Sunday, February 27, 2011

VÀI KỶ NIỆM VỀ THỦ KHOA NGHĨA, CHÂU ĐỐC

VÀI KỶ NIỆM VỀ THỦ KHOA NGHĨA, CHÂU ĐỐC

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên

Tôi về dạy học tại Trung Học Thủ Khoa Nghĩa một thời gian tương đối ngắn ngủi : từ tháng 9-1963 đến khoảng tháng 11-1964 thì tôi từ giã Châu Đốc. Tuy nhiên, thời gian ngắn ngủi này là thời gian vui nhất trong quãng đời dạy học của tôi, chấm dứt vào tháng 12/1980 khi tôi vượt biển trốn khỏi Việt Nam. Tôi không hiểu có phải vì đó là năm đầu tiên khi tôi vừa mới tốt nghiệp trường Đ H S P, hay vì các em học sinh của tôi năm ấy đã cư xử rất đàng hoàng như những thanh niên đã trưởng thành và đã dành cho tôi những tình cảm vô cùng tốt đẹp.
Châu Đốc,hồi đó là quận Châu Phú, một thành phố tương đối nhỏ, chỉ có một số ít nhà gạch phần lớn được xây cất đã lâu, ít khu nhà mới cất, khang trang và các đại lộ thênh thang như ở Long Xuyên. Khi vào thành phố xe chạy dọc theo sông Châu Giang. Bên phải xe chạy ngang qua nhà thờ Công Giáo, Lê Phủ Từ Đường, còn gọi là Nhà Lớn. Vào trung tâm thành phố có một công viên gọi là Bồ Đề Đạo Tràng, buổi chiều tối có loa phóng thanh đọc kinh. Về một phía của công viên là nhà hàng Nam Hiệp, khu chợ và dãy phố buôn bán, có hiệu sách Thanh Sơn. Phía bên kia công viên có khách sạn An Biên. Đi tới nữa qua cầu sắt rồi rẽ tay mặt là con đường có trường Thủ Khoa Nghĩa.
Tôi cùng ba người bạn được đổi về trường niên học ấỵ Việc thuê nhà rất khó khăn, một phần vì ở Châu Đốc ít nhà cửa cho thuê, một phần vì có tới bốn người bạn muốn ở chung với nhau. Cuối cùng chúng tôi thuê được một căn nhà sàn vách ván, đối diện với trường Thủ Khoa Nghĩa. Nếu đứng ở cổng trường nhìn ra thì nhà ở xế về mé trái độ hai mươi mét. Sàn gỗ đã cũ, có chỗ vỡ khá lớn, đủ để chúng tôi thả cần câu xuống bắt mấy chú cá nhỏ. Tuy nhiên, có điều thuận tiện là chúng tôi được riêng một căn nhà, tha hồ tự do chuyện trò thoải máị Chúng tôi cả bốn người đều còn độc thân nên cũng không đòi hỏi tiện nghi nhiều lắm. Ăn uống thì may có cô Năm, vợ thày Năm y tá, nấu giùm. Cô Năm dáng người mảnh khảnh, hiền lành, thày Năm đẫy người hơn, họ có cô con gái tên Lành, năm ấy độ 13, 14 tuổi, rất dễ thương. Chúng tôi có bốn người nên cũng không buồn. Sau giờ dạy thì lại cùng nhau tán dóc và cũng ít khi đi đâu. Đến tối khuya thường có hàng sực tắc (xe bán mì) đi ngang khua inh ỏi làm chúng tôi thấy đói bụng. Ở đây được vài tháng thì có một em học sinh giới thiệu cho một căn nhà gạch ở ngoài phố, đối diện với Bồ Đề Đạo Tràng. Ở đây tiện nghi và thoải mái hơn. Niên học sau chúng tôi lại phải dọn nhà và thuê nhà của một bà cụ, mẹ một em học sinh.
