Monday, March 7, 2011

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"
(Chế Lan Viên)
Cái xấu lộng hành đến thế sao?
TT - Suốt mấy ngày nay tôi cố hình dung câu chuyện “lâm tặc lộng hành giữa thủ đô” ra sao, mà càng hình dung càng thấy... mù mịt. Thật không thể tưởng tượng giữa lòng một đô thị - lại là thủ đô của một nước - mà kẻ xấu nghênh ngang vác cưa máy ầm ì cưa ngã cây xanh, lại còn cầm khí giới đe dọa người dân và rất có thể chúng xuống tay ngay khi có người có hành vi ngăn cản.
19 cây sưa bị cưa đổ. Cây thì có thể trồng lại được, dù có “gương vỡ khó lành”. Nhưng sự gãy gục của những cây xanh ở thủ đô Hà Nội còn đánh động về sự gãy gục của nhiều điều khác, lớn lao hơn và đáng xót xa hơn.
Đó là sự táo tợn, dữ dằn của những kẻ làm điều bậy. Dám kéo đàn kéo đám dùng cưa xả cây giữa lòng thành phố cũng đồng nghĩa chúng đang chà đạp vào cuộc sống bình yên mà không hề sợ đến sự trừng trị. Thậm chí chúng còn sẵn sàng thủ vai kẻ trừng trị nếu bị phá đám. Hơn cả sự liều lĩnh, vì chúng “đo” được, khi mà cuộc sống càng ngày càng có dấu hiệu mạnh ai nấy lo, đèn nhà ai nấy rạng thì khắc tinh của chúng - tinh thần nghĩa hiệp - sẽ khó có cơ hội xuất hiện.
Mấy ngày gần đây, báo Tuổi Trẻ và trước đó là cư dân mạng loan truyền câu chuyện của một nhóm lừa đảo bày trò làm người quen cũ lừa lọc người trên phố. Nhiều người đã bị lừa. Bị lừa ngay giữa đường phố đông đúc mà không dám một tiếng kêu la. Bởi họ sợ bị hành hung. Bởi họ biết rất khó được ủng hộ hay bảo vệ. Hay ở các nhà ga, bến tàu, bến xe, trên xe khách đường dài, xe buýt: hằng ngày, chuyện những nhóm côn đồ trấn lột hành khách diễn ra nhan nhản nhưng tuyệt nhiên không kẻ ác nào bị rượt đuổi, bị cảnh cáo.
Hai, ba tên côn đồ có thể khống chế cả một chuyến xe 50-70 người. Nhiều người bị hại chỉ biết nín nhịn, uất ức hoặc sợ hãi. Và nhiều người khác chấp nhận ngó lơ, như thể không thấy chuyện gì xảy ra. Tại sao? Và tại sao?
Có lẽ cũng không thể trách những người làm ngơ trước những điều trái tai gai mắt bởi rất có thể sẽ bị nạn khi ngăn cản hành vi của kẻ ác. Nhưng khi tất cả đều làm ngơ thì bất cứ lúc nào, ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Cái ác không thể tự xuất hiện và trở nên hung hãn. Nó cũng được bồi đắp, được dung dưỡng mà thành.
Ai dung dưỡng nó? Chính chúng ta mỗi ngày. Chúng ta nhiều lần làm ngơ trước cảnh người ngồi trong xe hơi vứt vỏ trái cây ra đường, làm ngơ trước những người ngang nhiên vượt qua đèn đỏ, làm ngơ trước chuyện kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, làm ngơ trước tất cả khi mà sự an toàn của mình chưa bị xâm hại. Và kinh dị nữa là làm ngơ trước rất nhiều điều dối trá đang diễn ra hằng ngày. Chưa nói đến chuyện ra tay nghĩa hiệp, làm ngơ trước cái xấu đã là hèn hạ. Và đến lúc nào đó, lãnh đạm trước cái xấu, cái ác sẽ biến chúng ta thành người vô cảm.
Có cái gì đó rất không ổn đang diễn ra, một cảm giác bất an dù bây giờ ai cũng có cơm ăn áo mặc, quá nhiều người có nhà lầu, xe hơi. Khó có thể sung sướng khi mà vây quanh mình là cái xấu, cái ác, cái tệ hại không được cộng đồng và đặc biệt là lực lượng bảo vệ luật pháp ngăn chặn, trừng trị.
ĐẶNG PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment