Monday, March 14, 2011

Xếp hạng quốc tế về nguồn lao động trí thức

Xếp hạng quốc tế về nguồn lao động trí thức

Thứ sáu, 02 Tháng tư 2004, 07:24 GMT+7




Tags: Ấn Độ, công ty đa quốc gia, Nguồn Lao Động, nhà tư vấn, trí thức, xếp hạng, thị trường, quốc tế, nước



Lao động trí thức Ấn Độ được ưu tiên chú ý
Theo một báo cáo công bố hôm qua của nhà tư vấn quản lý A.T. Kearney, các thị trường hàng đầu để công ty đa quốc gia "săn" lao động trí thức là Ấn Độ, TQ và Malaysia.
Trong bảng xếp hạng của A.T Kearney, VN được xếp hạng 20/25 và được đánh giá "có khả năng thu hút các nhà tuyển dụng nước ngoài trong tương lai chủ yếu nhờ mức độ cải thiện kỹ năng của người lao động". Trong số các nước Đông Nam Á, Singapore xếp thứ 5, Philippines thứ 6 và Thái Lan thứ 13.
Xếp vị trí thứ hai, Trung Quốc đã có bước nhảy vọt so với năm ngoái (hạng 11) nhưng vẫn thua Ấn Độ ở kỹ năng ngoại ngữ và kinh nghiệm. Việc Chính phủ Malaysia thúc đẩy công nghệ thông tin và dịch vụ được nhận định sẽ giúp nước này trở thành một trong những đối thủ lớn nhất của Ấn Độ trong vòng năm năm tới.
Cũng theo A.T.Kearny, Đông Âu đang dần tạo nhiều ảnh hưởng lên thị trường tuyển dụng lao động trí thức toàn cầu, dẫn đầu là Cộng hòa Czech (hạng tư). Ba Lan và Hungary xếp hạng 10 và 11. Các nước có mức thu nhập cao như Canada và New Zealand cũng đạt vị trí cạnh tranh tốt (hạng 8 và 12) với các điểm mạnh như dân trí cao, cơ sơ sở hạ tầng tốt, môi trường kinh doanh thân thiện. Khu vực Nam Mỹ có các đại diện là Brazil (hạng 7) và Chile (hạng 9).
Giới phân tích công nghiệp cho rằng thị trường tuyển dụng lao động trí thức toàn cầu có trị giá từ 300 - 350 triệu USD/năm và có thể tăng lên nửa tỉ USD năm 2007. Trong vòng một thập niên tới, khoảng sáu triệu việc làm, phần lớn trong ngành kỹ thuật cao, được dự tính sẽ chuyển từ Mỹ và châu Âu đến các nước có nguồn lao động rẻ và chất lượng.
Bảng xếp hạng của A.T.Kearny dựa trên ba nhóm tiêu chuẩn: chất lượng và sự sẵn sàng của nguồn lao động; môi trường kinh doanh và cấu trúc tài chính; mức lương và chi phí trung bình...
S.NGUYỄN
(Theo A.T.Kearney Offshoring)


