Monday, March 7, 2011

“Góp vốn” và “vay vốn” ở ngân hàng tinh trùng

Chủ Nhật, 27/07/2008, 10:11
Vui buồn chuyện thụ tinh ống nghiệm
Kỳ I: Cổ tích của một “cò mồi” bệnh viện
TP- Nhiều cặp vợ chống hiếm muộn tưởng như đã tuyệt đường sinh con nhưng đã được làm bố mẹ nhờ thụ tinh trong ống nghiệm và “mượn” “con giống” từ ngân hàng tinh trùng. Con đường để có quý tử từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm cũng có nhiều chuyện vui buồn...


Chị Tám và cậu con trai chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm
Canh bạc và phép mầu
Chị Vũ Thị Tám có gương mặt của một bà mẹ hạnh phúc, nụ cười luôn thường trực mỗi khi nói về con trai mình. Nhưng chỉ cách đây mấy năm thôi, người phụ nữ này héo hon, sầu muộn vì nỗi hơn bốn mươi tuổi mà chưa sinh được con. Hai vợ chồng đã chạy chữa khắp nơi, chỉ cần có ai mách bảo ở đâu có thuốc hay thầy giỏi họ đều lặn lội tìm đến. Thậm chí, vợ chồng chị còn rước một bà lang chữa vô sinh nổi tiếng ở huyện Bình Lục – Hà Nam về ở ngay trong nhà, trả tiền công mấy chỉ vàng với hy vọng sẽ sinh được quý tử.
Nhưng vẫn vô vọng. Lúc ấy, nghe tin ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Viện C) mới có chương trình thụ tinh ống nghiệm, chị Tám tìm đến như thể đó là chút ánh sáng le lói cuối đường hầm. Bệnh viện C đã không nhận trường hợp chị vì cả hai vợ chồng đều cao tuổi: Vợ 43, chồng 47 tuổi. Ở độ tuổi này, làm thụ tinh trong ống nghiệm chẳng khác nào chơi một canh bạc.
Nhưng chị Tám đã quyết định chơi canh bạc đó, đem đặt cược toàn bộ hy vọng vào ca thụ tinh ống nghiệm mà xác suất thành công vào thời điểm năm 2001 hãy còn rất khiêm tốn.
Sau rất nhiều ca xét nghiệm tốn kém tiền bạc và cả những cơn đau về thể xác, chị Tám hồi hộp chờ ngày chọc trứng ra để thụ tinh trong ống nghiệm. Chọc trứng - một thao tác tưởng như đơn giản nhưng thực ra cực kỳ phức tạp, quyết định nhiều đến sự thành bại của ca thụ tinh ống nghiệm.
Vào thời điểm đó, ở Bệnh viện C chỉ có bác sĩ Nguyễn Viết Tiến là đủ tay nghề để thực hiện. Nhưng bản thân bác sĩ Tiến cũng rất hồi hộp trước một trong những ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở Viện C.
Chỉ cần một chút run tay, chỉ cần sai lệch một chút thời gian, bao nhiêu công sức sẽ tiêu tan... Thế rồi, nhờ cái tài chuyên môn của bác sĩ Tiến và hình như ông trời cũng mủi lòng trước khát khao có được một mụn con của vợ chồng chị Tám hay sao mà bào thai trong ống nghiệm đã hình thành.
Đúng ngày, đúng tháng, chị Tám trở dạ sinh một bé trai khôi ngô bụ bẫm. Vui mừng khôn xiết, vợ chồng chị Tám tưởng như mình đang được ban phép mầu trong chuyện cổ tích. Hai vợ chồng quyết định đặt tên con trai là Vũ Viết Tiến Đạt, đệm chữ “Viết” vào họ để tỏ lòng biết ơn bác sĩ Nguyễn Viết Tiến.
Ở tuổi 43, chị Tám trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện C. Vào thời điểm ấy, tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm chỉ khoảng 20%, trường hợp của chị Tám thực sự gây ngạc nhiên với ngay cả bác sĩ Nguyễn Viết Tiến.
Sinh quý tử, gia đình chị Tám bước sang một trang mới, tràn ngập niềm vui. Bố chồng chị nói: “Từ nay nhà mình yên ổn”. Mẹ chồng bảo: “Mẹ như đi trên mây”. Trong hạnh phúc, chị Tám chợt nghĩ đến những người phụ nữ hiếm muộn chưa có được may mắn như mình.
