Sunday, February 27, 2011

KINH ÔNG CÒ

KINH ÔNG CÒ

(Châu Đốc một phút luyến lưu thân tặng anh Lưu Nhơn Nghĩa)

Dương Văn Chung

Học sinh Thủ Khoa Nghĩa và Nguyễn Hữu Cảnh, cũng như bà-con nào sống tại chợ Châu Đốc đều biết Kinh Ông Cò. Từ bờ kinh bên chợ, muốn đến hai trường Thủ Khoa Nghĩa và Nguyễn Hữu Cảnh, phải đi qua một trong hai cây cầu bắc ngang qua Kinh Ông Cò, cầu Kinh Ông Cò ở ngoài vàm, cạnh bến đò Chợ Châu Đốc-Cồn Tiên và Cầu Sắt ở khúc trong, nơi Bảo Trợ Nhi Đồng và Khách Sạn Tân Biên.

Hai bên bờ kinh, nhà cửa san sát, lợp lá hoặc lợp tôn.
Bờ kinh bên chợ, khởi đầu có dãy cầu tiêu máy, vách gạch lợp ngói. Gọi là cầu tiêu máy, thật ra là cầu tiêu ở trên có cái bàn cầu, ở dưới có để cái thùng chứa phân, gọi là thùng bô. Vài ba ngày có một ông già đến lấy các thùng bô nầy chở trên chiếc ghe tam bản lớn, đưa ra giữa sông cái, chỗ ngả ba Cồn Tiên-Châu Giang-Bến Bắc Châu Đốc để đổ. Phụ huynh hay hù con cháu:
-Nhỏ mà không học lớn đổ thùng bô !
Dãy cầu tiêu máy nầy ở ngay trước cửa hai tiệm cầm đồ Huỳnh Hoa, Huỳnh Hương, cách một con đường tráng nhựa.
Bên này bờ kinh có dinh Ông Trường Tiền, tức là nhà của ông Trưởng Ty Công Chánh, cửa trước hướng ra bờ sông Châu Đốc, cửa hông quay ra bờ kinh. Tiếp theo cửa hông dinh Trường Tiền là nhà Ông Kinh Lý (Trắc Lượng viên), nhà Thầy Ba Khải, Thầy Tư Trinh. Trong vòng rào của nhà hai vị nầy, có con đường đi thông qua Trường Nam Tiểu Học, rồi Trường Thủ Khoa Nghĩa và Trường Nguyễn Hữu Cảnh. Tôi còn nhớ trong sân nhà Thầy Ba Khải có cây phượng vĩ, tàn rộng, hoa nở đỏ vào mùa hè.

Khoảng thời gian thập niên 1940, 1950 có chiến tranh, dân tứ xứ tản cư về chợ Châu Đốc, ghe lớn nhỏ đậu hai ba lớp dọc theo hai bên bờ kinh, chiếc nào cũng có cất nhà đùm để gia đình có thể ngủ thêm ở trên mui, ở khoang trước, khoang sau. Mặc dầu ghe đậu nhiều như vậy, bao giờ cũng có chừa trống con đường nước giữa kinh cho ghe xuồng lưu thông.

Gần đầu cầu Kinh Ông Cò có mấy cô bán mía khúc róc vỏ hoặc mía ghim, đôi khi có một người Hoa đạp một chiếc xe ba bánh bán mía hấp, có cô bán bánh nếp nhưn chuối nướng lửa than chế nước cốt dừa. Chiều chiều học sinh sống ở vùng vàm kinh để cho đầu óc thư dãn sau một ngày học căng thẳng, thường rủ nhau ra hóng mát, đứng dọc theo lan can cầu kinh, vừa chuyện trò vui vẻ vừa ăn mía, ăn bánh chuối nướng.

Tôi ở trọ dưới chiếc “ghe lón” tức là ghe chài nhỏ của dì dượng tôi đậu cặp bờ kinh đối diện với cửa hông dinh Trường Tiền để đi học.

Năm 1949 hay 1950 không nhớ rõ, trong giờ học, nghe tiếng lựu đạn nổ ở hướng chợ Châu Đốc, đến giờ ra chơi, người anh bạn dì và tôi rủ nhau chạy xuyên qua đường nhà Thầy Ba Khải để về chiếc ghe lón thăm coi chị dâu chúng tôi đi chợ về an toàn hay không, khi quay trở lại trường thì gặp quý thầy đang đứng trò chuyện ngay cổng trường. Thầy Hỷ chận chúng tôi lại hỏi:
- Hai đứa bây đi đâu về ?
- Thưa Thầy, về thăm coi bà chị đi chợ về có sao không?
Thầy tát cho mỗi đứa một cái nẩy lửa. Thầy giải thích:
- Tụi bây đi như vậy rủi bọn mật thám thấy được tưởng tụi bay đi thẩy lựu đạn thì trả lời sao?
Tới bây giờ tôi vẫn còn cảm ơn Thầy Hỷ đã dạy cho chúng tôi một bài học quý giá.

Lại một kỷ niệm học sinh. Tôi và mấy đứa con trai của ông Trường Tiền đốn một cây đu đủ, một đầu bít, một đầu hở, khoét một lổ bên hông, gần đầu bít. Bỏ khí đá vào cây đu đủ, xuống tận đáy. Chế nước vào lổ nhỏ. Khí đá gặp nước bốc hơi. Chăm ngọn lửa vào lổ nhỏ. Nhanh tay lấy vải chụp kín lổ nhỏ lại. Một tiếng nổ kinh hồn phát ra giống như tiếng đại bác thần công. Nhiều tiếng nổ liên tục như vậy. Thành lính ở kế cận cho người xuống nói rất nhỏ nhẹ:
- Các em không nên chơi như vậy, vì tiếng nổ làm cho bà-con hoảng sợ, tưởng là tiếng súng.
Chúng tôi “đình chiến”, không cho nổ nữa.

Một kỷ niệm nữa là chiếc ghe của Dì Dượng tôi và chiếc ghe của Ông Hương Văn Diệp đậu nối đuôi nhau. Tôi có thói quen khoảng bốn năm giờ sáng đã thức dậy chong đèn bánh ú học bài. Tôi nghe bên ghe kia có tiếng Ông Hương Văn nhịp roi rôm rốp:

- Đởm, Đương, Thức thức dậy học bài. Coi cái gương thằng Chung kìa, có ai nhắc nhở đâu mà vẫn thức khuya dậy sớm để học.

Không biết các bạn Đởm, Đương, Thức có ghét tôi hay không ? Nếu có thì bây giờ tôi xin lỗi. Riêng tôi, tôi thấy các bạn có lý, kinh nghiệm cho thấy tôi học gạo quá hóa ngu. Xin mọi người đừng ép trẻ con học gạo như vậy.

Nghe nói bây giờ con Kinh Ông Cò đã cạn nước, nhà cửa đã cất đầy trên chỗ mặt nước ngày xưa. Còn nhiều kỷ niệm êm đềm tuổi học trò của tôi bị vùi lấp nơi đó.


Sydney, mùa đông 2007

No comments:

Post a Comment