Saturday, March 5, 2011

Tản mạn bên tách cà phê

Tản mạn bên tách cà phê
Sat, 07/31/2010 - 21:17 — nguyenxuanthiep
Trong quán cà phê,
với Dương Nghiễm Mậu
Sáng nay (22 tháng 5. 2010), trời nhiều mây và nắng yếu, lòng bâng khuâng tưởng nhớ xa xôi. Không phải nhớ người bên cầu Lục Du đâu mà nhớ bạn. Bèn ra cà phê Starbucks ngồi, rồi gọi điện cho Nguyễn Xuân Hoàng nói chuyện chơi.
Thế nhưng bạn đã không có ở đầu dây. Ngồi buồn, uống hết ly cappuccino, bèn đứng dậy ra xe về nhà. Ngừng xe, xuống mở thùng thư check mail thì gặp một phong bì lớn, do Đinh Cường gởi đến. Mở ra xem, thấy một tài liệu Dương Nghiễm Mậu viết về các bạn văn -như Thanh Tâm Tuyền và…- trước khi có tờ Sáng Tạo. Kèm theo là cuốn sách cũng của Dương Nghiệm Mậu do Văn Mới xuất bản 2009. -Lênh Đênh Qua Cửa Thần Phù.
Ngoài ra còn có mấy tấm ảnh. Một tấm chụp thầy Tuệ Sỹ đang đàn dương cầm, bên cạnh là DNM và Đinh Cường. Hai tấm nữa chụp DNM ở Đà Lạt năm 2008. Nghĩa là hình ảnh DNM tràn ngập.

Chân dung Dương Nghiễm Mậu do họa sĩ Đinh Cường vẽ
Trông Nghiễm vẫn chưa già cho dù đã vào hàng “xưa nay hiếm”. Lật xem qua cuốn sách và những tấm hình, Nguyễn nghĩ về bạn dưới trời xưa, và rồi những hồi ức chợt hiện về.
Cũng chưa lâu lắm, ấy là vào dạo Tháng Tư 2007. Qua tin báo, Nguyễn được biết Dương Nghiễm Mậu vừa cho in lại 4 cuốn sách (trong đó có Nhan Sắc) bán rất chạy, đồng thời gây xôn xao dư luận. Hỏi cô em ở Sài Gòn về chuyện này được cô kể lại như sau: Em có gọi điện báo tin cho tác giả là trên báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, số ra ngày 5-4 có đăng bài phê phán nặng nề của cô Lê Anh Đào (dạy ở trường Trần Văn Ơn, Quận I) nhân đọc truyện Từ Hải Và Cuộc Phiêu Lưu Của Đời Chàng trong tập Nhan Sắc. Cô Đào cho rằng ông Dương đã thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng văn học cổ điển của dân tộc".
Cô viết: "Tôi thực sự bị sốc. Sao tác giả lại độc đến thế. Không biết những bạn đọc từng yêu mến Truyện Kiều có cảm thấy bị xúc phạm như tôi không. Tôi sẽ dạy các em cấp hai của tôi về Truyện Kiều thế nào đây nếu các em đọc Dương Nghiễm Mậu? Thú vật hóa, lưu manh hóa... vậy tác giả là người gì? Văn học Sài Gòn trước 75 là thế này đây sao?”
Đọc những lời viết của cô Lê Anh Đào, Nguyễn có mấy ý nghĩ sau đây: Một, cô Đào thiếu hiểu biết và đọc quá ít (hình như cô chưa đọc Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Hà, Phạm Thị Hải Anh -Hải Anh cũng viết về Nguyễn Du, Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều đấy, mà viết khá ly kỳ, cô Đào đọc đi rồi phê phán.
Hai, cô dùng từ quá nặng nề thô lỗ để nói với nhà văn, và hình như cô có ác cảm đối với nền văn nghệ trước 1975 nói chung, nên mới hậm hực chửi rủa, phỉ báng. Là cô giáo mà cô ăn nói như thế sao, cô Đào? Hay cô nhận lệnh của một tên cán bộ văn hóa ác ôn nào đó để viết?
