Monday, March 7, 2011

Cái chái bếp

Cái chái bếp Thứ bảy, 11/07/2009
Nhà tôi làm theo kiểu xưa, một gian lớn ba căn và một gian nhỏ liền kề gọi là chái bếp. Cửa bếp thông ra sân sau, nơi có bể nước mưa và mười lăm bậc gạch dẫn xuống cầu ao rợp bóng mát cây sung già. Ngồi rửa chén mà đám bèo hoa tím Nhật Bản cứ xòe đuôi quấn quýt. Lũ cá lòng tong bé xíu cùng đám cá cờ dưới ao lượn lờ canh có thức ăn là nhào vào cướp mồi. Bàn ăn nhìn về hướng đông, khi mở cửa sổ ra sẽ được ánh nắng tạt vào và gió từ bụi tre qua liếp húng lủi thổi vào thơm mát. Trong gian bếp chật nhưng sạch sẽ này là nơi chứng kiến những dòng mồ hôi âm thầm đổ ra của mẹ và nội để lo cho gia đình tôi bữa cơm ngon canh ngọt.
Mẹ tôi nổi tiếng trong họ nhờ món rau sắng nấu trứng cua đồng. Khách đến nhà thế nào cha cũng ra ruộng bắt vài xâu cua cho mẹ trổ tài. Mẹ lựa những con cua bự nhất, khều trứng ra khỏi yếm của nó rồi buộc túm lại trong cuống lá khoai sọ, ba túm cho một nồi canh. Sau khi đun nước sôi mẹ cho nước mắm cốt và hành khô, đợi bốc mùi thật thơm rồi cho trứng cua vào, quết tí mỡ lên rau rồi tước cho vào nồi, ăn một lần nhớ cả đời. Mẹ và nội giỏi nấu ăn nên trong nhà bếp không biết cơ man nào là gia vị, mắm muối, mỗi cái đựng trong một lọ xếp hàng dài trên giá chén.
Bếp nhà tôi cùng lúc bắc được ba nồi: nồi cơm, thức ăn và một nồi nước nóng. Khi ông táo cũ thì cha nặn cái mới bằng đất sét chín lửa đỏ sậm màu gạch nung. Cứ bốn giờ sáng mẹ lại dậy nấu cơm để chúng tôi ăn cho kịp giờ đi học, đi làm. Thỉnh thoảng mẹ lấy khoai lang xếp vào nồi đất, nước xăm xắp, rải hoa bưởi lên trên, đậy nắp nồi lại hấp đến khi nước quánh lại như mật, khoai lang cháy một lớp bên dưới, mở nắp nồi khói xông mùi hoa bưởi thơm phức...
Đông về mẹ luôn giữ cái bếp hồng lửa than bằng những rễ cây, cành củi. Tối nội hay lụm cụm lấy cái cà ràng nhỏ un muỗi để dưới chõng tre chỗ anh em tôi học bài vừa đuổi muỗi vừa để sưởi ấm, tiếng than nổ tí tách nghe thật vui. Rồi nội kể chuyện ông Táo.
Mùa hạn mẹ tôi đi chặt củi về phơi chật cả khoảng sân lớn, số củi này đủ cho gia đình đốt lò quanh năm, kể cả giỗ chạp, ngày Tết. Khi cha gánh mạ ra đồng và gánh phân đem bón hay tranh thủ đào thêm mấy gốc cây làm củi đun gánh về, dù củi dừa của mẹ chất đầy sau bếp. Trong đôi quang gánh buổi chiều trở về thế nào cũng có vài chục ốc bươu, cua đồng, có khi là những con cá rô hột mít mắc cạn trong một vũng nước nào đó. Những con ấy tôi thảy cả vào bếp. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên mùi cua cháy, mùi vỏ ốc bị lửa than làm nứt quyện mùi ngai ngái của bùn bốc lên, mùi thơm của những con rô non và mùi khoai nướng ngòn ngọt, mùi sắn cháy bùi bùi...
Mỗi khi đi đâu xa về thấy chái bếp nhà mình lừng lững khói cơm chiều trên cái nền trời màu tím sẫm là thấy lòng ấm lại. Ở đó mẹ tôi rồi chị tôi đang cặm cụi kho cá, nấu cơm. Bữa cơm dọn ra cả nhà vừa ăn vừa nói chuyện râm ran. Năm tháng cứ trôi qua nhưng trong lòng tôi vẫn còn đó tươi nguyên hình ảnh và tình cảm một chái bếp; dù trong ngày hè oi nồng hay giữa tiết đông lạnh căm gió mùa, ngọn lửa chẳng bao giờ tắt. Cái chái bếp ấy đã tạo ra tình cảm gia đình trong tôi và giờ nó vẫn tiếp tục gợi thương, gợi nhớ...


MỘT NGÀY KỲ LẠ

Thầy Phú làm cả lớp há hốc miệng khi ra đề tập làm văn “Bạn hãy kể lại một ngày kỳ lạ trong đời bạn”.
Học văn tự sự, dĩ nhiên học sinh lớp mười phải biết sử dụng những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài làm. Nhưng những đề văn tụi nó từng gặp như “Cảm xúc của bạn về ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông”, “Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của bạn về người thân yêu nhất” hay “Nêu cảm nghĩ sâu sắc về một cuốn sách mà bạn không thể nào quên” thì đứa nào cũng làm được. Dù gì thì những cảm xúc đó tụi nó cũng từng trải qua. Nay ghi lại, có thể hay hoặc không hay, nhưng dẫn sao thì đứa kém nhất vẫn có thể nặn ra đuợc mươi, mười lăm dòng để nộp cho thầy.
Đằng này, thầy lại bắt học trò kể lại “một ngày kỳ lạ”. Đâu phải đứa nào cũng có điều kỳ lạ để kể.
Thằng Đặng Đạo bóp muốn móp cả trán, rồi quay sang nhỏ Vành Khuyên, thở hắt ra.
- Chịu. Tôi chẳng nghĩ ra chuyện gì kỳ lạ hết.
Vành Khuyên rầu rĩ:
- Mình cũng vậy.
Nãy giờ con nhỏ vẫn chống tay lên cằm, thừ ra như người mất của. Cái dáng ngồi đó, Vành Khuyên không phải là đứa sở hữu độc quyền. Có cả đống đứa ngồi giống hệt như nó.
Ở bàn bên cạnh, nhỏ Hiền Hoà thậm chí không chỉ chống cầm. Nó nhai nhai cán bút, liếc thằng Dưỡng:
- Bạn nghĩ ra ý gì chưa?
- Ý gì là ý gì?
- Một ngày kỳ lạ đó?
Dưỡng nháy mắt:
- Nghĩ ra rồi.
- Hay quá vậy! - Hiền Hoà reo khẽ, mắt nó sáng trưng - Bạn nghĩ ra ý gì vậy, kể cho mình nghe đi!
- Kể sao được mà kể! - Dưỡng nhún vai - Kể ra, bạn “cóp” ý của tôi sao?
- Mình không “cóp” đâu - Hiền Hoà liếm môi, có vẻ như nó rất muốn giơ tay thề - Mình chỉ nghe cho biết thôi. Nghe xong, biết đâu mình nghĩ ra được cái ý của mình.
- Vậy tôi nói nha.
- Ừ, bạn nói đi! - Hiền Hoà dòm lom khom vào mặt bạn. – Ngày kỳ lạ của bạn là gì?
Dưỡng lim dim mắt:
- Ngày kỳ lạ nhất của tôi chính là ngày thầy Phú ra cái đề “một ngày kỳ lạ” này. Quá sức kỳ lạ luôn! Hổng biết cách sao làm bài hết á!
Câu pha trò của Dưỡng khiến Hiền Hoà dở cười dở mếu. Nó chồm tới thụi bình bịch vô lưng thằng này:
- Giỡn nè!
- Giỡn gì mà giỡn! - Dưỡng co mình để né đòn, miệng rối rít – Tôi nói thiệt chứ bộ!
- Thiệt nè!
Hiền Hoà “xì” một tiếng, lại nghiến răng thụi tiếp.
