Monday, March 14, 2011

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.BA VẤN ĐỀ CỐT LÕI KHI SỬA HIẾN PHÁP

CỰU CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN VĂN AN: BA VẤN ĐỀ CỐT LÕI KHI SỬA HIẾN PHÁP
Thu Hà (l ược ghi)
Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hi vọng lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ bàn kĩ 3 vấn đề cốt lõi: Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp để đúng nghĩa là người chủ đất nước; Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn; Phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước cần được cân bằng hơn để phòng ngừa lạm quyền và thoái hóa quyền lực.
LTS: Văn kiện Đại hội Đảng XI vừa qua đã nêu rõ chủ trương sửa Hiến pháp theo hướng đổi mới nhận thức về nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách rành mạch và kiểm soát lẫn nhau, xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia…
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường mới đây khẳng định: đã đến thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp và tư tưởng pháp quyền buộc phải có cách thức viết Hiến pháp khác, không thể “ôm đồm”, “dài dòng” như hiện nay. Ông cho rằng, đổi mới nhận thức về nhà nước pháp quyền chính là cơ sở chính trị để các học giả, nhà nghiên cứu hiến kế cho việc xây dựng một bản hiến pháp theo đúng nghĩa hiến pháp của một nhà nước pháp quyền.
Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam lược ghi lại cuộc trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về việc tu chính Hiến pháp 1992 sắp tới.
Dân phải được phúc quyết Hiến pháp
Sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong toàn dân, toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyếthay không?
Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi hy vọng là như vậy.
Nếu nhân dân không được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì chúng ta lại bỏ lỡ mất cơ hội vô cùng quan trọng.
Kinh nghiệm các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây là như vậy. Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết Hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa.
Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.
Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó.
Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp. Thay đổi quan trọng đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng là đất nước trong tình trạng chiến tranh và chia cắt hai miền Nam – Bắc; rồi chịu ảnh hưởng của mô hình cộng hòa Xô Viết,…
Tuy vậy, chúng ta cần hiểu bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.


Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.
Cho nên, không thể đặt Hiến pháp ngang hàng với các bộ luật khác do Quốc hội thông qua. Hiến pháp là bộ luật cơ bản, luật gốc, luật mẹ được Quốc hội lập hiến thông qua và nhân dân phúc quyết nên rất ổn định, đặc biệt là những vấn đề cơ bản của Hiến pháp, như thể chế chính trị, ai là chủ đất nước, quyền của người chủ đất nước là những gì; ai là nguyên thủ quốc gia, quyền của nguyên thủ quốc gia là những gì?; vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước…
Ai là chủ đất nước?
Thứ hai, tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có nhiều vấn đề, ở đây tôi chỉ đề cập tới 3 vấn đề cốt lõi:
Đầu tiên, Hiến pháp phải làm rõ AI LÀ CHỦ ĐẤT NƯỚC? NGƯỜI CHỦ ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ? Với câu hỏi này, có thể nhiều người sẽ nói ngay rằng Dân làm chủ chứ ai. Đúng. Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước đều khẳng định như vậy. Quốc hiệu của Việt Nam đã ghi rất rõ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Thể chế chính trị là Dân chủ Cộng hòa, khác hoàn toàn với Quân chủ.
Do vậy, người chủ đất nước không phải là Vua nữa mà chính là Dân (không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo…).
Song quy định cụ thể về quyền làm chủ trực tiếp của người dân thì còn quá ít, nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì các Hiến pháp sửa đổi sau này lại ghi khác hoàn toàn với Hiến pháp năm 1946:
Điều 21 của Hiến pháp 1946 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và Điều 70″.
Điều 32 của Hiến pháp 1946 quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý”.
Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây… Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.
Những quy định trên đây của Hiến pháp 1946 có nghĩa rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.
Hiến pháp 1946 không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội.
Các Hiến pháp sửa đổi sau này laị quy định Quốc hội có quyền lập Hiến:
Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, là cơ quan duy nhất “có quyền lập Pháp”, có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp”.
Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”.
Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp”…
Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội.
Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.
Có thể nói đơn giản thế này: Ai là người có quyền tối hậu trong lập Hiến thì người đó là người chủ đích thực của đất nước. Từ chỗ Dân làm chủ trực tiếp trong lập Hiến, chuyển sang chỗ Dân làm chủ gián tiếp thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Dân. Như vậy có thể nói, từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ.
Đó là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước.
Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Dân làm chủ có nghĩa là Dân phải quyết trực tiếp thể chế quốc gia, tức là Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, rồi Dân giao cho Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và Tòa án) quản lý đất nước theo Hiến pháp và những quyết định đó của Dân. Như vậy Dân mới làm chủ đích thực.
Đây là vấn đề xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Như trên đã nói, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bất khả kháng, vì vậy, chúng ta đã chuyển từ Dân chủ thành Quốc hội chủ. Song về thực chất thì Quốc hội cũng còn nhiều hình thức.
Hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết . Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn nhiều hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền. Thực tế đó cho thấy, quyền của Dân – của người làm chủ còn bị phân tán quá lớn.
Nói cho dễ hiểu, ai làm chủ đất nước thì người đó phải có hai điều kiện, hai quyền thực chất tối thiểu là:
a/ – Bầu cơ quan đại diện cao nhất cho mình (Quốc hội) để bầu cử ra các cơ quan Nhà nước,
b/ – Phúc quyết Hiến pháp để giao quyền của Dân cho các cơ quan Nhà nước thực thi.
Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chúng ta nói nhiều về Dân chủ, rằng nhân dân ta là người chủ đích thực của đất nước, rằng nhà nước ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân,… song những quyền tối hậu của người Dân thì lại chưa được quy định cụ thể và đầy đủ trong các Hiến pháp sửa đổi sau Hiến pháp 1946.
Ngay Hiến pháp 1946 tuy đã qui định rất rõ quyền lập Hiến thuộc về nhân dân, song cũng không thực hiện được trong thực tiễn vì lý do bất khả kháng là chiến tranh đã nổ ra ngay sau đó.
Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, nhân dân ta là người chủ đất nước, song Nhà nước ta chưa một lần nào hỏi ý kiến Dân với tính chất là trưng cầu dân ý cả. Nhân dân ta chủ yếu mới làm chủ gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội và HĐND các cấp, nhân dân mới làm chủ trực tiếp trong bầu cử trưởng thôn, bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp. Như vậy chưa đúng với quyền và nghĩa vụ của người Dân trong thể chế Dân chủ Cộng hòa trong điều kiện hòa bình và thống nhất đất nước như hiện nay.