Họ đang phải xếp hàng dài ở Viện C, phải chạy lo đủ thứ thủ tục, hàng tá xét nghiệm nhưng có khi vừa thiếu tiền, vừa thiếu thông tin... Chị Tám nghĩ: Có được đứa con trai ở tuổi 43, mình đã hàm ơn cuộc đời, mình sẽ trả ơn đời bằng cách giúp đỡ những người phụ nữ hiếm muộn kia.
Được chồng ủng hộ, từ đó chị vào Bệnh Viện C, dùng kinh nghiệm của mình để tư vấn cho những người phụ nữ đang chờ để được thụ tinh ống nghiệm. Ban đầu, người ta cứ ngỡ chị là “cò”. Nhưng nếu bệnh viện mà nhiều cò mồi như chị thì tốt biết mấy. Bởi “cò mồi” này làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người bệnh mà không đòi hỏi chút thù lao nào. Gặp những người phụ nữ nông thôn nghèo, chị Tám còn mời họ về nhà mình để đỡ tiền thuê trọ.
Chị dành hẳn một phòng trong căn nhà cũng chẳng rộng rãi lắm ở đường Yên Phụ ven Hồ Tây để dành cho những người khách như thế. Chị bỏ hết công việc làm ăn, suốt ngày ở viện C, lấy hộ kết quả xét nghiệm cho người này, hướng dẫn thủ tục cho người nọ.
Đã hơn 5 năm qua, người phụ nữ này đi “thổi tù và hàng tổng” như vậy và chị đã am hiểu về thụ tinh ống nghiệm đến mức đọc được kết quả xét nghiệm. Từng ấy thời gian, chị cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu cảnh đời éo le từ những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Vui buồn những cảnh đời hiếm muộn
Chị Hương quê ở Quảng Ninh lấy chồng mười năm mà vẫn chưa sinh được con. Cũng vì thế mà không khí gia đình luôn căng thẳng, mẹ chồng thỉnh thoảng lại nói gần nói xa, chẳng hạn như mắng con gà mái đang đi giữa sân: “Mày ăn thóc ăn gạo nhà bà mà không biết chửa đẻ, để phí thóc phí gạo nhà bà”. Mỗi lần như thế, chị Hương cắn răng nuốt nước mắt, đôi khi muốn tự tử.
Chi phí cho một ca thụ tinh ống nghiệm ở bệnh viện C thấp nhất khoảng 30 triệu, cao nhất 50 triệu đồng, tùy theo độ tuổi cũng như cơ địa của từng người. Bảo hiểm y tế không chi trả cho thụ tinh ống nghiệm.
Hai vợ chồng lên Bệnh viện C khám và quyết định làm thụ tinh ống nghiệm. Có những đêm, họ phải đi từ 1 giờ sáng nhưng lên đến Hà Nội vẫn không kịp làm xét nghiệm. Chị Tám phải đi xe ôm đến viện sớm, xếp hàng, lấy số khám bệnh cho vợ chồng Hương. Cuối cùng, nhờ thụ tinh ống nghiệm, Hương có bầu và sinh một bé trai bụ bẫm. Bao nhiêu khúc mắc, mâu thuẫn trong gia đình nhờ đứa trẻ ra đời mà được hóa giải hết.
Cũng chịu nhiều tủi cực vì nỗi lấy nhau mãi mà chẳng sinh được con, chị Hà, một nông dân nghèo ở Hà Tây bị gia đình chồng “coi như đã chết”. Có việc gì, bố mẹ chồng chỉ bàn với chồng, cho dù Hà ngồi ngay bên cạnh. Đi làm đồng Hà không dám nắm cơm cũng không dám về nhà ăn, úp nón lên mặt nằm khóc.
Cuối cùng, không chịu nổi quan niệm “cây khô không lộc, người độc không con”, hai vợ chồng Hà bán cả trâu lên Viện C để thụ tinh ống nghiệm. Con đường ấy quả thực gian nan, chỉ riêng việc 7 giờ sáng vào viện, tiêm hai mũi vào rốn, rồi sau đó, nếu tất cả các chỉ số chuyên môn cho phép, bấy giờ mới đến lúc gây mê để chọc trứng. Chọc trứng giống như đánh một cái cây đến trồng ở một miếng đất khác.
Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi và hình như cũng cần có chút cơ duyên nữa, một bào thai sẽ hình thành. Nói chung, công việc này rất tốn kém. Bán hết trâu, lợn, vợ chồng chị Hà còn “cắm” cả sổ đỏ để theo đuổi thụ tinh trong ống nghiệm đến cùng. Gắng gỏi ấy đã được đền đáp bằng một bé trai sinh năm Đinh Hợi vừa rồi.
