Saturday, March 5, 2011

Để có công việc tốt, tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lấy chồng

Để có công việc tốt, tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lấy chồng
Tôi hơn Nhung 1 tuổi, có công việc cũng tốt. Nhưng để có công việc này tôi đã bỏ lỡ cơ hội của mình khi bạn bè đi chơi, yêu đương thì mình lại phải vừa học vừa làm. Đến khi học xong tôi chuyển về công ty mới thì xung quanh toàn các em! Và việc giao tiếp với bên ngoài rất ít nên cơ hội với tôi càng ít. (Mai Nguyen)
>32 tuổi vẫn vò võ một mình
From: mai nguyen
Sent: Friday, August 29, 2008 10:20 AM
Subject: chia se bai ; 32 tuoi van vo vo một minh
Chào tất cả các bạn,
Tôi là người thường xuyên vào mục Tâm sự, đọc nhiều và thấy thật nhiều hoàn cảnh, có những câu chuyện như chỉ có trên phim ảnh. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ viết chia sẻ. Gần đây có tâm sự của bạn Nhung tôi thấy như bạn đã nói hộ tâm trạng của rất nhiều người, trong đó có tôi.
Đã có rất nhiều các anh chị và các bạn viết những lòi chia sẻ và thông cảm, tôi đã đọc tất cả. Tuy nhiên tôi cũng chưa có ý định viết lời chia sẻ. Chỉ đến khi đọc bài “Cảm ơn vì sự chia sẻ của độc giả” của bạn Anh Dao thì tôi mới quyết định viết vài dòng tâm sự cùng các bạn.
Tôi đã đọc bài viết đầu của bạn Anh Đào và của anh Phong mà cả 2 người đều để lại số điện thoại. Tôi không biết anh Phong có nhận được những lời khiếm nhã như với Anh Đào không vì không thấy anh ấy viết thêm bài nào nữa. Tôi nghĩ trong một sự việc tốt hay xấu là cảm nhận của mỗi người, việc để lại số ĐT tuy hơi... dũng cảm nhưng biết đâu đấy lại là một cơ hội.
Mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm về hành động của bản thân. Nhờ có sự dũng cảm đó mà Anh Dao và anh Phong có thể có thêm rất nhiều cơ hội để có một gia đình nho nhỏ. Mong rằng những người đã có lời khiếm nhã với Anh Đào sẽ đọc tiếp bài viết này của tôi và cũng xin các bạn hãy mở lòng vị tha hơn với những cô cô gái chưa gặp may mắn trong cuộc sống gia đình như chúng tôi.
Xã hội ngày càng phát triển và việc làm quen qua mạng hay qua điện thoại chỉ là một khởi đầu. Nó tuy nhanh chóng nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro hơn so với cách làm quen thông thường. Nhưng không phải tất cả mọi người làm quen trên mạng đều có ý đồ không nghiêm túc, vì có rất nhiều cuộc hôn nhân hạnh phúc nhờ sự kết nối này.
Tôi không dám khuyên Nhung điều gì bởi rất nhiều người đã khuyên Nhung và cũng có ích cho tôi. Tôi hơn Nhung một tuổi, có công việc cũng tốt. Nhưng để có công việc này tôi đã bỏ lỡ cơ hội của mình khi bạn bè đi chơi, yêu đương thì mình lại phải vừa học vừa làm. Đến khi học xong tôi chuyển về công ty mới thì xung quanh toàn các em! Và các công việc giao tiếp với bên ngoài rất ít nên cơ hội với tôi càng ít.
Rồi tôi cũng yêu và mong anh là một bến bờ dù anh đã một lần dang dở. Nhưng, lại chữ nhưng đáng ghét, chuyện gia đinh anh không đơn giản vì anh và chị có một con chung mà không đăng ký kết hôn. Tuy không ở với nhau đã lâu, tôi thì lại muốn anh xác nhận chấm dứt hôn nhân thực tế trước pháp luật để tránh rắc rối và thế là mâu thuẫn bắt đầu.
Anh cho rằng tôi ghen tuông, phải chăng tôi đã sai khi muốn mọi chuyện rõ ràng? Và chúng tôi chia tay nhau, tôi đã buồn vô cùng, nhưng không trách anh vì có lẽ tình yêu với tôi không đủ để anh làm điều đó vì tôi. Có thể vì con anh còn quá nhỏ.
Tôi giờ cũng ngại về quê gặp mẹ, ngày nghỉ toàn loanh quanh Hà Nội. Dù rất buồn nhưng tôi hiểu rằng khi có tình yêu thật sự thì người ta mới có thể hy sinh vì nhau, và chuyện vợ chồng là duyên phận.
Có lẽ tôi đã viết khá dài, mong rằng tâm sự của tôi sẽ được đăng. Để những ai có cùng tâm trạng có thể chia sẻ với tôi (Mai): chieubuon12@gmail.com
30 tuổi chưa lấy chồng mà nói không buồn là dối lòng


