Monday, March 7, 2011

Sự sáng tạo đòi hỏi cô đơn

Thứ Tư, 01/04/2009, 10:31 (GMT+7)
Nhà Văn Quý Thể:
Sự sáng tạo đòi hỏi cô đơn

AT - Nhà văn Quý Thể tên thật là Hồ Phước Quả, sinh ngày 3-10-1940 tại làng Minh Hương (Hội An), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là tiến sĩ luật, thẩm phán, luật sư chế độ cũ, hội viên Hội Nhà văn VN, hiện sống và làm việc tại Nha Trang.
Ông đã đoạt hơn 30 giải thưởng, trong đó có: giải thưởng Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN (tập truyện ngắn Pho tượng); giải thưởng sách thiếu nhi (tập truyện ngắn Đôi cánh ước mơ); giải thưởng báo Hậu Giang và NXB Kim Đồng (tập truyện ngắn Chiếc tàu trong chai); giải nhì "Văn học tuổi 20"... (tập truyện ngắn Sử thi)...
Mấy năm gần đây ông cư ngụ tại nước ngoài và gần như "quy ẩn gác kiếm". Nhân dịp ông mới trở về thăm lại quê hương, chúng tôi đến thăm và trò chuyện văn chương với ông.
* Thưa nhà văn Quý Thể, ông có thể cho bạn đọc biết ông bắt đầu viết văn khi nào? Vì sao ông lấy bút danh Quý Thể?
- Lâu lắm, từ những năm 1950, khi còn đi học trung học tôi viết bích báo (báo tường) vì hồi đó tôi làm trưởng ban văn nghệ của lớp. Khi bạn hỏi viết văn lâu mau, số lượng tác phẩm và những giải thưởng nhận được, tôi chắc bạn đánh giá một tác giả qua những con số. Trong văn học, những cái đó chẳng nói lên điều gì. Vấn đề là viết thế nào, để lại những gì cho độc giả. Với lại là nhà văn, không ai quan tâm đến những con số. Còn tên Quý Thể là cách nói lái hai chữ Quế và Thủy (tên cha và mẹ). Có vài tờ báo viết Quí Thể là sai.
* Để hình thành một truyện ngắn, ông viết như thế nào? Cái khó thường gặp trong khi viết truyện?
- Truyện là đời, hãy mở cửa sổ ra nhìn đời mà viết. Có vô vàn cách tìm ra cái tứ của truyện, ra phố, về quê, trò chuyện với bạn bè... Riêng tôi bắt đầu bằng một hình ảnh bất ngờ gây chú ý. Mở đầu kinh Cựu ước là câu: "Bắt đầu là lời". Tôi thì: "Bắt đầu là hình". Hình sinh tứ. Tứ sinh truyện. Tiến trình này hình thành gần như trong mọi truyện ngắn có cốt truyện của tôi. Tôi viết khá nhanh, đôi khi chỉ một ngày.
Cả đời tôi không biết đến cái gọi là đề cương. Đề cương nếu có chỉ ở trong đầu. Tôi nói một ngày là thời gian "sinh nở". Không kể đến thời gian thai nghén (để cho cái tứ chín trong mình) thì không nói. Song mọi truyện thường hành tôi sau khi viết. Thế nên nhiều khi viết xong tôi vội vàng tống nó đi ngay (gửi đăng báo, in sách). Tôi biết để nó lại ngày nào sẽ bị nó hành! Giống như cha mẹ gả con gái đi cho yên chuyện. Viết truyện khó hay dễ còn tùy. Hay hay dở thì tùy tài năng của mình và tùy sự thẩm định của người đọc.
* Thưa ông, người viết văn cần những yếu tố gì? Có cần phải thường xuyên đi thực tế, thu lượm vốn sống để sáng tác?
- Cần năng khiếu, cần yêu thích, cần lao động. Theo tôi, viết là một thứ lao động thú vị, không cực nhọc gì cả. Tôi thường nghe thiên hạ "dọa", nói lao động văn học là khó nhọc, lao động khổ sai... Nếu thấy khổ nhọc thì đừng viết, vì dù có viết cũng chẳng hay ho gì. Còn vốn sống? Đừng nghe người khác nói đến cái gọi là vốn sống mà sợ mình còn trẻ không có, vốn sống không phải là độc quyền của người già. Sống trăm tuổi mà hời hợt cũng chẳng có gì để viết. Vốn sống chẳng là gì ghê gớm cả. Nó chỉ là cái mình cảm, nghe, thấy, đọc, gặp đâu đó... thì đầu óc ta tự động ghi vào bộ nhớ. Và bộ óc con người còn tinh vi hơn cả ổ đĩa cứng máy vi tính, chẳng phải "kích chuột", khi cần dữ liệu sẽ tự động bật ra.