Thật ra, giọng điệu của cô Lê Anh Đào hoàn toàn trái ngược với những lời giới thiệu của Chi Mai trên E-văn. Con người ta khi cầm bút ít ra cũng phải tỏ là mình có học chứ. Chi Mai viết với sự hiểu biết nghiêm chỉnh:
“Là một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam trước 1975, Dương Nghiễm Mậu sáng tác nhiều và gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Công ty văn hóa Phương Nam vừa tái phát hành 4 tập truyện ngắn hay của ông: 'Đôi mắt trên trời', 'Cũng đành', 'Tiếng sáo người em út' và 'Nhan sắc'.
Dương Nghiễm Mậu sinh ngày 19/11/1936. Tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh tại làng Mậu Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Ban đầu, ông viết đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo chuyên nghiệp.
Năm 1954 vào Nam.
Từ năm 1957 viết nhiều: tạp văn, tùy bút, truyện ngắn, truyện dài... Năm 1962, ông chủ trương tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho Sáng Tạo, Tia Sáng, Văn Học... Sau đó, ông chuyển sang ngành vẽ tranh sơn mài từ năm 1977 đến nay.
“Từ điển văn học của NXB Thế Giới nhận xét: "... (Dương Nghiễm Mậu) là một trong những nhà văn Việt Nam thế hệ 60-70 đã đào rất sâu vào bản chất của cuộc hiện sinh con người... Ông đứng riêng một cõi, dường như không có bạn đồng hành, và đã tạo được một lối cấu trúc về truyện ngắn, truyện dài nằm trong nhân sinh quan bao quát của triết học hiện sinh và vô thần..."
Ông Nghiễm ơi, Nguyễn thương ông và quý ông. Nhớ khi Nguyễn rời Việt Nam đi có gửi lại ông một tập thơ mỏng Như Một Lời Chia Tay. Mấy năm sau, ông gửi một cái thư cho Nguyễn Trung Dũng mà cẩn thận gửi vòng qua Úc châu, trong đó có nhắc tới tập thơ của Nguyễn với một câu than ngậm ngùi: Thơ thì còn đây mà người biết bao giờ mới gặp, hay chẳng bao giờ nữa...
Ông Nghiễm à, nghe những tin tức về các cuốn sách của ông, lại được nhìn ảnh chụp bìa sách, Nguyễn rất muốn được cùng ông tới một quán cà phê nào đó, Vô Thường chẳng hạn.
Ở đó, ta vừa uống cà phê "cái nồi ngồi trên cái cốc", vừa chuyện trò nắng mưa trên trời dưới đất, thỉnh thoảng lật sách ra xem, đọc vài câu vài đoạn.
Thú lắm, phải không ông Nghiễm. Nhưng Nguyễn ở xa như thế này, lại ngại sấm sét cuồng phong ở bên kia biển, thì làm sao mà bảo là về để uống cà phê với nhau. Ôi, thèm chết đi được. Thôi đành tưởng tượng Nguyễn là cô Như Thị để được ngồi cùng nhau trong một quán đắng vầy cuộc văn chương. Đây, lời kể của nàng Như Thị:
"Nghe và đọc hết một lượt các bài góp ý, phê bình hiện tượng tái bản sách của các nhà văn trước 75, mà cụ thể của Dương Nghiễm Mậu, tôi nhấc điện thoại “Bố ơi, người ta mắng bố ghê quá. Con sợ…”Bên kia đầu dây, giọng đàn ông trẻ trung, đầm ấm Không sao, toàn bàn cái bên lề, có gì mà sợ. “Giọng điệu vậy mà bảo không sao. Con lên chở bố đi cà phê, thấy thực sự bố "không sao" mới tin.” Ừ thì lên! Chỗ cũ ấy, nhớ không?

