ để anh ấy lại với em. Nhưng trên thế gian này làm gì có sự kỳ diệu hở anh. Anh ấy bị bắt đi. Bị tống vào ô tộ Em nghe thấy tiếng động cơ rú, tiếng kêu hoảng sợ của một người phụ nữ, rồi sau đó yên lặng như tờ, không vang lên một âm thanh nào nữa...

Anh lính gí điếu thuốc vào góc b`n cho tắt, rồi ném mẩu thuốc xuống đất.

- Em có tin anh không? - Tôi hỏi anh.

- Tất nhiên là anh tin rồi... - Anh đưa mắt lên phía tôi. - Mai anh đi. Tiếc thật. Có những điều mà vì chúng ta phải sống...

Anh vuốt ve tay tôi. Bên ngoài, trời đã tối hẳn. Người di - gan kéo đàn suốt tối đã mệt, đang cắp cây vĩ cầm dưới nách thiu thiu ngủ.

Tôi nhắp một ngụm bia rồi lại cất tiếng nói:

- Số chồng em phải chết anh ạ. Anh ấy biết điều gì chờ đợi nếu công việc bại lộ, anh ấy biết hậu quả mình phải chi, u đựng. Anh ấy không ảo tưởng gì đâu. Anh ấy chỉ trở về với em để thực hiện lời sai khiến của định mệnh. Anh ấy không ngạc nhiên về chuyện em vẫn chờ anh ấy, vẫn trong trắng. Anh ấy âu yếm và dịu dàng với em đúng như trong một đêm tân hôn. Nói đúng ra, đêm đo 'mới chính là đêm cưới của bọn em. Một đêm cưới không khách khứa, không rượu, không nhạc anh ạ. Lúc chia tay anh ấy bảo em hãy lấy chồng đi, hãy quên anh ấy đi. Anh ấy bảo em hãy tìm láy một hạnh phúc riêng mà anh ấy khôngthể xây dựng cho em được. Anh ấy nói bằng một giọng nói không được cứng rắn lắm, nhưng dù sao anh ấy cũng đã nói thế. Năm tháng sau, em được báo tin là anh ấy đã chết. Chết trong tù. Em đến đó định để vĩnh biệt anh ấy, để khóc một chút bên mộ anh ấy. Nhưng thậm chí người ta không bảo em cả nơi chôn cất anh ấy. Mà có lẽ anh ấy cũng chẳng có cả mộ nữa cũng nên, ai biết được. Chắc là anh ấy không có mộ thật. Vì những kẻ bắt anh ấy đi là những kẻ có thể làm bất cứ điều đê tiện nào. Em trở lại thành phố, em sắp sinh cháu mà anh, congái em bây giờ hai tuổi. Nó kháu khỉnh lắm anh ạ. Đó là tất cả những gì em còn lại sau đêmhạnh phúc không thể nào quên của bọn em. Anh có muốn xem mặt nó không?

Tôi rút ra một tấm ảnh trong túi và đưa cho anh. Anh ngắmnghía con bé hồi lâu. Thậm chí anh không nhận thấy rằng nó giống anh biết chừng nào! Sau đó, anh trả tôi tấm ảnh. Anh bảo quả thật con bé rất kháu khỉnh. Anh thích vì nó trắng trẻo, lại có một bờm tóc trước trán. Liệu co 'phải anh chê cười tôi không nhỉ? Con gái tôi hiện ở với bố mẹ tôi, hai cụ đón cháu về nuôi. Nó sẽ ở quê với hai cụ đến khi nào chiến tranh kết thúc, đến khi nào tôi thu xếp ổn định được cuộc sống của tôi.

Quán bia đã vãn khách. Chỉ có ở bàn bên cạnh mấy quân nhân chếnh choáng hơi men đang khe khẽ thì thầm gì đó với nhau. Người hầu bàn tựa mình vào cửa thiu thiu ngủ. Anh lính đặt tiền lên bàn. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.