Không cần cái gọi là đi thực tế, đi thu lượm vốn sống. Biết chỗ nào để thực tế ? Biết nơi nào có vốn sống mà lượm? Tôi chỉ yêu cầu một việc: sống có ý thức, đừng sống hời hợt. Cần ghi chép không? Cần, song thú thật tôi vẫn tự hỏi: "Ghi cái gì? Cuộc sống sinh động, thiên hình vạn trạng, nhiều quá làm sao ghi chép?". Tôi vốn lười, không bao giờ ghi chép, viết nhật ký, trí nhớ tôi cũng thuộc loại tồi! Thế nhưng ký ức như cuộn tơ rối, tìm được mối, phăng dần rồi cuối cùng cũng gỡ xong. Vấn đề là không phải sống lâu, ghi chép nhiều mà phải sống có ý thức, sống thật, dấn thân, sống hết lòng, không được sống hời hợt. Muốn làm giàu vốn sống phải biết làm giàu từ bé, không phải cứ đi thực tế một vài ngày là ngồn ngộn vốn sống như nhiều người vẫn nói. Muốn viết văn phải làm giàu vốn sống, mọi lúc, mọi nơi, suốt cả đời.
Sự sáng tạo đòi hỏi cô đơn. Tôi không biết Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tỉ đồng để tổ chức những trại sáng tác để làm gì? Bao nhiêu năm nay có tác phẩm tầm cỡ nào được sản sinh từ những trại sáng tác kiểu ấy? Hay chỉ là cơ hội để bạn bè có nơi bù khú.
* Ông có lên mạng không? Ông có mở blog riêng cho mình? Ý kiến của ông về văn học mạng và văn học giấy?
- Tôi lên mạng thường xuyên, nhưng cũng đi mua báo viết thường xuyên. Một số người, trong ấy có cả tôi, hình như có thói quen cầm tờ giấy đọc vẫn hơn là nhìn màn hình PC. Tôi có blog chỉ đăng truyện của mình, không bàn chuyện thế sự. Tiện đây quảng cáo luôn: http://truyennganquythe.blog.com. Rất vui khi được các bạn vào thăm và đóng góp ý kiến.
Về văn học blog tôi ủng hộ. Đó là nơi cho những cây bút mới vào nghề, chưa có "thương hiệu" bày ra cho thiên hạ ngắm. Nhưng với đà ấy, tôi lo sẽ có ngày blog là nơi chứa đựng bao nhiêu thứ phẩm, rác rưởi văn chương...
* Ngày nay một số người trẻ, có cả những nhà văn lão thành, thích viết về sex, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Sex là phần cốt yếu của sự sống, từ con kiến đến con voi đều có sex. Không ai không cần. Không dâm sao có thánh hiền? Sex là một kho vô tận mà văn học rất cần xâm nhập. Thế nhưng dù sao cũng nên nghĩ mình viết văn, không phải người làm phim sex, cần viết sex dưới dạng văn học. Làm thế nào vẫn sex, vẫn sạch và vẫn đẹp, vẫn nên thơ thì hơn.
* Nếu có lời khuyên cho những người viết trẻ, ông sẽ nói gì?
- Cô cậu nào tự thấy mình có năng khiếu và yêu thích văn học thì hãy cầm bút lên! Nếu bạn đã mơ hồ cảm thấy có "một cái gì” thì chớ vội vàng, cứ để nó chín dần trong bạn. Cuộc hoài thai có thể nhanh hay chậm. Có thể nó hành hạ như người mẹ ốm nghén, nhất là nghén con so. "Cái gì” đó đã chín tới, đến kỳ nở nhụy khai hoa thì bạn dành hết tinh huyết, gạt hết mọi thứ ra khỏi đầu, tĩnh lặng ngồi trước máy vi tính hay tập giấy, chật vật đau đớn một lúc rồi sẽ sinh thành. Bạn sẽ thấy khoan khoái vô cùng, sung sướng tột độ giống như mình thoát khỏi sức hút trọng lực, cảm thấy có thể quạt tay bay lên. Bạn bay lên như chim và nở ra như hoa. Tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ là hoa quả đầu mùa ngon ngọt, cống hiến trả ơn đời. Chúc các bạn thành công
* Chúc ông dồi dào sức khỏe và tiếp tục viết.
LÊ ĐỨC QUANG thực hiện

No comments:

Post a Comment