Tôi được giao cho dạy môn Anh Văn sinh ngữ 2 cho các lớp 2A1, 2A2, 2B1 và Pháp Văn sinh ngữ chính cho lớp 1A. Môn Anh Văn SN2 các em học sinh chỉ mới học từ năm Đệ Tam, nghĩa là mới chỉ học có một năm, nên ôn lại căn bản rất dễ. Cuối niên học , trong kỳ thi Tú Tài I các em phải làm một bài khảo sát, hỏi những kiến thức cơ bản về văn phạm, ngữ vựng và phát âm. Tôi đã chú trọng dạy kỹ cho các em cách dùng các thì của động từ, các câu so sánh dùng tính từ, các âm trong Anh ngữ và dấu nhấn mạnh trong mỗi chữ. Các em đã tiếp thu dễ dàng và trả lời đúng các câu hỏi trong bài khảo sát. Tâm lý chung khi đi học là nếu hiểu bài thì mình rất ham học, nên dù chỉ là môn sinh ngữ phụ các em cũng chuyên chú học giờ của tôi rất đều đặn. Nhưng ngược lại, môn Pháp Văn sinh ngữ chính ở lớp Nhất A, chỉ có 3 giờ một tuần, mà chương trình lại khá nặng và không liên hệ với nhau: phần giảng văn thì là văn thơ lãng mạn Pháp ở thế kỷ 19, đồng thờ lại phải tự chọn tập cho các em làm các bài khảo sát có tính cách khoa học. Chương trình cao quá đối với các em mà tôi lại cứ cố gắng làm sao phải hoàn tất chương trình, cho nên bài giảng của tôi không lôi cuốn được các em, và gần cuối niên học chỉ còn một số nữ sinh trung thành như Thúy Hoa, Thanh Hồng v..v...Giá mà tôi chỉ chú trọng dạy các em các bài khảo sát và văn phạm thì chắc tôi đã thành công hơn.
Đối với thày, cô giáo trong một lớp học không tránh khỏi có một vài em ngỗ nghịch làm mất trật tự, có khi còn hỗn hào, khiến thày cô buồn. Thế nhưng trong cả bốn lớp tôi dạy năm đó không hề có, dù chỉ là một trường hợp đơn độc, không một học sinh nào thuộc trường hợp kể trên. Thật lạ lùng, nhưng mà đúng như vậy: các em rất đàng hoàng, có cái vui nhộn của tuổi trẻ, nhưng rất chín chắn, và phải nói rằng giữa các em và tôi đã có một quan hệ rất tốt đẹp. Nói riêng về từng lớp: Lớp Nhị A2 là một lớp toàn nam sinh. Các em vui nhộn, hồn nhiên. Gần tết năm ấy, các em có tổ chức một một buổi liên hoan tất niên. Em Trần Chung Tân , trưởng lớp, có tặng tôi một tấm hình buổi liên hoan ấy, mà hiện tôi vẫn còn giữ, phía sau hình còn có mấy hàng chữ của Tân :" Đây là một hình ảnh tươi trẻ, là một kỷ niệm khó phai mờ, để đôi khi thày nhớ đến 2A2 của niên khóa 63-64 thì thày sẽ hình dung lại những khuôn mặt "tếu" của chúng em. TKN ngày 25/2/64. Đại diện 2A2, Trần Chung Tân". Các em rất vui, rất nhộn. Tôi nhớ có một lần tôi mới may một chiếc quần hơi rộng, một em tới gần, xòe hai bàn tay đo vòng chân tôi, phía trên đầu gối vừa cười vừa nói : Chân thày nhỏ quá!, em nói rất tự nhiên và tôi cũng không thắc mắc gì. Thế nhưng mỗi khi tôi bắt đầu giảng bài thì các thôi nói chuyện và chú ý nghe Đến khi tôi giảng bài xong, cho làm bài rồi thì ai muốn hỏi gì, nói gì thì nói, các em không hề làm mất trật tư.. Thày, trò rất thân mật. Các em có rủ tôi đi chơi núi Sam, rất vui.
