Wednesday, March 2, 2011

Như cánh vạc bay

Như cánh vạc bay
• Tác Giả: Nguyễn-Khoa Thái Anh
• Đăng ngày 15.06.08
• Nghệ Thuật
• Chưa xếp hạng
Nguyễn-Khoa Thái Anh

View all articles by Nguyễn-Khoa Thái Anh
Trưa thứ Bảy cuối tháng 5, 2008, một lần nữa thung lũng Hoa Vàng San Josẻ lại có văn nghệ. Lần này không phải một tổ chức thiện nguyện chủ xướng mà do Cát Anh Entertainment, một số tư nhân đứng ra làm thương mại thuần túy. Một điều đáng ghi nhận, hình như gần một thập niên trở lại đây các cơ quan vô vị lợi như ICAN, VN Help vượt hẳn các nhóm tư nhân về các mặt tổ chức ca nhạc, như quảng cáo, bán vé, nơi trình diễn: rạp hát và sân khấu, hoặc họ có riêng mối để tăng cường ca nhạc sĩ từ Việt Nam sang.

Lái xe một mạch từ Los Gatos, một thành phố ngoại ô của Santa Clara, về đến Santa Clara Convention đã gần 2 giờ 40 - theo dự tính, chương trình đáng lý bắt đầu từ 2 giờ và kết thúc lúc 5 giờ chiều - vào bên trong thính đường vẫn chưa mờ màn, tôi thở phào nhẹ nhỏm. Khắp rạp chỉ độ khoảng trên dưới 300 người, phần lớn khán thính giả ngồi tụ vào dãy ghế giữa rạp hát, được thiết kế theo mô hình cánh quạt truyền thống, từ cao xoãi dần xuống phía sân khấu.

Buổi sáng, nói chuyện điện thoại với anh bầu show Điệp Anh, được biết văn nghệ hôm nay thuộc loại thính phòng, trình tấu nhạc Trịnh với chủ đề Như Cánh Vạc Bay 2 gồm có ba ca sĩ là Trần Thu Hà, Bằng Kiều, và Thu Hà, MC là anh Thanh Tùng, ban nhạc Lê Huy-Phượng Hoàng là một ban nhạc nổi tiếng của vùng Vịnh. Cũng tốt được biết qua về phần trình diễn vì hình như khán giả không được phát chương trình. Vừa tìm đến ghế ngồi phía trước sân khấu, thì màn cũng vừa được kéo lên, nhìn thấy tay vĩ cầm Khắc Quân trên sân khấu bên cạnh nhạc trưởng Lê Huy, cùng một chàng thanh niên trẻ (16 tuổi) Matthew Lê chơi saxophone, con trai của Lê Hoàng (keyboard) cháu của nhạc trưởng Lê Huy, tay trống Đạt Vinh, tay bass guitar Tú (mới ở Việt Nam sang), tôi cảm thấy ấm lòng. Vốn mê ngón vĩ cầm của Khắc Quân từ bấy lâu, hôm nay thấy có thêm cây kèn trên sân khấu tôi cũng mừng thầm, chỉ tiếc không có một cái grand piano (acoustic) thêm với keyboard nữa thì có lẽ hay hơn, đúng với ý nghĩa của nhạc thính phòng. Có lẽ ban tổ chức cũng dự tính có đông người đến xem hơn nên đã thuê hội trường này (dung lượng 700 chỗ ngồi) thay vì mướn rạp Le Petit Trianon trong San José, nhỏ và ấm cúng, thích hợp với nhạc thính phòng hơn.

Anh Thanh Tùng, một người điều động chương trình điềm đạm, giọng Sài Gòn trầm ấm và vững vàng, tạo tin tưởng và cảm thông nơi khán giả, hình như anh không nói thừa hoặc thiếu một câu nào. Mở đầu với chuyện xăng nhớt và vật giá leo thang của một nền kinh tế đang trên đà suy thoái của Hoa Kỳ (và hầu như cả thế giới), ý anh muốn nói giá vé $30 Mỹ kim và $50 Mỹ kim của buổi văn nghệ hôm nay vẫn rẻ hơn giá bình quân một nửa bình xăng của các loại xe nhà nói chung.

Sau đó anh Thanh Tùng dẫn giải về tiểu sử và cuộc đời Trịnh Công Sơn; có lúc lại kể chuyện "từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ" của ông, rồi chuyển tiếp một cách gọn gàng sang chương trình, giới thiệu Trần Thu Hà, một ca sĩ khả ái và thân thương không cần phải nói nhiều về cô vì có lẽ khán giả mộ điệu vùng San Jose đã yêu mến giọng ca của diva này từ lâu.

Trần Thu Hà mở màn với bài Hà Nội Mùa Thu, như cô nói để gợi nhớ lại quang cảnh mùa Thu Hà Nội nơi cô sinh ra và lớn lên. Tiếng hát Trần Thu Hà ngân dài với lời đệm réo rắt của violon làm chạnh lòng người Hà Nội lữ thứ. Sau đó, cô hát Vết Lăn Trầm, rồi bài Tiến Thoái Lưỡng Nan không có ban nhạc đệm, một bài mà Thanh Tùng cho rằng là một bài nhắn nhủ cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dù như Đá Ngây Ngô, một bài mang âm hưởng lạ và đắc sắc do tiết tấu và cách hát và đệm nhạc theo thể điệu Zazz, rất hấp dẫn.

