Monday, March 7, 2011

Lục bình trôi xa

Lục bình trôi xa Thứ bảy, 28/02/2009 21 giờ 10 GMT+7
* TRẦN LỆ THƯỜNG
Bình đi học về.
Mẹ vẫn ngồi bên bàn viết như lúc Bình đi, đầu hơi cúi xuống trên những trang giấy đầy kín chữ. Thật ra, chuyện đó đã trở thành bình thường... Có đêm, gần hai giờ sáng, giật mình thức giấc, đi uống nước Bình thấy mẹ vẫn còn ngồi bên bàn viết như lúc đầu hôm, dáng gầy và lưng hơi cong. Bình đem nước cho mẹ. Mẹ mỉm cười, nụ cười có vẻ mệt mỏi. Còn ba thì hay quát lên khi nửa đêm lụng thụng trong bộ pi-gia-ma kẻ sọc màu xanh với chiếc bụng to đàng trước bước ra khỏi phòng ngủ: “Viết cái gì mà cứ viết hoài. Hơn hai mươi năm rồi, lặp đi lặp lại những chuyện cũ rích”.
Những câu chuyện của mẹ đã xảy ra vào lúc Bình chưa chào đời, vào thời mẹ Bình còn là một thiếu nữ mười bảy tuổi, quàng tiểu liên trên vai, nép người chạy dưới hàng dừa ven sông. Tên người ta thì là Ngọc Lan, là Cúc, là Lài, là Dạ Lý Hương, còn Bình lại là Lục Bình. Nguyễn Thị Lục Bình ! Mộc mạc và đơn giản làm sao. “Nhưng con của mẹ vẫn rực rỡ như hoa hồng nhung buổi sáng”. Mẹ khen Bình, Bình vui vì hoa lục bình là kỷ niệm của cả ba và mẹ cho dù bây giờ, đã hơn hai mươi năm ba và mẹ không còn hòa hợp nữa. “Viết một bài được bao nhiêu tiền, tôi trả cho. Đừng có ngồi viết nữa”. Ba đi làm về, thay bộ đồ thể thao đi đánh tennis, bực dọc gắt gỏng, mai mỉa khi thấy mẹ đang ngồi sửa lại những trang bản thảo. “Đi làm cả ngày đã mệt rồi về nhà nghỉ ngơi cho khỏe, tội gì cứ đày ải đầu óc suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác. Người lúc nào cũng như ở trên mây”. Ba nói thì Bình thấy hơi quá, nhưng Bình cũng phải nhìn nhận mẹ như một người ở tận đâu, xa, xa lắm, bị lạc đến trần gian. Lúc nào mẹ cũng như bâng khuâng ray rứt, trăn trở kiếm tìm trong cuộc sống hiện tại một điều gì đó mà mẹ đã đánh mất trong dĩ vãng. Có phải là quê ngoại có con nước khi lớn khi ròng? Có phải là bác Mười, chú Bảy, má Sáu, cô Tư... Những nhân vật luôn lảng vảng trong các câu chuyện của mẹ? Hết thảy đối với Bình đều lạ lẫm. Ngoại mất rồi không ai còn muốn về nơi đó nữa dù dòng sông vẫn còn đó, con nước thì sáng chiều vẫn lên xuống. Quê nội thì còn xa hơn nữa. Ở tận cùng đất nước. Nghe mẹ nói thì Bình có được về năm lên ba tuổi. Ba bận, lúc nào ba cũng bận. Tết ba không về được, đám giỗ ba cũng không được về. Hôm rồi chú Út lên chơi ba đi thành phố họp cả tuần lễ, bỏ mặc ở nhà mẹ loay hoay mua quà và thuốc cho bà nội. “Anh Tư mỗi ngày mỗi khác...”.
Nghe chú Út nhận xét mẹ chỉ cười buồn. Ba vẫn thường chê mẹ lỗi thời lạc hậu. “Cái thời em còn mặc quần vải đen với chiếc áo bà ba sờn vai đến cơ quan gõ máy đánh chữ lọc cọc đó, qua rồi!”. “Phải! Đã qua nhưng không có nghĩa là người ta phải đánh mất quá khứ. Cái gì cũng có giá trị của nó trong một khoảng thời gian nhất định”. Mỗi khi hai người tranh luận ba thường là người bỏ đi. Không biết có phải vì mẹ nói đúng? Có lần ba có ý định nuôi một con chó ngoại nhưng mẹ và Bình quyết liệt phản đối. Về chuyện này mẹ và Bình có quan điểm giống như nhau. Không phải Bình ngại thêm việc cho mình, mua chó phải tốn một khoản tiền không nhỏ và mỗi ngày phải mất vài lạng thịt bò cho chó ăn. Ba cứ hăng hái chạy theo mốt thời thượng như chiếc bụng của ba đang tích cực cạnh tranh với đồng nghiệp. “Nếu không có chỗ tiêu tiền thì đưa khoản tiền đó cho tôi mang vào trung tâm bảo trợ xã hội. Có ích hơn nhiều”. Giằng co cả tháng thì ba thôi không nói đến chuyện nuôi chó nữa. Phải chi với chuyện viết lách của mẹ ba cũng nhượng bộ thì hay biết mấy. “Bà muốn ám chỉ ai? Cái tay giám đốc tiêu cực trong truyện của bà đó. Tôi đâu có thèm đọc truyện của bà nhưng người ta dí vào mặt tôi bắt tôi phải đọc. Liệu hồn...”. Ba về khuya say rượu, hùng hổ gây sự với mẹ. Ba ném tung bản thảo lên, những tờ giấy bay như bươm bướm rồi rơi xuống dưới chân ba. Như chỉ chờ có vậy, ba giẫm lên không thương tiếc kèm theo những lời rủa xả: “Cái nhà này đâu có sống bằng những đồng bạc nhuận bút của bà... Dẹp hết! Bà phải chấm dứt... Bà sẽ lôi tôi lên giấy, bà sẽ bán tôi...”. “Anh Tư!”. Mẹ quát to trong khi hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt tái nhợt. Ba hơi khựng lại như vừa nhận ra mẹ gọi ai đó quen quen. Còn Bình, có một cái gì đổ vỡ ở trong Bình cùng lúc với hình ảnh ông cán bộ Tư Thanh vào sanh ra tử, sống chết không màng vụt như khói thuốc tan vào khoảng không mờ mịt. Bình ngồi lượm những tờ bản thảo cho mẹ mà rưng rưng khóc. Đêm thật lạnh! Trong nhà hầu như không ai muốn thở. Ba ngã vật xuống giường ngủ say như chết, mẹ lại ngồi bên bàn nhưng không viết và không cả bật đèn. Trong bóng tối, thỉnh thoảng Bình nghe có tiếng thở dài. Bình về phòng riêng, úp mặt xuống gối.
Chẳng biết từ lúc nào ba không còn to tiếng, cáu gắt nữa. Ba chỉ gườm, chỉ hầm hừ khi đi qua mẹ. “Ba con lúc này thật dễ chịu”. Mẹ cười vui vẻ nói với Bình. Còn Bình không thể vui được. Mẹ không biết từ lúc nào ba thôi không gây gổ nữa nhưng Bình thì biết. Từ buổi tối Bình bắt gặp ba chở một cô gái tóc ngắn, mặc áo hở vai, vòng tay qua bụng ba thật chặt. Cô ta có lẽ chỉ lớn hơn Bình vài tuổi. Sáng hôm sau, Bình sửa soạn đi học, ba xách chiếc cặp đen ra đến cửa vụt quay lại. “Con thích gì nói ba mua?”. “Con chẳng thích gì cả!”. Bình nghe giọng mình nhạt nhẽo khô khốc. “Chuyện tối qua...”. Ba nói rất nhỏ có lẽ vì sợ mẹ ở trong phòng nghe thấy. “Ba yên tâm, con sẽ không nói gì với mẹ”. Bình nhìn ba như nhìn kẻ lỡ đường xin nước uống. Ba chắc lưỡi phân bua. “Chặc! Không có gì đâu! Không có gì! Hôm nào có dịp ba với con sẽ nói chuyện nhiều hơn... con sẽ hiểu ba”.