Nếu Dân được phúc quyết Hiến pháp thì Hiến pháp chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Dân trao quyền lực của Dân cho Nhà nước.
Ngược lại, nếu Dân chưa được phúc quyết Hiến pháp thì cũng có nghĩa là Dân chưa trao quyền lực của Dân cho Nhà nước bằng một văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp.
Sửa đổi Hiến pháp lần này cần giao lại quyền phúc quyết cho dân như Hiến pháp 1946 đã quy định cho đúng với bản chất của thể chế cộng hòa hoặc dân chủ cộng hòa, hoặc cộng hòa xã hội chủ nghĩa.
Quyền lực của nguyên thủ quốc gia bị phân tán 3 nơi
Vấn đề thứ hai là việc xác định: AI LÀ NGUYÊN THỦ QUỐC GIA? VÀ NGƯỜI ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ?
Vấn đề này Hiến pháp 1946 ghi rất rõ, và Nhà nước ta khi đó thực hành cũng rất tốt.
Các Hiến pháp sửa đổi sau này lại không rõ ràng bằng Hiến pháp 1946, và trong thực hành cũng rất lúng túng.
Theo quy luật tự nhiên, đàn chim bao giờ cũng có chim đầu đàn, đàn trâu bao giờ cũng có trâu đầu đàn, dàn nhạc phải có nhạc trưởng,… Với một quốc gia cũng vậy, quốc gia nào cũng phải có một nguyên thủ.
Về quy định này, tại Điều 49 của Hiến pháp 1946 ghi cụ thể về quyền của Chủ tịch Nước như sau:
a, Thay mặt cho Nước…
b, Giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc…
c, Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng….
d, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ …
……………….
h, Ký hiệp ước với các nước….
Và Điều 50 của Hiến pháp 1946 cũng ghi: “Chủ tịch Nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”.
Những quy định của Hiến pháp 1946 rất ngắn gọn, rõ ràng rằng Chủ tịch Nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại; thống lĩnh các lực lượng vũ trang; và cũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp là Chính phủ.
Nói cho dễ hiểu, nguyên thủ quốc gia phải có ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu như sau:
a, Thay mặt cho Nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại,
b, Đứng đầu cơ quan hành pháp,
c, Thống lĩnh lực lượng vũ trang,
Các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) đều giảm nhẹ vai trò của Chủ tịch Nước, không rõ thực chất quyền của một nguyên thủ quốc gia. Điều đó không phải lỗi của vị Chủ tịch nước nào, mà chẳng qua là do các Hiến pháp sửa đổi sau này quy định như vậy:
Điều 6 của Hiến pháp 1959 quy định: “Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người thay mặt cho Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đối nội và đối ngoại”.
Điều 65 của Hiến pháp 1959 quy định: “Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống lĩnh các lực lượng vũ trang trong toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng”, song thực chất Tổng Bí thư mới là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang.
Điều 66 của Hiến pháp 1959 quy định: “Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ”. Quy định như vậy là làm giảm nhẹ hẳn vai trò của Chủ tịch Nước trong cơ quan hành pháp so với Hiến pháp 1946.
Như vậy, các Hiến pháp sửa đổi sau này đều quy định không rõ ràng và không tập trung quyền của Chủ tịch nước bằng Hiến pháp 1946. Rõ ràng không có ai hội đủ ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu của một nguyên thủ quốc gia như Hiến pháp 1946.
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương thống lĩnh lực lượng vũ trang song về pháp lý lại không thay mặt cho nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại, cũng không đứng đầu cơ quan hành pháp.
Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Chính phủ nhưng lại không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp và cũng không thống lĩnh lực lượng vũ trang.
Chủ tịch Nước thay mặt cho nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng trong thực tiễn lại không thống lĩnh lực lượng vũ trang, cũng như không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay rằng quyền lực của một nguyên thủ quốc gia lại bị phân tán làm ba nơi, do ba người nắm giữ. Tức là ta có ba người thực thi quyền của một nguyên thủ trong điều hành thực tiễn, như thế có phân tán quyền của nguyên thủ quốc gia không? Tôi cho là quá phân tán.
Tới đây, chúng ta phải sửa đổi bổ sung Hiến pháp làm sao để chỉ có một nguyên thủ quốc gia, tập trung quyền hành pháp vào người đứng đầu để điều hành đất nước có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Việc không rõ nguyên thủ quốc gia, không rõ con chim đầu đàn, không rõ nhạc trưởng, hậu quả thế nào thật dễ hiểu, dễ thấy.
Phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước
Cuối cùng là VẤN ĐỀ PHÂN CÔNG VÀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC. Phân công phải hướng tới cân bằng tương đối, phải rõ ràng, rành mạch; kiểm soát phải có chế tài, phải chặt chẽ, hiệu lực.
Phân công phải cân bằng thì mới có khả năng kiểm soát hiệu lực, kiểm soát hiệu lực nằm ngay trong sự phân công công bằng.
Nhìn lại lịch sử của thể chế quân chủ cho thấy, quyền lực tập trung vào nhà Vua, mà quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, thoái hóa… Do đó mà triều đại nào lên, lúc đầu thường là được lòng người, sau lại thoái hóa, lại bị triều đại sau thay thế. Những sự thay thế đó thường diễn ra khi triều đại cũ đã quá thối nát, quá cản trở sự phát triển của xã hội và thường bị thay thế bằng bạo lực.
Chính vì thế mà thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa đã áp dụng sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực để chống độc quyền, hạn chế sự lạm quyền và khi cần thì thay thế ê kíp cầm quyền một cách chủ động, kịp thời, thông qua tranh cử nghị viện.
Quyền lực dưới thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa không tập trung vào một người hay một lực lượng, cơ quan nào, mà phân công tương đối cân bằng cho ba cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp (Quốc hội – Chính phủ – Tòa án): Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, và Tòa án là cơ quan xét xử cao nhất.
Nghiên cứu kỹ các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) thì thấy rằng những quy định để cân bằng và kiểm soát quyền lực lại không được rõ ràng và cân bằng như Hiến pháp 1946.