Nhưng chúng mình cũng đừng nên xem vấn đề lấy chồng là tất cả để rồi "lấy đại một ai đó, được thì ở, không được thì bỏ". Vì thật sự xung quanh ta còn rất nhiều niềm vui và nhiều điều ý nghĩa khác mà mình chưa khám phá. (Mai Thuy Tam)
>32 tuổi vẫn vò võ một mình
From: Tam Mai Thuy
Sent: Tuesday, September 02, 2008 10:54 PM
Subject: Chia se tâm su voi chi Nhung
Thân chào chị Nhung và tất cả các anh/chị,
Xin tự giới thiệu, tôi cũng là một đọc giả thường xuyên của VnExpress.net, và thích nhất là mục Tâm sự.
Cũng là một phụ nữ thuộc thế hệ 7X sinh ra và lớn lên ở TP HCM, cũng khá duyên dáng, dễ nhìn và hay làm cho người khác phải... bật cười khi trò chuyện (như nhận xét của nhiều người), nhưng công việc, học hành, những mục tiêu lúc còn trẻ và nhiều lo toan khác đã cuốn tôi đi lúc nào không biết. Cũng qua vài lần yêu, nhưng chẳng đi đến đâu, giờ đến khi nhìn lại thì thấy mình đã vào cái tuổi "băm" mà vẫn đi về có một mình.
Tuy nhiên, tôi không bị áp lực từ gia đình như chị Nhung và nhiều người khác. Gia đình tôi khá thoáng trong vấn đề này. Vẫn phải tôn trọng nếp sống gia đình, nhưng các anh/chị của tôi luôn tạo cho tôi cảm giác thoải mái, tự tin trong việc lựa chọn tình yêu cho mình (ba và mẹ tôi đều đã mất) vì thật sự thì tôi cũng đã có cuộc sống độc lập, công việc và kinh tế ổn định.
Bạn Nhung à, thật sự nói là không cảm thấy buồn hay lẻ loi thì có lẽ đã dối lòng mình, nhưng chúng mình cũng đừng nên xem vấn đề lấy chồng là tất cả để rồi "lấy đại một ai đó, được thì ở, không được thì bỏ". Vì thật sự xung quanh ta còn rất nhiều niềm vui và nhiều điều ý nghĩa khác mà mình chưa khám phá.
Bạn có trình độ, đang có một công việc tốt, và nhất là có một người mẹ đang quan tâm, thương yêu bạn và để bạn thương yêu, vậy nên hãy cứ sống vui vẻ lạc quan bạn Nhung nhé! Tôi có nhớ một câu nói thế này "Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong tất cả cơ hội, còn người lạc quan tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn".
Có khi bạn sẽ nghĩ rằng nói thì dễ hơn làm, tuy nhiên như các anh/chị trên diễn đàn từng chia sẻ với bạn, bạn hãy bạn cứ sống lạc quan, yêu đời đi. Nếu không được như bạn mong muốn thì ít nhất cũng đem lại cho bạn sự tươi trẻ, khỏe khoắn và nhiều kết quả tích cực khác.
Tôi thấy nhiều anh/chị trên diễn đàn đã cho tôi và bạn nhiều lời khuyên rất hay. Bạn nên đi du lịch, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên nếu có điều kiện, hoặc tham gia những khóa học khiêu vũ, học môn thể thao nào đó mà bạn yêu thích để thư giãn hay tham gia sinh hoạt với các đoàn thể, nhóm bạn... Với một thời khóa biểu "bận rộn" như thế sau giờ làm việc, bạn sẽ làm chủ được thời gian của mình và sẽ không còn cảm giác "mong chờ ai mang niềm vui đến cho mình". Bạn sẽ thấy thoải mái và tự tin hơn đấy bạn à.
Nói bạn nghe nhé, như tôi nè, thậm chí tôi còn dành hẳn 2-3 buổi tối trong tuần để tham gia cả vào ca đoàn nhà thờ ở giáo xứ tôi ở mặc dù tôi không phải là người Công giáo. Vì tôi vốn rất thích ca hát và cũng biết chơi nhạc chút chút. Ở đó tôi cùng mọi người tham gia tập hát và hát lễ phụng sự nhà thờ hàng tuần. Nơi đó thỉnh thoảng tổ chức đi cắm trại, đi làm từ thiện...
Có một chị nào đó trên diễn đàn có ý là chúng ta hãy lập một nhóm bạn "độc thân" để cùng tâm sự và chia sẻ, tôi thấy rất hay.
Tôi rất sẵn lòng trò chuyện và chia sẻ với bạn Nhung và tất cả các anh/chị. Địa chỉ email của tôi: foryouforme2008@yahoo.com



"Bắt chồng" từ tuổi 15






Dân làng Rờ Kơi tập trung xem ti vi.
Ở xã biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, Kon Tum), theo tục lệ dân tộc H’Lăng, trẻ vị thành niên đua nhau bỏ học để lập gia đình. Các cặp "vợ chồng trẻ con" hoặc ở riêng trong những ngôi nhà tranh vách đất, hoặc sống chung với cha mẹ, sinh ra đàn con nheo nhóc.
Anh A Bier, cán bộ phụ trách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình dẫn PV đến thăm nhà Y Ă. Sinh năm 1991 nhưng Y Ă đã lấy chồng được mấy tháng.