Nó chỉ dừng tay khi tiếng thầy Phú đột ngột cất lên:
- Dưỡng, Hiền Hoà, ai em làm gì vậy?
Hiền Hoà giật bắn người, lật đật sửa lại thế ngồi, mặt tái xanh. Thằng Dưỡng cũng gằn mặt xuống bàn, như thể cái đầu đột nhiên quá nặng đối với nó.
Thầy Phú nghiêm mặt, đi xuống chỗ hai đứa học trò trong ánh nhìn hồi hộp của cả lớp. Thầy nghiên đầu nhìn tờ giấy trước mặt Dưỡng và Hiền Hoà, ngoài đề bài và hai chữ “Bài làm” vẫn chưa có một chữ nào.
- Thế đấy! - Thầy nhún vai. Làm bài không lo làm, chỉ ngồi đùa giỡn!
Cả lớp vẫn lặng yên quan sát diễn biến.
Hiển Hoà và Dưỡng không dám ngước lên, thầy Phú chỉ nhìn thấy hai chỏm tóc của tụi nó. Tự nhiên thầy phát bực:
- Sao bây giờ em “hiền hoà” quá vậy, Hiền Hoà?
Hiền Hoà vẫn im ru, mặc dù nó nghe rõ tiếng khúc khích vang lên ở đâu đó.
- Con gái mà ngồi đánh nhau trong lớp! - Thầy tiếp tục gầm gừ - Em đứng lên đi! Và giải thích cho thầy biết chuyện gì xảy ra vậy?
Hiền Hoà rụt rè đứng lên. Ở bên cạnh, thằng Dưỡng len lén nhìn nhỏ bạn, ánh mắt như cầu cứu. Nhưng khổ nỗi, Hiền Hoà không trông thấy vẻ mặt sắp lăn ra xỉu của bạn mình. Nó đang lo lắng nhìn thầy Phú, miệng lắp bắp:
- Thưa thầy… thưa thầy…
- Sao?
- Thưa thầy… em chỉ đùa thôi ạ.
- Đùa? - Thầy Phú quắc mắt - Tự nhiên đùa?
Tia nhìn nghiêm khắc của thầy khiến Hiền Hoà bủn rủn tay chân. Nó đã định bịa ra một lý do nào đó nhưng cái cách thầy ghim mắt vào nó như đe nẹt “Em chớ dại mà nói dối đấy” khiến nó chẳng còn tâm tư đâu tìm cách gỡ tội cho Dưỡng.
- Thưa thầy… không phải tự nhiên ạ.
- Thế thì tại sao?
- Tại vì em hỏi bạn Dưỡng ngày kỳ lạ của bạn ấy là gì…
Trong khi thằng Dưỡng rúm người lại, bụng chửi thầm con nhỏ Hiền Hoà “không chút hiền hoà” này tơi tả thì tụi bạn hồi hộp nín thở chờ xem phần tiếp theo của vụ án”, một phần vì hiếu kỳ, phần khác tụi nó cũng đang bí nên muốn nghe xem cái ngày kỳ lạ của thằng Dưỡng là ngày gì.
- Em nói tiếp đi! – Thầy Phú hất đầu – Thầy vẫn chưa thấy lý do gì để em đấm bạn túi bụi như thế.
Hiền Hoà liếc Dưỡng, thấy mặt mày thằng này xám xịt như vừa đút đầu vào đống tro, bất giác áy náy quá chừng. Nó lấm lét nhìn thầy Phú, cắn môi đáp:
- Em hỏi thật nhưng bạn Dưỡng trả lời đùa nên em … đánh bạn ấy ạ.
Dưỡng sè sẹ thở ra, bụng cảm kích nhỏ bạn không để đâu cho hết. Nhưng vừa thở ra Dưỡng đã phải vội vàng hít vô. Nó đau khổ khi thấy thầy Phú quyết không để cho cuộc điều tra kết thúc ở chỗ mù mờ như vậy:
- Bạn Dưỡng trả lời đùa là trả lời như thế nào?
Hiền Hoà bất giác thấy vai mình trĩu xuống. Đột nhiên nó nhận ra mình cà lăm:
- Thưa thầy… thưa thầy…
Nó ngưng một lát rồi lại “thưa thầy… thưa thầy…”
- Thầy nghe rồi, em khỏi cần thưa nữa! - Thầy Phú nhăn mặt.
- Bạn Hiền Hoà ơi, thầy đang cần bạn trả lời chứ đâu cần bạn thưa! - Thằng Lâm ngứa miệng “đế” một câu khiến thầy Phú phải quay xuống, trừng mắt.
Hiền Hoà cắn môi muốn rớm máu. Nó nhìn xuống mười ngón tay đang ngọ nguậy trên bàn, lí nhí:
- Thưa thầy, bạn Dưỡng nói… ngày kỳ lạ của bạn ấy là… là…
Tới đây, Hiền Hoà lại ngắc ngứ.
Bây giờ không chỉ thầy Phú mmà cả lớp cũng sốt cả ruột.
Từ trong góc lớp, thằng Đỗ Lể chép miệng nói trổng:
- Băng cátxét nhà ai bị nhão vậy bà con?
Hiền Hoà nghe rõ mồn một câu trêu chọc của Đỗ Lễ, lo lắng ngước mặt lên. Bắt gặp ánh mắt chờ đợi của thầy Phú, nó giật thót một cái, lúng túng đưa tay gãi gáy và mở miệng một cách khó khăn:
- Bạn Dưỡng bảo ngày kỳ lạ nhất của bạn ấy chính là ngày… là ngày… là ngày…
- Là ngày gì? - Thầy Phú chịu hết nổi, gần như quát lên.
Hiền Hoà quýnh quáng:
- Dạ… là ngày thầy ra cái đề “một ngày kỳ lạ” này ạ.
Nói xong, nó sợ sệt cúi đầu xuống, như thể trót làm chuyện gì hết sức bậy bạ.
Trong khi thằng Dưỡng chết điếng trên chỗ ngồi, thầy Phú chết điếng trên chỗ đứng thì ở chung quanh những tiếng “hí hí, há há” rúc rích vang lên như có một bầy chuột đang liên hoan dưới gầm bàn khiến mấy đứa trong ban cán sự lớp như Xuyến Chi, Minh Trung, nhỏ Hạnh hấp tấp quay mặt ra bốn phía, trợn mắt hăm doạ.
Lớp trưởng Xuyến Chi tim nhảy tưng tưng. Nó liếc mắt một vòng rồi len lét liếc về phía thầy Phú, thắc thỏm chờ một trận lôi đình nổ ra.
Thầy Phú có vẻ muốn nổ ra một cơn bão giận dữ thật. Mặt thầy tím lại, rất giống một đám mây nguyên tử. Nhưng hên cho cả lớp, và cả cho thằng Dưỡng, là thầy vẫn đứng yên, chờ cho màu tím nhạt đi.
Rồi thầy nhìn Dưỡng, giọng bình tĩnh:
- Tại sao em nói thế, Dưỡng?
Dưỡng lập cập đứng lên khỏi chỗ. Nó gãi tai, ấp úng:
- Tại em thấy cái đề “kỳ lạ” này khó quá, thưa thầy.
Thầy Phú chưa kịp nói,thằng Lâm đã bô bô:
- Thưa thầy, thằng Dưỡng nói đúng đó, thầy. Em nặn óc cả buổi mà chẳng nảy ra được cái ý nào hết, thầy ơi.
- Em cũng vậy, thưa thầy. - Thằng Quang sốt sắng hùa theo – Hình như trong đời em hổng có ngày nào là ngày kỳ lạ hết á.
Chỉ chờ có vậy, cả đống cái miệng nhao nhao:
- Mấy bạn nói đúng đó, thầy.
- Em cũng vậy, thầy ơi.
Thằng Hải quắn còn bạo dạn rấn tới:
- Hay thầy đổi cái đề khác đi, thầy!
Thầy Phú thoáng cau mày, có vẻ bất ngờ trước phản ứng của học trò. Thầy vẫy tay ra hiệu cho Dưỡng và Hiền Hoà ngồi xuống rồi quay đầu nhìn cả lớp, hắng giọng:
- Các em nghe thầy nói nè. Nếu các em không nhớ được một ngày kỳ lạ trong đời mình thì các em có thể tưởng tượng ra. Thầy đâu có bắt buộc đó phải là câu chuyện thật.