Bình trở nên buồn bã. Mười tám tuổi! Bình cảm thấy không còn vô tư nữa. Năm nay là năm cuối của Bình ở bậc trung học. Mẹ đã có ý định sang năm đưa Bình lên thành phố vào đại học. Mẹ sẽ sống sao đây khi ngôi nhà chỉ còn lại mẹ và ba? Đôi lần Bình cũng tự hỏi tại sao Bình im lặng, không nói gì với mẹ. Bình không biết, Bình không thể trả lời mình. Có đêm, Bình mơ thấy hai mẹ con đứng ở ven bờ trông theo bè lục bình đang trôi giữa dòng sông, trên đó có mấy bông tim tím. Mẹ và Bình đứng trong bóng hoàng hôn đến khi bè lục bình mất hút cuối dòng sông. Tiếc ngẩn tiếc ngơ, Bình bật khóc nức nở. Choàng tỉnh, nước mắt còn đầy trên má. Bình nghe tiếng ngáy đều đều của ba từ phòng bên vọng sang lẫn trong tiếng đồng hồ tích tắc. Bình yên tâm hơn khi nghe tiếng mẹ hắt hơi. Có lẽ đêm trở lạnh mà vì mải mê viết mẹ quên không mặc áo ấm...
Bình đến ngồi xuống chiếc ghế trống bên kia bàn. Mẹ quay nhìn Bình rồi buông viết xuống, vươn vai. “Con đi chơi về sớm vậy”. “Con đến nhà nhỏ Thủy lấy quyển sách. Tụi con chuẩn bị thi kỳ hai rồi đó mẹ”. Mẹ đưa tay vỗ trán. “Ồ! Mẹ quên mất! Đã thi kỳ hai rồi à? Có lẽ mẹ phải nghỉ viết một thời gian để chăm sóc sức khỏe cho con học thi. Con bớt làm việc nhà đi để có thời gian học. Để mẹ làm cho”. “Không sao! Mẹ đừng lo, con biết thu xếp mà”. “À! Nhà mình còn trứng gà không con?”. “Con mới mua hôm qua”. “Ờ! Mẹ muốn nấu chè trứng cho con ăn tối, thức khuya xót ruột lắm”. Mẹ xếp những tờ giấy ngay ngắn rồi đứng lên. “Ba con cũng rất thích ăn chè trứng. Tối nay hai mẹ con mình cùng đợi ba về ăn”. “Con không tiếp mẹ đâu nghen!”. Bình nói với theo khi mẹ đi vào trong. Bình nghe mẹ nói câu gì không rõ. Lòng buồn rười rượi khi thấy mẹ hớn hở đi làm bếp. Hồi chiều, ba gọi điện thoại về nhà bảo không về vì có khách. Chiều nay ba không đi đánh tennis, Bình biết ba đi đâu. Có lẽ tối nay mẹ và Bình sẽ cùng ngồi bên nồi chè trứng đến sáng.
Bình cầm lấy tờ bản thảo mẹ đặt trên cùng đang viết dở dang. “Anh cầm cây tre dài cố chồm tới trước để kéo bè lục bình đang trôi trên sông. Cô gái đứng bên cạnh luôn miệng thúc hối khiến tay chân anh càng thêm lóng ngóng. Nước dưới sông hình như chảy xiết hơn, bè lục bình trôi ra xa hơn nữa. Anh cứ rướn người, rướn người thêm chút nữa, chút nữa. Rồi anh rơi tòm xuống nước. Cô gái đưa tay bưng miệng cười quên khuấy bè lục bình đã theo dòng nước trôi đi mất”.
"Bến Kim Hằng" Thứ bảy, 14/02/2009 20 giờ 23 GMT+7
* HỒNG - SA
Hồi còn đi học, tôi và Thái rất thích đọc thơ của Nguyễn Bính. Thái rất thích chuyện “cô lái đò” với một mối tình dang dở: cô xinh đẹp, vui tươi, làm cho khách sang sông ai cũng mến. Từ đó nảy sinh một mối tình với một chàng trai. Nhưng không rõ vì sao, chàng trai đi biệt. Cô lái đò chờ, chờ mãi, rồi hy vọng tan dần...! “Cô đành lỗi hẹn với tình quân”! Từ đó...
... “Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông,
Cô lái đò xưa đi lấy chồng!
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông”!
Thái nào phải là một khách sang sông của cô lái đò ấy. Nhưng chàng ta cũng cảm thấy buồn! Cái buồn của Thái làm tôi cũng buồn lây!
Khi vào bộ đội, chúng tôi mang theo hình ảnh cô lái đò của Nguyễn Bính và câu chuyện tình dang dở. Ngờ đâu, trên những nẻo đường chiến đấu, chúng tôi lại gặp một cô lái đò thật sự, và từ đó đã nảy sinh một câu chuyện tình rất thương tâm...
* * *
Kim Hằng là một nữ du kích có rất nhiều thành tích, được địa phương ca ngợi về tinh thần dũng cảm và mưu trí trong chiến đấu. Hằng không đẹp lộng lẫy, nhưng có cái duyên ngầm. Gương mặt cô lúc nào cũng dịu dàng, rất dễ gần gũi với mọi người. Đặc biệt là cô có cái miệng rất tươi lúc nào cũng hé nở một nụ cười tự nhiên. Nhưng Hằng rất nghiêm túc. Giỡn mặt với cô không được đâu! Bọn lính trẻ chúng tôi có những anh chàng hấp tấp buông những lời trêu ghẹo, đều bị trả đũa rất linh hoạt, rất lịch sự và cũng rất đau. Hằng càng được nhiều anh nể mặt, dù cô chỉ mới hai mươi tuổi.
Chiến trường ngày càng ác liệt. Hằng được điều về phụ trách một trạm giao liên, hằng ngày đưa rước cán bộ và bộ đội qua lại con kinh PH. Đây là nơi trọng điểm bảo đảm cho tuyến liên lạc chủ yếu của vùng này, giữa miền Tây sông nước. Trạm liên lạc của Hằng còn đảm nhiệm đưa cán bộ, tài liệu và vũ khí đến nhiều nơi thường phải qua đồn giặc. Trong các trận đánh quan trọng, các cô giao liên này còn có nhiệm vụ chuyển thương binh về phía sau. Trạm giao liên của Hằng thường xuyên hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhứt là Hằng, người chỉ huy trẻ luôn luôn gương mẫu.