"Chỗ cũ ấy" là một quán cà phê khá thanh nhã, thoáng mát và rộng rãi- nơi tôi gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu lần đầu, gần một năm trước, nhờ một duyên khởi từ nửa vòng trái đất bên kia. Tôi gọi ông là "Bố” tự nhiên, căn cứ vào chênh lệch tuổi tác và cả quê chung Hoài Đức- Hà Đông của "hai bố con". Đôi khi tôi gọi ông là thầy, căn cứ vào tư cách và tri thức, tài hoa nghề nghiệp. Ngoài ra, đôi khi cũng gọi anh, vì vẻ mặt trẻ trung, phong thái duyên dáng khi nâng tách cà phê, châm điếu thuốc Con Mèo nhả khói, nhẹ nhàng chia sẻ với người đối thoại những hồi ức viết lách một thời...
"Tôi gọi Bố, Thầy, Anh và xưng Con xưng Em thoải mái. Nhà văn như cái rây, lọc tất cả ngôn từ của tôi, dễ dàng chấp nhận, không ngạc nhiên, xúc động. Chưa bao giờ hỏi tôi là ai, ở đâu, tại sao, làm gì mà lại… Trong câu chuyện hào hứng, bố rõ ràng đang đi lại con đường thời trẻ, thăm những ga xép đìu hiu từ lâu vắng bóng con tàu, những dãy phố ọp ẹp, những căn nhà trọ tạm bợ, gặp những chị phụ nữ gầy ốm bế đứa con khóc ngằn ngặt, những anh giáo dạy tư sắp mất việc, những đứa trẻ con nhà vợ lẽ, lớn lên như lau trắng xác xơ…Con đường bố đi có tiếng bom đạn vô hình, có cái chết và sự buồn rầu lặng ngắt. Mỗi cột cây số trên đường là một tập truyện ngắn, truyện dài. Bố nhớ kỹ từng câu thoại, từng đoạn kết truyện. Nhớ nhưng mắt không buồn. Chân bước đều, vừa dắt tôi vừa chỉ trỏ, cắt nghĩa. Tôi đi bên bố, trở lại là đứa nhỏ mười mấy tuổi, trước tết Mậu Thân hai năm. Mắt tôi thấy lại xa lộ Biên Hòa, đoạn khỏi ngã ba Vũng Tàu. Bên kia xa lộ là căn cứ Long Bình của Mỹ với hàng hàng lớp lớp dây kẽm gai, bốt gác cao ngất, hầm hố, súng đạn, bãi trực thăng, xe jeep và những chú G.I da đỏ như gà chọi, mặc áo trận bốn túi, nhai chewing gum. Bên này xa lộ là thị trấn Tam Hiệp, khu Gia Viên, Chợ Sặt- Hố Nai. Bao nhiêu bãi rác Mỹ, chợ trời, bar rượu và những túp lều ghẻ lở đứng liêu xiêu. Bao nhiêu người nghèo sống chung với rác và đàn chuột, chó hoang, mèo hoang... Hệt như truyện của bố. Tôi buột câu hỏi “Bố này”Cái gì cơ? “Bố làm thế nào để viết có air riêng thế.” Thì đọc nhiều. Trước tiên là thế đã. Rồi mạnh dạn viết như mình nghĩ. Không sợ bị ngộ nhận, bị chê cười. Tôi đã phải đọc lắm thứ. Cả những thứ bị coi là paraliterature (cận văn học, á văn học). Đôi khi viết tạp bút, tiểu luận, như cách bắt mình học thêm. Viết về Hồ Biểu Chánh chả hạn. Cô đọc "Ngọn cỏ gió đùa" đi, cái đoạn tả anh chàng ăn cắp cám heo, ông Hồ Biểu Chánh viết không chê được. Hồi đầu thế kỷ XX, miền Nam có ngòi bút như thế rất quý. “Vâng, bố nhớ ông Phan Văn Hùm không?” Ừ! Ông này nữa….