Lớp học lại nhốn nháo:
- Ủa, vậy hả thầy?
- Được phép tưởng tượng hả thầy?
- Hay quá, thầy ơi! Vậy thì em làm được!
- Em tưởng tượng em gặp ông Bụt giống như cô Tấm được không thầy?
Thầy Phú dễ dãi:
- Các em tha hồ tưởng tượng, miễn là câu chuyện của các em phải có ý nghĩa.
Câu nói của thầy Phú giống như một hiệu lệnh. Thầy vứa dứt lời, cả lớp cắm đầu vào tập hí hoáy viết.
Tiểu Long huých khuỷu tay vô hông Quý ròm:
- Mày có khối chuyện kỳ lạ, khỏi cần tưởng tượng, sướng há?
- Xiên xỏ gì đó, mày?
Tiểu Long cười hì hì:
- Tao nói thiệt chứ xiên xỏ gì. Mày từng khoe với nhỏ Hạnh nửa đêm mày đang ngủ bỗng có một con rắn hổ mang bò ngang bụng mà. Rồi chuyện mày đi bè bị sóng đánh lật úp, mày phải bơi gần hai cây số để vào bờ nữa. Toàn chuyện kỳ lạ, hiếm có!
- Tao đập mày nghe, mập!
Quý ròm nghiến răng, thu nắm đấm nhưng chưa kịp thụi Tiểu Long phát nào đã hấp tấp rụt tay lại.
Trên bảng thầy Phú đang quét mắt về phía nó.

Chương 2

Quý ròm ngồi ở bàn thứ tư, đếm từ trên xuống, dãy bàn gần cửa ra vào.
Ngồi bên phải nó là Tiểu Long, ngồi bên trái nó là nhỏ Hạnh.
Lúc làm bài, nó cựa quậy không yên, lúc nghiêng sang trái lúc chồm sang phải, cố xem thử hai đứa bạn nó viết những gì.
Nhưng Quý ròm chả nhìn thấy gì cả. Cứ mỗi lần nó nhướn cổ nhòm vào tập, hai đứa bạn nó đều lấy tay che kín.
- Coi chút đi! – Quý ròm năn nỉ nhỏ Hạnh.
- Coi gì mà coi. Quý lo làm bài đi kìa!
- Tôi làm gần xong rồi.
- Vậy ngồi yên cho người khác làm.
Quý ròm cáu lắm, không thèm ỉ ôi nữa. Nó quay sang Tiểu Long:
- Coi chút đi!
- Coi làm gì! Tao có đòi coi bài của mày đâu!
Quý ròm kéo cánh tay Tiểu Long đang che bài làm.
- Bỏ tay ra đi! Tao coi chút xíu thôi.
Tiểu Long vờ nhìn lên bảng:
- Thầy Phú đang “chiếu tướng” mày kìa!
Thế là Quý ròm lật đật buông tay ra, bụng tức anh ách.
Tuần sau, khi thầy Phú phát bài làm ra Quý ròm mới biết tại sao hai đứa bạn thân thiết nhất của mình kiên quyết không cho mình xem bài làm của tụi nó.
Hoá ra “một ngày kỳ lạ” của Tiểu Long và nhỏ Hạnh đều có nhân vật chính là… Quý ròm.
Theo Tiểu Long, ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó phát hiện ra Quý ròm đi… ở đợ cho người ta. Nó kể trong bài làm rằng nó suýt chút nữa bất tỉnh nhân sự khi phát hiện thằng bạn ròm của nó lui cui quét nhà quét sân cho anh em thằng Thời ra làm sao, lom khom xách nước đổ vô lu cho anh em thằng Thời như thế nào. Ngay cả chuyện thằng Quý rò xắt chuối nấu cám cho heo nó cũng lôi ra kể tuốt tuồn tuột…
Thầy Phú đọc tới đâu, tụi bạn trong lớp cười lăn bò càng đến đó.
Nhưng đến khi Tiểu Long cắt nghĩa tại sao Quý Ròm lại è lưng ra làm việc cho anh em thằng Thời quần quật như thế thì tụi bạn không cười nữa, thay vào đó những tiếng khụt khịt cảm động vang lên không ngớt, cứ như thể cả lớp bất thần bị cúm.
Cho đến lúc đó Quý ròm vẫn ngồi chết trân trên ghế, bụng rủa thầm thằng mập về cái tội vạch áo… bạn cho người xem lưng. Chỉ khi thầy Phú đọc đoạn kết bằng giọng điệu ngân nga đầy biểu cảm khiến đứa nào đứa nấy rưng rưng, Quý ròm mới thở phào và bắt đầu vênh váo ngoảnh mặt nhìn quanh.
Nhưng Quý ròm chỉ vênh váo được chút xíu thôi. Rồi lập tức xìu mặt xuống khi tụi bạn thi nhau khen Tiểu Long tới tấp:
- Bạn Tiểu Long tưởng tượng hay ghê!
- Tưởng tượng thế mới là tưởng tượng chứ!
Gia Nghĩa xuýt xoa:
- Ờ, nghe cứ y như thật!
Thằng Lâm oang oang:
- Hừm, còn khuya bạn Quý mới sử xự được như vậy ở ngoài đời!
Tiếu Long liếc bạn, thấy Quý ròm ngồi xụi lơ như con mèo ướt, liền quay sang chỗ thằng Lâm ngồi, quắc mắt:
- Tao viết chuyện thật đó, không phải bịa đâu!
Lâm bĩu môi:
- Xì! Có ma mới tin mày!
Quý ròm đúng là xui tận mạng. Những gì Tiểu Long và nhỏ Hạnh viết về nó đều là chuyện có thật. Nhưng chuyện “kỳ lạ” thằng Long kể thì không đứa nào thèm tin còn chuyện “kỳ lạ” nhỏ Hạnh kể thì tụi nó đều tin răm rắp. Mà chuyện nhỏ Hạnh kể thì đâu có hay ho gì đâu.
Đối với nhỏ Hạnh, ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó phát hiện Quý ròm, một đứa được sinh ra không phải để đánh nhau, được nhỏ Quỳnh Dao nhờ đi đánh nhau giúp và kết quả là một bên mắt của thằng ròm bầm tím như quả cà dái dê.
Quý ròm bấm bụng nghe thầy Phú đọc bài làm của nhỏ Hạnh, chỉ mong thầy đọc xong, tụi bạn tiếp tục trầm trồ:
- Bạn Hạnh tưởng tượng hay ghê!
Hoặc nức nở:
- Hay quá! Nghe cứ y như thật!
Nhưng những điều xảy ra sau đó có gì giống như thế.
Thầy Phú vừa dứt lời, Lan Kiều quay sang Quỳnh Như:
- Quỳnh Dao là em của bạn phải không?
- Ờ.
- Chuyện Quỳnh Dao nhờ bạn Quý đi đánh nhau có thật không vậy?
Con nhỏ Quỳnh Như vô tâm, không biết nỗi khổ của thằng ròm, nhanh nhẩu đáp:
- Thật chứ sao không!
Ngồi ngay sau lưng Quỳnh Dao là Hải quắn. Hải quắn cười hê hê:
- Cần gì phải hỏi! Năm ngoái bạn Quý uýnh lộn bầm mắt , đóng vai “độc nhãn long” suốt một tuần, ai mà chẳng thấy!
Lần này tới lượt nhỏ Hạnh cảm thấy áy náy với Quý ròm. Nó nguýt Hải quắn, phân bua:
- Chuyện này Hạnh tưởng tượng ra đấy, không phải thật đâu!
Hải quắn bắt chước thằng Lâm, cong môi “xì” một tiếng:
- Chối gì mà chối! “Nhân chứng”, “vật chứng” sờ sờ ra đó mà kêu là tưởng tượng.
- Kệ nó! Quý ròm níu tay nhỏ Hạnh, kêu khẽ. Nó sợ nhỏ Hạnh đôi co, thằng Lâm và thằng Quới Lương sẽ nổi hứng nhảy vô nói lung tung.