Nguồn nhân lực Việt Nam thừa mà vẫn thiếu

Chủ nhật, 17 Tháng mười hai 2006, 08:00 GMT+7



Lao động Việt Nam thời hội nhập: Giá rẻ không là lợi thế! (Ảnh: Tuổi Trẻ)
“So với thế giới thì nước ta có tỷ lệ giữa thầy và thợ cao hơn nhiều lần, tuy nhiên nguồn nhân lực cấp cao lại ở mức khan hiếm. Chúng ta đang trong tình trạng lao động dư về lượng và yếu về chất”, Tiến sỹ Hồ Đức Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐH Kinh tế TPHCM, nhận định.
Nhiều doanh nghiệp tham gia Hội thảo “Chất lượng nhân lực và Nhu cầu tuyển dụng” do báo điện tử Dân trí và Vieclambank.com tổ chức đã đồng tình với ý kiến trên. Ông Bùi Văn Hoà, Giám đốc Motorola Việt Nam, bày tỏ: “Khá nhiều người xin việc không định vị được bản thân, thiếu ý thức nghề nghiệp. Hầu hết nhân viên được tuyển dụng vào phải qua đào tạo lại”.
Còn ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Hoàng lại cho biết công ty có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều vị trí cao cấp và sẵn sàng trả chi phí cho người giới thiệu nhưng thị trường này thực sự khan hiếm.
Trước thực trạng này không ít doanh nghiệp chọn giải pháp thu hút nguồn lực nhiều kinh nghiệm đang làm việc cho các công ty trong ngành hoặc mong đợi vào nguồn du học sinh. Trong khi đó, lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm ở nước ta lại khá vất vả đi “xin” việc thay vì “tìm” việc làm phù hợp.
“Một sinh viên tốt nghiệp cao học từ Úc nếu so về kiến thức, trình độ chuyên môn thì không hẳn vượt trội so với sinh viên tốt nghiệp trong nước. Thế nhưng, cái họ hơn hẳn là thái độ làm việc tích cực và phong cách rất tự tin”, ông Lê Châu Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo Quản trị Quốc tế E-Link, cho biết. “Cạnh tranh trong thị trường lao động nhất thiết phải thay đổi phương pháp học, rèn luyện kỹ năng học để sáng tạo. Và để thực hiện điều này, chỉ nhà trường thôi sẽ không đủ”.
Theo nhận định của ông Trịnh Thành Thịnh, Trưởng phòng tuyển dụng của Vieclambank.com thì chất lượng lao động thấp một phần do công tác tư vấn chưa thực sự tốt. Người học chưa biết được học ra làm gì và người làm cũng chưa xác định rõ công việc xin vào như thế nào. Trong khi đó, khá nhiều đơn vị tuyển dụng đòi hỏi người làm việc thế này thế nọ, nhiều yêu cầu hơn là mô tả cụ thể công việc và môi trường làm việc.
Nâng chất nguồn nhân lực: Doanh nghiệp phải… chạy!
Ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng, thay vì tự hào nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ chúng ta hãy lấy làm xấu hổ và quyết tâm nâng cao chất lượng lao động. Cần chọn công việc, môi trường thích hợp, chớ ngại những thay đổi tích cực, hãy học và áp dụng thay vì để đó và lãng quên. Tự học, tự đào tạo suốt đời là cách nâng chất lượng một cách hiệu quả nhất đối với người lao động trong môi trường cạnh tranh hội nhập như hiện nay.
Ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel tại Việt Nam và Đông Dương cho rằng, nguồn lao động trẻ có trình độ tại Việt Nam rất có tiềm năng. Tuy nhiên khi tuyển dụng vào doanh nghiệp cần phải bỏ thời gian đào tạo lại mới có thể tin tưởng giao việc được. Ngoài ra, Intel đã liên kết với các trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa TPHCM để đặt hàng và liên kết đào tạo. Có như vậy, nguồn lao động trẻ của Việt Nam mới được trui rèn và thích ứng được với môi trường làm việc quốc tế một cách nhanh chóng.
Theo dự báo, trong thời gian tới thị trường lao động chất xám của Việt Nam sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng thừa.
Theo đánh giá của bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh quốc tế. Cụ thể về trình độ, thể lực, tính chuyên nghiệp, kỷ luật, khả năng thích ứng với thay đổi… Điểm cho năng lực cạnh tranh tổng hợp về nguồn nhân lực thấp, chưa đạt đến 4 điểm (3,79/10).
Ngoài ra, nguồn lực này còn bị hạn chế bởi tỉ lệ lao động có kỹ năng thấp; mất cân đối về cơ cấu lao động theo trình độ, kỹ năng; lao động chất xám thiếu và yếu về chất lượng; thể lực kém; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động thấp.
Một khi nền giáo dục Việt Nam chưa giải được bài toán về nguồn nhân lực cho giai đoạn cạnh tranh hội nhập thì trong chừng mực nào đó, các doanh nghiệp một là bằng các “chiêu” trải thảm đỏ về lương, về phúc lợi để cạnh tranh, thu hút nhân tài về cho mình. Với cách này, các doanh nghiệp e rằng sẽ rất khó có kết quả trong thời gian tới đây. Bởi với “chiêu” này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn “đo ván” các doanh nghiệp Việt Nam trong việc trải thảm đỏ.
Hai là bằng các chính sách đào tạo cộng với chế độ đãi ngộ như cho nhân viên mua nhà trả góp để ổn định cuộc sống. Đây là cách mà Ngân hàng Á Châu đã làm rất thành công. Hoặc ưu đãi cho người lao động mua cổ phiếu của công ty để khuyến khích, động viên người lao động luôn nâng cao ý thức, kỷ luật và trách nhiệm trong công việc. Đây là biện pháp được nhiều công ty lớn hiện nay như FPT áp dụng để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám từ phía các doanh nghiệp trong nước sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngọc Hằng - Nh.Lê
Việt Báo (Theo_DanTri)

No comments:

Post a Comment