Ví dụ, Quốc hội có quyền lập Hiến, điều đó có nghĩa rằng quyền lực của Quốc hội vượt trội quá lớn so với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Quốc hội có quyền phân công quyền lực cho cả các cơ quan hành pháp và tư pháp, và cho cả chính mình.
Đúng ra, quyền lập Hiến phải là quyền của Dân chứ không phải của Quốc hội. Do đó mà quyền của Dân cũng bị phân tán và yếu thế, không đúng với quyền của người làm chủ.
Hoặc quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ở ba nơi, điều đó cũng có nghĩa là quyền lực của cơ quan hành pháp quá yếu thế so với cơ quan lập pháp.
Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp và còn bị chi phối trong xét xử.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, phân công quyền lực không cân bằng, không rõ ràng thì sự kiểm soát sẽ không có hiệu lực và hiệu quả. Tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu, cơ hội là những biểu hiện của sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực rõ ràng nhất. Nó cũng là hậu quả của sự phân công và kiểm soát quyền lực chưa được cân bằng như quy định của Hiến pháp 1946.
Cân bằng và kiểm soát quyền lực là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nhằm tránh sự lạm quyền và thoái hóa mà trong thể chế quân chủ chuyên chế đã bất lực. Tất nhiên không thể nói tuyệt đối được, vì thể chế nào cũng phải thông qua con người cụ thể. Nhưng có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực cho ba cơ quan Nhà nước, sẽ tốt hơn rất nhiều so với cơ chế tập trung quyền lực vào một ông vua, hoặc vào bất kỳ một lực lượng, một cơ quan nào khác.
Cân bằng và kiềm soát quyền lực là một sự tiến bộ về khoa học và nghệ thuật cầm quyền, là một bước tiến của văn minh nhân loại về quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này phải quan tâm để làm rõ ràng hơn, hoàn thiện tốt hơn sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Tóm lại, ở đây nhấn mạnh có ba vấn đề cốt lõi cần được bàn kỹ trong đợt sửa Hiến pháp tới đây:
1/- Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, để cho đúng nghĩa với thể chế Dân chủ Cộng hòa, Dân là chủ đích thực của đất nước.
2/- Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp.
3/- Phân công và kiểm soát quyền lực cần được cân bằng hơn, nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị.
Tôi hy vọng tới đây, nhân dân ta sẽ được hưởng quyền và làm nghĩa vụ của người chủ đích thực của đất nước là: Tham gia ý kiến và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này.
Theo Tuần Việt Nam

Sửa hiến pháp, thời điểm đã chín muồi!
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định trong chương trình công tác năm 2011 của ngành tư pháp là tổ chức nghiên cứu, đề xuất việc thể chế hóa một bước nội dung của văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số quy định của hiến pháp, các luật về tổ chức, bộ máy Nhà nước…
“Nhu cầu sửa hiến pháp không phải chờ Đại hội Đảng lần thứ XI mới đặt ra mà đã thấy từ nhiều năm rồi. Hiến pháp hiện hành dù đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2001 vẫn chưa mang tính đồng bộ và vẫn cơ bản theo cách thức, nội dung thể hiện của Hiến pháp 1980. Từ đó đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi, nhất là về kinh tế-xã hội. Rất nhiều chủ trương, chính sách lớn đã vượt qua cả những suy nghĩ, quan điểm lúc xây dựng, sửa đổi hiến pháp trước đây” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường mở đầu câu chuyện.
Ông ví dụ: “Chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có từ giữa nhiệm kỳ Đại hội VII. 20 năm tiếp theo, có lúc thăng trầm nhưng nay phải khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền là không thể đảo ngược. Biểu hiện rất rõ là từ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, lập pháp của Quốc hội cho đến việc làm ăn của người dân, cái gì cũng đã lấy pháp luật làm thước đo. Thậm chí kỷ luật cán bộ mang tính Đảng cao nhất cũng phải tuân thủ luật pháp. Bước chuyển đổi lớn ấy cần được thể hiện xuyên suốt trong hiến pháp, chứ không chỉ bằng vài dòng như hiến pháp hiện hành”.
Thời điểm phù hợp
Thực tế là từ nhiều năm nay đã có những ý kiến, kiến nghị sửa Hiến pháp 1992. Nhưng tại sao phải chờ đến giờ mới có quyết định chính thức trong văn kiện của Đảng?
Đúng là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (năm 2007), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, rồi các đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị sửa hiến pháp. Nhưng pháp luật, nhất là hiến pháp đều là thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh 2011, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 cơ bản xác định những đường lối, quan điểm chính trị cho đến giữa thế kỷ. Đại hội XI cũng nêu rõ chủ trương sửa hiến pháp. Vì vậy, đây là thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp 1992.
Là đại biểu dự Đại hội XI và được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ông thấy trong các văn kiện mà đại hội vừa thông qua có những nội dung lớn nào cần được thể chế vào hiến pháp mới?
Rất nhiều, mà bao quát nhất là nội dung mà Đảng khẳng định trong văn kiện: phải đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Công cuộc đổi mới mà Đảng phát động cách đây 25 năm là về kinh tế. Mà dần dần đổi mới kinh tế đòi hỏi phải đổi mới về thượng tầng kiến trúc. Hiến pháp là một biểu hiện của thượng tầng kiến trúc ấy.
Báo cáo chính trị của Đại hội XI có một nhận định chính xác: mặc dù quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam đã có một số tiến bộ nhưng chưa theo kịp sự phát triển kinh tế và yêu cầu quản lý đất nước. Còn trong phương hướng nhiệm vụ của năm năm tới, Đại hội XI yêu cầu phải đổi mới nhận thức về nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Đây đều là yêu cầu then chốt mà các nhà lập pháp phải thống nhất nhận thức. Đây cũng là cơ sở chính trị để các học giả, nhà nghiên cứu hiến kế cho việc xây dựng một bản hiến pháp theo đúng nghĩa hiến pháp của một nhà nước pháp quyền.
Rạch ròi để kiểm soát quyền lực
Hiến pháp là đạo luật gốc, bao quát những vấn đề lớn nhất của đất nước. Nhưng theo ông, lần sửa đổi này, nội dung nào là quan trọng nhất và cần tập trung nghiên cứu?
Cơ hội cho lần sửa đổi hiến pháp lần này là hiến định chính xác về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền.