Nhỏ Hạnh nghe lời bạn, không thèm ọ ẹ với tụi “tứ quậy” nữa. Nó quay sang Quý ròm, chép miệng:
- Hạnh xin lỗi Quý nhé.
- Hạnh có lỗi gì đâu! – Quý ròm cười gượng- Cái ngày con quỷ con Quỳnh Dao xúi tôi đánh lộn đúng là ngày kỳ lạ thật mà.
Ở trên bảng, thầy Phú bắt đầu đọc đến bài làm của nhỏ Ngọc Thời. Ngọc Thời ngồi bàn trên cùng, ngay cạnh lớp phó kỷ luật Minh Trung, đối diện với bàn giáo viên. Cũng như Minh Trung, nó là học sinh trường Thống Nhất chuyển lên.
Tụi bạn lập tức quên ngay chuyện “kỳ lạ” của Quý ròm, vểnh tai nghe từng lời của thầy Phú.
Theo Ngọc Thời thì ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó không nhận ra… ba nó. Năm đó nó học lớp bảy. Có một hôm mẹ nó kẹt công chuyện, nhờ ba nó đi đón con. Xưa nay ba nó chưa bao giờ đặt chân tời trường nó học. Sáng đi chiều về, chỉ toàn mẹ nó đưa đón. Cho nên nó không nghĩ người đàn ông đang đứng đằng kia là ba nó. Tan học mười lăm phút, nó cùng tụi bạn chơi đá cầu ở sân trước, chốc chốc lại ngước nhìn ra cổng xem mẹ nó tới chưa. Trong một lần liếc mắt như vậy, giữa đám đông phụ huynh lố nhố tới đón con, nó thấy một người đàn ông quen quen, liền gật đầu chào rồi quay lại chơi tiếp, không nghĩ đó là ba nó. Lát sau mẹ nó tới, thấy ba nó ngồi lơ ngơ trên xe, ngạc nhiên hỏi “Sao anh còn ngồi đây? Con đâu?” Ba nó chỉ tay về phía nó “Nó chơi đá cầu đằng kia”. “Anh gọi nó chưa?”. “Chưa gọi. Nhưng nó thấy anh rồi. Chắc nó còn ham chơi. Kệ, cho nó chơi thêm một chút”. Mẹ nó dựng xe, hằm hằm bước lại phía nó, mắng “Sao con thấy ba tới đón mà để ba đợi cả buổi vậy? Ham chơi vừa vừa thôi chứ!”. Nó ngạc nhiên “Ủa, con có thấy ba đâu?”. “Sao ba bảo con nhìn thấy ba rồi”. Mẹ nó chỉ tay về phía ba nó “Ba con kìa”. Lúc đó nó tá hoả “Trời, khi nãy con thấy ai quen quen, tưởng ba của bạn nào liền gật đầu chào. Con đâu nghĩ là ba đi đón con”. Từ bữa đó, mẹ nó cứ kể đi kể lại chuyện “kỳ lạ” đó hoài khiến lần nào ba nó cũng nhăn như bị “Biết rồi! Khổ lắm! Anh đã hứa là sắp tới anh sẽ đi đón con thường xuyên rồi mà!”…
Chuyện “kỳ lạ” của Ngọc Thời làm tụi bạn cười ngặt nghẽo.
Quỳnh Như nghiêng đầu về phía Lan Kiều, tủm tỉm:
- Làm gì có chuyện đó, Lan Kiều há!
Thằng Tần hét tướng:
- Chuyện này bịa là cái chắc rồi!
- Chuyện thiệt đó! - Thằng Lâm ngoác miệng – Tôi từng gặp một chuyện giống y như vậy. Lần đó tôi đang đi ngoài đường, gặp ba tôi đi ngược chiều, tôi thấy quen quen, gật đầu chào. Hình như ba tôi cũng thấy tôi quen quen nên gật đầu chào lại. Hai bên chào nhau lịch sự hết biết luôn!
- Xạo đi mày! - Thằng Tần quay xuống, nheo nheo mắt.
- Lại thằng ghẻ ngứa này! – Lâm gầm lên – căn cứ vào đâu mà mày nói tao xạo.
- He he, căn cứ vào cái tật hay xạo của mày chứ căn cứ vào đâu!
Lớp học mỗi lúc một bát nháo, đến mức thầy Phú phải đập tay xuống bàn:
- Các em im lặng nào. Thầy đã nói với các em rồi. Quan trọng là câu chuyện các em kể nêu lên được ý nghĩa gì, có giúp chúng ta rút ra được bài học nào không. Còn đó là chuyện thật hay chuyện tưởng tượng không phải là điều cốt yếu, các em không nên tranh cãi.
Bài văn tiếp theo của thằng Cung, quả nhiên cả lớp không làm ầm ĩ nữa. Ngay cả những cái miệng lách chách của tụi “tứ quậy” (à quên, bây giờ gọi là “tam quậy” mới đúng) cũng im thít. Tụi học trò sở dĩ đột ngột trở nên ngoan ngoãn như vậy không phải vì lời giáo huấn của thầy Phú đã kịp ngấm vào óc tụi nó mà vì “một ngày kỳ lạ” của thằng Cung không có gì để cãi nhau. Đứa nào cũng biết thừa Cung bịa ra chuyện nó vớt được một cái lọ cổ trong con mương sau hè nhà nó. Và dĩ nhiên khi nó mở nắp thì có một ông thần lót tót chui ra. Để tạ ơn kẻ đã giải thoát mình, ông thần ban cho nó một điều ước. Thế là Cung ước được trở thành người vẽ đẹp nhất thế gian. Từ đó, tờ báo tường do “hoạ sĩ” Cung trang trí luôn luôn được giải nhất toàn trường. Đặc biệt, từ lúc được ban phép lạ, các chi tiết trong tranh của Cung vô cùng sinh động, mắt biết liếc, môi biết cười, chim biết vỗ cánh, càng biết đong đưa.
Câu chuyện của Cung được thầy Phú cho 8 điểm khiến tụi bạn phản đối ầm ầm:
- Chuyện của bạn Cung kỳ lạ thật, nhưng có ý nghĩa gì đâu thầy?
- Ờ, câu chuyện chẳng chứa bài học nào hết mà được tới 8 điểm!
Thầy Phú mỉm cười:
- Bài học qua câu chuyện này là con người sống ở đời phải biết ước mơ, các em à.
Tiếp theo bài văn của Cung, thầy Phú lần lượt đọc thêm bài của Xuyến Chi, Vành Khuyên, Đặng Đạo và thằng Mười.
Cùng với bài làm của Hạnh, Tiểu Long và Ngọc Thời, đó là những bài có điểm cao nhất.





Sau cơn mưa giông Thứ bảy, 11/07/2009 21 giờ 42 GMT+7
Truyện ngắn của TRẦN XUÂN THỤY
Cơn mưa đầu mùa đang tràn tới.
Mưa! Mưa dữ dội! Mưa cuồng nộ!... Đất trời giao hoan...
Mặt đất như cơi lên, căng ra. Những khe nứt toang hoác uống vội, uống no nê nguồn nước mát. Đất rùng mình thu nhận vào lòng nguồn sinh lực mới.
Con Ba quần áo ướt sũng tay cầm một nhánh tre có cột một túm bao ni lông ở một đầu, cố lùa hơn hai mươi con vịt mới trổ lông huê vào chuồng. Đàn vịt đã quen ở trong mành, nhưng cơn gió quá quắt đã thổi bay cái mành nên đàn vịt cứ lẩn quẩn trước chuồng gà mà không chịu vô. Đã thế, ánh chớp lóe sáng lên trong giây lát rồi tắt ngấm làm tầm nhìn của con bé với xung quanh càng tối đen hơn. Vừa lo, vừa sợ, con Ba kêu khóc:
- Anh Hai ơi! Vịt nó không chịu dô chuồng gà. Hu... hu... Tối quá em không thấy, anh Hai ơi! Hu... hu...