Mỗi lần có việc phải sang sông, bọn chúng tôi mong được gặp Hằng, nói vài ba câu chuyện cho vui đời lính. Nhưng yêu cầu ấy lắm lúc cũng không đạt được, vì khi nắm được thời cơ yên tĩnh, Hằng ra lệnh xuất phát. Xuồng từ trong rạch nhỏ ra kinh lớn, rồi chèo hết tốc độ vượt sang bờ bên kia, chui vào một cái xẽo cho khách lên bờ. Nếu chậm trễ thì có khi không kịp tránh máy bay địch. Pháo của chúng từ xa cũng thường nhằm vào đây mà nhả đạn, nên phải nhanh chóng ra khỏi khu vực “tử thần” này! Tuy vậy, nhiều anh bạn cũng mong muốn có nhiều thời gian gần gũi “cô lái đò”, ngoài tình đồng đội còn có một thứ tình cảm ngọt ngào giữa trai gái... Nhưng mỗi lần xuồng cặp bến ở trạm khách bên kia thì thường nghe một câu của Hằng: “Chúc các anh, các chị đi đường mạnh khỏe. Hẹn gặp lại”. Con đò lập tức rời bến. Khách nhìn theo giơ tay vẫy vẫy. Thế là thôi. Khách tiếp tục hành quân, mang theo vài mẩu chuyện về “cô lái đò” dùng làm những món “lương khô” tình cảm để đem ra nhấm nháp mỗi khi nhớ đến mối tình một phía.
Trong số khách si tình đó có Thái. Tôi biết chắc như vậy, vì không có bí mật nào mà Thái lại không nói với tôi. Vì không lần nào nói gì được trong những chuyến sang sông nguy hiểm như vậy nên đã mấy lần, Thái viết thư nói rõ tình cảm của mình rồi gởi lại cho Hằng qua tay cô giao liên chèo mũi. Một hôm, Thái nhận được một bức thư trả lời. Thái mở ra xem. Xem xong, Thái buồn bã bảo tôi: “Đọc đi”! Trong thư chỉ có mấy dòng ngắn ngủi viết nắn nót: “Anh Thái thân mến! Tình hình còn căng thẳng quá, Hằng chưa nghĩ đến chuyện yêu đương. Nhứt định sẽ có ngày Độc- lập. Chừng đó sẽ tính sau. Xin cám ơn tình cảm của anh”. Thái đọc lại bức thư. Cả mấy ngày sau, Thái thường ngồi tư lự, không buồn trò chuyện với ai. Và từ đó tôi thường nghe Thái nghêu ngao mấy câu thơ được dịch từ một bài thơ tình của một nhà thơ Pháp:
“Lòng tôi chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thu!
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người để khổ như hầu không hay”!
Thái than: Người ta yêu trong giây phút mà thành thiên thu. Còn tao yêu biết bao lâu thì mối tình của tao sẽ kéo dài đến ngày tận thế...
Tôi cố an ủi Thái. Nhưng tôi đâu có đủ lời để làm dịu bớt những nỗi “vạn kiếp sầu” của những anh chàng mang bệnh tương tư. Sau đó ít lâu, tôi được điều ra đơn vị chủ lực, rồi đi, đi mãi, hết miền Tây lại đến miền Đông! Thái ở lại tỉnh nhà, rồi lại cũng đi, hết U Minh lại Đồng Tháp. Chúng tôi không có điều kiện liên lạc với nhau. Tôi nghĩ giản đơn, nỗi buồn nào rồi cũng tan dần theo năm tháng, nhứt là trong thời chiến. Tình hình luôn bắt buộc người lính phải đối phó với địch, đâu ai có thể ngồi mãi thở than cho một mối tình, dù đó là mối tình đầu, hay là mối tình đuôi đã khắc cốt tự năm nào. Tôi yên chí, dù “cô lái đò xưa đi lấy chồng” thì mối tình của Thái cũng tan dần, chớ không phải như những “mối tình mang xuống tuyền đài không tan” trong pho tình sử ngàn xưa!
* * *
Năm năm trôi qua. Bỗng một đêm trên đường công tác, tôi và Thái gặp nhau ở một trạm giao liên giữa Đồng Tháp. Mắc võng nằm kế bên nhau, chúng tôi kể cho nhau nghe biết bao là chuyện. Tôi chực nhớ đến Hằng, hỏi luôn:
- Con bé Hằng, cô lái đò của mầy ngày trước, thuộc về ai rồi? Hay cô đã “bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông” như cô lái đò của Nguyễn Bính? Đứa nào được cô ta thì như được vàng đó nhé!
Đang vui, Thái bỗng nín lặng, dường như bị nghẹn ngào bởi một cú “sốc”. Tôi cảm thấy câu hỏi vừa rồi đã gợi lại cho Thái một nỗi buồn sâu lắng, nên chuyển sang chuyện khác. Nhưng sau một lúc im lặng, Thái thở dài một tiếng nghe rất não nuột, rồi nói chậm rãi:
- Từ lâu rồi, tao không nói với ai về mối quan hệ giữa tao với Hằng, vì nói ra, e lại gợi buồn cho người khác. Nhưng mầy đã nhắc đến Kim Hằng thì tao cũng kể để chia bớt với mầy một mớ tâm tư! Hằng bây giờ không thuộc về ai cả, mà thuộc về truyền thống chiến đấu của địa phương của Hằng. Tên của Hằng nằm trong danh sách của gần một trăm liệt sĩ của xã PH. Mộ của Hằng cũng đã được qui tập về nghĩa trang. Tao đã tham gia vào cái việc ân tình nầy. Lúc nào có dịp, mầy cũng nên đến đó thăm Hằng để đáp đền cái nghĩa sang sông! Chuyện là vầy: Sau bức thư coi như một thông điệp từ chối bằng hai chữ “tính sau” ấy, tao không gặp Hằng vì cô cố ý né tránh, không để cho mối quan hệ rắc rối thêm. Cho đến một đêm, khi ta đánh một đồn địch ngoài quốc lộ, tao bị thương cùng một số đồng chí khác. Dân công tải thương về bờ kinh, chuyển anh em xuống xuồng đưa về trạm quân y dã chiến ở phía sau. Các chiếc xuồng nhanh chóng ra khỏi nơi tập trung, bơi xuôi theo dòng nước. Còn lại một chiếc, chỉ có thể chở được sáu người. Trong khi đó, số thương binh còn lại cũng đúng là sáu. Vậy thì hai người chèo phải tính sao đây? Chẳng lẽ lại bỏ hai thương binh lại bến? Tao định xin ở lại đi sau, nhưng lúc ấy, tao nghe đúng là tiếng của Hằng nói to, ra lệnh đưa cả sáu thương binh xuống xuồng. Tao nghĩ: vậy thì xuồng phải chở đến tám người, chìm mất... Tao còn đang băn khoăn thì nghe tiếng Hằng bảo người chèo phía trước: “Chị Năm, tôi với chị lội xuống nước, vừa đẩy, vừa nâng chiếc xuồng, đi ngược dòng nước, nhanh chóng vô cái xẽo kế nhà ông Hai Lâm, đi tắt ra cánh đồng Tư Hải. Từ đó, mình đẩy xuồng tắt ruộng tới ngọn rạch Cái Sơn. Ở đây có nhà dân. Mình mượn xuồng đưa bớt thương binh qua đó rồi trở ra kinh, chèo đến bệnh xá. Phải hết sức khẩn trương vì có thương binh nặng. Thế nào địch cũng bắn pháo vô đây chận đường rút lui của quân mình! Đừng để anh em bị thương một lần nữa”.
Tao chỉ nghe phía trước “ừ” một tiếng, rồi chiếc xuồng nhẹ lướt trên dòng nước. Khi xuồng vô tới ruộng, nhiều chỗ nước cạn, hai người phụ nữ ì ạch đẩy, nặng nề lắm! Những tiếng thở gấp làm tao rất xót xa nhưng chẳng biết làm sao... Khi xuồng ra đến giữa đồng thì pháo địch bắn đúng vào nơi tập trung lúc nãy.