Hiến pháp 1992 sau lần sửa đổi năm 2001 đã bổ sung nội dung về nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước ấy đặt dưới thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền. Đây là vấn đề mà giới nghiên cứu, các nhà lập pháp cần phải tiếp tục giải mã.
Báo cáo chính trị Đại hội XI bổ sung từ “rành mạch”, “kiểm soát” vào nội dung phân “phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Vậy hành pháp, lập pháp, tư pháp thế nào cho “rành mạch” là điều cần làm rõ. Còn như hiến pháp hiện hành, như tôi nói, cơ bản vẫn của thời bao cấp, ba quyền đó chưa được phân công rõ lắm; tư pháp là gì vẫn chưa có nhận thức thống nhất. Và phân công thế nào để giám sát, “kiểm soát” được quyền lực dân trao cũng là điều mà lần sửa đổi hiến pháp tới đây cần giải đáp.
Trong ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng tư pháp vẫn là khó phân định nhất. Vậy theo ông, tư pháp trong hiến pháp mới nên được minh định thế nào?
Hiến pháp 1946, sau phần về Quốc hội, Chính phủ là tòa án. Quyền lực tư pháp theo Hiến pháp 1946 là ở tòa án, chứ không phải mênh mông ngữ nghĩa như hiện nay. Thời kỳ đầu lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta có tòa vi cảnh để phán xét việc xử lý vi phạm hành chính, nhất là những việc hạn chế quyền tự do của người dân. Tại sao có sự phân công như vậy, chúng ta cần phân tích, xem có thể kế thừa thế nào vào hiến pháp mới.
Nội dung này, giờ còn nhiều tranh cãi nhưng xu hướng cải cách tư pháp những năm qua, tôi cho là cuối cùng tư pháp vẫn là tòa án. Quốc hội vừa rồi đã thông qua Luật Tố tụng hành chính, là một bước tiến khẳng định vai trò của tòa án trong giám sát quyền lực hành pháp. Mọi hành vi hành chính, quyết định hành chính mà người dân không đồng tình đều có thể thưa kiện ra tòa.
Đảm bảo tính khái quát cao
30 năm qua, chúng ta đã trải qua tổng cộng bốn lần sửa đổi, bổ sung và xây dựng hiến pháp mới, chưa kể có những việc phải “thí điểm” vì vi hiến. Theo ông, lần sửa hiến pháp tới cần lưu ý điều gì để hiến pháp thực sự là đạo luật gốc, có tuổi thọ dài hơn?
Chúng ta đã trải qua gần 20 năm xây dựng nhà nước pháp quyền. Tư tưởng pháp quyền ấy buộc ta phải có cách thức viết hiến pháp khác, chứ không thể ôm đồm, dài dòng như hiện nay. Lập pháp đã có bước tiến dài. Hầu hết các lĩnh vực, các khía cạnh của sinh hoạt xã hội đều đã được luật hóa, hoặc chí ít được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ. Biểu hiện pháp quyền ấy khác hẳn thời kỳ 1980-1991, là lúc mà hệ thống pháp luật vô cùng mỏng manh. Vì vậy, hiến pháp mới cần thể hiện cô đọng hơn, cơ bản hơn, với từng câu, từng chữ thấm đượm tinh thần pháp quyền, không nhất thiết ngành nào cũng phải “hiện diện” như hiện nay; không bó chân, để rồi đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, tòa án địa phương lại phải “thí điểm” vì sợ trái hiến pháp.
Như thế, nhiệm vụ sửa đổi hiến pháp chính là trả lại cho nó đúng nhiệm vụ của hiến pháp và đảm bảo tính khái quát cao về nội dung và cách thức thể hiện chính là đảm bảo tuổi thọ của hiến pháp dài hơn, thay vì cứ vài năm lại sửa một lần như thời gian qua. Tôi hy vọng Ủy ban Soạn thảo sửa đổi hiến pháp mà Quốc hội thành lập tới đây có được nhận thức thống nhất ấy.
Quy định rõ vị trí của Chủ tịch nước
Trong văn kiện Đại hội XI yêu cầu xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia… Sửa hiến pháp lần này sẽ thực hiện điều đó như thế nào, thưa ông?
+ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Hiến pháp 1946 và sau đó là Hiến pháp 1959 thể chế hóa vai trò Chủ tịch nước ở vị trí gắn kết quyền lực: Chủ tịch nước ký phê chuẩn bộ trưởng, tham gia phiên họp Chính phủ là quyền hành pháp; ký ban hành luật là lập pháp… Hiến pháp sau này, Chủ tịch nước có thời kỳ ký bổ nhiệm thẩm phán từ cấp huyện trở lên và giờ thêm trách nhiệm trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp. Ấy là tham gia vào tư pháp.
Vấn đề đặt ra là làm sao tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn vị trí gắn kết quyền lực ấy; để Chủ tịch nước thực sự là người đứng đầu Nhà nước cả về đối nội, đối ngoại, là thống lĩnh các lực lượng vũ trang, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền. Những nội dung này, trong Đảng đã có lúc bàn về nhất thể hóa Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Tôi nghĩ trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy, Đảng sẽ tiếp tục làm rõ.
Theo Vietnamnet
HIẾN PHÁP VIỆT NAM CẦN SỬA ĐỔI MỘT CÁCH CĂN BẢN
Phỏng vấn ông Mai Thái Lĩnh về vấn đề sửa đổi hiến pháp và trưng cầu dân ý
Trước và sau Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam có hai sự kiện đáng chú ý. Một mặt, ông Đinh Thế Huynh, người đã từng là Tổng biên tập báo Nhân Dân, nay là ủy viên Bộ chính trị phụ trách mảng tư tưởng – văn hóa, đã thay mặt giới lãnh đạo đương quyền tuyên bố rằng “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng”. Mặt khác, báo chí trong nước đã đăng tải nhiều bài viết nói về vấn đề sửa đổi hiến pháp. Trong các bài viết này có hai bài được nhiều người chú ý bàn luận là bài trả lời phỏng vấn của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về việc sửa hiến pháp và bài “Từ phúc quyết Hiến pháp đến trưng cầu chính sách” của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương. Gần đây nhất, ngày 10-2-2011, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tuyên bố: “Đây là thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp 1992.”
Các nhà quan sát cho rằng việc bàn luận rộng rãi và cởi mở về việc nên sửa đổi hiến pháp như thế nào để người dân có thể thật sự là người làm chủ đất nước là một diễn tiến tích cực cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về việc này, đài VOA đã tiếp xúc với ông Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt (1989-1994), và được ông cho biết một số ý kiến như sau.