Trong bếp, thằng Hai đang chổng mông thổi lửa. Thường ngày nó vẫn nấu cơm giúp mẹ, nhưng hôm nay vì gia đình lộn xộn, nó phải đưa em nó tránh sang hàng xóm, tối mịt nó mới về. Củi bị nước mưa làm ướt hết, cháy như hun muỗi, khói làm mắt nó cay xè. Bếp lửa bùng cháy, nó lấy đôi đũa cả sơ qua nồi cơm đang sôi rồi ra cửa bếp nói với ra:
- Mày cố giữ chút nữa. Cơm sôi rồi. Cơm cạn tao vần rồi tao ra lùa với cho...
Gạt lửa vần cơm xong, thằng Hai bưng cây đèn hột vịt ra đặt ngoài hè sát trụ cột để tránh gió rồi lùa vịt với con Ba. Bây giờ có hai anh em chận hai đầu, đàn vịt ngoan ngoãn vào chuồng.
Thằng Hai nói với con Ba:
- Mày dỡ ẹc! Có mấy con vịt mà cũng khóc - Chợt thấy em nó đánh bò cạp, nó tiếp - Vô nhà thay đồ đi! Ướt hết rồi, bệnh chết!
Con Ba vuốt nước mưa trên mặt, hai hàm răng va vào nhau lộp cộp:
- Hừ... ừ... hừ. Em lạnh quá. Em sợ mấy con vịt bị ướt, nó chết.
Thằng Hai lại vào bếp. Con Ba bưng đèn lên nhà ngang thay quần áo.
Lên nhà, con Ba thấy thằng cu Tý, em nó, đang ôm con cún trong lòng, ngồi khóc thút thít ở góc nhà. Cu Tý đã giật mình khóc thét từ tiếng sấm nổ đầu tiên. Vừa sợ tiếng sấm, vừa sợ bóng tối, xuống bếp thì anh Hai không cho vì khói, cu Tý đành ngồi thút thít khóc với cún con trong góc nhà.
Con Ba thay quần áo rồi dắt cu Tý ra sau nhà rửa mặt. Khi đi qua cửa hông thông lên nhà trên, trong ánh sáng của ngọn đèn hột vịt, con Ba thấy cha nó đang nằm sõng soài trên nền nhà, ngủ ngáy ồ... ồ... bên cạnh chiếc chiếu lăn lóc những cái chai và chén bát lổn ngổn.
***
Chị tất tả chạy dưới trời mưa. Những hạt mưa nặng như hạt sạn xiên xiên theo từng cơn gió ngược quất vào mặt rát rạt. Chị đã vấp té không biết bao nhiêu lần. Ngón chân cái sau một lần vấp tóe máu, nhưng chị không thấy đau mà chỉ thấy tê dại. Đường làng loang loáng nước, không một bóng người.
Đêm nay chị đã nghĩ sẽ không trở về nhà. Trong cơn uất giận chồng chị đã bỏ lại tất cả để về nhà mẹ đẻ... Và bây giờ, chị lại băng mình trong mưa gió để về với những núm ruột của mình.
Cuối cùng thì chị cũng về đến nhà.
Bây giờ chị mới thấy thấm lạnh, thấy đau ran ở ngón chân bị vấp toét móng, thấy thân thể bải hoải rã rời. Nhìn các con ôm nhau ngủ, chị cảm nhận một nguồn an ủi vô biên. Thốt nhiên chị nhớ lại lời mẹ: “Chỉ có những người chồng sống không có trách nhiệm với gia đình mới không màng đến việc bị vợ lấn lướt. Cái sai của cha thằng Hai là uống rượu rồi đánh vợ. Nhưng sống với nhau có ba mặt con nó chưa từng đánh con một bạt tai, vì sao hôm nay như vậy? Con phải tự xét lại mình. Mẹ thấy không phải lỗi hoàn toàn ở nó. Cha say rượu, mẹ bỏ đi, những đứa trẻ sẽ như thế nào trong cơn giông tố?...”. Mắt chị cay xè. Những giọt nước mắt có sự ăn năn pha lẫn hạnh phúc trào ra nóng hổi.
***
Cảm giác đầu tiên hắn cảm nhận được là sự mát lạnh của nền xi măng dưới lưng, vòm miệng và cổ họng khô khốc, đầu nặng như đeo chì và nhức kinh khủng. Hắn nằm yên nghe mưa gió gào rú bên ngoài. Trí óc còn u mơ chưa tỉnh hẳn, hắn nhớ mang máng là ban chiều trời nổi giông, hắn và đám bạn tổ chức ăn mừng trước khi trời mưa xuống, bởi trời nắng hạn suốt bốn tháng liền đến giếng nước sâu nhất trong làng cũng đã cạn. Hắn cùng đám bạn đã cãi vã rồi đánh nhau và hắn đã... đánh vợ. Đánh vợ?! hắn rùng mình khi nghĩ đến điều đó.
Hắn hoảng hốt lồm cồm ngồi dậy, nhìn quan quất. Im vắng. Chỉ có tiếng mưa gió bên ngoài làm tăng thêm cái quạnh quẽ của gian nhà. Hắn chợt nhớ: Chiếu rượu và mâm chén bát đã biến đâu mất?... Còn vợ? Con?... Nhưng hắn không kịp nghĩ ngợi nhiều hơn. Cơn buồn ngủ ập đến kéo hai mí mắt díp lại. Hắn nằm vật xuống và lập tức chìm vào giấc ngủ lần nữa...
Cái cảm giác nhồn nhột trên mặt, trong hai lỗ mũi lại làm hắn tỉnh dậy. Tỉnh hẳn!
Thì ra cu Tý đang cầm chiếc lông gà ngoáy vào hai lỗ mũi của hắn. Hắn bật dậy ôm con, dụi chiếc cằm đầy râu vào bụng của thằng bé làm nó cười như nắc nẻ. Vừa lúc vợ hắn vừa đi lên. Hắn bỗng nghe lòng se thắt khi nhìn thấy một bên mắt vợ sưng tím. Ân hận trào dâng, hắn chưa kịp nói gì thì nghe vợ nói:
- Cha thằng Hai chưa tỉnh rượu thì uống bát nước đậu xanh tôi giả rồi để trong chạn bát. Nồi cháo đậu xanh tôi nấu nhừ rồi, bốn cha con ăn đi cho con nó đi học. Đêm qua mưa giông, thằng Hai không học bài được, vừa khóc đó.
Hắn quá đỗi ngạc nhiên. Chưa, chưa bao giờ, sau cả trăm lần say rượu, vợ hắn chịu nói chuyện trước. Và bởi chính thái độ im lặng của chị làm hắn căm ghét. Rượu! Hắn uống và cứ uống. Uống để trêu tức vợ hắn, uống để tỏ rõ cho vợ hắn biết hắn là đàn ông, là chủ gia đình, mặc dù tỉnh dậy sau mỗi lần say, hắn đều ân hận tự sỉ vả cho sự yếu đuối của mình.
Hắn ngồi uống nước trà, nhìn các con ăn cháo. Mỗi đứa một nết ăn khác nhau. Thằng Hai dùng muỗng gạn một lớp mỏng trên mặt chén cháo rồi ăn liền, con Ba thì dùng đũa quậy tròn cháo trong chén chứ chưa ăn, cu Tý thì dùng muỗng dầm cháo liên tục, vừa dầm vừa phồng miệng thổi phù phù mà hơi thở chẳng đến chén cháo. Tình thương con dội lên trong lòng người cha để hắn chợt nghĩ dại: Nếu trong cuộc cãi vã dẫn đến đánh nhau với đám bạn và vợ hắn chiều qua, một hoặc cả hai vợ chồng hắn ngã xuống vĩnh viễn không trở dậy được thì cuộc sống của ba đứa trẻ?... Hắn rùng mình thấy lạnh buốt sống lưng không dám nghĩ tiếp. Hắn nhìn ra vườn và bỗng thấy quí vô ngần những gì hắn đang có được.
Ngoài vườn, sau cơn mưa giông, những cành cây gầy guộc bị gió quật gãy nằm chỏng chơ, những khóm chuối bị quặt tàu, những cây đu đủ bị ngả nghiêng sát đất, trái vung vãi khắp nơi. Nhưng trong cảnh tan tác ấy, những cành, những lá còn trụ lại được xanh hơn, mượt mà, bụ bẫm hơn, bóng lên dưới ánh mặt trời rực rỡ của buổi ban mai.