Lớp Nhị B1 con trai và con gái học chung, lớp này nghiêm chỉnh hơn, có lẽ vì con trai, con gái học chung. Các em rất chăm chỉ và có nhiều học sinh xuất sắc. Vì các em có tinh thần tự giác, có lúc vui chơi, nhưng không bao giờ sao nhãng việc học, nên tôi hay thông cảm và không khó khăn với các em. Thí dụ vào dịp gần tết các em thường xin tổ chức liên hoan tất niên, đó là một thông lệ mà tôi cho là hay, để các em phát triển khả năng tổ chức và bày tỏ tình cảm bạn bè, thày trò. Tôi thường chấp thuận vì nghĩ rằng giáo dục không phải là chỉ học chữ. Năm đó có một vị giáo sư sẽ tổ chức văn nghệ tất niên toàn trường, nên không muốn các em làm riêng rẽ, để tập trung vào một buổi. Tôi không đồng ý, cho như thế là hy sinh niềm vui của các em, vì thế đã có một sự va chạm giữa tôi và vị giáo sư đó ở trong lớp học. Trong lúc tôi và vị giáo sư kia tranh cãi một số em nét mặt rất nghiêm trọng. Sau khi vị giáo sư kia đi khỏi các em nói rằng các em sẽ can thiệp nếu vị kia làm dữ. Tôi cám ơn các em nhưng không nghĩ là sẽ có chuyện đáng tiếc xảy ra. Các em đã bênh vực tôi nhiệt thành..Một số em thân với tôi nhất mà tôi vẫn còn nhớ la Tri Phương, Trung Nga, Trí Thành, Tấn Thành ( được biết em Tấn Thành đã mất, tôi vô cùng thương tiếc), và phía nữ sinh thì có Kim Lang và Phúc, Nga v..v..
Lớp Nhị A1 là một lớp toàn nữ sinh. Các cô này "cậy đông" và thường hay "ăn hiếp" những người "cô thế" như tôi. Quả thực lần đầu tiên đứng trên bục gỗ nhìn xuống đội quân áo dài trắng tôi cũng hơi khớp, nhưng sau thấy các cô cũng hiền lành, chỉ hơi tinh nghịch một chút thôi, nhưng mà tinh nghịch dễ thương. Thực ra, nói là thày trò, nhưng tôi chỉ hơn các cô từ 5 tới 7 tuổi, nên tôi cũng chỉ coi các cô như những người em gái. Có lẽ các cô cũng mến tôi vì thấy cái ông thày dạy cũng đàng hoàng và không hắc búa. Hồi đó theo chương trình của Bộ Giáo Dục học sinh học cuốn Practice Your English. Trong cuốn này có bài Miami, Florida. Trong lớp lại có một cô tên là Mai, nên mỗi khi tôi đọc tới chữ Miami thì các cô lại cười khúc khích. Chắc là các cô chọc tôi với Mai và dường như các cô còn đặt tên tôi là Miami. Có một lần chúng tôi đi picnic ngoài ruộng dưa, Hạnh còn đòi tôi phải "nhất bộ nhất bái" nữa.
Một hôm, một số bạn giáo chức tổ chức một buổi tối vui chơi, có mời một vài cô gái ở đâu không biết, có lẽ là có lối sống phóng túng, về nhảy đầm sao đó. Tôi cũng được mời. Sáng hôm sau tôi tới lớp các cô không chịu vào lớp. Hỏi ra tôi mới biết là vì chuyện tối hôm qua, các cô giận vì thấy tôi đi chơi với những người mà các cô cho là không đứng đắn. Tôi nghĩ rằng các cô coi tôi như một người thân, một người anh chẳng hạn, và buồn khi thấy người ấy làm một điều sai. Tôi quả thực cảm thấy mình không xứng đáng với lòng tin cậy và quí mến của các cô.