VOA: Xin ông cho biết sơ qua về những hoạt động của nhà chức trách VN liên quan tới vấn đề sửa đổi bản hiến pháp 1992, và theo ông, đâu là nguyên do làm cho việc này trở thành một việc bức thiết?
Mai Thái Lĩnh: Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Văn An, người đã từng là ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN hai khóa (8 và 9), và là cựu Chủ tịch Quốc hội (2001-2006), đã phát biểu như sau: “Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.” Ông nhận xét: “… tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
Như vậy, có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam đã làm ra tổng cộng 4 bản Hiến pháp, nhưng những bản hiến pháp về sau đều kém hơn bản Hiến pháp 1946, tức là bản Hiến pháp được hình thành vào lúc Mặt trận Việt Minh mới cướp được chính quyền nhưng quyền lực chính trị vẫn chưa hoàn toàn nằm trong tay Đảng cộng sản.
Nếu chỉ tính từ thời kỳ đổi mới kinh tế (1986), đến nay đã được 25 năm. Nhưng trong khi chủ trương đổi mới về mặt kinh tế, ngày càng gắn chặt với kinh tế thị trường thì về mặt ý thức hệ, Đảng vẫn không dám rời bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, và về chính trị vẫn khư khư ôm lấy độc quyền chính trị. Sự khập khiễng, lệch pha giữa kinh tế và chính trị – tư tưởng khiến cho hệ thống chính trị và hệ tư tưởng của Đảng CSVN đã và đang trở thành vật cản đối với nhu cầu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước theo hướng bền vững.
Chính vì vậy mà yêu cầu sửa đổi Hiến pháp trở thành một trong những vấn đề bức thiết. Mặc dù các thành phần bảo thủ trong Đảng chỉ có ý định sửa đổi một số điều trong bản Hiến pháp 1992 theo kiểu “giật gấu vá vai”, rất nhiều đảng viên và trí thức – kể cả những người đã từng giữ cương vị lãnh đạo như ông Nguyễn Văn An, đều cảm thấy không thể dừng lại ở đấy mà phải tiến hành sửa chữa những vấn đề mấu chốt liên quan đến thể chế chính trị.
VOA: Với tư cách là một người tranh đấu cho dân chủ VN, ông nghĩ gì về những ý kiến của hai ông Nguyễn Văn An và Nguyễn Sỹ Phương, trong đó có những đề xuất mà một số người cho là sẽ góp phần đáng kể để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa, nếu được thực hiện?

H.Q.O.
Ông Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt (1989-1994)
Mai Thái Lĩnh: Những ý kiến của ông Nguyễn Văn An thông qua một số bài trả lời phỏng vấn có ý nghĩa tích cực ở chỗ đã nêu lên một sự thật: Hiến pháp phải được sửa đổi một cách căn bản chứ không thể chỉ sửa đổi một cách lặt vặt hay chỉ dừng lại ở một số chi tiết nhỏ nhặt. Và để có thể sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, cần phải để cho nhân dân – nhất là giới trí thức, được đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp, chứ không thể coi đó chỉ là công việc riêng của một số chuyên gia và các nhà lãnh đạo Đảng.
Đặc biệt đáng lưu ý là ý kiến của ông Nguyễn Văn An khi ông cho rằng đây là lỗi hệ thống. Mặc dù ông An đã tìm cách diễn đạt một cách khéo léo để cho vừa với cái khuôn của tư duy chính thống, người đọc cũng dễ dàng hiểu được: nói “lỗi hệ thống” có nghĩa là những khuyết, nhược điểm đó thuộc về bản chất của chế độ cộng sản chứ không chỉ là những “bệnh ngoài da”, những hiện tượng nhất thời.
Ông An cũng đặc biệt nhấn mạnh đến quyền lập hiến của nhân dân. Nói cách khác, Hiến pháp phải thể hiện ý chí của người dân chứ không phải chỉ thể hiện ý chí của một thiểu số đang nắm quyền.
Trong số những trí thức ủng hộ tích cực đề xuất của ông Nguyễn Văn An, đáng chú ý là những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương ở Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy nhiên, nếu lùi lại một chút về mặt thời gian, chúng ta có thể thấy những ý kiến này xuất phát từ việc nghiên cứu và đánh giá lại bản Hiến pháp năm 1946 – thể hiện trong các bài viết của một số tác giả như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, v.v… đã phổ biến trên báo chí từ năm 2005 đến nay.
VOA: Theo ông, những ý tưởng của hai vị đó có những tương đồng, tương phản như thế nào với những ý kiến, mong muốn của giới tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ VN?
Mai Thái Lĩnh: Tôi không có tham vọng phát biểu thay cho tất cả những người hiện đang đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Ở đây tôi chỉ nêu ý kiến của cá nhân, và cũng có thể là của một số người gần gũi về mặt quan điểm:
Trước hết, ông Nguyễn Văn An – và cả Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương, đã có một quan niệm chưa thật khoa học khi cho rằng “quyền lập hiến là của nhân dân, Quốc hội chỉ là cơ quan được ủy quyền, không thể làm thay hoàn toàn cho nhân dân”. Do lập luận như thế cho nên cả hai ông đều cho rằng sau khi được Quốc hội thông qua, dự luật sửa đổi Hiến pháp nhất thiết phải được đưa ra cho nhân dân phúc quyết. Thật ra, ý kiến này xuất phát từ bản Hiến pháp 1946, trong đó quy định mọi sự sửa đổi Hiến pháp đều phải được nhân dân “phúc quyết”, nghĩa là phải đưa ra “trưng cầu dân ý”.