Trong quán, nhạc thoảng bay nhẹ nhàng. Vài dây vạn niên thanh ẻo lả trườn dọc bờ tường loang nắng. Sáng thứ bảy, quán nhiều khách đôi. Nhưng không thấy ai như tôi và bố- ngồi riêng hai đầu bàn, khoảng giữa chất ngổn ngang sách báo, thuốc lá, hoa, cà phê… như khoảng cách thời gian không gian bất khả thắng vượt.
Bố rít thuốc. Đốm thuốc lập loè đỏ. Tôi xin một điếu. Hai bố con chẳng nhìn vào đâu, vào ai. Thoải mái một cõi.Và tôi, hơn năm mươi năm làm người, lần đầu tiên ngồi với văn nghệ sĩ mà không thấy tiếc thì giờ, tiếc lời, tiếc phận.
Tôi hỏi thời này người đọc, người viết trẻ thiếu cái gì so với thời cũ. Không suy nghĩ, bố đáp ngay Thiếu sự kiên tín! “Con thấy, đã vậy còn hay ngụy tín…”Cô nói đúng! Có lẽ chỗ này khiến mấy mươi năm nay, văn học không khơi dòng được, không có cái mới. Tôi đọc những bài công kích tôi trên báo. Chưa thấy ai đụng chạm những điều thuộc về cốt lõi. Chỉ nói những chuyện thuộc thẩm quyền của nhà xuất bản và người cấp phép. Mới đây có bài của Phạm Xuân Nguyên trên Văn hóa- Thể thao. Ông này cô biết không? “Con không quen nhưng có đọc lai rai vài bài Hội chứng Babylon, Văn học Việt Nam- Nỗi buồn tiểu thuyết, và năm ngoái, đầu tháng 10, bài Vì một nền văn học sạch, trên trang web vannghesongcuulong.org. Trong bài này, khi trả lời người phỏng vấn Lê Anh Hoài, ông Phạm Xuân Nguyên có nhận xét: "Văn học ta không thể nào lớn được.vì không được sống trong môi trường văn học đúng nghĩa của nó”. Ông Phạm Xuân Nguyên, khi viết về tôi, với tư cách bạn đọc- nhà phê bình, cũng viết nghiêm túc. Cô nên tìm mà đọc. Còn bạn đọc bình thường lâu nay quen với văn học minh họa, văn học mô tả A là A, B là B. Những truyện nhiều tầng nghĩa, có symbol hơi lạ là không chia sẻ được với tác giả, thậm chí ngộ nhận. Thí dụ trường hợp nhân vật Từ Hải. Từ Hải thì Dư Hoài viết, Thanh Tâm Tài Nhân cũng viết, chứ đâu chỉ Dương Nghiễm Mậu trong tập truyện ngắn Nhan sắc. Tương tự, Phạm Thái, Kinh Kha nữa. Bảo tôi bóp méo nhân vật, tả sai bét so với "chính sử" thì… Bố ngưng nói, không hề cau có. Tôi biết bố chừng mực, ít bị lôi cuốn vào chuyện thị phi.”
Ừ thì tan cuộc cà phê. Có phải đây là Sài Gòn và mình là Như Thị, vừa nói chuyện với ông Nghiễm xong? Thôi thì thôi để mặc mây trôi (thơ PTT), phải không hở bạn bên trời? Giờ đây, Nguyễn đã có cuốn sách của ông trong tay –có sách như có người vậy. Và Nguyễn sẽ đọc Gọi Hồn, Về Nhà (Nhà đâu chỉ có đường xa mịt mùng) và Kẻ Khắc Mặt Quỷ… Rồi Nguyễn sẽ có bài riêng, nhờ làn sóng của không gian ảo gởi về ông.
NXT

No comments:

Post a Comment