Đưa thương binh lên trạm, nhận ra tao, Hằng nói nhanh: “Ủa anh Thái”. Hằng đứng lặng như không biết phải làm gì, rồi tự nhiên hai dòng nước mắt rơi rơi... Tao gượng cười, nói lắp bắp: “Cám ơn Hằng. Cám ơn chị Năm! Đêm rồi, vất vả quá”. Tao không nói gì được nữa, rồi nước mắt cũng tuôn tuôn. Tao khóc mà lại mừng, khi nghĩ rằng nước mắt của Hằng vì tao mà đã đổ...
Các cán bộ quân y sơ bộ xử lý các vết thương và đưa thương binh nặng lên tuyến trên. Tao lại đi. Và Hằng cũng về ngay. Hai đứa không nói được điều gì thêm nữa, nhưng có lẽ, nước mắt đã nói thay lời! Tao nghĩ đó là tín hiệu của tình yêu, là kết quả của hai chữ “tính sau” trong bức thư ngày trước. Đó là một số “phần trăm” của Hằng được cộng vào mối tình đơn phương năm chục phần trăm của tao lúc ấy. Phải chi tình yêu là một đại lượng có thể cân đong đo đếm được thì tao cũng cố tìm cho ra cái ẩn số làm nức lòng người ấy!
Nói đến đây, Thái ngừng lại như để trở về với những kỷ niệm ngọt ngào ngày ấy. Rồi Thái tiếp:
Tuy vậy, tao vẫn thấy trong mối quan hệ giữa tao với Hằng, tình yêu cứ nặng dần lên khi tao nhận được mấy bức thư thăm hỏi của Hằng lúc tao nằm điều trị ở bệnh xá trung đoàn. Tao định khi điều trị xong, sẽ đi tìm Hằng. Không ngờ một hôm, Hằng đến thăm tao! Vậy là đã rõ: Tình trong như đã, mặt ngoài cũng đã luôn! Hằng đến thăm tao năm lần trong ba tháng tao điều trị vết thương. Mỗi lần đi là một lần khó khăn, nguy hiểm, vì lúc bấy giờ tình hình ngày càng phức tạp. Khi tao về đơn vị, được đưa đi học, rồi lại được điều về một địa bàn mới rất cách trở bởi nhiều con sông. Tao và Hằng chỉ còn liên lạc được với nhau bằng thư từ, nhưng rất hiếm hoi. Tuy vậy hai đứa vẫn thương yêu, tin tưởng, đợi chờ!
Hai năm sau, cho đến một ngày... Ngày ấy, trời như đổ sụp trên đầu tao. Một anh bạn đi công tác về báo tin, khi đi qua vùng PH, anh được tin Hằng đã hy sinh khi tham gia vào một trận đánh lớn tại địa phương, với nhiệm vụ là chuyển thương binh về phía sau. Anh bạn không nắm hết các chi tiết về cái chết của Hằng, nhưng việc Hằng hy sinh là điều chắc chắn...
Được tin nầy, tao như người mất hồn. Thông cảm tâm trạng tao, cấp trên cho tao đi phép. Những việc tao tìm hiểu thêm càng làm tao thêm yêu và kính phục Hằng:
Đêm ấy, trận đánh sắp kết thúc. Ta cơ bản đã chiếm được đồn giặc, chỉ còn vài ổ đề kháng. Phải giải quyết dứt điểm trận địa vì trời sắp sáng. Các lực lượng tập trung vào nơi địch cố thủ. Trong khi đó, ta chưa đem hết thương binh ra phía sau. Còn mấy người bị kẹt trong các lớp rào dây kẽm gai của địch. Không ngần ngại nguy hiểm, Hằng cùng mấy cô trong trạm giao liên bò vào cõng được ba anh ra bãi tập kết, rồi lại trở ra cõng tiếp những người còn lại. Chẳng may, một quả lựu đạn gài nổ ngay khi Hằng vừa qua lớp rào thứ nhất. Hằng hy sinh trên tay của các đồng đội. Trong đồ đạc của Hằng để lại, có bức thư Hằng chưa kịp gởi...
Sau một tiếng thở dài, Thái nói:
Chuyện “cô lái đò” của tao là vậy đó. Nhớ Hằng, tao cũng nhớ đến cô lái đò của Nguyễn Bính. Khách sang sông có buồn, nhưng đâu có cái buồn của ai như cái buồn của tao khi “cô lái đò” của tao không còn nữa. Tao cũng mượn mấy vần thơ của thi sĩ để nói lên tâm trạng của mình:
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng kênh,
“Cô lái đò” xưa đã bỏ mình!
Đã quyết đấu tranh vì nghĩa cả,
Tình riêng nào ngại phải hy sinh!
“Vắng bóng cô em từ dạo ấy”, chắc là khách sang sông cũng buồn! Khách sang sông của Hằng phần lớn là chiến sĩ. Khách buồn vì vắng cô lái đò vui tính, mến khách, và nhứt là dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, đầy trách nhiệm, dám hy sinh tính mạng của mình để bảo đảm an toàn cho khách. Rồi không biết từ đâu, cái bến khách của Hằng được người qua lại gọi là “Bến Kim Hằng”! Cái tên Kim Hằng bỗng trở thành một địa danh mà bà con ở địa phương rất trìu mến và trân trọng. Trong tim tao cũng có một “Bến Kim Hằng” với “cô lái đò” mà tao thương nhớ mãi...
* * *
Thái nằm yên. Nhưng ai biết được, nơi “Bến Kim Hằng” trong lòng của Thái, đang tràn ngập nhớ thương!
Trời chưa sáng, nhưng chúng tôi đều không muốn ngủ. Không ai kể chuyện gì thêm, mỗi người một tâm sự. Thái thỉnh thoảng lại thở dài. Sáng ra, chúng tôi lại chia tay. Thái ngậm ngùi. Tôi buồn rơi nước mắt. Xưa nay, tôi ít khóc. Nhưng hôm nay, tôi muốn để cho nước mắt nói thay lời!...
Tình quê hương Thứ bảy, 07/02/2009 21 giờ 24 GMT+7
Ngày tôi còn nhỏ gia đình rất nghèo, cha mất sớm, mẹ phải tảo tần nuôi các con còn nhỏ dại. Quê tôi làm ruộng chỉ có một mùa, đất đồng ruộng mênh mông bát ngát, sông rạch chằng chịt, nhà cửa lưa thưa chủ yếu là cây lá nằm lẩn khuất trong những khu vườn nhỏ.


Đến tháng bảy tháng tám âm lịch, khi công việc cày cấy đã xong. Tôi đã chuẩn bị từ trước hơn trăm cần câu vót bằng những cây tre già để vào mùa cắm, kiếm cá phụ giúp gia đình.
Nhà tôi có chiếc ghe nhỏ có mui. Hàng ngày bốn giờ chiều chúng tôi xuống ghe bơi đến địa điểm cắm câu. Trên ghe đã có sẵn đèn, nước, lò, củi, nồi và đồ ăn mang theo: khoai lang, chuối... đôi khi có cả mía để ăn cho đỡ đói, đỡ buồn vì đi cắm câu đến sáng mới về. Cùng đi cắm câu với tôi có vài người bạn trong xóm tháp tùng bầu bạn cho vui.
Ghe xuôi theo con rạch đến nơi. Chúng tôi cắm sào cho chắc, xong mỗi đứa chọn một vạt đường cắm. Cắm xong, móc mồi, trở về chỗ đậu ghe chờ nước lớn lên ruộng, cá đi theo nước gặp mồi ăn thì mắc câu, chỉ việc đi thăm gỡ cá bỏ vào giỏ.