Trong thực tế, nếu tìm hiểu các quốc gia có nền dân chủ thành thục, lâu đời, đáng cho chúng ta học tập, thì có nhiều cách khác nhau để sửa đổi Hiến pháp:
- Ở một số quốc gia, quy trình sửa đổi Hiến pháp thường chỉ giới hạn trong các cơ quan lập pháp. Như ở Hoa Kỳ, dự luật sửa đổi Hiến pháp phải được thông qua tại Thượng viện và Hạ viện với đa số tuyệt đối (2/3). Vì Hoa Kỳ là một nước liên bang cho nên sau khi thông qua tại hai viện của Quốc hội, dự luật sửa đổi Hiến pháp sẽ được đưa về các tiểu bang để thông qua. Nếu được đa số tiểu bang thông qua (quy định ở Hoa Kỳ là ba phần tư số tiểu bang, nghĩa là 38 bang) thì dự luật sửa đổi sẽ có hiệu lực. Có hai cách để thông qua tại tiểu bang: hoặc do cơ quan lập pháp của tiểu bang thông qua, hoặc thông qua tại các hội nghị phê chuẩn (ratifying conventions). Từ trước đến nay, chỉ có tu chính án số 21 (21st Amendment) được phê chuẩn bằng các hội nghị phê chuẩn cấp tiểu bang, còn tất cả tu chính án khác đều do các cơ quan lập pháp cấp tiểu bang phê chuẩn.
- Ngay tại nước Đức là nơi mà Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương nêu dẫn chứng, việc sửa đổi Hiến pháp cũng không cần phải trưng cầu dân ý. Ông Phương dẫn chứng điều 146. Nhưng điều 146 của Luật cơ bản (Basic Law – tên gọi của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức) chỉ nói rằng Hiến pháp hiện hành (tức Hiến pháp 1949 sửa đổi) “sẽ hết hiệu lực vào ngày ban hành một hiến pháp được nhân dân Đức thừa nhận bằng một quyết định hoàn toàn tự do.” Như vậy, điều 146 chỉ mở đường cho một bản Hiến pháp mới sẽ hình thành trong tương lai, và bản Hiến pháp mới có thể sẽ được nhân dân Đức “phúc quyết” bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Cho đến nay, việc sửa đổi Hiến pháp ở Đức vẫn dựa theo điều 79 của Luật cơ bản, nghĩa là dự luật sửa đổi Hiến pháp chỉ cần thông qua tại Nghị viện Liên bang (Bundestag, Federal Diet) và tại Hội đồng Liên bang (Bundesrat, Federal Council). Sau khi đã được 2/3 số thành viên của Nghị viện Liên bang (tức Quốc hội Đức) biểu quyết tán thành và đạt được 2/3 số phiếu tại Hội đồng Liên bang, dự luật sửa đổi sẽ có hiệu lực. Để đề phòng việc thay đổi Hiến pháp theo hướng độc tài, điều 79 có quy định một số vấn đề quan trọng không được phép sửa đổi.
- Ở một số quốc gia khác (như Hà Lan và một số nước Bắc Âu) việc sửa đổi Hiến pháp phải đạt được hai đa số kế tiếp nhau (successive majorities), có nghĩa là dự luật sửa đổi phải được thông qua hai lần liên tiếp với nội dung giống nhau, và giữa hai lần thông qua này phải có một cuộc tổng tuyển cử. Nói cách khác, việc sửa đổi Hiến pháp phải được hai khóa Quốc hội khác nhau thông qua.
- Chỉ có một số nước quy định “tất cả các sửa đổi Hiến pháp đều phải đưa ra trưng cầu dân ý”, trong đó có thể kể: Thụy Sĩ, Úc, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc (Nam Hàn), v.v… Ngay cả ở Pháp, mặc dù theo quy định dự luật sửa đổi phải đưa ra trưng cầu dân ý, nhưng Tổng thống vẫn có thể đưa dự luật ra cho hai viện của Nghị viện (Parlement) thông qua, dưới hình thức “đại hội” (congrès, tức là Thượng viện và Hạ viện họp chung), không cần phải tổ chức trưng cầu dân ý. Trong trường hợp này, dự luật sửa đổi phải đạt được đa số 3/5.
Tóm lại, không phải Hiến pháp của nước nào cũng buộc phải trưng cầu dân ý mỗi khi sửa đổi Hiến pháp. Trong thực tế, nhiều quốc gia không áp dụng phương thức trưng cầu dân ý vẫn bảo đảm được tính chất dân chủ của Hiến pháp, không để xảy ra hiện tượng Quốc hội hay một thế lực chính trị nào khác lạm dụng quyền lập hiến.
Như vậy, việc lạm dụng quyền lập hiến không bắt nguồn từ nguyên nhân nhân dân không được quyền phúc quyết Hiến pháp mà do những nguyên nhân khác.
VOA: Theo ông, quyền lập hiến ở Việt Nam có bị lạm dụng không?
Mai Thái Lĩnh: Quyền lập hiến của nhân dân Việt Nam đã bị lạm dụng, và theo tôi, tình trạng này phát sinh từ hai nguyên do:
(a) Quốc hội ở nước ta từ trước đến nay chưa thật sự là Quốc hội của dân mà chỉ là Quốc hội của Đảng, nói một cách chính xác là Quốc hội do Đảng lựa chọn. Do chỗ nhân dân chưa có quyền tự do để có thể tự ứng cử và bầu ra Quốc hội đại diện cho quyền lợi chính đáng của mình, nếu chỉ đổ lỗi cho “Quốc hội” một cách chung chung thì điều đó đồng nghĩa với việc chối bỏ trách nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời dễ gây ra sự ngộ nhận cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về phía nhân dân, trong khi nhân dân mới chính là người bị hại.
(b) Quốc hội của nước ta từ trước đến nay đều hoạt động dưới sự chỉ huy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáng lẽ chỉ làm công việc điều hành các hoạt động của Quốc hội nhằm bảo đảm và phát huy quyền và trách nhiệm của tất cả các đại biểu một cách bình đẳng, lại thay mặt cho Quốc hội để quyết định rất nhiều việc trọng đại. Có thể nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tước đoạt quyền của tất cả các đại biểu. Cho nên nếu nói đến trách nhiệm lạm dụng quyền lập hiến của nhân dân thì chính các Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các khóa phải chịu trách nhiệm, chứ không phải toàn thể Quốc hội.
Ở các quốc gia dân chủ, Quốc hội không thể tước đoạt quyền lập hiến của nhân dân, bởi lẽ nếu Quốc hội khóa này làm sai thì nhân dân sẽ có cơ hội bầu ra một Quốc hội mới và Quốc hội khóa sau sẽ sửa chữa sai lầm của Quốc hội khóa trước. Ở nước ta, nhân dân không được quyền chọn Quốc hội, do đó cũng không có quyền thay thế Quốc hội, vì vậy sai lầm tiếp tục đẻ ra sai lầm, làm nảy sinh tình trạng lạm dụng quyền lập hiến hay tước bỏ quyền lập hiến của nhân dân.