Không được may mắn như thế, vợ chồng anh Dũng ở phố Lò Đúc sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm thất bại, tốn kém cả trăm triệu đồng, cuối cùng đã đưa nhau ra tòa. Ra tòa, họ thỏa thuận chia đôi chi phí thụ tinh ống nghiệm.
Chị Tám bảo: “ Xung quanh chuyện thụ tinh ống nghiệm có trăm ngàn nỗi éo le, vui buồn. Có cặp vợ chồng hiếm muộn, sau khi thụ tinh ống nghiệm đã sinh được con. Nhưng người chồng lại nghi ngờ vợ sinh được con nhờ “trực tiếp” với người đàn ông khác chứ chẳng phải thụ tinh ống nghiệm. Thế rồi cũng đưa nhau ra tòa. Những trường hợp như thế không nhiều, nhìn chung phương pháp thụ tinh ống nghiệm đưa đến niềm hạnh phúc cho rất nhiều gia đình”.
Năm 2006, Bệnh viện C kỷ niệm 40 năm thành lập, đã tổ chức gặp gỡ những đứa trẻ sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm. Hội trường hôm ấy đông chật trẻ em. Bởi tính vào thời điểm đó, đã khoảng gần 2.000 em bé sinh ra nhờ phương pháp y học hiện đại này. Như thế đồng nghĩa với 2.000 niềm hạnh phúc và có thể cũng đã cứu cho từng ấy gia đình khỏi nguy cơ tan vỡ.
Buổi sáng hôm ấy trong phòng làm việc của Giám đốc Bệnh viện C, tôi chứng kiến bác sĩ Nguyến Viết Tiến đang đọc kết quả xét nghiệm của ba cặp vợ chồng đang tiến hành các thủ tục để thụ tinh ống nghiệm. Cả ba cặp vợ chồng đều cho kết quả tốt và bác sĩ Tiến bảo với tôi: “Có rất nhiều khả năng họ sẽ sinh được con. Bây giờ đã có rất nhiều tiến bộ trong phương pháp thụ tinh ống nghiệm vì thế tỷ lệ thành công cao hơn.
Hiện nay, số cặp vợ chồng vô sinh đang có xu hướng tăng lên. Theo tôi, nếu hai vợ chồng lấy nhau sau một năm mà không có thai thì phải đi khám. Phương pháp thụ tinh nhân tạo có thể giúp rất nhiều cặp vô sinh”.
Cuộc phiêu lưu của... tinh trùng
Chi phí thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện C thấp hơn nhiều so với thụ tinh ống nghiệm ở nước ngoài. Vì thế, đã có một số cặp vợ chồng người nước ngoài đến Bệnh viện C để xin thụ tinh ống nghiệm, vừa tiết kiệm được nhiều tiền mà “chất lượng sản phẩm” cũng tương đương.
Thậm chí, có một người New Zealand đang sinh sống ở Mỹ cũng đã gửi tinh trùng đông lạnh qua đường hàng không cho vợ để làm thụ tinh nhân tạo ở Bệnh viện C. Câu chuyện “phiêu lưu” của tinh trùng đã kết thúc hậu, người vợ sinh một bé gái nặng 3,8 kg vào ngày 6/6/2006.
Thành công này đã mở ra một hướng mới cho những người muốn làm cha mẹ nhưng do điều kiện công tác nước ngoài, vợ chồng không gặp nhau. Mới đây, Bệnh viện C cũng đã lấy và chuyển một kiện tinh trùng đông lạnh của một người sang tận Nam Phi.
Còn đối với những người muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm mà người chồng không có tinh trùng, Bệnh viện C có hẳn một ngân hàng tinh trùng để cung cấp. Nhưng xung quanh ngân hàng đặc biệt này cũng có biết bao nhiêu điều ít ai biết.
(Còn nữa)
Kỳ 2: “Góp vốn” và “vay vốn” ở ngân hàng tinh trùng
Phùng Nguyên



“Góp vốn” và “vay vốn” ở ngân hàng tinh trùng
TP - Ngân hàng tinh trùng ở Việt Nam đang trong tình trạng “kẹt vốn”, nhưng đã góp phần cho ra đời nhiều em bé khoẻ mạnh. Tôi đã gặp những người “góp vốn” và “vay vốn” ở ngân hàng tinh trùng và chứng kiến nhiều chuyện chưa từng thấy...


Đây là một trong những địa chỉ mang lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Tận thấy ngân hàng tinh trùng
Khảo sát mới nhất về tinh dịch đồ của các cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn tại các bệnh viện chuyên khoa trên cả nước cho thấy có đến 24% trường hợp bệnh nhân có tinh trùng yếu và dị dạng; 10,1% quý ông không có tinh trùng.