Tiếp theo, Bằng Kiều xuất hiện trên sân khấu giữa những tràng pháo tay ủng hộ của khán giả, anh nửa đùa nửa thật nói rằng: "Buổi văn nghệ hôm nay phải kể như tổ chức trong vòng bí mật nhất vì chẳng có bao nhiêu người biết đến nên không ai đến xem." Lần thứ nhì, ra sân khấu, ai lại bông lơn: "Các bạn có lạnh không, tôi hơi bị rét.. chắc rạp mở máy lạnh quá độ...350 người trong một rạp 700 ghế, thảo nào! Các bạn có thể nằm dài ra ở các hàng ghế quanh mình cho thoải mái nhé!" Cả rạp cười ồ lên. Như Cánh Vạc Bay, bài hát chủ đề của chương trình, một bài song ca được khán giả nhiệt liệt hưởng ứng khi Trần Thu Hà bước ra sân khấu nhập cuộc với Bằng Kiều thì tiếng vỡ tay vang dội khắp hội trường cho cặp bài trùng này mà họ hằng ưa thích.

Bằng Kiều với làn hơi dài phong phú và một giọng contralto cao vút trổi lên bài Mưa Hồng, một ca khúc chỉ được đệm băng piano, trước khi bắt đầu màn đơn ca của mình, Bằng Kiều tâm sự với thính giả anh cũng ít hát nhạc Trịnh nên cũng không thuộc nhiều ca từ của nhạc Trịnh cho lắm, một số bài đã được để sẵn trên giá nhạc. Tuy nói rằng anh ít hát những bài của Trịnh Công Sơn, thế nhưng nhiều bài anh hát rất hay như đã quen thuộc từ lâu rồi, thí dụ như bài Phôi Pha mà anh có thâu trong CD Mắt Biếc, hay bài Chiếc Lá Thu Phai, anh đã hát trước đó.

Lâu lắm rồi, người viết mới có dịp nghe lại Thu Hà (không phải Trần Thu Hà) hát, giọng hát cô vẫn nhiều phong độ, với làn hơi cao và mạnh mẽ như ngày nào, Thu Hà hát như trút hết tâm hồn mình vào bài hát. Với dánh dấp thanh cao, thon thả và một giọng hát trữ tình, Thu Hà nắn nót lời ca như rót ngọt từng nốt nhạc vào lòng khán giả cuốn kéo họ theo giọng hát liêu trai. Cô hát liền ba bài: Một Cõi Đi về, Tình Nhớ,và Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, ru lòng người vào cõi mê chìm. Nhìn cô trình diễn, người ta biết ngay, đây là một ca sĩ yêu nghề, yêu nhạc Trịnh, yêu những bài mình hát và hát hết lòng. Khi Bằng Kiều diễu cợt anh bị rét vì rạp ịt người, Thanh Tùng phải đỡ lời, nói chữa rầng qua những tiếng hát mê hồn như của một ca sĩ như Thu Hà thì mọi người cảm thấy ấm lòng theo. Đúng vậy.

Không hiểu có đúng rằng Thu Hà đang gắn lông mi giả vào mắt trái như anh Thanh Tùng chế diễu không, mà cô không ra sân khấu kịp cho phần tiếp nối của mình, nên Bằng Kiều lại ra với bài Em Đi Bỏ Mặc Con Đường, một bài ban nhạc hơp xướng thật du dương và thuần thục. Sau đó trổi giọng với làn hơi thật tốt của mình với bài Gọi Nắng, ngân dài và cao ngút ngàn với : ...trong cơn mê này, gọi mùa Thu tới đến phần điệp khúc và coda, Thu Hà bước ra hát tiếp phần hợp ca của mình trong khi Bằng Kiều rút lui khỏi sân khấu có trật tự. Thu Hà sau đó chấm dứt chương trình với phần đệm piano (điện tử) của nhạc trưởng Lê Huy trong hai bài Tạ Ơn và Chúa Đã Bỏ Loài Người.

Nói tóm lại, đây là một chương trinh ca nhạc khá, với những nhạc sĩ và ca sĩ có tầm vóc, rất tiếc ngoài chuyện bán vé và khán giả không được như ý, ban tổ chức không chú trọng vào phần chuẩn bị chu đáo hơn cho phần nhạc cụ cho thích hợp hơn với một chương trình nhạc thính phòng. Không hiểu tự lúc nào người ta có thói quen gọi một chương trình văn nghệ "nhỏ" (3 ca sĩ) là 'nhạc thính phòng' bất kể cách sử dụng và bố trí microphone (thay vì treo lên lại cắm thẳng vào nhạc khí, như vĩ cầm) và nhạc cụ cho tinh vi? Hay là người viết quá lỗi thời nên mơ tưởng đến những thanh âm thuần acoustic, không được khuếch đại bằng điện từ, phóng âm qua một dàn loa chát chúa khi nghe nói đến nhạc thính phòng?

No comments:

Post a Comment