VOA: Trong bài viết đăng trên trang Bauxite Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái, ông Nguyễn Sỹ Phương nói: “Phúc quyết chính là dân chủ trực tiếp, hình thức cao nhất của dân chủ; áp dụng đối với Hiến pháp là bước đi đầu tiên khẳng định nguyên lý đó.” Ông nghĩ sao về nhận định này?
Mai Thái Lĩnh: Điều này thật ra chỉ đúng về phương diện lý thuyết. Trong thực tế, các hình thức dân chủ trực tiếp chỉ có kết quả tốt trong hoàn cảnh các quyền căn bản của con người và của công dân được bảo đảm. Còn trong các chế độ độc tài hay dân chủ giả hiệu, khi mà những quyền cơ bản tối thiểu như quyền bày tỏ chính kiến hay quyền ra báo tư nhân vẫn còn bị ngăn cấm, đe dọa thì việc áp dụng các hình thức dân chủ trực tiếp (như trưng cầu dân ý) rất dễ trở thành những màn kịch nhằm che đậy bản chất phản dân chủ của chế độ.
Trong quá khứ, các nhà độc tài có tầm cỡ như Hitler và Mussolini đều là những bậc thầy trong việc sử dụng trưng cầu dân ý để thực hiện các ý đồ thâu tóm quyền lực. Vào năm 1934, sau khi Tổng thống Hindenburg mất, Hitler đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập hai chức vụ Tổng thống và Thủ tướng Đức. Trong cuộc trưng cầu dân ý này, 95% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, dẫn đến kết quả gần 90% số phiếu biểu quyết tán thành, tạo điều kiện cho Hitler nắm trọn quyền lực chính trị.
Gần đây, tại Ai cập, mặc dù tất cả các sửa đổi Hiến pháp đều phải thông qua trưng cầu dân ý, Hosni Mubarak và đảng của ông ta vẫn có thể khống chế toàn bộ hệ thống chính trị. Kể từ khi Mubarak nắm quyền Tổng thống (năm 1981), ông ta đã tái trúng cử ba lần vào các năm 1987, 1993 và 1999, tất cả đều thông qua các cuộc trưng cầu dân ý mà ông ta là ứng cử viên duy nhất do Quốc hội giới thiệu. Do áp lực trong nước và quốc tế, vào tháng 2 năm 2005, Mubarak đã yêu cầu Quốc hội sửa đổi điều 76 để cho phép bầu cử Tổng thống với nhiều ứng cử viên, nhưng nhiều điều kiện khắt khe đã được đặt ra để gây khó khăn cho những ứng cử viên trong hay ngoài đảng cầm quyền. Điều khoản sửa đổi này vẫn được cử tri Ai cập “phúc quyết” vào tháng 5 và sau đó, trong kỳ bầu cử tổ chức vào đầu tháng 9 năm 2005, Mubarak lại thắng cử một nhiệm kỳ nữa. Điều đó cho thấy “quyền phúc quyết Hiến pháp” đứng đơn độc không thể giúp cho nhân dân Ai Cập trở thành người làm chủ, trong thực tế lại trở thành một hình thức hoa mỹ để phụ họa cho trò hề chính trị của nhà độc tài Mubarak.
Như vậy, trưng cầu dân ý chỉ có giá trị trong hoàn cảnh người dân có được các quyền tự do căn bản (tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội,…). Hơn thế nữa, trưng cầu dân ý còn gắn liền với quyền tự do ứng cử và bầu cử. Ở bất cứ nơi nào quyền tự do ứng cử và bầu cử bị hạn chế, trưng cầu dân ý cũng sẽ trở thành giả dối, không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Tóm lại, theo tôi, sửa đổi Hiến pháp là một dịp rất tốt để nâng cao dân trí. Giới trí thức và tầng lớp thanh niên cần tham gia vào việc tìm hiểu, thảo luận, phê bình để hoàn chỉnh Hiến pháp. Thế nhưng, một khi các quyền tự do căn bản chưa được thực thi, quyền tự do ứng cử – bầu cử còn bị hạn chế thì nhân dân sẽ không có được một Quốc hội thật sự đại diện cho mình, và như vậy sẽ không thể có được một Hiến pháp tốt. Trong hoàn cảnh đó, việc tiến hành “phúc quyết Hiến pháp” rất dễ trở thành một thứ hình thức dân chủ giả hiệu nhằm “hợp pháp hóa” và chỉ làm đẹp thêm cho một chế độ dân chủ phi-tự do (illiberal democracy).
Nói một cách dễ hiểu hơn: một chế độc tài mà khéo che đậy hoàn toàn có khả năng đánh lừa nhân dân và giành thắng lợi trong một cuộc trưng cầu dân ý có bề ngoài rất dân chủ nhưng nội dung lại hoàn toàn phản dân chủ. Vì thế, chúng ta cần phải hết sức cảnh giác!
VOA: Chân thành cám ơn ông đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Nguồn: VOA
Nga chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc
Thomas Grove (Reuters, 01/03/2011)

Ảnh: Reuters
Moskva – Nga đang thể hiện cơ bắp của mình bằng cách đưa đến vùng Viễn Đông tàu chiến và tên lửa trong nỗ lực nhằm bảo vệ vị trí cường quốc châu Á của mình nhằm đối đầu với sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.
Sự ngóc đầu dậy của Trung Quốc đã buộc các nhà lãnh đạo Nga phải hướng mắt về phương Đông và đánh giá lại các kế hoạch quân sự thời Xô Viết, chủ yếu nhắm vào cuộc chiến trên bộ ở châu Âu hoặc là cơn ác mộng chiến tranh nguyên tử với Mĩ.
Mới nhìn thì Nga, nước sản xuất nhiên liệu lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, dường như là một cặp đôi lí tưởng. Nhưng tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc buộc người ta phải đặt câu hỏi: Làm sao Moskva có thể vừa cung cấp cho con rồng Trung Hoa dầu và khí đốt trong khi vẫn cạnh tranh với lực lượng quân sự đang gia tăng của nó?
Việc Nga tìm cách thể hiện cơ bắp ở vùng Viễn Đông – khu vực đầy những cuộc tranh chấp về lãnh thổ và nằm trong tầm mắt của hai nước có chi phí quân sự lớn nhất thế giới là Mĩ và Trung Quốc – là câu trả lời tốt nhất, tuy không phải là lí tưởng nhất, đối với câu hỏi vừa nêu.