Trong tình trạng như vậy, nếu muốn có con, buộc những người muốn làm bố phải đi “mượn con giống”. Điều đó xem ra cũng không khó bởi bây giờ đã có ngân hàng tinh trùng cho họ “vay” mà không cần phải trả “vốn lẫn lãi”.
Vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương (còn gọi là Bệnh viện C) tôi đã mục sở thị cái ngân hàng tinh trùng mà đối với nhiều người hãy còn rất lạ lẫm này. Đó là một căn phòng rộng chừng 15m2, tôi thấy có ba người mặc áo blue trắng, bịt khẩu trang đang tập trung vào chuyên môn. Vị bác sĩ đang xét nghiệm tinh trùng, người còn lại làm phương pháp đông tinh, còn người thứ ba thì lúi húi ghi chép sổ sách.
Căn phòng cho tôi cảm giác sạch sẽ đến vô trùng. Trước mặt tôi là những chiếc lọ nhỏ đậy nắp màu đỏ, được đánh dấu cẩn thận. Vị bác sĩ đang ghi chép sổ sách bảo: “Mẫu tinh trùng của nam giới đựng trong này. Chúng tôi sẽ lấy một lượng vừa đủ để tiến hành kiểm tra và xét nghiệm. Nếu kết quả tốt, sẽ cho vào thực hiện phương pháp đông tinh”.
Không quá phức tạp như tôi hình dung, phương pháp đông tinh được thực hiện ngay trong chiếc thùng nhỏ có nắp đậy, màu trắng. Sau khi tinh trùng đủ tiêu chuẩn “lưu hành”, sẽ được cho vào “két sắt”. “Két sắt” thực ra là một chiếc thùng tròn chuyên dụng có thể lưu giữ trong thời gian 50 năm. Và khi có khách hàng gõ cửa ngân hàng tinh trùng, “két sắt” được mở ra và đưa “con giống” đi “gieo hạt”.
Nhưng ở ngân hàng tinh trùng hiện nay, “đầu vào” đang rất ít, trong khi “đầu ra” thì … “mênh mông”. Rất ít người chịu hiến tinh trùng và vì thế khó khăn lắm tôi mới tiếp cận được một người đàn ông tình nguyện đến Bệnh viện Phụ sản để cho “con giống” của mình.
Chuyện đi hiến “tinh binh”
Trong một quán cà phê nằm trong con ngõ vắng, người đàn ông đề nghị được giấu, tên này đã kể cho tôi nghe hành trình đi hiến “tinh binh”: “Tôi nảy ra ý định đi hiến tinh trùng khi chứng kiến vợ chồng một người bạn hiếm muộn vào Bệnh viện Phụ sản xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm những bác sĩ bảo: Phải xếp hàng chờ, ngân hàng đã hết tinh trùng. Tôi nghĩ mình đang khỏe mạnh, tại sao không đi hiến tinh trùng để “góp vốn” cho ngân hàng tinh trùng.
Một phần cũng vì tò mò, thế là tôi thuyết phục bà xã đồng ý cho tôi đi hiến tinh trùng. Mới đầu vợ tôi phản đối quyết liệt vì nghĩ đây là một việc bệnh hoạn, và cho tinh trùng là cho… trực tiếp với người nhận. Rồi sau này đứa con tìm về nhận bố thì sẽ ra sao? Tôi phải vất vả thuyết phục, in nhiều tài liệu liên quan về cho bà xã đọc, cuối cùng thì bà xã cũng gật đầu. Dẫu biết, đó là tài sản riêng của tôi, và tôi “toàn quyền sử dụng”, nhưng tôi nghĩ đi hiến tinh trùng là việc tốt, nên không muốn phải lén lút giấu vợ.
Tôi vào bệnh viện và được hướng dẫn làm xét nghiệm máu. Sau khi có kết quả, tôi được dẫn đi lấy tinh trùng. Tôi đi dọc hành lang và đến một căn phòng có đông kẻ ra người vào. Tôi được phát một cái ống nhựa vô trùng và được hướng dẫn cách lấy tinh trùng”.