Một ngày nắng đẹp bắt đầu.
Rừng lau trắng Thứ bảy, 30/05/2009 21 giờ 09 GMT+7
Dọc bờ sông trũng hay mé kênh, ven ruộng; bìa rừng tràm hay theo những sườn đồi... bông lau trắng phất phơ gợi thêm cảnh buồn u tịch. Không ai trồng, cũng chẳng ai chăm sóc cây lau; mà bạt ngàn phất phơ trong gió cả rùng lau. Màu trắng bông lau thêm bâng khuâng những người đang ngày đêm đi tìm đồng đội. Dưới cái màu lau trắng ấy, bao chiến sĩ đang trong giấc ngủ vĩnh hằng. Dù mưa nắng, lau cứ vươn lên, cứ nhịp nhàng đung đưa theo chiều gió.
Suốt mấy ngày chúng tôi len lỏi trong rừng lau trắng; Tháng Chín, trời đang nắng chói chang bỗng cơn mưa ập đến. Rồi lại nắng, cái nắng càng thêm gay gắt. Năm người lính người đang khô lại ướt. Trên người nào cũng đầy những vết cứa của cây lau. Họ cố nhớ lại. Chỗ này đây 35 năm trước là một cứ điểm của lính Mỹ. Không biết đã mấy bận họ đột nhập vào căn cứ. Mấy bận điều nghiên, họ phải mò mẫm từng ngõ ngách chiến hào, tay đụng từng khẩu đại liên hỏa lực của địch. Họ phải đếm mấy cái đầu nón sắt đang ngọ nguậy trong công sự. Phải đếm mấy chục đôi giày của tụi lính đang say giấc ngủ. Phải đếm mấy khẩu pháo, bao nhiêu súng cối? Bao nhiêu thiết giáp, xe tăng... Và trận đánh đã diễn ra vào đêm cuối tháng, không trăng. Cứ điểm ấy đã bị tiêu diệt chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Quân ta không bị tổn thất; nhưng trên đường rút quân, pháo địch đã làm cho chúng ta tổn thất nhiều. Đồng đội đã đào đất bên đường và chôn những đồng đội hy sinh.


Từ trung tâm cứ điểm đến nơi chôn đồng đội chừng 500 mét về hướng Tây... Xác định nơi chôn cất các liệt sĩ xong, họ bắt đầu đào. Những con hào chạy dài hàng trăm mét rẽ Nam, ngược Bắc. Những cái hố sâu, những đám lau tan nát... Đã ba ngày đào xới nát trong rừng lau, họ vẫn chưa tìm ra đồng đội. Lại xác định và phán đoán, lại cầu nguyện các liệt sĩ hiển linh chỉ cho anh em tìm được hài cốt đưa về an nghỉ giữa quê hương... Hàng tháng trời, đói và khát, mệt mỏi và ốm đau... không cản được bước chân người chiến sĩ. Họ đã tìm được nhiều đồng đội, tìm được những kỷ vật của người đã ra đi...
Đồng đội tôi vẫn tiếp tục đi tìm đồng đội. Chúng tôi không thuộc những người lính của K90 hay K91... Chúng tôi là Cựu chiến binh. Chúng tôi đi tìm đồng đội. Chúng tôi phải có trách nhiệm và bổn phận đối với người đã hy sinh. Chúng tôi phải đưa anh em về lại quê hương... Chúng tôi đã suy nghĩ và hành động như vậy. Chúng tôi còn phải tiếp tục công việc ân nghĩa đó cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Dù đã đưa về nghĩa trang nhiều đồng đội, nhưng cũng còn rất nhiều đồng đội giờ đây đang lạnh lẽo giữa rừng lau trắng. Lau trắng ơi hãy chở che. Lau trắng hãy cùng chúng tôi tiếp tục đi tìm đồng đội. Lau trắng sẽ mãi mãi màu trắng trong như tâm hồn đồng đội đã hy sinh ngày ấy. Lau trắng vẫn bạt ngàn, vẫn nhấp nhô, vẫn ru rươi trong nắng và nghiêng mình che chở những đồng đội đã hy sinh. Lau trắng vẫn nghiêng mình tiễn biệt mỗi khi có một đồng đội được về an nghỉ giữa Nghĩa trang...
Nải chuối vàng Thứ bảy, 07/03/2009 21 giờ 36 GMT+7
Truyện ngắn: NGUYỄN - KIM
Ở cái ấp xa xôi thuộc huyện Đông này, từ người già cho tới đứa con nít ai cũng biết Tư Đờn. Chẳng phải nổi tiếng do tên cúng cơm cha anh vì yêu nghề kéo đờn đám tang đặt, mà bởi tính tình và hình dạng anh hơi khác người. Tuổi tác chưa tới năm mươi mà chuyên mặc bà ba trắng, ưa đi guốc vông, đặc biệt trên đầu để một búi tó nhỏng nhảnh cỡ củ tỏi trông thật lạ lùng. Tư Đờn thích nghe những chuyện thuộc loại huyền bí, tâm linh, hoang đường và rất tin tưởng vào các thầy bói toán tìm tài vật. Tư Đờn quan hệ chòm xóm tốt, gia đình tương đối êm ấm tuy anh có máu gia trưởng một chút...
Như thường lệ, khoảng gần 5 giờ sáng là quán bà Năm đã đông khách, chủ yếu người trong xóm uống cà phê tán gẫu, tranh thủ thời gian còn ra làm đồng. Tư Đờn lững thững bước vào, xa xa trông anh hệt một ông già với dáng đi khệnh khạng, lừng khừng. Qua ngạch cửa vấp phải ông Địa, ông Thần tài kê trên mấy cục gạch đau điếng, anh đổ quạu lớn tiếng:
- Bà Năm ơi! Linh tại ngã bất linh tại ngã... Mai ngày tốt bà thỉnh mấy ổng xê vô trong lấy đường đi, nhớ để dưới đất mới đúng sách!


Nghe loáng thoáng khách đang bàn tán về chuyện Mười Tròn ấp bên vừa mở trại mộc lớn, Tư Đờn gọi nhanh ly cà phê rồi ngồi xuống đưa tin sốt dẻo:
- Biết vì sao Mười Tròn phất lẹ không bà con? Tiểu phú do cần, còn Đại phú do thiên. Hắn ta đào giếng may mắn vớ được cái cơi đựng trầu bằng vàng ròng, đường kính cỡ gang tay...
Mọi người nhìn nhau ngạc nhiên, nhao nhao hỏi tới:
- Anh Tư có tận mắt thấy không?
- Sao tui nghe Mười Tròn trúng số cặp mà?
Tự ái dồn dập, Tư Đờn nổi gân cổ:
- Mấy quí vị chưa biết từ ngàn xưa tới giờ qua bao triều đại vua chúa, chiến tranh, biến động lịch sử khiến cung điện thành quách cùng ngọc ngà châu báu vùi chôn dưới lòng đất vô số kể. Bên phương Tây, người ta tra cứu sách vở rồi ra tận đại dương dò tìm, trục vớt hàng hà sa số báu vật. Mình thì gốc nông dân, cho nên ai có phúc dày đức lớn trời sẽ cho...
Bác Sáu hưu trí cười khì:
- Cứ cho là có thật, nhưng trong cuộc sống thực tế cũng chớ nên mơ màng viễn vông quá mà hại trí não mình. Có câu nhân định thắng thiên, nghĩa là...
Bác ngừng lời khi có một thanh niên tay cầm bó cần câu cắm cùng xâu ếch bước vào, miệng oang oang:
- Chào bác Sáu cùng chư vị! à... có chú Tư-nho-chùm đây rồi. Nghe nói bên ấp Rạch Rô có cha thầy ngoại cảm nào đó chuyên tìm hài cốt, tay trong chỉ điểm trật lất, xúi gia chủ đào xới đã đời được... nửa chiếc xuồng bể. Họ giận rượt chạy có cờ!
