Monday, March 7, 2011

Sự hớ hênh của chất xám

Sự hớ hênh của chất xám Thứ hai, 4/8/2008, 10:24 GMT+7
Quảng cáo và truyền hình, hai lĩnh vực đang được coi là "hot" nhất đối với giới trẻ. Rất nhiều người đã nhập cuộc. Cống hiến một cách tận lực. Bao nhiêu ý tưởng hay ho được sử dụng, những kiến thức tốt được áp dụng tối đa trên thực tế.
>> Công nghệ truyền hình: Chất xám đang bị "bạc đãi"?


Nhưng danh tiếng thuộc về người khác. Tiền bạc cũng vào túi người khác. Đó là khi chất xám bị treo hớ hênh, khiến họ chỉ là những chú thỏ ngây ngô giữa bầy sói chuyên nghiệp.
Cách đây chưa lâu, lần đầu tiên báo chí được "dòm" tận mắt một cuộc đánh cắp kịch bản chương trình biểu diễn thời trang do một hãng xe máy tài trợ. Sở dĩ sự việc bị lộ tẩy với báo chí là do những người đánh cắp tỏ ra quá trơ tráo.
Khi đổi đối tác thực hiện, họ lấy nguyên kịch bản của những người chế tác mà không xin phép, không mua bán. Lại còn tỏ ra trịch thượng. Kết cục vụ đó um xùm trên báo chí rồi... thôi. Có thể kịch bản một chương trình như vậy không quá khó, nhưng nó thực sự là công sức của cả một ê kíp. Mất trắng, kèm theo một cục tức ói máu!
Nhưng, những cách "nẫng" công sức của kẻ khác như vậy vẫn thường xuyên xảy ra. Kịch bản lại không giống như một tác phẩm văn học để có thể đưa ra một tác phẩm độc lập với tác phẩm cũ.
Kịch bản một chương trình trên sân khấu luôn đòi hỏi tuân thủ những nguyên tắc nhất định nào đó và người ta bắt buộc phải có những khuôn mẫu chung. Cái khác nhau chính là kịch bản cụ thể cho từng chương trình. Và những người có khả năng sáng tạo chính là những người tạo nên sức hấp dẫn từ những cái khung cố định ấy.
Làm một hình ảnh gần gũi để hiểu rõ hơn, chẳng hạn như kịch bản của người Mỹ trong đêm chung kết Hoa hậu hoàn vũ ngày 14/7 vừa rồi tại Nha Trang hấp dẫn hơn rất nhiều lần những đêm trình diễn áo dài, trang phục truyền thống do người Việt viết kịch bản và tổ chức, quá buồn tẻ và nhàm chán.
Thế nên, kịch bản các chương trình thường dễ bị đánh cắp nhất, với lý do là kết cấu chương trình thì sẽ giống nhau. Và những người kỳ công hì hụi viết ra kịch bản cho chương trình ấy chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay mà không biết làm gì hơn.
Kịch bản các chuyên mục truyền hình cũng vậy. Người ta sẵn sàng đánh cắp của nhau mà không cảm thấy ngần ngại. Nếu chịu khó theo dõi các chương trình truyền hình, sẽ thấy đâu đó những thông tin được cập nhật từ hệ thống báo viết.
Và cả những ý tưởng để xây dựng kịch bản cho chuyên mục cũng vậy. Nếu là mục trò chuyện hay talk show, thậm chí còn có thể tìm thấy những câu hỏi được sao chép nguyên văn, chỉ khác là từ bản in giấy được MC đọc lên mà thôi. Thế nhưng, đã có MC trở nên nổi tiếng từ những chuyên mục như thế và lên báo phát biểu như thể mình là người nghĩ ra những ý tưởng hay ho.
Có rất nhiều chuyên mục truyền hình được thực hiện bởi những cộng tác viên. Nhưng chuyên mục đó đến chuyện chạy tên những người thực hiện cũng không có. Không có bất cứ thông tin gì để chứng minh rằng họ được tôn trọng.
Không chạy chữ, không thuyết minh. Thế nên, một sinh viên đã có thâm niên viết kịch bản cho một talk show ngắn, được sử dụng khá nhiều kịch bản trên sóng, nhưng ngoài chuyện được một khoản nhuận bút nhỏ (vì nhuận bút của đài truyền hình nào cũng rất thấp) thì cô không còn lại gì.
Kinh nghiệm có, nhưng cô không có gì làm bằng chứng với nhà tuyển dụng của công ty mới nơi cô muốn xin việc, rằng cô đã làm được những công việc ấy.
Cứ như thế, các chuyên mục nối đuôi nhau ra đời, còn người viết kịch bản cứ hẩm hiu chấp nhận kiếp vô danh. Và nếu họ tiếp tục làm công việc ấy, họ sẽ không bao giờ có tên!
Đề cương kịch bản phim truyền hình mới là thứ dễ kiếm nhất và cho người ta những món lợi khổng lồ. Phàm đã là người viết, hễ mà gặp một ông giám đốc hãng chế tác phim thì khỏi nói, cứ ầm ĩ những lời mời có cánh.
Họ tha thiết đề nghị những người viết gửi đề cương kịch bản phim đến cho họ. Và nếu đúng ý họ muốn thì người viết kịch bản sẽ được trả trước 20%. Cụm từ "đúng ý" cần phải được nhấn mạnh. Vì nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy ở phía sau.