- Thế nào, ta đi chứ anh? - Tôi hỏi. Anh gật đầu. - Em rất tiếc, - tôi nói, - là chỉ tại anh mà tôi ngồi đây lâu quá. Vì đêm nay là đêm cuối cùng trước khi anh đi rồi...

Anh phẩy tay một cái. Chúng tôi đứng dậy.

- Anh tiếc phải không? Anh tiếc là đã mất hết buổi tối để chuyện trò với một đàn bà rỗng tuếch và lắm lời phải không? - Vẫn cứ im lặng, anh đút bao thuốc vào túi - Còn em, anh ạ, thực chất là em đã bộc bạch toàn bộ cuộc đời em cho anh nghe rồi đấy... Giọng tôi run lên.

Anh vụng về đặt tay lên vai tôi. Môi anh vẫn nở một nụ cười hiền lành, trẻ thơ như ban nãy.

- Chúng ta đi đâu bây giờ? - Anh hỏi tôi. Tôi nắm lấy tay anh. Chúng tôi bước ra phố. Sau cảnh ngột ngạt trong quán bia, không khí ngoài phố thật là thoáng đãng, mát mẻ. Chúng tôi lặng lẽ bước đi một lúc lâu. Những ngõ hẹp vắng tanh vắng ngắt. Chúng tôi leo lên dốc và theo một con đường mòn tràn ngập ánh trăng, chúng tôi đi đến tận rừng.

- Em có lạnh không? - Anh hỏi.

- Không anh ạ. - Tôi đáp.

Chúng tôi nằm trên lớp cỏ mềm mại, còn xung quanh cây cối rì rào, các cành lá khẽ xào xạc. Ở tít xa phía dưới lác đác mấy ánh đèn hiếm hoi của nhà gạ Anh hôn tôi. Trong đêm tối tôi chỉ lờ mờ thấy gương mặt anh với đôi mắt long lanh trìu mến.

- Từ lâu anh đã muốn bảo em, - anh cúi xuống tôi khe khẽ thì thầm, - nhưng anh cứ do dự mãi. Anh là chồng em đây. Người chồng thực sự của em đây. Anh lại vượt ngục em ạ. Bọn chúng nó không thể làm gì được anh. Anh vẫn sống, và anh đã về đây với em đây.

Tôi háo hức nghe anh nói. Lời anh chấp chới phía trên như đàn bướm đêm nhẹ nhàng ru những nỗi lo âu và những niềm hy vọng của tôi. Anh ôm lấy tôi và nói những điều chỉ có thể thì thầm.

- Anh biết em sẽ đợi anh. Vì vậy anh mới về để nhắc lại cho em nghe tất cả những lời âu yếm dịu dàng mà em vẫn thầm nhắc trong bao đêm dài không ngủ. Em sẽ không cô đơn nữa. Em sẽ mang anh trong tâm hồn cho tới khi nào số phận gắn liền đôi ta lại với nhau.

Nhiều ngôi sao như bắt đầu sa xuống. Các cành cây ngả về phía chúng tôi, bầu trời như đung đưa trên các cành cây ấy.

- Em phải tin anh mới được! Nhất định anh sẽ lại trở về. Dù anh đi đâu, anh cũng sẽ về mãi, về mãi với em. Dù chuyện gì xảy ra chăng nữa, chúng ta bao giờ cũng có nhau em ạ.

Hôm sau anh ra đi. Anh đi đến nơi có tiếng vũ khí loảng xoảng. Rồi anh không trở về nữa. Còn tôi, tôi cứ đợi, cứ đợi anh hoài. Tôi cứ hy vọng anh sẽ trở về. Anh sẽ trở về, vẫn trẻ trung và đẹp đẽ như thế, vẫn mặc bộ quần áo lính đã sờn như thế. Vẫn với điếu thuốc lá lúc nào cũng tỏa khói trên môi và với nụ cười trẻ thơ muôn thưở như thế. Tôi hy vọng anh sẽ trở về và sẽ là chồng tôi, là người yêu của tôi. Sẽ là người như anh đã hứa hẹn vào cái đêm hè không thể nào quên được ấy. Vào cái đêm huyền diệu và xa xăm ấy.

Hằng Minh dịch