Nhịp tay xuống bàn, Tư Đờn lắc đầu khinh thị:
- Thằng Tèo mày biết một mà hổng biết hai! Thầy bà phải nắm rõ tử vi, đẩu số, bát tự, lục nhâm... mới linh ứng, còn đồ bập bẹ đó nói làm gì? Nhân bất học bất tri lý! Bà Năm ghi sổ giùm ly cà phê. Thôi, tui về trước nghen bà con!
- Ủa... chú Tư ở lại kể tiếp chuyện ma gà, ma gáo hồi qua nghe chơi!
Hứ một tiếng, Tư Đờn lộc cộc đôi guốc gỗ đi thẳng...
***
Ngày rằm tháng sau, Tư Đờn đi Châu Đốc cúng vía Bà và sẵn trớn viếng núi Ba Thê luôn. Nhát gan như anh cũng dám thuê xe ôm chạy vòng vèo lên tận ngọn, gặp những cua dốc đứng anh nhắm tít mắt, trống ngực dồn dập, miệng lâm râm bài kinh cứu nạn. Thắp nhang chỗ di tích Thạch đại đao xong, ngắm cảnh một lúc anh lột guốc cầm tay lò dò leo lên ngọn Ông Tà. Anh thành kính khấn vái ơn trên độ trì mạnh giỏi và mau... giàu có bằng của hoạnh tài. Trở xuống gần tới chân núi, tình cờ gặp một vị “tu sĩ ẩn cư” xương xẩu ngồi tham thiền bên hốc đá, lạnh lùng đưa tay ngoắc, anh giật mình kinh sợ riu ríu nghe theo. Quan sát cảnh rêu phong cùng những dòng chữ Tây Tàu lộn xộn, hình thù kỳ quái vẽ trên các tảng đá hùng vĩ, Tư Đờn choáng váng cho rằng mình đã gặp kỳ nhân. Hỏi kỹ tuổi tác, gia cảnh cùng hướng nhà anh, thầy bấm đốt tay ngẫm nghĩ rồi kêu lên sửng sốt:
- Ngũ thập tri thiên mệnh! Giáp lộc tại Dần... Ất tại Mão... Bính... Mậu lộc Tỵ... Chu choa... phong sinh, thủy khởi hảo vận lai. Trời sắp cho thí chủ hưởng lộc lớn, rõ chưa?
Lùng bùng hai lỗ tai, Tư Đờn buông rơi đôi guốc, miệng lắp bắp:
- Lộc lớn... mà nơi đâu vậy thầy?
Lim dim mắt, thầy thủng thẳng nói:
- Thiên cơ bất khả lậu! thí chủ hỏi nhiều quá. Thổ sanh Kim. Chuyện này do tiền định, nhỏ nhặt như cái ăn cái uống cũng phải theo vậy. Nhất ẩm nhất trác giai tiền định!
Hiểu được chút ít, Tư Đờn lòng mừng khấp khởi xá sâu thầy một xá:
- Dạ... nếu nay mai có người thành tâm rước thầy vân du một chuyến thì thầy nghĩ thế nào?
- Hữu thỉnh hữu lai! tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim...
Ngó mặt trời gần đứng bóng, Tư Đờn đứng lên móc túi lấy hai tờ bạc 100 ngàn đồng đặt nhẹ vào cái dĩa cáu bẩn. Liếc thấy thầy hơi cau mặt, anh vội nhón thêm một tờ nữa đặt chung rồi lí nhí nói lời từ giã. Gật nhẹ đầu, thầy lẩm bẩm:
- Còn cơ duyên... hẹn ngày tái ngộ! Thí chủ hồi gia bình an...
Trên chuyến xe khách vượt quãng đường xa trở về nhà, lòng Tư Đờn rộn rã niềm vui vì đã gặp bậc cao nhân thông thiên bác học!
Rằm tháng sau, Tư Đờn bí mật đi chuyến xe 2 giờ sáng lên núi Ba Thê rước thầy “Thông thiên cư sĩ”, tục danh Hai Đạo. Không mặc chiếc áo dài cũ màu dà như hôm trước, thầy chơi cái bành-tô, quần ka ki lửng, giày ba ta và kèm theo thằng đệ tử chừng 15 tuổi, gầy nhom chẳng kém thầy. Chiều về tới nhà, trong lúc Tư Đờn hối vợ con chuẩn bị tiếp đãi thì thầy chắp tay sau lưng đi từ trước ra sau, vào cả buồng ngủ... Ngồi vào bàn nước, thầy gục gặt:
- Bàn thờ liệt tổ liệt tông, Cửu thiên huyền nữ... đâu ra đó, tốt! Ái chà... thân phụ, thân mẫu của hai vợ chồng sao lại thờ chung? phải tách riêng họ ra!
Vợ Tư Đờn lo lắng bước lại gần thầy:
- Dạ... hồi còn sống sui gia hòa thuận, gần gũi. Sao bây giờ...
- Cõi âm dương cách biệt, xuống dưới đó làm sao em... à thím biết được?
Tư Đờn chen vào:
- Bà nên nghe lời thầy, đừng hỏi. Ra sau bắt cặp vịt nấu cháo trước cúng sau dùng. Thầy theo phái hòa đồng đời với đạo, chay mặn gì cũng... độ được hết!
Dọn bàn giữa nhà, thầy soạn trong tay nải ra bộ đồ nghề chuông, mõ, xấp giấy hồng điều, vài hình tượng lòe loẹt. Đang mím môi gò từng chữ ngoằn ngoèo, thằng Phú con Tư Đờn tò mò sờ nắn những hình nhân. Ngước lên thấy, thầy giật mình ngăn lại:
- Đừng! ba thằng âm binh này yểm bùa rồi, con giỡn mặt rủi nó lên cơn khùng vật cổ chết tươi chớ hổng chơi!
Thằng nhỏ sợ hãi, đứng tiu nghỉu. Đệ tử thầy đang sốt ruột xoa xoa bụng, nhân cơ hội liền khều tay nó cùng ra sau.
Cúng vái xong xuôi, thầy bấm tay nghiêm mặt bảo vợ chồng gia chủ:
- Mai mười sáu âm, mười hai giờ khuya ra vườn tìm tài vật. Thầy vừa nhận được “điển” của các chức sắc cao cấp cho thông tin chính xác là dưới nền đất vườn có... nải chuối vàng nặng hơn chục ký lô, in như nó... chạy từ Giồng Tháp qua!
Trống ngực đập thình thịch, Tư Đờn nghẹn giọng:
- Năm rồi, thầy Tám ở vàm Cá Chốt cũng tới coi biểu đào chỗ bàn thiên được có nửa cái... cối đá. Thầy làm ơn coi kỹ...
- Hừ... chưa đạt huyền cơ diệu toán tìm trăm năm sói đầu chưa gặp. Vận qua thì vàng mất màu, thời đến sắt gỉ cũng tỏa sáng mà!
Vợ Tư Đờn mừng quýnh chẳng cần ý tứ, chồm sát vai thầy run run hỏi:
- Dạ... chuối thì có nhiều loại, còn đây là chuối gì thầy cho em... ý quên cho con biết!
Cười dễ dãi, thầy Hai Đạo thì thầm kề sát tai vợ Tư Đờn:
- Đừng xưng con, thầy tổn thọ, cứ xưng... em cho thân mật, thầy cho phép! Chuối cúng mấy thế kỷ trước là... chuối ngự, trái to cỡ bắp tay thầy nè... em!
Tư Đờn trầm ngâm lẩm bẩm:
- Phải chi chuối vàng mà được... cả quày thì ngon biết mấy!
- Họa phúc tự thân, trời cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Đệ tử đâu? đốt mấy đạo bùa này cho thầy!
Thằng đệ tử từ sau bếp bước lên, tay bưng tô cơm nguội với con khô mặn ăn đỡ, vẻ mặt sượng sùng. Thầy Hai Đạo đổi sắc giận, ngó lơ không nhìn. Biết ý thầy sĩ diện, vợ chồng Tư Đờn vội dọn nhanh mâm rượu thịt ra bàn lớn...