Cô cho biết: “Ở đây cứ đến tuổi 14 - 15 là phải bỏ học “bắt chồng” (người con gái cưới người con trai về nhà mình), không thì “ế”. Mấy đứa trong làng cùng tuổi em nhưng bỏ học, bắt chồng trước em rồi. Học hành thì chỉ để biết con số, cái chữ giúp mình biết được đồng bạc mua bán, trao đổi khỏi lẫn lộn thôi, lấy chồng vui hơn...".

Y Hàng (sinh năm 1982), chị của Y Ă cũng “bắt chồng” rất sớm, nay con lớn đã chín tuổi.

Không riêng gì chị em Y Ă và Y Hàng. Cô hàng xóm Y Đương (sinh năm 1986), học xong lớp 4 thì bỏ học và đến cuối tuổi 15 thì “bắt chồng”. Hiện nay, con gái của Y Đương đã gần ba tuổi.




Vợ chồng Y Ă

Lập gia đình sớm vậy nên cô nào cũng nghèo. Con của Y Đương nhỏ tý, trông cứ như cây chuối rừng héo, do bữa nào cũng chỉ ăn cháo, rau, trộn măng rừng.

Anh A Bier cho biết: “Năm nay thôn Rờ Kơi này có đến 5 cô bắt chồng ở tuổi trẻ con, gồm: Y Ă, Y Trà (SN 1991), Y Đĩa, Y Thơk (SN 1992) và Y Đuôi (SN 1993). Y lớn nhất tròn 16 tuổi, Y nhỏ nhất (Y Đuôi) cưới chồng khi bước sang tuổi 14. Tất cả đều bỏ học khi mới đến lớp 5, cao hơn là lớp 6.

Toàn xã Rờ Kơi hiện có hơn 20 trường hợp bắt chồng ở độ tuổi dưới 15. Có trường hợp bắt chồng khi vừa bước sang tuổi 14 (Y Đuôi, SN 1993). Nhiều cặp đã ở riêng trong các ngôi nhà tạm bợ vách đất, mái tranh; nhưng cũng còn nhiều cặp vợ chồng… trẻ con, sống chung với nhau trong nhà cha mẹ rất chật chội, sinh ra cả đàn con nheo nhóc. Biết vậy nhưng bọn trẻ ở đây vẫn đua nhau bỏ học để "bắt chồng"...

Các cặp vợ chồng tảo hôn này đều đơn giản cho rằng: “Bắt chồng là để chồng giúp làm nương, rẫy, bẫy thú, bắn chim, được cha mẹ chia đất, cha mẹ đang còn khoẻ mạnh cũng dễ giúp khi mình sinh con, đẻ cái.

Chị Y Pheng - cán bộ Phụ nữ xã Rờ Kơi cho biết: "Chi hội phụ nữ xã chúng tôi thường xuyên bám cơ sở để tuyên truyền tác hại của việc lấy chồng sớm, vận động chị em bỏ hủ tục lạc hậu. Nhưng nghe hay không lại là quyền của các cháu.

Nhìn các cháu nhỏ tuổi đói khổ, tay xách nách bồng mấy đứa con, thương cái bụng lắm, nhưng rồi nói mãi các cháu đâu có nghe. Nhiều cặp vợ chồng “trẻ con” cưới nhau 5 - 7 năm sau mới đăng ký kết hôn. Nhưng cũng có trường hợp không biết kết hôn là gì và sinh con ra không làm cả giấy khai sinh. Chúng tôi phải đến từng gia đình vận động, thì họ mới chịu đi đăng ký và làm khai sinh, khi trẻ đã 3, 4 tuổi".

Theo chị Y Pheng, hiện tượng trẻ vị thành niên đua nhau bỏ học "bắt chồng" sớm theo tục lệ không chỉ có ở Rờ Kơi, mà xảy ra cả ở các xã lân cận khác trong huyện Sa Thầy như Ya Ly, Ya Tăng, Mo Rai và Ya Xia. Biết đây là một hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các cháu, nhưng các cấp hội phụ nữ chịu thua.

Toàn xã Rờ Kơi có 740 hộ với 3.381 nhân khẩu, do địa hình chủ yếu là đồi núi, có đến 426 hộ nghèo (chiếm 57,56%). Phần lớn các đối tượng nghèo đều chủ yếu do “bắt chồng” quá sớm, sinh đẻ không kế hoạch (kéo theo bệnh tật, ốm đau). Chưa ai có thể trả lời, bao giờ hủ tục này mới chấm dứt, để trẻ vị thành niên không sớm sa chân vào đói nghèo...

Theo Hân Minh

No comments:

Post a Comment