“Nga vẫn là một nước châu Á-Thái Bình Dương”, Pavel Baev từ Viện nghiên cứu các vấn đề hòa bình ở Oslo nói như thế.
“Các kế hoạch của Moskva rõ ràng là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Nga có thái độ nghiêm túc đối với khu vực này”.
Thủ tướng Vladimir Putin, lãnh tụ tối cao của Nga, hứa chi 651 tỉ dollar cho lĩnh vực quốc phòng trong mười năm tới, mỗi năm trung bình 65 tỉ. Năm ngoái nước này đã chi tới 61 tỉ.
Năm ngoái chi phí quốc phòng của Mĩ là 530 tỉ dollar, trong khi Trung Quốc, nước có kinh phí quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, nói rằng đã mua gần 78 tỉ dollar vũ khí, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng con số thực có thể còn cao hơn.
Trước hết người ta sẽ đưa sang phía Đông hai chiếc hàng không mẫu hạm Mistral, chuyên làm nhiệm vụ chở máy bay trực thăng, mà Nga đã đồng ý mua của Pháp vào năm ngoái và được chờ đợi là sẽ đến Nga vào cuối năm 2013. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, có khả năng bắn hạ cả máy bay lẫn tên lửa, cũng sẽ được đặt ở Viễn Đông.
Tháng trước ông Nikolai Pankov, thứ trưởng bộ quốc phòng, trong bài trả lời phỏng vấn đài phát thanh Ekho Moskvy, đã nói rằng quân đội “ưu tiên chú ý” đến vùng Viễn Đông.
Hiệp định mới về tài giảm vũ khí nguyên tử vừa kí giữa Nga và Mĩ khẳng định thêm những lới tuyên bố của cả hai bên rằng chiến tranh giữa Moskva và phương Tây là không thể tưởng tượng được và tạo điều kiện cho Điện Cẩm Linh đưa thêm các nguồn lực sang phía Đông.
Bảo vệ nguồn nhiên liệu
Tháng trước tổng thống Dmitry Medvedev hứa là sẽ triển khai vũ khí trên một nhóm các hòn đảo nhỏ đang tranh chấp với Nhật. Medvedev đã đến thăm những hòn đảo này vào tháng 11, sau đó là các quan chức cao cấp, trong đó có bộ trưởng quốc phòng Anatoly Serdyukov, cũng đến thăm khu vực này.
Trong khi khẳng định chủ quyền đối với những hòn đảo đã bị quân đội Liên Xô chiếm đóng trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Thế giới II, Nga đã sử dụng lí do này để tăng cường lực lượng quân sự của mình ở phía Đông. Nhưng một số người cho rằng câu chuyện đối đầu với Nhật chỉ là trò bịp mà thôi.
“Tôi nghĩ rằng không phải vô tình mà người ta lại chọn khu vực đó, đấy là khu vực Nga có thể đứng chân mà không tạo ra bất kì nguy cơ lớn nào, thí dụ như làm Trung Quốc bực mình chẳng hạn”, Baev nói.
Hồi giữa thế kỉ XIX Nga đã lấy của Trung Quốc – bằng cách vừa đánh vừa đàm – một khu vực lãnh thổ rộng lớn rất giàu tài nguyên ở miền Đông Siberia.
Một phần khá lớn chính sách của Moskva đối với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất với khối lượng buôn bán hai chiều khỏang 9,5 tỉ dollar – được hình thành dưới ảnh hưởng của nỗi lo sợ rằng Bắc Kinh muốn thu hồi vùng đầy thưa thớt dân cư đó để hoặc là lấy chỗ cho dân của mình đến ở hoặc là khai thác nguyên và nhiên liệu của vùng này.
Năm 2008 Moskva đã nhường cho Bắc Kinh 174 KM2 trên khu vực biên giới dọc theo sông Ussuri và sông Amur, nơi hai nước đã từng đánh nhau làm gần 60 người thiệt mạng vào năm 1969.
“Họ vẫn sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ chiếm Siberia vì những nguồn tài nguyên ở đó”, Dmitry Gorenburg, một chuyên viên phân tích cao cấp chuyên về lĩnh vực quân sự và lĩnh vực công thuộc trung tâm phân tích CAN (think tank CAN) nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước như thế.
“Vì theo quan điểm của Nga thì đây là khu vực dân cư quá thưa thớt, quá xa trung tâm, rất khó phòng vệ”, ông nói.
Trung Quốc đã làm các nước láng giềng lo ngại vì những yêu sách về chủ quyền đối với một số hòn đảo nhỏ không người ở mà Nhật cũng coi là của mình.
Nga không bao giờ muốn xung đột với Trung Quốc, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Moskva muốn chắc chắn rằng những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc sẽ không phá vỡ sự cân bằng quyền lực tế nhị hiện nay ở Viễn Đông.
Năm nay Nga và Trung Quốc đã đưa vào vận hành nhánh đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương, dự kiến trong vòng 20 năm mỗi ngày sẽ đưa 300.000 thùng dầu tới Trung Quốc.
Kế hoạch củng cố lực lượng hải quân của Nga ở vùng này là nhằm giữ cho nước này vị trí nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới bằng cách bảo vệ các mỏ dầu và khí đốt trên thềm lục địa Sakhalin, nơi mà thỏa thuận ăn chia với công ty Exxon sẽ giúp bù được sự sụt giảm sản lượng khai thác ở miền Tây Siberia.
Trung Quốc là bạn hàng vũ khí lớn của Nga, nhưng trong năm nay, trong trường hợp tốt nhất thì đơn hàng cũng chỉ giữ ở mức như năm ngoái mà thôi. Phần lớn là do nền công nghiệp quốc phòng trong nước đã phát triển, nhưng các nhà phân tích lại cho rằng Trung Quốc đạt thành tựu như thế là do đã sao chép công nghệ cuả Nga.
Các nhà phân tích cũng nói rằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc, mà Bắc Kinh đem ra khoe trong chuyến viếng thăm gần đây của bộ trưởng quốc phòng Mĩ, ông Robert Gates, chỉ là bản sao với một ít thay đổi theo mẫu thiết kế của Nga mà thôi.
Nguồn: Analysis: Russia turns military gaze east to counter China
© Phạm Nguyên Trường
Theo dòng sự kiện:

No comments:

Post a Comment