Các bạn tôi sau khi cắm xong cũng lần lượt về lên ghe ngồi. Mặt trời vừa lặn, sắp hoàng hôn. Nhìn về phía chân trời, những đám mây vẽ lên những bức tranh muôn hình vạn trạng: có lúc như những dãy núi chập chùng nằm kế bên biển cả, lúc như những đàn chiến mã xung phong ra trận, khi thì như những đàn voi đang ùn ùn di chuyển... trông thật là sinh động.
Màn đêm từ từ buông xuống. Các bạn tôi nhóm lửa nấu khoai, chuối ăn chờ nước lên. Khi nước đã lên ruộng cao khoảng từ một tấc rưỡi đến hai tấc thì bắt đầu thăm câu. Mỗi người một cái đèn khí đá có dây cột mang trước ngực, bên hông thì nịt một cái giỏ to, tay thì cầm cây vợt tròn đường kính khoảng ba tấc bằng dây gai để vớt cá. Cá mắc câu phải lần theo dây nhợ và lấy vợt vớt lên gỡ khỏi lưỡi câu, bỏ cá vào giỏ. Thăm câu xong lần đầu, tất cả các bạn trở về ghe, tiếp tục ăn những củ khoai, trái chuối còn thừa lại, chờ đi thăm lần sau.
Ăn xong, ngắm nhìn trăng sao, giữa khoảng trời nước mênh mông, có đứa bạn cảm hứng ca vài câu vọng cổ học lóm của bài “Sầu vương biên ải” mà nghệ sĩ Út Trà Ôn ca trong dĩa hát. Giọng ca không hay nhưng nghe buồn não nuột, giữa đêm khuya canh vắng gợi cho tâm hồn nỗi buồn man mác mông lung.
Sau đợt thăm câu lần hai và móc mồi lại, nước đã giựt xuống ruộng, cả bọn xuống ghe năm ngủ. Gần sáng nước lớn thăm đợt chót, cuốn câu về. Đêm nào trời mưa gió, đi thăm câu gió thổi tắt đèn nhiều lần, tay ướt quẹt lửa rất khó khăn. Kế bên nơi câu là khu nghĩa địa, sấm chớp nháng lên rồi vụt tắt, bóng tối bao trùm. Nhưng thường những hôm đó trúng mối, cá mắc câu nhiều, ham quá nên không sợ nữa. Khi về đến ghe thì mình mẩy ướt như chuột lột, phải đốt lửa sưởi ấm. Sáng về khi đổ cá trong giỏ ra, mẹ tôi rất mừng và xúc động vì tôi còn nhỏ mà đã biết lo phụ giúp gia đình.
Thời gian trôi qua, tôi xa quê đã hơn bốn mươi năm, vật đổi, sao dời, kẻ còn, người mất. Ngày trở về cảnh vật đã hoàn toàn thay đổi. Cánh đồng mà tôi và các bạn đi cắm câu ngày nào nay đã không còn. Quê tôi đường sá rộng rãi, thênh thang, công trình đồ sộ, nhà cửa nguy nga nhiều tầng, chợ búa buôn bán phồn thịnh. Tôi cảm thấy mừng khi quê hương mình đổi mới trên đà phát triển đi lên nhưng trong lòng vẫn bồi hồi xúc động nhớ kỷ niệm xưa.
Hồn mai Thứ bảy, 07/02/2009 21 giờ 17 GMT+7
Truyện ngắn của ĐẶNG HOÀNG THÁM
Ông ta quả quyết với tôi rằng, con người từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt thì chuyện buồn bao giờ cũng nhiều hơn chuyện vui! Con người là một bi kịch mà thượng đế đã gây dựng lên để ông ấy làm trò chơi cho vui! Còn “sinh, lão, bệnh, tử” là nỗi buồn triền miên của nhân loại” - Vị đạo sĩ trên núi nói với tôi như vậy và ông có vẻ hài lòng với hoàn cảnh của mình...
***
Hồi đó, mỗi khi cận Tết, tôi và Huy nai nịt gọn gàng, mang theo lương khô vài ngày đi sâu vào khe núi Voi để tìm mai rừng. Mai hoang ở vùng núi nầy có khá nhiều, mọc theo những kẹt, hốc đá. Nhưng để tìm được cây mai có dáng đẹp, hoa nhiều cánh cũng không phải là chuyện dễ.
Tôi và Huy dẫn theo hai con chó săn. Một con khá già tên Luc-Ki, một con vừa trưởng thành tên là Mi-Sa. Hai con chó nầy rất mạnh mẽ và sung sức.
Vượt qua dòng suối trong veo tới ống chân, nước chảy róc rách luồn qua những khe đá gan gà trơn nhẩy. Chúng tôi đi dọc theo lối mòn ven suối. Dấu chân chi chít của nhiều loài chim, thú còn in khá rõ ven những bãi cát nhỏ, hiếm hoi. Rừng đại ngàn thâm u. Xạc xào, vi vu tiếng gió thổi qua những tàn cây hun hút. Chúng tôi len lỏi, đeo bám nơi những vách đá chen với cây rừng hiểm trở. “Không hiểu vì sao cây mai lại rất ưa thích những nơi khô cằn, thiếu đất dinh dưỡng? Nhưng những cành mai ở đó rất đẹp, nở nụ mạnh mẽ, đúng thời tiết như có một sự giao hòa với đất trời!”- “Cấm Sơn, Núi Voi đã có hàng mươi triệu năm rồi, nó từ dưới biển nhô lên!”- Huy nói - Hồi đi học, cậu ta rất giỏi môn sử, địa lý.
Chúng tôi làm dấu những cây mai ưng ý, để đó và đi tiếp. Trời xế bóng. Ánh nắng vàng nhạt xuyên lốm đốm qua những tán cây rừng rậm rạp. Chúng tôi phải đi kịp về Vồ Thiên Tuế để nghỉ đêm. Nơi đây có xóm dân cư nhỏ trên núi với chừng mươi hộ làm rẫy, săn thú. Chúng tôi đi men theo con đường mòn quanh co xuống một thung lũng hẹp rồi băng lên một dốc núi cao, đường lên Vồ Thiên Tuế khá hiểm trở. Trời chập choạng tối. Khói sương bốc lên nghi ngút la đà, bàng bạc khắp núi rừng... Xóm nhà trên núi lờ mờ ẩn hiện trong làn sương trắng lành lạnh của buổi chiều đông.
- Chủ nhà ơi! Xin mở cổng... Xin mở cổng.
- ...Các người là ai?
- Dạ... Chúng tôi là... Người ở rừng lá mối*.
- ...Chờ một chút...
- Xin cám ơn!...