Kể đến đây, người đàn ông này nhấp một ngụm cà phê, nói tiếp: “Tôi ngồi ở ghế đợi và thấy vài người đàn ông cũng cầm cái ống nhựa như mình. “Đặc điểm nhận dạng” này cho thấy họ cũng đang chờ để hiến “tinh binh”. Có người nét mặt căng thẳng, cứ đi lại dọc hành lang liên tục như thể đang chờ vợ đẻ bên trong. Có người bình thản, giở báo ra đọc. Tôi thấy cánh cửa mở, một người đàn ông bước ra với cái ống nhựa trên tay…
Đến lượt tôi bước vào căn phòng nhỏ, có một chiếc bàn và một chiếc ghế, bồn tiểu đứng, trên tường treo ảnh đôi nam nữ trong thư thế “mát mẻ”. Mồ hôi tôi toát ra ướt đẫm cả áo. Nhưng rồi, cuối cùng thì tôi cũng đã làm xong cái việc cần làm. Tinh trùng của tôi được đưa đi xét nghiệm HIV, viêm gan, giang mai, đặc biệt là xét nghiệm nhiễm sắc thể… Khi tôi quay lại, bác sĩ báo tin tinh trùng của tôi đủ điều kiện để nạp vào “két sắt” ngân hàng. Tuy nhiên, 3 tháng sau, tôi còn phải quay lại thử máu để đảm bảo chắc chắn mình không có HIV”.
Người đàn ông cười bảo: “Chuyện đi hiến “tinh binh” chỉ có thế, sau đó tôi không có quyền được biết tinh trùng của mình gửi trong ngân hàng sẽ cho ai “mượn”. Nhưng khi nghe tin vợ chồng người bạn đã sinh một cháu bé bụ bẫm nhờ nguồn “vốn” của ngân hàng tinh trùng, tôi thực sự thấy vui”.
Một người đàn ông khác (cũng đề nghị giấu tên) vào Bệnh viện C “vay vốn” của ngân hàng tinh trùng, tâm sự: “Tinh trùng tôi yếu, nên không thể sinh con. Xin tinh trùng của người thân thì phức tạp lắm, nên vào ngân hàng tinh trùng này đề nghị giúp đỡ. Bác sĩ bảo thủ tục cũng đơn giản thôi, và đảm bảo bí mật nhưng phải chờ”.
Cái cảnh kẻ ra người vào ở phòng hiến “tinh binh” mà người đàn ông vừa kể khiến cho tôi có cảm giác, ngân hàng tinh trùng đang rất dồi dào. Nhưng thực tế ngân hàng tinh trùng hiện đang rất “kẹt” vốn.
Khi ngân hàng tinh trùng “kẹt vốn”
Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bộ phận lưu trữ tinh trùng của bệnh viện hiện chưa thực hiện đầy đủ chức năng của một ngân hàng, nghĩa là có người cho và người nhận, mà chỉ là nơi khách hàng gửi tinh trùng vào bảo quản để dùng cho chính mình. Nguyên nhân chủ yếu là không có người hiến.
Bác sĩ Tiến tâm sự: “Việc bí “đầu vào” cho ngân hàng tinh trùng khiến cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh muốn xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm phải xếp hàng chờ đợi. Tôi nghĩ bao giờ hiến tinh trùng phải như hiến máu nhân đạo thì vấn đề này mới được giải quyết.
Người dân chưa thực sự nghe và nghĩ nhiều đến việc hiến tinh trùng. Trong khi đó các bác sĩ vẫn chưa nghĩ ra cách vận động hiến tinh trùng nào thực sự hiệu quả. Vì lý do tế nhị, chúng tôi không thể phát động phong trào “hiến tinh trùng nhân đạo” rầm rộ như hiến máu”.
Ngay ở cổng Bệnh viện C, khi tôi đề cập tới vấn đề hiến tinh trùng, Thế Hùng, một chàng trai đang đưa vợ đi khám thai, nói ngay: “Máu thì tôi có thể hiến, nhưng tinh trùng thì không, chẳng lẽ con mình lại để người khác nuôi?
Xem ra, trong tương lai gần, số đàn ông đi hiến “con giống” vẫn hiếm. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ trong vòng 2 năm chỉ có 25 người đến hiến tinh trùng trong khi ngân hàng tinh trùng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thực tế.
Có lẽ vì ngân hàng tinh trùng “eo hẹp” vốn như thế, nên khâu “đầu vào” cũng không đặt nặng vấn đề học vấn của người đi hiến “con giống”, chỉ cần tối thiểu tốt nghiệp THCS.
Các ngân hàng tinh trùng đang “kẹt” vốn, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ phá sản bởi vì đây chắc chắn là loại ngân hàng duy nhất trên thế giới này không hoạt động vì lợi nhuận. Thứ lợi nhuận mà ngân hàng này đem đến còn trên cả tiền, ấy là những đứa trẻ khỏe mạnh, ấy là những niềm vui được làm bố, làm mẹ của biết bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn.
Phùng Nguyên

No comments:

Post a Comment