Cô bạn tôi, một nữ nhà văn cũng khá quen biết với bạn đọc cả nước, đã rơi vào tình trạng ấy. Cô vốn có thế mạnh là viết về mảng đời sống giới trẻ. Phim truyền hình bây giờ làm chủ yếu về giới trẻ, trai thanh gái lịch, xe đẹp nhà lầu, làm thế cho giống Hàn Quốc. Và cô đã được đích thân ông chủ hãng chế tác mời đến công ty, nói chuyện và đề nghị.
Ông đưa ra một chồng những bản đề cương được gửi đến và nói rằng, chúng không đạt yêu cầu. Không ai hiểu được về đời sống giới trẻ như cô. Nên ông ta tha thiết mời cô viết đề cương, chân dài, vũ trường, giật gân câu khách một chút. Cô sẽ được chế độ nhuận bút ưu đãi.
Cô mang niềm hy vọng ấy vào mấy chục trang đề cương chi tiết cho một kịch bản phim truyền hình dài tập. Và khấp khởi gửi đi. Rồi ngồi chờ. Sự chờ đợi quá lâu khiến cô buộc phải tìm đến hãng chế tác thì được trả lời rằng, đề cương không phù hợp với tiêu chí làm phim của hãng.
Vậy tôi rút lại đề cương của tôi, cô nói. Nhân viên của hãng cương quyết, cô sẽ không nhận được bất cứ thứ gì từ hãng, kể cả bản thảo đề cương cô gửi đến. Đó là nguyên tắc làm việc của chúng tôi! - nhân viên này đanh thép.
Thế nhưng, gần một năm sau, khi cô gần như quên chuyện đáng tiếc đó thì một ngày đẹp trời cô được xem một tập phim mà có quá nhiều chi tiết của mình. Cô cảm thấy mình bị mắc lừa. Kịch bản bộ phim đó do một nhóm người cùng thực hiện, nhưng nó đã được tổng hợp từ rất nhiều đề cương kịch bản gửi đến. Những chi tiết hay, chi tiết đắt sẽ được mang vào cả kịch bản này. Một cuộc đánh cắp ngoạn mục và công khai.
Cô gọi điện đến hãng chế tác, lại là giọng nhân viên đanh thép, chị ảo tưởng quá, chị nghĩ chị là ai mà dám nói chúng tôi ăn cắp kịch bản của chị? Chúng tôi có đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp. Có điều gì làm bằng chứng về việc chúng tôi lấy kịch bản của chị không? Nếu không chị sẽ mắc tội vu khống đó!
Nữ nhà văn vốn quen đối diện với màn hình máy tính và lại chẳng lợi ngôn, nên gần như sợ xanh mặt trước những lời cáo buộc như lửa cháy. Cô vội vàng đóng máy lại, nằm vật ra giường, ốm một tuần liền.
Ốm vì tiếc công thì ít, mà ốm vì thấy hoang mang về sự đánh cắp chất xám trắng trợn đang diễn ra ngay bên cạnh mình, đối với mình mà mình hớ hênh đến mức không còn cái lai quần để bảo vệ bản thân.
A, một phóng viên được đánh giá là năng động, rất hay được các công ty chào mời về thực hiện các dự án mới theo chế độ cộng tác. Một công ty đang chuẩn bị xây dựng một tờ tạp chí mới, tìm mọi cách mời A về thực hiện.
A hì hụi xây dựng khuôn mẫu và nội dung chi tiết cho 3 số báo đầu tiên, đóng thành quyển. Thậm chí, anh còn yêu cầu họa sỹ trình bày thành một cuốn tạp chí mẫu để đưa cho công ty. Những hứa hẹn tốt đẹp rất nhiều. A cũng nghĩ mình sẽ trở thành… tổng biên tập đến nơi. Đùng một cái, công ty nói kế hoạch xuất bản tạp chí tạm thời hoãn.
Lý do thì rất nhiều, như chưa xin (mua) được giấy phép từ các tạp chí hay tòa soạn báo, hay chưa tìm được đủ quảng cáo hoặc chưa chuẩn bị đủ đội ngũ. Hay đơn giản hơn, hiện thời vì kinh tế suy thoái cho nên việc ra một tạp chí mới và lobby cho nó rất tốn kém và không hiệu quả nên cần chuyển hướng sang lĩnh vực khác.
A vẫn được hứa hẹn sẽ bảo lưu khuôn mẫu và nội dung tờ tạp chí khi nào tiến hành sẽ gọi. Nhưng vài tháng sau, A bất ngờ cầm trên tay tờ tạp chí của mình nhưng không phải do mình làm. Nó thuộc về người khác trong chớp mắt. Dường như những chuyên mục mà A nghĩ ra được giữ nguyên, nhưng được thay đổi chút ít về câu chữ.
Để nghĩ ra ý tưởng cho một tờ tạp chí hấp dẫn, có lẽ ai đã từng làm báo đều hiểu, đó là một thách thức lớn mà chỉ một số ít người có thể vượt qua. Vậy mà A đã đánh mất nó một cách quá dễ dàng, không có cách nào tìm lại được. Tất nhiên, những chuyện tranh cãi phía sau chỉ là những chuyện "giải quyết hậu quả". Tờ tạp chí đã chạy rồi. Và A không có đủ khả năng để theo kiện một vụ việc mà mọi thứ đều ở dạng ý tưởng như thế…
Giờ đây, chỉ cần có ý tưởng, cơ hội sẽ dễ dàng đến với bạn. Nhưng cái quan trọng không phải chỉ là cơ hội, mà cần có một bộ lọc thật tốt và một óc phân tích sắc sảo để biết đâu là cơ hội thật, đâu là cơ hội ảo. Đừng đem sự nhiệt tình của mình và lòng tin vô căn cứ đi làm việc, để rồi tự hiến chất xám của mình cho những kẻ quen hớt váng mỡ. Tỉnh táo, đó có lẽ là điều đầu tiên khi nhận được một lời mời…
Theo A Kay

No comments:

Post a Comment