Một cô gái dáng mảnh mai, nhẹ nhàng ra mở cổng. Cô mặc bộ đồ bà ba trắng mà các cô gái hay mặc khi đi am, điện hoặc những lúc cúng lễ. Ở vùng nầy người ta theo đạo của thầy Ngô Lợi* nhiều lắm. “ Xin mời các huynh vào...”- Giọng cô thánh thót. Tôi và Huy bước qua cổng khu vườn. Có một tấm biển gỗ viết bằng sơn đỏ, đề “Lâm gia đường” treo trên thân cây ngọc lan cổ thụ. Dọc dài theo lối đi của những bậc tam cấp thoai thoải có trồng nhiều hoa và cây thuốc. Đá tảng to, nhỏ rải rác trong vườn. Nơi nầy giống như một sơn trang trong phim kiếm hiệp. Tôi nhủ thầm. Luc-Ki và Mi-Sa ngoắc đuôi bám theo sát tôi và Huy.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt và gây ấn tượng cho tôi là một cụ già râu tóc trắng như bông đứng bên thềm một ngôi nhà sàn cao ráo, rộng rãi. Dưới chân cụ có một con chó cò, mũi đỏ, tai vểnh. Hình như nó là một con chó cái, bởi cái dáng vóc của nó có vẻ yểu điệu! Mi-Sa và Luc-Ki đánh hơi hít hít cái mũi, kêu rít hư hứ trong cổ, chúng rùn bộ, đuôi sè sè như cây chổi cùn quét nhè nhẹ, liếu riếu ngang mặt đất.
- Xin chào thầy... Tụi con đi tìm mai. Nếu không có gì trở ngại... Xin thầy cho tá túc đỡ một đêm.
- Các người ở dưới chợ ư?
- Dạ thưa phải ạ!
- Các người săn tìm mai để bán hay là chơi?
Tôi nháy mắt với Huy – “Thưa thầy... Tụi con sưu tầm mai để làm kiểng và không bán”.
- Thôi vào nhà nghỉ. Tối nay uống trà với ta.
- Cám ơn thầy...
Cô gái áo trắng dẫn chúng tôi vào cái chái bên hông nhà. Nơi đây có một bộ ván ngựa bóng loáng và sạch. “Đêm nay các anh ngủ ở đây”. Cô gái nói.
Khi đã yên nơi chỗ, chúng tôi dọn cơm nắm ra ăn. Tôi nhìn quanh tìm Luc - Ki và Mi -Sa. Bọn chúng đã biến mất. “Hai thằng nầy đi theo cái rồi! Dữ thật...” - Huy lầm bầm: “ Có ngày tụi bây sẽ toi mạng!”.
Ăn xong. Chúng tôi theo cô gái vòng qua một cái sân rộng ở chếch hiên nhà. Ông cụ đã ngồi dưới gốc táo rừng tự bao giờ với chiếc bình sứ trắng và mấy cái chung nhỏ. “Tiểu Nhi... châm trà đi con”. Cô gái dạ nhỏ khẽ khàng. Trong ánh trăng sáng trong, mượt mà như sữa, Tiểu Nhi đẹp thật lạ lùng. Tối nay cô khoác bộ áo cánh như các tiểu tiên nữ. Cụ ông đầu búi tóc củ tỏi, dáng tiên phong đạo cốt. Tôi đã từng nghe nói về những đạo sĩ của Thất Sơn. Có lẽ cụ ông là một trong những người ấy.
***
“Cây có ba thân mộc gọi là tam tài, thể hiện một tiểu vũ trụ thu nhỏ, trong đó con người là nhân tố vật chất và tâm linh cấu thành thế ba chân vạc của trời đất, không thể thiếu được! Ba thân mộc hoặc ba nhánh còn được hiểu là tam đa. Nếu cây có bốn nhánh được xem như tứ linh hay tứ quý. Nếu cây kiểng có năm nhánh, có thể gọi là ngũ phúc.
Cây mẹ bốn nhánh, cây con ba nhánh có hình dáng mảnh mai, mềm mại thể hiện nữ tính thì ứng với tam tòng, tứ đức của người phụ nữ.Cây cha có năm nhánh, cây con ba nhánh tượng trưng cho tam cang, ngũ thường của bậc túc nho, quân tử. Thường những cây nầy vóc vạc hiên ngang, rễ u nần, mạnh mẽ, lá dầy to xanh tốt.
“Dịch” chuyển theo quan niệm vô vi của Lão giáo, đơn giản mà huyền diệu theo lẽ tuần hoàn, cùng với sự giao hòa cũng như đối kháng của âm dương, thái cực mà tạo nên sự tương sinh, tương khắc, có không, không có!... Nhánh ở giữa thân cây kiểng gọi là nghinh sương, trên cao ngoặt xuống gọi là chiếu thủy, nhánh ở giữa ôm sát thân gọi là trung bình. Hình thể của cây kiểng thể hiện những tư tưởng biến dịch theo âm dương, ngũ hành của “Đạo”.
... Người chơi cây kiểng khi đã đạt đến “cảnh giới” thì xem cây kiểng như là đồng loại, có hình, có sắc, có thanh, có khí! Ở môi trường ấy, thiên nhiên, con người và nghệ thuật đã hòa hợp thành một thể thống nhất, một tiểu vũ trụ trong lòng một đại vũ trụ bao la! Cây kiểng có khi cũng như con người...”.
Tôi và Huy vô cùng thán phục trước sự uyên bác của cụ “Tiên ông”. Có thể nói cụ là một nhà “kiểng học” mặc dù cụ ẩn dật giữa núi rừng hoang dã. Tiểu Nhi thỉnh thoảng châm trà thêm cho chúng tôi và đôi mắt cô khẽ liếc nhẹ. Không hiểu giữa tôi và Huy cô ấy chú ý ai!? Mi-Sa và Luc-Ki làm quen rất nhanh với “Phi Tuyết”- tên của con chó cò - cả bọn kéo nhau ra vồ đá cuối sân giỡn trăng, thỉnh thoảng chúng cao hứng tru tréo, phát ra những thanh âm cao vút.
... Chúng tôi từ giả cụ “Tiên ông” và Tiểu Nhi khi trời chưa sáng hẳn. Trăng trên cao tỏa sáng vành vạnh, treo nghiêng trên đỉnh núi. Vườn hoa kiểng của “Lâm gia” tỏa hương phảng phất. Có một cây mai trắng như hình người con gái đứng đợi ai trong màn sương trắng la đà lúc đậm, lúc nhạt, mơ hồ và hư ảo. “Thỉnh thoảng có đi ngang ghé ta nhé!”- Ông cụ hình như thích có người để tâm sự về cái “đạo” chơi hoa kiểng. Cô gái - con của ông ấy - lúc thì vui vẻ, lúc thì nghiêm túc không đoán được!
Năm sau, vào một mùa trăng cận Tết, tôi có công việc đi xa... Ở nhà, Huy dẫn Mi-Sa và Luc-Ki lên núi. Có một điều vô cùng bất ngờ là Huy ở lại luôn trên ấy. Tết đến anh vẫn không về nhà dù tôi và chị của anh ta có lên chỗ “Tiên ông” và “Tiểu Tiên nữ” “mời” anh về. “Tôi đã hứa với Tiểu Nhi và ông cụ ở lại đây luôn rồi! Bây giờ ông cụ đã qui tiên. Tiểu Nhi có một mình. Tôi không thể bỏ cô ấy cô độc giữa núi rừng hoang vắng nầy được! Còn cô ấy thì cũng kiên quyết không rời khỏi “Lâm gia”, nơi mà cô đã sống từ bé đến giờ...”. Huy nói với tôi rất nghiêm túc.
...Thỉnh thoảng tôi có lên núi tìm cây thuốc, ghé thăm Huy và uống trà với anh. Luc-Ki ở lại với Huy, còn con Mi-Sa tôi bắt về. Mi-Sa có vẻ không hài lòng lắm khi theo tôi trở xuống đồng bằng.
Ra giêng năm ấy có một chuyện đáng buồn là: Luc-Ki đã rơi xuống vực khi đánh nhau với một bầy chó lạ. Nó chết mà hai mắt vẫn mở trừng trừng.