Chiêu đãi, hầu hạ thầy qua ngày hôm sau,vào buổi chiều Tư Đờn nhờ thằng Tèo chiêu mộ tám thanh niên có sức vóc tới theo yêu cầu của thầy. Trải ba chiếc đệm ngoài sân bày nồi cháo cá, lươn um, sò nghêu... ê hề cùng can rượu nếp, gia chủ an tâm trước giờ khai quật nải chuối vàng, mà có khi... vài nải chưa biết chừng! “Thông thiên cư sĩ” tuyên bố lý do rất long trọng và buộc những anh em làm thuê thề không tiết lộ thông tin này cho bất kỳ ai biết. Lúc đầu ai cũng dè dặt, nhưng sau thấy thầy ăn nói bình dân và hơi... bạt mạng nên anh em rốt cũng đồng tình.
Một anh ngó thầy lom lom:
- Xin hỏi thiệt thầy... Núi non chắc phải có đá quý, thầy hổng xủ vài quẻ kiếm ba mớ đủ sướng đời, tội chi... giang hồ xơ xác vầy?
- Chú mày đội mũ làm sao nhìn thấy trời? Cái thiên mệnh nó định số thầy không có miếng ngói che đầu thì phải làm theo, dám kháng chỉ là chết, hiểu chưa? Thà rằng sống đời phiêu diêu tự tại “Ra đi gặp vịt cũng lùa... gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”. Nào... vô vô!
Nhậu nhẹt tới gần 10 giờ, thầy ngà ngà say bảo cần dưỡng thần, tập trung nguyên khí. Dìu thầy vô buồng xong, Tư Đờn còn nghe tiếng thầy nhừa nhựa a lô bằng cái ĐTDĐ cũ mèm dắt bên thắt lưng:
- A lô! chú Mười đầm tôm hả? đầu tháng sau tôi mới về cúng giải hạn cho vợ chú được... vụ đó phải cử kiêng tuyệt đối nghen. Ừ... cho xe con lên am đón thầy. Cáo lỗi giùm quý huynh đệ ở Hà Nội là thầy không ra được... dị ứng máy bay ấy mà... A lô... bái bai!
***
Mười hai giờ đêm, lễ vật cúng bái bày ra khu vườn, khói nhang lập lòe, đèn cầy cắm xung quanh. Thầy mặc chiếc áo dài màu dà, vấn khăn đỏ trên đầu, hai tay hai bó nhang cháy đỏ, miệng đọc chú, chân bước dọc ngang trong vườn. Định vị cho đệ tử cắm cọc làm dấu, thầy gạt mồ hôi trán ra lệnh:
- Đào sâu một thước tám, không dư thiếu một phân. Cấm đùa giỡn, nói bậy nói bạ!
Tám thanh niên lẳng lặng làm theo, hì hục vung cuốc xẻng bứng cây, xới đất. Vợ chồng Tư Đờn chong mắt phập phồng chờ đợi điều kỳ diệu. Thầy tựa lưng gốc xoài, phe phẩy quạt, nhâm nhi ly rượu coi đây như chuyện bình thường. Thằng đệ tử ngồi chồm hổm bưng tô cơm ăn vồ vập như người nhịn đói lâu ngày, mặc kệ ánh mắt soi mói khó chịu của sư phụ. Con trai gia chủ thì soi đèn pin mò nhặt phế liệu lẫn trong đống đất càng lúc càng vun cao. Nghe báo cáo đã đào hơn một thước tám chẳng gặp gì, thầy lại thắp nhang, đốt bùa, gieo quẻ định vị thêm... bốn chỗ nữa, lệnh tiếp tục đào. Vợ Tư Đờn bấm chồng nói khẽ:
- Mấy cái hố này đào sâu như hầm... bẫy cọp, tui đếm thử tiêu tùng hết mười cây cam, năm cây sầu riêng, chưa kể bể đường ống thoát nước...
Nghe loáng thoáng, thầy Hai Đạo an ủi:
- Chén cơm ăn có khi còn đổ, vệ tinh bay trên trời vẫn gặp trục trặc đứng máy mà... em! Chỉ cần một cái... vỏ chuối vàng cũng dư sức bù đắp những thiệt hại nhỏ này. Ăn thua mình có lòng tin, đã đốt hương thì đừng sợ khói, thầy lo tất!
Chợt có tiếng thằng Phú hét to:
- Vô mánh!
Ai nấy nhảy nhổm chạy lại hố đào rồi thất vọng khi con trai gia chủ đưa ra đoạn máng xối thiếc cong queo. Tư Đờn thở dài:
- Sanh tử bất sanh tâm... Sanh ngưu vô sanh giác. Thằng ôn dịch phá đám, làm mừng hụt!
Năm giờ sáng. Khi đám thanh niên chặt cây mít rồi đào sâu đâu chừng một thước tây thì thầy thở dài ra lệnh ngưng tay, nghiêm mặt phán:
- Các “điển” thầy nhận được bị những vong chết bờ chết bụi làm nhiễu sóng. Hoặc do thầy chủ quan không ra chiêu “Tiên phát chế nhân” khống chế trước, nải chuối vàng nó thừa cơ quanh co né tránh. Thôi để lần sau thầy thỉnh thị sư phụ thì chắc chắn trục được, trăm phần trăm! Các huynh đệ nghỉ tay...
Trong lòng thất vọng, vợ Tư Đờn gượng chắp tay trước ngực:
- Dạ... mời thầy vô rửa ráy rồi dùng bữa sáng. Thua keo này bày keo khác!
Đợi thầy đi khuất, Tư Đờn rầu rĩ đi vòng quanh khu vườn bị đào xới hoang tàn, cây trồng nằm rũ rượi như sau trận bão dữ. Lòng như lửa đốt, anh gọi đám thanh niên lại dặn dò:
- Tao thanh toán tiền công sòng phẳng, nhưng cấm hé môi chuyện này nghen bây! Nhất là thằng Tèo, ra quán bà Năm mà bép xép tao xử tại chỗ liền...
***
Mặt trời lên cao khoảng giữa bụi tre, không gian vắng lặng. Rót cho thầy ly nước trà nguội, Tư Đờn đắn đo lên tiếng:
- Dạ... thầy tính lộ phí là bao nhiêu.
Thằng đệ tử hích vai ba lần, thầy mới ngập ngừng:
- Nhà đại gia khác, đây khác. Hai thầy trò xin nhận tượng trưng... hai triệu thôi!
Vợ Tư Đờn thảng thốt kêu lên:
- Thầy... thầy nói bao nhiêu? Hai triệu à? Đào xới tanh bành mà chưa...
Thằng Phú đang ngồi ở ngạch cửa khoái chí với bao phế liệu, nghe mập mờ tưởng hỏi mình vội chạy vô nói lớn:
- Dạ... tổng cộng mười hai ký bốn trăm gờ ram sắt vụn, kẽm gai, tám trăm gờ ram nhôm với lại...
Thầy Hai Đạo ho khan một tiếng, cúi xuống cột dây tay nải. Tư Đờn đổ quạu lột chiếc guốc ném thằng con trai ăn nói trật chìa. Nó né, chạy mất. Gằm mặt mở tủ lấy đủ tiền đưa thầy, anh tiễn ra cổng không nói một lời nào. Xá ba xá chào gia chủ, thầy ân cần dặn thêm:
- Bữa nay mười bảy, có rước thầy thì khoảng ba mươi tốt ngày. Kỳ tới thuê đại chiếc tắc xi đi cho êm, ngồi xe đò nhức mình quá cũng hại cái thần khí tản mát. Bần đạo xin kiếu vợ chồng gia chủ!
Vợ Tư Đờn ngồi bó gối ở bậc thềm chẳng buồn đứng lên đáp lễ. Tư Đờn đi vòng ra vườn thẫn thờ ngó quanh rồi như điên tiết anh vung chân đá phăng cái bàn cúng, hũ sành cắm nhang lăn lông lốc xuống cái hố sâu hoắm. Tiếng bác Sáu hưu trí vọng bên rào khiến anh giật thót người:
- Sao bữa nay hổng ra quán uống cà phê vậy Tư Đờn? Ủa... vườn tược bị... voi rừng về quậy phá hả?

No comments:

Post a Comment