Rồi niên học hết, tôi không còn gặp các em nữa. Sau các kỳ thi Tú Tài, người thi đậu thì lên Đại Học, hoặc lên lớp trên, người không đậu thì bỏ trường để bước vào cuộc đời. Niên học sau đó tôi trở về dạy với một nỗi trống vắng vô hạn. Đột nhiên có những rắc rối xảy đến cho tôi. Lúc đầu chỉ có vài sự va chạm nho nhỏ giữa tôi và ban Giám Hiệu, mà tôi cũng không quan tâm lắm. Rồi một chuyện xảy ra làm thay đổi cả cuộc đời tôi: Ông Hiệu Trưởng lúc ấy dường như có thành kiến với các giáo chức mới đổi về. Trong một buổi họp ông đã nói với các giáo sư một câu:"Quí vị là thuộc hạ của tôi, quí vị phải tôn trọng tôi." Tôi cảm thấy bực mình về câu nói đó, tuy không biết ông ấy ám chỉ ai. Tôi đã lên tiếng phản đối " Ông Hiệu Trưởng dùng chữ không đúng. Chúng tôi là đồng nghiệp chứ không phải thuộc hạ của ông" Tôi không ngờ câu nói của tôi lại có một hậu quả quá nghiêm trọng. Vài tuần sau có văn thư từ nha trung học gửi về ra lệnh đình chỉ công tác của tôi và gọi tôi về trình diện ở Nha. Về sau tôi mới biết ông hiệu trưởng báo cáo rằng tôi hay đi trễ về sớm và công khai phỉ báng ban Giám Đốc, ông đề nghị sa thải đó là lý do tôi bị thuyên chuyển đi khỏi Châu Đốc.
Thế là sự gắn bó của tôi với Châu Đốc đã kết thúc. Tôi không ngờ nhanh như thế. Tôi không trách cứ ai cả, mà cho rằng đó là số mệnh. Nếu ông Hiệu Trưởng không dùng từ "thuộc hạ" và nếu tôi ôn tồn sửa lời ông thì chắc không bị đổi khỏi Châu Đốc, thế thì cuộc đời tôi sẽ ra sao? Tôi tin số mệnh đã sắp xếp cho tôi được biết Châu Đốc, nhưng chỉ cho tôi ở đó có hơn một năm thôi . Sau này tuổi đời càng cao, tôi càng tin con người ai cũng có "cái số", tôi là một người chỉ thích một cuộc sống trầm lặng, ít tham vọng, ít thích thay đổi nhưng số phận lại đưa tôi tới một cuộc đời trôi nổi, tôi bị đưa từ Châu Đốc, tới Huế, Dilinh, Đalạt, rồi cuối cùng về Nha Khảo Thí Saigon. Sau 30/4 tôi làm ở Sở Giáo Dục rồi về Đại Học Sư Phạm Saigon. Hai năm 1977-78 tôi đi cào cá ở Trà Nóc, Bình Thủy, Cần Thơ. Tuy long đong vất vả, nhưng số mệnh cũng cho tôi nhiều may mắn. Thân hình chỉ có hơn 43kgs, phải kéo lưới khá nặng nhưng tôi không có lần nào bị té xuống sông. Đến khi vượt biên, người ta phải năm, bảy lượt, nhưng tôi chỉ đi một lần là thoát và còn sống sót đến hôm nay.
Có một điều tôi còn ân hận đến hôm nay là khi tôi giã từ Châu Đốc tôi đã âm thầm, lặng lẽ ra đi. Nghĩ lại tôi thấy mình tệ quá, vì đã ra đi mà không một lời từ giã các học sinh mà tôi quí mến. Thực ra, lúc đó tôi mới chỉ có 24 tuổi, như một thư sinh non nớt, chưa đủ từng trải và khôn khéo. Bây giờ, tôi viết mấy giòng này để tạ lỗi và gửi lời thăm đến tất cả các học sinh cũ của tôi và rất ước mong trời cho chúng ta còn gặp lại nhau một lần, dù là lần cuối cùng.

DƯƠNG DANH KHOA

No comments:

Post a Comment