***
Hai mươi năm sau, tôi có dịp trở lại núi Voi. Bây giờ đã có đường ô-tô chạy lên núi. Tôi tìm đến “Lâm gia” thăm Huy. Cái nhà sàn năm xưa vẫn còn, nhưng trông xác xơ, cũ kỹ lắm!
- Ông là ai? Đi tìm ai? - Huy không nhìn ra tôi.
Tôi là “Người ở rừng lá mối” – Huy!...Cậu không nhận ra tôi à?”
Vị đạo sĩ mặc áo già lam nhìn tôi chầm chầm, rồi mừng rỡ: “Trời ơi! Việt đây mà. Sao cậu đi đâu mà lâu quá vậy?... Hơn hai mươi năm rồi!”. Nghe Huy nói, tôi bàng hoàng như mới vừa hôm qua.
- Tiểu tiên nữ ... Tiểu Nhi đâu? - tôi hỏi...
- Cô ấy đã chết... Cách đây gần mười năm!
- Trời ơi!... Sao vậy?...
- Đi săn tìm mai với tôi, chẳng may bị “chàm quạp”* cắn chết”- Huy thở dài: “...Năm ấy, có người ở Sài Gòn lên đây đặt mua giá cao một cây mai trắng có bộ hình ứng với “Tam tòng, tứ đức”. Gần Tết đến, ở trên núi... không có tiền mua sắm.Tôi dẫn Tiểu Nhi đi tìm cây Bạch mai ở tận bên núi Tà Lơn của người Miên. Qua mấy ngày đường gian nan, vất vả, chúng tôi đã gặp cây mai như ý. Tôi và Tiểu Nhi hì hục đào, bứng suốt ngày hôm ấy. Cây Bạch mai được cưa cắt và vô “bội” cẩn thận, gọn gàng, chuẩn bị sáng ngày mai gánh xuống núi, mang về... Đêm ấy, tôi và nàng ngủ mê mệt dưới gốc một cây mai rừng. Nửa khuya chợt có cơn mưa nhẹ... Hừng đông sáng, tôi lay Tiểu Nhi dậy thì cô ấy đã chết cứng! mồm sôi bọt mép, những ngón chân tím tái, mắt đứng tròng! Tôi vô cùng đau đớn, khóc than vật vả ... Rừng mai quanh tôi như lún sụt. Bầu trời như sập đè tôi xuống mặt đất còn ươn ướt... Cơn mưa! Chính cơn mưa hồi khuya là thủ phạm! Cơn mưa trái mùa không hẹn ấy đã làm tĩnh thức những con rắn “chàm quạp” đang ngủ đông! Bọn nghiệt súc nầy thông thường chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa ở Thất Sơn*.
Bây giờ Huy đã trở thành đạo sĩ và là thầy thuốc rắn nổi tiếng. Huy đã cứu được rất nhiều người bị rắn cắn, kể cả bọn “chàm quạp” cực độc! Cây bạch mai mà Huy tìm được năm ấy, anh đã không bán. Quanh gốc bạch mai nầy, thầy “Thích Sa Ma”- pháp danh của Huy - trồng khá nhiều cây “ngải lửa” là loại dược liệu chủ yếu và quan trọng trong thành phần bài thuốc chữa trị rắn cắn rất có hiệu quả! “Tiểu Nhi đã nhập hồn vào cây bạch mai... Cô ấy đã chỉ cho tôi bài thuốc trị bất cứ loài rắn độc nào!”. Tôi thoáng nghi ngờ lời nói của Huy. Có thể anh ta trong quá trình nghiên cứu, học hỏi đã tập hợp được những bài thuốc dân gian!? Nhưng cũng có thể cái chết của “Tiểu tiên nữ” đã ám ảnh anh, thôi thúc anh phải đi tìm cho được bài thuốc cứu người!?
- “Xin chào ông!...Mời ông dùng trà...”.
- Tôi giật mình quay lại. Cô gái mảnh mai, thanh thoát giống như in Tiểu Nhi ngày xưa. “Nó là con gái của tôi đấy! Chắc anh thấy nó giống mẹ nó lắm phải không?” Huy nói...
Bóng chiều lịm tắt.Trăng non nhô qua đỉnh núi Voi xanh xao, mờ ảo. Thất Sơn chìm đắm trong những cơn gió se lạnh cuối mùa đông...
--------------
* “Người ở rừng lá mối”: Ở vùng Thất Sơn, những người nghèo đi vào rừng hái lá mối để bán. Họ có lời thề độc là phải lương thiện, không trộm cắp và luôn cứu giúp người nếu có thể...
* Ngô Lợi:tên thật là Ngô Viện, tự Ngô Lợi, còn gọi là ông Năm Thiếp, Đức bổn sư, người sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở vùng Thất Sơn.Ông còn là một thủ lĩnh chống Pháp.
* Lá mối: một loại lá rừng, vò ra cho một chất dịch đặc dùng làm sương sáo, ăn ngon và bổ, mát.
*Chàm quạp: một loài rắn cực độc. Khi mưa xuống xuất hiện ở Thất Sơn khá nhiều.






Nhiều người so sánh cô với Sơn Nam. Nhưng Sơn Nam là người viết ký sự giỏi, hầu như là nhà nghiên cứu, nhà dân giả học chuyên nghiệp. Nguyễn Ngọc Tư không như vậy, cô là nhà văn chuyên môn. Những cây bút khác ở miền Nam liền trước Nguyễn Ngọc Tư (như Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng) là thế hệ của chiến tranh dành độc lập. Tuy Nguyễn Ngọc Tư không phải mang nhiệm vụ (gánh nặng?) đó nữa, quá khứ ấy được cô đưa vào truyện một cách rất tự nhiên (Mối tình năm cũ, Ngọn đèn không tắt). Có lẽ Nguyễn Ngọc Tư không biết là chính cái trẻ của cô, cái tính “tỉnh nhỏ” của cô đã cho cô một lợi thế rất lớn. Đó là cô không bị hành trang của thế hệ trước làm nặng vai, hay bị ảnh hưởng của những người đi trước (trong thư riêng gởi một độc giả, Nguyễn Ngọc Tư cho biết chưa từng đọc Võ Phiến, chẳng hạn).
Một đặc điểm của Nguyễn Ngọc Tư là hình như cô đã chớm thấy sự khác biệt giữa cô – như một nhà văn – và những người khác (chẳng hạn như trong Một mái nhà, Nguyệt - người bạn không biết viết văn). Đây là một điềm tốt nhưng cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Tốt vì cô ý thức trách nhiệm (trong chừng mực nào đó) của mình, nhưng nguy hiểm vì nó có thể gây một tự giác quá độ về chỗ đứng của cô – như một nhà văn – đối với xã hội. Nhà văn, theo tôi nghĩ, vừa phải đứng trong vừa phải đứng ngoài dòng cuộc sống. Song Nguyễn Ngọc Tư lại có vẻ thành thật tiếc nuối cuộc sống bình dị của những người không viết văn. Đặt vấn đề cách khác, những nhà văn trẻ Việt Nam như Nguyễn Ngọc Tư, từ trước đến giờ vẫn sống với cái bẩm sinh của mình, sẽ ra sao khi biết được nhiều hơn về văn đàn (thế giới), khi ý thức hơn “nghề văn” của nhà văn? Đó là những câu hỏi lớn, định đoạt chỗ đứng tương lai của nhà văn đó trong khu vườn văn học.
Một cái “bệnh” của những người viết trẻ bây giờ là mặc cảm (hay đua đòi) phải dùng một bút pháp mới, mô tả xã hội tân thời (thường được xem như đồng nghĩa với lối sống thị thành), đôi khi phải làm ra vẻ biết nhiều, học rộng. Nguyễn Ngọc Tư không cần “làm dáng” kiểu ấy. Cái mới trong văn Nguyễn Ngọc Tư chính là cái cũ, cái lạ ở cô là tài khui mở những sinh hoạt thân thuộc trước mắt. Nguyễn Ngọc Tư không “vén màn” cho người đọc thấy cái chưa từng thấy, cô không dẫn dắt ta khám phá những ngõ ngách của nội tâm mà ta chưa từng biết (một điều cũng rất cần, nhưng để những nhà văn khác). Cô chỉ đưa ra một tấm gương rất trong, thật sáng, để chúng ta nhìn thấy những sinh hoạt, tình tự rất thường. Và qua đó, lạ thay, như một tiếng đàn cộng hưởng, ta khám phá cái phong phú của chính đời ta.
Tuổi trẻ của Nguyễn Ngọc Tư làm người đoc vừa mong đợi, vừa âu lo. Mong rằng tài năng của cô sẽ chín ra, sẽ lớn thêm. Nhưng lo rằng, với tuổi đời, giọng văn tươi mát đó sẽ không còn thích hơp với những đề tài có gam màu sậm hơn. (Nhưng khoảng cách hai năm, từ Ngọn Đèn Chưa Tắt sang Giao Thừa, sự tiến bộ của cô – đúng ra là sự thích ứng với kinh nghiệm sống của cô, buồn hơn, thâm thúy hơn – làm người đọc hi vọng.)
Chúng ta mong sự trưởng thành của Nguyễn Ngọc Tư sẽ là sự trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam. Ta mong cô sẽ tiếp tục là một người ghi chép chân thật những chuyển biến của đời sống dân tộc. Nếu cô làm được điều đó thì chúng ta thật cám ơn cô. Tài năng của cô đúng là thiên phú. Nguyễn Ngọc Tư là một đặc sản của miền nam.
Tiểu Hằng Ngôn
Dayton
25 - 1- 2004
Thư gửi ông Sơn Nam
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư
Nhà Quê nhiều lần làm con giận lắm, ông à. Con mua táo về, táo Mỹ nghen, mắc tiền lắm, Nhà Quê cắn xong một miếng, nhấm nhẳn, ăn thua... mộng dừa, con ức không chịu nổi vì đã bị phụ lòng còn bị giũa một trận te tua, tội phí tiền mua mấy thứ không ngon lành gì. Con bị sốc đâu cũng năm ba lần như vậy, tặng măng cụt Nhà Quê nói ăn cũng không hơn... mãng cầu gai, còn sầu riêng thì bị quăng ngay ra cửa, vì cái mùi... thúi chịu hổng nổi.
Con thấy tổn thương ghê gớm. Nhà Quê mà ông và con yêu mến cũng có điều đáng phàn nàn, không chịu tiếp nhận cái mới gì cả, đôi lúc còn cực đoan nữa. Nhà Quê ít chịu mở ti vi coi thời sự, đã qua thời dùng bình ắc quy nhưng Nhà Quê đợi tới cải lương (hay phim) mới chịu bật ti vi. Nên hiểu biết của Nhà Quê không vượt ra khỏi cái xóm đó, con kinh đó, bờ chuối, bờ dừa đó. Sách báo thì chỉ được mấy lão nông đảng viên về hưu để mắt tới, tầm 30- 40 rảnh thì nhậu thôi, cầm tờ báo lên than buồn ngủ quá trời. Những kiến thức, những thông tin của thế giới bao la này nhiều khi bị cắt xén ra từng mẩu bằng... bàn tay, lúc ngồi soi bóng nước trong cầu cá tra, buồn tình mới săm soi vài chữ.
Vậy nên những chuyện đồng cốt thầy bà thì miễn bàn, Nhà Quê mê vô kể. Ai đó cắt lưỡi lấy máu để gỡ bùa, ai đó chữa bệnh ung thư bằng nước lạnh, ai đó lấy ếm trên nóc nhà tóe lửa, ai đó được bà cậu (tại sao bà mà là cậu được ta?!) nhập vào, bứt cọng tóc của thân chủ mà biết được quá khứ vị lai, sáng mai đi hướng nào mới tốt; ai đó một bữa đi nhậu về té sông, lội lên không biết bị người cõi nào nhập mà ho một cái, kẻ thù lăn ra chết. Sợ thiệt! Nhà Quê chịu khó chèo lắm, mỗi khi nghe đồn đãi có đồng cốt nào đó mới lập bàn thờ, tưng bừng như đi hội. Lúc đi tìm giống lúa mới, hay tham quan các mô hình canh tác cũng không hào hứng, đông đủ vậy.
Con có ghét gì Nhà Quê đâu, con thương còn không hết. Vì thương nên con mới bực mình. Hồi đó có câu “dân như mắt khóm”. Trái khóm, ông cũng biết, quá chừng mắt. Nhưng bây giờ những con mắt đó đã nhắm lại rồi, không hiểu tại sao. Nhà Quê hay bị nhằn kiểu vầy, mấy ông Nhà nước làm sao chứ để số đề hoành hành quá, mấy ông Nhà nước tính làm sao chứ nò đó trên sông nhiều quá, có bữa không biết đường chạy xuồng. Vụ số đề, rốt cuộc ai chơi? Nhà Quê chơi. Ai làm thầu? Nhà Quê luôn. Biết tỏng tòng tong đường dây mua bán, biết luôn kẻ mua người bán, nhưng Nhà Quê vẫn thấy việc dẹp bỏ nó không phải của mình. Và những cái nò đó chằng chịt trên sông cũng vậy, và những trò đồng cốt lường gạt cũng vậy... chúng được tồn tại, nuôi nấng, chiều chuộng ngay trong lòng Nhà Quê.
Con biết cái thư này làm ông buồn, ông nghi hoặc, Nhà Quê làm gì đến nỗi, dù gì, cũng còn phần hồn vía giản dị, trong trẻo. Dạ còn, hào sảng còn, chơi hết mình còn, hồn hậu còn, nhưng cũng giống như bức tường xây lâu ngày, vôi vữa bắt đầu rơi ra từng mảng nhỏ, Nhà Quê bây giờ đi đám giỗ cũng bằng tiền, cũng ghi sổ để tới đám giỗ nhà khác coi người ta đi bao nhiêu mình đi lại bấy nhiêu. Trai gái không biết làm gì nên lấy nhau sớm, có đứa mười sáu tuổi đã bồng con nèo nẹo. Có xóm, vợ nhậu vô rượt đánh... chồng te tua. Sổ đỏ nằm ở ngân hàng, nhưng có thừa ra chút tiền, đi sắm dàn karaoke về ca cho đã, chứ đằng xóm người ta sắm hết rồi, mình không có, cũng kỳ.
Bữa nay con méc mấy chuyện này với ông, Nhà Quê hay được, lại giận, nói chân con còn dính phèn mà đã day qua nói xấu quê hương xứ sở mình. Con lại được đội thêm cái nón nữa, dù con không muốn, con đủ đen rồi, muốn làm hảo hán đầu đội trời chân đạp đất.
Thôi, con dừng bút, chừng nào nhớ ra cái gì, con lại viết thư cho ông. Biết đâu chừng, thư sau, con sẽ kể một chuyện dễ thương của Nhà Quê để chứng minh là con yêu Nhà Quê, như ông.

No comments:

Post a Comment